Chú Giải II Ti-mô-thê 02:14-26

4,127 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Chú Giải II Ti-mô-thê 2:14-26
Hãy Tránh Sự Tranh Luận Vô Ích
và Sự Ham Muốn Bất Chính

14 Những điều ấy con hãy ghi nhớ và làm chứng trước Chúa. Tránh sự tranh luận không đem lại ích lợi, chỉ làm hại những người nghe.

15 Hãy gắng sức cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ hổ thẹn, giảng dạy Lời của Lẽ Thật một cách ngay thẳng.

16 Nhưng phải tránh những kẻ không tin kính {nói} những lời hư không; vì chúng chỉ càng thêm lên sự không tin kính.

17 Lời nói của chúng ăn lan như chứng hoại tử. Hy-mê-nê và Phi-lết là những kẻ ấy. [Chứng hoại tử còn gọi là hoại thư, là các tế bào da thịt chết vì bị nhiễm trùng, hoặc do thiếu máu, có tính lây lan rất mạnh.]

18 Những kẻ đã sai lầm về lẽ thật, tuyên bố sự sống lại đã xảy ra rồi, mà phá đổ đức tin của một số người.

19 Tuy vậy, nền của Đức Chúa Trời đã đặt vẫn vững bền, có dấu ấn này: Chúa biết những ai thuộc về Ngài. Ai kêu cầu danh của Đấng Christ thì phải tránh khỏi sự không công chính. [Dân Số Ký 16:5; Ê-sai 26:13]

20 Trong một nhà lớn, không chỉ có những bình bằng vàng và bằng bạc, nhưng cũng {có} những {bình} bằng gỗ và bằng đất. {Có} những cái dùng cho việc sang, {có} những cái dùng cho việc hèn.

21 Vậy, nếu ai rửa sạch mình khỏi những điều ấy thì sẽ như cái bình dùng cho việc sang, được thánh hóa, có ích cho chủ mình, và sẵn sàng cho mọi việc lành.

22 Cũng hãy tránh khỏi những tham muốn của tuổi trẻ, mà theo đuổi những điều công chính, đức tin, yêu thương, hòa thuận với những người bởi lòng tinh sạch kêu cầu Chúa.

23 Hãy tránh những câu hỏi thiếu sự tin kính và ngu dại, {vì} biết rằng, chúng chỉ sinh ra những điều tranh cạnh.

24 Tôi tớ của Chúa không nên tranh cạnh, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có tài dạy dỗ, chịu đựng,

25 trong sự nhu mì mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ sự ăn năn để họ đạt tới sự tri thức về lẽ thật,

26 và họ tỉnh ngộ mà thoát khỏi bẫy của ma quỷ, {vì họ} đã bị bắt lấy bởi nó, để làm theo ý nó.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjAxMTkxNzlf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9055021-ii-ti-mo-the-2_14-26
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/l1mu8mxdcvz900q/9055021_II_Timothe_2_14-26.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

II Ti-mô-thê 2:14-26 dạy chúng ta hai điều quan trọng mà một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ cần phải cẩn thận giữ mình, để đừng vấp phạm. Đó là: Tránh sự tranh luận vô ích và tránh sự ham muốn bất chính của xác thịt.

Sự tranh luận có thể là có ích mà cũng có thể là vô ích. Sự tranh luận vô ích phát sinh từ sự kiêu ngạo, muốn tỏ ra mình là người có sự hiểu biết sâu rộng, hơn người, và muốn được nhiều người thán phục mình; hoặc muốn mọi người phải công nhận là mình đúng, dù dựa trên Lời Chúa thì mình hoàn toàn sai. Mục đích của sự tranh luận vô ích là để giành phần thắng, chứ không phải là để làm sáng tỏ lẽ thật. Chính vì thế mà trong sự tranh luận vô ích người ta thường ngụy biện, nghĩa là dùng sự lý luận không dựa trên lẽ thật để tranh luận. Khi bị ma quỷ tác động thì gọi là quỷ biện, nghĩa là dùng sự lý luận không dựa trên lẽ thật một cách khéo léo, do ma quỷ dạy cho. Những người kiêu ngạo hoặc tự ái không đúng thì đương nhiên bị ma quỷ tác động, điều khiển, trở thành công cụ của nó, bị nó dùng để đánh phá Hội Thánh.

Sự ham muốn của xác thịt có thể chính đáng mà cũng có thể không chính đáng. Cũng có khi sự ham muốn là chính đáng nhưng cách đáp ứng sự ham muốn lại không chính đáng; như đói thì muốn ăn và sự muốn ăn không có gì sai, nhưng muốn ăn cắp thức ăn của người khác để ăn là sự ham muốn bất chính. Sự ham muốn bất chính của xác thịt là sự ham muốn làm ra điều nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa, gọi tắt là sự tham muốn.

14 Những điều ấy con hãy ghi nhớ và làm chứng trước Chúa. Tránh sự tranh luận không đem lại ích lợi, chỉ làm hại những người nghe.

Những điều ấy là những điều đã được Phao-lô nêu ra từ câu 1 đến câu 13, về sự con dân Chúa cần phải chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ. Không riêng gì Ti-mô-thê mà mọi con dân Chúa cần phải ghi nhớ những điều ấy, để hiểu rõ vị trí của mình trong thế gian (vị trí của một người lính đánh trận thuộc linh cho Đức Chúa Jesus Christ), và bổn phận của mình đối với Chúa (bổn phận bỏ hết mọi sự, liều mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Chúa).

Làm chứng trước Chúa về những điều ấy có nghĩa là biến những điều ấy thành hành động trong cuộc sống. Chúa đang quan sát chúng ta, xem chúng ta có thật sự là một người lính giỏi của Ngài hay không. Tiếc thay, có quá nhiều người không biết chung vai sát cánh với anh chị em cùng Cha, để dốc lòng tác chiến, chống lại kẻ thù chung là ma quỷ, nhưng lại hơn thua với nhau từng câu nói, bắt bẻ nhau từng điều sơ ý. Lại có những người lên tiếng bênh vực những người ấy, vuốt ve lòng tự ái không đúng, vuốt ve lòng kiêu ngạo, xem mình trọng hơn những người khác của họ. Chính vì thế mà trong Hội Thánh thường xảy ra những sự tranh luận không đem lại ích lợi, làm hại cho Hội Thánh; cùng lúc tạo ra bè đảng, phá vỡ sự hiệp một trong Hội Thánh. Sau cùng, có những người nhận thấy những sự sai trái đó trong Hội Thánh, nhưng lại hèn nhát, không dám lên tiếng quở trách, vì sợ mình làm buồn lòng những kẻ có lỗi.

Sự tranh luận không đem lại lợi ích còn là sự tranh luận về giáo lý, về Thần học. Giáo lý (những sự dạy dỗ) của Thánh Kinh, và Thần học (sự học biết về Thiên Chúa) đúng Thánh Kinh là hai điều không cần tranh luận, mà chỉ cần công bố.

Chúa đã đặt ra trong Hội Thánh những người được Ngài giao phó cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa. Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật sẽ ban cho những người ấy sự thông sáng những điều mầu nhiệm của Thánh Kinh, để họ giảng dạy cho Hội Thánh những lẽ thật của Thánh Kinh. Đức Thánh Linh sẽ ban cho những ai thật lòng kính sợ Chúa, hết lòng tìm kiếm lẽ thật, được sự hiểu biết thông suốt khi được nghe giảng dạy những lẽ thật của Thánh Kinh. Vì thế, tất cả những sự tranh luận về giáo lý của Thánh Kinh và Thần học theo Thánh Kinh đều là vô ích, đều là đến từ sự thiếu hiểu biết mà kiêu ngạo, hoặc từ sự bị tiêm nhiễm các tà giáo ra từ ma quỷ.

Thần học chân chính phải hoàn toàn dựa trên Thánh Kinh. Bất cứ một chi tiết nào về Thiên Chúa mà không dựa trên Thánh Kinh thì đó không phải là Thần học theo Thánh Kinh, và con dân Chúa cần phải tránh xa. Tuy nhiên, ma quỷ lại tinh ranh, diễn giải sai lạc một số câu Thánh Kinh để gieo rắc tà giáo. Điển hình là tà giáo không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người, ngang nhiên phủ nhận những câu Thánh Kinh xác nhận Ngài là Thiên Chúa. Điển hình là tà giáo tôn thờ một “Đức Chúa Trời Mẹ” bằng cách bẻ cong ý nghĩa của Ga-la-ti 4:26 [1]. Và, điển hình là tà giáo dạy rằng: Con dân Chúa ở dưới ân điển, không còn ở dưới luật pháp, có nghĩa là con dân Chúa không còn phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Sự phạm tội là sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Sự ở dưới luật pháp là sự bị hình phạt bởi luật pháp của Đức Chúa Trời vì đã vi phạm các điều răn của Ngài. Sự ở dưới ân điển là sự nhờ vào sự chết thay của Đức Chúa Jesus Christ mà một người không còn phải chịu hình phạt của luật pháp về những tội mình đã làm ra. Lời Chúa dạy rõ: Nếu một người đã ở dưới ân điển mà cố ý phạm tội trở lại, tức là vi phạm trở lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì hình phạt dành cho người ấy sẽ rất là kinh khiếp:

Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).

Tà giáo luôn luôn dùng sự quỷ biện để bẻ cong Lời Chúa, dẫn dắt người ta xa cách lẽ thật, đi vào sự hư mất đời đời. Chỉ những ai kiêu ngạo, không thật lòng ăn năn tội, mới bị tà giáo dẫn dụ.

15 Hãy gắng sức cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ hổ thẹn, giảng dạy Lời của Lẽ Thật một cách ngay thẳng.

Từ ngữ “được đẹp lòng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là được vui nhận. Mỗi con dân Chúa cần phải cố gắng hết sức để sống nếp sống mới trong Đấng Christ, sao cho nếp sống của mình được Đức Chúa Trời vui lòng tiếp nhận. Thật vậy, thân thể của chúng ta vừa là đền thờ của Thiên Chúa, nghĩa là qua thân thể của chúng ta mà mọi sự chúng ta thờ phượng Thiên Chúa được thực hiện (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19); nhưng thân thể của chúng ta cũng chính là của lễ sống và thánh dâng lên Thiên Chúa:

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em” (Rô-ma 12:1).

Vì thân thể xác thịt của chúng ta là một của lễ sống chứ không phải của lễ đã bị giết, và thánh, tức là được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, chứ không phải để sống theo ý riêng của chúng ta, mà từng ý nghĩ, lời nói, việc làm mỗi ngày của chúng ta, tức là nếp sống của chúng ta, cũng phải đúng theo Lời Chúa và chính là của lễ dâng lên Đức Chúa Trời.

Đối với những người được Chúa giao cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, thì họ phải giảng dạy một cách ngay thẳng đúng theo Lời Chúa, không thêm, không bớt; tức là không pha trộn quan điểm cá nhân vào Lời Chúa, không pha trộn văn hóa, tín ngưỡng của thế gian, bao gồm các giáo lý của các giáo hội, vào Lời Chúa, không làm giảm bớt sự nghiêm trọng của Lời Chúa, không bỏ qua những chi tiết có thể khiến cho người nghe khó chịu.

Mỗi con dân Chúa hầu việc Chúa như người làm công cho chủ, qua nếp sống tôn vinh danh Chúa mỗi ngày của chúng ta. Hãy sống sao cho: Hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, cũng đều vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31). Có như vậy, chúng ta mới không hổ thẹn với chính mình và với Chúa khi đối diện với Chúa trong ngày Chúa đến.

16 Nhưng phải tránh những kẻ không tin kính {nói} những lời hư không; vì chúng chỉ càng thêm lên sự không tin kính.

Động từ “tránh” được dùng trong câu này có nghĩa là xoay mặt khỏi. Con dân Chúa phải tránh những kẻ không tin kính khi họ nói những lời hư không. Những kẻ không tin kính là những người không tin kính Thiên Chúa. Những lời hư không là bất cứ những lời nào không đem lại ích lợi, không gây dựng, nhất là những câu chuyện đùa vui nhảm nhí, tục tỉu, phạm thượng.

Người thật sự tin kính Chúa thì giữ gìn môi miệng của mình, để không nói ra những lời hư không; giữ gìn lỗ tai của mình, để không nghe những lời hư không; và giữ gìn mắt của mình, để không thấy và đọc những lời hư không được viết thành chữ, được diễn thành kịch, được quay thành phim, được vẽ thành hình.

17 Lời nói của chúng ăn lan như chứng hoại tử. Hy-mê-nê và Phi-lết là những kẻ ấy. [Chứng hoại tử còn gọi là hoại thư, là các tế bào da thịt chết vì bị nhiễm trùng, hoặc do thiếu máu, có tính lây lan rất mạnh.]

18 Những kẻ đã sai lầm về lẽ thật, tuyên bố sự sống lại đã xảy ra rồi, mà phá đổ đức tin của một số người.

Những lời hư không có tính cách lây lan rất mạnh. Chính Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã ví chúng như chứng hoại tử, là chứng da thịt bị hư, thối, có tính lây lan rất mạnh. Một vài hình thức của những lời hư không là sự cố ý nói ngọng, viết ngọng mà chúng ta thấy phổ biến trên các trang mạng xã hội, như facebook; sự đăng những lời tục tỉu, rủa sả, chửi mắng, phạm thượng trong phần góp ý. Ngôn ngữ của mỗi dân tộc là sự ban cho của Thiên Chúa, ai nấy có bổn phận tôn quý ngôn ngữ của dân tộc mình, và giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ. Sa-tan đã làm cho các ngôn ngữ của loài người trở thành băng hoại, khi chúng khiến cho loài người nói ra những lời thô tục, mắng chửi, phạm thượng, và dối trá. Là con dân Chúa, mỗi chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên thành một người mới, dùng các ngôn ngữ mới mà nói (II Cô-rinh-tô 5:17; Mác 16:17), tức là nói các ngôn ngữ của loài người trong sự tin kính Thiên Chúa. Thế thì tại sao lại có những con dân Chúa bắt chước những kẻ không tin kính, nói và viết như những kẻ không tín kính?

Tôi lấy làm lạ và rất đau lòng khi thấy có những con dân Chúa để cho những người không tin Chúa viết những lời góp ý thô tục, rủa sả, phạm thượng trên trang facebook của họ. Những người ấy thấy nhu cầu kết bạn với những người không tin kính, là lớn hơn sự gắng sức để được Đức Chúa Trời chấp nhận mình trong từng ý nghĩ, lời nói, việc làm, nên họ đã cho phép những kẻ không tin kính làm nhục mình, làm nhục chi thể của Đấng Christ, trên trang facebook của mình. Những người ấy đã tích cực dự phần trong sự phạm tội của những người không tin kính.

Thánh Kinh không cho chúng ta biết gì thêm về Hy-mê-nê và Phi-lết, ngoại trừ I Ti-mô-thê 1:20 có nói đến sự kiện Hy-mê-nê bị Phao-lô dứt thông công vì rao giảng tà giáo. Phi-lết có lẽ là học trò của Hy-mê-nê, tích cực phổ biến tà giáo do Hy-mê-nê rao giảng. Theo câu 18 thì tà giáo ấy là tà giáo công bố sự sống lại đã xảy ra rồi, và như vậy, không còn có sự sống lại nào khác sẽ đến. Nói cách khác, họ chỉ tin sự sống lại thuộc linh của linh hồn và tâm thần, mà không tin sự sống lại của thân thể xác thịt.

Sự sai lầm về lẽ thật là sự có lẽ thật nhưng không hiểu đúng về lẽ thật. Một người hiểu không đúng về lẽ thật là một người kiêu ngạo, tự cho mình khôn sáng, có khả năng hiểu biết những sự sâu nhiệm của Lời Chúa, thay vì hạ mình trước Đức Thánh Linh, xin Ngài dẫn dắt mình vào mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Những người ấy khi nghe những người đã được Chúa ban cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa rao giảng, thì không chịu chấp nhận. Một người hiểu không đúng về lẽ thật cũng có thể là một người kiêu ngạo vì muốn làm thầy những người khác, tự mình suy diễn Lời Chúa theo ý riêng, và có sự hoang tưởng mình được Chúa chọn làm tiên tri, làm giáo sư… Sứ Đồ Phi-e-rơ đã nói về những người như vậy:

Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:16) [2].

Khi một người đã có lòng kiêu ngạo, thì lập tức trở thành mồi ngon của ma quỷ. Ma quỷ sẽ dùng người ấy làm công cụ trong tay chúng, để đánh phá Hội Thánh.

Tà giáo luôn phá đổ đức tin của những ai không thật lòng ăn năn, từ bỏ tội. Nhìn vào đời sống của những người nghe theo tà giáo mà đức tin vào Lời Chúa bị phá đổ, chúng ta sẽ thấy rõ, họ là những người không sống theo Lời Chúa. Có bốn đặc tính thể hiện rõ nhất trong họ là: Kiêu ngạo hoặc tự ái không đúng. Tham tiền. Tà dâm. Dối trá, bao gồm ngụy biện và vu khống.

19 Tuy vậy, nền của Đức Chúa Trời đã đặt vẫn vững bền, có dấu ấn này: Chúa biết những ai thuộc về Ngài. Ai kêu cầu danh của Đấng Christ thì phải tránh khỏi sự không công chính. [Dân Số Ký 16:5; Ê-sai 26:13]

Nền của Đức Chúa Trời đã đặt chính là Hội Thánh được xây dựng trên Thiên Chúa Ngôi Lời, như chúng ta đã học trong I Ti-mô-thê 1:15-16 [3]. Mặc dù trong Hội Thánh có những kẻ giả hình, những kẻ nhân danh Chúa nói tiên tri, trừ quỷ, và làm phép lạ mà họ không thuộc về Chúa, không ở trong sự cứu rỗi của Ngài, và Chúa không hề biết họ (Ma-thi-ơ 7:22-23); nhưng Chúa biết rõ những ai thuộc về Ngài. Tất cả những ai thuộc về Ngài sẽ được vững bền cho đến cuối cùng, không bị sụp đổ đức tin, không bị tà giáo dẫn dụ. Dấu hiệu của những người thật sự thuộc về Chúa là họ luôn sống công chính theo Lời Chúa. Họ không kiêu ngạo hoặc tự ái không đúng; không tham tiền, không tham lợi; không phạm tà dâm, không vui thú những sự ô uế, tục tĩu; không ngụy biện để bao che tội lỗi cho chính mình hoặc cho những người mình quý mến; không vu khống người khác để dành phần thắng về mình.

20 Trong một nhà lớn, không chỉ có những bình bằng vàng và bằng bạc, nhưng cũng {có} những {bình} bằng gỗ và bằng đất. {Có} những cái dùng cho việc sang, {có} những cái dùng cho việc hèn.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, dùng hình ảnh những cái bình sang trọng được làm bằng vàng hoặc bạc, và những cái bình thấp hèn được làm bằng gỗ hoặc đất, để minh hoạ cho sự Thiên Chúa dùng những người thuộc về Ngài cho những việc cao quý, và dùng những người không thuộc về Ngài cho những việc thấp hèn.

Ngày xưa, người ta dùng những bình làm bằng gỗ hoặc đất cho việc khạc nhổ hoặc tiêu tiểu. Những bình đó được dùng trong một thời gian, rồi bỏ đi. Riêng các bình làm bằng vàng hoặc bạc thì cứ được dùng để chứa các thức uống hoặc hương liệu.

Một số người hiểu sai về ý nghĩa của câu này, nên nói rằng: Tôi chỉ mong được làm một cái bình đất trong nhà của Chúa, dùng cho các việc thấp hèn, là đã thỏa lòng.

Tuy nhiên, số phận của những cái bình làm bằng gỗ hoặc đất là bị bỏ đi, sau khi đã được dùng cho những việc hèn. Những người như Hy-mê-nê và Phi-lết, sau khi được Chúa dùng để thu hút những người không thật lòng tin kính, phơi bày họ trước Hội Thánh, thì sẽ chuốc lấy sự hư mất cho riêng mình, như đã được tiên tri trong II Phi-e-rơ 3:16.

Lời Chúa trong Châm Ngôn 16:4 chép:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dựng nên muôn vật cho chính Ngài; ngay cả kẻ ác {cũng được dựng nên} là để cho ngày tai họa.”

Kẻ ác được dựng nên cho ngày tai họa là để chúng gieo rắc tai họa cho những ai Thiên Chúa muốn hình phạt; và cuối cùng thì kẻ ác sẽ bị Thiên Chúa hình phạt trong ngày tai họa của chính kẻ ấy, để thể hiện sự vinh quang của Thiên Chúa.

21 Vậy, nếu ai rửa sạch mình khỏi những điều ấy thì sẽ như cái bình dùng cho việc sang, được thánh hóa, có ích cho chủ mình, và sẵn sàng cho mọi việc lành.

Rửa sạch mình khỏi những điều ấy là rửa sạch mình khỏi những sự không tin kính, những lời hư không. Rửa sạch bằng cách hạ mình, ăn năn xưng tội trước Thiên Chúa, vì mình đã từng vui thú trong những sự ấy, để được Đức Chúa Jesus Christ dùng máu thánh của Ngài rửa sạch mọi tội lỗi, được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi, được Đức Thánh Linh ban cho thánh linh của Thiên Chúa mà sống thánh khiết theo Lời Chúa. Chỉ khi một người được sạch tội, được đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa, thì người ấy mới có thể được dùng cho những công việc trong nhà của Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh, mà mỗi việc đều là cao trọng. Chỉ khi đó thì những việc người ấy làm ra mới được kể là những việc lành, đẹp lòng Đức Chúa Trời.

22 Cũng hãy tránh khỏi những tham muốn của tuổi trẻ, mà theo đuổi những điều công chính, đức tin, yêu thương, hòa thuận với những người bởi lòng tinh sạch kêu cầu Chúa.

Danh từ “sự tham muốn” được dùng để chỉ về sự ham muốn bất chính, tức là sự ham muốn điều không thuộc về mình hoặc điều mình không được phép ham muốn. Tuổi trẻ có những sự tham muốn của tuổi trẻ, tuổi già có những sự tham muốn của tuổi già. Vì Ti-mô-thê là một người trẻ nên Phao-lô nhấn mạnh đến sự tham muốn của tuổi trẻ. Ngày nay, những sự tham muốn của tuổi trẻ đã thêm nhiều hơn, so với thời của Ti-mô-thê, cách nay gần hai ngàn năm, nhờ vào sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Tin tức thời sự mỗi ngày trên TV, trên báo chí, trên các trang mạng thông tin cho chúng ta thấy, biết bao nhiêu là hậu quả xấu đã xảy ra khi giới trẻ bất chấp mọi sự để thỏa lòng tham muốn. Sự tham muốn tình dục bất chính dẫn đến những hành động hiếp dâm, mua bán dâm, ngoại tình, và phá thai. Sự tham muốn cảm giác hưng phấn do ma túy đem lại dẫn đến những hành động trộm cắp, cướp của, giết người, và tự sát. Sự tham muốn hút thuốc lá khiến cho hơn bảy triệu người chết mỗi năm, trong đó khoảng 890,000 người chết vì ngửi khói thuốc do người khác hút [4]. Sự tham muốn say rượu khiến cho hơn 2.5 triệu người chết mỗi năm, trong đó có khoảng 320,000 người tuổi từ 15 đến 29 [5].

Ngoài những sự tham muốn về thuộc thể, còn có những sự tham muốn về thuộc linh, tức là sự tham muốn phát xuất từ lòng kiêu ngạo, như tham muốn những chức vụ trong Hội Thánh mà Chúa không ban cho mình, hoặc tham muốn được mọi người thán phục, ngưỡng mộ mình như một người tài giỏi và hiểu biết hơn họ. Có biết bao nhiêu người tự xưng là “mục sư”, giáo sư, và tiên tri… tự chuốc lấy sự phán xét và hình phạt cho chính mình. Có biết bao nhiêu người khi phạm lỗi, phạm tội thì không chấp nhận sự kỷ luật của Hội Thánh, giận dỗi, bỏ Hội Thánh ra đi…

Đối với một người không tin Chúa, những sự tham muốn của tuổi trẻ sẽ theo người ấy cho đến chết hoặc cho đến khi người ấy được dựng nên mới trong Đấng Christ. Đối với một người đã tin Chúa mà lại quay về với những sự tham muốn của tuổi trẻ, thì nguy cơ bị trật phần ân điển sẽ rất lớn (Hê-bơ-rơ 12:15). Bị trật phần ân điển là tình trạng “không còn tế lễ chuộc tội” dành cho người ấy, mà chỉ còn hình phạt kinh khiếp, như đã được nói đến trong Hê-bơ-rơ 10:26-27.

23 Hãy tránh những câu hỏi thiếu sự tin kính và ngu dại, {vì} biết rằng, chúng chỉ sinh ra những điều tranh cạnh.

Những câu hỏi thiếu sự tin kính là những câu hỏi có tính cách phỉ báng Thiên Chúa, Thánh Kinh, và đức tin của con dân Chúa; như câu hỏi: Làm sao một nữ đồng trinh có thể sinh con? Những câu hỏi ngu dại là những câu hỏi không dựa trên kiến thức và học thức thông thường; như câu hỏi: Có phải Thánh Kinh chứng minh trái đất không phải là một khối hình cầu, mà chỉ là một khối mặt phẳng có bốn góc?

Con dân Chúa không cần tốn thời gian cho những câu hỏi thiếu sự tin kính và những câu hỏi ngu dại; vì rõ ràng là những câu hỏi ấy chỉ sinh ra những điều tranh cạnh.

24 Tôi tớ của Chúa không nên tranh cạnh, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có tài dạy dỗ, chịu đựng,

25 trong sự nhu mì mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ sự ăn năn để họ đạt tới sự tri thức về lẽ thật,

Sự tranh cạnh là sự đánh nhau để giành phần hơn, phần thắng. Sự tranh cạnh có thể vì nguyên nhân tốt hoặc nguyên nhân xấu. Sự tranh cạnh do tranh luận về những câu hỏi thiếu sự tin kính và ngu dại là không nên. Người phục vụ Chúa phải học tập tính nhu mì và khiêm nhường của Chúa (Ma-thi-ơ 11:29). Dù khi từ chối những câu hỏi thiếu sự tin kính và ngu dại, thì cũng từ chối với sự mềm mại, dịu dàng. Người phục vụ Chúa cũng phải có tài dạy dỗ và chịu đựng trong sự nhu mì, để sửa dạy những kẻ chống trả lẽ thật. Có tài dạy dỗ là biết khéo léo giúp cho người khác nhận thức mọi sự việc đúng theo Lời Chúa. Chịu đựng trong sự nhu mì là biết yên lặng, chờ đợi một thời gian, trong sự cầu nguyện, để những kẻ chống trả lẽ thật có đủ thời gian suy ngẫm Lời Chúa; mong rằng họ sẽ được Đức Chúa Trời ban cho nhận biết mọi sự việc đúng theo Lời Chúa mà ăn năn.

26 và họ tỉnh ngộ mà thoát khỏi bẫy của ma quỷ, {vì họ} đã bị bắt lấy bởi nó, để làm theo ý nó.

Những người chống trả lẽ thật là những người vì sự kiêu ngạo mà không vâng phục người chăn, người giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Chính vì thế mà họ bị sập bẫy của ma quỷ và bị ma quỷ điều khiển. Họ nhận xét và phân tích sự việc theo tiêu chuẩn của thế gian, thay vì theo tiêu chuẩn của Lời Chúa. Họ đặt tự ái của họ, sĩ diện của họ lên trên Lời Chúa. Vì thế, họ không xem những người khác là tôn trọng hơn mình và không vâng phục thẩm quyền Chúa đặt để trong Hội Thánh. Họ thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng họ không sống theo con người mới mà sống theo con người cũ. Vì thế, bình thường thì họ như là những con dân Chúa sống tin kính, sốt sắng trong mọi mục vụ của Hội Thánh. Nhưng khi xảy ra một sự kiện đụng chạm đến lòng tự ái không đúng của họ, thì họ thể hiện ngay sự kiêu ngạo và cứng lòng, bất chấp lẽ thật.

Hội Thánh cần cầu thay cho những người như vậy. Nhưng sau ba lần khuyên bảo mà họ không ăn năn, thì Hội Thánh đành phải vâng theo mệnh lệnh của Chúa mà dứt thông công họ.

Nguyện Đức Chúa Trời cứ luôn thương xót chúng ta, dùng Lời Hằng Sống của Ngài để thánh hóa chúng ta mỗi ngày. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ luôn ban cho chúng ta ân điển của Ngài, để chúng ta luôn mạnh mẽ trong cuộc chiến thuộc linh lẫn thuộc thể, xứng đáng là những người lính giỏi của Ngài. Nguyện Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, luôn ban cho chúng ta thần trí của Đấng Christ để chúng ta luôn hiểu biết mọi lẽ thật của Thánh Kinh và sống trong lẽ thật. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/11/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Ngài Là Duy Nhất”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-ngai-la-duy-nhat/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] Xin đọc và nghe bài giảng “Chú Giải Ga-la-ti 4:21-31”:
https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ga-la-ti-4_21-31/

[2] Xin đọc và nghe bài giảng “Chú Giải II Phi-e-rơ 3:10-18”:
https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ii-phi-e-ro-3_10-18/

[3] Xin đọc và nghe bài giảng “Chú Giải I Ti-mô-thê 3:1-16”:
https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-3_1-16/

[4] http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs339/en/

[5] https://www.ncadd.org/blogs/in-the-news/2-5-million-alcohol-related-deaths-worldwide-annually