Chú Giải II Ti-mô-thê 03:01-17

5,354 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Chú Giải II Ti-mô-thê 3:1-17
Những Thời Kỳ Khó Khăn

1 Hãy biết điều này: Trong những ngày sau cùng, những thời kỳ khó khăn sẽ đến.

2 Vì loài người sẽ là những kẻ ích kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, phạm thượng, không vâng phục cha mẹ, không biết ơn, không tin kính,

3 không có tình cảm tự nhiên, không hòa thuận, hay vu khống, không tiết độ, hung dữ, chống nghịch những sự lành và những người lành,

4 phản bội, nóng tính, lên mình kiêu ngạo, yêu sự khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa,

5 có hình thức của sự tin kính, nhưng chối bỏ quyền lực của sự ấy. Con hãy tránh những kẻ như vậy.

6 Vì trong bọn họ có những kẻ lẻn vào các nhà, và bắt lấy những người đàn bà ngu dại chứa đầy những tội lỗi, bị dẫn dụ bởi những sự tham muốn khác nhau.

7 Chúng nó học luôn mà không thể đạt tới sự tri thức về lẽ thật.

8 Như Gian-nét với Giam-be chống nghịch Môi-se, những kẻ này cũng chống trả lẽ thật. (Họ là} những người tâm trí bị hư hoại, đức tin của họ không được chấp nhận.

9 Nhưng họ sẽ không tiến xa hơn, vì sự ngu dại của họ sẽ bị tỏ ra cho mọi người, cũng như của các người kia.

10 Nhưng con đã nhận biết sự dạy dỗ, nếp sống, mục đích, đức tin, sự nhẫn nại, sự yêu thương, sự bền đỗ của ta,

11 những sự bách hại, những hoạn nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, tại I-cô-ni, tại Lít-trơ. Những sự bắt bớ đó ta đều chịu cả, nhưng Chúa đã giải cứu ta khỏi hết thảy.

12 Hễ ai muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ Jesus thì sẽ bị bách hại.

13 Nhưng những kẻ ác và những kẻ giả mạo thì càng dấn sâu vào sự dữ, làm lầm lạc {những người khác} và {chính mình} cũng bị lầm lạc.

14 Nhưng con hãy ở lại trong những sự con đã học và được giao phó cho, vì biết con đã học những điều đó với ai.

15 Từ khi còn thơ ấu, con đã biết Thánh Kinh có năng lực khiến con khôn ngoan, dẫn đến sự cứu rỗi bởi đức tin, {là} sự {ở} trong Đấng Christ Jesus.

16 Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm]

17 để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjAyNjI0NzFf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9055030-ii-ti-mo-the-3_1-17
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/cg4ge20gz1cir9d/9055030_II_Timothe_3_1-17.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

II Ti-mô-thê đoạn 3 là một lời tiên tri quan trọng, nói lên tình trạng băng hoại của loài người vào những ngày cuối cùng trong lịch sử tự trị của loài người. Như chúng ta đã biết qua lời công bố của Sứ Đồ Phi-e-rơ, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:14-17, từ ngữ “những ngày sau cùng” trong Thánh Kinh chỉ về khoảng thời gian từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, cứu chuộc nhân loại ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, cho đến khi Ngài trở lại thế gian để thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài. Khoảng thời gian ấy kéo dài chừng hai ngàn năm. Chính vì thế mà có rất nhiều thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, càng gần đến ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian chừng nào, thì càng có nhiều kỳ khó khăn chừng nấy, và sự khó khăn cũng càng nghiêm trọng hơn. Những sự khó khăn xảy ra là vì hậu quả sự phạm tội của loài người. Loài người bất chấp tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa, trở nên độc ác: bóc lột lẫn nhau, hãm hại lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau; để rồi cuối cùng toàn thế gian phải trải qua bảy năm đại nạn bởi hình phạt của Đức Chúa Trời.

1 Hãy biết điều này: Trong những ngày sau cùng, những thời kỳ khó khăn sẽ đến.

Hãy biết điều này” là mệnh lệnh chung cho mỗi một con dân Chúa, vì con dân Chúa lúc nào cũng phải chịu nhiều khó khăn hơn những người không tin Chúa trong mỗi thời kỳ khó khăn của những ngày sau cùng. Con dân Chúa phải chịu những nỗi khó khăn chung trong thế gian như những người không tin Chúa, rồi còn phải chịu những khó khăn do bị những người không tin Chúa bắt bớ đức tin của họ. Lời Chúa đã báo trước:

Nếu các ngươi ra từ thế gian thì thế gian sẽ yêu sự thuộc về nó; nhưng vì các ngươi không ra từ thế gian mà Ta đã chọn các ngươi ra khỏi thế gian, bởi vậy, thế gian ghét các ngươi.” (Giăng 15:19).

Ngoài ra, con dân Chúa phải chịu nhiều khó khăn hơn người không tin Chúa, vì con dân Chúa không thể làm ra những sự tội lỗi để tránh khó khăn. Ngay từ thời Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành đã là thời kỳ khó khăn do những người theo Do-thái Giáo bách hại Chúa và những ai tin nhận Tin Lành. Tiếp theo đó là những thời kỳ khó khăn do các hoàng đế La-mã ra lệnh bách hại con dân Chúa, kéo dài từ năm 64 đến năm 313, với khoảng hai triệu người bị giết bằng những phương cách dã man [1]. Tiếp theo đó là những thời kỳ khó khăn do Giáo Hội Công Giáo bách hại con dân Chúa, kéo dài từ năm 350 cho đến năm 1750, với hơn 50 triệu người bị tra tấn và giết chết bằng những phương cách dã man nhất [2]. Lại có những thời kỳ khó khăn do Hồi Giáo và Cộng Sản bách hại con dân Chúa, vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Thêm vào đó là chiến tranh và các thiên tai: giông bão, động đất, sóng thần, núi lửa, hạn hán, lụt lội, thất mùa, dịch bệnh.

Thời kỳ khó khăn sau cùng và kinh khủng nhất chính là giai đoạn bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế.

2 Vì loài người sẽ là những kẻ ích kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, phạm thượng, không vâng phục cha mẹ, không biết ơn, không tin kính,

Sự khó khăn do tội lỗi của loài người gây ra còn đáng sợ hơn bất cứ một thiên tai nào, vì nó làm đau đớn thiệt hại loài người từ thuộc thể đến thuộc linh, khiến người phạm tội bị hư mất đời đời, nếu không kịp thời ăn năn và tin nhận Tin Lành cứu rỗi của Thiên Chúa.

Kẻ ích kỷ là kẻ chỉ biết lo cho bản thân của mình, bất chấp nhu cầu và quyền lợi của người khác. Lòng ích kỷ dẫn đến lòng tham tiền, khiến cho người ta bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm tiền.

Kẻ khoe khoang là kẻ chỉ muốn người khác tung hô mình, thán phục mình. Xấc xược là không tôn trọng người khác khi thấy người khác không bằng mình hoặc không đủ sức chống lại mình. Lòng khoe khoang dẫn đến thói xấc xược, khinh thường người khác. Thói xấc xược dẫn đến sự phạm thượng, hỗn láo với những bậc lớn tuổi hơn mình hoặc có thẩm quyền trên mình, và ngay cả phạm thượng Thiên Chúa.

Khi một người đã ích kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược thì đương nhiên người ấy sẽ không vâng phục cha mẹ, thậm chí còn hỗn láo đối với cha mẹ, sẽ không biết ơn những người cứu giúp mình, và sẽ không có lòng tin kính Thiên Chúa.

3 không có tình cảm tự nhiên, không hòa thuận, hay vu khống, không tiết độ, hung dữ, chống nghịch những sự lành và những người lành,

Tình cảm tự nhiên là những tình cảm do chính Thiên Chúa ban cho loài người khi Ngài dựng nên loài người, nhờ đó, loài người biết yêu những gì Thiên Chúa yêu và ghét những gì Thiên Chúa ghét. Nói cách khác, loài người tự nhiên biết yêu và ghét theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc, gia đình, bạn bè, yêu người khác như chính mình, yêu những sự thiện và những sự đẹp… là tình cảm tự nhiên. Lòng gớm ghét những sự ô uế, độc ác, bất công, dối trá… là tình cảm tự nhiên. Kẻ không có tình cảm tự nhiên là kẻ không biết yêu và ghét như vậy. Chính vì thế mà kẻ không có tình cảm tự nhiên không thể hòa thuận với bất cứ ai; hay vu khống, tức là cáo gian người khác để đạt được mục đích của mình; không tiết độ, tức là buông mình trụy lạc trong bất cứ những gì mình thích; trở thành hung dữ để bảo vệ nếp sống của mình, chiếm đoạt những sự thuộc về người khác; và đương nhiên là kẻ chống nghịch những sự lành và những người lành, vì những sự lành làm nổi bật những sự ác của kẻ ấy và những người lành lên tiếng tố cáo sự ác của kẻ ấy.

Những sự lành và những người lành được nói đến ở đây không theo tiêu chuẩn lành của thế gian, mà theo tiêu chuẩn của Lời Chúa, là Thánh Kinh. Những sự lành là những sự đúng với Lời Chúa. Những người lành là những người sống theo Lời Chúa.

4 phản bội, nóng tính, lên mình kiêu ngạo, yêu sự khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa,

Phản bội là nghịch lại những người cứu giúp mình, bênh vực mình, chăm sóc mình, dạy dỗ mình. Nóng tính là nổi giận ngay khi sự việc không xảy ra theo ý mình, kể cả khi mình có lỗi. Lên mình kiêu ngạo là tự đánh giá mình cao hơn khả năng của mình, thí dụ, chưa đọc hết Thánh Kinh mà cho rằng mình hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa, xứng đáng giảng dạy cho người khác, bác bỏ sự giảng dạy của những người được Chúa giao cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Yêu sự khoái lạc là yêu những gì đem lại vui thú cho thân thể xác thịt, dù đó là tội lỗi. Kẻ ích kỷ thì đương nhiên yêu sự khoái lạc hơn là yêu Thiên Chúa.

5 có hình thức của sự tin kính, nhưng chối bỏ quyền lực của sự ấy. Con hãy tránh những kẻ như vậy.

Câu 5 cho chúng ta biết, loài người tỏ ra tin kính trong các tín ngưỡng và tỏ ra có nếp sống đạo đức. Khắp thế gian có hàng chục ngàn tôn giáo và không một trường học nào trong thế gian mà không dạy về đạo đức. Nhưng thực chất thì loài người chỉ là những kẻ giả hình, xem thường sự tin kính và các tiêu chuẩn đạo đức. Thí dụ, họ tỏ ra tôn trọng các tín ngưỡng, các tôn giáo, và kêu gọi kiến tạo một xã hội yêu thương, đoàn kết, công chính, nhưng cùng một lúc họ tranh đấu cho sự tự do phá thai, tự do đồng tính luyến ái, và tín đồ của tôn giáo này tàn sát tín đồ của tôn giáo kia. Chối bỏ quyền lực của sự tin kính là không để cho sự tin kính biến đổi mình thành một người lành. Ngày nay, các giáo hội mang danh Chúa đầy dẫy những kẻ như vậy. Ngay trong Hội Thánh thật của Chúa cũng bị họ xâm nhập. Con dân Chúa phải tránh xa những kẻ như vậy, sau khi đã rao giảng Tin Lành cho họ mà họ không tin nhận, hoặc đối với những kẻ giả hình trong Hội Thánh, con dân Chúa cần phải lập tức dứt thông công với họ.

6 Vì trong bọn họ có những kẻ lẻn vào các nhà, và bắt lấy những người đàn bà ngu dại chứa đầy những tội lỗi, bị dẫn dụ bởi những sự tham muốn khác nhau.

Đây là một tình trạng đặc biệt về việc các giáo sư giả và tiên tri giả lừa gạt tiền bạc và tình cảm của những phụ nữ thiếu sự khôn sáng nhưng đầy dẫy những sự tham muốn. Các giáo sư giả và tiên tri giả có thể nhân danh Chúa hoặc nhân danh bất cứ một tà thần nào. Thế gian gọi họ là những kẻ “buôn thần bán thánh”. Ngày xưa thì các giáo sư giả và tiên tri giả tìm đến nhà của những phụ nữ như vậy. Ngày nay thì họ có thể xâm nhập vào tận phòng riêng của các phụ nữ như vậy qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, và trang mạng Internet. Động từ “bắt lấy” có nghĩa là sự bắt lấy như bắt tù binh hoặc bắt người làm nô lệ. Vì ngu dại mà những phụ nữ ấy nghe theo lời dẫn dụ của các giáo sư giả và tiên tri giả. Vì những tham muốn mà những phụ nữ ấy phạm tà dâm với các giáo sư giả và tiên tri giả rồi cùng họ lừa gạt những người khác.

7 Chúng nó học luôn mà không thể đạt tới sự tri thức về lẽ thật.

Những kẻ giả hình ấy vẫn trau dồi sự hiểu biết của họ, rao giảng biết bao nhiêu bài giảng, viết ra biết bao nhiêu là sách, nhưng không thể nào đạt tới sự tri thức về lẽ thật, mà chỉ ngày càng lún sâu vào trong sự ngu dại. Riêng đối với những kẻ giả hình trong các giáo hội mang danh Chúa, họ mang lấy các học vị thạc sĩ, tiến sĩ Thần học, nhưng không hề hiểu biết Lời Chúa, tự ý giải sai ý nghĩa của Lời Chúa ngày càng hơn, thay thế các điều răn của Đức Chúa Trời bằng các điều răn của loài người để phục vụ cho giáo hội của họ; cuối cùng, họ tự chuốc lấy sự hư mất, như II Phi-e-rơ 3:16 đã xác định.

8 Như Gian-nét với Giam-be chống nghịch Môi-se, những kẻ này cũng chống trả lẽ thật. (Họ là} những người tâm trí bị hư hoại, đức tin của họ không được chấp nhận.

Theo tài liệu giải kinh của người Do-thái thì Gian-nét và Giam-be là hai phù thủy trong cung điện của Pha-ra-ôn, được Pha-ra-ôn gọi ra làm phép lạ để chống lại phép lạ Môi-se đã làm ra trước mặt Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:11). Hành động của hai phù thủy này là dùng quyền lực của ma quỷ để làm ra phép lạ tương tự như phép lạ mà Môi-se đã dùng quyền lực của Thiên Chúa để truyền cho A-rôn làm ra. Họ đã dùng quyền lực của ma quỷ để chống lại thẩm quyền của Thiên Chúa ban cho Môi-se. Tuy nhiên, cây gậy hóa thành rắn của A-rôn đã nuốt các cây gậy hóa thành rắn của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:12).

Những tiên tri giả và giáo sư giả ngày nay cũng dùng quyền lực của ma quỷ để giả mạo những việc làm của những tôi tớ chân thật của Thiên Chúa, từ việc giảng Tin Lành (họ giảng một tin lành khác), đến việc nhân danh Đức Chúa Jesus (họ nhân danh một Jesus khác) để nói tiên tri, đuổi quỷ, và làm phép lạ (Ma-thi-ơ 7:22-23; II Cô-rinh-tô 11:4; Ga-la-ti 1:6). Sự đuổi quỷ của họ chỉ là một sự giả vờ để khiến người ta càng tin cậy và thờ phượng ma quỷ càng hơn. Tâm trí của họ đã bị hư hoại, có nghĩa là sự nhận thức, cảm xúc, và suy nghĩ của họ không còn dựa trên lẽ thật, mà chỉ dựa vào những sự dối trá và ảo giác do ma quỷ mang đến cho họ. Dù họ xưng nhận là họ tin nhận Tin Lành, nhưng đức tin của họ không được chấp nhận, vì tin lành mà họ tin, không phải là Tin Lành của Thánh Kinh.

9 Nhưng họ sẽ không tiến xa hơn, vì sự ngu dại của họ sẽ bị tỏ ra cho mọi người, cũng như của các người kia.

Họ không thể tiến xa hơn trong sự giả hình. Chúa chỉ cho phép họ hành động trong một thời gian, rồi Ngài tỏ ra sự ngu dại của họ trước thế gian, như xưa kia Ngài đã tỏ ra sự ngu dại của các phù thủy trong triều đình của Pha-ra-ôn. Sau khi Ngài cho phép họ dùng quyền lực của ma quỷ bắt chước Môi-se và A-rôn làm ra ba phép lạ, như: khiến cho gậy hóa thành rắn, khiến cho nước hóa thành máu, khiến cho ếch nhái bò lan trên khắp đất của xứ Ê-díp-tô, thì họ đã không thể làm được phép lạ nào khác, và cuối cùng chính họ cũng bị phép lạ do Môi-se làm ra, khiến sinh ra ghẻ chốc trên thân thể của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 7-9). Cho đến thời điểm này, Chúa đã tỏ ra sự ngu dại của các giáo sư giả và tiên tri giả trong thế gian. Ngay cả các cơ quan thông tin của người thế gian cũng tích cực phơi bày những sự lừa dối và nếp sống tội lỗi của họ. Tiếc thay, vẫn còn có nhiều người đi theo họ, như những người mù đi theo kẻ mù, để rồi cuối cùng cả hai cùng ngã xuống hố của sự hư mất (Ma-thi-ơ 15:14; Lu-ca 6:39).

10 Nhưng con đã nhận biết sự dạy dỗ, nếp sống, mục đích, đức tin, sự nhẫn nại, sự yêu thương, sự bền đỗ của ta,

11 những sự bách hại, những hoạn nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, tại I-cô-ni, tại Lít-trơ. Những sự bắt bớ đó ta đều chịu cả, nhưng Chúa đã giải cứu ta khỏi hết thảy.

Ti-mô-thê cũng như tất cả mọi con dân chân thật của Chúa, đều nhận biết mọi sự dạy dỗ của Phao-lô, nhận biết Phao-lô đã sống và hầu việc Chúa như thế nào, nhận biết mục đích đời sống của Phao-lô, nhận biết đức tin đúng và vững chắc của Phao-lô, nhận biết sự nhẫn nại của Phao-lô trong mục vụ rao giảng Tin Lành, trong mục vụ chăm sóc, dạy dỗ các Hội Thánh khắp nơi, nhận biết sự yêu thương của Phao-lô dành cho Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài, nhận biết sự kiên trì chịu đựng mọi gian nan, khốn khó, bất công cùng mọi sự bách hại xảy đến cho ông. Và đặc biệt là nhận biết Chúa đã giải cứu Phao-lô ra khỏi tất cả những sự ấy. Vào lúc Phao-lô đang viết những dòng chữ này, thì Phao-lô cảm nhận được rằng, trong sự bắt bớ cuối cùng này, ông sẽ được yên nghỉ trong Đấng Christ. Ngài sẽ không giải cứu ông ra khỏi đó, mà sẽ dùng đó để đem ông ra khỏi thế gian, vào trong sự an nghỉ phước hạnh bên Ngài.

12 Hễ ai muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ Jesus thì sẽ bị bách hại.

Phao-lô đúc kết kinh nghiệm mấy mươi năm theo Chúa và sống cho Chúa của ông bằng lẽ thật trong câu 12. Vì thế, con dân chân thật của Chúa cần phải ghi nhớ rằng: Họ sẽ không bao giờ được miễn trừ khỏi sự bách hại. Lời phán của Chúa trong Mác 10:29-30 cho chúng ta thấy, bất cứ ai liều mình hy sinh vì Chúa và Tin Lành, thì sẽ nhận được phần thưởng gấp trăm lần hơn trong đời này, nhưng có sự bách hại kèm theo:

Nhưng Đức Chúa Jesus đáp lời, phán: Thật! Ta nói với các ngươi, chẳng một người nào vì Ta và Tin Lành, chịu từ bỏ nhà cửa, hoặc anh em ruột, hoặc chị em ruột, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con cái, hoặc đất ruộng, mà người ấy chẳng nhận được trăm lần hơn đang lúc này, trong thời này, về những nhà cửa, anh em ruột, chị em ruột, mẹ, con cái, đất ruộng, với sự bách hại, và trong đời sau: sự sống đời đời.” (Mác 10:29-30).

Thật vậy, sự bách hại đối với những ai muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ là điều không thể không xảy ra.

13 Nhưng những kẻ ác và những kẻ giả mạo thì càng dấn sâu vào sự dữ, làm lầm lạc {những người khác} và {chính mình} cũng bị lầm lạc.

Những kẻ ác là những người không tin Chúa, phạm tội nghịch lại các điều răn của Chúa. Những kẻ giả mạo là những người ác giả vờ tin Chúa. Họ có thể tồn tại lâu dài ở trong các giáo hội mang danh Chúa, thậm chí leo lên địa vị đứng đầu trong các giáo hội. Nhưng họ không thể tồn tại lâu dài trong Hội Thánh thật của Chúa, vì họ sẽ bị Chúa chỉ ra và bị Hội Thánh dứt thông công. Những kẻ ác và những kẻ giả mạo sẽ ngày càng dấn sâu vào sự dữ, vừa làm cho những ai nghe theo họ bị lầm lạc, vừa tự gạt chính họ, vì họ đã bị ma quỷ bắt lấy và khiến họ làm theo ý muốn của ma quỷ.

14 Nhưng con hãy ở lại trong những sự con đã học và được giao phó cho, vì biết con đã học những điều đó với ai.

Những sự Ti-mô-thê đã học là tất cả những lời giảng dạy của Phao-lô và những điều Ti-mô-thê học được từ trong Thánh Kinh. Nên nhớ, vào thời điểm ấy chỉ mới có Thánh Kinh Cựu Ước. Những sự Ti-mô-thê được giao phó là bổn phận và trách nhiệm rao giảng Tin Lành, quản nhiệm Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Dĩ nhiên Ti-mô-thê được học hỏi nhiều từ Phao-lô khi Phao-lô đến giảng Tin Lành tại thành Lít-trơ và trong suốt 14 năm ông theo chân Phao-lô qua các hành trình truyền giáo (49-63). Tuy nhiên, Phao-lô hàm ý là Ti-mô-thê đã học mọi sự từ Đức Thánh Linh qua Phao-lô và qua Lời Chúa được ghi lại trong Cựu Ước. Chính Đức Thánh Linh ngự trong Ti-mô-thê ấn chứng cho Ti-mô-thê biết những điều Phao-lô dạy cho ông là đến từ Thiên Chúa và đúng với Lời Chúa. Chính Đức Thánh Linh ngự trong Ti-mô-thê giúp cho ông hiểu biết Cựu Ước và nhận ra những gì Phao-lô giảng dạy là đúng với Cựu Ước, như dân thành Bê-rê đã nhận thức các lời giảng của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11).

Ngày nay, con dân chân thật của Chúa cũng luôn được Đức Thánh Linh soi dẫn để hiểu biết Lời Chúa, khi họ thật lòng đọc và suy ngẫm Lời Chúa, để cẩn thận làm theo. Nhờ đó, họ biết những lời mình nghe người khác giảng có đúng với Lời Chúa hay không. Thực tế, khi một người giảng dạy Lời Chúa cách ngay thẳng, đúng theo sự Đức Thánh Linh bày tỏ cho nguời ấy, thì tất cả những người nghe có lòng trong sạch, đều nhận biết lời giảng ấy là chân thật, và như vậy, họ thật sự là được học từ Đức Thánh Linh. Cũng chính vì thế mà người có ơn giảng dạy Lời Chúa không lên mình kiêu ngạo, vì biết sự thông hiểu Lời Chúa của mình là sự ban cho của Đức Thánh Linh, để gây dựng Hội Thánh của Đấng Christ.

15 Từ khi còn thơ ấu, con đã biết Thánh Kinh có năng lực khiến con khôn ngoan, dẫn đến sự cứu rỗi bởi đức tin, {là} sự {ở} trong Đấng Christ Jesus.

Câu 15 cho chúng ta biết từ khi còn bé, Ti-mô-thê đã đọc và học Thánh Kinh. Điều ấy hàm ý bà ngoại và mẹ của Ti-mô-thê là hai người đàn bà có lòng tin kính Chúa, biết dạy Lời Chúa cho con cháu của mình. Dù cuộc sống khó khăn, đưa dẫn đến việc mẹ của Ti-mô-thê phải kết hôn với một người dân ngoại, nhưng lòng tin kính Chúa của bà vẫn khiến cho bà dạy dỗ Ti-mô-thê Lời Chúa từ khi ông còn thơ ấu. Ti-mô-thê đã kinh nghiệm quyền năng lạ lùng của Thánh Kinh, dù khi ấy, Thánh Kinh chỉ mới có phần Cựu Ước.

Năng lực của Thánh Kinh chính là năng lực của Tin Lành, vì toàn bộ Thánh Kinh nhằm công bố tình trạng hư mất của loài người và Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa. Nhóm chữ “Tin Lành của Đấng Christ” và danh từ “Tin Lành” trong Rô-ma 1:16-17 có thể thay thế bằng danh từ “Thánh Kinh”.

Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Thánh Kinh, vì là năng lực của Thiên Chúa để cứu tất cả những ai tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp; vì trong Thánh Kinh nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.”

Tác giả Thi Thiên 119 đã công bố:

Lời Ngài làm cho tôi được sống. Ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn.” (Thi Thiên 119:50).

Tác giả thư Hê-bơ-rơ công bố:

Vì Lời của Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Tất cả những ai thật lòng kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu (Giô-ên 2:32; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:21; Rô-ma 10:13); nhưng chính Chúa đã làm cho Lời của Ngài được tôn cao hơn cả danh của Ngài:

Tôi sẽ thờ lạy hướng về đền thánh của Ngài và tôn vinh danh của Ngài, vì sự từ ái và sự chân thật của Ngài, vì Ngài đã tôn cao Lời của Ngài hơn cả danh của Ngài.” (Thi Thiên 138:2).

Nhờ đọc và nghe Lời Chúa là Thánh Kinh mà một người có được sự khôn ngoan thật, là sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa (Gia-cơ 3:17). Sự khôn ngoan thật dẫn đến đức tin nơi Thiên Chúa và đức tin vào trong Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài. Vì sự khôn ngoan thật khiến cho một người nhận biết mình là tội nhân trước luật pháp của Thiên Chúa, nhận biết sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho mình qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Một người chỉ cần thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy lập tức được cứu ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi không còn có thể bắt người ấy phải tiếp tục phạm tội, và người ấy không còn phải bị hư mất vì những sự phạm tội của mình.

Chỉ trong Đức Chúa Jesus Christ mới có sự cứu rỗi bởi đức tin, vì Ngài là đường đi, lẽ thật, và sự sống. Chẳng bởi Ngài thì không ai có thể đến cùng Đức Chúa Trời là Cha. Dưới trời, không có sự cứu rỗi trong bất cứ ai khác ngoài Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 14:6; Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

16 Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm]

17 để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.

Khi Phao-lô viết ra những lời trên đây, thì Thánh Kinh Tân Ước chưa được hoàn thành, nhưng lời này của Phao-lô áp dụng cho toàn bộ Thánh Kinh, từ sách Sáng Thế Ký cho đến sách Khải Huyền. Do Thiên Chúa hà hơi có nghĩa là do Thiên Chúa thổi thánh linh của Ngài trên các người chép Thánh Kinh, để họ viết ra những gì mà chính Thiên Chúa muốn nói với loài người.

Trong Sáng Thế Ký 2:7, chúng ta thấy Thiên Chúa gom bụi đất lại thành hình người, rồi thổi hơi sự sống của Ngài vào trong lỗ mũi của hình thể ấy, thì hình thể ấy trở thành một linh hồn sống. Hơi Thiên Chúa thổi ra mang theo sự sống, năng lực, thẩm quyền, và mọi sự chân, thiện, mỹ của Thiên Chúa. Tiếc thay, loài người đã tự làm băng hoại những sự tốt lành của Thiên Chúa trong họ, khi loài người chọn làm theo ý riêng, thay vì vâng phục Thiên Chúa.

Thánh Kinh là trọn vẹn trong sự chân thật, trong sự thiện, trong sự xinh đẹp, có năng lực và thẩm quyền tuyệt đối để tiêu diệt bản ngã tội lỗi trong một người, tái sinh người ấy thành một người mới trong Đấng Christ, tiếp tục giữ người ấy ở trong sự thánh khiết, tức là không trở về sống trong tội lỗi, nhưng biệt riêng đời sống của mình, dâng lên Thiên Chúa, sống theo Lời Chúa, để được nhận và cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Tất cả những sự giảng dạy về Tin Lành và nếp sống trong Đấng Christ phải dựa vào Thánh Kinh, thì mới có ích lợi. Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa có những sự giảng dạy dựa trên tâm lý học, thay vì dựa vào Thánh Kinh. Điển hình là cuốn sách “Sống Theo Đúng Mục Đích” của Rick Warren [3], và gần đây là tài liệu Alpha Course của Nicky Gumbel [4]. Từ năm 1992 đến nay, khắp nơi trên thế giới có hơn 800.000.000 người theo học tài liệu Alpha Course trong các giáo hội mang danh Chúa.

Mọi sự quở trách và sửa trị một người phải dựa vào Thánh Kinh, vì Thánh Kinh là lẽ thật và thẩm quyền đến từ Chúa. Con dân Chúa không thể dùng các tiêu chuẩn đạo đức của thế gian để quở trách và sửa trị một người, vì các tiêu chuẩn đạo đức của thế gian không chắc là đúng với Lời Chúa. Thí dụ, chúng ta không thể quở trách một người là bất hiếu, rồi dứt thông công người ấy, khi người ấy không vâng lời cha mẹ để quỳ lạy hình người chết hoặc hình tượng của các tà thần.

Mọi sự giáo dục một người về sự công bình phải dựa trên Thánh Kinh, vì mọi sự công bình theo tiêu chuẩn của loài người chỉ là áo nhớp trước Thiên Chúa (Ê-sai 64:6).

Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” có nghĩa là: Nếu một con dân Chúa mà không được học biết về Thánh Kinh, không được quở trách, sửa trị bằng Thánh Kinh, thì không thể nào trở nên trọn vẹn để làm thành những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy (Ê-phê-sô 2:10). Và như vậy, đời sống của người ấy sẽ trở thành vô nghĩa, vô ích!

Người của Đức Chúa Trời tức là người đã thuộc về Đức Chúa Trời sau khi thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn liền trước thời kỳ khó khăn sau cùng là Kỳ Tận Thế. Thời kỳ khó khăn của chúng ta cũng là thời kỳ có sự bỏ Đạo lớn, hàng triệu người xưng nhận mình là môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ nhưng lại vâng phục các giáo hội và giữ các điều răn của các giáo hội thay vì vâng phục Thiên Chúa và giữ các điều răn của Thiên Chúa. Thêm vào đó là đủ mọi hình thức tà giáo lan tràn khắp thế gian. Chưa bao giờ trong thế gian có thật nhiều cỏ lùng và rất ít lúa mì như hiện nay [5]. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri:

Ta nói với các ngươi, Ngài sẽ vội vàng làm sự bênh vực họ. Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Để có thể đứng vững trong thời kỳ khó khăn này, chúng ta cần hoàn toàn dựa trên Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là Thánh Kinh. Lời Thiên Chúa phán bảo Giô-suê cách nay hơn 3.400 năm vẫn ứng dụng cho mỗi một con dân Chúa trong mọi thời đại:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi mới hành động thông sáng. Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở cùng ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:8-9).

Thêm vào đó với lời hứa của Đấng Christ theo sau mệnh lệnh của Ngài:

Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Cùng lời hứa của Đức Thánh Linh:

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức loài người đến cho các anh chị em. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài không bao giờ để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách quá sức của các anh chị em; nhưng trong sự cám dỗ hoặc thử thách, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để các anh chị em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ những người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ, sẵn sàng cho ngày ra mắt Chúa giữa chốn không trung.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ Hội Thánh. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/11/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Jesus Christ, Vua Từ Ái”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-jesus-christ-vua-tu-ai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] http://www3.dbu.edu/mitchell/anceint_christian_martyrdom.htm

[2] “Estimates of the Number Killed by the Papacy in the Middle Ages and Later”, David A. Plaisted, 2006, trang 20: https://od.lk/f/MV82MzI2MTQxNV8

[3] http://timhieutinlanh.com/biengiao/?tag=rick-warren-22

[4] https://www.google.com/search?q=alpha+course+exposed

[5] http://www.timhieutinlanh.net/nuoc-troi-03-that-va-gia/