Chú Giải III Giăng 01-14 Con Dân Chúa Yêu Nhau Trong Lẽ Thật…

5,536 views

906401 Chú Giải III Giăng 01-14
Con Dân Chúa Yêu Nhau Trong Lẽ Thật
Con Dân Chúa Tiếp Trợ Lẫn Nhau

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTQyOF9udGRmTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải I, II, III Giăng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-i-giang

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTU4N19uM0xvSg

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

III Giăng 1-14

1 Trưởng lão gửi cho Gai-út, con yêu dấu mà ta yêu trong lẽ thật.

2 Hỡi con yêu dấu, ta cầu nguyện cho con được thịnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh như linh hồn con được thịnh vượng.

3 Vì ta rất vui mừng, khi có các anh chị em cùng Cha đến đây, làm chứng về lẽ thật ở trong con trong khi con bước đi trong lẽ thật.

4 Ta được nghe các con cái ta bước đi trong lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.

5 Hỡi con yêu dấu, con trung tín trong mọi sự con làm cho các anh chị em cùng Cha và cho những khách lạ.

6 Những người ấy đã làm chứng về sự nhân từ của con trước Hội Thánh. Những người con sẵn sàng hết lòng giúp họ đi đường một cách đẹp lòng Chúa.

7 Bởi vì họ đã ra đi trong danh của Ngài, mà không nhận một sự gì từ những người ngoại.

8 Vì thế, chúng ta nên tiếp đãi những người như vậy, để cho chúng ta được làm những người giúp lẫn nhau, hầu việc cho lẽ thật.

9 Ta đã viết cho Hội Thánh rồi, nhưng Đi-ô-trép, là kẻ có tham vọng đứng đầu giữa họ, không tiếp nhận chúng ta.

10 Cho nên, nếu ta đến, ta sẽ nhắc lại những việc người làm, là nghịch lại chúng ta bằng những lời độc ác. Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp đón các anh chị em cùng Cha nữa, mà đuổi ra khỏi Hội Thánh; và còn cấm những ai muốn tiếp đón.

11 Hỡi con yêu dấu, chớ theo điều dữ nhưng theo điều lành. Ai làm điều lành là thuộc về Đức Chúa Trời; còn kẻ làm điều dữ, thì chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời.

12 Mọi người đều làm chứng tốt cho Đê-mê-triu, và chính lẽ thật cũng làm chứng cho người. Chúng ta cũng làm chứng cho người, và con biết rằng lời chứng của chúng ta là thật.

13 Ta còn nhiều điều muốn viết cho con, nhưng không muốn viết bằng mực và bút.

14 Nhưng ta mong sẽ sớm đến thăm con, và chúng ta sẽ đối mặt nói chuyện với nhau. Nguyện sự bình an ở cùng con! Các bạn của chúng ta chào thăm con. Hãy chào thăm các bạn ở đó theo tên của họ.

Tương tự như khi chúng ta đọc II Giăng, mỗi chúng ta hãy đọc và tiếp nhận III Giăng như là một sứ điệp của Đức Thánh Linh gửi cho chính mình. Mặc dù Sứ Đồ Giăng viết và gửi thư này cho Gai-út, nhưng khi Đức Thánh Linh đã xếp thư này vào Thánh Kinh, thì nó trở thành sứ điệp chung cho cả Hội Thánh, trở thành Lời của Thiên Chúa để an ủi và khích lệ mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh; trở thành gươm của Đấng Thần Linh mà con dân Chúa dùng để phản công các mưu kế của ma quỷ.

1 Trưởng lão gửi cho Gai-út, con yêu dấu mà ta yêu trong lẽ thật.

Sứ Đồ Giăng tự xưng là trưởng lão trong thư này, như ông đã tự xưng trong thư II Giăng. Xin đọc phần mở đầu của bài chú giải thư II Giăng để biết ý nghĩa sự Giăng tự xưng là trưởng lão.

Tên Gai-út là sự phiên âm một tên La-mã sang tiếng Hy-lạp, tên ấy có nghĩa là “chủ hoặc chúa”. Tên Gai-út là một tên thông dụng thời bấy giờ. Trong Thánh Kinh có 5 lần nhắc đến tên Gai-út, mà có thể là ba hay bốn người khác nhau:

  1. Gai-út, người xứ Ma-xê-đoan, đồng hành với Phao-lô trong cuộc truyền giáo: “Cả thành đã đầy sự rối loạn. Bắt được Gai-út và A-ri-tạc, các người Ma-xê-đoan, bạn đồng hành của Phao-lô, chúng đã đồng lòng kéo đến rạp hát.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:29). 
  2. Gai-út, quê thành Đẹt-bơ, cũng là người có mặt trong đoàn truyền giáo của Phao-lô: “Cùng đi với người đến A-si là Sô-ba-tê quê ở Bê-rê; A-ri-tạc và Xê-cun-đu là người Tê-sa-lô-ni-ca; Gai-út và Ti-mô-thê quê ở Đẹt-bơ; Ti-chi-cơ và Trô-phim quê ở A-si.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4). 
  3. Gai-út, người ở tại thành Cô-rinh-tô, từng tiếp đón Sứ Đồ Phao-lô: “Gai-út, người tiếp đãi tôi và toàn thể Hội Thánh, chào các anh chị em…” (Rô-ma 16:23). Có thể đây chính là Gai-út do Phao-lô làm báp-tem cho: “Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời, vì tôi đã không báp-tem cho một ai thuộc về các anh chị em, ngoại trừ Cơ-rít-bu và Gai-út.” (I Cô-rinh-tô 1:14). 
  4. Gai-út, người nhận thư III Giăng mà chúng ta đang học đây.

Thật khó để chúng ta biết được Gai-út được Sứ Đồ Giăng viết thư cho có phải là một trong số ba người được nêu ra trên đây, hay là một Gai-út khác nữa. Chúng ta có thể suy luận rằng: Gai-út, người xứ Ma-xê-đoan và Gai-út, người thành Đẹt-bơ là hai người thường xuyên theo chân Sứ Đồ Phao-lô trong các chuyến truyền giáo, nên họ học Lời Chúa trực tiếp với Phao-lô. Còn Gai-út ở tại Cô-rinh-tô thì được Phao-lô làm báp-tem cho; và Cô-rinh-tô thì cách xa Ê-phê-sô cả về đường bộ lẫn đường biển, Sứ Đồ Giăng khó mà đến đó để giảng dạy. Vì thế, cả ba người mang tên Gai-út được nêu ra trên đây khó có thể là người được trực tiếp học hỏi Lời Chúa với Sứ Đồ Giăng và được ông xem như là con cháu trong nhà, gọi là: “các con cái ta” (câu 4).

Dựa vào câu kết, Sứ Đồ Giăng nói sẽ đến thăm Gai-út, thì chúng ta có thể suy luận rằng, Gai-út phải là người ở một trong các thành phố gần với Ê-phê-sô, là nơi Giăng cư trú. Gai-út có thể là người nghe Giăng giảng Tin Lành và tin nhận Chúa, rồi được Giăng giảng dạy Lời Chúa, nên Giăng xem Gai-út như là con cháu trong nhà. Giăng gọi Gai-út là “con yêu dấu” và cho biết, ông yêu Gai-út bằng tình yêu trong lẽ thật. Có nghĩa là, Giăng yêu Gai-út như là một người cha yêu con mình, và yêu bằng tình yêu của Đức Chúa Trời.

Thông thường, chúng ta yêu lẫn nhau trong các mối quan hệ: cha mẹ với con cái; anh chị em với nhau; vợ chồng với nhau; bạn bè với nhau; v.v.; và đó là những tình cảm thiêng liêng Thiên Chúa đã ban cho loài người của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta đặt tình yêu ấy trong lẽ thật của Lời Chúa, thì tình yêu ấy trở thành tình yêu của Đức Chúa Trời. Và như vậy, trong bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng yêu bằng tình yêu của Đức Chúa Trời. Không còn gì tuyệt vời cho bằng yêu bằng tình yêu của Đức Chúa Trời và được yêu bằng tình yêu của Đức Chúa Trời.

Chỉ có những ai ở trong lẽ thật mới có thể yêu bằng tình yêu trong lẽ thật. Tình yêu trong lẽ thật không tư vị, bênh vực người được yêu một cách trái lẽ công chính. Tình yêu trong lẽ thật cũng không im lặng khi người được yêu vấp phạm hay thiếu sót. Tình yêu trong lẽ thật đòi hỏi sự quở trách, sửa trị khi cần. Tình yêu trong lẽ thật đã được Thánh Kinh mô tả cách đầy đủ trong I Cô-rinh-tô 13.

Bất cứ tình yêu nào mà không ở trong lẽ thật, tức không đúng với Lời Chúa, thì đó là tình yêu giả. Tình yêu giả không thể ra từ Đức Chúa Trời mà chỉ ra từ cha của sự nói dối là Ma Quỷ, và từ những kẻ giả hình, là con cái của Ma Quỷ.

2 Hỡi con yêu dấu, ta cầu nguyện cho con được thịnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh như linh hồn con được thịnh vượng.

Giăng đang viết thư cho một con dân chân thật của Chúa, và Giăng biết chắc là Gai-út được thịnh vượng về phần thiêng liêng. Linh hồn được thịnh vượng thì đương nhiên tâm thần cũng được thịnh vượng. Linh hồn chính là bản ngã, là cái “tôi” của mỗi người, là một thực thể được Thiên Chúa dựng nên để làm con của Thiên Chúa. Tâm thần là thân thể thiêng liêng giúp cho chúng ta tiếp xúc và nhận thức thế giới thiêng liêng. Là con dân Chúa, linh hồn và tâm thần chúng ta đã được dựng nên mới nhưng thân thể xác thịt của chúng ta thì cứ tiếp tục già yếu, bệnh tật, và chết đi, trước khi được phục sinh hoặc biến hóa thành một thân thể xác thịt mới. Vì thế, linh hồn và tâm thần của con dân Chúa đương nhiên được thịnh vượng nếu con dân Chúa biết nuôi mình bằng Lời Chúa, tức là học, hiểu, và làm theo Lời Chúa; nhưng thường khi phần thân thể xác thịt không được thịnh vượng.

Thịnh vượng có nghĩa là được thành công và kết quả theo ý muốn, dẫn đến sự vui mừng và thỏa lòng. Sự thịnh vượng của linh hồn là sự thông hiểu Lời Chúa và kết quả trong sự sống theo Lời Chúa, khiến cho chúng ta luôn bình an và thỏa lòng, luôn vui mừng trong mọi cảnh ngộ, biết chắc những sự giàu có thiêng liêng mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ sẽ ban thưởng cho chúng ta, và Đức Thánh Linh sẽ giúp cho chúng ta quản trị. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn sống trong thế gian và ở trong thân thể xác thịt đang chết này, cho nên, chúng ta cũng cần có sự thịnh vượng về vật chất và sự khoẻ mạnh của thân thể xác thịt.

Sự thịnh vượng về vật chất và sự khoẻ mạnh của xác thịt là tương đối, nghĩa là chỉ đủ để giúp cho chúng ta sống động và hầu việc Chúa một cách kết quả, đang khi chúng ta còn ở giữa thế gian. Bất cứ một sự ham muốn trở nên giàu có nào, cũng đều là tội lỗi vì đã không thỏa lòng trong sự đủ ăn, đủ mặc mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Sự ham muốn giàu có sẽ khiến chúng ta rơi vào sự cám dỗ và khiến cho chúng ta phạm tội mà bị hư mất. Tất cả các hình thức cờ bạc, kể cả việc mua vé số, chơi số đề, đều là ham muốn trở nên giàu có, đều là tội lỗi, không có trường hợp ngoại lệ.

Về sức khoẻ của thể xác, chúng ta cũng phải sống theo phép vệ sinh, ăn uống, làm việc điều độ, kiêng cữ những thức ăn, thức uống làm hại thân thể. Có những trường hợp ngoại lệ, khi Chúa cho phép nghịch cảnh xảy ra, khiến cho chúng ta bị đói khát, trần truồng, bị đánh đập, bị áp bức lao động, sống trong sự thiếu kém vệ sinh… thì chúng ta sẽ được Chúa ban ơn, thêm sức cho chúng ta. Nhưng trong cuộc sống bình thuờng chúng ta phải bảo vệ thân thể xác thịt của mình, bằng cách tuân giữ luật vệ sinh và làm việc điều độ. Thân thể xác thịt của chúng ta là Đền Thờ Thiên Chúa. Nếu chúng ta tắc trách trong việc giữ gìn sức khoẻ cho thân thể xác thịt thì chúng ta phạm tội hủy hoại Đền Thờ của Thiên Chúa:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao? Nếu có ai phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy. Vì Đền Thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 3:16-17).

Vì thế, tất cả những sự ăn uống quá độ, ghiền rượu, hút các loại thuốc, sử dụng các loại ma túy, và ăn ở bẩn thỉu, không siêng năng tắm gội, giặt giũ… đều là tội lỗi.

Đức Thánh Linh là Thiên Chúa ngự trong thân thể chúng ta. Ngài yêu chúng ta đến nỗi ghen tương (Gia-cơ 4:5). Ngài muốn chúng ta được thịnh vượng phần hồn cũng như phần xác. Vì thế, Ngài đã dùng lá thư Sứ Đồ Giăng viết cho Gai-út để dạy chúng ta về thánh ý của Ngài. Chúng ta cũng nhớ, khi cầu thay cho nhau, chúng ta cầu thay cho anh chị em của mình được thịnh vượng cả phần thuộc linh lẫn phần thuộc thể. Tuy nhiên, đừng theo sự dạy dỗ tà giáo của những người theo các Phong Trào Ân Tứ, Ngũ Tuần “nói tiếng lạ”. Họ cho rằng con dân Chúa phải được giàu có về thuộc thể và không thể bị bệnh. Họ dạy rằng: Nếu con dân Chúa mà nghèo hay bị bệnh là tại vì không có đức tin hoặc là phạm tội. Chúng ta cần ghi nhớ, Thánh Kinh không bao giờ dạy chúng ta cầu xin để được trở nên giàu có. Trái lại, Thánh Kinh dạy rõ:

I Ti-mô-thê 6:6-10

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Chúng ta cần nhớ rằng: Sứ Đồ Phao-lô ba lần trong đức tin cầu xin Chúa cất khỏi ông một chứng bệnh gì đó trong thân thể ông, nhưng Chúa vẫn không cất khỏi, mà chỉ ban ân điển của Ngài cho ông (II Cô-rinh-tô 12:7-10). Và điều quan trọng là: Chính Chúa là Đấng sống khó nghèo khi Ngài nhập thế làm người, đến nỗi, cáo còn có hang, chim trời còn có ổ nhưng Ngài thì không có một nơi trú ngụ nào gọi là “của Ngài” (Ma-thi-ơ 8:20; Lu-ca 9:58).

3 Vì ta rất vui mừng, khi có các anh chị em cùng Cha đến đây, làm chứng về lẽ thật ở trong con trong khi con bước đi trong lẽ thật.

Ngay từ trong buổi ban đầu đã có một sự thông công mật thiết giữa các Hội Thánh của Chúa trong từng khu vực. Có thể là sự con dân Chúa trong giới thương buôn thường xuyên qua lại các thành phố trong một khu vực. Có thể là sự ghé thăm của các đoàn truyền giáo. Sau khi Phao-lô, Ba-na-ba là hai sứ đồ đầu tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2), chuyên việc giảng Tin Lành cho dân ngoại qua đời, Chúa vẫn tiếp tục dấy lên nhiều con dân Chúa dấn thân vào công tác truyền giáo. Có một số người ghé thăm Hội Thánh tại Ê-phê-sô và làm chứng tốt về Gai-út. Như đã trình bày trên đây, chúng ta không biết Gai-út thuộc về Hội Thánh địa phương nào, nhưng có thể ông không ở đâu xa hơn là khu vực Tiểu Á. Có thể ông thuộc về một trong sáu Hội Thánh địa phương còn lại được nói đến trong Khải Huyền. Những người làm chứng tốt về Gai-út nhận biết là Gai-út có lẽ thật và Gai-út sống theo lẽ thật mà ông đã nhận biết.

Chúng ta cần chú ý đến câu này: “lẽ thật ở trong con trong khi con bước đi trong lẽ thật”. Lẽ thật ở trong con có nghĩa là con đã nghe, hiểu, và tin nhận những sự giảng dạy chân thật về Lời Chúa. Bước đi trong lẽ thật có nghĩa là làm theo những gì mà con đã nghe, hiểu, và tin nhận về Lời Chúa. Lời Chúa chỉ ở trong chúng ta khi chúng ta sống theo Lời Chúa. Nếu chúng ta nghe, hiểu, và tin nhận Lời Chúa mà lại không làm theo, thì Lời Chúa không ở trong chúng ta. Vì thế, Giăng mới viết là: “lẽ thật ở trong con trong khi con bước đi trong lẽ thật”. Nghĩa là, nếu chúng ta không bước đi trong lẽ thật, thì lẽ thật không ở trong chúng ta.

Đức tin phải được thể hiện bằng hành động (Gia-cơ 2:14-26). Nếu không thì chúng ta chỉ là những kẻ tự lừa dối mình, và Chúa sẽ phán xét chúng ta cách nghiêm khắc:

“Các anh chị em hãy là những người làm theo Lời, đừng là những người chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình.” (Gia-cơ 1:22).

“Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7).

Sự chúng ta có lẽ thật và bước đi trong lẽ thật là điều mà người anh chị em của chúng ta trong Hội Thánh có thể nhìn biết được, qua đó, họ dâng lời tôn vinh Chúa, và làm chứng về chúng ta trước Hội Thánh.

4 Ta được nghe các con cái ta bước đi trong lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.

Tình yêu của các sứ đồ, giám mục, trưởng lão, người chăn đối với con dân Chúa trong Hội Thánh như là tình yêu của cha mẹ đối với con cái và là tình yêu trong lẽ thật. Vì thế, đó chính là tình yêu của Đức Chúa Trời. Có thể, đôi khi các sứ đồ, giám mục, trưởng lão, người chăn còn nhỏ tuổi hơn một số con dân Chúa trong Hội Thánh, nhưng tình yêu của họ dành cho con dân Chúa vẫn là thứ tình yêu của bậc cha mẹ đối với con cái. Vì thế, niềm vui khi thấy con dân Chúa trong Hội Thánh, dưới sự chăn dắt của họ, bước đi trong lẽ thật là niềm vui lớn nhất trong chức vụ của họ.

Qua đó, chúng ta nhận thức được lẽ thật này, tất cả các sứ đồ, giám mục, trưởng lão, người chăn chân thật do Chúa kêu gọi và ban cho chức vụ, thì đều yêu con dân Chúa bằng tình yêu trong lẽ thật của cha mẹ đối với con cái. Một ngày kia, chính họ sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về sự họ đã yêu thương và chăn dắt con dân Chúa như thế nào. Ngược lại, tất cả những sự con dân Chúa không vâng phục họ cũng chính là không vâng phục Chúa, và sẽ bị Chúa phán xét một cách nghiêm khắc.

5 Hỡi con yêu dấu, con trung tín trong mọi sự con làm cho các anh chị em cùng Cha và cho những khách lạ.

Sứ Đồ Giăng nghe những lời chứng tốt về Gai-út và nhận biết Gai-út đã trung tín trong sự tiếp trợ, cứu giúp anh chị em trong Chúa mà ông quen biết trong Hội Thánh tại địa phương lẫn những anh chị em trong Chúa từ nơi khác đến, trong hành trình truyền giáo, ghé lại nhà ông mà ông chưa hề quen biết. Trung tín trong mọi sự chúng ta làm cho người khác tức là chúng ta làm mọi sự đó đúng theo lời dạy của Chúa trong Thánh Kinh.

Điều mà Gai-út làm cho anh chị em trong Chúa tại Hội Thánh địa phương có lẽ là sự chăm sóc và tiếp trợ cho các tín đồ có hoàn cảnh khó nghèo, các trẻ mồ côi và người góa bụa. Điều mà Gai-út làm cho các anh chị em trong Chúa từ nơi khác đến có lẽ là tiếp đón họ vào nhà, để họ có chỗ ăn, chỗ ở; hoặc lo chỗ cho họ ở trọ và giúp lộ phí khi họ lên đường.

6 Những người ấy đã làm chứng về sự nhân từ của con trước Hội Thánh. Những người con sẵn sàng hết lòng giúp họ đi đường một cách đẹp lòng Chúa.

Chính những người được Gai-út tiếp trợ và cứu giúp đã làm chứng tốt về ông trước Hội Thánh. Từ ngữ Hội Thánh được dùng trong câu này là chỉ về Hội Thánh chung của Chúa ở khắp nơi. Những người được Gai-út tiếp trợ và cứu giúp có thể đã làm chứng tốt về ông ở bất cứ Hội Thánh địa phương nào mà họ đặt chân đến, điển hình là Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Phần lớn những người ấy đã được Gai-út giúp đỡ lộ phí để họ có thể tiếp tục lên đường và sự tiếp trợ của Gai-út là điều đẹp lòng Chúa. Nói cách khác, Chúa giao các phương tiện như: nhà cửa, thực phẩm, quần áo, tiền bạc… vào trong tay của Gai-út, để Gai-út phân phát cho các tôi tớ Chúa, tùy theo nhu cầu của họ, để họ hoàn thành mục vụ Chúa giao phó.

7 Bởi vì họ đã ra đi trong danh của Ngài, mà không nhận một sự gì từ những người ngoại.

8 Vì thế, chúng ta nên tiếp đãi những người như vậy, để cho chúng ta được làm những người giúp lẫn nhau, hầu việc cho lẽ thật.

Ra đi trong danh Chúa là ra đi trong đức tin và không nhận lãnh sự tiếp trợ từ những người không phải là con dân Chúa. Con dân Chúa có bổn phận tiếp trợ cho những người hầu việc Chúa. Đó là sự giúp lẫn nhau và sự cùng nhau hầu việc cho lẽ thật. Chúa là lẽ thật và Lời Chúa cũng là lẽ thật. Hầu việc cho lẽ thật là hầu việc Chúa theo đúng Lời Chúa trong sự rao giảng Lời Chúa. Phần thưởng của người trực tiếp rao giảng Lời Chúa và người tiếp trợ cho người rao giảng Lời Chúa đều ngang nhau.

9 Ta đã viết cho Hội Thánh rồi, nhưng Đi-ô-trép, là kẻ có tham vọng đứng đầu giữa họ, không tiếp nhận chúng ta.

Trước khi Giăng viết thư này cho Gai-út, thì ông đã viết một thư khác gửi đến Hội Thánh tại địa phương của Gai-út. Chúng ta không có được lá thư đó của Giăng nhưng có thể đoán rằng, đó là thư Giăng giới thiệu các anh chị em đi truyền giáo và mong Hội Thánh tại đó giúp đỡ họ. Tuy nhiên, Đi-ô-trép là người muốn làm người đứng đầu tại Hội Thánh địa phương ấy, tức là muốn nắm lấy chức vụ giám mục, đã không tiếp nhận thư của Giăng và những người Giăng giới thiệu.

Chúng ta không biết gì nhiều hơn về Đi-ô-trép, ngoài những gì được nói đến trong câu 9 và 10. Tên Đi-ô-trép có nghĩa là “được nuôi dưỡng bởi Thần Zeus” mà Thần Zeus là một tà thần trong văn hóa Hy-lạp.

10 Cho nên, nếu ta đến, ta sẽ nhắc lại những việc người làm, là nghịch lại chúng ta bằng những lời độc ác. Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp đón các anh chị em cùng Cha nữa, mà đuổi ra khỏi Hội Thánh; và còn cấm những ai muốn tiếp đón.

Giăng dự định nếu ông có dịp đến tận nơi thì ông sẽ quở trách Đi-ô-trép, nhắc lại những tội lỗi của Đi-ô-trép. Dĩ nhiên, đây phải là sự quở trách trước Hội Thánh địa phương. Đi-ô-trép vừa có những lời nghịch lại Giăng và Hội Thánh tại Ê-phê-sô, vừa không tiếp đón những anh chị em đi truyền giáo do Giăng giới thiệu, đuổi họ ra khỏi Hội Thánh. Nếu có người nào muốn tiếp đón họ, thì Đi-ô-trép ngăn cấm. Chúng ta không biết cụ thể những lời độc ác mà Đi-ô-trép nói nghịch Giăng và những người được Giăng giới thiệu đến là gì. Có thể đó là những lời vu khống, chúc dữ, và chối bỏ thẩm quyền trưởng lão của Sứ Đồ Giăng.

11 Hỡi con yêu dấu, chớ theo điều dữ nhưng theo điều lành. Ai làm điều lành là thuộc về Đức Chúa Trời; còn kẻ làm điều dữ, thì chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời.

Giăng kêu gọi Gai-út chớ theo điều dữ nhưng hãy theo điều lành. Điều này không có nghĩa là Giăng hàm ý Gai-út đang theo điều dữ. Đây là một lời nhắc nhở của Đức Thánh Linh dành cho mỗi con dân Chúa, để họ nhớ rằng, những ai thuộc về Đức Chúa Trời thì không làm ra điều dữ. Ai làm ra điều dữ thì người ấy chưa bao giờ có sự nhận biết Đức Chúa Trời. Một người có thể thuộc lòng rất nhiều câu Thánh Kinh, giảng luận Lời Chúa rất là thông suốt, nhưng bản thân vẫn sống trong tội, tức là vẫn làm ra những điều dữ. Một người như vậy, chưa hề có sự nhận biết Đức Chúa Trời. Từ ngữ được dịch là “nhận biết” ở đây trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: thấy bằng con mắt của tâm thần, tức là sự nhận thức bởi tâm thần, và có kinh nghiệm thực tế về sự nhận thức ấy. Người mà tâm thần đã nhận thức về Đức Chúa Trời và có kinh nghiệm về những sự mình đã nhận thức về Đức Chúa Trời thì không thể nào làm ra điều dữ. Người ấy chỉ có thể làm ra những điều lành mà người ấy đã nhận thức từ Đức Chúa Trời; và vì thế, người ấy thuộc về Đức Chúa Trời.

Điều dữ hay sự dữ được nói đến ở đây khác với sự dữ, tức là sự đau đớn, thiệt hại mà Đức Chúa Trời làm ra để hình phạt tội nhân. Điều dữ hay sự dữ được nói đến ở đây là tội lỗi, là bất cứ sự gì sai trật với Lời Chúa.

12 Mọi người đều làm chứng tốt cho Đê-mê-triu, và chính lẽ thật cũng làm chứng cho người. Chúng ta cũng làm chứng cho người, và con biết rằng lời chứng của chúng ta là thật.

Đê-mê-triu có nghĩa là “thuộc về Thần Nông”. Thần Nông (Ceres) là một tà thần trong văn hóa Hy-lạp. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:24 có nói đến một người thợ bạc tên Đê-mê-triu đã gây ra cuộc rối loạn phản đối sự giảng Tin Lành của Phao-lô tại Ê-phê-sô. Phần lớn là Đê-mê-triu được nói đến ở đây khác với Đê-mê-triu được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể ngoại trừ việc Đê-mê-triu thợ bạc sau đó đã tin nhận Chúa và trở thành một tín đồ tốt tại Ê-phê-sô.

Qua hai cái tên Đi-ô-trép và Đê-mê-triu mang dấu tích của tà thần, chúng ta thấy, các tín đồ thời Hội Thánh lúc ban đầu dường như không quan tâm đến việc đổi tên sau khi tin Chúa, để có một cái tên không dính dáng đến ngoại giáo hoặc mê tín dị đoan. Chính vì thế, chúng ta cũng không nên xét đoán anh chị em trong Chúa khi thấy họ vẫn giữ cái tên cha mẹ đặt cho, mà có dính dáng đến tà thần hay mê tín dị đoan, như: Long, Ngọ, Mùi, Tuất… Nếu Chúa muốn họ đổi tên, thì Ngài sẽ cảm động lòng họ.

Đê-mê-triu có thể là người giúp Giăng mang thư II và III Giăng đến tay người nhận, và Giăng nhân tiện giới thiệu Đê-mê-triu với Gai-út. Mọi người làm chứng tốt cho Đê-mê-triu là mọi người tại Ê-phê-sô. Lẽ thật làm chứng cho Đê-mê-triu có nghĩa là, khi đối chiếu nếp sống của Đê-mê-triu với Lời Chúa thì Đê-mê-triu không có chỗ sai phạm. Chúng ta cũng làm chứng cho người có nghĩa là Giăng và Hội Thánh tại Ê-phê-sô cũng là chứng nhân cho nếp sống thánh khiết của Đê-mê-triu.

13 Ta còn nhiều điều muốn viết cho con, nhưng không muốn viết bằng mực và bút.

14 Nhưng ta mong sẽ sớm đến thăm con, và chúng ta sẽ đối mặt nói chuyện với nhau. Nguyện sự bình an ở cùng con! Các bạn của chúng ta chào thăm con. Hãy chào thăm các bạn ở đó theo tên của họ.

Cũng như đã viết trong thư II Giăng, Giăng có nhiều điều muốn tâm tình, chia sẻ với người nhận thư, nhưng ông muốn được mặt đối mặt nói chuyện với nhau. Chắc chắn, sự thông công, trò chuyện mặt đối mặt thì thắm thiết và đầy đủ hơn là trao đổi qua thư từ; tránh được nhiều hiểu lầm, vì chữ viết không diễn tả trọn vẹn tâm ý của người viết.

Cuối thư, Giăng chúc bình an cho Gai-út. Một người được thịnh vượng về thuộc linh lẫn thuộc thể, có thể xác khoẻ mạnh thì chỉ cần luôn ở trong sự bình an của Chúa. Vì thế, chúng ta không thấy Giăng chúc cho Gai-út điều gì hơn. Ông gửi lời chào thăm Gai-út từ những người ở tại Ê-phê-sô cùng quen biết ông và Gai-út. Có lẽ, họ biết ông dự định viết thư cho Gai-út nên họ nhờ ông gửi lời chào thăm. Ông cũng nhờ Gai-út chuyển lời chào thăm của ông đến từng người bạn của ông và Gai-út ở tại địa phương của Gai-út. Chào thăm theo tên có nghĩa là Giăng muốn Gai-út đích thân nói chuyện với từng người bạn của ông và nói với mỗi người rằng, ông gửi lời chào thăm họ.

Rất có thể, lá thư Giăng viết cho Gai-út là để giới thiệu Đê-mê-triu cho Gai-út, để Gai-út tiếp đón Đê-mê-triu trong thời gian Đê-mê-triu lưu lại thành phố của Gai-út vì một mục vụ nào đó, hoặc chỉ là tạm trú trước khi đến nơi khác để truyền giáo. Vì sự lộng quyền của Đi-ô-trép tại Hội Thánh địa phương ấy mà Hội Thánh địa phương ấy không thể giúp đỡ những người do Giăng hay Hội Thánh tại Ê-phê-sô sai đi.

Qua lá thư này, chúng ta học biết rằng:

  • Con dân chân thật của Chúa yêu nhau bằng tình yêu trong lẽ thật.
  • Con dân chân thật của Chúa có nếp sống thánh khiết đúng theo Lời Chúa, được mọi người nhận biết và làm chứng tốt.
  • Người rao giảng Lời Chúa và người tiếp trợ cho người rao giảng Lời Chúa đều cùng nhau hầu việc Chúa.
  • Người được Chúa ban cho có địa vị, quyền thế, của cải, tiền bạc, phương tiện, tài năng… dồi dào thì có bổn phận dùng những sự Chúa ban cho để trung tín tiếp trợ và cứu giúp các anh chị em khác trong Hội Thánh.
  • Ngay từ thuở ban đầu, trong Hội Thánh đã có những kẻ muốn cầm đầu Hội Thánh. Những kẻ ấy tự ý áp đặt quyền hành trên Hội Thánh, ép Hội Thánh làm những điều sai Lời Chúa.
  • Những người có trách nhiệm trong Hội Thánh phải lên tiếng về những kẻ muốn cầm quyền trên Hội Thánh.
  • Bất kể một người nắm giữ chức vụ nào trong Hội Thánh, nếu người ấy chỉ làm ra những sự dữ, việc ác, thì người ấy không phải là con dân chân thật của Chúa; người ấy chưa hề nhận biết Chúa; người ấy chỉ là kẻ giả hình. Một người như vậy, cần phải bị dứt bỏ ra khỏi Hội Thánh.

Nguyện Đức Thánh Linh ghi khắc bài học này trong mỗi chúng ta, để chúng ta cùng nhau sống trong lẽ thật và lẽ thật ở trong mỗi chúng ta, chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa qua nếp sống của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/03/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.