Chú Giải Lu-ca 19:12-27

6,006 views

Chú Giải Lu-ca 19:12-27
Ngụ Ngôn về Các Nén Bạc

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Thánh Kinh Tân Ước ghi lại hai ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus Christ về việc chủ giao tài sản vào trong tay của các tôi tớ để họ làm lợi ra cho chủ. Ngụ ngôn thứ nhất được chép trong Ma-thi-ơ 25:15-30 và được biết đến với tựa đề: “Ngụ Ngôn về Các Ta-lâng”. Ngụ ngôn thứ nhì được chép trong Lu-ca 19:12-27 và được biết đến với tựa đề: “Ngụ Ngôn về Các Nén Bạc”. Trong khi “Ngụ Ngôn về Các Ta-lâng” được áp dụng cho con dân Chúa trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế thì “Ngụ Ngôn về Các Nén Bạc” được áp dụng cho Hội Thánh.

Chúng ta đã học “Ngụ Ngôn về Các Ta-lâng” trong loạt bài giảng chú giải sách Ma-thi-ơ [1]. Trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau học “Ngụ Ngôn về Các Nén Bạc”. Đây là bài học rất thích hợp cho chúng ta trong thời điểm này, khi chúng ta biết rằng, thời điểm Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian có thể không kéo dài đến ba năm, kể từ Lễ Vượt Qua của năm 2017, như chúng tôi đã trình bày trong bài giảng “Ô-sê 6:1-2 và Kỳ Tận Thế” [2].

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNTQ0MzcwNDlf/9042191_Luca_19_12-27.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9042191-luca-19_12-27
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/4empbhmh5tztbud/9042191_Luca_19_12-27.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive:  https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Hiểu rõ ý nghĩa của “Ngụ Ngôn về Các Nén Bạc” sẽ giúp cho chúng ta biết sống như thế nào trong những ngày cuối cùng này.

Lu-ca 19:12-27

12 Vậy, Ngài phán: Có một người thuộc quý tộc đi đến phương xa, để nhận chức làm vua, rồi trở về.

13 {Trước khi đi,} ông gọi mười người tôi tớ của mình, giao cho họ mười nén bạc, và bảo họ: Hãy làm ăn cho đến khi ta trở về.

14 Nhưng có những người dân của ông ghét ông, sai một sứ giả theo sau ông để nói: Chúng tôi không muốn {người} này cai trị trên chúng tôi!

15 Sau khi ông đã chịu phong chức làm vua và trở về, thì ông gọi các tôi tớ mà ông đã giao bạc đến, để ông biết mỗi người làm ăn thu lợi được bao nhiêu.

16 Người thứ nhất thưa: Lạy chúa! Nén bạc của ngài sinh lợi được mười nén.

17 Ông nói với người ấy: Hỡi tôi tớ ngay lành! Được lắm! Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ, ngươi sẽ được cai trị mười thành.

18 Người thứ nhì đến, thưa: Lạy chúa! Nén bạc của ngài sinh lợi được năm nén.

19 Ông cũng nói với người ấy: Ngươi cũng được cai trị năm thành.

20 Người khác đến, thưa: Lạy chúa! Đây này! Nén bạc của ngài tôi đã gói giữ trong khăn;

21 bởi tôi sợ ngài, vì ngài là người nghiêm khắc, lấy trong nơi ngài không để và gặt trong chỗ ngài không gieo.

22 Ông nói với người ấy: Hỡi tôi tớ gian ác! Bởi lời ra từ chính miệng của ngươi mà ta phán xét ngươi. Ngươi biết ta là người nghiêm khắc, lấy trong chỗ ta không để và gặt trong chỗ ta không gieo;

23 vậy, cớ sao ngươi không giao bạc của ta cho hàng bạc, để khi ta về, ta sẽ lấy lại vốn và lời.

24 Ông nói với các người đứng gần đó: Hãy lấy nén bạc khỏi nó và cho người có mười nén.

25 Họ thưa với ông: Lạy chúa! Người ấy có mười nén rồi.

26 Ta nói với các ngươi rằng, ai có, thì sẽ cho thêm; nhưng ai không có, thì sẽ cất luôn điều nó đã có.

27 Còn những kẻ ghét ta, không muốn ta cai trị trên chúng, hãy đem chúng đến đây, và giết đi trước ta.

Bối cảnh khi Đức Chúa Jesus Christ phán dạy “Ngụ Ngôn về Các Nén Bạc” là Ngài đang trên đường đi đến thành Giê-ru-sa-lem, thì Ngài ghé lại thành Giê-ri-cô. Tại thành Giê-ri-cô Đức Chúa Jesus Christ vào ở trọ trong nhà của một người thu thuế tên là Xa-chê. Xa-chê nhân cơ hội ấy tin nhận Chúa và dâng hiến một nửa tài sản của ông cho người nghèo, bồi thường gấp bốn lần những người bị ông chiếm đoạt tài sản. Đây cũng chính là thời điểm Đức Chúa Jesus Christ chuẩn bị cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem trước khi Ngài chịu chết trên thập tự giá.

Mục đích của Chúa khi kể ra “Ngụ Ngôn về Các Nén Bạc” là để cho mọi người biết rằng, Vương Quốc Trời chưa đến ngay lúc đó. Vì thế, những ai theo Chúa sẽ được Chúa giao phó cho công việc làm lợi cho Ngài, mà nếu có ai không trung tín hầu việc Ngài, thì sẽ bị hình phạt; và những ai ghét Ngài, cũng sẽ bị hình phạt.

Nhiều người hiểu lầm rằng, chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là đủ. Nhưng đó chỉ là điều kiện để được cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Được cứu rỗi chỉ là bước đầu hướng về Vương Quốc Trời. Các bước kế tiếp là tiếp tục sống thánh khiết và trung tín phục vụ Chúa. Sau khi được cứu thì một người phải luôn nhờ cậy năng lực của Thiên Chúa để đắc thắng mọi cám dỗ, không trở lại sống trong tội. Nếu lỡ yếu đuối hay thiếu hiểu biết mà phạm tội, thì phải lập tức ăn năn và xưng tội trước Chúa. Và điều quan trọng là trung tín hầu việc Chúa, làm lợi những gì Chúa đã giao phó vào trong tay của mình, tức là hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời đối với mình khi tạo dựng nên mình và cứu chuộc mình.

Chúng ta nhìn ra chung quanh chúng ta và thấy mỗi một loài thọ tạo đều có công việc Đức Chúa Trời giao cho và chúng đều lo làm thành bổn phận của chúng, từ những vật không có sự sống như mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú, cho đến những loài có sự sống thấp kém hơn loài người, như cây cỏ, côn trùng, thú vật… Vì thế, ngoại trừ những người không tin Chúa, không muốn Chúa cai trị họ, thì chắc chắn là mỗi con dân Chúa đều được Chúa giao cho bổn phận, trách nhiệm làm lợi những gì Chúa đã ban cho chúng ta, trong suốt thời gian chúng ta sống giữa thế gian, chờ ngày Chúa trở lại.

12 Vậy, Ngài phán: Có một người thuộc quý tộc đi đến phương xa, để nhận chức làm vua, rồi trở về.

Người thuộc quý tộc tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus Christ là Đấng có bản thể Thiên Chúa. Ngài vốn là Thiên Chúa. Ngài đã vào trong thiên đàng với thân xác loài người phục sinh của Ngài. Một ngày kia, Ngài sẽ trở lại thế gian với danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” để thiết lập và cai trị Vương Quốc Trời trên đất.

13 {Trước khi đi,} ông gọi mười người tôi tớ của mình, giao cho họ mười nén bạc, và bảo họ: Hãy làm ăn cho đến khi ta trở về.

Từ ngữ “nén bạc” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ chỉ về một khối bạc có giá trị bằng 100 đồng tiền Hy-lạp, tương đương với tiền lương 100 ngày của một người lính hay một người thợ khéo trong thời của Đức Chúa Jesus.

Từ ngữ “làm ăn” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là việc mua bán hay việc cho vay của ngân hàng.

Con số mười tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng và chất lượng. Mười người tôi tớ tiêu biểu cho tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh. Mười nén bạc tiêu biểu cho tất cả “vốn liếng” Chúa giao cho Hội Thánh và chia đều cho mỗi người trước khi Ngài thăng thiên. Mệnh lệnh: “Hãy làm ăn cho đến khi ta trở về” có nghĩa là Hội Thánh phải làm lợi những gì Chúa đã giao vào trong tay của Hội Thánh cho đến khi Chúa đến. Đối với mỗi cá nhân trong Hội Thánh là trung tín làm lợi cho nhà Chúa cho đến khi ra khỏi cuộc đời này.

14 Nhưng có những người dân của ông ghét ông, sai một sứ giả theo sau ông để nói: Chúng tôi không muốn {người} này cai trị trên chúng tôi!

Những người dân ghét nhà quý tộc là những người trong thế gian ghét Đức Chúa Jesus Christ. Họ thuộc về Ngài vì Ngài là Đấng tạo dựng nên họ, nhưng họ tôn thờ các thần linh trong các tôn giáo hoặc tôn thờ các chủ nghĩa, triết lý, thay vì tôn thờ Ngài. Sứ giả của những kẻ ghét Đức Chúa Jesus Christ là những kẻ cầm đầu các tôn giáo, các chủ nghĩa, và các triết lý trong thế gian.

15 Sau khi ông đã chịu phong chức làm vua và trở về, thì ông gọi các tôi tớ mà ông đã giao bạc đến, để ông biết mỗi người làm ăn thu lợi được bao nhiêu.

Khi thời điểm Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, chuẩn bị thiết lập Vương Quốc Trời, Ngài sẽ phán xét việc làm của mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh, để xem mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu từ sự ban cho của Ngài.

16 Người thứ nhất thưa: Lạy chúa! Nén bạc của ngài sinh lợi được mười nén.

17 Ông nói với người ấy: Hỡi tôi tớ ngay lành! Được lắm! Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ, ngươi sẽ được cai trị mười thành.

Người tôi tớ thứ nhất tiêu biểu cho những người hết lòng sống cho Chúa, suốt thời gian chờ đợi Chúa trở lại, họ đã làm lợi cách trọn vẹn cho Chúa từ số vốn đã được Chúa ban cho. Chúng ta hãy chú ý đến chi tiết: Mười nén bạc được ban cho mười người, nghĩa là mỗi người được một nén bạc. Từ một nén bạc làm lợi ra mười nén là sự thành công trọn vẹn và tuyệt đối trong sự làm ăn.

Những người hết lòng sống cho Chúa, đã làm lợi cách trọn vẹn cho Chúa sẽ nhận được phần thưởng tương xứng với công khó của họ. Họ sẽ hoàn toàn đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Trời. Họ được Chúa ban cho danh hiệu là “Tôi Tớ Ngay Lành!”

Suốt cả đời sống trung tín của chúng ta trong Chúa, được gọi là “việc nhỏ” khi so sánh với quyền đồng trị cùng Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Trời. Cho dù chúng ta chịu khó, chịu khổ đến đâu, thậm chí chịu chết, để làm lợi cho Chúa từ những gì Chúa đã ban cho chúng ta, thì tất cả cũng chỉ là “việc nhỏ”. Tất cả chỉ là “bài tập” để rèn luyện và chuẩn bị chúng ta cho sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời. Vài năm hay vài chục năm trong cuộc đời này chỉ là “nhỏ” so với sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

18 Người thứ nhì đến, thưa: Lạy chúa! Nén bạc của ngài sinh lợi được năm nén.

19 Ông cũng nói với người ấy: Ngươi cũng được cai trị năm thành.

Chúng ta thấy kết quả việc làm ăn của người tôi tớ thứ nhì cũng được chủ chấp nhận và ban thưởng, nhưng không có lời khen.

Người tôi tớ thứ nhì tiêu biểu cho những người chưa hết lòng sống cho Chúa. Dù họ có làm lợi cho Chúa nhưng kết quả không trọn vẹn như đáng phải có. Lý do là họ không hoàn toàn sống cho Chúa, họ vẫn còn có những lúc sống cho bản thân. Chúng ta hãy hình tưởng như thế này:

Người tôi tớ thứ nhất và thứ nhì đều nhận cùng số vốn như nhau và cùng mở cửa hàng buôn bán như nhau. Trong khi người thứ nhất mở cửa hàng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều thì người thứ nhì chỉ mở cửa hàng từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều, người tôi tớ thứ nhì dành thời gian để vui chơi với bạn bè. Như vậy, đương nhiên người tôi tớ thứ nhất sẽ thu lợi nhiều hơn là người tôi tớ thứ nhì.

Chúng ta vẫn biết rằng, trong thế gian, không hẳn là cùng số vốn, cùng ngành nghề, cùng quyết tâm làm ăn, cùng thời gian khó nhọc làm ăn… thì sẽ cùng thu lợi giống nhau, vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác. Nhưng trong đời sống thuộc linh, thu lợi cho Chúa nhiều hay ít chỉ hoàn toàn dựa vào tấm lòng của chúng ta đối với Chúa và số thời gian chúng ta dành để hầu việc Chúa trong sự dẫn dắt của Chúa.

20 Người khác đến, thưa: Lạy chúa! Đây này! Nén bạc của ngài tôi đã gói giữ trong khăn;

21 bởi tôi sợ ngài, vì ngài là người nghiêm khắc, lấy trong nơi ngài không để và gặt trong chỗ ngài không gieo.

Người tôi tớ cất giữ nén bạc, không đem ra làm ăn, tiêu biểu cho những người chỉ lo sống cho mình mà không hầu việc Chúa. Họ là những người ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, được báp-tem vào trong Hội Thánh, được chia phần trong sự ban cho của Chúa để phục vụ Ngài, nhưng họ đã chọn không phục vụ Ngài.

Câu nói: “Bởi tôi sợ ngài, vì ngài là người nghiêm khắc, lấy trong nơi ngài không để và gặt trong chỗ ngài không gieo,” cho thấy những người này tin Chúa nhưng không học biết về Chúa. Họ không đọc và suy ngẫm Thánh Kinh để biết rằng, Chúa là Đấng yêu thương, thánh khiết, và công chính nhưng không hoang phí năng lực của Ngài. Họ không biết rằng, dù Chúa có thể làm phép lạ hóa ra nhiều bánh và cá cho nhiều ngàn người ăn, nhưng Ngài không hoang phí những thức ăn còn dư.

Từ ngữ “nghiêm khắc” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: “cứng rắn, không biết cảm thông cho người khác, khó làm cho vừa lòng”. Đây chỉ là lời vu khống của người tôi tớ bất trung.

Thành ngữ “lấy trong nơi không để, gặt trong chỗ không gieo” có nghĩa là: “Nhặt đồ người khác bỏ quên hay đánh rơi. Thu hoạch thổ sản nơi các vùng đất hoang.” Thành ngữ này được người tôi tớ dùng không hàm ý người chủ có tính tiết kiệm nhưng hàm ý là người chủ có tính hà tiện, keo kiệt, vì trước đó, anh ta đã gọi chủ là “người nghiêm khắc”.

Có nhiều người cho rằng, Chúa là Đấng quá nghiêm khắc và họ không thể nào sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa. Tuy nhiên, chính Chúa là Đấng ban cho họ năng lực và các vũ khí thuộc linh để họ có thể sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa. Họ không thắng được cám dỗ là vì họ vẫn còn ưa thích tội lỗi hoặc họ không biết tận dụng năng lực và các vũ khí Chúa ban để thắng tội lỗi. Những người nào không thật lòng sống cho Chúa, không sốt sắng tìm kiếm lẽ thật trong Lời Chúa, thì họ sẽ không thể nào làm lợi cho Chúa trong suốt cuộc đời đi theo Chúa của họ.

22 Ông nói với người ấy: Hỡi tôi tớ gian ác! Bởi lời ra từ chính miệng của ngươi mà ta phán xét ngươi. Ngươi biết ta là người nghiêm khắc, lấy trong chỗ ta không để và gặt trong chỗ ta không gieo;

23 vậy, cớ sao ngươi không giao bạc của ta cho hàng bạc, để khi ta về, ta sẽ lấy lại vốn và lời.

Cho dù một người có nhận định sai về Chúa, cho rằng Chúa quá nghiêm khắc, thì người ấy lại càng phải hết lòng sống theo Lời Chúa, làm lợi cho Chúa càng hơn, để tránh bị hình phạt; chứ sao lại bất tuân mệnh lệnh của Chúa?

Chỉ cần một người có lòng hầu việc Chúa thì người ấy sẽ tìm thấy cơ hội để hầu việc Ngài. Ít nhất là một người phải làm tròn bổn phận với các anh chị em trong Hội Thánh, để các anh chị em trong Hội Thánh có thể đạt được nhiều kết quả trong sự hầu việc Chúa của họ mà mình cũng được dự phần. Bổn phận của con dân Chúa đối với nhau là: yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ, khích lệ, cáo trách, khuyên bảo, cầu thay…

Người không vâng theo mệnh lệnh của Chúa sẽ bị gọi là: “Tôi Tớ Gian Ác!” Khác với danh hiệu chủ gọi người tôi tớ thứ nhất: “Tôi Tớ Ngay Lành!” Mặc dù trong ngụ ngôn này không nói đến việc người tôi tớ gian ác bị quăng vào nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng, như trường hợp của người tôi tớ trong “Ngụ Ngôn về Các Ta-lâng” được chép trong Ma-thi-ơ 25:15-30, nhưng chắc chắn là số phận của hai người không khác nhau.

Thực tế, số phận của những tôi tớ bất trung đều sẽ giống nhau, là cùng chung với những kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 24:51). Nơi tối tăm sẽ có khóc lóc và nghiến răng chính là hỏa ngục (Ma-thi-ơ 13:42, 50).

24 Ông nói với các người đứng gần đó: Hãy lấy nén bạc khỏi nó và cho người có mười nén.

Sự ban cho đã được định sẵn cho những tôi tớ bất trung sẽ được thu lại và ban cho những tôi tớ trung tín.

25 Họ thưa với ông: Lạy chúa! Người ấy có mười nén rồi.

26 Ta nói với các ngươi rằng, ai có, thì sẽ cho thêm; nhưng ai không có, thì sẽ cất luôn điều nó đã có.

Những người có tấm lòng yêu kính, vâng phục Chúa, thể hiện qua sự hết sức trung tín hầu việc Chúa thì sẽ được ban cho thêm càng hơn về cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Những người không có tấm lòng yêu kính, vâng phục Chúa, thể hiện qua sự họ không trung tín hầu việc Chúa thì sẽ bị cất hết những gì đã được ban cho họ.

27 Còn những kẻ ghét ta, không muốn ta cai trị trên chúng, hãy đem chúng đến đây, và giết đi trước ta.

Những ai trong thế gian không tin nhận Chúa sẽ bị hình phạt, không được dự phần làm công dân của Vương Quốc Trời.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy tìm hiểu cách chi tiết về ý nghĩa của các nén bạc.

Như đã nói, mười nén bạc tiêu biểu cho sự ban cho trọn vẹn của Chúa đối với Hội Thánh và chia đều cho mỗi người trước khi Ngài thăng thiên, để làm lợi cho Chúa trước khi Ngài trở lại. Con dân Chúa có trung tín làm lợi cho nhà Chúa cho đến khi ra khỏi cuộc đời này hay không là tự do lựa chọn của mỗi người. Mười nén bạc chính là nếp sống mới trong Đấng Christ với các cơ hội và các phương tiện để hầu việc Chúa. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì người ấy lập tức được báp-tem vào trong Hội Thánh của Chúa, tức là được nhúng chìm vào trong Chúa, hiệp một với Ngài, để trở nên giống như Ngài, sống bằng năng lực của chính Ngài và sống cho Ngài. Thánh Kinh gọi đó là sự được tái sinh, được dựng nên mới, để phục vụ Chúa:

Vậy, các anh chị em cũng hãy coi mình đã thật sự chết về tội lỗi nhưng sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta. Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, khiến các anh chị em chiều theo nó trong những sự tham muốn của nó. Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em {như} các công cụ của sự không công bình cho tội lỗi; nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như sống từ trong những kẻ chết, và {trình dâng} các chi thể của các anh chị em {như} các công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:11-13).

Mỗi người trong Hội Thánh đều được Chúa ban cho nếp sống mới như nhau, không phân biệt mới vừa tin nhận Chúa hay tin nhận Chúa đã lâu; không phân biệt tuổi tác, phái tính, chủng tộc; không phân biệt giai cấp, địa vị, nghề nghiệp, quyền thế, trình độ học thức, giàu, nghèo trong xã hội.

Một người sống nếp sống mới trong Chúa và đưa dắt ít hay nhiều người khác đến với Chúa, để họ cũng thật lòng tin nhận Chúa và được dựng nên mới như chính mình, thì người ấy đã làm lợi sự ban cho của Chúa. Một người tin Chúa suốt cuộc đời mà không hề đưa dắt được một người khác đến với Chúa, để được dựng nên mới như chính mình, thì người ấy đã không làm lợi sự ban cho của Chúa.

Mệnh lệnh cuối cùng Chúa ban cho những ai tin nhận Ngài là gì? Là hãy khiến cho nhiều người khác cũng trở nên môn đồ của Ngài:

Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta. Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Để có thể làm lợi sự ban cho của Chúa, chúng ta cần phải chết đi con người cũ của mình. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng ngụ ngôn về hạt lúa mì để minh họa cho sự chết đi con người cũ, hoàn toàn sống nếp sống của con người mới, và kết quả được nhiều:

Thật vậy! Thật vậy! Ta nói với các ngươi, nếu hạt giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo vào trong đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều.” (Giăng 12:24).

Một người đã tin nhận Chúa nhưng không sống theo sự ban cho của Chúa, mà cứ ở lại trong con người cũ thì sẽ không bao giờ kết quả, sẽ không bao giờ đưa dắt được người khác trở nên môn đồ của Chúa. Một vài dấu hiệu cho thấy một người vẫn ở lại trong con người cũ là:

  • Kiêu ngạo, khoe khoang, cho mình là hiểu biết Lời Chúa hơn người khác mà không chịu nghe lời khuyên và góp ý của các anh chị em trong Hội Thánh.

  • Tự ái không đúng, có lỗi không chịu nhận lỗi mà tìm cách đổ lỗi cho người khác. Nếu có ai chỉ ra lỗi lầm của mình thì tức giận, thay vì cám ơn, ăn năn và xin lỗi.

  • Vui đùa, bỡn cợt cách thô tục, lẵng lơ; mắng nhiếc, chửi rủa người khác; kể cả trong các phát biểu trên các trang mạng điện tử.

  • Lười biếng, tắc trách, không làm tròn các bổn phận. Ăn mặc, trang điểm lòe loẹt, diêm dúa, hở hang, hoặc không gọn, sạch. Không giữ gìn vệ sinh thân thể.

  • Nói dối để che dấu sự thật.

  • Tà dâm, kể cả tà dâm trong tư tưởng.

Lời Chúa dạy:

Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Ở trong Ngài là ở trong Đấng Christ. Bước đi như Đấng Christ đã bước đi là sống giữa thế gian này như Đấng Christ đã sống giữa thế gian này. Chúng ta hãy xét xem thái độ, lời nói, cử chỉ, hành động của mình có phải là điều mà Đấng Christ suy nghĩ, nói, và làm hay không. Nếu không, thì chúng ta đừng nghĩ, đừng nói, và đừng làm như vậy.

Nếu thế gian nhìn thấy chúng ta vẫn kiêu ngạo; tự ái không đúng; vui đùa, bỡn cợt thô tục, lẵng lơ; mắng nhiếc, chửi rủa; lười biếng, tắc trách; ăn mặc, trang điểm lòe loẹt, diêm dúa, hở hang, hoặc không gọn, sạch; không giữ gìn vệ sinh thân thể; nói dối; tà dâm… thì làm sao có thể nói chúng ta là muối của đất và sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:13-14)? Làm sao nói là đời sống của chúng ta làm tôn vinh danh Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31)?

Thực tế, nếu một người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, đã được dựng nên mới, thì mỗi khi người ấy nghĩ sai, nói sai, làm sai đều được tâm thần của mình lên tiếng cáo trách. Nếu người ấy vẫn tiếp tục trong sự sai trái thì Đức Thánh Linh sẽ lên tiếng cáo trách. Nếu người ấy bỏ qua sự cáo trách của Đức Thánh Linh thì Chúa sẽ sai người khác cáo trách người ấy, có thể là một anh chị em trong Chúa mà cũng có thể là một người không tin Chúa, cũng có thể là Chúa sẽ dùng một bài giảng, như bài giảng này.

Những người vẫn cứng lòng, không chịu ăn năn sau khi Chúa đã dùng người khác cáo trách sự phạm tội của họ, thì sẽ đến lúc Chúa mửa họ ra, họ không còn có thể ăn năn, và sẽ bị hư mất đời đời, cho dù đối với loài người họ vẫn đang sinh hoạt trong Hội Thánh. Sự hiện diện của những người như vậy trong Hội Thánh sẽ ảnh hưởng xấu đến Hội Thánh. Vì thế, Chúa truyền lệnh cho Hội Thánh phải dứt thông công người phạm tội mà không chịu ăn năn (Ma-thi-ơ 18:15-18; I Cô-rinh-tô 5:9-13).

Sự ban cho của Chúa để con dân Chúa làm lợi cho Ngài bao gồm ba phương diện:

Phương diện thứ nhất là tình yêu của Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh qua Đức Chúa Jesus Christ. Con dân Chúa có bổn phận yêu người khác như chính mình và yêu các anh chị em trong Chúa hơn chính mình. “Yêu như chính mình” là chia sẻ những gì mình có để cứu giúp người khác và đưa dẫn họ đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. “Yêu hơn chính mình” là sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ và giúp cho người mình yêu được nên trọn vẹn trong Chúa, kết quả nhiều cho Chúa.

Chúa không yêu cầu chúng ta phải hy sinh mạng sống cho những người không tin Chúa. Lời phán của Chúa trong Giăng 15:13 chỉ áp dụng cho con dân Chúa:

Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống mình cho các bạn hữu mình.” (Giăng 15:13)

Vì tiếp liền theo đó, Đức Chúa Jesus Christ đã giúp cho chúng ta hiểu ai là bạn hữu của Chúa và như vậy, cũng là bạn hữu của con dân Chúa:

Các ngươi là các bạn hữu của Ta, nếu các ngươi làm theo những gì Ta truyền cho các ngươi. Ta chẳng gọi các ngươi là những tôi tớ nữa, vì kẻ tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta đã gọi các ngươi là các bạn hữu, vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết.” (Giăng 15:14-15).

Tuy nhiên, có những trường hợp chúng ta có thể chọn hy sinh mạng sống của mình cho những người không tin Chúa, như để bảo vệ mạng sống của các trẻ em trong hoàn cảnh khẩn cấp, như khi chúng ta làm nhiệm vụ của người lính chữa lửa, cảnh sát, công an, hoặc quân nhân… Chúa không yêu cầu chúng ta phải hy sinh mạng sống cho những người chưa tin Chúa, nhưng Chúa cũng không cấm.

Chúng ta phải cẩn thận trong việc thể hiện tình yêu đối với người khác. Đối với những người không tin Chúa, chúng ta sẵn sàng chia sẻ những gì chúng ta có để cứu giúp họ và giảng Tin Lành cho họ. Nhưng nếu sau khi chúng ta đã giảng Tin Lành cho họ mà họ không tin nhận Tin Lành thì Chúa dạy rằng, chúng ta phải lìa khỏi họ (Ma-thi-ơ 10:14; Mác 6:11; Lu-ca 9:5). Chúng ta vẫn yêu thương họ, nhưng vì họ từ chối tin nhận Tin Lành tức là họ chọn ở lại trong sự thù nghịch Chúa. Chúng ta chỉ phó thác họ vào sự thương xót của Chúa. Chúng ta không hao tốn thời gian, công sức, phương tiện Chúa ban cho họ nữa. Phao-lô và Ba-na-ba đã vâng phục mệnh lệnh này của Chúa đối với những người Do-thái cứng lòng tại thành An-ti-ốt (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:51). Chúng ta nên học tập gương của hai ông.

Chúng ta cứu giúp một người khi người ấy gặp khó khăn, không thể tự mình ra khỏi, chứ không phải chúng ta cứ cưu mang một người khi người ấy không tự lo cho bản thân mà chỉ muốn lợi dụng chúng ta.

Đối với anh chị em trong Chúa, ngoài việc sẵn sàng hy sinh mọi sự, ngay cả mạng sống, để cứu giúp họ, chúng ta còn phải dùng lời của Chúa để quở trách, sửa trị họ khi họ có lỗi hay phạm tội. Đó mới là tình yêu chân thật.

Một lời quở trách tỏ tường hơn là yêu thương giấu kín.” (Châm Ngôn 27:5).

Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, quở trách, sửa trị, giáo dục trong sự công bình, để người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Sa-tan thường gài vào trong tâm trí những người chưa thực sự sống nếp sống mới các câu Thánh Kinh sau đây, xúi giục họ dùng ngụy biện để chống lại sự quở trách sửa trị của người khác khi họ phạm lỗi hay phạm tội.

Các ngươi đừng định tội ai, để mình khỏi bị định tội. Vì các ngươi định tội ai với bản án nào, thì các ngươi sẽ bị định tội thế ấy; các ngươi lường mức nào, thì mức ấy sẽ lường lại cho các ngươi. Sao ngươi thấy cọng rơm trong mắt anh chị em của ngươi, mà không nhận ra cây đà trong mắt mình? Sao ngươi nói với anh chị em của ngươi rằng: Để tôi lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh chị em, mà kìa, cây đà ở trong mắt ngươi?” (Ma-thi-ơ 7:1-4).

Lời phán trên đây của Chúa áp dụng cho những kẻ giả hình, tức là những kẻ phạm cùng một tội như người khác nhiều hơn người khác mà lại lên án người khác. Ma-thi-ơ 7:5 xác định rõ, lời phán của Chúa dành cho những kẻ giả hình:

Hỡi kẻ giả hình! Trước hết, hãy lấy cây đà ra khỏi mắt ngươi, rồi mới thấy rõ mà lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh chị em của ngươi.” (Ma-thi-ơ 7:5).

Chính Chúa dạy cho con dân Chúa trong Hội Thánh phải định tội lẫn nhau, phán xét lẫn nhau và dứt thông công những kẻ phạm tội mà không ăn năn (Ma-thi-ơ 18:15-18; I Cô-rinh-tô 5:9-13). Vì thế, đối với những người được cáo trách mà không ăn năn, còn quay lại bắt bẻ người cáo trách mình, thì Hội Thánh phải dứt thông công người ấy. Sự dứt thông công một người có tội mà không ăn năn cũng chính là một hình thức thể hiện tình yêu đối với người ấy, vì tình yêu thật kèm theo sự sửa phạt, để người chịu sửa phạt có cơ hội ăn năn:

…phó người như thế cho Sa-tan, để phần xác thịt bị hủy hoại, mà tâm thần có thể được cứu trong ngày của Đức Chúa Jesus.” (I Cô-rinh-tô 5:5).

Nhân danh tình yêu thương để chấp chứa người có tội không chịu ăn năn trong Hội Thánh là nghịch lại mệnh lệnh của Chúa và làm hại thân thể của Chúa là Hội Thánh.

Phương diện thứ nhì là Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, đã được ban cho Hội Thánh, và Hội Thánh có bổn phận rao truyền Lời Chúa, để cho ngày càng có nhiều người biết đến Lời Chúa và được cứu bởi Lời Chúa. Con dân Chúa có bổn phận truyền cho người mới tin Chúa Lời Chúa và luôn gây dựng lẫn nhau bằng Lời Chúa.

Như mưa và tuyết từ trời rơi xuống và không trở lại, mà đượm nhuần đất, khiến nó sinh ra chồi non, để có giống cho người gieo trồng và có bánh cho người ăn, thì lời của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng Ta, thì sẽ chẳng trở về cùng Ta cách vô ích, nhưng nó sẽ làm trọn điều Ta muốn, sẽ hoàn thành công việc Ta đã sai khiến nó.” (Ê-sai 55:10-11).

Lời Chúa giúp duy trì nếp sống mới của con dân Chúa: thánh hóa con dân Chúa, ban sự khôn sáng cho con dân Chúa, an ủi lòng con dân Chúa, và gia thêm sự hiểu biết sâu nhiệm về Thiên Chúa và ý muốn của Đức Chúa Trời cho con dân Chúa.

Phương diện thứ ba là thánh linh. Thánh linh là sức sống, thẩm quyền, và năng lực hành động ra từ Đức Thánh Linh. Thánh linh được ban cho Hội Thánh cách đầy trọn trong ngày Hội Thánh được thành lập. Mỗi người, khi được báp-tem vào trong Hội Thánh thì lập tức nhận được thánh linh, nhưng nhận nhiều hay ít, đầy dẫy hay không đầy dẫy, có tận dụng thánh linh trong cuộc sống hay không là chọn lựa của mỗi người. Thí dụ sau đây minh họa cho sự đầy dẫy và tận dụng thánh linh.

Một căn nhà được xây dựng hoàn tất với hệ thống điện, được trang bị đèn và các ổ cắm điện đầy đủ cho mỗi phòng, cho mỗi máy móc, dụng cụ trong nhà. Chủ nhà có toàn quyền chọn bật sáng các bóng đèn trong nhà, cắm các máy móc, dụng cụ vào các ổ điện và bật công tắc để dùng chúng; hay chọn chỉ bật sáng một vài bóng đèn, cắm điện cho một vài máy móc. Thậm chí, chủ nhà cũng có thể chọn hoàn toàn không dùng đến điện. Dù quyết định của chủ nhà như thế nào, thì điện lực luôn đầy đủ và có sẵn cho căn nhà ấy.

Con dân Chúa không cần cầu xin Chúa ban thánh linh, vì Chúa đã ban thánh linh. Con dân Chúa chỉ cần luôn được đổ đầy thánh linh (Ê-phê-sô 5:18), tận dụng thánh linh trong cuộc sống, để hầu việc Chúa, làm lợi cho Chúa đời sống mới Chúa đã ban cho mình.

Người luôn đầy dẫy thánh linh thì tâm thần sẽ sinh ra bông trái tốt lành: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ (Ga-la-ti 5:22-23).

Phương diện thánh linh bao gồm các ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho, như đã liệt kê trong I Cô-rinh-tô 12. Mỗi con dân Chúa đều nhận được ân tứ của Đức Thánh Linh nhưng ân tứ ban cho mỗi người có thể khác nhau, tùy vào vị trí của họ trong thân thể của Đấng Christ, là Hội Thánh. Các ân tứ được ban cho con dân Chúa để tự gây dựng chính mình, gây dựng lẫn nhau, và để phục vụ Chúa.

Phương diện thánh linh cũng bao gồm các khí giới thuộc linh của Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh, như đã liệt kê trong Ê-phê-sô 6:13-18. Nhờ các khí giới thuộc linh ấy mà con dân Chúa đứng vững trong nếp sống mới và làm lợi cho Chúa.

Kết Luận

Chúa đã ban cho Hội Thánh trọn vẹn những gì cần thiết để con dân Chúa sống một nếp sống mới đầy kết quả cho Chúa. Việc còn lại là chúng ta có chọn hoàn toàn sống cho Chúa hay không. Mỗi người hãy tự hỏi:

  • Mục đích đời sống của tôi là gì?

  • Tôi đang sống hay là Đấng Christ đang sống trong tôi (Ga-la-ti 2:20)?

  • Tôi có đang là muối của đất và ánh sáng của thế gian hay không (Ma-thi-ơ 5:13)?

  • Tôi có thật sự dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, để thờ phượng Ngài hay không (Rô-ma 12:1)?

  • Tôi vẫn còn làm theo đời này, ăn nói, cư xử, hành động như người thế gian hay là tôi đã biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để kinh nghiệm ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thế nào (Rô-ma 12:2)?

  • Ngày hôm nay tôi sẽ làm gì? Làm cho ai? Làm như thế nào? Việc làm của tôi có ích lợi, có gây dựng, và có vì sự vinh quang của Thiên Chúa hay không (I Cô-rinh-tô 10:23, 31)?

  • Tôi có sẵn sàng bỏ hết mọi sự, chịu khổ mà theo Chúa hay không? Tôi có yêu cha mẹ, vợ chồng, con cái, tài sản, và ngay cả mạng sống của mình hơn là yêu Chúa hay không (Ma-thi-ơ 10:37-38; Lu-ca 9:23; 14:26-27)?

Là con dân Chúa đang sống giữa thế gian, chúng ta có bổn phận đối với Chúa và đối với những người chung quanh. Chúng ta cậy thánh linh của Chúa để làm trọn mọi bổn phận, từ sự giữ mình thánh sạch, không phạm các điều răn của Chúa, cho đến giảng Tin Lành của Chúa cho người khác qua chính nếp sống và lời nói của chúng ta, qua việc trao tặng các văn phẩm rao giảng Lời Chúa; và nhất là chúng ta tích cực cứu giúp, gây dựng các anh chị em trong Hội Thánh.

Không phải vì Chúa gần đến mà chúng ta bỏ qua các bổn phận thường ngày trong gia đình, trong xã hội. Chúng ta vẫn phải làm tròn mọi bổn phận trong gia đình, tùy theo vị trí của chúng ta trong gia đình. Cha mẹ vẫn phải làm tròn bổn phận đối với con cái. Con cái vẫn phải làm tròn bổn phận đối với cha mẹ. Vợ chồng vẫn phải làm tròn bổn phận đối với nhau. Chúng ta vẫn phải đi làm, vẫn phải đi học cho đến ngày Chúa đến. Vì chúng ta vẫn phải nuôi sống phần thuộc thể cho bản thân cùng gia đình. Ngoài ra, chính trong nơi làm việc và học tập của chúng ta, mà chúng ta rao giảng về Chúa.

Không phải bỏ hết mọi sự để suốt ngày đi rao giảng Tin Lành mới là hầu việc Chúa. Khi chúng ta hết lòng làm tròn các bổn phận của mình như chúng ta làm cho Chúa, thì đó chính là chúng ta hầu việc Chúa:

Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người. Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, {là} Đấng Christ.” (Cô-lô-se 3:23-24).

Nguyện Đức Chúa Trời thành tín và toàn năng sẽ giữ cho chúng ta được nên thánh trọn vẹn, để tâm thần, linh hồn, và thân thể của chúng ta không chỗ trách được, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/04/2017

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca “Những Bước Chân Truyền Giáo”:
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-nhung-buoc-chan-truyen-giao/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/107_chugiaimathio bài: 10769 Mat 068 NguNgonVeTalang

[2] http://kytanthe.net/?p=525