Chú Giải Nhã Ca 01:01-08

3,281 views

22002 Chú Giải Nhã Ca 1:1-8
Tình Yêu của Su-la-mít Dành cho Sa-lô-môn

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzEzOTAyMDNf/22002NhaCa_02_TinhYeuCuaSulamit_1_1-8.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/22002nhaca_02_tinhyeucuasulamit_1_1-8
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/91sbwi3d6hvsqk2/22002NhaCa_02_TinhYeuCuaSulamit_1_1-8.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

1 Bài ca của các bài ca, của Sa-lô-môn.

2 [Su-la-mít:] Nguyện chàng hôn tôi với những nụ hôn của miệng chàng. Vì sự giao tình của anh tuyệt vời hơn rượu.

3 Mùi dầu của anh thơm ngát. Danh của anh {thơm như} dầu đổ ra. Cho nên, những nữ đồng trinh yêu anh.

4 Hãy kéo em theo anh! Chúng ta sẽ chạy. Vua đã dẫn tôi vào trong những phòng của người. [Những con gái của Giê-ru-sa-lem:] Chúng em sẽ vui vẻ và mừng rỡ nơi anh. Chúng em sẽ ghi nhớ: Sự giao tình của anh tuyệt vời hơn rượu. Những người ngay thẳng yêu anh.

5 [Su-la-mít:] Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Tôi đen nhưng xinh đẹp, như những lều trại của Kê-đa, như những màn trướng của Sa-lô-môn!

6 Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen, mặt trời đã chiếu rọi trên tôi! Những con trai của mẹ tôi cáu gắt với tôi, khiến tôi canh giữ những vườn nho. Còn vườn nho riêng của tôi, tôi không canh giữ.

7 Hỡi người mà linh hồn em yêu thương! Hãy nói cho em biết, anh chăn bầy ở đâu? Buổi trưa anh khiến {chúng nằm} nghỉ tại nơi nào? Vì sao em phải như một người che mặt, bên cạnh những bầy của các bạn của chàng?

8 [Những con gái của Giê-ru-sa-lem:] Hỡi người đẹp hơn hết trong những người nữ! Nếu nàng chẳng biết, hãy đi ra, theo những dấu chân của bầy! Và cho các dê con của nàng ăn gần bên các lều trại của những kẻ chăn chiên.

Trong bài giới thiệu về sách Nhã Ca, chúng tôi đã có nói rằng, để có thể hiểu rõ ý nghĩa của một bài thơ trong tiếng Hê-bơ-rơ, người đọc phải quen biết với cách hành văn, ý nghĩa của những thành ngữ, và phong tục, tập quán của người I-sơ-ra-ên.

Ngoài ra, hình thức phân chia đoạn và câu như chúng ta thấy trong các bản in của Thánh Kinh ngày nay, không hề có trong lúc ban đầu, khi Thánh Kinh được viết ra. Mãi đến đầu thế kỷ 13 thì Thánh Kinh mới được chia thành đoạn, có đánh số thứ tự; và đến giữa thế kỷ 16 thì đoạn mới được chia thành câu, có đánh số thứ tự. Điều này khiến cho việc tra cứu Thánh Kinh được dễ dàng. Tuy nhiên, những người làm công việc chia đoạn và câu đã không theo sát văn mạch trong khi chia, nên có nhiều đoạn và nhiều câu bị ngắt không đúng chỗ, khiến cho khó hiểu.

Chính vì thế mà trong phần giải kinh các sách hoặc các phân đoạn thi ca của Thánh Kinh, chúng tôi sẽ theo văn mạch, làm công việc ngắt câu và sắp xếp các câu có liên quan đến một ý vào chung với nhau, trước khi đi vào phần giải kinh.

Các chữ: “Su-la-mít, những con gái của Giê-ru-sa-lem, Sa-lô-môn, dân chúng, Sa-lô-môn và Su-la-mít”, có dấu hai chấm theo sau, đứng ở đầu mỗi câu hát, không có trong nguyên bản của Thánh Kinh, mà do chúng tôi thêm vào để giúp người đọc dễ nhận biết ai là người hát câu hát ấy.

Dưới đây là sự phân câu theo văn mạch của Nhã Ca 1:1-8.

I. Giai đoạn đính hôn (1:2-3:5)

A. Tình yêu dành cho nhau (1:2-2:7)

1. Tình yêu của Su-la-mít dành cho Sa-lô-môn (1:2-8)

(1) Bài ca của các bài ca, của Sa-lô-môn.

(2) Su-la-mít: Nguyện chàng hôn tôi với những nụ hôn của miệng chàng.

(3) Su-la-mít: Vì sự giao tình của anh tuyệt vời hơn rượu. Mùi dầu của anh thơm ngát. Danh của anh thơm như dầu đổ ra. Cho nên, những nữ đồng trinh yêu anh.

(4) Su-la-mít: Hãy kéo em theo anh! Chúng ta sẽ chạy.

(5) Su-la-mít: Vua đã dẫn tôi vào trong những phòng của người.

(6) Những con gái của Giê-ru-sa-lem: Chúng em sẽ vui vẻ và mừng rỡ nơi anh. Chúng em sẽ ghi nhớ: Sự giao tình của anh tuyệt vời hơn rượu. Những người ngay thẳng yêu anh.

(7) Su-la-mít: Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Tôi đen nhưng xinh đẹp, như những lều trại của Kê-đa, như những màn trướng của Sa-lô-môn! Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen, mặt trời đã chiếu rọi trên tôi! Những con trai của mẹ tôi cáu gắt với tôi, khiến tôi canh giữ những vườn nho. Còn vườn nho riêng của tôi, tôi không canh giữ.

(8) Su-la-mít: Hỡi người mà linh hồn em yêu thương! Hãy nói cho em biết, anh chăn bầy ở đâu? Buổi trưa anh khiến chúng nằm nghỉ tại nơi nào? Vì sao em phải như một người che mặt, bên cạnh những bầy của các bạn của chàng?

(9) Những con gái của Giê-ru-sa-lem: Hỡi người đẹp hơn hết trong những người nữ! Nếu nàng chẳng biết, hãy đi ra, theo những dấu chân của bầy! Và cho các dê con của nàng ăn gần bên các lều trại của những kẻ chăn chiên.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu:

(1) “Bài ca của các bài ca, của Sa-lô-môn.”

Nhã Ca 1:1 được xem là tựa đề của sách Nhã Ca. “Bài ca của các bài ca, của Sa-lô-môn” có nghĩa là: Bài ca tuyệt vời nhất trong các bài ca do Vua Sa-lô-môn làm ra. Sa-lô-môn là con của Vua Đa-vít. Tên Sa-lô-môn có nghĩa là “sự bình an”. Vua Sa-lô-môn là vị vua thứ ba trong lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, là người xây dựng đền thờ thứ nhất của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, là người nói 3.000 câu châm ngôn và viết 1.005 bài ca (I Các Vua 4:32). Như vậy, có thể nói, Nhã Ca là bài ca tuyệt vời nhất trong 1.005 bài ca của Sa-lô-môn. Tuyệt vời nhất có nghĩa là đẹp nhất về hình thức, hay nhất về giai điệu của lời thơ, có ích lợi nhất về nội dung, và làm rung động lòng người nhất khi được hát lên. Từ ngữ “của Sa-lô-môn” còn hàm ý: Của một người khôn sáng nhất trong mọi thời đại.

Khi Sa-lô-môn mới lên làm vua, ông đã chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho ông sự khôn sáng, và Thiên Chúa đã đáp lời cầu nguyện của ông:

…này, Ta đã làm theo các lời {cầu xin} của ngươi! Này, Ta đã ban cho ngươi sự khôn sáng và một tấm lòng hiểu biết, đến nỗi trước {ngươi} chẳng có {ai} giống như {ngươi}, và sau {ngươi} cũng sẽ chẳng có {ai} nổi lên giống như {ngươi}.” (I Các Vua 3:12).

Vì thế, ngay cả khi nếu sách Nhã Ca không được kể là Thánh Kinh, là lời phán dạy của Thiên Chúa ban cho loài người, thì sách Nhã Ca cũng có một giá trị rất là cao trọng, vì được viết ra bởi người khôn sáng và có lòng hiểu biết nhất trong mọi thời đại.

Người I-sơ-ra-ên thời xưa ví sách Châm Ngôn như hành lang phía ngoài của đền thờ, sách Truyền Đạo như nơi thánh của đền thờ, và sách Nhã Ca như nơi chí thánh của đền thờ.

(2) “Su-la-mít: Nguyện chàng hôn tôi với những nụ hôn của miệng chàng.”

Sau tựa đề của sách là lời ca mở đầu của người nữ. Dựa vào 6:13 mà chúng ta biết tên của người nữ là Su-la-mít. Tên Su-la-mít cùng nghĩa với tên Sa-lô-môn: “sự bình an”. Tên Sa-lô-môn là danh từ giống đực còn tên Su-la-mít là danh từ giống cái. Nói cách khác, tên Sa-lô-môn có nghĩa là “Ông Bình An” và tên Su-la-mít có nghĩa là “Bà Bình An”.

Câu (2) có thể được diễn ý như sau: Su-la-mít tự nói trong tâm trí của nàng: Tôi ước gì, người vô cùng yêu dấu của tôi sẽ hôn tôi cách nồng nàn, say đắm, cho tôi được nếm hương vị thơm tho, ngọt ngào của miệng chàng. Tôi ước gì, người vô cùng yêu dấu của tôi sẽ cứ mãi hôn tôi!

Sau khi đính hôn với Sa-lô-môn thì Su-la-mít được đưa vào một khuôn viên đặc biệt trong kinh thành, nơi ở của những thiếu nữ được tuyển làm hoàng hậu và cung phi, để chuẩn bị cho hôn lễ. Nàng được Sa-lô-môn mời đến tham quan cung điện và giới thiệu với các hoàng hậu và cung phi. Khi vừa gặp lại Sa-lô-môn thì Su-la-mít đã mong được nguời yêu hôn mình với những nụ hôn đem lại sự rung động của khoái cảm tình dục giữa người nam và người nữ.

Cách nói “hôn” diễn tả sự hôn nhau để tỏ lòng quý mến trong khi chào hỏi thông thường. Cách nói “hôn bằng cái hôn của miệng” hàm ý sự hôn nhau bằng miệng với miệng, mang lại khoái cảm tình dục.

Theo phong tục của người I-sơ-ra-ên thì khi hai người đính hôn là lúc họ đã trở nên vợ chồng chính thức trước sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, họ không thể có sự quan hệ tình dục cho đến sau khi hôn lễ được cử hành. Câu nói của Su-la-mít không phải là lời mời gọi người yêu hôn mình, mà chỉ là sự khao khát trong lòng nàng mà thôi. Câu nói này cho thấy một thực tế là hai người đã đính hôn có thể mong muốn sự thân mật thể xác với nhau, mà không phạm tội tà dâm trong tư tưởng.

Bài học thuộc linh: Hội Thánh là nàng dâu đã đính hôn của Đấng Christ nhưng hôn lễ chưa diễn ra. Ngày hôn lễ diễn ra là ngày Hội Thánh hoàn toàn hiệp một với Đấng Christ cách mầu nhiệm, và vui hưởng sự vui thỏa tuyệt vời nhất trong tình yêu của Đấng Christ.

Vì tôi sốt sắng về các anh chị em với sự sốt sắng của Thiên Chúa; bởi tôi đã đính hôn các anh chị em cho một chồng {mà thôi}, trình dâng các anh chị em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ.” (II Cô-rinh-tô 11:2).

Chúng ta hãy hớn hở, vui mừng, và dâng sự tôn kính lên Ngài! Vì lễ cưới của Chiên Con đã đến, và vợ của Ngài đã tự mình sẵn sàng. Nàng đã được ban cho để khoác lên trang phục mịn, sạch, và trắng. Trang phục mịn là những việc làm công bình của các thánh đồ.” (Khải Huyền 19:7-8).

Sự tự mình sẵn sàng của Hội Thánh tức là sự Hội Thánh luôn sống thánh khiết trong nếp sống mới mà Đấng Christ đã dùng máu thánh của Ngài, mua về cho Hội Thánh. Nếp sống thánh khiết của Hội Thánh được hình thành bởi những việc làm công bình của con dân Chúa trong Hội Thánh, là những việc mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn từ trước cho họ (Ê-phê-sô 2:10).

Trong khi chúng ta chờ đợi ngày được kết hiệp với Đấng Christ trong lễ cưới của Chiên Con, chúng ta có thể gặp Ngài trong tâm thần mỗi khi chúng ta trò chuyện với Ngài qua sự cầu nguyện, tâm tình, tôn vinh Ngài, và khao khát những sự vui thỏa tuyệt vời trong tình yêu của Ngài.

(3) “Su-la-mít: Vì sự giao tình của anh tuyệt vời hơn rượu. Mùi dầu của anh thơm ngát. Danh của anh thơm như dầu đổ ra. Cho nên, những nữ đồng trinh yêu anh.”

Danh từ “những nữ đồng trinh” được dùng để chỉ những trinh nữ được kén chọn làm hoàng hậu và cung phi của Vua Sa-lô-môn. Câu hát này của Su-la-mít giải thích vì sao mà các hoàng hậu và phi tần của Sa-lô-môn yêu quý Sa-lô-môn.

Danh từ “đô-đơ” (דּד /dowd/, H1730) trong tiếng Hê-bơ-rơ mang các nghĩa sau đây: Chú hoặc bác (anh em trai của cha); người yêu; tình yêu. Trong Nhã Ca 1:2; 1:4; 4:10; 7:12 danh từ này được dùng với số nhiều, nhưng không được dịch là: “những tình yêu của anh” hay “những tình yêu của em”. Vì khi được dùng với hình thức số nhiều thì “đô-đơ” hàm ý là sự thể hiện tình yêu qua các hành động tiếp xúc thân mật đem lại cảm giác và cảm xúc vui thỏa cho hai người yêu nhau. Nếu là giữa vợ chồng thì đó là sự giao tình đem lại khoái cảm tình dục. Nếu là giữa hai kẻ phạm tà dâm thì đó là sự thỏa mãn nhu cầu tình dục cách bất chính.

Chúng ta thấy trong các câu Thánh Kinh sau đây, danh từ “đô-đơ” trong hình thức số nhiều không có nghĩa là “những tình yêu”, mà được dùng với nghĩa “sự làm tình”; và chúng tôi chọn dịch là “sự giao tình”:

Hãy đến, chúng ta sẽ làm thỏa lòng khát khao sự giao tình {của chúng ta} cho đến sáng! Chúng ta hãy vui thỏa trong thú vui xác thịt!” (Châm Ngôn 7:18).

Khi Ta đi ngang qua và nhìn {ngươi}, này, thời của ngươi {là} thời của sự giao tình. Ta đã phủ cánh của Ta trên {ngươi}, đã che sự trần truồng của ngươi. Ta đã thề và kết giao ước với {ngươi}, thì ngươi trở nên của Ta. Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-xê-chi-ên 16:8).

Những người Ba-by-lôn đến với {nó trên} giường của sự giao tình, và họ làm ô uế {nó} bởi sự tà dâm của họ. Nó đã bị ô uế bởi họ và linh hồn của nó đã bị phân rẽ khỏi họ.” (Ê-xê-chi-ên 23:17).

Vì thế, ý của Su-la-mít muốn nói rằng, tình yêu thể hiện thành hành động của Sa-lô-môn là tuyệt vời hơn rượu.

Câu (3) có thể được diễn ý như sau: Su-la-mít nói với Sa-lô-môn: Anh yêu dấu ơi! Em biết rằng, những hoàng hậu và những phi tần của anh, họ yêu anh tha thiết, vì tình yêu của anh đối với họ, thể hiện qua sự giao tình mặn nồng của anh, nồng nàn và ngất ngây hơn những thứ rượu ngon và quý nhất. Họ cũng kính phục anh, vì tư cách của anh khiến cho anh được nổi danh, như các loại dầu quý giá, tuôn đổ hương thơm bát ngát của chúng ra tận nơi xa.

Trong tình yêu vợ chồng, sự quan hệ tình dục và sự vui thỏa về tình dục là nhu cầu. Trong tình yêu vợ chồng không phải chỉ có lòng yêu thương, quý mến, mà còn có lòng khao khát được thuộc về nhau, được gắn bó với nhau, được thỏa mãn tình dục với nhau. Vợ chồng trong Chúa phải ý thức rằng, sự vui thỏa trong tình dục giữa vợ chồng là sự ban cho của Thiên Chúa. Sự tích cực đáp ứng lẫn nhau trong quan hệ tình dục giữa vợ chồng là bổn phận của cả hai bên. Lời Chúa dạy rằng:

Các anh chị em đừng từ chối nhau, trừ khi cùng bằng lòng dành một thời gian chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện, rồi trở lại cùng nhau, để Sa-tan không cám dỗ các anh chị em khi các anh chị em thiếu kiềm chế.” (I Cô-rinh-tô 7:5).

Động từ “từ chối” được dùng trong câu trên, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là “cướp đoạt; chiếm đoạt cách bất hợp pháp”. Lời dạy ấy giúp cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của tình dục trong đời sống vợ chồng.

Vợ chồng trong Chúa chẳng những có bổn phận đáp ứng nhu cầu tình dục cho nhau mà còn nên hành xử sao cho sự thể hiện tình yêu của mình qua hoạt động tình dục, đối với chồng hay vợ của mình, sẽ là tuyệt vời hơn những thứ rượu ngon và quý nhất.

Bài học thuộc linh: Hội Thánh cần nhận biết rằng, tình yêu của Đấng Christ bao phủ muôn loài vạn vật do chính Ngài dựng nên (Giăng 1:3; Rô-ma 11:36; Cô-lô-se 1:16). Muôn vật hướng về Ngài và sẽ được hiệp làm một trong Ngài (Hê-bơ-rơ 2:10; Ê-phê-sô 1:10). Sự phạm tội của loài người khiến cho muôn vật trên đất bị băng hoại lây (Rô-ma 8:19-22), nhưng sự chết của Đấng Christ để cứu chuộc loài người cũng phục hồi muôn vật (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:9-10; Cô-lô-se 1:20).

Nếu tình yêu của Đấng Christ đối với muôn loài như vậy thì tình yêu của Ngài đối với Hội Thánh còn cao trọng, tuyệt vời đến đâu. Danh JESUS CHRIST thơm hơn tất cả những thứ dầu quý nhất. Danh ấy có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi, là Thầy Tế Lễ Tối Cao, là Tiên Tri Vĩ Đại Nhất, là Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa!

…để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ {là} Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.” (Phi-líp 2:10-11).

Chúng ta cần nhận thức tình yêu của Đấng Christ đối với chúng ta. Tình yêu đó đã được thể hiện thành hành động:

Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của một người là tất cả những gì thuộc về một người, bao gồm: ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Tình yêu ấy sẽ tiếp tục thể hiện thành hành động trong suốt cõi đời đời. Chúng ta cũng cần phải tôn kính, yêu quý danh của Đức Chúa Jesus Christ. Vì nhờ danh ấy mà chúng ta được cứu (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12), và danh ấy nói lên các phẩm chất tuyệt vời của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta hãy tự hỏi mình các câu hỏi sau: Tôi đã hiểu gì về danh của Đức Chúa Jesus Christ, để nhận biết rằng, danh của Ngài quý hơn mùi thơm của các loại dầu? Tôi đã làm gì để tình yêu thể hiện thành hành động của Đức Chúa Jesus Christ được nhiều người biết đến? Tôi đã làm gì để mùi thơm của danh Đức Chúa Jesus Christ được lan tỏa khắp nơi? Và quan trọng hơn hết, tôi có đang đắm mình trong tình yêu tuyệt vời của Đấng Christ, hay không?

(4) “Su-la-mít: Hãy kéo em theo anh! Chúng ta sẽ chạy.”

Mục đích cuộc gặp mặt là Sa-lô-môn muốn giới thiệu Su-la-mít cung điện và những hoàng hậu, phi tần của ông, nên Sa-lô-môn đưa Su-la-mít dạo qua các phòng trong cung điện.

Câu (4) có thể được diễn ý như sau: Su-la-mít tiếp tục nói với Sa-lô-môn: Anh yêu dấu ơi! Xin hãy nắm tay em để kéo em theo anh. Chúng ta sẽ cùng nhau tay trong tay, chạy đến khắp những nơi nào anh muốn đưa em đến, với lòng rộn ràng, sung sướng trong đôi ta, vì chúng ta được gần bên nhau.

Chúng ta có thể thấy, tâm trạng của Su-la-mít không quan tâm đến việc tham quan cung điện, mà là vui thỏa khi được ở bên cạnh người mình yêu.

Bài học thuộc linh: Hội Thánh hết lòng tin cậy và yêu kính Đấng Christ. Hội Thánh muốn được luôn ở bên cạnh Đấng Christ và sẵn lòng theo Ngài đi đến bất cứ nơi nào Ngài muốn Hội Thánh cùng đến với Ngài. Chỉ cần được ở bên cạnh Đấng Christ là Hội Thánh được vui thỏa.

(5) “Su-la-mít: Vua đã dẫn tôi vào trong những phòng của người.”

Những phòng của Sa-lô-môn được nói đến ở đây là những phòng trong cung điện, bao gồm nơi làm việc của Sa-lô-môn, chỗ ở của các hoàng hậu và cung phi.

(6) Những con gái của Giê-ru-sa-lem: “Chúng em sẽ vui vẻ và mừng rỡ nơi anh. Chúng em sẽ ghi nhớ: Sự giao tình của anh tuyệt vời hơn rượu. Những người ngay thẳng yêu anh.”

Danh từ “những con gái của Giê-ru-sa-lem” được dùng trong sách Nhã Ca có nghĩa hẹp là những nữ công dân của thành Giê-ru-sa-lem, có nghĩa rộng là những nữ công dân của quốc gia I-sơ-ra-ên. Chúng tôi hiểu rằng, danh từ này được dùng để gọi chung các hoàng hậu và phi tần của Sa-lô-môn, là những người nữ I-sơ-ra-ên, quê tại Giê-ru-sa-lem. Vì chỉ có hoàng hậu và phi tần thì mới có sự quan hệ tình dục với vua.

Câu (6) có thể được diễn ý như sau: Hỡi người yêu dấu! Anh là sự vui vẻ và mừng rỡ của chúng em. Chúng em sẽ không bao giờ quên tình yêu của anh dành cho chúng em. Tình yêu ấy đã thể hiện qua hành động giao tình mặn nồng của anh, nồng nàn và ngất ngây hơn những thứ rượu ngon và quý nhất. Vì thế, chúng em yêu anh bằng tấm lòng chân thật.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng, vào thời Cựu Ước, Thiên Chúa cho phép một người đàn ông có nhiều vợ, vì hậu quả tội lỗi của loài người đã khiến cho hoàn cảnh xã hội vào lúc ấy rơi vào tình trạng nam thiếu nữ thừa, qua các cuộc chiến tranh và đời sống lao khổ của những người đàn ông trong khi kiếm sống. Ngoài ra, nhiều phụ nữ sẽ không thể tự nuôi sống bản thân, nếu không có chồng. Trong sách Luật Pháp có điều khoản buộc người có nhiều vợ phải cư xử công bình với các vợ và các con (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:10; Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:15-17). Chính Thiên Chúa đã sai tiên tri của Ngài đến nói cho Vua Đa-vít biết, là Ngài đã trao vào lòng Đa-vít các vợ của chủ Đa-vít (II Sa-mu-ên 12:8). Nhưng cũng chính trong sách Luật Pháp nghiêm cấm việc vua có thêm quá nhiều vợ (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:17), là điều mà Vua Sa-lô-môn đã vi phạm. Sách Luật Pháp cũng nghiêm cấm con dân Chúa người I-sơ-ra-ên kết hôn với những người thuộc bảy dân tộc đáng diệt của xứ Ca-na-an (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:1-4). Nhưng Vua Sa-lô-môn cũng vi phạm điều luật này (I Các Vua 11:1-8).

Vào thời điểm chuyện tình giữa Sa-lô-môn và Su-la-mít xảy ra thì Sa-lô-môn đã có 60 hoàng hậu và 80 phi tần (6:8). Chúng ta không biết trong số đó có bao nhiêu người là dân I-sơ-ra-ên và có bao nhiêu người thuộc các dân ngoại. Nhưng danh từ “những con gái của Giê-ru-sa-lem” được dùng trong sách Nhã Ca, theo văn mạch phải là những hoàng hậu và phi tần người I-sơ-ra-ên của Sa-lô-môn.

Các hoàng hậu và phi tần của Sa-lô-môn đã cùng nhau xác chứng rằng, họ thỏa lòng làm vợ của Sa-lô-môn; họ thật lòng yêu Sa-lô-môn.

Bài học thuộc linh: Tình yêu của Đấng Christ không chỉ dành riêng cho Hội Thánh. Tình yêu của Ngài cũng dành cho những người thuộc về Ngài, nhưng ở ngoài Hội Thánh. Chúng ta nên nhớ, Hội Thánh chỉ bao gồm những người thật lòng tin nhận Đấng Christ và sống cho Đấng Christ trong khoảng thời gian từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian. Trước đó, có những người thật lòng tin cậy Thiên Chúa và sống theo luật pháp của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước và trước thời Cựu Ước. Sau đó, có những người thật lòng tin nhận Tin Lành và chịu chết vì đức tin trong thời bảy năm đại nạn. Và sau cùng là có vô số người tin nhận Tin Lành trong thời kỳ ngàn năm bình an. Dù những người ấy không được hiệp một cách mầu nhiệm với Đấng Christ như Hội Thánh, nhưng họ cũng sẽ sống đời đời trong tình yêu của Đấng Christ và vui thỏa trong tình yêu của Ngài. Họ cũng là những người công chính yêu Đấng Christ.

(7) Su-la-mít: “Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Tôi đen nhưng xinh đẹp, như những lều trại của Kê-đa, như những màn trướng của Sa-lô-môn! Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen, mặt trời đã chiếu rọi trên tôi! Những con trai của mẹ tôi cáu gắt với tôi, khiến tôi canh giữ những vườn nho. Còn vườn nho riêng của tôi, tôi không canh giữ.”

Câu (7) có thể được diễn ý như sau: Hỡi các chị em! Xin chớ nhìn tôi cách soi mói như vậy! Các anh của tôi đã nghiêm khắc, khiến tôi làm công việc chăm sóc các vườn nho, nên tôi không có thời gian để chăm sóc thân thể của mình. Da tôi rám nắng vì tôi lao động dưới ánh mặt trời, nhưng tôi biết mình xinh đẹp. Màu da của tôi khoẻ đẹp như màu lông dê dệt nên chất liệu làm thành những lều trại của xứ Kê-đa, như những màn trướng trong cung điện của Sa-lô-môn.

Có lẽ, khi Su-la-mít được giới thiệu với các hoàng hậu và phi tần của Sa-lô-môn thì họ đã nhìn nàng cách soi mói, vì màu da rám nắng của nàng. Su-la-mít cho biết, các anh của nàng đã nghiêm khắc, cáu gắt với nàng, bắt nàng làm công việc chăm sóc các vườn nho (mà sau này chúng ta biết là các vườn nho của Sa-lô-môn).

Động từ được dịch là “cáu gắt” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh cũng có nghĩa là nóng giận, hoặc ghen tương. Khi chúng ta đọc đến 8:8-10 thì chúng ta sẽ hiểu rằng, các anh của Su-la-mít muốn bảo vệ nàng, giữ cho nàng được trong trắng cho đến ngày kết hôn, không bị những kẻ xấu lường gạt tình cảm hoặc xúc phạm nàng, nên họ khiến nàng phải làm việc trong các vườn nho với họ, dưới sự canh giữ của họ. Ban đầu, có lẽ Su-la-mít không hiểu ý tốt của các anh mình, nên nàng phản đối, và bị các anh la mắng. Sau này thì Su-la-mít đã hiểu ra ý tốt của các anh.

Câu “còn vườn nho riêng của tôi, tôi không canh giữ”, không có nghĩa là Su-la-mít có một vườn nho riêng, mà chỉ là cách nói bóng bẩy văn chương, chỉ về thân thể của nàng. Vì bận rộn với công việc chăm sóc các vườn nho mà Su-la-mít không có thời gian chăm sóc thân thể của mình. Nhưng nàng vẫn biết là mình xinh đẹp. Làn da rám nắng không làm giảm đi nét đẹp của nàng mà còn khiến cho nàng có nét đẹp khoẻ.

Bài học thuộc linh: Con dân Chúa trong Hội Thánh khi được những người chăn và trưởng lão khích lệ trong việc học Lời Chúa và tham dự các mục vụ trong Hội Thánh, thì hãy vui mừng vâng phục. Sự học Lời Chúa và tham dự các mục vụ trong Hội Thánh chính là sự thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa. Những sự ấy sẽ làm tôn cao giá trị, nét đẹp của Hội Thánh. Khi chúng ta vì việc chung của Hội Thánh mà bỏ qua việc riêng của mình, thì chính Chúa sẽ ban phước cho chúng ta và giải quyết mọi nhu cầu, nan đề riêng tư của chúng ta.

(8) Su-la-mít: “Hỡi người mà linh hồn em yêu thương! Hãy nói cho em biết, anh chăn bầy ở đâu? Buổi trưa anh khiến chúng nằm nghỉ tại nơi nào? Vì sao em phải như một người che mặt, bên cạnh những bầy của các bạn của chàng?”

Câu (8) có thể được diễn ý như sau: Hỡi người em vô cùng yêu thương! Em yêu anh bằng trọn cả linh hồn mình. Em khao khát được đến thăm anh nơi anh chăn bầy, khi anh nghỉ trưa với bầy của mình. Nhưng em không muốn lang thang tìm anh trên đồng cỏ, dạo qua những bầy chiên và những người cùng chăn bầy với anh. Vì sẽ khiến cho em giống như một người đàn bà xấu nết.

Sắp đến giờ phải chia tay người yêu, Su-la-mít muốn biết Sa-lô-môn chăn chiên ở đâu, nghỉ trưa ở nơi nào, để nàng có thể đến thăm. Su-la-mít không muốn phải che mặt, lang thang trên đồng cỏ, đi tìm Sa-lô-môn qua những bầy chiên do những người khác chăn dắt.

Theo phong tục thời ấy, những gái điếm phải che mặt ở nơi công cộng (Sáng Thế Ký 38:15). Những gái điếm cũng thường la cà gần bên những người chăn chiên để tìm khách. Su-la-mít không muốn đi tìm Sa-lô-môn giữa những người chăn chiên và những bầy của họ, vì từ xa nhìn sẽ giống như là một gái điếm đi tìm khách.

Bài học thuộc linh: Con dân Chúa có lòng khao khát tìm kiếm Chúa và tương giao với Ngài, vì họ yêu Ngài. Họ muốn có một nơi yên tĩnh chỉ một mình họ với Chúa. Nơi Hội Thánh nhóm hiệp thờ phượng Chúa cần phải là một nơi riêng tư và yên tĩnh.

(9) Những con gái của Giê-ru-sa-lem: “Hỡi người đẹp hơn hết trong những người nữ! Nếu nàng chẳng biết, hãy đi ra, theo những dấu chân của bầy! Và cho các dê con của nàng ăn gần bên các lều trại của những kẻ chăn chiên.”

Câu (9) có thể được diễn ý như sau: Hỡi người xinh đẹp hơn hết trong những người nữ! Nếu nàng chẳng biết, người yêu của mình chăn bầy ở nơi nào, thì hãy đi ra, theo những dấu chân của các bầy chiên! Hãy tìm kiếm chàng giữa những kẻ chăn chiên và các bầy chiên của họ. Và nhân tiện, hãy cho các dê con của nàng được ăn cỏ gần bên các lều trại của họ.

Đây là một câu nói đùa với ác ý và mỉa mai của các hoàng hậu và phi tần dành cho Su-la-mít. Vì Su-la-mít nói “Tôi đen nhưng xinh đẹp…” nên họ nói mỉa “Hỡi người đẹp hơn hết trong những người nữ!” Họ cũng dựa vào câu nói của Su-la-mít “Vì sao em phải như một người che mặt, bên cạnh những bầy của các bạn của chàng?” để nói đùa với ý làm nhục nàng: “Và cho các dê con của nàng ăn gần bên các lều trại của những kẻ chăn chiên.”

Thời bấy giờ, những gái điếm phục vụ những người chăn chiên thường được trả công bằng một con dê con hoặc chiên con (Sáng Thế Ký 38:15-17). Vì thế, người ta thường thấy các gái điếm cho những dê con hoặc chiên con của mình ăn cỏ gần bên các lều trại của những người chăn chiên. Câu “Và cho các dê con của nàng ăn gần bên các lều trại của những kẻ chăn chiên.” là câu nói đùa ví Su-la-mít với gái điếm.

Chúng ta thấy có sự ganh tỵ và ác ý từ các hoàng hậu và phi tần đối với Su-la-mít. Chúng ta có thể hình dung ra họ vừa nói vừa cùng nhau cười khúc khích.

Lòng ganh tỵ và ý muốn hạ nhục những ai hơn mình là bản tính tội lỗi của loài người. Chúng ta nhìn thấy và tự mình kinh nghiệm điều ấy ngay từ trong gia đình, giữa các anh chị em, cho đến trong trường học, trong chỗ làm việc…

Bài học thuộc linh: Trong Hội Thánh, cũng có khi vì sự ganh tỵ, tranh cạnh mà người ta dùng lời nói để miệt thị anh chị em cùng đức tin của mình. Đó là điều không đẹp lòng Chúa, là tội lỗi, và là tội trọng. Khi chúng ta xem thường, miệt thị, mỉa mai, nói xấu, vu khống bất cứ một người nào trong các anh chị em cùng Cha của mình là chúng ta làm điều ấy cho chính Đấng Christ. Vì Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ và mỗi người trong Hội Thánh là một chi thể trong thân thể của Đấng Christ.

Là con dân Chúa chúng ta có thể nói những câu dí dỏm, kể những chuyện vui không thô tục, không nhằm đem người khác ra làm trò cười; nhưng chúng ta tuyệt đối không nói đùa thô tục hoặc dùng ai đó làm đối tượng cho sự nói đùa của mình. Môi miệng thánh khiết của chúng ta không thể nói ra những câu thô tục. Dùng một người làm đối tượng cho sự nói đùa của mình là công khai hạ nhục người ấy. Trong thực tế, có những sự đem người khác ra làm đối tượng nói đùa đã gây ra vấp phạm cách nghiêm trọng. Chúng ta cần nhắc nhở lẫn nhau mỗi khi thấy có ai đem người khác ra làm đối tượng để nói đùa.

Đến đây chúng ta đã hoàn tất việc tìm hiểu ý nghĩa của Nhã Ca 1:1-8. Chúng tôi xin tổng hợp những lời chúng tôi diễn ý về Nhã Ca 1:1-8, như sau:

Bài ca tuyệt vời nhất trong tất cả những bài ca của Sa-lô-môn.

Tôi ước gì, người vô cùng yêu dấu của tôi sẽ hôn tôi cách nồng nàn, say đắm, cho tôi được nếm hương vị thơm tho, ngọt ngào của miệng chàng. Tôi ước gì, người vô cùng yêu dấu của tôi sẽ cứ mãi hôn tôi!

Anh yêu dấu ơi! Em biết rằng, những hoàng hậu và những phi tần của anh, họ yêu anh tha thiết, vì tình yêu của anh đối với họ, thể hiện qua sự giao tình mặn nồng của anh, nồng nàn và ngất ngây hơn những thứ rượu ngon và quý nhất. Họ cũng kính phục anh, vì tư cách của anh khiến cho anh được nổi danh, như các loại dầu quý giá, tuôn đổ hương thơm bát ngát của chúng ra tận nơi xa.

Anh yêu dấu ơi! Xin hãy nắm tay em để kéo em theo anh. Chúng ta sẽ cùng nhau tay trong tay, chạy đến khắp những nơi nào anh muốn đưa em đến, với lòng rộn ràng, sung sướng trong đôi ta, vì chúng ta được gần bên nhau.

Vua đã dẫn tôi vào trong những phòng của người.

Hỡi người yêu dấu! Anh là sự vui vẻ và mừng rỡ của chúng em. Chúng em sẽ không bao giờ quên tình yêu của anh dành cho chúng em. Tình yêu ấy đã thể hiện qua hành động giao tình mặn nồng của anh, nồng nàn và ngất ngây hơn những thứ rượu ngon và quý nhất. Vì thế, chúng em yêu anh bằng tấm lòng chân thật.

Hỡi các chị em! Xin chớ nhìn tôi cách soi mói như vậy! Các anh của tôi đã nghiêm khắc, khiến tôi làm công việc chăm sóc các vườn nho, nên tôi không có thời gian để chăm sóc thân thể của mình. Da tôi rám nắng vì tôi lao động dưới ánh mặt trời, nhưng tôi biết mình xinh đẹp. Màu da của tôi khoẻ đẹp như màu lông dê dệt nên chất liệu làm thành những lều trại của xứ Kê-đa, như những màn trướng trong cung điện của Sa-lô-môn.

Hỡi người em vô cùng yêu thương! Em yêu anh bằng trọn cả linh hồn mình. Em khao khát được đến thăm anh nơi anh chăn bầy, khi anh nghỉ trưa với bầy của mình. Nhưng em không muốn lang thang tìm anh trên đồng cỏ, dạo qua những bầy chiên và những người cùng chăn bầy với anh. Vì sẽ khiến cho em giống như một người đàn bà xấu nết.

Hỡi người xinh đẹp hơn hết trong những người nữ! Nếu nàng chẳng biết, người yêu của mình chăn bầy ở nơi nào, thì hãy đi ra, theo những dấu chân của các bầy chiên! Hãy tìm kiếm chàng giữa những kẻ chăn chiên và các bầy chiên của họ. Và nhân tiện, hãy cho các dê con của nàng được ăn cỏ gần bên các lều trại của họ.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/09/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Ngài Cho Tôi An Nghỉ”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/ngai-cho-toi-an-nghi/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.