Chú Giải Nhã Ca 03:06-11

2,180 views

22005 Chú Giải Nhã Ca 3:6-11
Cảnh Rước Dâu
Phong Tục Kết Hôn của Dân I-sơ-ra-ên

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzIxOTYxMTRf/NhaCa_05_CanhRuocDau_03_6-11.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/22005nhaca_05_canhruocdau_03_6-11
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/x6x7bqdfc25rwdu/NhaCa_05_CanhRuocDau_03_6-11.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Nhã Ca 3:6-11

6 [Dân chúng:] Sự gì đi lên từ đồng vắng, giống như những trụ khói, tỏa mùi thơm của một dược và nhũ hương, với đủ thứ hương của con buôn?

7 Kìa, kiệu của Sa-lô-môn! Có sáu mươi dũng sĩ trong những dũng sĩ của I-sơ-ra-ên vây chung quanh nó.

8 Hết thảy {họ} đều cầm gươm, thạo chiến trận. Mỗi người {mang} gươm của mình ở nơi đùi mình, {đề phòng} sự sợ hãi trong ban đêm.

9 Vua Sa-lô-môn làm cho mình một cái kiệu bằng gỗ của Li-ban.

10 Người làm các trụ của nó bằng bạc, nơi dựa lưng bằng vàng, chỗ ngồi màu tím; bên trong {kiệu} được kết nối với nhau bằng tình yêu từ những con gái của Giê-ru-sa-lem.

11 Hỡi những con gái của Si-ôn! Hãy ra và xem Vua Sa-lô-môn với mão mà mẹ của người đã đội trên đầu người, trong ngày hôn lễ của người, trong ngày lòng người vui vẻ.

Kính thưa Hội Thánh,

Với bài trước, chúng ta đã học xong phần thứ nhất của Nhã Ca, là phần nói về giai đoạn yêu nhau và đính hôn của Sa-lô-môn với Su-la-mít. Trong bài này, chúng ta sẽ bước vào phần thứ nhì của Nhã Ca là phần diễn tả hôn lễ, bao gồm cảnh rước dâu và đêm tân hôn. Trước hết, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của Nhã Ca 3:6-11, nói về cảnh rước dâu. Nhân dịp này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về phong tục kết hôn của dân I-sơ-ra-ên vào thời Đấng Christ, và ý nghĩa thuộc linh của nó đối với tình yêu giữa Đấng Christ và Hội Thánh.

Dưới đây là sự phân câu theo văn mạch của Nhã Ca 3:6-11.

I. Giai đoạn đính hôn (1:2-3:5)

A. Tình yêu dành cho nhau (1:2-2:7)

1. Tình yêu của Su-la-mít dành cho Sa-lô-môn (1:2-8)

2. Ngôn ngữ của tình yêu (1:9-2:7)

B. Tình yêu chín muồi (2:8-3:5)

1. Mùa xuân của tình yêu (2:8-17)

2. Nỗi lo trong tình yêu (3:1-5)

II. Hôn lễ (3:6-5:1)

A. Cảnh rước dâu (3:6-11)

(1) [Dân chúng:] Sự gì đi lên từ đồng vắng, giống như những trụ khói, tỏa mùi thơm của một dược và nhũ hương, với đủ thứ hương của con buôn? Kìa, kiệu của Sa-lô-môn! Có sáu mươi dũng sĩ trong những dũng sĩ của I-sơ-ra-ên vây chung quanh nó. Hết thảy {họ} đều cầm gươm, thạo chiến trận. Mỗi người {mang} gươm của mình ở nơi đùi mình, {đề phòng} sự sợ hãi trong ban đêm.

(2) Vua Sa-lô-môn làm cho mình một cái kiệu bằng gỗ của Li-ban. Người làm các trụ của nó bằng bạc, nơi dựa lưng bằng vàng, chỗ ngồi màu tím; bên trong {kiệu} được kết nối với nhau bằng tình yêu từ những con gái của Giê-ru-sa-lem.

(3) Hỡi những con gái của Si-ôn! Hãy ra và xem Vua Sa-lô-môn với mão mà mẹ của người đã đội trên đầu người, trong ngày hôn lễ của người, trong ngày lòng người vui vẻ.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu:

(1) [Dân chúng:] Sự gì đi lên từ đồng vắng, giống như những trụ khói, tỏa mùi thơm của một dược và nhũ hương, với đủ thứ hương của con buôn? Kìa, kiệu của Sa-lô-môn! Có sáu mươi dũng sĩ trong những dũng sĩ của I-sơ-ra-ên vây chung quanh nó. Hết thảy {họ} đều cầm gươm, thạo chiến trận. Mỗi người {mang} gươm của mình ở nơi đùi mình, {đề phòng} sự sợ hãi trong ban đêm.

Ngày hôn lễ của Sa-lô-môn và Su-la-mít đã đến. Từ khi trời chưa sáng, Sa-lô-môn đã cùng với các vệ sĩ rời cung điện tại Giê-ru-sa-lem, đi đến biệt điện, để đón Su-la-mít. Khi trời sáng thì đám rước dâu đã trên đường về lại cung điện. Dân chúng tại Giê-ru-sa-lem theo nhau ra tận ngoài cổng thành để đón mừng cuộc rước dâu.

Từ phía xa, giữa đồng vắng, dường như có những trụ khói đang di chuyển trên con đường dẫn vào thành. Không khí thoang thoảng mùi thơm của một dược và nhũ hương, cùng với các thức hương thơm khác. Mọi người nhìn kỹ thì nhận ra đó là đoàn rước dâu đang trở về. Những trụ khói đó chính là khói bốc lên từ các đỉnh xông hương được quân lính khiêng đi trước đoàn rước dâu. Kế đến là kiệu của Sa-lô-môn. Ngoài những quân lính khiêng kiệu còn có 60 dũng sĩ cầm gươm, có kinh nghiệm trong chiến trận, đi chung quanh kiệu để bảo vệ Sa-lô-môn. Đoàn rước dâu rời cung điện từ khi trời chưa sáng. Các dũng sĩ được trang bị gươm bên mình để sẵn sàng đối phó với bất cứ sự dữ nào có thể xảy ra trong đêm tối. Sự dữ có thể là thú dữ, có thể là quân cướp, hay bất cứ ai có ý làm hại vua.

Câu: “Có sáu mươi dũng sĩ trong những dũng sĩ của I-sơ-ra-ên…” hàm ý 60 người lính đi theo bảo vệ Vua Sa-lô-môn là 60 người lính xuất sắc nhất trong quân đội của I-sơ-ra-ên.

Câu: “Hết thảy họ đều cầm gươm, thạo chiến trận” không có ý nói 60 dũng sĩ đang cầm gươm trong tay. Vì câu tiếp theo đã cho biết là họ mang gươm bên đùi. Nhưng có ý nói, họ là những chiến sĩ tinh nhuệ trong việc dùng gươm và đã lập được nhiều chiến công.

Câu (1) có thể được diễn ý như sau: Dân chúng thành Giê-ru-sa-lem ra xem cảnh rước dâu và nói với nhau: Hãy nhìn! Kìa! Xa xa từ đồng vắng, dường như có những trụ khói đang di chuyển trên con đường vào thành. Không khí thoang thoảng hương thơm của một dược và nhũ hương, với đủ thứ hương của con buôn. Thì ra, đó là khói tỏa ra từ những đỉnh xông hương trong đoàn rước dâu của Vua Sa-lô-môn đang trở về. Hãy nhìn! Kìa! Kiệu của Vua Sa-lô-môn! Có sáu mươi dũng sĩ trong những dũng sĩ của I-sơ-ra-ên đi chung quanh để bảo vệ vua. Hết thảy họ đều là chiến sĩ cầm gươm, thạo chiến trận. Mỗi người đều mang gươm bên đùi, sẵn sàng đối phó những sự dữ bất ngờ trong ban đêm.

Bài học thuộc linh: Ngày Đấng Christ xuất hiện giữa chốn không trung để đón Hội Thánh và đem Hội Thánh vào trong thiên đàng, chắc chắn sẽ rất là huy hoàng, dù hiện nay, chúng ta không biết rõ chi tiết. Thánh Kinh chỉ cho biết, trong ngày đó sẽ có tiếng hô của thiên sứ trưởng, tiếng kèn của Thiên Chúa báo hiệu, thể xác thịt của những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại, thể xác thịt của những người đang sống trong Đấng Christ sẽ biến hoá. Rồi, cả Hội Thánh sẽ cùng được cất lên trong những đám mây, để gặp Đấng Christ tại nơi không trung:

Này là điều chúng tôi nhờ Lời của Chúa mà nói với các anh chị em: Chúng ta là những người sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17).

Gần hai ngàn năm đã trôi qua, kể từ ngày Đấng Christ hẹn rằng, Ngài sẽ trở lại để đón Hội Thánh vào trong thiên đàng (Giăng 14:3). Nếu đối với Chúa, một ngày như một ngàn năm và một ngàn năm như một ngày (II Phi-e-rơ 3:8), và gần hai ngàn năm qua, từ khi dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ, giao nộp Ngài cho quân lính La-mã đóng đinh Ngài trên thập tự giá, là khoảng thời gian “hai ngày” dân I-sơ-ra-ên bị chết thuộc linh, để rồi Đức Chúa Trời sẽ khiến cho họ sống lại vào ngày thứ ba, theo lời tiên tri của Ô-sê [1] thì ngày chúng ta được Đấng Christ đón vào thiên đàng đã quá gần. Chúng ta hãy hết lòng sống thánh khiết theo Lời Chúa, để không bị bỏ lại trong ngày ấy.

(2) Vua Sa-lô-môn làm cho mình một cái kiệu bằng gỗ của Li-ban. Người làm các trụ của nó bằng bạc, nơi dựa lưng bằng vàng, chỗ ngồi màu tím; bên trong {kiệu} được kết nối với nhau bằng tình yêu từ những con gái của Giê-ru-sa-lem.

Kiệu của Vua Sa-lô-môn có lẽ do chính ông thiết kế và chọn các vật liệu. Gỗ của kiệu có lẽ lấy từ cây hương nam mọc trên các núi của Li-ban. Các trụ của kiệu có lẽ là những ống được đúc bằng bạc. Chỗ dựa lưng và các thanh tựa hai bên được làm bằng vàng. Nệm ngồi được bọc bằng lụa tím. Những tấm màn che chung quanh kiệu có lẽ là những tấm màn được dệt và thêu bởi những hoàng hậu và phi tần của Sa-lô-môn. Họ đã dệt và thêu chúng với lòng yêu quý Vua Sa-lô-môn. Đây là một hình thức mô tả sự vinh quang và quyền thế của Vua Sa-lô-môn.

Câu (2) có thể được diễn ý như sau: Dân chúng thành Giê-ru-sa-lem ra xem cảnh rước dâu và nói với nhau: Kiệu của Vua Sa-lô-môn do ông thiết kế, làm bằng gỗ cây hương nam của núi Li-ban. Các trụ của kiệu được làm bằng bạc, còn chỗ dựa lưng và các thanh tựa hai bên được làm bằng vàng. Nệm ngồi được bọc lụa tím. Bên trong kiệu được trang trí bằng sự kết nối những tấm màn do những hoàng hậu và phi tần thêu dệt, với lòng yêu quý dành cho vua.

Bài học thuộc linh: Sự vinh quang của Đấng Christ bao gồm ba phương diện:

  • Sự vinh quang từ đời đời cho đến đời đời của thân vị Thiên Chúa. Đây là sự vinh quang tự có và vẫn có mãi của Thiên Chúa Ngôi Lời:

Cha ôi! Bây giờ, xin Ngài tôn vinh con bên cạnh chính Ngài, bằng sự vinh quang con vẫn có bên cạnh Ngài, trước khi thế gian thực hữu.” (Giăng 17:5).

Tiên Tri Ê-sai trong một khải tượng đã nhìn thấy sự vinh quang này, và ghi lại trong Ê-sai 6, gọi Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Sứ Đồ Giăng đã trích dẫn các lời của Ê-sai trong Ê-sai 6, và xác nhận rằng:

Ê-sai nói các điều đó, khi {ông} nhìn thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài.” (Giăng 12:41).

Đại danh từ “Ngài” trong Giăng 12:41 là chỉ về Đấng Christ đã được nói đến trong Giăng 12:30-37.

  • Sự vinh quang do Đức Chúa Trời ban cho thân vị loài người của Ngài, trong công cuộc cứu rỗi loài người:

Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con, để họ là một cũng như Chúng Ta là một.” (Giăng 17:22).

Đó là sự một người được ban cho danh hiệu “Đức Chúa Trời” và được chính Đức Chúa Trời gọi Ngài là “Đức Chúa Trời”.

Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian, và con về cùng Ngài. Cha Thánh! {Xin} giữ gìn họ trong danh Ngài, {là} danh mà Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như chúng ta.” (Giăng 17:11).

Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài {còn đến} đời đời, cây gậy công chính {là} cây gậy của vương quốc Ngài. Ngài ưa điều công bình, ghét điều gian ác. Cho nên, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức cho Ngài dầu vui mừng, {khiến Ngài} trội hơn những kẻ dự phần với Ngài.” (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

  • Sự vinh quang do các thánh đồ dâng lên Ngài, qua nếp sống hầu việc Ngài bởi tình yêu của họ dành cho Ngài.

Mọi sự của Con là của Ngài, và {mọi sự} của Ngài là của Con. Con được tôn vinh trong họ.” (Giăng 17:10).

Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Hội Thánh là nàng dâu của Đấng Christ, dự phần tôn vinh Đấng Christ trong nếp sống thánh khiết, làm trọn những việc công bình mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người trong Hội Thánh. Các thánh đồ ở ngoài Hội Thánh cũng dự phần tôn vinh Đấng Christ, qua nếp sống hầu việc Ngài bởi tình yêu của họ dành cho Ngài. Điển hình là các thánh đồ trong Kỳ Tận Thế sẽ dùng chính sự chịu khổ và mạng sống của họ để tôn vinh Đấng Christ (Khải Huyền 20:4).

(3) Hỡi những con gái của Si-ôn! Hãy ra và xem Vua Sa-lô-môn với mão mà mẹ của người đã đội trên đầu người, trong ngày hôn lễ của người, trong ngày lòng người vui vẻ.

Câu (3) có thể được diễn ý như sau: Dân chúng thành Giê-ru-sa-lem ra xem cảnh rước dâu và nói với nhau: Đám rước dâu thật là sang trọng và uy nghi! Hỡi những con gái của Si-ôn! Hãy ra và nhìn xem Vua Sa-lô-môn, trong ngày mà lòng vua vô cùng vui vẻ! Vua uy nghi ngồi trên kiệu sang trọng, đầu đội mão dành riêng cho ngày hôn lễ, do chính mẹ của vua đội cho vua.

Bài học thuộc linh: Ngày Đấng Christ đến, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là ngày mà Ngài sẽ hiện ra trong thể xác phục sinh của Ngài. Chúng ta sẽ được ngắm nhìn sự vinh quang của Ngài, bao gồm ba phương diện: Sự vinh quang của chính Ngài, là sự vinh quang tự có và có mãi của Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời; sự vinh quang do Đức Chúa Trời ban cho thân vị loài người của Ngài, là sự vinh quang của chính Đức Chúa Trời; và sự vinh quang do các thánh đồ dâng lên Ngài.

Nếp sống thánh khiết, hầu việc Chúa bởi tình yêu dành cho Ngài của mỗi một chúng ta chính là sự vinh quang mà chúng ta dâng lên Đấng Christ. Đó là nếp sống yêu Chúa và yêu mọi người. Vì yêu Chúa mà chúng ta không vi phạm các điều răn của Chúa. Vì yêu mọi người mà chúng ta xem mọi người là tôn trọng hơn mình, sẵn lòng giúp họ đạt đến sự cứu rỗi và địa vị cao trọng mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho họ.

Đến đây chúng ta đã hoàn tất việc tìm hiểu ý nghĩa của Nhã Ca 3:6-11. Chúng tôi xin tổng hợp những lời chúng tôi diễn ý về Nhã Ca 3:6-11, như sau:

Hãy nhìn! Kìa! Xa xa từ đồng vắng, dường như có những trụ khói đang di chuyển trên con đường vào thành. Không khí thoang thoảng hương thơm của một dược và nhũ hương, với đủ thứ hương của con buôn. Thì ra, đó là khói tỏa ra từ những đỉnh xông hương trong đoàn rước dâu của Vua Sa-lô-môn đang trở về. Hãy nhìn! Kìa! Kiệu của Vua Sa-lô-môn! Có sáu mươi dũng sĩ trong những dũng sĩ của I-sơ-ra-ên đi chung quanh để bảo vệ vua. Hết thảy họ đều là chiến sĩ cầm gươm, thạo chiến trận. Mỗi người đều mang gươm bên đùi, sẵn sàng đối phó những sự dữ bất ngờ trong ban đêm.

Kiệu của Vua Sa-lô-môn do ông thiết kế, làm bằng gỗ cây hương nam của núi Li-ban. Các trụ của kiệu được làm bằng bạc, còn chỗ dựa lưng và các thanh tựa hai bên được làm bằng vàng. Nệm ngồi được bọc lụa tím. Bên trong kiệu được trang trí bằng sự kết nối những tấm màn do những hoàng hậu và phi tần thêu dệt, với lòng yêu quý dành cho vua.

Đám rước dâu thật là sang trọng và uy nghi! Hỡi những con gái của Si-ôn! Hãy ra và nhìn xem Vua Sa-lô-môn, trong ngày mà lòng vua vô cùng vui vẻ! Vua uy nghi ngồi trên kiệu sang trọng, đầu đội mão dành riêng cho ngày hôn lễ, do chính mẹ của vua đội cho vua.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về phong tục kết hôn của dân I-sơ-ra-ên vào thời Đấng Christ và ý nghĩa thuộc linh của nó đối với tình yêu giữa Đấng Christ và Hội Thánh.

Phong tục kết hôn của dân I-sơ-ra-ên vào thời Đấng Christ bao gồm nhiều giai đoạn:

  • Giai đoạn chọn nàng dâu: Cha của chàng rể sắp xếp việc hôn nhân, chọn nàng dâu, và định giá sính lễ. Sự chọn nàng dâu này có thể xảy ra khi chàng rể và nàng dâu còn là trẻ thơ, cũng có thể xảy ra vào khoảng một năm trước ngày cưới. Nhiều khi chàng rể và nàng dâu không hề gặp mặt nhau cho đến ngày đính hôn hoặc ngày cưới.

  • Giai đoạn đính hôn: Chàng rể đi từ nhà của cha mình đến nhà của nàng dâu và trả tiền sính lễ. Chàng rể ký hôn ước với nàng dâu.

  • Giai đoạn chuẩn bị hôn lễ: Chàng rể quay về nhà cha mình, chuẩn bị chỗ ở cho vợ và mình trong nhà của cha mình. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng một năm. Trong suốt khoảng thời gian này chàng rể và nàng dâu không được quan hệ tình dục với nhau, và thường thì không gặp nhau. Sự chuẩn bị chỗ ở có thể là cất một căn nhà mới hoặc làm thêm phòng trong căn nhà của cha chàng rể. Tuy nhiên, chỗ ở mới của đôi vợ chồng phải tốt hơn chỗ ở hiện tại của nàng dâu.

  • Giai đoạn rước dâu: Chàng rể đến nhà nàng dâu để rước dâu vào một thời điểm mà nàng dâu không biết trước một cách chính xác. Cha của chàng rể là người quyết định ngày, giờ rước dâu, sau khi chỗ ở của đôi vợ chồng mới đã được chuẩn bị xong.

  • Giai đoạn thanh tẩy: Nàng dâu trải qua nghi thức tắm rửa để được thanh tẩy trước khi bước vào hôn lễ.

  • Giai đoạn hôn lễ: Chàng rể và nàng dâu về đến nhà cha của chàng rể. Hôn lễ được cử hành. Số người được mời tham dự hôn lễ rất chọn lọc, ít hơn số người được mời tham dự tiệc cưới. Liền sau lễ cưới, chàng rể và nàng dâu tiến hành nghi thức động phòng.

  • Giai đoạn tiệc cưới: Trong tiệc cưới sẽ có nhiều người được mời tham dự hơn là trong lễ cưới. Tiệc cưới có thể kéo dài bảy ngày.

Dưới đây là ý nghĩa thuộc linh từ phong tục kết hôn của dân I-sơ-ra-ên vào thời Đấng Christ đối với tình yêu giữa Đấng Christ và Hội Thánh.

  • Giai đoạn chọn nàng dâu: Đức Chúa Trời đã chọn Hội Thánh làm nàng dâu cho Đấng Christ từ trước khi sáng thế, và định giá sính lễ là mạng sống của Đấng Christ:

Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời. Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.” (Ê-phê-sô 1:3-4).

Đấng đã cứu chúng ta và đã gọi {chúng ta} bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm của chúng ta, mà theo mục đích riêng của Ngài và ân điển đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ Jesus, từ trước khi thế gian bắt đầu.” (II Ti-mô-thê 1:9).

Hỡi các anh chị em cùng Cha, những người được yêu bởi Chúa! Chúng tôi phải vì các anh chị em luôn tạ ơn Đức Chúa Trời, vì từ ban đầu, Đức Chúa Trời đã chọn các anh chị em cho sự cứu rỗi, trong sự thánh hóa của thần quyền và {trong} đức tin của lẽ thật.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).

Hỡi những người chồng! Hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để thánh hóa, làm cho Hội tinh sạch, {với} sự rửa bởi nước trong lời phán, [Lời phán trong Ma-thi-ơ 28:19-20.] để trình ra cho chính Ngài Hội Thánh vinh quang, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được.” (Ê-phê-sô 5:25-27).

  • Giai đoạn đính hôn: Đấng Christ đã từ thân vị Thiên Chúa trong thiên đàng đến thế gian mang lấy thân vị loài người, dùng chính mạng sống của Ngài để cứu chuộc Hội Thánh và khiến Hội Thánh trở nên vợ hứa của Ngài. Đấng Christ đã ký hôn ước với Hội Thánh bằng máu của Ngài.

Các anh em hãy giữ lấy mình, và hết thảy bầy mà Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh, {Đấng} đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em đã có bởi Thiên Chúa; và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em, là sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; mỗi khi các ngươi uống, hãy làm điều này để nhớ đến Ta.” (I Cô-rinh-tô 11:25).

  • Giai đoạn chuẩn bị hôn lễ: Đấng Christ về lại thiên đàng, chuẩn bị chỗ ở cho Hội Thánh trong thiên đàng. Chỗ ở mới của Hội Thánh sẽ tốt hơn chỗ ở hiện tại của Hội Thánh.

Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với các ngươi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi; Ta sẽ trở lại và đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2-3).

  • Giai đoạn rước dâu: Đấng Christ sẽ trở lại để đón Hội Thánh vào trong thiên đàng. Hội Thánh biết dấu hiệu sự trở lại của Đấng Christ nhưng không biết chính xác ngày và giờ.

Này là điều chúng tôi nhờ Lời của Chúa mà nói với các anh chị em: Chúng ta là những người sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17).

  • Giai đoạn thanh tẩy: Hội Thánh sẽ trải qua nghi thức thanh tẩy trước khi bước vào hôn lễ. Đó là sự mỗi người trong Hội Thánh sẽ được mang lấy một thể xác thịt mới, hoặc là thể xác đã chết được phục sinh, hoặc là thể xác đang sống được biến hóa, và được mặc lấy sự vinh quang là sự ban thưởng cho những việc làm công bình của mỗi người.

Chúng ta hãy hớn hở, vui mừng, và dâng sự tôn kính lên Ngài! Vì lễ cưới của Chiên Con đã đến, và vợ của Ngài đã tự mình sẵn sàng. Nàng đã được ban cho để khoác lên trang phục mịn, sạch, và trắng. Trang phục mịn là những việc làm công bình của các thánh đồ.” (Khải Huyền 19:7-8).

  • Giai đoạn hôn lễ: Đấng Christ và Hội Thánh sẽ được hiệp một cách mầu nhiệm trong Lễ Cưới của Chiên Con. Số người được mời tham dự hôn lễ rất chọn lọc, sẽ là các thánh đồ trong thời trước Cựu Ước và trong thời Cựu Ước, hiện nay, đã có mặt trong thiên đàng.

Thiên sứ phán với tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Đó là những lời chân thật của Đức Chúa Trời.” (Khải Huyền 19:9).

  • Giai đoạn tiệc cưới: Có thể sẽ xảy ra trên đất, liền sau khi Đấng Christ tiêu diệt thế lực của Sa-tan và AntiChrist, với sự tham dự của tất cả dân cư trên đất, những người tin nhận Tin Lành. Riêng những người I-sơ-ra-ên thật lòng tin kính Chúa theo Cựu Ước, được Chúa đem vào đồng vắng để lánh nạn AntiChrist, sẽ không được tham dự tiệc cưới, vì họ chưa tiếp nhận Tân Ước. Họ được tiêu biểu bằng hình ảnh của năm người nữ đồng trinh thiếu khôn ngoan (Ma-thi-ơ 25:1-13).

Đèn là đời sống của những người tin kính Chúa, chiếu ra ánh sáng là sự vinh quang của Thiên Chúa. Dầu trong đèn là Lời Chúa trong Cựu Ước. Dầu trong bình là Lời Chúa trong Tân Ước. Con dân Chúa phải bỏ thời gian, công sức để học biết Lời Chúa trong cả Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước và Tân Ước chính là hai chứng nhân đầy năng lực của Thiên Chúa như đã chép trong Xa-cha-ri 4.

Xin quý ông bà anh chị em nghe lại bài giảng chú giải Ma-thi-ơ 25:1-13, ngụ ngôn về mười nữ đồng trinh, trong loạt bài giảng Chú Giải Ma-thi-ơ [2].

Kính thưa Hội Thánh,

Chúng ta thật đang sống trong những ngày cuối cùng, trước khi Chúa phán xét toàn thế gian. Ngày mà chúng ta được bước vào thiên đàng với thân thể vinh quang, bất tử, được kết hiệp làm một với Đấng Christ trong Lễ Cưới của Chiên Con có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chúng ta hãy dùng Lời Chúa trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17 để nhắc nhau và khích lệ lẫn nhau, hết lòng sống thánh khiết, sẵn sàng cho ngày Đấng Christ trở lại.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/09/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Con Vui Mừng Hát Ca”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/con-vui-mung-hat-ca/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] “Ô-sê 6:1-2 và Kỳ Tận Thế – Phần 2” http://kytanthe.net/?p=587

[2] Xin nghe bài giảng “10768 Mat 067 DayToBatTrung_MuoiNuDongTrinh” tại đây:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/107_chugiaimathio