Chú Giải Nhã Ca 05:02-08

1,966 views

22007 Chú Giải Nhã Ca 5:2-8
Một Khoảnh Khắc Thiếu Quyết Định

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzMyMjE0OTJf/22007NhaCa_07_MotKhoanhKhacThieuQuyetDinh_05_2-8.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/22007nhaca_07_motkhoanhkhacthieuquyetdinh_05_2-8
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/k5j2p06xac3370t/22007NhaCa_07_MotKhoanhKhacThieuQuyetDinh_05_2-8.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

 

Nhã Ca 5:2-8

2 [Su-la-mít:] Tôi ngủ, nhưng lòng tôi tỉnh thức. Có tiếng người yêu của tôi gõ cửa: [Sa-lô-môn:] Hỡi em gái của ta, người yêu của ta, chim bồ câu của ta, người toàn hảo của ta! Hãy mở cửa! Vì đầu ta đầy sương móc, những lọn tóc ta thấm những giọt sương đêm.

3 [Su-la-mít:] Tôi đã cởi áo lót rồi, lẽ nào mặc nó lại? Tôi đã rửa chân rồi, lẽ nào làm lấm lại?

4 Người yêu của tôi thò tay của chàng qua lỗ cửa. Lòng tôi rạo rực vì chàng.

5 Tôi trỗi dậy, mở cửa cho người yêu của tôi. Tay tôi nhỏ giọt một dược và những ngón tay tôi làm ướt một dược trên then cài.

6 Tôi mở cửa cho người yêu của tôi, nhưng người yêu của tôi đã lánh khỏi, đã đi rồi. Linh hồn tôi ngất lịm bởi lời nói của chàng. Tôi tìm chàng nhưng không gặp. Tôi gọi chàng nhưng chẳng có lời đáp.

7 Những người canh tuần quanh thành gặp tôi. Họ đánh tôi. Họ làm tôi bị thương. Những người canh tuần vách thành cất khăn che khỏi tôi.

8 Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Ta nài xin các ngươi, nếu các ngươi gặp người yêu của ta, hãy nói với chàng: Ta có bệnh vì tình yêu!

Nhã Ca 5:2-6:3 ghi lại một sự việc không vui xảy ra trong đời sống vợ chồng của Sa-lô-môn và Su-la-mít, mà phần lỗi thuộc về phía Su-la-mít. Sự việc có thể được tóm tắt như sau: Dù Su-la-mít yêu chồng tha thiết, nhưng có một lúc, Su-la-mít đã không hết lòng với Sa-lô-môn. Có một lần, vào lúc gần sáng, khi Su-la-mít đang ngủ, thì Sa-lô-môn đến, gõ cửa phòng. Su-la-mít đã không trỗi dậy để mở cửa phòng ngay, vì nghĩ đến việc phải mặc lại quần áo, và phải rửa lại chân. Khi Su-la-mít nghe tiếng Sa-lô-môn thò tay qua lỗ cửa, tìm cách mở then cửa, thì lòng nàng rung động, nàng trỗi dậy mở cửa cho chồng. Nhưng khi cửa mở, thì Sa-lô-môn đã không còn ở đó. Su-la-mít vội chạy ra ngoài tìm chồng, nhưng không thấy mà lại bị lính canh đánh đập, vì họ hiểu lầm nàng là gái điếm. Khi Su-la-mít hỏi thăm những hoàng hậu và phi tần của Sa-lô-môn về Sa-lô-môn, thì nàng bị họ mỉa mai. Nhưng Su-la-mít đã không quan tâm đến sự mỉa mai của họ, mà tha thiết ca ngợi chồng của mình. Sau đó, Su-la-mít chợt nghĩ ra là Sa-lô-môn đã đi vào trong vườn của chàng, và nàng đi đến đó để tìm chàng.

Nhiều nhà giải kinh cho rằng, Nhã Ca 5:2-6:3 ghi lại một giấc mơ của Su-la-mít. Nhưng chúng tôi nghiêng về ý tưởng cho rằng, đây là một sự kiện thực tế xảy ra trong đời sống hôn nhân giữa Sa-lô-môn và Su-la-mít. Đây là một tiêu biểu cho những lỗi nhỏ thường xảy ra trong đời sống của vợ chồng. Nhưng nếu bên có lỗi không biết sửa đổi và bên bị xúc phạm không có lòng cảm thông, tha thứ, thì lỗi nhỏ sẽ trở thành lỗi lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc hôn nhân. Đây cũng chính là một trong những sự kiện xảy ra trong đời sống của vợ chồng, được tiêu biểu bằng những con chồn nhỏ trong vườn nho tình yêu, được Sa-lô-môn và Su-la-mít cùng nói đến trong Nhã Ca 2:15.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Nhã Ca 5:2-8, là phần thứ nhất của câu chuyện Lỗi Nhỏ Trong Tình Yêu. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu phần thứ nhì của câu chuyện, trong Nhã Ca 5:9-6:3.

Dưới đây là sự phân câu theo văn mạch của Nhã Ca 5:2-8

I. Giai đoạn đính hôn (1:2-3:5)

A. Tình yêu dành cho nhau (1:2-2:7)

1. Tình yêu của Su-la-mít dành cho Sa-lô-môn (1:2-8)

2. Ngôn ngữ của tình yêu (1:9-2:7)

B. Tình yêu chín muồi (2:8-3:5)

1. Mùa xuân của tình yêu (2:8-17)

2. Nỗi lo trong tình yêu (3:1-5)

II. Hôn lễ (3:6-5:1)

A. Cảnh rước dâu (3:6-11)

B. Đêm tân hôn (4:1-5:1)

III. Đời sống hôn nhân (5:2-8:14)

A. Lỗi nhỏ trong tình yêu (5:2-6:3)

1. Một khoảnh khắc thiếu quyết định (5:2-5:8)

(1) [Su-la-mít:] Tôi ngủ, nhưng lòng tôi tỉnh thức. Có tiếng người yêu của tôi gõ cửa:

(2) [Sa-lô-môn:] Hỡi em gái của ta, người yêu của ta, chim bồ câu của ta, người toàn hảo của ta! Hãy mở cửa! Vì đầu ta đầy sương móc, những lọn tóc ta thấm những giọt sương đêm.

(3) [Su-la-mít:] Tôi đã cởi áo lót rồi, lẽ nào mặc nó lại? Tôi đã rửa chân rồi, lẽ nào làm lấm lại? Người yêu của tôi thò tay của chàng qua lỗ cửa. Lòng tôi rạo rực vì chàng. Tôi trỗi dậy, mở cửa cho người yêu của tôi. Tay tôi nhỏ giọt một dược và những ngón tay tôi làm ướt một dược trên then cài. Tôi mở cửa cho người yêu của tôi, nhưng người yêu của tôi đã lánh khỏi, đã đi rồi. Linh hồn tôi ngất lịm bởi lời nói của chàng. Tôi tìm chàng nhưng không gặp. Tôi gọi chàng nhưng chẳng có lời đáp. Những người canh tuần quanh thành gặp tôi. Họ đánh tôi. Họ làm tôi bị thương. Những người canh tuần vách thành cất khăn che khỏi tôi.

(4) Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Ta nài xin các ngươi, nếu các ngươi gặp người yêu của ta, hãy nói với chàng: Ta có bệnh vì tình yêu!

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu:

(1) [Su-la-mít:] Tôi ngủ, nhưng lòng tôi tỉnh thức. Có tiếng người yêu của tôi gõ cửa:

Thành ngữ: “ngủ nhưng lòng tỉnh thức” có thể mang hai ý nghĩa như sau:

  • Thân thể xác thịt đã sẳn sàng cho giấc ngủ, nhưng tâm trí thì đang suy ngẫm hay nghĩ đến một điều gì.

  • Thân thể xác thịt đã ngủ say, không còn nhận thức được ngoại cảnh, nhưng tâm trí thì đang tỉnh táo, nhận thức cách rõ ràng các sự kiện trong một giấc mơ.

Chúng ta không biết Su-la-mít đang dỗ giấc ngủ bằng cách suy nghĩ đến Sa-lô-môn, hay là nàng đã ngủ say và đang nằm mơ. Nếu Su-la-mít đang ngủ say và đang nằm mơ, thì chúng ta cũng không biết nàng nằm mơ thấy những gì. Chúng ta chỉ biết rằng, Su-la-mít đang ngủ thì nghe có tiếng động, nên nàng giật mình, thức dậy, và nhận ra đó là tiếng gõ cửa và tiếng kêu mở cửa của Sa-lô-môn. Cũng có thể Su-la-mít đang ngủ, nhưng lòng vẫn hướng về Sa-lô-môn, nên nàng nằm mơ thấy Sa-lô-môn; và tiếng gõ cửa cùng tiếng gọi cửa của Sa-lô-môn đã làm nàng tỉnh giấc.

Bối cảnh của câu chuyện có lẽ là tối hôm đó, Sa-lô-môn quá bận rộn với công việc triều chính, nên đã khuya mà ông vẫn chưa đến với Su-la-mít. Sau thời gian dài chờ đợi thì Su-la-mít đã mệt mỏi, nên nàng thay quần áo và rửa chân, rồi lên giường nằm ngủ. Trong lúc nàng đang nghĩ đến Sa-lô-môn để dỗ giấc ngủ, hoặc trong lúc nàng đang ngủ say và nằm mơ, thì Sa-lô-môn đã đến trước cửa, gõ cửa và gọi nàng mở cửa.

Câu (1) có thể được diễn ý như sau: Su-la-mít nói với các hoàng hậu và phi tần: Tôi đã ngủ nhưng lòng tôi tỉnh thức, và tôi chợt nghe có tiếng động. Thì ra, đó là tiếng gõ cửa và tiếng gọi cửa của người mà tôi yêu dấu.

Bài học thuộc linh: Ngủ là nhu cầu thuộc thể. Lòng tỉnh thức là tình trạng sẵn sàng thuộc linh. Dù chúng ta có những nhu cầu thuộc thể phải được giải quyết, vì chúng ta đang sống trong xác thịt; nhưng chúng ta cần có một tâm thần tỉnh thức, để nhanh chóng nhận ra tiếng gọi của Chúa, nhận ra sự đến của Ngài. Đừng vì quá say mê thế gian và những sự thuộc về thế gian (kể cả cái “tôi” của mình hay là người yêu dấu nhất trong đời mình), mà không nghe tiếng Chúa gọi, không nhận biết Chúa khi Chúa đến.

Con dân Chúa sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, không nên hướng lòng về thế gian, không nên say mê thế gian và những sự thuộc về thế gian. Lời Chúa dạy:

Những người dùng thế gian này thì chớ lạm dụng nó}; vì hình trạng của thế gian này đang qua đi.” (I Cô-rinh-tô 7:31).

Chúa dựng nên thế gian để cho chúng ta cai quản và sử dụng, đem lại hạnh phúc cho chúng ta trong tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Nhưng nếu chúng ta say mê thế gian đến nỗi không còn nhận biết, không còn nghe được tiếng Chúa, thì chúng ta trở thành có tội, vì đã đặt thế gian lên trước Chúa. Vậy, chúng ta hãy sống và tận hưởng những gì Chúa đã ban cho chúng ta trong thế gian, nhưng lòng chúng ta luôn hướng về Chúa, tin cậy Chúa, yêu kính Chúa, biết ơn Chúa, và vâng phục Chúa trên tất cả mọi sự.

(2) [Sa-lô-môn:] Hỡi em gái của ta, người yêu của ta, chim bồ câu của ta, người toàn hảo của ta! Hãy mở cửa! Vì đầu ta đầy sương móc, những lọn tóc ta thấm những giọt sương đêm.

Chúng ta không biết khi câu chuyện này xảy ra, thì Sa-lô-môn và Su-la-mít đã sống với nhau được bao lâu rồi. Dù đã qua thời kỳ trăng mật, nhưng Sa-lô-môn vẫn dùng cách gọi thân thiết, yêu quý, và tình tứ để gọi Su-la-mít: Em gái của anh! Người yêu của anh! Chim bồ câu của anh! Người toàn hảo của anh!

Có thể Sa-lô-môn bận việc triều chính, họp bàn quốc sự với các cận thần cho đến quá khuya. Có thể Sa-lô-môn đi kinh lý ở phương xa (đi xem xét các sinh hoạt trong đất nước), về đến kinh thành thì đã quá khuya. Dù là trường hợp nào, thì Sa-lô-môn vẫn nhớ Su-la-mít và tìm đến với nàng.

Sương là hơi nước trong không khí đọng lại thành hạt rất nhỏ, bay trong không gian, còn gọi là mù sương hoặc sương mù. Móc là hạt sương đọng lại trên cây cỏ, trên muôn vật. Trong đêm khuya, giữa màn sương, Sa-lô-môn tìm đến với Su-la-mít. Trên đường đi, sương đã đọng lại đầy trên tóc của Sa-lô-môn, làm ướt tóc của Sa-lô-môn.

Sa-lô-môn đến trước cửa chính, chỗ ở của Su-la-mít, gọi nàng và gõ cửa, xin nàng mở cửa cho ông.

Câu (2) có thể được diễn ý như sau: Lời Sa-lô-môn nói với Su-la-mít được Su-la-mít thuật lại cho các hoàng hậu và phi tần: Hỡi người em gái thân thương, là người anh vô cùng yêu dấu! Em là niềm vui, là hạnh phúc đơn sơ và trong sáng của anh! Hỡi người rất trọn vẹn của anh! Hãy mở cửa cho anh! Vì đầu của anh đầy sương móc, những lọn tóc của anh đã bị thấm ướt vì những giọt sương đêm.

Bài học thuộc linh: Chúng ta cần ghi nhớ điều này: Trong mối quan hệ yêu thương giữa Chúa và chúng ta, Chúa luôn yêu chúng ta và tình yêu của Ngài đối với chúng ta không hề thay đổi. Nhưng Chúa cũng luôn luôn tôn trọng sự tự do lựa chọn của chúng ta. Ngài muốn tương giao với chúng ta, Ngài muốn ban phước cho chúng ta, nhưng chúng ta phải chủ động trong sự đón nhận Chúa và mọi ơn phước của Ngài.

Sự đón nhận Chúa và các ơn phước của Chúa thường khi đòi hỏi chúng ta phải trả ra một giá, như khi Chúa yêu chúng ta, Ngài cũng đã trả ra một giá. Bình thường, chúng ta dễ dàng bày tỏ lòng yêu kính Chúa, nhưng khi phải trả giá để xác chứng tình yêu của mình, chúng ta thường thất bại. Thực tế phũ phàng cho thấy, phần lớn trong chúng ta yêu chính mình hơn là yêu Chúa! Không phải chúng ta không yêu Chúa, nhưng là chúng ta không yêu Chúa đủ, chúng ta không yêu Chúa hơn yêu chính mình. Vì thế mà nhiều lúc trong đời sống, chúng ta chọn không trả giá, để được gần bên Chúa và ở trong sự tương giao mật thiết với Ngài.

Đã bao nhiêu lần chúng ta chần chừ trước tiếng gọi yêu thương của Chúa? Đã bao nhiêu lần chúng ta bỏ qua sự nhóm lại thờ phượng Chúa, bỏ qua cơ hội tương giao với Chúa, bỏ qua cơ hội hầu việc Chúa? Đã bao nhiêu lần chúng ta phụ bạc tình yêu của Chúa? Chúa là trên hết trong đời sống của chúng ta, hay là tiện nghi vật chất, hay là thú vui của đời này, hay là công ăn việc làm, hay là tình cảm của những người thân là trên hết trong đời sống chúng ta?

(3) [Su-la-mít:] Tôi đã cởi áo lót rồi, lẽ nào mặc nó lại? Tôi đã rửa chân rồi, lẽ nào làm lấm lại? Người yêu của tôi thò tay của chàng qua lỗ cửa. Lòng tôi rạo rực vì chàng. Tôi trỗi dậy, mở cửa cho người yêu của tôi. Tay tôi nhỏ giọt một dược và những ngón tay tôi làm ướt một dược trên then cài. Tôi mở cửa cho người yêu của tôi, nhưng người yêu của tôi đã lánh khỏi, đã đi rồi. Linh hồn tôi ngất lịm bởi lời nói của chàng. Tôi tìm chàng nhưng không gặp. Tôi gọi chàng nhưng chẳng có lời đáp. Những người canh tuần quanh thành gặp tôi. Họ đánh tôi. Họ làm tôi bị thương. Những người canh tuần vách thành cất khăn che khỏi tôi.

Từ trong phòng ngủ, Su-la-mít nghe tiếng gọi và tiếng gõ cửa của Sa-lô-môn, nàng định trỗi dậy, đi ra, mở cửa cho chồng của mình. Tuy nhiên, muốn làm như vậy thì Su-la-mít phải mặc lại áo, và sau đó phải rửa chân trở lại. Có lẽ trong lúc Su-la-mít chần chừ, im lặng, thì nàng nghĩ rằng, Sa-lô-môn có nhiều hoàng hậu và cung phi khác, thậm chí, ông có phòng riêng của ông, cho nên, Sa-lô-môn có thể ghé lại một trong các hoàng hậu và phi tần, hoặc lui về phòng của ông. Nhưng rồi, khi nghe tiếng Sa-lô-môn thò tay qua lỗ cửa, tìm cách mở then cài khóa cửa, thì lòng của Su-la-mít dấy lên nỗi xúc cảm rộn ràng, trước sự Sa-lô-môn sốt sắng và tha thiết muốn gặp nàng. Vì thế, nàng đã trỗi dậy, xuống khỏi giường, để đi ra, mở cửa cho chồng.

Chúng ta cần hiểu điều này: Cung điện của Vua Sa-lô-môn, do chính ông thiết kế và trông xem công việc xây dựng trong suốt 13 năm, là một cung điện tráng lệ với nhiều phòng ốc to lớn. Chúng ta có thể hiểu rằng, chỗ ở dành riêng cho Su-la-mít, người mà Vua Sa-lô-môn yêu quý nhất trong các hoàng hậu và phi tần của ông, phải là một khu vực rộng đáng kể. Từ cửa phòng ngủ của Su-la-mít cho đến cửa chính của chỗ nàng ở có thể là một khoảng cách lớn với một vườn hoa. Vì thế mà Su-la-mít ngại bị lấm chân khi phải đi ngang qua vườn hoa, để ra đến cửa chính, mở cửa cho Sa-lô-môn. Chúng ta cũng có thể hiểu, trước khi đi ngủ thì Su-la-mít đã cởi hết quần áo, cả áo lót, và chân thì đã được rửa sạch, có lẽ do một cung nữ giúp rửa. Nếu Su-la-mít trỗi dậy để đi ra, mở cửa cho Sa-lô-môn, thì ít nhất nàng phải mặc áo lót trở lại, và sau đó, phải gọi cung nữ giúp nàng rửa chân trở lại. Như vậy, chúng ta mới hiểu rõ ý của câu: “Tôi đã cởi áo lót rồi, lẽ nào mặc nó lại? Tôi đã rửa chân rồi, lẽ nào làm lấm lại?”

Hành động thò tay qua lỗ cửa của Sa-lô-môn nói lên sự khắc khoải của ông, trong khi ông chờ đợi sự đáp ứng của Su-la-mít. Sa-lô-môn thò tay qua lỗ cửa là để cố tự mình mở then cài cửa. Tuy nhiên, Sa-lô-môn đã không tự mở được cửa, và ông đã bỏ đi.

Su-la-mít nghe tiếng động khi Sa-lô-môn thò tay qua lỗ cửa, tìm cách mở cửa, thì lòng nàng rung động trước sự nhiệt tình của chồng. Su-la-mít liền trỗi dậy, để đi ra, mở cửa cho chồng. Có lẽ Su-la-mít đã xức thêm một dược trước khi đi ra, mở cửa, nên khi nàng chạm tay vào then cài cửa thì chất một dược vẫn còn ướt đẫm trên các ngón tay của nàng, và thấm ướt trên then cài cửa. Nhưng cũng có thể là Sa-lô-môn thò tay qua lỗ cửa không phải để tìm cách tự mở cửa, mà là để đổ dầu một dược lên trên then cài cửa. Ông muốn để lại dấu hiệu cho Su-la-mít biết là ông đã đến tìm nàng. Vì thế, khi Su-la-mít chạm tay vào then cài cửa thì tay nàng thấm ướt một dược. Các dân Trung Đông thời xưa có phong tục: Người nam thường rót dầu thơm nơi cửa của người yêu, khi đến thăm người yêu mà người yêu vắng nhà.

Tuy nhiên, khi Su-la-mít mở cửa thì Sa-lô-môn đã rời khỏi rồi, vì ông đã chờ khá lâu và cũng không thể tự mình mở cửa.

Động từ “da-xa” (H3318: יָצָא /yatsa’/) được dịch là “ngất lịm” trong câu: “Linh hồn tôi ngất lịm bởi lời nói của chàng”, có nghĩa đen: đi ra, rời khỏi, ra ngoài, khiến cho thoát ra… Khi “da-xa” được dùng cho linh hồn thì diễn tả tình trạng một người vì lý do gì đó mà bị: thất thần (mất đi sự nhận thức của thần trí), ngất lịm, ngất xỉu, choáng ngất… Câu: “Linh hồn tôi ngất lịm bởi lời nói của chàng”, có nghĩa là sau khi Su-la-mít nhận thức Sa-lô-môn không còn chờ nàng ở trước cửa, mà đã bỏ đi rồi, thì nàng đau lòng khi nghĩ đến những lời kêu gọi ngọt ngào, tình tứ của chồng trước đó, khiến cho nàng dường như người đã chết hoặc bị ngất xỉu, thân thể không còn nhận thức.

Sau đó, Su-la-mít bình tĩnh trở lại và đi tìm chồng. Tìm trong cung điện không thấy, Su-la-mít bèn đi ra ngoài cung điện để tìm. Nàng gọi chồng nhưng không có ai đáp lời. Vì trời chưa sáng nên khi những người lính canh bắt gặp nàng trên đường phố, thì họ đánh nàng, làm nàng bị thương, vì họ nghĩ nàng là gái điếm. Có lẽ, đến khi họ cất khăn che mặt khỏi nàng, thì họ mới nhận ra, nàng là hoàng hậu được yêu quý nhất của Vua Sa-lô-môn.

Cho dù vì lý do gì mà Su-la-mít chần chừ, không mở cửa đón Sa-lô-môn ngay, khiến cho Sa-lô-môn chờ không được, phải bỏ đi, thì sự việc đó đã đem lại sự căng thẳng không vui trong quan hệ vợ chồng. Người vợ không nên vì một lý do gì mà để cho chồng phải chờ đợi, khi chồng đến với mình bằng sự nhiệt tình, yêu thương, âu yếm, ngọt ngào.

Người chồng khi bị vợ từ chối, dù không phản ứng mạnh, nhưng cảm thấy bị xúc phạm và bị tổn thương rất lớn trong lòng. Nhất là khi vợ dùng sự từ chối quan hệ tình dục với chồng như là một cách để “trừng phạt” chồng, vì chồng có lỗi với mình hoặc không chiều ý mình. Nếu chồng có lỗi với vợ thì vợ phải thẳng thắn nói rõ với chồng, để chồng biết lỗi và xin lỗi vợ. Nếu chồng không chiều ý vợ thì vợ phải vâng phục chồng, không được buồn giận, trừ khi sự chồng không chiều ý vợ là sự vi phạm Lời Chúa, thì vợ phải trình bày rõ với chồng, để chồng làm theo Lời Chúa. Mọi sự bất hòa giữa vợ chồng phải được giải quyết ngay trong ngày, để tránh tình trạng giận nhau kéo dài đến ngày hôm sau:

Khi các anh chị em giận thì đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em.” (Ê-phê-sô 4:26).

Ngoài ra, nếu vợ chồng chưa phục hòa với nhau thì không thể thờ phượng Chúa:

Vậy, nếu ngươi đem của lễ của ngươi đến trước bàn thờ, và tại đó, nhớ lại rằng, anh chị em cùng Cha của ngươi có điều gì nghịch lại ngươi, thì hãy để của lễ của ngươi tại đó, trước bàn thờ, trở về làm hòa với anh chị em cùng Cha của ngươi trước, rồi mới đến và dâng của lễ của ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:23-24).

Chồng không nên dùng sức mạnh bắt ép vợ phải chiều ý mình. Hãy cho vợ có thời gian suy nghĩ. Riêng trong việc quan hệ tình dục, vợ chồng phải hết sức mình mà chiều nhau, không bên nào được viện lý do không trung thực hoặc không chính đáng, để từ chối nhau, như giả vờ bị bệnh hoặc muốn dành thời gian để tương giao với Chúa. Lời Chúa dạy:

Chồng hãy làm hết bổn phận về tính dục đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là chồng. Chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là vợ. Các anh chị em đừng từ chối nhau, trừ khi cùng bằng lòng dành một thời gian chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện, rồi trở lại cùng nhau, để Sa-tan không cám dỗ các anh chị em khi các anh chị em thiếu kiềm chế.” (I Cô-rinh-tô 7:3-5).

Ngay cả việc vợ chồng cùng đồng ý dành thời gian chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện, không giao tình với nhau, là điều có thể làm và được phép làm, chứ không phải là điều mà Chúa truyền cho vợ chồng trong Chúa phải làm.

Nhưng tôi nói điều này theo sự được phép làm chứ không phải theo điều răn.” (I Cô-rinh-tô 7:6).

Bản năng tính dục giữa nam và nữ khác nhau. Thông thường thì người nam hướng về tình dục cách mạnh mẽ trong khi người nữ thì hướng về sự được quan tâm, được chiếm vị trí số một trong lòng người yêu. Vì thế, khi người chồng bị vợ từ chối quan hệ tình dục thì mang mặc cảm bị xem thường, bị chối bỏ; còn người vợ khi thấy chồng quan tâm đến điều gì khác hay ai khác hơn mình, thì cảm thấy bị xúc phạm, bị bỏ rơi. Ngoài ra, thời điểm ham muốn quan hệ tình dục giữa nam và nữ cũng khác nhau. Đối với người chồng sau một ngày căng thẳng, mệt mỏi với công việc trong cuộc sống, thì sự quan hệ tình dục với vợ đem lại sự thư giãn. Nhưng đối với người vợ sau một ngày căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống, thì sự quan hệ tình dục là điều mà nàng không hề nghĩ tới.

Các “lỗ thủng” sau đây trong mối quan hệ vợ chồng, nếu không nhanh chóng từ bỏ, sẽ làm đắm con thuyền hôn nhân:

  • Xem mình là tôn trọng hơn chồng hay vợ của mình.

  • Giữ lòng giận nhau thay vì cùng nhau trong danh Chúa, dựa trên Lời Chúa mà giải quyết các va chạm, bất đồng ý kiến.

  • Không sẵn lòng tha thứ nhau theo Lời Chúa dạy.

  • Cố ép chồng hay vợ chiều theo mình, mà không cho chồng hay vợ thời gian để suy ngẫm.

  • Từ chối hoặc chậm trễ trong sự đáp ứng những đòi hỏi chân thành và phải lẽ của chồng hay vợ.

Câu (3) có thể được diễn ý như sau: Tôi ngần ngại khi nghĩ đến việc phải mặc lại áo lót và phải rửa lại chân, nếu tôi xuống giường, đi ra mở cửa cho người yêu. Tôi nghe tiếng động khi người yêu của tôi thò tay của chàng qua lỗ cửa. Có phải chàng đang tự tìm cách mở cửa? Lòng tôi rạo rực vì sự nhiệt tình của chàng. Vì thế, không còn suy nghĩ gì nữa, tôi vội trỗi dậy, đi ra, mở cửa cho người yêu của tôi. Tay tôi chạm vào then cài cửa, dầu một dược ướt những ngón tay của tôi và then cài cửa. Tôi mở cửa cho người yêu của tôi, nhưng người yêu của tôi đã lánh khỏi, chàng đã đi rồi. Nghĩ đến lời gọi cửa của chàng, tôi đau đớn trong lòng, tưởng chừng như ngất lịm. Tôi đi khắp nơi để tìm chàng, nhưng không gặp. Tôi tha thiết gọi chàng, nhưng chẳng có ai đáp lời. Những người canh tuần quanh thành gặp tôi lang thang trên các đường phố. Họ đánh tôi. Họ làm tôi bị thương. Cho đến khi họ cất khăn che khỏi tôi và nhận biết tôi.

Bài học thuộc linh: Đối với rất nhiều con dân Chúa, bao ngày tháng trôi qua trong cuộc đời của chúng ta, Chúa đứng chờ khắc khoải ngoài cửa lòng của chúng ta với tiếng gõ và những lời yêu thương êm dịu, kêu gọi chúng ta mở cửa lòng chúng ta để tương giao mật thiết với Ngài. Nhưng phần lớn trong chúng ta không chú tâm đến Chúa, vì chúng ta có quá nhiều điều khác để bận tâm. Đến khi chúng ta quay lại với Chúa, thì Ngài đã lìa khỏi chúng ta rồi. Chứng tích tình yêu của Chúa vẫn còn lưu lại trong đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta không còn tìm thấy Ngài nữa. Chúng ta kêu cầu Chúa, nhưng Ngài chẳng đáp lời!

Có một lúc trong cuộc đời đi theo Chúa của chúng ta, khi chúng ta ý thức được Chúa đã ra khỏi đời sống của mình, vì mình đã không yêu Chúa đủ để đáp lại tiếng gọi của Ngài, chúng ta sẽ mạo hiểm để tìm lại tình yêu ban đầu. Khi đó, có thể chúng ta phải trả một giá rất đắt để tìm gặp lại Chúa. Chúng ta sẽ bị hiểu lầm, bị làm nhục, bị mất mát nhiều thứ…

Cái giá phải trả lúc ban đầu để đi theo Chúa, khi Chúa mời gọi chúng ta, chắc chắn là nhẹ hơn cái giá chúng ta phải trả để tìm lại tình yêu ban đầu với Chúa, là khi Ngài đã rời khỏi chúng ta vì tấm lòng hâm hẩm của chúng ta!

Khi Chúa đã ra khỏi đời sống của chúng ta rồi, chúng ta mới ý thức được là chúng ta cần Chúa biết là bao nhiêu. Chúa ra khỏi đời sống của chúng ta là vì chúng ta không hết lòng yêu kính Chúa, là vì chúng ta không đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Khi chúng ta không còn cơ hội để đi nhóm họp thờ phượng Chúa, học lời Chúa, chúng ta mới hối tiếc những lúc chúng ta trễ nải trong sự nhóm lại hoặc bỏ qua sự nhóm lại.

(4) Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Ta nài xin các ngươi, nếu các ngươi gặp người yêu của ta, hãy nói với chàng: Ta có bệnh vì tình yêu!

Sau khi đi khắp nơi trong thành để tìm chồng mà không gặp, lại còn bị lính canh hiểu lầm, đánh đập, Su-la-mít quay về cung điện, tìm đến với các hoàng hậu và phi tần, thuật lại cho họ nghe sự việc. Su-la-mít nài xin họ rằng, nếu họ có gặp được Sa-lô-môn thì hãy nhắn lời giùm nàng, rằng nàng đang đau đớn trong lòng, vì đã không hết lòng với chồng và nàng đang yêu nhớ chồng.

Câu (4) có thể được diễn ý như sau: Lời Su-la-mít xin các hoàng hậu và phi tần: Hỡi các chị em! Tôi nài xin các chị em, nếu các chị em gặp được người yêu của tôi, thì xin hãy nói với chàng rằng, tôi đang đau đớn trong lòng, vì tôi đã có lỗi với chàng; và vì tôi quá yêu, quá nhớ chàng.

Bài học thuộc linh: Khi chúng ta bỏ qua cơ hội mà Chúa đã ban cho chúng ta, thì chắc chắn là chúng ta phải trả ra một cái giá rất đắt, để được thêm cái cơ hội tìm đến với Ngài, được trở lại trong sự thông công với Ngài. Khi đó, chúng ta mới ý thức được rằng, mình yêu Chúa biết bao và mình cần Chúa biết bao. Chúng ta hãy ghi nhớ bài học qua câu chuyện này, để chúng ta nhớ và biết, mình phải cư xử như thế nào trong mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa.

Chúng tôi xin tổng hợp những lời chúng tôi diễn ý về Nhã Ca 5:2-8, như sau:

Tôi đã ngủ nhưng lòng tôi tỉnh thức, và tôi chợt nghe có tiếng động. Thì ra, đó là tiếng gõ cửa và tiếng gọi cửa của người mà tôi yêu dấu.

Hỡi người em gái thân thương, là người anh vô cùng yêu dấu! Em là niềm vui, là hạnh phúc đơn sơ và trong sáng của anh! Hỡi người rất trọn vẹn của anh! Hãy mở cửa cho anh! Vì đầu của anh đầy sương móc, những lọn tóc của anh đã bị thấm ướt vì những giọt sương đêm.

Tôi ngần ngại khi nghĩ đến việc phải mặc lại áo lót và phải rửa lại chân, nếu tôi xuống giường, đi ra mở cửa cho người yêu. Tôi nghe tiếng động khi người yêu của tôi thò tay của chàng qua lỗ cửa. Có phải chàng đang tự tìm cách mở cửa? Lòng tôi rạo rực vì sự nhiệt tình của chàng. Vì thế, không còn suy nghĩ gì nữa, tôi vội trỗi dậy, đi ra, mở cửa cho người yêu của tôi. Tay tôi chạm vào then cài cửa, dầu một dược ướt những ngón tay của tôi và then cài cửa. Tôi mở cửa cho người yêu của tôi, nhưng người yêu của tôi đã lánh khỏi, chàng đã đi rồi. Nghĩ đến lời gọi cửa của chàng, tôi đau đớn trong lòng, tưởng chừng như ngất lịm. Tôi đi khắp nơi để tìm chàng, nhưng không gặp. Tôi tha thiết gọi chàng, nhưng chẳng có ai đáp lời. Những người canh tuần quanh thành gặp tôi lang thang trên các đường phố. Họ đánh tôi. Họ làm tôi bị thương. Cho đến khi họ cất khăn che khỏi tôi và nhận biết tôi.

Hỡi các chị em! Tôi nài xin các chị em, nếu các chị em gặp được người yêu của tôi, thì xin hãy nói với chàng rằng, tôi đang đau đớn trong lòng, vì tôi đã có lỗi với chàng; và vì tôi quá yêu, quá nhớ chàng.

Đến đây, chúng ta đã hoàn tất việc tìm hiểu ý nghĩa của Nhã Ca 5:2-8.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/10/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Con Mãi Ghi Ơn Ngài”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/con-mai-ghi-on-ngai/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { }  không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.