Chú Giải Nhã Ca 07:10-08:04

2,017 views


YouTube: https://youtu.be/sUJSOM20mlU

22011 Chú Giải Nhã Ca 7:10-8:4
Tình Yêu Cứ Mặn Nồng Theo Thời Gian
Tình Yêu Không Thay Đổi

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzM4MDQ3MTRf/22011NhaCa_11_TinhYeuKhongThayDoi_07_10-08_04.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/22011nhaca_11_tinhyeukhongthaydoi_07_10-08_04
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/8m7s21i7s22e3ui/22011NhaCa_11_TinhYeuKhongThayDoi_07_10-08_04.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Nhã Ca 7:10-13

10 [Su-la-mít:] Tôi thuộc về người yêu của tôi. Sự khao khát của chàng hướng về tôi.

11 Hỡi người yêu của em! Hãy đến! Chúng ta sẽ đi ra ngoài đồng, qua đêm nơi hương thôn.

12 Chúng ta sẽ dậy sớm, đi đến các vườn nho. Chúng ta hãy xem dây nho có nứt đọt, trái nho có trổ, thạch lựu có nở hoa chăng! Tại đó, em sẽ trao sự giao tình của em cho chàng.

13 Những trái táo tình yêu tỏa mùi thơm. Và tại các lối vào của chúng ta {có} đủ loại những trái ngon, mới và cũ. Hỡi người yêu của em! Em đã để dành {những trái ấy} cho anh! [Trái táo tình yêu = mandrake, một loại dược thảo có chất kích dục.]

Nhã Ca 8:1-4

1 [Su-la-mít:] Nếu anh là anh của em, người đã bú vú của mẹ em, thì khi em gặp anh ở ngoài, em sẽ hôn anh, mà em không bị khinh dể.

2 Em sẽ dẫn anh, đưa vào nhà của mẹ em, {bà} sẽ dạy em, hãy cho anh uống rượu thơm, từ nước ngọt trái thạch lựu của em.

3 Tay trái anh sẽ {kê} dưới đầu em, còn tay phải anh ôm lấy em.

4 Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Ta nài xin các ngươi, chớ kinh động, chớ làm tỉnh thức tình yêu, cho đến khi nó sẵn lòng.

Kính thưa Hội Thánh,

Chúng ta không biết khoảng thời gian từ đêm giao tình giữa Sa-lô-môn và Su-la-mít được ghi lại trong Nhã Ca 7:1-9, đến buổi du ngoạn ngoại thành được ghi lại trong Nhã Ca 7:10-8:4 là bao lâu. Nhưng có lẽ đây là mùa xuân thứ ba, kể từ khi hai người yêu nhau. Mùa xuân thứ nhất, họ gặp nhau, yêu nhau và hứa hôn. Mùa xuân thứ nhì, họ kết hôn. Và giờ đây, mùa xuân thứ ba, họ cùng nhau du ngoạn ngoại thành, về thăm nhà của Su-la-mít ở chốn thôn quê.

Chúng ta không biết quê nhà của Su-la-mít ở đâu. Nhưng có lẽ gần với các vườn nho của Sa-lô-môn. Vì thế, sau khi ngoạn cảnh, ghé thăm các vườn nho, thì Su-la-mít đã đưa Sa-lô-môn về nhà của nàng và hai người qua đêm tại đó.

Tình yêu giữa Sa-lô-môn và Su-la-mít cứ nồng nàn theo thời gian, làm khuôn mẫu cho tình yêu vợ chồng trong Chúa. Mặc dù trong các phân đoạn Sa-lô-môn và Su-la-mít mô tả về nhau, chúng ta thấy dường như họ chỉ chú trọng về các nét đẹp của thân thể. Nhưng nếu chúng ta lắng lòng suy nghĩ, thì sẽ hiểu rằng, mọi sự diễn tả về sắc đẹp thuộc thể đều hàm chứa sự diễn tả về các đức tính cao quý thuộc linh.

  • Nét đẹp của đầu tiêu biểu cho sự tự do và tự chủ của một người.
  • Nét đẹp của tóc tiêu biểu cho sự khôn sáng của một người.
  • Nét đẹp của khuôn mặt tiêu biểu cho sự công bình, chính trực của một người.
  • Nét đẹp của đôi mắt tiêu biểu cho sự thiêng liêng, thánh khiết của một người.
  • Nét đẹp của đôi gò má tiêu biểu cho sự mềm mại, nhu mì, dễ thương của một người.
  • Nét đẹp của sống mũi tiêu biểu cho sự nghiêm trang, đoan chính của một người.
  • Nét đẹp của đôi môi tiêu biểu cho lời nói có ân hậu, giúp ích cho người nghe của một người.
  • Nét đẹp của đôi hàm răng tiêu biểu cho sự duyên dáng, tươi vui của một người.
  • Nét đẹp của cổ tiêu biểu cho sự cảnh giác, tỉnh thức của một người.
  • Nét đẹp của ngực tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt và đầy trọn của một người.
  • Nét đẹp của hai cánh tay tiêu biểu cho hành động công chính của một người.
  • Nét đẹp của bụng tiêu biểu cho sự hiền lành, nhân ái của một người.
  • Nét đẹp của rốn tiêu biểu cho sự thu hút và khả năng đem lại sự vui thỏa cho người khác của một người.
  • Nét đẹp của cặp đùi tiêu biểu cho sự vững vàng trong đức tin của một người.
  • Nét đẹp của đôi bàn chân tiêu biểu cho địa vị cao quý và nếp sống công chính của một người.
  • Nét đẹp của làn da tiêu biểu cho sự khoẻ mạnh toàn diện của thuộc linh.
  • Hương vị thơm ngọt như mật của vòm miệng tiêu biểu cho bản chất yêu thương, thánh khiết, công chính của Thiên Chúa ở trong một người thuộc về Thiên Chúa.
  • Hương thơm tỏa ra từ mũi tiêu biểu cho sự sống đến từ Thiên Chúa ở trong một người thuộc về Thiên Chúa.
  • Hương thơm tỏa ra từ thân thể tiêu biểu cho sự yêu thương, thánh khiết, công chính thể hiện qua đời sống của một người.
  • Hương thơm vương trên các vật dụng như quần áo, then cài cửa… tiêu biểu cho tác động của đời sống yêu thương, thánh khiết, công chính của một người trên môi trường sống của người ấy.

Vì thế, khi chúng ta đọc những lời Sa-lô-môn và Su-la-mít mô tả về thân thể của nhau, chúng ta hãy cùng lúc ghi nhận nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu nói.

Chính vì Su-la-mít đẹp người lẫn đẹp nết mà Sa-lô-môn gọi nàng là “người toàn hảo” của ông (5:2; 6:9). Tình yêu của Sa-lô-môn và Su-la-mít cứ vững bền theo thời gian. Vì họ yêu nhau chân thật.

Dưới đây là sự phân câu theo văn mạch của Nhã Ca 7:10-8:4

I. Giai đoạn đính hôn (1:2-3:5)

A. Tình yêu dành cho nhau (1:2-2:7)

1. Tình yêu của Su-la-mít dành cho Sa-lô-môn (1:2-8)

2. Ngôn ngữ của tình yêu (1:9-2:7)

B. Tình yêu chín muồi (2:8-3:5)

1. Mùa xuân của tình yêu (2:8-17)

2. Nỗi lo trong tình yêu (3:1-5)

II. Hôn lễ (3:6-5:1)

A. Cảnh rước dâu (3:6-11)

B. Đêm tân hôn (4:1-5:1)

III. Đời sống hôn nhân (5:2-8:14)

A. Lỗi nhỏ trong tình yêu (5:2-6:3)

1. Một khoảnh khắc thiếu quyết định (5:2-5:8)

2. Nhớ người yêu (5:9-6:3)

B. Tình yêu không chấp nhặt (6:4-7:9)

1. Sa-lô-môn nhận thức giá trị của Su-la-mít (6:4-13)

2. Hương vị của tình yêu (7:1-9)

C. Tình yêu cứ mặn nồng theo thời gian (7:10-8:14)

1. Tình yêu không thay đổi (7:10-8:4)

(1) [Su-la-mít:] Tôi thuộc về người yêu của tôi. Sự khao khát của chàng hướng về tôi.

(2) Hỡi người yêu của em! Hãy đến! Chúng ta sẽ đi ra ngoài đồng, qua đêm nơi hương thôn. Chúng ta sẽ dậy sớm, đi đến các vườn nho. Chúng ta hãy xem dây nho có nứt đọt, trái nho có trổ, thạch lựu có nở hoa chăng! Tại đó, em sẽ trao sự giao tình của em cho chàng. Những trái táo tình yêu tỏa mùi thơm. Và tại các lối vào của chúng ta {có} đủ loại những trái ngon, mới và cũ. Hỡi người yêu của em! Em đã để dành {những trái ấy} cho anh!

(3) [Su-la-mít:] Nếu anh là anh của em, người đã bú vú của mẹ em, thì khi em gặp anh ở ngoài, em sẽ hôn anh, mà em không bị khinh dể. Em sẽ dẫn anh, đưa vào nhà của mẹ em, {bà} sẽ dạy em, hãy cho anh uống rượu thơm, từ nước ngọt trái thạch lựu của em. Tay trái anh sẽ {kê} dưới đầu em, còn tay phải anh ôm lấy em.

(4) Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Ta nài xin các ngươi, chớ kinh động, chớ làm tỉnh thức tình yêu, cho đến khi nó sẵn lòng.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu:

(1) [Su-la-mít:] Tôi thuộc về người yêu của tôi. Sự khao khát của chàng hướng về tôi.

Câu hát này của Su-la-mít có lẽ là lời Su-la-mít công bố trước các hoàng hậu và phi tần sự nhận thức của nàng về vị trí của nàng đối với Sa-lô-môn, và sự nhận thức của nàng về tấm lòng của Sa-lô-môn đối với nàng.

Su-la-mít biết và khẳng định nàng thuộc về người yêu của nàng. Nàng không thuộc về mẹ của nàng, là người đã sinh ra nàng. Nàng không thuộc về các anh của nàng, là những người có bổn phận bảo vệ nàng. Nàng cũng không thuộc về chính mình nàng, vì nàng đã giao phó chính mình cho người yêu của nàng.

Cách gọi “người yêu của tôi” hàm ý: Người đàn ông mà tôi hết lòng yêu và người ấy cũng hết lòng yêu tôi bằng tình yêu nam nữ, vợ chồng.

Su-la-mít ý thức rằng, bởi sự kết hiệp làm vợ chồng với Sa-lô-môn, nàng đã trở nên một thịt với Sa-lô-môn, nàng không còn quyền trên thân thể của mình nữa, quyền ấy được trao lại cho chồng. Tương tự như vậy, Sa-lô-môn cũng không còn quyền trên thân thể của ông, mà là Su-la-mít. Chính vì thế mà Su-la-mít đã nói “Tôi thuộc về người yêu của tôi và người yêu của tôi thuộc về tôi” (6:3).

Lời Chúa dạy về quan hệ vợ chồng, như sau:

“Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ của mình mà gắn bó với vợ của mình; và họ sẽ nên một thịt.” (Sáng Thế Ký 2:24).

“Thế thì, họ không còn là hai nữa nhưng một thịt. Vậy, điều gì Đức Chúa Trời đã phối hiệp thì loài người chớ phân rẽ.” (Ma-thi-ơ 19:6).

“Vì cớ đó, người nam sẽ lìa cha mẹ của mình mà gắn bó với vợ của mình. Cả hai sẽ nên một thịt. Như thế, họ chẳng còn là hai mà là một thịt.” (Mác 10:7-8).

“Vậy nên, người đàn ông phải lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ mình, hai người sẽ cùng nên một thịt.” (Ê-phê-sô 5:31).

“Vợ không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là chồng. Chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là vợ.” (I Cô-rinh-tô 7:4).

Chỉ đến khi các đôi vợ chồng ý thức được điều này thì họ mới thật sự hiểu thế nào là vợ chồng nên một trong Chúa, và mới kinh nghiệm được cái cảm xúc: “Tôi thuộc về người yêu của tôi và người yêu của tôi thuộc về tôi” (6:3).

Bản năng tính dục trong loài người rất mạnh và không chỉ có mục đích lưu truyền dòng giống, mà còn là hưởng sự vui thỏa chỉ có trong tình yêu nam nữ giữa vợ chồng. Loài thú chỉ có nhu cầu thỏa mãn tình dục theo mùa, khi giống cái ở vào giai đoạn dễ thụ thai nhất; nhưng loài người thì có nhu cầu thỏa mãn tình dục hầu như mỗi tuần. Mỗi tuần lễ là một chu kỳ thời gian mà cuộc sống của loài người cần được làm mới trong sức khoẻ của thân thể xác thịt, bằng sự nghỉ lao động vào ngày Sa-bát; được làm mới lại trong năng lực thuộc linh, bằng sự thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa trong ngày Sa-bát; đồng thời cũng làm tươi mới quan hệ vợ chồng qua sự giao tình. Trong cuộc sống vợ chồng, cả vợ lẫn chồng phải luôn sẵn sàng mời gọi và đáp ứng nhau về nhu cầu tình dục. Có như vậy, sự gắn bó mật thiết trong tình yêu vợ chồng mới vững bền theo thời gian, và cả hai cùng tránh được sự phạm tà dâm.

“Nhưng {để tránh} sự tà dâm thì mỗi người đàn ông hãy có vợ cho mình và mỗi người đàn bà hãy có chồng cho mình! Chồng hãy làm hết bổn phận về tính dục đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.” (I Cô-rinh-tô 7:2-3).

Su-la-mít nhận thức rằng, sự khao khát của Sa-lô-môn hướng về nàng. Đây là sự khao khát có được một người giống như mình để làm bạn với mình, để giúp mình làm việc, để khỏa lấp sự trống vắng tình cảm ngay từ buổi đầu sáng thế của người đàn ông (Sáng Thế Ký 2:20). Đây cũng là sự khao khát được thỏa mãn nhu cầu tình dục, là điều Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi người đàn ông, để họ tự nhiên được thôi thúc làm công việc lưu truyền dòng giống.

Sự khao khát của một người đàn ông dù là khao khát về tình bạn hay tình dục, chỉ có thể hướng về vợ của mình. Nếu hướng về bất cứ một ai khác thì sẽ trở thành có lỗi với vợ và phạm tội nghịch lại Thiên Chúa. Vì đó là ngoại tình. Tội ngoại tình không chỉ giới hạn trong sự quan hệ tình dục mà bao gồm cả sự khao khát tình bạn hướng về một người không phải là vợ hay chồng của mình. Trước khi chúng ta kết hôn, chúng ta có thể có người bạn thân thiết nhất, gọi là tri âm, tri kỷ (biết tiếng lòng của mình, biết con người của mình), như tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than (I Sa-mu-ên 18:1-4). Nhưng sau khi chúng ta kết hôn thì người chồng hoặc người vợ của chúng ta cũng phải là người bạn thân thiết nhất của chúng ta. Vì vợ chồng đã nên một.

Thiên Chúa ghen khi chúng ta hướng lòng về bất cứ ai hay bất cứ sự gì hơn Thiên Chúa; và Ngài gọi đó là sự ngoại tình thuộc linh. Cũng vậy, vợ hoặc chồng của chúng ta sẽ ghen khi chúng ta hướng lòng về bất cứ ai hay bất cứ sự gì hơn là vợ hoặc chồng của chúng ta. Dĩ nhiên, cả vợ lẫn chồng đều đặt Thiên Chúa làm trên hết trong đời sống của mình. Không ai ghen với chồng hoặc vợ của mình khi chồng hoặc vợ của mình đặt Thiên Chúa làm trên hết trong đời sống, và luôn hướng lòng về Thiên Chúa.

Câu (1) có thể được diễn ý như sau: Lời công bố của Su-la-mít: Tôi thuộc về người yêu của tôi. Tôi chỉ thuộc về chàng mà thôi. Sự khao khát của chàng hướng về tôi, vì tôi là người bạn đời và cũng là người bạn tình duy nhất của chàng.

Bài học thuộc linh: Như vợ chồng nên một với nhau, Hội Thánh cũng nên một với Đấng Christ. Thực tế, Thánh Kinh gọi Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ.

“Hội ấy là thân thể của Đấng ấy. Sự đầy dẫy của Đấng ấy đổ đầy mọi sự trong mọi loài.” (Ê-phê-sô 1:23).

“Nay, tôi vui mừng trong sự thương khó của tôi thay cho các anh chị em. Tôi lại vì thân thể của Đấng Christ, là Hội Thánh, mà đổ đầy trong xác thịt của tôi những gì còn lại trong sự bị bách hại của Ngài.” (Cô-lô-se 1:24).

Qua nếp sống hiệp một của vợ chồng mà phần nào chúng ta cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng trong sự Hội Thánh được nên một với Đấng Christ. Chúng ta cần nhận thức rằng, thân thể của mỗi chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa, chúng ta không còn quyền tự sử dụng thân thể của mình, mà phải để cho thân thể của mình được sử dụng theo thánh ý của Thiên Chúa:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh, {Đấng đang ngự} trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em đã có từ Thiên Chúa; và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, {ấy là} sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em. Đừng làm theo đời này, nhưng các anh chị em hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí các anh chị em, để các anh chị em chứng nghiệm điều gì là ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:1-2).

Đời sống của mỗi chúng ta phải là sống cho Chúa và chết cho Chúa:

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Tiếc thay, có rất nhiều người xưng nhận mình là con dân Chúa, xưng nhận mình thuộc về Hội Thánh của Chúa, nhưng họ chỉ sống cho chính họ, sống theo cảm xúc của họ, sống cho lòng kiêu ngạo và tự ái không đúng của họ, hoặc sống cho lòng tham muốn thế gian cùng những sự thuộc về thế gian.

Chúng ta hãy sống sao cho Đấng Christ thỏa sự khao khát của Ngài trong đời sống của mỗi một chúng ta. Vì chúng ta đã thuộc về Ngài.

(2) Hỡi người yêu của em! Hãy đến! Chúng ta sẽ đi ra ngoài đồng, qua đêm nơi hương thôn. Chúng ta sẽ dậy sớm, đi đến các vườn nho. Chúng ta hãy xem dây nho có nứt đọt, trái nho có trổ, thạch lựu có nở hoa chăng! Tại đó, em sẽ trao sự giao tình của em cho chàng. Những trái táo tình yêu tỏa mùi thơm. Và tại các lối vào của chúng ta {có} đủ loại những trái ngon, mới và cũ. Hỡi người yêu của em! Em đã để dành {những trái ấy} cho anh!

Su-la-mít mời gọi Sa-lô-môn cùng với nàng du ngoạn về miền quê, vượt qua những cánh đồng, ngủ qua đêm trong thôn xóm. Su-la-mít đưa ra một chương trình như sau:

Sáng sớm, Sa-lô-môn và Su-la-mít sẽ cùng nhau thức dậy, rời khỏi cung điện, dạo bước trên những cánh đồng, đến thăm các vườn nho. Tại một trong các vườn nho, họ sẽ giao tình với nhau trong cảnh thiên nhiên của mùa xuân, trên thảm cỏ xanh, giữa không khí thơm ngát mùi những trái táo tình yêu. Su-la-mít đã sai các đầy tớ chuẩn bị những loại trái cây thơm ngon, bao gồm trái tươi lẫn trái khô, đặt sẵn nơi các cổng vườn, để Sa-lô-môn thưởng thức.

Câu: “Hỡi người yêu của em! Hãy đến! Chúng ta sẽ đi ra ngoài đồng, qua đêm nơi hương thôn.” là chương trình tổng quát của cuộc du ngoạn.

“Hỡi người yêu của em”: Hỡi người đàn ông mà em yêu và yêu em.

“Hãy đến”: Hãy cùng em! Chúng ta hãy cùng nhau!

“Đi ra ngoài đồng”: Dạo bước bên nhau trên những cánh đồng, xanh ngát cỏ non.

“Qua đêm nơi hương thôn”: Ngủ lại trong một thôn làng ở chốn đồng quê.

Câu “Chúng ta sẽ dậy sớm, đi đến các vườn nho. Chúng ta hãy xem dây nho có nứt đọt, trái nho có trổ, thạch lựu có nở hoa chăng! Tại đó, em sẽ trao sự giao tình của em cho chàng. Những trái táo tình yêu tỏa mùi thơm. Và tại các lối vào của chúng ta {có} đủ loại những trái ngon, mới và cũ. Hỡi người yêu của em! Em đã để dành {những trái ấy} cho anh!” là chương trình chi tiết của cuộc du ngoạn.

“Chúng ta sẽ dậy sớm”: Dậy sớm trong cung điện.

“Đi đến các vườn nho”: Các vườn nho của Sa-lô-môn ở chốn thôn quê, là các vườn nho mà Su-la-mít đã từng phụ giúp các anh của nàng trong việc chăm sóc, và có lẽ cũng là nơi mà Sa-lô-môn gặp Su-la-mít lần đầu tiên. Trên đường đi, họ cùng nhau đi qua những đồng cỏ xanh tươi của mùa xuân.

“Chúng ta hãy xem dây nho có nứt đọt, trái nho có trổ, thạch lựu có nở hoa chăng”: Sa-lô-môn và Su-la-mít quen nhau, yêu nhau trong một mùa xuân, với bối cảnh là một vườn nho đang nứt những đọt lá mới, trái nho đang trổ, và những cây thạch lựu đang ra hoa (6:11-12). Mùa xuân kế tiếp, họ cùng viếng thăm các vườn nho trước ngày hôn lễ (2:7-17). Giờ đây, có lẽ là mùa xuân thứ ba trong cuộc tình của họ, họ lại cùng nhau viếng thăm các vườn nho. Tình yêu của họ vẫn tươi mới như mùa xuân.

“Tại đó, em sẽ trao sự giao tình của em cho chàng”: Có lẽ tại nơi vườn nho mà Sa-lô-môn và Su-la-mít đã gặp nhau lần đầu. Họ sẽ yêu nhau trên thảm cỏ xanh non và êm, giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vườn nho.

“Những trái táo tình yêu tỏa mùi thơm”: Danh từ “những trái táo tình yêu” (mandrakes) trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “duwday”, [đu-đai/, (H1736), có nghĩa: Trái táo của tình yêu. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “trái phong già”. Những trái táo tình yêu là trái của một loại dược thảo có củ mang hình dạng thân người, như củ nhân sâm, mọc hoang trên khắp đồng cỏ xứ Ca-na-an. Lá cây lớn, rộng, có màu xanh thẫm, hoa màu tím, trái màu vàng cam, và trái có mùi thơm ngát. Có loại ra hoa và kết trái vào mùa xuân (mandragora vernalis). Có loại ra hoa và kết trái vào mùa thu (mandragora autumnalis). Từ thuở xa xưa, lá, trái, và củ của cây táo tình yêu đã được dùng trong y học, làm thuốc an thần, giảm đau, và gây mê. Trái và củ được cho là có tính kích dục và tăng cường khả năng sinh sản.


Hình minh họa: Lá và hoa của cây táo tình yêu


Hình minh họa: Trái của cây táo tình yêu


Hình minh họa: Củ của cây táo tình yêu

Trong Thánh Kinh, trái táo tình yêu được nói đến lần đầu trong Sáng Thế Ký 30:14-17, trong câu chuyện Ra-chên nhường chồng cho Lê-a để đổi lấy những trái táo tình yêu. Có lẽ, Ra-chên, một người hiếm muộn, tin theo truyền thuyết về dược tính tăng cường khả năng sinh sản của trái táo tình yêu, nên muốn dùng nó như một liệu pháp chữa trị chứng hiếm muộn. Tuy nhiên, Sáng Thế Ký 30:22-23 nói rõ, Ra-chên có thai là vì Thiên Chúa nhớ đến nàng, nghe lời cầu xin của nàng, và mở tử cung của nàng.

Lần thứ nhì và cũng là lần sau cùng, trái táo tình yêu được nói đến trong Thánh Kinh là Nhã Ca 7:13 mà chúng ta đang học.


Hình minh họa: Trái chín của cây táo tình yêu

Rất có thể, câu hát của Su-la-mít hàm ý, mùi thơm từ những trái táo tình yêu sẽ khiến cho sự giao tình giữa Sa-lô-môn và nàng càng thêm phần hưng phấn.

“Và tại các lối vào của chúng ta”: Các lối vào của các vườn nho. Giờ đây, các vườn nho của Sa-lô-môn cũng là các vườn nho của Su-la-mít.

“Có đủ loại những trái ngon, mới và cũ”: Những loại trái cây thơm, ngon đã được chuẩn bị, từ những trái cũ (trái phơi khô) cho đến những trái mới.

“Hỡi người yêu của em! Em đã để dành {những trái ấy} cho anh”: Su-la-mít đã sai các đầy tớ chuẩn bị các loại trái cây mà nàng biết Sa-lô-môn ưa thích.

Có một ý chính trong câu hát của Su-la-mít mà chúng ta cần chú ý. Đó là Su-la-mít nói rằng, nàng sẽ “trao sự giao tình” của nàng cho Sa-lô-môn (7:12). Đây là câu nói cho thấy Su-la-mít chủ động trong việc giao tình với chồng. Quan niệm sai lầm của người Á-Đông là phụ nữ không nên chủ động trong việc giao tình, mà chỉ nên đóng vai thụ động. Tuy nhiên, tình yêu vợ chồng là hai chiều thì sự giao tình giữa vợ chồng cũng là hai chiều. Có khi chồng chủ động trong sự giao tình và có khi vợ chủ động trong sự giao tình. Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 7:5 dạy rằng, “các anh chị em chớ từ chối nhau”, đã hàm ý, có những lúc chồng tỏ ý muốn giao tình với vợ, và ngược lại, có những lúc vợ tỏ ý muốn giao tình với chồng.

Không có gì sai khi vợ chủ động trong việc giao tình, tỏ ý muốn được giao tình với chồng. Không có gì sai khi vợ ôm ấp chồng, hôn và vuốt ve thân thể của chồng, để khêu gợi hứng thú tình dục. Sự chủ động của người vợ trong việc giao tình khiến cho người chồng cảm nhận được vợ yêu mình và muốn hiệp một với mình. Sự chủ động của người vợ cùng với sự đáp ứng tích cực của người vợ trong sự giao tình khiến cho cả vợ lẫn chồng đều đạt tới sự khoái cảm cao nhất.

Ngoài ra, câu: “có đủ loại những trái ngon, mới và cũ”, còn hàm ý về những động tác giao tình mới và cũ. Chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết ý nghĩa của câu này trong bài học cuối cùng về sách Nhã Ca.

Đời sống vợ chồng cần có những khoảng thời gian thư giãn bên nhau. Một cuộc du ngoạn, một chuyến đi ra ngoài ngắm nhìn thiên nhiên với nhau, gác lại những bận rộn trong đời sống, sẽ giữ cho tình yêu luôn tươi mới. Ngay cả những đôi vợ chồng có con cũng cần thu xếp thời gian và công việc, để có thể thường xuyên có ít nhất một ngày một đêm bên nhau, không vướng bận con cái. Nhiều người thương con, không muốn bỏ con qua đêm, nhưng chính sự vợ chồng có những lúc riêng tư với nhau, không vướng bận con cái là điều đem lại ích lợi cho con cái. Vì những lúc như vậy tình yêu và tình dục làm tươi mới lại năng lực của cả vợ lẫn chồng, để họ làm việc có kết quả hơn và chăm sóc con cái tốt hơn.

Câu (2) có thể được diễn ý như sau: Lời Su-la-mít mời gọi Sa-lô-môn: Hỡi người yêu dấu của em! Xin anh hãy đến với em! Chúng ta sẽ đi ra ngoại thành, băng qua những cánh đồng, và qua đêm nơi hương thôn. Chúng ta sẽ dậy sớm, đi đến các vườn nho của chúng ta. Chúng ta hãy xem dây nho có nứt đọt, trái nho có trổ, thạch lựu có nở hoa chăng! Rồi, tại đó, em và anh sẽ giao tình với nhau trên thảm cỏ xanh của mùa xuân, giữa làn không khí thơm ngát mùi của những trái táo tình yêu. Và tại các cổng của chúng ta, em đã có sẵn đủ loại những trái ngon cho anh; những trái cũ và những trái mới. Hỡi người yêu dấu của em! Em đã tự tay mình chọn lọc, để dành những trái ấy cho anh!

Bài học thuộc linh: Con dân Chúa cần có những lúc riêng tư một mình với Chúa trong sự tương giao, trò chuyện với Ngài. Con dân Chúa cần tích cực đến với Chúa cách mật thiết. Con dân Chúa cần biết Chúa muốn gì nơi mình và sẵn sàng làm những điều đẹp lòng Chúa. Đời sống của con dân Chúa luôn phát triển những kết quả mới, luôn tỏa ngát hương thơm của lòng kính yêu, vâng phục Thiên Chúa, và luôn có những điều lành cũ (đã làm qua) và những điều lành mới (mới làm lần đầu) dâng lên Chúa.

(3) [Su-la-mít:] Nếu anh là anh của em, người đã bú vú của mẹ em, thì khi em gặp anh ở ngoài, em sẽ hôn anh, mà em không bị khinh dể. Em sẽ dẫn anh, đưa vào nhà của mẹ em, {bà} sẽ dạy em, hãy cho anh uống rượu thơm, từ nước ngọt trái thạch lựu của em. Tay trái anh sẽ {kê} dưới đầu em, còn tay phải anh ôm lấy em.

Theo phong tục của các dân tộc vùng Trung Đông, anh em ruột có thể hôn nhau nơi công cộng, nhưng vợ chồng thì không được hôn nhau nơi công cộng. Vì nụ hôn của vợ chồng mang tính cách thể hiện tình dục; mà sự thể hiện tình dục phải ở trong nơi riêng tư. Su-la-mít yêu Sa-lô-môn cách tha thiết và muốn hôn chồng ngay cả khi hai người ở những nơi công cộng; nhưng vì phong tục nên nàng phải ép lòng không hành động như vậy.

Su-la-mít nói trước với Sa-lô-môn về buổi thăm viếng nhà của mẹ nàng, mà hai người sẽ qua đêm tại đó. Su-la-mít biết rằng, mẹ nàng sẽ dạy (nhắc lại) cho nàng một cách thức giao tình với chồng. Rồi, sau đó, Sa-lô-môn và nàng sẽ giao tình với nhau. Chúng ta sẽ trở lại với ý nghĩa của câu: “hãy cho anh uống rượu thơm, từ nước ngọt trái thạch lựu của em” trong bài học cuối cùng về sách Nhã Ca.

Câu (3) có thể được diễn ý như sau: Nếu anh là anh ruột của em, người đã bú vú cùng một mẹ với em, thì khi đi đường, em sẽ tự do hôn anh, mà không sợ bị mọi người khinh dể. Buổi chiều, em sẽ đưa anh vào nhà của mẹ em. Mẹ sẽ nhắc em rằng, hãy cho anh uống chất rượu thơm của tình yêu, là nước ngọt ra từ trái thạch lựu của em. Rồi, tay trái anh sẽ kê dưới đầu em, còn tay phải anh sẽ ôm lấy em, vuốt ve em.

(4) Hỡi những con gái của Giê-ru-sa-lem! Ta nài xin các ngươi, chớ kinh động, chớ làm tỉnh thức tình yêu, cho đến khi nó sẵn lòng.

Đây là lần thứ ba, Su-la-mít đưa ra lời khuyên này. Lần thứ nhất (2:7) là khi nàng đang ở trong thời kỳ hứa hôn với Sa-lô-môn, và có lẽ nàng đáp trả những lời xúi giục từ các hoàng hậu và phi tần, bảo nàng hãy giao tình với Sa-lô-môn. Theo phong tục của dân I-sơ-ra-ên, vợ chồng hứa không được quan hệ tình dục với nhau. Sự quan hệ tình dục chỉ có thể xảy ra sau hôn lễ.

Lần thứ nhì (3:5) là sau khi nàng thuật lại một giấc mơ trước ngày cưới của nàng cho các hoàng hậu và phi tần nghe. Trong giấc mơ, nàng thấy mất chồng và phải đi tìm chồng. Có lẽ, các hoàng hậu và phi tần lại xúi giục nàng giao tình với Sa-lô-môn, dùng đó làm sợi dây trói buộc Sa-lô-môn.

Thật ra, mục đích của các hoàng hậu và phi tần là xúi giục Su-la-mít phạm tà dâm, để rồi họ có cớ nói xấu nàng, vì họ ganh tỵ với nàng.

Lần thứ ba có thể là sau khi Su-la-mít mời gọi Sa-lô-môn cùng nàng đi ngoạn cảnh và ghé lại qua đêm ở nhà của mẹ nàng, thì nàng quay sang nói với các hoàng hậu và phi tần. Lần này thì câu nói của Su-la-mít hàm ý: Các chị em có thấy không? Khi đến đúng thời điểm thì tình yêu sẽ dẫn đến sự giao tình tuyệt vời trong đời sống vợ chồng. Mọi sự đều có kỳ hạn của nó.

Câu (4) có thể được diễn ý như sau: Lời của Su-la-mít nói với các hoàng hậu và phi tần: Các chị em hãy xem trọng tình yêu. Mọi sự đều có kỳ hạn của nó. Khi đến đúng thời điểm thì tình yêu sẽ dẫn đến sự giao tình tuyệt vời trong đời sống vợ chồng.

Tới đây, chúng ta đã kết thúc sự tìm hiểu về ý nghĩa của Nhã Ca 7:10-8:4. Chúng tôi xin tổng hợp những lời chúng tôi diễn ý về Nhã Ca 7:10-8:4, như sau:

Tôi thuộc về người yêu của tôi. Tôi chỉ thuộc về chàng mà thôi. Sự khao khát của chàng hướng về tôi, vì tôi là người bạn đời và cũng là người bạn tình duy nhất của chàng.

Hỡi người yêu dấu của em! Xin anh hãy đến với em! Chúng ta sẽ đi ra ngoại thành, băng qua những cánh đồng, và qua đêm nơi hương thôn. Chúng ta sẽ dậy sớm, đi đến các vườn nho của chúng ta. Chúng ta hãy xem dây nho có nứt đọt, trái nho có trổ, thạch lựu có nở hoa chăng! Rồi, tại đó, em và anh sẽ giao tình với nhau trên thảm cỏ xanh của mùa xuân, giữa làn không khí thơm ngát mùi của những trái táo tình yêu. Và tại các cổng của chúng ta, em đã sai người chuẩn bị đủ loại những trái ngon cho anh; những trái tươi và những trái khô. Hỡi người yêu dấu của em! Em đã tự tay mình chọn lọc, để dành những trái ấy cho anh!

Nếu anh là anh ruột của em, người đã bú vú cùng một mẹ với em, thì khi đi đường, em sẽ tự do hôn anh, mà không sợ bị mọi người khinh dể. Buổi chiều, em sẽ đưa anh vào nhà của mẹ em. Mẹ sẽ nhắc em rằng, hãy cho anh uống chất rượu thơm của tình yêu, là nước ngọt ra từ trái thạch lựu của em. Rồi, tay trái anh sẽ kê dưới đầu em, còn tay phải anh sẽ ôm lấy em, vuốt ve em.

Các chị em hãy xem trọng tình yêu. Mọi sự đều có kỳ hạn của nó. Khi đến đúng thời điểm thì tình yêu sẽ dẫn đến sự giao tình tuyệt vời trong đời sống vợ chồng.

Nguyện Đức Thánh Linh soi dẫn cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa thiêng liêng về sự nên một của vợ chồng, qua đó, chúng ta phần nào hiểu được ý nghĩa thiêng liêng về sự Hội Thánh được nên một với Đấng Christ. Và chúng ta biết vui hưởng tình yêu mà Đấng Christ dành cho Hội Thánh. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/11/2018

Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

A. Karaoke Thánh Ca: “Chúa Hằng Chăn Dắt Ta”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/chua-hang-chan-dat-ta/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.