Chú Giải Phi-lê-môn 08-25 Anh Chị Em Trong Đấng Christ

4,704 views

905702 Chú Giải Phi-lê-môn 8-25
Anh Chị Em Trong Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzQxNzE5MV9TQkVBbQ
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/9057_chu-giai-thu-phi-le-mon

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzQxNzE5NV92S1lCSQ

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phi-lê-môn 8-25

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,

9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.

10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.

12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.

14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;

16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

17 Vậy, nếu anh xem tôi là người đồng công, thì hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy.

18 Nếu như người có lỗi đối với anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì hãy cứ kể cho tôi.

19 Tôi, Phao-lô, chính tay tôi viết điều này: Tôi sẽ trả cho anh! Mà tôi không nói với anh về sự chính mình anh mắc nợ tôi.

20 Phải, hỡi người anh em cùng Cha! Xin cho tôi có được sự vui vẻ này bởi anh, trong Chúa! Xin hãy làm cho tôi được thỏa lòng trong Chúa.

21 Vững tin nơi sự hay vâng lời của anh, tôi viết cho anh, biết rằng anh sẽ làm quá điều tôi nói.

22 Nhân tiện, xin cũng hãy chuẩn bị một nhà trọ cho tôi; vì tôi tin rằng, qua lời cầu nguyện của các anh chị em mà tôi sẽ được ban cho các anh chị em.

23 Ê-pháp-ra, là bạn cùng bị tù trong Đấng Christ Jesus với tôi, có lời thăm anh;

24 Mác, A-ri-tạc, Đê-ma, và Lu-ca là những bạn đồng công với tôi cũng vậy.

25 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần các anh chị em! A-men!

Lời Nài Xin Giùm Ô-nê-sim

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,

Phao-lô khẳng định, trong Đấng Christ ông có quyền truyền dạy Phi-lê-môn việc nên làm. Điều đó có nghĩa là, Chúa ban cho Phao-lô thẩm quyền để ra lệnh cho con dân Chúa phải làm những việc nên làm. Những việc nên làm được nói đến ở đây là bất cứ việc gì không nghịch lại Thánh Kinh, tức là những việc làm tôn cao tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa, đồng thời là việc nằm trong quyền hạn, khả năng của người được yêu cầu làm việc ấy. Thẩm quyền đó là thẩm quyền của người chăn bầy.

Ngày nay, trong các giáo hội, những người xưng mình là người chăn bầy của Chúa thì lạm quyền, buộc con dân Chúa phải cung phụng mình, tôn vinh mình, xưng tụng mình bằng các danh xưng trịch thượng; và ra lệnh cho con dân Chúa làm những điều nghịch lại Thánh Kinh. Còn trong Hội Thánh thật của Chúa thì lại có những kẻ không muốn vâng lời người chăn, vì cho rằng mình hiểu Thánh Kinh hơn người chăn, hoặc cho rằng mình có quyền tự do làm hay không làm những điều nên làm, mà người chăn nhân danh Chúa kêu gọi mình làm.

9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.

Tuy nhiên, Phao-lô đã không sử dụng quyền Chúa ban để ra lệnh cho Phi-lê-môn, mà ông chỉ kêu gọi lòng thương xót của Phi-lê-môn. Phao-lô nhắc đến thân phận bị tù vì danh Chúa của ông, và nói đến tuổi già của ông. Phao-lô hàm ý, ông đang chịu sự khó nhọc vì danh Chúa, và thân thể xác thịt của ông cũng đã mòn mỏi. Trong hoàn cảnh đó, ông muốn có niềm vui và niềm an ủi khi được Phi-lê-môn vì yêu ông mà đáp ứng lời nài xin phải lẽ của ông.

10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

Phao-lô gọi Ô-nê-sim là đứa con được ông sinh ra trong vòng xiềng xích. Lời nói của ông có nghĩa là, trong khi ông đang chịu tù vì danh Chúa, thì ông đã giảng Tin Lành cho Ô-nê-sim và Ô-nê-sim đã tin nhận Tin Lành. Câu này và câu Phao-lô viết cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô cần được chúng ta xem xét để thấy rằng, Phao-lô không vi phạm điều Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 23:8-9. Trong I Cô-rinh-tô 4:15 ông viết:

“Bởi vì, dù cho các anh chị em có hàng vạn người giám hộ trong Đấng Christ nhưng chẳng có nhiều cha. Vì trong Đấng Christ Jesus, tôi đã bởi Tin Lành mà sinh ra các anh chị em.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “thầy giáo” thay vì “người giám hộ”. Nhưng vai trò của người giám hộ khác với vai trò của thầy giáo.

Trước hết, người giám hộ trong Đấng Christ là người được Chúa ban cho chức vụ chăn dắt và giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa, như đã được nói trong Ê-phê-sô 4:11. Từ ngữ được dịch sang tiếng Việt là người giám hộ, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “paidagōgos”, G3807, phiên âm là /bai-đá-gô-gót/, có nghĩa là: người canh giữ và dạy dỗ một thiếu niên về kiến thức và đạo đức. Người giám hộ có bổn phận bảo vệ, dạy dỗ, có thẩm quyền kỷ luật thiếu niên được giao phó cho mình, và có toàn quyền đại diện cho thiếu niên trước pháp luật. Trong thực tế, thiếu niên không được ra khỏi nhà nếu không có người giám hộ đi theo. Người giám hộ trong Đấng Christ chính là người chăn dắt bầy chiên của Chúa và con dân Chúa có bổn phận vâng lời người ấy:

“Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em. (Hê-bơ-rơ 13:17).

Còn từ ngữ được dịch là “thầy” trong Ma-thi-ơ 23:8, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “rhabbi”, G4461, phiên âm là /ra-bi/, có nghĩa là: Đấng Vĩ Đại, đáng tôn đáng kính của tôi! Một danh xưng tôn trọng như vậy chỉ đáng để gọi Thiên Chúa.

Kế tiếp, sự kiện Phao-lô giảng Tin Lành, có người tin nhận Tin Lành và được tái sinh thành người mới trong Đấng Christ, được ông nói là ông đã dùng Tin Lành mà sinh họ ra trong Đấng Christ. Điều ấy không biến ông thành “cha thuộc linh” của tất cả con dân Chúa như cách thức tự xưng của giáo hoàng và các linh mục Công Giáo. Nhưng ông thật là cha thuộc linh của bất cứ ai nhờ tin nhận lời giảng của ông mà được tái sinh. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng hình ảnh một hạt giống có thể sinh ra 30, 60, 100 hạt khác để nói đến sự phát triển của Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên vai trò cha thuộc linh của Phao-lô đối với những người tin nhận Tin Lành do ông rao giảng khác với vai trò cha thuộc linh của Thiên Chúa trong sự chính Thiên Chúa tái sinh người tin nhận Tin Lành.

Đức Chúa Trời là Cha thuộc linh của tất cả con dân Chúa vì họ được tái sinh bởi thánh ý của Ngài. Mỗi con dân Chúa đều được sinh ra bởi ý muốn của Đức Chúa Trời nên được gọi là con của Đức Chúa Trời và gọi Đức Chúa Trời là “Cha!” Nhưng mỗi con dân Chúa cũng có một người cha hoặc mẹ thuộc linh trong xác thịt, là người rao giảng Tin Lành cho họ, khiến họ tin nhận Tin Lành mà được Đức Chúa Trời tái sinh.

Ô-nê-sim có thể gọi Phao-lô là cha để tỏ lòng biết ơn Phao-lô đã giảng Tin Lành cho Ô-nê-sim. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có thể gọi Phao-lô là cha vì mỗi người trong Hội Thánh tại đó, vào thời điểm đó, đã tin nhận Tin Lành qua lời giảng của Phao-lô. Nhưng Hội Thánh chung không thể gọi Phao-lô là cha như vậy.

Chúng ta không có một chi tiết nào khác trong Thánh Kinh, để biết vì sao Ô-nê-sim bỏ trốn. Nhờ đâu mà Ô-nê-sim gặp được Phao-lô và nghe Phao-lô giảng Tin Lành đang khi Phao-lô bị tù. Điều lạ lùng là Ô-nê-sim có thể tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của một người tù, và bằng lòng quay lại với người chủ mà anh ta đã có lỗi với. Theo luật La-mã thời bấy giờ, hình phạt dành cho những nô lệ bỏ chủ trốn đi là tử hình. Chúng ta cũng không biết vì lý do gì mà Ô-nê-sim bỏ trốn. Chắc chắn Phi-lê-môn không phải là một người chủ khắc nghiệt, vì ông là một con dân Chúa được tiếng tốt về tình yêu thương. Nô lệ thời bấy giờ thường là tù binh bị quân đội La-mã bắt về trong các cuộc chinh phục. Nhiều nô lệ vốn thuộc con nhà quý tộc, có ăn học, có tài năng trong quê hương của họ. Vì thế, phần lớn những nô lệ xuất thân từ quý tộc thì không thể cam chịu sống đời nô lệ, nên họ sẵn sàng bỏ trốn khi có cơ hội.

Lời Phao-lô nài xin Phi-lê-môn (trong khi ông có quyền ra lệnh cho Phi-lê-môn) là lời nài xin thay cho Ô-nê-sim.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.

12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Có một điều thú vị, đó là tên Ô-nê-sim có nghĩa là “có ích lợi!” Phao-lô viết rằng, ông nài xin cho một người mang tên là “có ích lợi” nhưng trước kia không có ích lợi gì cho Phi-lê-môn mà bây giờ thì có ích lợi cho cả Phi-lê-môn lẫn Phao-lô.

Trước kia, Ô-nê-sim không có ích lợi gì cho Phi-lê-môn, bởi vì, lòng của Ô-nê-sim không cam chịu làm nô lệ cho Phi-lê-môn. Thực tế, Ô-nê-sim đã gây thiệt hại cho Phi-lê-môn. Khi Ô-nê-sim bỏ trốn thì Phi-lê-môn đã mất đi số tiền bỏ ra để mua Ô-nê-sim. Đó là chưa kể đến sự kiện, rất có thể trong khi bỏ trốn, Ô-nê-sim đã đánh cắp một số tài vật của Phi-lê-môn. Giờ đây, Ô-nê-sim là một người được Đức Chúa Trời tái sinh, thì có ích lợi cho Phi-lê-môn về nhiều phương diện. Chẳng những Ô-nê-sim có ích trong những công việc phục vụ cho gia đình của Phi-lê-môn, mà còn có ích trong công việc gây dựng Hội Thánh tại địa phương. Người thực sự được Đức Chúa Trời tái sinh là người “làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người” (Cô-lô-se 3:23).

Sự kiện Ô-nê-sim trở thành một Cơ-đốc nhân là một điều ích lợi cho Phao-lô, vì đó là bằng chứng sống động về năng lực biến đổi của Tin Lành, là phần thưởng thuộc thể lẫn thuộc linh cho Phao-lô. Trong thuộc thể, Phao-lô có niềm vui nhìn thấy bông trái của sự rao giảng Tin Lành của mình đem lại sự thay đổi cuộc đời của Ô-nê-sim và đem lại ích lợi cho Phi-lê-môn. Trong thuộc linh ông thỏa lòng biết rằng công khó của ông trong Chúa chẳng phải là vô ích. Sự rao giảng Tin Lành của ông đã cứu được Ô-nê-sim ra khỏi sự chết đời đời.

Con người Ô-nê-sim mới đó, là người mà Phao-lô gửi lại cho Phi-lê-môn, và nài xin Phi-lê-môn hãy tiếp nhận như tiếp nhận chính Phao-lô.

Câu “Người như lòng dạ tôi vậy” là một thành ngữ, có nghĩa là: xin hãy đối xử với người ấy như là với chính tôi! Nhưng ý nghĩa sâu xa là: tất cả những gì tốt lành của tôi, xin hãy kể cho người ấy, và tất cả những gì xấu xa của người ấy, xin hãy kể cho tôi!

Có bao giờ chúng ta tìm gặp một người đối xử với chúng ta như vậy trong Hội Thánh? Và, có bao giờ chúng ta đối xử với các anh chị em khác trong Hội Thánh như vậy?

Phao-lô không xem mình là cao trọng hơn Ô-nê-sim hoặc xem mình là người ra ơn cho Ô-nê-sim. Ông tự đặt mình ngang hàng với Ô-nê-sim và gọi Ô-nê-sim là một anh em yêu dấu trong Chúa. Ông đã thể hiện chính điều mà Đức Thánh Linh đã dùng ông để dạy cho Hội Thánh:

“Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3).

Ngày nay, chúng ta tìm thấy có bao nhiêu người ở trong chức vụ chăn bầy và giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh biết “khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình?” Trái lại, có nhiều người buộc con dân Chúa phải tôn xưng họ là “reverend” (đáng tôn, đáng kính), là mục sư (thầy chăn), là “cha”, và thậm chí là “đức thánh cha”. Tuy nhiên, xin đừng lầm lẫn khiêm nhường với sự hèn nhát không dám “nói, khuyên, và quở trách với tất cả thẩm quyền” những kẻ có lỗi trong Hội Thánh (Tít 2:15); không dám dùng Lời Chúa để “quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.

14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Trong hoàn cảnh của Phao-lô, ông cũng muốn giữ Ô-nê-sim lại bên mình để giúp việc cho ông. Và sự kiện ông giữ Ô-nê-sim lại để Ô-nê-sim thay cho Phi-lê-môn mà giúp đỡ cho ông đang khi ông bị tù vì rao giảng Tin Lành là điều hợp lý. Vì việc đó nằm trong khả năng của Phi-lê-môn và vì tình yêu cùng với lòng biết ơn của Phi-lê-môn dành cho Phao-lô. Chúng ta nên nhớ, Phi-lê-môn cũng là người tin nhận Tin Lành qua lời giảng của Phao-lô. Và như vậy, Phi-lê-môn cũng là một đứa con thuộc linh của Phao-lô. Không bao giờ Phao-lô hay bất cứ một người chăn ngay lành nào có ý đòi hỏi con dân Chúa phải làm ra bất cứ một điều gì, để đáp lại cái ơn đưa dẫn họ đến với sự cứu rỗi và nuôi dưỡng họ lớn lên trong đức tin. Nói theo cách nói của Phao-lô là họ thà chết còn hơn làm như vậy. Nhưng người được nghe giảng Tin Lành và người được giảng dạy Lời Chúa chắc chắn có bổn phận với những ai đã đưa mình đến với sự cứu rỗi và lẽ thật của Lời Chúa. Phao-lô từng viết cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

I Cô-rinh-tô 9:11-15

11 Nếu chúng tôi đã gieo những sự thuộc linh cho các anh chị em thì có phải là một việc lớn nếu chúng tôi sẽ gặt từ các anh chị em những sự thuộc thể?

12 Nếu những người khác dự phần trong sự có quyền ấy trên các anh chị em thì chúng tôi chẳng xứng đáng hơn sao? Dù vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự kẻo chúng tôi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ.

13 Các anh chị em chẳng biết rằng, những ai làm việc thánh thì ăn những của dâng trong Đền Thờ; còn những ai hầu việc nơi bàn thờ thì được chia phần nơi bàn thờ sao?

14 Cũng vậy, Chúa đã định rằng, những ai rao giảng Tin Lành thì sẽ sống bởi Tin Lành. [Ma-thi-ơ 10:10]

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.

Phao-lô biết mình có thể giữ Ô-nê-sim lại rồi thông báo cho Phi-lê-môn sau, và ông tin rằng Phi-lê-môn cũng sẽ chẳng phản đối việc ấy. Tuy nhiên, Phao-lô tỏ lòng tôn trọng Phi-lê-môn. Ông muốn có sự đồng ý của Phi-lê-môn trước. Chúng ta học được bài học này: Trong mỗi việc lành chúng ta làm ra trong danh Chúa, nếu có liên quan đến quyền quyết định của người khác, thì chúng ta phải tôn trọng và chờ đợi sự quyết định của người có quyền.

Chính Thiên Chúa đã cư xử với chúng ta như vậy. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng dựng nên chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Ngài có toàn quyền buộc chúng ta phải đầu phục Ngài, nhưng Ngài tôn trọng quyền tự do quyết định mà Ngài đã ban cho chúng ta. Mỗi người đến với Chúa, yêu kính Chúa, thờ phượng Chúa là do cam lòng, tình nguyện, và khao khát Chúa.

Trong Hội Thánh của Chúa đã từng xảy ra những đổ vỡ là vì con dân Chúa không biết tôn trọng quyền của nhau, không biết xem người khác là tôn trọng hơn mình. Trong đời sống gia đình chính vì vợ chồng không tôn trọng quyền quyết định của nhau, cha mẹ và con cái không tôn trọng quyền quyết định của nhau, mà biết bao thảm trạng đã xảy ra.

Một điều quan trọng nữa chúng ta cần ghi nhớ, là đừng bao giờ xem việc mình làm ơn cho người khác là lý do khiến cho họ phải làm theo ý muốn của mình. Hãy thẳng thắn với nhau, đối với nhau như đối với Chúa. Đừng lạm dụng thẩm quyền, tình cảm, hoàn cảnh, mưu kế để khiến người khác phải chiều theo ý mình. Chúng ta chỉ hãy trình bày vấn đề một cách chân thành rồi để cho người khác tự do lựa chọn. Hãy để cho Đức Thánh Linh tác động vào lòng họ, giúp họ hiểu và cảm động lòng họ, để họ vừa muốn vừa làm theo thánh ý của Chúa.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;

Đây là câu mà chúng tôi chọn làm câu gốc của thư Phi-lê-môn. Trong cuộc sống của chúng ta, những đau thương, đổ vỡ trong mọi quan hệ đều là do tội lỗi. Tội lỗi chẳng những khiến cho loài người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, mà tội lỗi còn khiến cho loài người bị phân rẽ lẫn nhau. Nhưng cảm tạ Chúa vì tình yêu rất lớn của Ngài mà Ngài đã ban cho loài người cơ hội được phục hòa với Ngài, bởi sự thật lòng ăn năn, từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Và khi đã phục hòa với Chúa, thì loài người lại được phục hòa với nhau.

Trước khi tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của Phi-lê-môn câu 15, chúng ta hãy dừng lại một chút để tìm hiểu về việc Chúa cho phép chế độ nô lệ.

Từ thuở ban đầu lịch sử của loài người, việc kẻ mạnh bắt kẻ yếu phải phục vụ cho mình, việc tù binh phải làm nô lệ cho những kẻ thắng trận đã xảy ra một cách tự nhiên vì lương tâm băng hoại bởi tội lỗi của loài người. Khi tội lỗi xâm nhập lòng người thì người chỉ biết sống sao cho thỏa mãn tất cả những ham muốn của mình mà bất chấp sự công chính và sự thánh khiết, không có lòng nhân từ, thương xót, đồng cảm.

Có nô lệ là vì có sự tranh chấp giữa các dân tộc, có sự nghèo giàu chênh lệch trong xã hội, là hậu quả của sự tội lỗi vào trong thế gian. Khi Chúa thành lập quốc gia I-sơ-ra-ên, Ngài ban hành luật nô lệ để bảo vệ quyền lợi của những tù binh mà dân I-sơ-ra-ên bắt được trong các cuộc chiến trên đường tiến về đất hứa hoặc là mua lại từ trong tay những kẻ khác. Tuy nhiên, Chúa không cho phép dân I-sơ-ra-ên làm nô lệ lẫn nhau (Lê-vi Ký 25).

Khi Ô-nê-sim quyết định bỏ trốn, thì anh ta làm theo ý riêng của mình, và đối với lương tâm của anh ta, thì anh ta có quyền làm như vậy. Đó là sự phản kháng tiêu cực của kẻ yếu đối với kẻ mạnh, của kẻ nghèo đối với kẻ giàu, khi nghĩ rằng mình bị đối xử bất công. Ô-nê-sim đã tìm cách bỏ đi càng xa càng tốt. Khoảng cách ngắn nhất từ Cô-lô-se đến La-mã vào khoảng 1.600 km. Vào thời buổi ấy, đó là một khoảng cách đáng kể, phải tốn nhiều thời gian và công sức hoặc tiền bạc để di chuyển xa như vậy.

Nhưng Chúa đã đưa dắt Ô-nê-sim đến với Phao-lô để được nghe giảng Tin Lành, để có được cơ hội thoát khỏi sự nô lệ thật. Trong hoàn cảnh của Ô-nê-sim, khi anh tiếp nhận Tin Lành, cùng một lúc anh được thoát khỏi sự nô lệ của tội lỗi lẫn sự nô lệ trong xác thịt. Vì, người chủ nô lệ phần xác thịt của anh là một Cơ-đốc nhân, mà Cơ-đốc nhân thì không thể xem Cơ-đốc nhân khác là nô lệ. Dù vậy, Ô-nê-sim cần phải quay về để phục hòa với Phi-lê-môn và đền trả những thiệt hại đã gây ra cho Phi-lê-môn. Trước hết là làm việc, kiếm tiền để bù lại cho Phi-lê-môn số tiền đã bỏ ra để mua anh ta về. Kế tiếp là bù lại những tài vật nào mà anh ta đã đánh cắp khi bỏ trốn.

Dĩ nhiên, Phi-lê-môn với lòng rộng lượng, có thể tha thứ và bỏ qua mọi sự, không buộc Ô-nê-sim phải bồi thường; nhưng Ô-nê-sim phải gánh trách nhiệm mà làm sự bồi thường. Vì thế, Phao-lô muốn Ô-nê-sim quay về phục vụ cho Phi-lê-môn, không chỉ để đền bù những thiệt hại Ô-nê-sim đã gây ra, mà còn là đồng công với Phi-lê-môn trong công việc rao giảng Tin Lành tại Cô-lô-se và gây dựng Hội Thánh địa phương. Sự bỏ trốn của Ô-nê-sim chỉ là tạm thời. Sự quay lại trở thành anh em trong Chúa với Phi-lê-môn là mãi mãi. Và điều đó có thể xảy ra là bởi tình yêu của Thiên Chúa.

16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Phao-lô xác định rằng, Ô-nê-sim không còn là một nô lệ mà là một anh em yêu dấu trong Chúa của Phao-lô và Phi-lê-môn. Ô-nê-sim là người tự do trong xác thịt lẫn trong Chúa. Nhờ trở thành người tự do trong Chúa mà Ô-nê-sim được trở thành người tự do trong xác thịt, vì Ô-nê-sim được làm anh em yêu dấu với người trước kia đã mua anh về làm nô lệ. Phao-lô yêu mến Ô-nê-sim nhưng Phi-lê-môn sẽ yêu mến Ô-nê-sim càng hơn, vì Ô-nê-sim sẽ trở thành người giúp việc đắc lực cho Phi-lê-môn trong thuộc thể lẫn thuộc linh.

17 Vậy, nếu anh xem tôi là người đồng công, thì hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy.

18 Nếu như người có lỗi đối với anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì hãy cứ kể cho tôi.

19 Tôi, Phao-lô, chính tay tôi viết điều này: Tôi sẽ trả cho anh! Mà tôi không nói với anh về sự chính mình anh mắc nợ tôi.

Phao-lô yêu cầu Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim trong tư cách là một người cùng hầu việc Chúa, như Phi-lê-môn tiếp nhận chính Phao-lô trong mục vụ. Phao-lô còn sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm đền bù cho Phi-lê-môn những thiệt hại Ô-nê-sim đã gây ra, và đứng ra xin lỗi Phi-lê-môn về những lỗi mà Ô-nê-sim đã phạm. Đây là điều quan trọng trong chức vụ giải hòa. Người trung gian phải đứng ra đền bù tất cả những thiệt hại do người có lỗi gây nên, nếu người có lỗi không có khả năng đền bù. Thêm vào đó, người trung gian phải đứng ra xin lỗi thay cho người có lỗi, vì người có lỗi không có tư cách xin lỗi, cho đến khi mối quan hệ được phục hồi. Chỉ khi mối quan hệ được phục hồi, người có lỗi mới có tư cách nói lời xin lỗi và nỗ lực đền bù những thiệt hại mình đã gây ra.

Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ngài xin lỗi Đức Chúa Trời thay cho chúng ta và Ngài chịu chết vì tội lỗi của chúng ta, để chúng ta được trở lại địa vị và quan hệ làm con của Đức Chúa Trời. Sau khi chúng ta được phục hòa với Đức Chúa Trời thì chúng ta nói lời xin lỗi và cảm tạ Đức Chúa Trời; hết lòng vâng phục Ngài.

Phao-lô cam kết ông sẽ trả nợ thay cho Ô-nê-sim mà không tìm cách trừ nợ Phi-lê-môn. Ông muốn Phi-lê-môn hiểu rằng: Việc Phi-lê-môn thiếu nợ ông và việc ông thay cho Ô-nê-sim trả nợ cho Phi-lê-môn hoàn toàn không liên quan đến nhau.

Chúng ta có thể hiểu món nợ của Phi-lê-môn đối với Phao-lô không phải là nợ tiền bạc, mà là món nợ thuộc linh, cao trọng hơn tất cả tiền bạc, của cải trong thế gian (Ma-thi-ơ 16:26; Mác 8:36). Đó là Phao-lô đã dùng Tin Lành mà sinh ra Phi-lê-môn trong Đấng Christ Jesus (I Cô-rinh-tô 4:15).

20 Phải, hỡi người anh em cùng Cha! Xin cho tôi có được sự vui vẻ này bởi anh, trong Chúa! Xin hãy làm cho tôi được thỏa lòng trong Chúa.

21 Vững tin nơi sự hay vâng lời của anh, tôi viết cho anh, biết rằng anh sẽ làm quá điều tôi nói.

Phao-lô tiếp tục nài xin, nhưng không nài xin thay cho Ô-nê-sim, mà nài xin cho chính Phao-lô. Ông mong rằng Phi-lê-môn sẽ đáp ứng yêu cầu của ông để ông được niềm vui trong Chúa. Niềm vui trong Chúa là niềm vui được làm theo ý Chúa và thấy anh chị em khác trong Hội Thánh cũng làm theo ý Chúa. Phi-lê-môn làm cho Phao-lô được thỏa lòng trong Chúa khi ông vâng lời Phao-lô mà làm việc nên làm. Phao-lô thỏa lòng không phải chỉ vì được Phi-lê-môn đáp ứng yêu cầu, mà vì Phi-lê-môn lựa chọn vâng phục ông trong mọi sự nên làm, cho dù có phải trả giá như thế nào.

Chúng ta biết thêm một đức tính nữa của Phi-lê-môn, đó là ông hay vâng lời bậc có thẩm quyền. Dù biết Phi-lê-môn hay vâng lời và tin rằng Phi-lê-môn sẽ làm quá điều ông yêu cầu, nhưng Phao-lô vẫn nài xin thay vì truyền lệnh. Bởi vì, Phao-lô tôn trọng quyền tự do quyết định của Phi-lê-môn.

Lời Nhờ Cậy và Chúc Phước

22 Nhân tiện, xin cũng hãy chuẩn bị một nhà trọ cho tôi; vì tôi tin rằng, qua lời cầu nguyện của các anh chị em mà tôi sẽ được ban cho các anh chị em.

Phao-lô có ý sẽ trở lại Cô-lô-se sau khi được tự do. Ông dùng chữ “tôi sẽ được ban cho các anh chị em”, để nói lên sự kiện Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của Hội Thánh tại Cô-lô-se, mà cho Phao-lô được tự do và đem ông đến với họ một lần nữa, để giảng dạy Lời Chúa cho họ. Hội Thánh của Chúa cần có những người chăn dắt và giảng dạy Lời Chúa do chính Chúa ban cho; không phải do các giáo hội phong chức và biệt phái. Hội Thánh địa phương nào chưa có người chăn, trước hết hãy ra khỏi các giáo hội, hoàn toàn trở về địa vị Hội Thánh của Chúa, và hết lòng cầu nguyện, thì sẽ được Chúa ban cho một người chăn ngay lành.

23 Ê-pháp-ra, là bạn cùng bị tù trong Đấng Christ Jesus với tôi, có lời thăm anh;

Theo Cô-lô-se 1:7 thì Ê-pháp-ra là một người đồng công với Phao-lô trong công tác rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa cho con dân tại Cô-lô-se. Theo Cô-lô-se 4:12 thì Ê-pháp-ra xuất thân từ Cô-lô-se. Chúng ta không có chi tiết nào khác hơn về sự Ê-pháp-ra bị tù chung với Phao-lô vì Đấng Christ.

24 Mác, A-ri-tạc, Đê-ma, và Lu-ca là những bạn đồng công với tôi cũng vậy.

Mác là cháu của Ba-na-ba, trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô, Mác tự ý bỏ cuộc, nên Phao-lô không cho Mác tham dự chuyến truyền giáo lần thứ nhì. Sự kiện đó khiến cho Ba-na-ba phân rẽ Phao-lô và dẫn Mác đi chung với Ba-na-ba. Câu chuyện này được chép lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15:35-41. Tuy nhiên, trong những năm cuối cùng của Phao-lô, ông đã tiếp nhận Mác trở lại.

A-ri-tạc là người thuộc thành Tê-sa-lô-ni-ca của xứ Ma-xê-đoan, cùng tham dự các chuyến truyền giáo của Phao-lô, như được nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:29 và 20:4. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 27:2 chúng ta biết ông cùng đi với Phao-lô đến La-mã. Nhưng theo Cô-lô-se 4:10 thì ông cùng bị tù với Phao-lô. Cũng như với Ê-pháp-ra, chúng ta không có chi tiết nào khác về sự ông bị tù. Theo sử liệu của Hội Thánh, thì về sau ông bị lính La-mã chém đầu chung với Phao-lô, theo sắc lệnh của Hoàng Đế Nê-rô.

Đê-ma được kể là bạn đồng công với Phao-lô trong thời điểm này, nhưng trong II Ti-mô-thê 4:10 thì Phao-lô cho biết, Đê-ma đã lìa bỏ ông, vì: “người yêu đời này, và đã đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca”. Tên Đê-ma còn được nhắc đến trong Cô-lô-se 4:14 nhưng không được Phao-lô nói gì thêm. Có lẽ, Phao-lô nhận biết mặc dù Đê-ma dự phần trong mục vụ với ông, nhưng Đê-ma vẫn còn ham mến thế gian và không thể chịu khổ vì danh Chúa, nên Phao-lô không nói gì nhiều đến Đê-ma.

Lu-ca chính là tác giả của sách Tin Lành theo Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Lu-ca cũng là người đồng hành với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo của Phao-lô.

25 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần các anh chị em! A-men!

Lời kết thúc thư Phi-lê-môn là lời cầu nguyện và chúc phước của Phao-lô dành cho Hội Thánh tại Cô-lô-se. Phao-lô cầu xin sự nhân từ, thương xót của Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa của Hội Thánh, ở với tâm thần của con dân Chúa tại Cô-lô-se. Tâm thần là phần thân thể thuộc linh của loài người. Lời cầu nguyện và chúc phước của Phao-lô hàm ý: trong tâm thần, mỗi con dân Chúa được kinh nghiệm sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là điều chúng ta không thể cảm nhận bằng năm giác quan của thân thể xác thịt, mà phải cảm nhận bằng các giác quan thiêng liêng của thân thể thiêng liêng là tâm thần.

Theo Cô-lô-se 4:7-9 thì chúng ta có thể kết luận rằng, thư Phi-lê-môn đã được Ti-chi-cơ cùng mang chung với thư Cô-lô-se đến cho Phi-lê-môn:

“Mọi việc thuộc về tôi sẽ được Ti-chi-cơ thông báo cho các anh chị em. Anh ấy là một anh em yêu dấu cùng Cha, một người phục vụ trung tín và cùng là tôi tớ trong Chúa. Tôi gửi anh ấy đến với các anh chị em vì mục đích này: để anh ấy biết hoàn cảnh của các anh chị em và an ủi lòng của các anh chị em. Cùng với Ô-nê-sim, người anh em cùng Cha trung tín và yêu dấu, người ra từ các anh chị em. Họ sẽ khiến cho các anh chị em biết hết mọi sự ở đây.”

Và cũng nhờ đó, chúng ta biết thư Cô-lô-se được viết cùng lúc với thư Phi-lê-môn.

Kính lạy Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, là Thiên Chúa ngự trong thân thể của chúng con, xin Ngài giúp cho chúng con được hiểu biết sâu nhiệm những điều Ngài muốn dạy cho chúng con qua thư Phi-lê-môn. Xin Ngài giúp chúng con nhớ những điều chúng con hiểu, và ban cho chúng con năng lực, cùng sự khôn ngoan, để chúng con áp dụng sự hiểu và sự nhớ của chúng con đúng cách vào trong cuộc sống. Chúng con cảm tạ ơn Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/11/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.