Chú Giải Phi-líp 01:12-21

4,332 views

Chú Giải Phi-líp 1:12-21
Sự Bất Khuất của Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

12 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi muốn các anh chị em biết rằng, những điều {xảy ra} cho tôi đã đem đến càng hơn sự tấn tới của Tin Lành,

13 vì thế mà những sự bị xiềng xích của tôi trong Đấng Christ được tỏ ra trong cả chốn công đường và mọi nơi khác.

14 Nhiều anh chị em cùng Cha trong Chúa được vững lòng qua sự bị xiềng xích của tôi, dạn dĩ càng hơn, rao giảng Lời mà chẳng sợ hãi.

15 Thật, có vài kẻ vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà rao giảng Đấng Christ, nhưng cũng có những người vì ý tốt.

16 Những kẻ công bố Đấng Christ vì lòng cạnh tranh, không thành thật, tưởng rằng thêm những gánh nặng cho sự bị xiềng xích của tôi.

17 Nhưng những người {công bố} bởi tình yêu biết rằng, tôi được chỉ định để bênh vực Tin Lành.

18 Vậy thì sao? Dù là giả vờ hay thật lòng, Đấng Christ cũng được rao giảng. Vì thế mà tôi cứ vui mừng và sẽ vui mừng.

19 Vì tôi biết rằng, điều này sẽ trở nên sự giải cứu của tôi, thông qua sự khẩn xin của các anh chị em và sự hỗ trợ từ Đấng Thần Linh của Đức Chúa Jesus Christ.

20 Theo sự xao xuyến mong ngóng và hy vọng của tôi, rằng tôi chẳng hổ thẹn trong sự gì, nhưng cũng như từ trước đến giờ, Đấng Christ sẽ được vinh hiển và tôn cao trong thân thể của tôi cách tỏ tường, cho dù bởi sự sống hay bởi sự chết.

21 Vì đối với tôi: Sống {là} Đấng Christ và chết {là} điều ích lợi.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/1k0b8y5zm2y47me/9050011_Philip_1_12-21.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDY0ODgwMDhf/9050011_Philip_1_12-21.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9050011-phi-lip-1_12-21

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Bất khuất là không bị bắt phục (bất = không; khuất = cúi xuống, hàm ý vâng phục). Tin Lành không bị bất cứ một sự gì hoặc một ai bắt phục.

Tin Lành là ơn thương xót của Thiên Chúa ban cho loài người, để loài người được cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi và hậu quả của sự phạm tội. Tin Lành có năng lực cứu chuộc tuyệt đối như Rô-ma 1:16 đã khẳng định:

Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Christ, vì là năng lực của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp.”

Chính vì thế mà không một điều gì, không một thế lực nào có thể ngăn cản sự tấn tới của Tin Lành. Cho dù suốt gần hai ngàn năm qua, Tin Lành bị bách hại vô cùng khốc liệt, bị lạm dụng, bị giả mạo, bị vu khống!

Về phương diện thuộc thể, ngay từ buổi đầu, khi Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành thì Do-thái Giáo đã bách hại Tin Lành và lên án chết Đức Chúa Jesus Christ. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ sống lại và thăng thiên thì Do-thái Giáo tiếp tục bách hại các sứ đồ và các môn đồ của Ngài. Từ năm 64 đến năm 313 là khoảng thời gian đế quốc La-mã bách hại Tin Lành [1]. Hàng triệu con dân Chúa bị giết trong suốt khoảng thời gian này. Từ năm 606 đến năm 1600 là khoảng thời gian Giáo Hội Công Giáo liên tục bách hại Tin Lành. Sự bách hại của Giáo Hội Công Giáo khủng khiếp hơn bất cứ sự bách hại nào trong lịch sử của Hội Thánh, gấp trăm lần sự bách hại của đế quốc La-mã. Một người đọc hoặc giữ Thánh Kinh là có thể bị bỏ tù, bị tra tấn, bị tịch thu tài sản, và bị giết. Theo các thống kê khác nhau, số con dân Chúa bị Giáo Hội Công Giáo giết lên đến khoảng 50 triệu cho đến 150 triệu người [2]. Sự tra tấn do Giáo Hội Công Giáo làm ra trên con dân Chúa cũng vô cùng dã man. Thông tin về những hình cụ Giáo Hội Công Giáo dùng trong việc tra tấn con dân Chúa được phổ biến trong các đoạn phim tài liệu công bố trên Internet [3]. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, Tin Lành bị Hồi Giáo và các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản bách hại mỗi ngày [4], [5]. Sự bách hại Tin Lành lớn nhất sẽ là sự bách hại do AntiChrist cầm đầu trong Kỳ Tận Thế.

Về phương diện thuộc linh thì vô số tà giáo, giáo sư giả, tiên tri giả, và ngay cả christ giả vẫn được Sa-tan dựng lên trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, để lường gạt những người có lòng tin không vững chắc vào Lời Chúa.

Tuy nhiên, Tin Lành vẫn tấn tới: vẫn được rao giảng cho muôn dân trên đất và vẫn cứu chuộc bất cứ ai thật lòng tin nhận. Phi-líp 1:12-21 xác nhận lẽ thật ấy.

12 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi muốn các anh chị em biết rằng, những điều {xảy ra} cho tôi đã đem đến càng hơn sự tấn tới của Tin Lành,

13 vì thế mà những sự bị xiềng xích của tôi trong Đấng Christ được tỏ ra trong cả chốn công đường và mọi nơi khác.

Phao-lô dùng danh xưng “các anh chị em cùng Cha” để nhấn mạnh tính chất hiệp một giữa ông và con dân Chúa tại Phi-líp. Mặc dù họ yêu quý ông và tận tình chia xẻ với ông về vật chất, thậm chí gửi người đến tận thành Rô-ma, để chăm sóc ông và giúp đỡ ông đang khi ông bị tù, nhưng có thể họ không hiểu rằng, những hoạn nạn mà ông đang gánh chịu không hề làm cản trở cho sự tấn tới của Tin Lành. Vì thế, trong khi ông viết thư thăm hỏi họ và kêu gọi họ sống một nếp sống vui mừng trong Chúa luôn luôn, thì ông muốn họ cũng hiểu rõ rằng, sự bị tù của ông là có ích lợi cho Tin Lành. Bị xiềng xích trong Đấng Christ tức là bị tù vì danh Chúa: vì sống theo Lời Chúa, vì rao giảng Lời Chúa.

Danh từ “chốn công đường” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để gọi nơi xử án trong dinh của các thống đốc hoặc hoàng đế La-mã. Trong thực tế, Phao-lô đã làm chứng về sự tin nhận Tin Lành của mình và giảng Tin Lành cho hai thống đốc La-mã tên là Phê-lít (Công Vụ Các Sứ Đồ 24) và Phê-tu (Công Vụ Các Sứ Đồ 25:1-12, cùng với Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II (Công Vụ Các Sứ Đồ 25:13-27; 26), chắt của Đại Đế Hê-rốt. Đại Đế Hê-rốt là người ra lệnh giết Đức Chúa Jesus khi Ngài còn là một em bé (Ma-thi-ơ 2). Vào khoảng đầu mùa xuân năm 63, Phao-lô ra tòa trước Hoàng Đế Nê-rô, được trắng án, và được trả tự do. Trong thời gian khoảng hai năm bị tù tại Rô-ma, Phao-lô đã giảng Tin Lành cho nhiều người nhà của Hoàng đế Nê-rô. Cuối thư Phi-líp, ông gửi lời chào thăm của họ đến con dân Chúa tại Phi-líp (Phi-líp 4:22). Theo sử gia Josephus thì vợ của Nê-rô, Hoàng Hậu Poppaea, là một người tin nhận Tin Lành.

Từ ngữ “mọi nơi khác” nhằm chỉ các nhà hội và Toà Công Luận của người Do-thái là các nơi mà Phao-lô bị xét xử, bị đánh đập, và bị ném đá vì rao giảng Tin Lành.

Sự chịu khổ vì Tin Lành của Phao-lô trong thực tế là cơ hội để chứng minh rằng, Tin Lành là công chính trước luật pháp của loài người và Tin Lành không phải là một hệ thống hay tổ chức tôn giáo của loài người, mà thực sự là tin tức tốt lành từ Thiên Chúa về sự cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi.

14 Nhiều anh chị em cùng Cha trong Chúa được vững lòng qua sự bị xiềng xích của tôi, dạn dĩ càng hơn, rao giảng Lời mà chẳng sợ hãi.

Danh từ “anh chị em cùng Cha trong Chúa” có nghĩa là: những người cùng được sinh lại bởi Đức Chúa Trời nhờ có đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ.

Nhiều con dân Chúa thời bấy giờ, đặc biệt là con dân Chúa tại thành Rô-ma, qua sự bị tù của Phao-lô đã được vững lòng, dạn dĩ càng hơn trong sự rao giảng Lời Chúa. Từ ngữ “vững lòng” trong câu này là một từ ngữ đặc biệt dùng để mô tả trạng thái được an tâm trở lại sau khi nghi ngại, hoang mang. Có lẽ, lúc đầu khi nghe tin Phao-lô bị tù thì có sự lo ngại và hoang mang trong con dân Chúa. Nhưng khi chứng kiến Phao-lô vẫn dạn dĩ rao giảng Tin Lành, ngay cả rao giảng cho những người nhà của hoàng đế, thì con dân Chúa được yên tâm, biết rằng, mọi sự nằm trong thánh ý của Chúa và đó là cơ hội để Tin Lành được rao giảng đến tận những người ở trong cung điện.

Rao giảng “Lời” là rao giảng:

  • Lời về thập tự giá:

Bởi vì Lời về thập tự giá những kẻ bị hư mất cho là ngu dại, nhưng đối với chúng ta, là những người được cứu chuộc, là năng lực của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 1:18).

  • Lời của Lẽ Thật:

Trong Đấng ấy các anh chị em cũng đã nghe Lời của Lẽ Thật, là Tin Lành về sự cứu rỗi của các anh chị em. Cũng trong Đấng ấy mà sau khi các anh chị em tin, thì được đóng dấu bằng thánh linh của lời hứa.” (Ê-phê-sô 1:13).

Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, giảng dạy Lời của Lẽ Thật một cách ngay thẳng.” (II Ti-mô-thê 2:15).

Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của Lẽ Thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.” (Gia-cơ 1:18).

  • Lời của Sự Sống:

…giữ vững Lời của Sự Sống, để tôi có thể khoe mình trong ngày của Đấng Christ, rằng tôi đã không chạy cách vô ích cũng chẳng khó nhọc cách vô ích.” (Phi-líp 2:16).

Đấng có từ ban đầu, là Đấng chúng tôi đã nghe, Đấng mắt chúng tôi đã thấy, Đấng chúng tôi đã ngắm, và tay chúng tôi đã chạm đến, thuộc về Ngôi Lời của Sự Sống.” (I Giăng 1:1)

  • Lời của Đấng Christ:

Nguyện xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng các anh chị em, và các anh chị em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát tôn vinh Chúa.” (Cô-lô-se 3:16).

  • Lời của Chúa / Lời của Thiên Chúa:

Vì Lời của Chúa không những từ nơi các anh chị em vang ra trong xứ Ma-xê-đoan và A-chai thôi đâu, nhưng đức tin mà các anh chị em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:8).

Này là điều chúng tôi nhờ Lời của Chúa mà rao bảo cho các anh chị em: Chúng ta là những người sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15).

Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời của Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 6:17).

Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép đời đời vô cùng, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men.” (I Phi-e-rơ 4:11).

  • Lời của sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ:

Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trên mọi người trong thế gian, để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.” (Khải Huyền 3:10).

  • Lời của Đức Chúa Trời:

Vì Lời của Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Hỡi các bậc làm cha, tôi đã viết cho các ông, vì các ông đã biết Ngài từ lúc ban đầu. Hỡi các thanh niên, ta đã viết cho các con, vì các con là mạnh mẽ và Lời của Đức Chúa Trời ở trong các con, và các con đã thắng được Ma Quỷ.” (I Giăng 2:14).

Chữ “Lời” trong câu này cũng cùng là chữ “Lời” trong Giăng 1:1, có mạo từ xác định đứng trước, nên cũng có thể hiểu là “giảng về Ngôi Lời”, nghĩa là: giảng về Đức Chúa Jesus Christ!”

Lời về thập tự giá là lời ghi chép về sự Đấng Christ chết trên thập tự giá, để chuộc tội cho loài người.

Lời của sự nhẫn nại của Đấng Christ chính là lời của Đấng Christ nhẫn nại kêu gọi loài người ăn năn trước khi Ngài phán xét toàn thế gian [6].

Đấng Christ và Thánh Kinh đều là: Lời của Thiên Chúa, Lời của Đức Chúa Trời, Lời của Sự Sống, Lời của Lẽ Thật.

Nói chung, “rao giảng Lời” là rao giảng về Đấng Christ và rao giảng về Thánh Kinh.

Nội dung của câu 14 cũng hàm ý có một thiểu số con dân Chúa không vững lòng, dạn dĩ rao giảng Lời khi họ thấy Phao-lô bị tù. Đó là những người ví như vùng đất có đá sỏi trong ngụ ngôn gieo giống (Ma-thi-ơ 13:20-21); khi nghe giảng Tin Lành thì vui mừng đón nhận nhưng khi đối diện với khó khăn, thử thách thì chối bỏ đức tin.

Có một lẽ thật quan trọng này mà chúng ta cần suy nghiệm: Người tin nhận Tin Lành mà không rao giảng về Tin Lành thì sớm hay muộn đức tin sẽ chết. Hạt giống được gieo xuống, phải mọc lên, và phải kết quả, dù nhiều hay ít.

15 Thật, có vài kẻ vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà rao giảng Đấng Christ, nhưng cũng có những người vì ý tốt.

Phao-lô viết thư Phi-líp vào khoảng năm 61 hoặc 62. Ngay từ lúc ấy đã có những kẻ rao giảng Tin Lành vì lòng ganh ghét và cạnh tranh. Họ ganh ghét vì thấy Phao-lô vượt trội hơn họ trong mục vụ. Họ cạnh tranh vì muốn được bằng hay là hơn Phao-lô. Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa cũng không thiếu những kẻ như vậy. Ai đã từng sinh hoạt trong các giáo hội thì biết rõ điều này.

Có một điều chúng ta cần ghi nhận nơi đây: một người rao giảng Tin Lành với lòng ganh ghét và tranh cạnh khác với một người rao giảng tà giáo, vì người ấy vẫn rao giảng Tin Lành chân thật. Trong khi đó, những kẻ rao giảng tà giáo rao giảng một tin lành khác, một Đức Chúa Jesus khác, một Đức Chúa Trời khác, một Đức Thánh Linh khác, và một thánh linh khác không đúng với Thánh Kinh.

Những người rao giảng Tin Lành vì ý tốt là những người rao giảng vì muốn cho người khác được cứu rỗi giống như mình, và muốn vâng theo lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 28:19-20.

16 Những kẻ công bố Đấng Christ vì lòng cạnh tranh, không thành thật, tưởng rằng thêm những gánh nặng cho sự bị xiềng xích của tôi.

Rao giảng Tin Lành tức là công bố Đấng Christ. Động từ “công bố” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là nói ra rõ ràng trước công chúng. Từ ngữ “không thành thật” trong câu này hàm ý người rao giảng Tin Lành không phải vì tha thiết muốn cho người nghe được cứu, mà chỉ muốn có nhiều người tin nhận Tin Lành, để mình được nổi tiếng là người rao giảng kết nhiều quả.

Những kẻ rao giảng Tin Lành vì lòng tranh cạnh thời bấy giờ tưởng rằng họ có thể thêm gánh nặng cho sự bị xiềng xích của Phao-lô, vì họ cho rằng, Phao-lô cũng có lòng cạnh tranh như họ. Trong khi họ tự do rao giảng trước công chúng thì Phao-lô bị tù, chỉ có thể rao giảng cho những ai đến gặp ông để tìm hiểu về Tin Lành. Vì thế, họ tưởng là Phao-lô rất bực dọc, khó chịu khi không được giảng cho nhiều người nghe như họ, trong khi ông là một sứ đồ.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử,” hoặc: “Suy bụng mình ra bụng người,” đều ứng với tâm trạng của những người rao giảng Tin Lành vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà Phao-lô nói đến ở đây.

Từ ngữ “thêm những gánh nặng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là tạo thêm áp lực và nghĩa bóng là tạo thêm sự khốn khổ.

17 Nhưng những người {công bố} bởi tình yêu biết rằng, tôi được chỉ định để bênh vực Tin Lành.

Những ai rao giảng về Đấng Christ vì tình yêu đối với những linh hồn đang bị hư mất thì đồng cảm với Phao-lô. Đức Thánh Linh dạy cho họ biết, Phao-lô cũng như tất cả những tôi tớ chân thật của Chúa được ban cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa, đều là những người được Thiên Chúa lập nên, để bênh vực Tin Lành.

Giảng Tin Lành khác với bênh vực Tin Lành. Giảng Tin Lành là công bố ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, kêu gọi người ta ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Trong khi đó, bênh vực Tin Lành là lên tiếng chống lại những sự rao giảng tà giáo, có ý làm sai lạc lẽ thật của Tin Lành, làm sai lạc lẽ thật về Đấng Christ, bẻ cong hoặc thêm bớt Lời Chúa.

Động từ “được chỉ định” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: được Thiên Chúa lập nên và giao cho làm một công việc gì.

18 Vậy thì sao? Dù là giả vờ hay thật lòng, Đấng Christ cũng được rao giảng. Vì thế mà tôi cứ vui mừng và sẽ vui mừng.

Vậy thì sao?” Có nghĩa là: Có những kẻ rao giảng Tin Lành vì ganh ghét và cạnh tranh như vậy thì sao? Phao-lô tự hỏi và tự trả lời. Miễn là Tin Lành được rao giảng đúng theo Thánh Kinh thì mục đích của người rao giảng như thế nào không thành vấn đề. Tương tự như chỉ cần gạo cứu đói là thật thì người nhận gạo sẽ không còn bị chết đói, bất kể người phát gạo là vì lòng nhân từ hay vì muốn khoe khoang, lấy tiếng. Chính vì thế mà Phao-lô cứ vui mừng và sẽ tiếp tục vui mừng khi Tin Lành được rao giảng.

19 Vì tôi biết rằng, điều này sẽ trở nên sự giải cứu của tôi, thông qua sự khẩn xin của các anh chị em và sự hỗ trợ từ Đấng Thần Linh của Đức Chúa Jesus Christ.

Điều này” tức là sự kiện Tin Lành được rao giảng cách dạn dĩ và công khai. Phao-lô bị dân Do-thái tố cáo với chính quyền La-mã rằng, ông là kẻ theo một thứ đạo lạ, gây rối loạn trong dân. Thời gian Phao-lô bị tù tại thành Sê-sa-rê là hơn hai năm, vì Tổng Đốc Phê-lít muốn lấy lòng dân Do-thái và cũng có ý chờ cho Phao-lô hối lộ. Kế tiếp, Phao-lô được chuyển đến thành Rô-ma và tiếp tục bị tù hơn hai năm nữa, trong khi chờ đợi được xét xử bởi hoàng đế La-mã. Trong suốt thời gian ấy, con dân Chúa khắp nơi vẫn sốt sắng rao giảng Tin Lành. Năng lực cứu rỗi của Tin Lành làm biến đổi hoàn toàn những ai thật lòng tin nhận Tin Lành. Chính quyền La-mã nhận biết con dân Chúa là những công dân tốt, tuân thủ pháp luật, sống lương thiện. Vì thế, hoàng đế La-mã sẽ không có lý do gì để kết tội một người tin nhận Tin Lành và rao giảng Tin Lành như Phao-lô.

Tuy nhiên, mọi sự trong đời sống của con dân Chúa luôn tùy thuộc vào hai yếu tố: Lời cầu thay của Hội Thánh và sự hỗ trợ từ Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh.

Thiên Chúa là Đấng quan phòng (chăm sóc, bảo vệ, và giải cứu) con dân của Ngài, đương nhiên Ngài sẽ giải cứu Phao-lô trong thời điểm của Ngài. Nhưng Thiên Chúa cũng ban cho con dân của Ngài cơ hội được đồng công với Ngài trong mọi sự. Ngài thường dùng chính người này để chăm sóc, bảo vệ, và giải cứu người kia. Nhưng trước hết, điều mà con dân Chúa ai cũng có thể làm cho nhau trong mọi nơi, mọi lúc là dâng lời cầu thay. Con dân Chúa thời ấy có thể dự phần trong việc giải cứu Phao-lô ra khỏi sự xiềng xích, bằng cách dâng lời cầu thay cho ông lên Thiên Chúa. Không có ai cầu thay thì Thiên Chúa vẫn giải cứu Phao-lô. Nhưng nếu có ai cầu thay thì trong sự Thiên Chúa giải cứu Phao-lô, người ấy được dự phần. Sự cầu thay của người ấy như một thức hương thơm dâng lên Thiên Chúa (Khải Huyền 5:8), và sự cầu thay ấy ví như vàng, bạc, hoặc đá quý dùng xây dựng trên nền Đấng Christ, để gây dựng thân thể của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 3:9-15) [7]. Sự cầu thay cho nhau của con dân Chúa cũng chính là sự con dân Chúa thông công với Tin Lành [8].

Phao-lô biết rất rõ giá trị của sự cầu thay và ông thường kêu gọi con dân Chúa cầu thay cho ông cùng những người đồng hành truyền giáo với ông (Rô-ma 15:30; II Cô-rinh-tô 1:11; Cô-lô-se 4:3; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:1).

Trong câu này Phao-lô không dùng danh xưng Đức Thánh Linh vì ông muốn nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ở bên ngoài thân thể của con dân Chúa. Sự hỗ trợ này bao gồm năng lực của Thiên Chúa tác động trên môi trường, hoàn cảnh, xã hội để tạo mọi thuận lợi cho con dân Chúa. Điển hình cho sự hỗ trợ của Đấng Thần Linh trong sự giải cứu Sứ Đồ Phi-e-rơ ra khỏi ngục là Ngài sai thiên sứ mở cửa nhà tù cho ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1-10). Điển hình cho sự hỗ trợ của Đấng Thần Linh trong sự cứu rỗi người cai ngục tại thành Phi-líp và gia đình của ông ta là Ngài khiến xảy ra một cơn động đất lớn (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:25-34). Danh từ “hỗ trợ” dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ sự hỗ trợ to lớn và miễn phí.

Phao-lô dùng cách gọi “Đấng Thần Linh của Đức Chúa Jesus Christ” để nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đến và thi hành mục vụ giữa con dân Chúa, trong con dân Chúa, và trên thế gian là do Đức Chúa Jesus Christ sai đến:

Khi Đấng Yên Ủi sẽ đến, là Đấng Ta sẽ sai đến với các ngươi từ Đức Cha, là Thần Lẽ Thật ra từ Cha, thì Ngài sẽ làm chứng về Ta.” (Giăng 15:26).

Động từ “sai” được dùng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa không có nghĩa là sai khiến mà chỉ có nghĩa là gửi đi. Đức Chúa Trời là Đấng ban cho Hội Thánh Đấng Thần Linh để an ủi và dẫn dắt con dân Chúa trong Hội Thánh (Giăng 14:16), nhưng Đức Chúa Jesus Christ là Đấng gửi Đấng Thần Linh đến với Hội Thánh.

Khi Đấng Thần Linh hỗ trợ con dân Chúa và giúp họ thông công với nhau, thông công với Thiên Chúa, hoặc cáo trách thế gian về tội lỗi, khiến cho mọi người trong thế gian nhận biết mình là tội nhân, vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì danh xưng của Ngài là Đấng Thần Linh.

Khi Đấng Thần Linh tác động bên trong thân thể của con dân Chúa: an ủi, giảng dạy, hướng dẫn, cáo trách, ấn chứng, cầu thay, và ban ân tứ [9] thì danh xưng của Ngài là Đức Thánh Linh, để phân biệt với nhân linh (tâm thần của loài người) và các tà linh. Các tà linh là các thiên sứ theo Sa-tan phạm tội. Các tà linh có thể nhập vào thân thể của loài người, còn gọi là quỷ nhập.

20 Theo sự xao xuyến mong ngóng và hy vọng của tôi, rằng tôi chẳng hổ thẹn trong sự gì, nhưng cũng như từ trước đến giờ, Đấng Christ sẽ được vinh hiển và tôn cao trong thân thể của tôi cách tỏ tường, cho dù bởi sự sống hay bởi sự chết.

Danh từ “sự xao xuyến mong ngóng” nói đến tâm trạng bồn chồn, nôn nao trong khi chờ đợi. Hy vọng là sự mong chờ điều tốt đẹp sẽ đến. Phao-lô đang nói đến lòng của ông nôn nao mong chờ ngày được thoát khỏi xiềng xích để tiếp tục rao giảng Tin Lành và thăm viếng con dân Chúa khắp nơi. Với lòng nôn nao mong đợi đó ông không hổ thẹn vì mang danh là một người tù hay vì bất cứ những sự vu khống nào kẻ thù áp đặt cho ông. Ông cũng không có gì để hổ thẹn về nếp sống của ông. Từ khi ông tin nhận Đấng Christ thì ông đã dùng thân thể mình để làm tôn vinh Đấng Christ qua nếp sống của ông. Vì thế, dù ông sống hay ông chết thì Đấng Christ cũng đều được tôn vinh. Ngay đang khi ông bị tù, ông cũng rao giảng về Đấng Christ và tôn vinh Ngài trước các vua chúa, các bậc cầm quyền. Cuối cùng, ông chịu chết vì mang danh là người tin nhận Đấng Christ. Sự chết của ông cũng làm tôn vinh Đấng Christ.

21 Vì đối với tôi: Sống {là} Đấng Christ và chết {là} điều ích lợi.

Phao-lô là người thật sự sống cho Chúa và chết cho Chúa, như ông đã từng viết trong Rô-ma 14:8:

Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên, chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.”

Sống là Đấng Christ” có nghĩa là đang khi còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại thì con dân Chúa:

  • Tin nhận Đấng Christ.

  • Học theo Đấng Christ.

  • Vâng phục Đấng Christ.

  • Rao giảng Đấng Christ.

  • Tôn vinh Đấng Christ.

  • Phụng sự Đấng Christ.

  • Chịu khổ vì Đấng Christ.

Chỉ khi nào một người sống cho Đấng Christ, sống vì Đấng Christ, và sống trong Đấng Christ, thì sự chết của thân thể xác thịt mới là điều ích lợi cho người ấy. Danh từ “điều ích lợi” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là “thu lợi”. Bởi vì:

  • Người ấy được ra khỏi thân thể xác thịt yếu đuối, được nghỉ ngơi khỏi sự lao nhọc trong đời sống (Khải Huyền 14:13).

  • Kết quả mọi việc làm của người ấy được còn lại (Khải Huyền 14:13).

  • Người ấy được ở với Đấng Christ (Phi-líp 1:23).

Qua Phi-líp 1:12-21 chúng ta học biết rằng, chẳng có bất cứ một điều gì, một người nào, hay một quyền lực nào có thể khuất phục Tin Lành, ngăn cản sự tấn tới của Tin Lành. Lịch sử cho thấy, suốt gần hai ngàn năm qua, Tin Lành vẫn tấn tới trước mọi cơn bách hại, và bất cứ ai thật lòng tin nhận Tin Lành thì đều được cứu.

Có lẽ trong vòng chúng ta ít có ai phải trải qua những sự bách hại và nghịch cảnh như Sứ Đồ Phao-lô (II Cô-rinh-tô 11:23-27). Chúng ta cần học theo gương của Phao-lô, đứng vững trong mọi cảnh ngộ, vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, để dọn mình thánh sạch, không hổ thẹn trong bất cứ sự gì, sẵn sàng cho ngày của Đấng Christ.

Nguyện Lời Chúa an ủi chúng ta, khích lệ chúng ta, và thêm sức cho chúng ta trong khi chúng ta đối diện với ốm đau, thiếu thốn vật chất, và trong khi chúng ta bị bách hại đức tin, để chúng ta vui mừng sống theo Lời và rao giảng Lời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/10/2016

Ghi Chú

[1] http://www.religionfacts.com/persecution-of-early-church

[2] http://kytanthe.net/?p=249

[3] https://www.youtube.com/watch?v=XI13wMpvj3s

[4] https://www.opendoorsusa.org/christian-persecution/

[5] http://raymondibrahim.com/category/muslim-persecution-of-christians/

[6] http://kytanthe.net/?p=134

[7] http://www.timhieutinlanh.net/nckhttk-i-co-rinh-to-39-15/

[8] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-phi-lip-1_1-11/

[9] http://kytanthe.net/?p=114

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.