Chú Giải Phi-líp 01:22-30

3,970 views

Chú Giải Phi-líp 1:22-30
Con Dân Chúa Hiệp Một
Cùng Nhau Phấn Đấu vì Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

22 Nếu sống trong xác thịt là kết quả cho sự làm việc của tôi, thì tôi chẳng biết nên chọn điều gì.

23 Vì tôi bị ép giữa hai bề, khao khát được ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn;

24 nhưng cứ ở trong xác thịt, là sự cần hơn cho các anh chị em.

25 Được vững lòng về điều này, tôi biết rằng, tôi sẽ cứ còn lại và ở với hết thảy các anh chị em, vì sự tấn tới và niềm vui trong đức tin của các anh chị em,

26 để cho sự vui mừng của các anh chị em được đầy dẫy trong Đức Chúa Jesus Christ, trong tôi, bởi sự tôi lại đến với các anh chị em.

27 Chỉ xin các anh chị em sống nếp sống công dân xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ, để khi tôi đến gặp các anh chị em hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết về các anh chị em rằng, các anh chị em đứng vững trong một thần trí, trong một linh hồn, cùng nhau phấn đấu vì đức tin của Tin Lành. [Nếp sống công dân của Vương Quốc Trời. Xem Phi-líp 3:20.]

28 Đừng khiếp sợ trong bất cứ sự gì bởi những kẻ chống nghịch. Sự ấy đối với chúng nó là một chứng cớ của sự bị hư mất, nhưng {đối với} các anh chị em {là một chứng cớ} của sự cứu rỗi; và sự ấy là từ Thiên Chúa.

29 Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài,

30 có cùng một cuộc tranh đấu như các anh chị em đã thấy trong tôi và hiện nay còn nghe nói có trong tôi.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/rbp6jna65l3es76/9050012_Philip_1_22-30.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDY3MjEyNDVf/9050012_Philip_1_22-30.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9050012-phi-lip-1_22-30

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Một trong những điều quan trọng và nổi bật của nếp sống mới trong Chúa là con dân Chúa phải cùng nhau chịu khổ, để vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa và rao giảng Tin Lành. Sự chịu khổ ấy không phải là sự chịu khổ riêng tư của mỗi người, mà là sự chịu khổ chung của Hội Thánh trong tình thông công mật thiết giữa các chi thể của cùng một thân. Sự chịu khổ của mỗi người đem lại sự vinh quang chung cho Hội Thánh và Hội Thánh đồng cảm, đồng chia xẻ với mỗi người qua sự cầu thay, an ủi, cứu giúp.

Cho dù là sự chịu khổ để sống đúng theo Lời Chúa, không vi phạm các điều răn của Chúa, hay là sự chịu khổ để rao giảng Tin Lành, đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi, thì sự chịu khổ của con dân Chúa đều là sự toàn thể con dân Chúa đồng lòng, hiệp ý, để phấn đấu cho sự tấn tới của Tin Lành. Tức là sự Tin Lành kết quả trong đời sống riêng của mỗi người và sự Tin Lành đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi, ngày càng hơn.

Phi-líp 1:22-30 là lời kêu gọi con dân Chúa cùng nhau chịu khổ, để phấn đấu cho sự tấn tới của Tin Lành.

22 Nếu sống trong xác thịt là kết quả cho sự làm việc của tôi, thì tôi chẳng biết nên chọn điều gì.

23 Vì tôi bị ép giữa hai bề, khao khát được ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn;

24 nhưng cứ ở trong xác thịt, là sự cần hơn cho các anh chị em.

Chúng ta đều biết rõ, sự sống trong thân thể xác thịt của chúng ta sẽ là vô nghĩa, nếu chúng ta không thuộc về Thiên Chúa. Nội dung của sách Truyền Đạo nói lên sự hư không của đời người trong thế gian đang bị băng hoại vì tội lỗi. Dù là một người khôn sáng, quyền thế, giàu có như Vua Sa-lô-môn hay là một người dốt nát, đói rách, bệnh tật, thì sự kết thúc của đời sống vẫn là sự chết của thân thể xác thịt, để chờ ngày chịu phán xét trước Thiên Chúa.

Nhưng nếu một người đã thuộc về Chúa, thì dù có đang sống trong hoàn cảnh nào, người ấy vẫn được thỏa lòng, và cuộc sống của người ấy có ý nghĩa. Ngay cả một người bị biệt giam trong ngục tù tăm tối hay một người đau ốm nằm liệt giường, thì người ấy vẫn có thể làm các việc tốt lành, là cầu thay cho người khác và mỗi ngày dâng tế lễ lên Chúa bằng lời tôn vinh, cảm tạ Chúa:

Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời tôn vinh cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miệng xưng danh Ngài ra.” (Hê-bơ-rơ 13:15).

Những việc tốt lành người ấy làm ra trong ý Chúa sẽ còn lại cho đến đời đời. Đối với người đã thuộc về Chúa thì sự chết là sự an nghỉ phước hạnh khỏi những lao khổ trong đời sống của thân thể xác thịt:

Tôi nghe một tiếng từ trời phán với tôi: Hãy viết! Từ nay, phước cho những người chết là những người chết trong Chúa! Đấng Thần Linh phán: Phải, vì họ nghỉ ngơi khỏi sự lao động của họ, và những việc làm của họ theo với họ.” (Khải Huyền 14:13).

Đời sống của con dân Chúa là để tôn vinh Chúa và phụng sự Chúa, giúp cho nhiều người trong thế gian biết Chúa và tin nhận Chúa. Đó chính là sự làm việc trong thân thể xác thịt cho Vương Quốc Trời.

Sứ Đồ Phao-lô ý thức rằng, sự làm việc của ông vì Tin Lành đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng ông cũng khao khát được yên nghỉ trong Chúa, được vào trong thiên đàng. Khoảng 19 năm trước khi ông gửi thư cho Hội Thánh tại Phi-líp, thì ông đã được cất lên tầng trời thứ ba, tức là thiên đàng (II Cô-rinh-tô 12:1-4). Chắc chắn những gì ông được nghe và thấy trong thiên đàng khiến cho ông hoàn toàn không còn sự ham muốn nào thuộc về thế gian. Ông chỉ muốn sớm qua đời để được đi ở với Đấng Christ. Nếu cho ông tự mình lựa chọn: hoặc là qua đời, vào trong thiên đàng với Đấng Christ, hoặc là tiếp tục sống trong thân thể xác thịt, để rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh, thì ông không biết phải chọn điều nào. Tương tự như vậy cũng là tâm trạng của một số con dân Chúa; nếu được tự mình lựa chọn: hoặc là được cất lên với Hội Thánh trong ngày Đấng Christ hiện đến, hoặc là ở lại trong thế gian suốt bảy năm đại nạn, để hướng dẫn những người nhà chưa tin Chúa của mình đến với sự cứu rỗi, thì có một số người chẳng biết phải chọn điều nào. Cảm tạ Chúa! Ngài biết điều gì tốt nhất cho mỗi chúng ta và Ngài sẽ chọn thay cho chúng ta. Chúa đã chọn thay cho Phao-lô, Ngài để ông tiếp tục sống trong thế gian thêm khoảng bảy năm nữa, trước khi ông bị chết chém vào năm 68 trong cuộc bách hại Tin Lành đầu tiên từ chính quyền La-mã [1]. Nếu chúng ta trung tín với Chúa, Ngài cũng sẽ chọn thay cho chúng ta trong ngày Chúa trở lại. Ngài sẽ đem chúng ta vào thiên đàng với Ngài và ban cho những người thân chưa tin Chúa của chúng ta thêm cơ hội tin Chúa trong Kỳ Đại Nạn.

25 Được vững lòng về điều này, tôi biết rằng, tôi sẽ cứ còn lại và ở với hết thảy các anh chị em, vì sự tấn tới và niềm vui trong đức tin của các anh chị em,

26 để cho sự vui mừng của các anh chị em được đầy dẫy trong Đức Chúa Jesus Christ, trong tôi, bởi sự tôi lại đến với các anh chị em.

Điều mà Phao-lô vững lòng là sự ông biết chắc rằng, ông sẽ còn sống thêm một thời gian nữa và sẽ có cơ hội thăm viếng Hội Thánh tại Phi-líp. Theo sử liệu của Hội Thánh thì Phao-lô được trắng án và được trả tự do vào mùa xuân năm 63. Từ đó cho đến khoảng tháng năm hoặc tháng sáu năm 68, là lúc ông bị xử tử, thì chúng ta không có chi tiết nào trong sử liệu cho biết ông ghé thăm con dân Chúa tại Phi-líp vào khoảng thời gian nào. Những ngày tháng cuối đời của Phao-lô chắc chắn đã đem lại niềm vui và giúp cho sự tấn tới trong đức tin của con dân Chúa khắp nơi thời bấy giờ. Sự vui mừng của họ được đầy dẫy trong Đức Chúa Jesus Christ và trong Phao-lô có nghĩa là chính Đức Chúa Jesus Christ và Phao-lô cũng được vui nhiều bởi sự vui mừng của họ.

Quý ông bà anh chị em chắc đã kinh nghiệm điều này. Đó là quý ông bà anh chị em yêu quý một người nào và tặng cho người ấy một món quà mà người ấy cần và ưa thích. Khi người ấy nhận quà thì thể hiện lòng biết ơn và sự vui mừng lớn. Trước sự vui mừng của người ấy, chính quý ông bà anh chị em cũng được vui mừng. Đó chính là sự vui mừng của người ấy được đầy dẫy trong quý ông bà anh chị em.

27 Chỉ xin các anh chị em sống nếp sống công dân xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ, để khi tôi đến gặp các anh chị em hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết về các anh chị em rằng, các anh chị em đứng vững trong một thần trí, trong một linh hồn, cùng nhau phấn đấu vì đức tin của Tin Lành. [Nếp sống công dân của Vương Quốc Trời. Xem Phi-líp 3:20.]

Động từ “sống nếp sống công dân” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một động từ bao gồm các ý nghĩa sau đây:

  • Trở nên một công dân.

  • Quản lý những việc thuộc dân sự.

  • Cư xử như một công dân, tức là tuân giữ luật pháp theo bổn phận của công dân.

Công dân là người dân sống trong một quốc gia, có bổn phận và quyền lợi như luật pháp của quốc gia ấy quy định. Phao-lô dùng động từ “sống nếp sống công dân” để nói về quyền công dân của con dân Chúa trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, như được ông khẳng định trong Phi-líp 3:20:

Nhưng quyền công dân của chúng ta ở trong các tầng trời; ấy là từ đó mà chúng ta trông đợi Đấng Giải Cứu mình, {là} Đức Chúa Jesus Christ…”

Là công dân của Vương Quốc Trời, mỗi con dân Chúa có bổn phận vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, sống xứng đáng với năng lực cứu rỗi và dựng nên mới của Tin Lành, xứng đáng với tình yêu và ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và dự phần trong sự rao giảng Tin Lành cho muôn dân.

Đứng vững” là không bị đánh ngã bởi một sức mạnh nào. Đứng vững trong một thần trí là đứng vững bởi cùng một đức tin và sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa. Đứng vững trong một linh hồn là đứng vững trong cùng một quyết tâm sống cho Chúa và chết cho Chúa. Danh từ “linh hồn” cũng có thể dịch là “sự sống”. Sự sống của con dân Chúa là một trong Đấng Christ. Sự sống ấy là làm theo thánh ý của Đức Chúa Trời.

Con dân Chúa hiệp một, đứng vững trong cùng một đức tin, trong cùng một sự hiểu biết, trong cùng một quyết tâm sống cho Chúa, chết cho Chúa, làm tròn mọi thánh ý của Chúa, mà cùng nhau phấn đấu vì đức tin của Tin Lành.

Động từ “cùng nhau phấn đấu” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: chung nhau, cùng một lúc gắng hết sức, để hoàn thành một công việc.

Đức tin của Tin Lành” có nghĩa là: đức tin về sự cứu rỗi và đức tin về sự dựng nên mới những ai tin nhận Tin Lành.

Phấn đấu vì đức tin của Tin Lành” là chung nhau, cùng một lúc gắng hết sức để đức tin về sự cứu rỗi và sự dựng nên mới của Tin Lành được kết quả trong nhiều người.

28 Đừng khiếp sợ trong bất cứ sự gì bởi những kẻ chống nghịch. Sự ấy đối với chúng nó là một chứng cớ của sự bị hư mất, nhưng {đối với} các anh chị em {là một chứng cớ} của sự cứu rỗi; và sự ấy là từ Thiên Chúa.

Con dân Chúa luôn luôn đối diện với sự bách hại của thế gian, chỉ vì một lẽ đơn giản, là họ không thuộc về thế gian nên thế gian ghét họ. Lời Chúa trong Giăng 17:14 đã khẳng định như vậy. Con dân Chúa còn bị bách hại bởi những người xưng mình là người tin nhận Chúa mà Phao-lô gọi là “những anh chị em cùng Cha giả dối” (II Cô-rinh-tô 11:26). Những người không tin Chúa và những người tin Chúa giả dối đều là những kẻ chống nghịch con dân Chúa. Con dân Chúa không nên khiếp sợ trong bất cứ hoàn cảnh nào mà những kẻ bách hại mình xô đẩy mình vào. Cho dù là bị vu khống, bị đối xử bất công, bị cướp bóc tài sản, bị tù đày, bị đánh đập, tra tấn, thậm chí bị giết, bởi vì Lời Chúa đã khẳng định:

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức loài người đến cho các anh chị em. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài không bao giờ để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách quá sức của các anh chị em; nhưng trong sự cám dỗ hoặc thử thách, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để các anh chị em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Sự con dân Chúa hiệp một cùng nhau phấn đấu vì đức tin của Tin Lành vừa là bằng chứng rõ ràng về sự hư mất đời đời của những kẻ chống nghịch họ; vừa là bằng chứng vững chắc về sự được cứu của con dân Chúa.

Sự bách hại của những kẻ chống nghịch và sự hiệp một phấn đấu của con dân Chúa là sự Thiên Chúa cho phép xảy ra. Hãy nhớ lại câu chuyện của Gióp (Gióp 1-2). Thiên Chúa cho phép những kẻ chống nghịch chúng ta bách hại chúng ta để:

  • Chúng ta được dự phần trong sự chịu khổ của Đấng Christ.

    Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

  • Chúng ta được hưởng phước và nhận phần thưởng lớn.

Phước cho những ai vì sự công bình mà bị bách hại, vì Vương Quốc Trời là của họ! Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bách hại, và lấy mọi điều dữ vu khống các ngươi. Hãy vui vẻ và mừng rỡ! Vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm, bởi vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 5:10-12).

  • Chúng ta được khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang.

Trong sự đó, các anh chị em vui mừng, dù hiện nay, nếu cần thì các anh chị em phải chịu nhiều sự thử thách khác nhau, khiến cho phải buồn bã ít lâu; để cho sự thử thách đức tin của các anh chị em quý hơn vàng hay hư nát, dù đã bị thử lửa, sinh ra sự khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang cho các anh chị em trong sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ.” (I Phi-e-rơ 1:6-7).

Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Ngài biết khả năng chịu đựng của mỗi chúng ta mà không bao giờ cho phép bất cứ điều gì xảy ra quá sức chịu đựng của chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy mình mệt mỏi, yếu đuối, muốn bỏ cuộc, thì chúng ta hãy kêu cầu danh Chúa. Ngài sẽ cứu chúng ta. “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13). Hoặc Ngài sẽ ban thêm ân điển cho chúng ta, để sức mạnh của chính Ngài trở thành sức mạnh của chúng ta:

Nhưng Ngài phán với tôi: Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ vui lòng thà khoe mình trong sự yếu đuối của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:9).

Chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành bổn phận công dân của Vương Quốc Trời ngay khi chúng ta đang sống trong thân thể xác thịt này. Vì chính Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho chúng ta để chúng ta hoàn thành mọi nhiệm vụ:

Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Điều quan trọng là chúng ta phải luôn giữ gìn sự thông công, hiệp một với các anh chị em cùng Cha của chúng ta. Vì sự phấn đấu của chúng ta không phải là sự phấn đấu của cá nhân mà là sự cùng nhau phấn đấu của cả Hội Thánh. Quý ông bà anh chị em hãy hình dùng ra một cuộc kéo dây giữa hai đội. Một bên là toàn thể thành viên trong đội cùng nắm lấy sợi dây và ra sức kéo, một bên thì chỉ có một người đại diện cho toàn đội. Kết quả bên nào được bên nào thua đã quá rõ ràng.

29 Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài,

30 có cùng một cuộc tranh đấu như các anh chị em đã thấy trong tôi và hiện nay còn nghe nói có trong tôi.

Sự chịu khổ vì Thiên Chúa là sự ban cho từ Thiên Chúa trên mỗi con dân của Ngài. Sứ Đồ Phi-e-rơ đã nói rõ: Con dân Chúa được kêu gọi chịu khổ theo gương của Đấng Christ:

Vì lương tâm đối với Thiên Chúa, mà chịu khốn khổ trong khi bị oan ức, ấy là một điều đáng khen. Có gì là vinh quang nếu các anh chị em kiên trì khi bị đánh vì sự phạm tội của mình? Nhưng nếu các anh chị em làm lành, mà kiên trì trong sự khốn khó, ấy là điều đáng khen đối với Thiên Chúa. Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:19-21).

Là con dân chân thật của Chúa thì luôn luôn bị thế gian ghét và bách hại. Là con dân chân thật của Chúa thì được kêu gọi chịu khổ vì danh Chúa theo gương của Đấng Christ. Là con dân chân thật của Chúa thì cùng lúc được Đức Chúa Trời ban cho đức tin để tin nhận Đấng Christ và ban cho cơ hội chịu khổ vì Đấng Christ.

Sự chịu khổ ấy không chỉ giới hạn trong sự bị bách hại về đức tin mà còn bao gồm mọi nghịch cảnh trong cuộc sống, từ đau ốm, bệnh tật, thiếu thốn các nhu cầu vật chất, bị những người thân yêu phản bội, chối bỏ… cho đến sự trải qua các thiên tai, hoạn nạn. Sứ Đồ Phao-lô đã tâm tình về sự chịu khổ vì Đấng Christ của ông như sau:

Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Vâng! Tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là người hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Nhiều khi tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Do-thái đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với những anh chị em cùng Cha giả dối; chịu khó, chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói và khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.” (II Cô-rinh-tô 11:23-27).

Sứ Đồ Phao-lô ví cuộc đời của ông từ khi biết Chúa như là một cuộc chạy đua để đoạt được giải thưởng, như là một người lính giỏi của Đấng Christ trong cuộc chiến thuộc linh mỗi ngày. Sự tranh đấu của Phao-lô là sự tranh đấu vì đức tin của Tin Lành. Đó cũng chính là sự tranh đấu mà con dân Chúa tại thành Phi-líp nhìn thấy trong Phao-lô mà vào thời điểm thư Phi-líp được viết cho họ, họ nghe nói vẫn còn tiếp diễn trong ông. Trong thực tế, sự tranh đấu vì đức tin của Tin Lành là sự tranh đấu chung của Hội Thánh mà mỗi con dân Chúa đều dự phần. Sự tranh đấu ấy chỉ kết thúc khi chúng ta ra khỏi thế gian này.

Danh từ “cuộc tranh đấu” dùng trong câu 30, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có các nghĩa sau:

  • Cuộc so tài trong các trò thể thao, như cuộc chạy đua (Hê-bơ-rơ 12:1).

  • Cuộc tranh chấp, bảo vệ lẽ phải (Cô-lô-se 2:1; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:2).

  • Cuộc chiến đấu, như cuộc chiến đấu trên chiến trường; nghĩa bóng là cuộc chiến đấu thuộc linh (I Ti-mô-thê 6:12; II Ti-mô-thê 4:7).

Mỗi con dân Chúa có một chỗ đứng, một vị trí riêng trong cuộc chiến thuộc linh của Hội Thánh. Nhưng mỗi con dân Chúa liên kết với nhau làm một, cùng một thần trí, tức là: cùng một đức tin, cùng một sự hiểu biết, cùng một sự thông sáng, và cùng một linh hồn, tức là: cùng một hy vọng, cùng một khao khát, cùng một mục đích cho đời sống mà phấn đấu vì đức tin của Tin Lành. Nhờ đó mà chúng ta cùng thông công với nhau trong sự chịu khổ vì danh Chúa và trong sự nhận lãnh vinh quang trong Vương Quốc Trời.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ bổn phận công dân Vương Quốc Trời của chúng ta; hiểu rõ chúng ta được kêu gọi để tin Đấng Christ và chịu khổ vì Đấng Christ; hiểu rõ mỗi người trong Hội Thánh phải cùng nhau hiệp một với các anh chị em cùng Cha của chúng ta mà phấn đấu vì đức tin của Tin Lành. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/10/2016

Ghi Chú

[1] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/gioi-thieu-thu-ro-ma-280/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.