Chú Giải Phi-líp 03:01-11

5,558 views

Chú Giải Phi-líp 3:1-11
Sự Vui Mừng Trong Đấng Christ
Tình Yêu Tận Hiến của Phao-lô Đối Với Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/bnbbcmzlo4fqb3t/9050030_Philip_3_1-11.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDc4NzgzMjZf/9050030_Philip_3_1-11.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9050030-phi-lip-3_1-11

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Phi-líp 3:1-11

1 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy vui mừng trong Chúa! Tôi thật chẳng phiền lòng mà viết những điều này cho các anh chị em nữa, {vì} ấy là sự an toàn cho các anh chị em.

2 Hãy coi chừng những con chó! Hãy coi chừng những kẻ làm công gian ác! Hãy coi chừng sự cắt {bì giả}!

3 Vì chúng ta là những người chịu cắt bì {thật}, là những người thờ phượng Thiên Chúa trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ Jesus, và không nương cậy trong xác thịt.

4 Dù tôi cũng có thể tin cậy trong xác thịt. Nếu có ai tưởng rằng có thể nương cậy trong xác thịt, thì tôi lại có thể càng hơn.

5 {Tôi} chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng I-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, một người Hê-bơ-rơ của dân Hê-bơ-rơ; về luật pháp, là một người Pha-ri-si;

6 về lòng sốt sắng thì bách hại Hội Thánh; về sự công bình trong luật pháp thì không chỗ trách được.

7 Nhưng những gì đối với tôi là có lợi thì tôi xem như sự lỗ, vì Đấng Christ.

8 Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ,

9 và được tìm thấy ở trong Ngài, không phải {bởi} có sự công bình của tôi, là sự ra từ luật pháp, nhưng sự {công bình} bởi tin nơi Đấng Christ, là sự công bình ra từ Đức Chúa Trời bởi đức tin;

10 để tôi được biết Ngài, quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công trong sự thương khó của Ngài, làm {cho tôi} nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài;

11 sao cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.

Chúng ta đã học biết chủ đề của thư Phi-líp là “nếp sống mới trong Đấng Christ”. Chúng ta cũng đã học biết về tình yêu của Phao-lô đối với con dân Chúa. Qua Phi-líp 3:1-11, chúng ta sẽ học biết về sự vui mừng trong nếp sống mới và tình yêu của Phao-lô đối với Đấng Christ.

1 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy vui mừng trong Chúa! Tôi thật chẳng phiền lòng mà viết những điều này cho các anh chị em nữa, {vì} ấy là sự an toàn cho các anh chị em.

Một lần nữa, Phao-lô dùng cách gọi “các anh chị em cùng Cha” để gọi con dân Chúa tại Phi-líp. Cách gọi này nhắc cho họ nhớ, họ với ông là một trong Đấng Christ, cùng được tái sinh bởi Thiên Chúa, cùng được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời với quyền thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài. Đây là một lẽ thật quan trọng mà con dân Chúa cần ghi nhớ. Chỉ khi chúng ta nhớ rằng, mình là con của Đức Chúa Trời thì chúng ta mới không băn khoăn, không lo lắng, không sợ hãi, không tự ti mặc cảm, không lên mình kiêu ngạo, mà luôn bình an, vui mừng, nhu mì, khiêm nhường, và nhẫn nại với mọi hy vọng trong Đức Chúa Jesus. Chỉ khi chúng ta nhớ rằng, những người cùng đức tin với chúng ta là những anh chị em cùng một Cha ở trên trời, chúng ta mới nhớ đến bổn phận và trách nhiệm phải có đối với họ: Yêu họ hơn chính mình, sẵn lòng hy sinh cho họ, như Đức Chúa Jesus Christ đã yêu chúng ta và hy sinh cho chúng ta.

Hãy vui mừng trong Chúa không chỉ là lời Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Phi-líp, mà còn là mệnh lệnh của Đức Thánh Linh ban cho mỗi một con dân Chúa trong mọi thời đại. Mệnh lệnh ấy được Phao-lô nhắc lại trong Phi-líp 4:4 và I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16:

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng!” (Phi-líp 4:4).

Hãy vui mừng mãi mãi!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16).

Sự vui mừng trong Chúa khác với sự vui mừng trong thế gian. Sự vui mừng trong thế gian dựa vào những gì chúng ta có thể chiếm hữu, thành đạt, chỉ là sự vui mừng tạm thời, và thường khi là vui trong sự dữ. Sự vui mừng trong Chúa là sự Chúa ban cho chúng ta. Không phải chúng ta làm được gì hay chiếm đoạt được gì, mà chúng ta vui, nhưng là chính Chúa làm cho chúng ta vui mừng, và là sự vui mừng trong lẽ thật về tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa.

Khi Chúa phán: Hãy có sự sáng! Thì có sự sáng! Việc còn lại là chúng ta có tận hưởng sự sáng Chúa ban hay không. Cũng vậy, khi Chúa phán: Hãy vui mừng trong Chúa! Thì chúng ta được vui mừng trong Chúa! Việc còn lại là chúng ta có tận hưởng sự vui mừng Chúa ban hay không.

Sự vui mừng trong Chúa là đặc tính không hề thay đổi của con dân Chúa, cho dù cuộc sống được bình an hay phải đối diện với nghịch cảnh. Tương tự như hương thơm của hoa lài (nhài) là đặc tính không thay đổi của hoa lài; cho dù là ở trên cây hay là bị giông gió làm cho tơi tả, rơi rụng xuống đất, thì hoa lài vẫn tỏa ngát hương thơm.

Sự vui mừng trong Chúa bắt đầu với niềm vui của sự được cứu rỗi, được thánh hóa, được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời; tiếp đến là niềm vui được thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa; sau cùng là niềm vui được chịu khổ vì danh Chúa.

Người thật sự tin Chúa thì không còn lo lắng hoặc tìm kiếm những sự thuộc về đời này. Sống hay chết, được hay mất, vinh hay nhục… đều do nơi Chúa. Người thật sự tin Chúa hoàn toàn phó thác cuộc đời của mình trong bàn tay của Chúa, mỗi ngày gắng sức làm tròn mọi bổn phận theo tiêu chuẩn của Chúa trong niềm vui Chúa ban. Những khi đối diện với nghịch cảnh, người thật sự tin Chúa không lo lắng, không than van, không oán trách, không sợ hãi, nhưng vui mừng vì hiểu rằng, Chúa cho phép nghịch cảnh xảy ra để chứng nghiệm đức tin của mình.

Chẳng những vậy, nhưng chúng ta cũng được vinh hiển trong hoạn nạn, biết rằng hoạn nạn làm ra sự nhẫn nại, sự nhẫn nại {làm ra} sự được thử nghiệm, sự được thử nghiệm {làm ra} sự trông cậy. Sự trông cậy không {làm cho} hổ thẹn, vì tình yêu của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi thánh linh đã được ban cho chúng ta.” (Rô-ma 5:3-5).

Tục ngữ có câu: “Nghề dạy nghề!” Có nghĩa là người ta được kinh nghiệm nghề nghiệp càng hơn và tay nghề càng vững khi đối diện với những khó khăn trong lúc hành nghề. Đời sống của con dân Chúa sẽ càng kinh nghiệm quyền năng, sự quan phòng của Chúa càng hơn, qua những khó khăn trong cuộc sống, nhờ đó mà sự hiểu biết Chúa ngày càng thêm hơn và đức tin ngày càng vững chắc hơn.

Lời Chúa dạy: “Đức tin dẫn đến đức tin!” (Rô-ma 1:17). Có nghĩa là, đức tin về sự cứu rỗi của Tin Lành sẽ dẫn đến đức tin về sự quan phòng của Thiên Chúa, đức tin về sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ dẫn đến đức tin về sự chịu khổ theo thánh ý của Thiên Chúa, và đức tin về sự chịu khổ theo thánh ý của Thiên Chúa sẽ dẫn đến đức tin: Nhờ Đấng Christ ban thêm sức mà con dân Chúa làm được mọi sự (Phi-líp 4:13).

Phao-lô chẳng phiền lòng, chẳng ngần ngại, chẳng chậm trễ mà viết cho con dân Chúa tại Phi-líp những điều ông đã từng giảng dạy cho họ, khi ông có mặt bên cạnh họ. Bởi vì những điều ông lập lại trong thư này là những điều quan trọng mà họ cần ghi nhớ và cần được nhắc nhở luôn. Những điều mà nếu họ vâng theo thì sẽ được an toàn thuộc linh, không bị tà giáo và những kẻ giả hình dẫn dụ, không rơi vào sự cám dỗ, không phạm tội. Điều này tương tự như khi chúng ta đi máy bay, thì vì sự an toàn của chúng ta mà chúng ta được phi hành đoàn nhắc nhở cách cài và cởi dây an toàn, nhắc nhở những gì cần phải làm khi có biến cố nguy hiểm xảy ra.

2 Hãy coi chừng những con chó! Hãy coi chừng những kẻ làm công gian ác! Hãy coi chừng sự cắt {bì giả}!

Những con chó là những kẻ nhân danh Chúa bách hại con dân chân thật của Chúa, như những người Do-thái Giáo khi xưa bách hại Đức Chúa Jesus Christ:

Vì những con chó bao quanh tôi. Hội của những kẻ ác vây phủ tôi. Chúng nó đâm lủng các tay và các chân tôi.” (Thi Thiên 22:16).

Những con chó cũng là những người canh giữ bầy chiên của Chúa, những người chăn không trung tín:

Những kẻ canh giữ của Ngài {là} đui mù. Hết thảy đều không biết gì hết! Hết thảy {là} những con chó câm, chẳng biết sủa, chiêm bao, nằm xuống, và ham ngủ; những con chó tham lam không biết đủ. Chúng {là} những kẻ chăn chiên chẳng hiểu biết. Hết thảy theo đường riêng của mình. Mỗi người vì tư lợi, người nào cũng vậy.” (Ê-sai 56:10-11).

Những kẻ làm công gian ác là những người hầu việc Chúa qua các chức vụ trong Hội Thánh nhưng không làm tròn bổn phận:

Ma-thi-ơ 24:45-51

45 Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà người chủ đặt cai trị đầy tớ mình, để cho đồ ăn đúng giờ?

46 Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy!

47 Thật, Ta nói với các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả gia tài mình.

48 Nếu, trái lại, là một đầy tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm,

49 đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu,

50 thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết.

51 Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó cùng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

Sự cắt bì là hình bóng cho sự được cắt bỏ bản tính tội lỗi. Một người chỉ có thể được Đức Chúa Jesus Christ cắt bỏ bản tính tội lỗi bằng sự chết chuộc tội của Ngài. Muốn được Đức Chúa Jesus Christ cắt bỏ bản tính tội lỗi, thì phải thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Sự cắt bì giả tiêu biểu cho sự giả vờ tin Chúa, chỉ có hình thức bên ngoài chứ không thật lòng tin Chúa. Người ta có thể giả vờ tin Chúa để lợi dụng con dân Chúa hoặc để trà trộn, theo dõi sinh hoạt của con dân Chúa, theo lệnh của những nhà cầm quyền chống nghịch Chúa.

Không riêng gì con dân Chúa tại Phi-líp mà con dân Chúa khắp nơi cần phải coi chừng những kẻ xưng nhận là tin Chúa nhưng bách hại con dân Chúa, coi chừng những người chăn, trưởng lão, chấp sự thiếu phẩm chất, và coi chừng những kẻ giả vờ tin Chúa.

Coi chừng có nghĩa là: Nhìn vào và nhận biết.

3 Vì chúng ta là những người chịu cắt bì {thật}, là những người thờ phượng Thiên Chúa trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ Jesus, và không nương cậy trong xác thịt.

Chịu cắt bì thật là thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, để được Ngài cất đi bản tính tội lỗi. Thánh Kinh gọi đó là sự cắt bì bởi Đấng Christ:

Trong Ngài các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay trong sự lột bỏ thân thể tội lỗi của xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:11).

Con dân chân thật của Chúa là những người chịu cắt bì thật, nương cậy trong sức toàn năng của Thiên Chúa chứ không nương cậy trong xác thịt của mình. Những người nương cậy trong xác thịt là những người chưa thật sự kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của mình, chưa biết tận dụng mọi ân tứ của Đức Thánh Linh, mọi vũ khí thuộc linh của Đức Chúa Trời, và sức toàn năng của Đức Chúa Jesus Christ. Và vì thế, họ cũng chưa kinh nghiệm một nếp sống mới luôn vui mừng trong Đấng Christ Jesus.

Những người nương cậy trong xác thịt luôn chạy theo tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền thế, học thức… của thế gian; trong khi con dân chân thật của Chúa thì luôn tìm kiếm những sự thuộc về Vương Quốc Trời và sự công bình của Đức Chúa Trời. Vì con dân chân thật của Chúa biết và tin rằng: Mọi nhu cầu của họ, từ thuộc thể đến thuộc linh, đều được ban cho bởi Đức Chúa Trời, họ không cần phải tìm kiếm chúng.

4 Dù tôi cũng có thể tin cậy trong xác thịt. Nếu có ai tưởng rằng có thể nương cậy trong xác thịt, thì tôi lại có thể càng hơn.

Phao-lô không để lòng tin cậy trong xác thịt không phải vì ông không có gì trong xác thịt để tin cậy, hay khoe khoang. Thực tế, những gì ông có được trong xác thịt: bề thế gia tộc, danh tiếng, địa vị, quyền thế, của cải, học thức, lòng tin kính Thiên Chúa… đều vượt trội hơn nhiều người.

5 {Tôi} chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng I-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, một người Hê-bơ-rơ của dân Hê-bơ-rơ; về luật pháp, là một người Pha-ri-si;

6 về lòng sốt sắng thì bách hại Hội Thánh; về sự công bình trong luật pháp thì không chỗ trách được.

7 Nhưng những gì đối với tôi là có lợi thì tôi xem như sự lỗ, vì Đấng Christ.

Phao-lô là một người I-sơ-ra-ên chính gốc và là một người Pha-ri-si. Pha-ri-si có nghĩa là: biệt riêng. Người Pha-ri-si là người tự biệt riêng đời sống của mình, để phục vụ Thiên Chúa qua sự học Lời Chúa và giảng dạy Lời Chúa. Giáo Phái Pha-ri-si dấy lên từ sau khi dân I-sơ-ra-ên mãn hạn 70 năm nô lệ Đế Quốc Ba-by-lôn, được Vua Si-ru của đế quốc Phe-rơ-sơ (nước Cộng Hoà Hồi Giáo I-ran ngày nay) trả tự do, cho về xây dựng lại Giê-ru-sa-lem và đền thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Chính Giáo Phái Pha-ri-si đã biến đức tin nơi Thiên Chúa và sự thờ phượng Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên thành Do-thái Giáo. Ngoài Thánh Kinh Cựu Ước, họ còn đặt ra hàng ngàn giáo luật mà đa số là bẻ cong Lời Chúa hoặc thêm vào Lời Chúa, áp đặt gánh nặng hình thức tôn giáo lên con dân Chúa.

Phần lớn những người Pha-ri-si chỉ là những kẻ giả hình. Ma-thi-ơ 23 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về sự gian ác và giả hình của giới Pha-ri-si. Theo sử liệu, vào thời của Đức Chúa Jesus Christ, có khoảng hơn 6,000 người Pha-ri-si. Chính những người Pha-ri-si chủ mưu trong việc giết chết Đức Chúa Jesus Christ. Lời tiên tri trong Thi Thiên 22:16 gọi họ là những con chó. Một vài người Pha-ri-si tốt được nói đến trong Thánh Kinh là: Ni-cô-đem, Ga-ma-li-ên, và Phao-lô. Ga-ma-li-ên là thầy dạy Thánh Kinh của Phao-lô.

Đối với Do-thái Giáo thời bấy giờ và cả thời nay thì việc Đức Chúa Jesus xưng mình là Đấng Christ, là Con của Đức Chúa Trời, chính là một sự phạm thượng Thiên Chúa. Vì thế, việc Phao-lô bách hại Hội Thánh được kể là thành tích đáng khen trong giới Do-thái Giáo. Phao-lô nhắc đến việc ông sốt sắng bách hại Hội Thánh như là một danh tiếng ông đạt được trong tôn giáo.

Riêng về sự vâng giữ nghiêm khắc Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, các điều luật của Môi-se, và hàng ngàn giáo luật của Do-thái Giáo, thì Phao-lô là người không chỗ trách được. Phao-lô thật sự vì tôn kính Chúa mà vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời cùng với các luật lệ do loài người đặt ra, theo mặt hình thức.

Phao-lô cũng là công dân của đế quốc La-mã, một đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ.

So với nhiều người I-sơ-ra-ên thời bấy giờ thì những gì Phao-lô có và thu đạt được là những gì có thể bảo đảm cho ông một đời sống nhung lụa, được xã hội kính trọng. Nhưng ngay khi được gặp Chúa, Phao-lô liền vứt bỏ tất cả để một lòng theo Chúa, y theo tiếng gọi của Ngài:

…Nếu ai muốn theo Ta, hãy tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).

Phao-lô kể những sự ông có được trong xác thịt, trước đây đem lại thuận lợi cho ông trong tổ chức tôn giáo, trong sinh hoạt xã hội, là sự lỗ. Bởi vì, nếu ông giữ những sự ấy thì ông không thể có được Đấng Christ.

Mệnh lệnh của Đấng Christ rất là rõ ràng: Người muốn theo Ngài phải tự bỏ chính mình và phải chịu khổ mỗi ngày vì bị thế gian đối xử bất công.

Sự từ bỏ chính mình và từ bỏ thế gian hoàn toàn không có nghĩa là, không còn dùng đến thân thể xác thịt và những sự thuộc về thế gian, mà là từ bỏ quyền làm chủ, để Đấng Christ làm chủ chính mình và mọi sự. Danh từ “Chúa” có nghĩa là chủ. Chúng ta gọi Đấng Christ là “Chúa” có nghĩa là chúng ta nhận Ngài làm chủ đời sống của mình và tất cả những gì thuộc về mình, vì Ngài là chủ muôn vật do Ngài dựng nên.

Chúng ta vẫn sử dụng những điều chúng ta có và thu đạt được để hầu việc Chúa, như chúng ta là người quản lý những sự ấy cho Chúa; nhưng chúng ta không còn say mê những sự ấy, không còn trông cậy nơi những sự ấy.

…những người dùng thế gian này thì chớ lạm dụng nó; vì hình trạng của thế gian này qua đi.” (I Cô-rinh-tô 7:31).

Động từ “xem như” được dùng với thời quá khứ hoàn thành, nhấn mạnh đến quyết tâm của Phao-lô và kết quả không thay đổi của quyết tâm ấy. Ông đã xem mọi sự như sự lỗ và mãi mãi sẽ là như vậy.

8 Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ,

Không những Phao-lô xem mọi sự ông có như sự lỗ mà ông cũng xem tất cả mọi sự khác trong thế gian như sự lỗ. Vì ông hiểu rằng, chỉ khi nào lòng ông không còn yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian, thì ông mới có thể đạt đến sự hiểu biết sâu nhiệm về Chúa của ông, là Đấng Christ Jesus.

Hình ảnh của một ly nước bẩn phải được đổ hết đi, rửa sạch, để tiếp nhận đầy tràn chất nước tinh khiết giúp minh họa cho điều Phao-lô tâm tình trong câu 7 và 8 trên đây. Chúng ta sẽ không bao giờ có sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ cho đến khi chúng ta hoàn toàn từ bỏ lòng yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian, để lòng của chúng ta chỉ có yêu Chúa và tiếp nhận tình yêu của Ngài vào trong chúng ta, rồi chúng ta yêu mọi người bằng tình yêu của Chúa.

Sự hiểu biết siêu việt là sự hiểu biết vượt trội hơn tất cả mọi sự hiểu biết. Sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus là sự hiểu biết cách sâu nhiệm về sự kiện Thiên Chúa thành người, chịu khổ, chịu nhục, và chịu chết để cứu chuộc loài người ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Phao-lô dùng cách gọi “Đấng Christ Jesus” để nhấn mạnh đến sứ mạng giảng dạy, cứu chuộc, và cai trị của Đức Chúa Jesus [1]. Sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus là sự hiểu biết tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa thể hiện trong Ngài, để học theo Ngài và sống như Ngài, trở thành ánh sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:14) như Ngài là sự sáng của thế gian (Giăng 1:4). Sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ còn là sự hiểu biết những lời tiên tri của Ngài về sự đến của Ngài để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, sự tận thế, Vương Quốc Ngàn Năm, sự phán xét chung cuộc, và Vương Quốc Đời Đời.

Phao-lô xem những sự ông có và thu đạt được cùng tất cả mọi sự thuộc về thế gian như phân. Danh từ “phân” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ rác rưới hoặc phân người, phân thú. Trong câu chuyện Ma Quỷ (Sa-tan) cám dỗ Đức Chúa Jesus, Ma Quỷ hứa ban cho Ngài mọi quốc gia trong thế gian, nếu Ngài chịu thờ phượng nó. Nếu như Phao-lô cầm quyền trên mọi quốc gia trong thế gian, thì ông cũng coi quyền ấy như phân, từ bỏ nó để được Đấng Christ! Tiếc thay! Ngày nay, nhiều người xưng mình là tín đồ của Đấng Christ nhưng lại chọn một danh tiếng, một chức vụ, một việc làm, một người tình, một số tiền, một thói hư, tật xấu… thay vì chọn Đấng Christ.

Được Đấng Christ trước hết là được ở trong sự cứu chuộc của Ngài; kế tiếp là được trở nên giống như Ngài; sau cùng là được hiệp một với Ngài. Chúng ta được ở trong sự cứu chuộc của Đấng Christ khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Chúng ta được trở nên giống như Đấng Christ khi chúng ta trung tín vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, bao gồm: Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh.

9 và được tìm thấy ở trong Ngài, không phải {bởi} có sự công bình của tôi, là sự ra từ luật pháp, nhưng sự {công bình} bởi tin nơi Đấng Christ, là sự công bình ra từ Đức Chúa Trời bởi đức tin;

Được tìm thấy ở trong Đấng Christ là được tìm thấy ở trong tình yêu, ân điển, và sự thông công của Thiên Chúa bởi đức tin vào Tin Lành. Đức tin vào Tin Lành là: Tin rằng mình có tội và muốn từ bỏ tội. Tin rằng Thiên Chúa nhập thế làm người để cứu chuộc mình qua cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Tin rằng mình phải sống một nếp sống mới, không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, làm trọn mọi việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mình bởi sức toàn năng của Đấng Christ, bởi các ân tứ của Đức Thánh Linh, và bởi các vũ khí của Đức Chúa Trời.

Không ai có thể được tìm thấy ở trong Đấng Christ bởi sự gắng sức riêng để vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa, vì mọi người đều đã phạm tội, và sẽ cứ tiếp tục phạm tội nếu không ở trong Đấng Christ. Một người vâng giữ luật pháp nghiêm khắc, không chỗ trách được như Phao-lô, về mặt hình thức, vẫn có thể phạm tội trong tư tưởng hoặc phạm những tội không biết. Sự không chỗ trách được của Phao-lô chỉ là không chỗ trách được về sự giữ luật theo hình thức bên ngoài.

Sự công bình của loài người là sự vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa. Nhưng sự công bình của loài người không thể trọn vẹn, vì vẫn có lúc loài người vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Sự công bình ra từ Đức Chúa Trời là sự Ngài tha thứ cho sự vi phạm của những ai biết ăn năn và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Trời công bố những người ấy là công bình vì sự vi phạm của họ đã được Đức Chúa Trời hình phạt trên Đức Chúa Jesus Christ. Một người chỉ cần tin nhận Tin Lành để được sự công bình ra từ Đức Chúa Trời, và cứ tiếp tục ở trong Tin Lành để tiếp tục nhận lấy sự công bình ra từ Đức Chúa Trời.

10 để tôi được biết Ngài, quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công trong sự thương khó của Ngài, làm {cho tôi} nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài;

11 sao cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.

Chỉ khi được tìm thấy trong Đấng Christ thì một người mới thật sự BIẾT Đấng Christ. Động từ “biết” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ lẫn Hy-lạp của Thánh Kinh cũng là động từ được dùng để ám chỉ sự hiệp một giữa vợ chồng trong quan hệ tính dục. Vì thế, BIẾT Đấng Christ là kinh nghiệm sự hiệp một với Ngài, thể hiện qua sự hiệp một của Hội Thánh. BIẾT Đấng Christ còn là có mối thông công mật thiết với Ngài qua sự tương giao, trò chuyện với Ngài, và mỗi ngày học biết về Ngài qua Thánh Kinh. Phao-lô là một người đã BIẾT Đấng Christ.

Phao-lô cũng biết đến quyền phép sự sống lại của Ngài, tức là kinh nghiệm năng lực phục sinh của Đấng Christ trong tâm thần và linh hồn. Phao-lô nhận biết ông là một tạo vật mới trong Đấng Christ:

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Phao-lô cũng biết sự thông công trong sự thương khó của Đấng Christ, tức là cảm nhận sự Đấng Christ chịu khổ vì ông qua sự ông chịu khổ vì danh Ngài.

Sự biết về Đấng Christ, về quyền phép sự sống lại của Ngài, về sự thông công trong sự thương khó của Ngài đã khiến cho Phao-lô giống như Đấng Christ, không những trong nếp sống mỗi ngày mà còn giống như Ngài trong sự chết. Giống như Đấng Christ trong sự chết của Ngài tức là chết cho Ngài, như Ngài đã chết cho chúng ta.

Kết quả sau cùng của sự BIẾT Đấng Christ là thân thể xác thịt sẽ được sống lại sau khi chết, và sống đời đời trong vinh quang với Thiên Chúa.

Nguyện tình yêu của Đức Chúa Trời cứ ở trong chúng ta để chúng ta luôn yêu Đức Chúa Jesus Christ hơn tất cả mọi sự trong đời này. Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu biết siêu việt về Đấng Christ, để chúng ta cứ được vui mừng mãi mãi. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ cứ đồng hành với chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc, để chúng ta luôn được thông công trong sự thương khó của Ngài và chết cho Ngài, như Ngài đã chịu thương khó cho chúng ta và chết cho chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/12/2016

Ghi chú:

[1] Xin đọc bài “Jesus Christ và Christ Jesus”: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.