Chú Giải Phi-líp 04:10-23

4,777 views

Chú Giải Phi-líp 4:10-23
Gương Sáng của Phao-lô và của Hội Thánh tại Phi-líp

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

10 Tôi đã rất vui mừng trong Chúa, vì nay, sự các anh chị em lo tưởng đến tôi lại nở rộ, trước đây các anh chị em vẫn nghĩ đến nhưng không có dịp tiện.

11 Không phải tôi muốn nói đến sự cần dùng. Vì tôi đã học được, trong {hoàn cảnh} nào cũng thỏa lòng.

12 Tôi biết chịu nghèo hèn và tôi biết được dư dật. Khắp nơi và trong mọi sự, tôi đã quen với no lẫn đói, dư dật lẫn thiếu thốn.

13 Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.

14 Nhưng các anh chị em đã làm tốt khi dự phần trong sự khốn khó của tôi.

15 Hỡi những người Phi-líp! Các anh chị em cũng biết rằng, vào lúc ban đầu của Tin Lành, khi tôi lìa xứ Ma-xê-đoan, chẳng có Hội Thánh nào thông công với tôi trong sự ban cho và nhận lãnh, ngoại trừ chỉ có các anh chị em.

16 Vì tại Tê-sa-lô-ni-ca, các anh chị em đã gửi một lần rồi hai lần cho sự cần dùng của tôi.

17 Không phải vì tôi tìm kiếm quà tặng, nhưng tôi tìm kiếm sự kết quả dư dật đến cho tài khoản của các anh chị em.

18 Vậy, tôi đã nhận được hết, và đang dư dật. Tôi được đầy dẫy vì đã nhận nơi Ép-ba-phô-đích những vật từ các anh chị em, như một thứ hương có mùi thơm, một của lễ đáng nhận và đẹp lòng Đức Chúa Trời.

19 Đức Chúa Trời của tôi sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu của các anh chị em y theo sự giàu có của Ngài trong sự vinh quang, trong Đấng Christ Jesus.

20 Nguyện sự vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta cho đến đời đời! A-men!

21 {Xin} chào hết thảy các thánh đồ trong Đấng Christ Jesus. Các anh chị em cùng Cha ở với tôi chào các anh chị em.

22 Hết thảy các thánh đồ chào các anh chị em, nhất là những người thuộc về người nhà của Sê-sa.

23 Nguyện xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với hết thảy các anh chị em! A-men! [Thư gửi cho người Phi-líp, do Ép-ba-phô-đích chép tại thành Rô-ma và tận tay mang đến cho Hội Thánh tại Phi-líp.]

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/s37zcc6o6rl62bh/9050041_Philip_4_10-23.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDgyMDU2NDZf/9050041_Philip_4_10-23.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9050041-phi-lip-4_10-23

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong phần cuối cùng của thư gửi cho Hội Thánh tại Phi-líp, Sứ Đồ Phao-lô đã tâm tình về nếp sống luôn thỏa lòng trong Chúa của ông, đồng thời một lần nữa nhắc đến tấm lòng yêu thương quý mến và sự tiếp trợ của Hội Thánh tại Phi-líp dành cho ông.

10 Tôi đã rất vui mừng trong Chúa, vì nay, sự các anh chị em lo tưởng đến tôi lại nở rộ, trước đây các anh chị em vẫn nghĩ đến nhưng không có dịp tiện.

Từ ngữ “rất” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một trạng từ chỉ được dùng có một lần tại đây trong Thánh Kinh, và có nghĩa là: vô cùng lớn! Từ trạng từ megalos này của tiếng Hy-lạp mà ra tính từ mega trong tiếng Anh với các nghĩa: to lớn, vĩ đại; đứng đầu trong sự xếp hạng, trong sự xuất sắc, hay trong sự quan trọng.

Phao-lô nhấn mạnh về sự vui mừng của ông khi ông nhận được sự thông công, tiếp trợ từ con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-líp: Tôi đã RẤT vui mừng trong Chúa! Sự vui mừng trong Chúa của tôi đã VÔ CÙNG LỚN!

Phao-lô đã rất vui mừng vì tấm lòng yêu thương, quý mến của con dân Chúa tại Phi-líp dành cho ông, được thể hiện qua hành động gửi quà tiếp trợ ông, gửi người chăm sóc ông. Họ không chỉ lo tưởng đến Phao-lô trong lòng mà họ đã nhiều lần thể hiện sự lo tưởng ấy thành hành động. Chắc chắn có nhiều con dân Chúa khắp nơi thời bấy giờ, nhất là con dân Chúa trong các Hội Thánh mà Phao-lô đã từng rao giảng, gây dựng, giảng dạy, có lòng lo tưởng đến ông. Nhưng chỉ có duy nhất con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-líp là có hành động thiết thực, bằng cách tiếp trợ Phao-lô về các nhu cầu vật chất của ông, như Phao-lô đã xác định trong Phi-líp 4:15.

Từ ngữ “nở rộ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một động từ cũng chỉ được dùng có một lần tại đây trong Thánh Kinh. Đây là động từ hiếm khi được dùng trong văn chương Hy-lạp, và chỉ dùng trong thi ca, để nói đến sự đâm chồi, nẩy lộc của cây cối. Cách dùng chữ này của Phao-lô vừa nên thơ, vừa gợi hình. Ông ví sánh hành động phát xuất từ tình yêu chân thật của Hội Thánh tại Phi-líp dành cho ông như những mầm non của cây cỏ nở rộ trong mùa xuân, đem lại niềm vui và sự sống cho muôn loài.

Hội Thánh tại Phi-líp luôn luôn yêu quý và nghĩ đến Phao-lô, và khi có cơ hội thì họ thể hiện tình yêu thành hành động, bằng cách gửi quà tiếp trợ ông. Đặc biệt là khi họ hay tin Phao-lô bị tù thì họ rất muốn gửi người đến ở bên cạnh ông, để chăm sóc ông. Tuy nhiên, phải trải qua một thời gian họ mới có thể gửi Ép-ba-phô-đích đến với ông.

11 Không phải tôi muốn nói đến sự cần dùng. Vì tôi đã học được, trong {hoàn cảnh} nào cũng thỏa lòng.

Phao-lô muốn nói rằng, ông RẤT vui mừng không phải vì nhu cầu thuộc thể của ông được Hội Thánh tại Phi-líp hết lòng chăm sóc cho ông được đầy đủ. Bởi vì trên bước đường theo Chúa và hầu việc Chúa, ông đã học được bài học căn bản và vô cùng quan trọng cho bất cứ ai ở trong Chúa. Đó là: Trong hoàn cảnh nào cũng thỏa lòng.

Chỉ những ai có đức tin thật vào Thiên Chúa thì mới có sự bình an thật. Chỉ những ai có sự bình an thật thì mới biết thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh. Vì bởi đức tin mà người tin Chúa hiểu rằng:

  • Nếu không bởi thánh ý của Đức Chúa Trời thì không một điều gì xảy đến cho mình (Ma-thi-ơ 10:29).

  • Đức Chúa Trời biết hết mọi nhu cầu thuộc thể của mình (Ma-thi-ơ 6:31-32).

  • Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mình mọi nhu cầu (Ma-thi-ơ 6:33).

  • Mọi sự hiệp lại là để làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28).

  • Đức Chúa Trời luôn mở đường cho con dân Chúa ra khỏi mọi cám dỗ và thử thách. Ngài không cho phép sự cám dỗ hay thử thách nào quá sức chịu đựng của mình (I Cô-rinh-tô 10:13).

  • Đức Chúa Trời không bao giờ lìa bỏ con dân của Ngài (Hê-bơ-rơ 13:5).

  • Qua Đấng Christ mình làm được mọi sự (Phi-líp 4:13).

Với bảy lẽ thật nêu trên, chắc chắn, người thật lòng tin Chúa sẽ luôn thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh là lúc nào cũng bằng lòng với những gì mình đang có và bình an, gắng sức, hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời trong đời sống của mình ngay trong từng thời điểm của đời sống.

12 Tôi biết chịu nghèo hèn và tôi biết được dư dật. Khắp nơi và trong mọi sự, tôi đã quen với no lẫn đói, dư dật lẫn thiếu thốn.

Xuất thân từ một gia đình giàu có, được ăn học với giáo sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ, có địa vị trong Toà Công Luận của Do-thái Giáo, và có quốc tịch La-mã, Phao-lô thật sự biết thế nào là dư dật về vật chất, về trí thức, về danh tiếng, về quyền thế. Nhưng từ khi đầu phục Chúa và dấn thân rao giảng Tin Lành, Phao-lô cũng thường nếm trải những khó khăn, thiếu thốn, đói khát, nguy hiểm, sỉ nhục… như ông đã tâm tình với con dân Chúa tại Cô-rinh tô trong thư II Cô-rinh-tô 11:23-27.

Động từ “quen” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một động từ cũng chỉ được dùng có một lần tại đây trong Thánh Kinh, có nghĩa là: trở nên quen thuộc hoặc trở nên gần gũi, mật thiết với một sự gì, vật gì, điều gì; như một vị vua quen với ngai vua, như một người lính quen với vũ khí của mình.

Cách dùng chữ của Phao-lô trong mấy câu trên đây, để nói lên tình yêu của Hội Thánh tại Phi-líp đối với ông và sự luôn thỏa lòng trong cuộc sống của ông, cho thấy ông thật sự thấm thía tình yêu của Hội Thánh mà cũng thật sự thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của đời sống.

13 Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.

Làm được mọi sự là làm được mọi sự theo ý muốn của Đức Chúa Trời, không phải theo ý riêng của một người nào. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta và muốn chúng ta làm, thì chúng ta đều sẽ làm được. Làm mọi sự theo ý Chúa tức là sống mỗi ngày theo ý Chúa. Ê-phê-sô 2:10 chép:

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.”

Những việc lành, trước hết là toàn bộ cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, tức là sự sáng tạo của Thiên Chúa bao gồm muôn loài trong thế giới thuộc thể lẫn thuộc linh. Kế tiếp, những việc lành là các điều răn của Thiên Chúa mà chúng ta phải tôn kính và vâng giữ. Sau cùng, những việc lành những cảnh ngộ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải trải qua, những việc Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm, để rèn luyện chúng ta, tỉa sửa chúng ta, nhờ đó, chúng ta được kết nhiều quả cho Ngài, sẵn sàng cho công tác đồng trị với Đấng Christ trong tương lai.

Bước đi trong những việc lành là sống trong những việc lành: vui hưởng chúng, quản trị chúng, và phát triển chúng. Chúng ta sống trong những việc lành ngay đang khi còn ở trong thân thể xác thịt này, giữa cuộc đời này. Có những việc lành mà chúng ta không thể nào hoàn thành với sức riêng của chúng ta, mà chúng ta phải nhờ vào sức toàn năng của Chúa, như những việc lành chịu khổ vì danh Chúa.

14 Nhưng các anh chị em đã làm tốt khi dự phần trong sự khốn khó của tôi.

Dù cho không có một sự tiếp trợ nào từ Hội Thánh tại Phi-líp, thì Phao-lô vẫn hoàn thành mục vụ Đức Chúa Trời giao phó cho ông, bởi sự thêm sức của Đấng Christ. Tuy nhiên, sự tiếp trợ của Hội Thánh tại Phi-líp dành cho ông lại chính là việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho Hội Thánh. Bởi sự tiếp trợ chân tình ấy mà Hội Thánh tại Phi-líp đã cùng đồng công với Phao-lô trong việc rao giảng Tin Lành, giảng dạy lẽ thật, mà cũng đồng chịu khổ với ông trong mục vụ. Chắc chắn là Đức Chúa Trời thành tín sẽ ban thưởng cho mỗi một con dân Chúa tại Phi-líp cùng một phần thưởng như Ngài sẽ ban thưởng cho Phao-lô. Lời của Đức Chúa Jesus Christ xác định như vậy trong Ma-thi-ơ 10:41-42:

Ai tiếp nhận một tiên tri trong danh của một tiên tri thì sẽ nhận phần thưởng của tiên tri. Ai tiếp nhận một người công chính trong danh của một người công chính thì sẽ nhận phần thưởng của người công chính. Và, ai sẽ cho một người trong nhóm nhỏ này chỉ uống một chén nước lạnh, trong danh của một môn đồ, Ta nói với các ngươi, người ấy thật sẽ không mất phần thưởng của mình.”

Trên hết mọi sự, những gì mà Hội Thánh tại Phi-líp làm cho Phao-lô chính là làm cho Đức Chúa Jesus Christ:

…Thật vậy, Ta nói với các ngươi, các ngươi đã làm cho một người thấp hèn nhất trong các anh chị em này của Ta, ấy là các ngươi đã làm cho chính mình Ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25:40).

Phao-lô gọi sự tiếp trợ của Hội Thánh tại Phi-líp dành cho ông là họ đã “làm tốt”, bởi vì việc làm của họ xuất phát từ tình yêu trong Chúa, không phải làm chiếu lệ hoặc làm để lấy tiếng, mà làm vì thật sự yêu quý ông, xót xa cho hoàn cảnh của ông, và chia xẻ mọi sự với ông như với một người thân trong gia đình. Thậm chí, họ còn biệt phái người đến chăm sóc ông trong thời gian ông bị tù.

Trạng từ “tốt” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh bao gồm các nghĩa: đẹp đẽ, tinh xảo, tuyệt vời, tốt lành. Một việc làm như vậy thật xứng đáng để dâng lên Đức Chúa Trời như một thức hương thơm (câu 18).

15 Hỡi những người Phi-líp! Các anh chị em cũng biết rằng, vào lúc ban đầu của Tin Lành, khi tôi lìa xứ Ma-xê-đoan, chẳng có Hội Thánh nào thông công với tôi trong sự ban cho và nhận lãnh, ngoại trừ chỉ có các anh chị em.

16 Vì tại Tê-sa-lô-ni-ca, các anh chị em đã gửi một lần rồi hai lần cho sự cần dùng của tôi.

Vào lúc ban đầu của Tin Lành có nghĩa là vào lúc ban đầu khi Phao-lô rao giảng Tin Lành trong xứ Ma-xê-đoan. Khi Phao-lô bị bắt bớ phải rời khỏi xứ Ma-xê-đoan (Công Vụ Các Sứ Đồ 16-17) thì chỉ có Hội Thánh tại Phi-líp tiếp trợ cho ông. Diễn tiến của sự việc là:

  • Vì Phao-lô đã đuổi quỷ ra khỏi một cô gái bị quỷ bói toán ám nhập, nên những người chủ của cô gái ấy nổi giận, bắt Phao-lô và Si-la bỏ tù tại thành Phi-líp.

  • Vào lúc nửa đêm, trong lúc Phao-lô và Si-la hát tôn vinh Chúa thì có cơn động đất lớn xảy ra, các cửa tù đều mở ra. Viên cai ngục tưởng tù nhân đã trốn hết nên rút gươm định tự sát. Nhưng Phao-lô gọi ông ta, cho biết tù nhân vẫn còn đủ. Viên cai ngục cùng gia đình tin nhận Chúa và chịu báp-tem ngay trong đêm.

  • Sáng hôm sau, Phao-lô và Si-la được thả ra vì có quốc tịch La-mã; nhưng chính quyền địa phương yêu cầu họ phải rời khỏi thành Phi-líp, vì không muốn dân chúng nổi loạn.

  • Phao-lô và Si-la từ thành Phi-líp đến thành Tê-sa-lô-ni-ca, ở lại đó khoảng ba tuần. Mỗi ngày Sa-bát vào trong nhà hội của người Do-thái để rao giảng Tin Lành. Có nhiều người tin nhận Tin Lành nhưng những người Do-thái theo Do-thái Giáo vu khống lên chính quyền, rằng Phao-lô và Si-la là những kẻ làm loạn, nên Phao-lô và Si-la phải lánh sang thành Bê-rê.

  • Tại thành Bê-rê có nhiều người tin nhận Tin Lành. Nhưng những người theo Do-thái Giáo tại Tê-sa-lô-ni-ca hay tin thì kéo đến Bê-rê để bách hại Phao-lô và Si-la. Vì thế, Phao-lô và Si-la phải đi đường biển ra khỏi xứ Ma-xê-đoan, đến thành A-thên.

Những sự di chuyển, ăn ở của Phao-lô và các bạn của ông: Si-la, Lu-ca, Ti-mô-thê đều cần đến tiền bạc để giải quyết. Hội Thánh tại Phi-líp đã hết lòng tiếp trợ cho Phao-lô.

Động từ “thông công” dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một động từ đặc biệt dùng trong việc kế toán, nhấn mạnh đến sự: đóng góp phần của mình để trở nên một thành viên trong một tập thể. Mỗi thành viên đóng góp phần của mình cho tập thể và nhận lại từ tập thể những quyền lợi chỉ dành riêng cho thành viên. Hội Thánh tại Phi-líp đã đóng góp phần của họ cho mục vụ truyền giáo của Phao-lô và họ được nhận lãnh những ơn phước từ Chúa qua sự đóng góp ấy, kể cả phần thưởng lớn trong đời sau.

Vào thời điểm ấy, khi Phao-lô ở tại thành Tê-sa-lô-ni-ca, Hội Thánh tại Phi-líp đã hai lần tiếp trợ ông, mà có lẽ lần tiếp trợ thứ nhì là giúp cho ông cùng Si-la có đủ chi phí đi tàu từ Bê-rê đến A-thên. Khi Phao-lô bị tù tại Rô-ma thì một lần nữa, Hội Thánh tại Phi-líp tiếp trợ ông và biệt phái Ép-ba-phô-đích đến Rô-ma để chăm sóc ông.

Đức Chúa Trời thường tiếp trợ nhu cầu vật chất cho con dân của Ngài qua chính những con dân Chúa khác, bởi vì, có như vậy thì con dân Chúa mới được đồng công với nhau trong sự hầu việc Chúa, có cơ hội thể hiện tình yêu thương lẫn nhau qua sự hy sinh, chia xẻ phần vật chất cho nhau. Hãy nhớ lại câu chuyện Đức Chúa Trời dùng người đàn bà góa để tiếp trợ Tiên Tri Ê-li. Ngài làm phép lạ để cứu cả hai khỏi chết đói, nhưng Ngài cũng ban cho người đàn bà góa cơ hội được nhận phần thưởng của một tiên tri, ban cho Ê-li cơ hội học tập khiêm nhường, hạ mình, nhận sự cứu giúp từ một người đàn bà góa nghèo khổ (I Các Vua 17).

Chỉ khi nào chúng ta đối xử với các anh chị em trong Chúa của chúng ta như chúng ta đối xử với chính Chúa, thì chúng ta mới kinh nghiệm được niềm vui của sự dâng hiến và hy sinh.

17 Không phải vì tôi tìm kiếm quà tặng, nhưng tôi tìm kiếm sự kết quả dư dật đến cho tài khoản của các anh chị em.

Phao-lô một lần nữa xác nhận với con dân Chúa tại Phi-líp, rằng ông không có lòng tìm kiếm lợi vật chất từ nơi họ. Nhưng điều ông tìm kiếm là sự trưởng thành thuộc linh của họ, khiến cho họ được sinh ra nhiều quả tốt. Nhờ trưởng thành thuộc linh mà họ biết yêu anh chị em trong Chúa hơn chính bản thân, biết hy sinh cho nhau và tiếp trợ lẫn nhau. Nhờ trưởng thành thuộc linh mà họ biết công cuộc rao giảng Tin Lành là quan trọng, con dân Chúa đều phải dự phần. Nhờ trưởng thành thuộc linh mà họ biết hết lòng, hết sức trong mọi việc làm, như làm cho Chúa, chứ không phải cho loài người.

Danh từ “tài khoản” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là cách dùng đặc biệt trong kế toán của từ ngữ logos /lo-gót/ với nghĩa là: quyền lợi.

18 Vậy, tôi đã nhận được hết, và đang dư dật. Tôi được đầy dẫy vì đã nhận nơi Ép-ba-phô-đích những vật từ các anh chị em, như một thứ hương có mùi thơm, một của lễ đáng nhận và đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Phao-lô xác nhận ông đã nhận được hết mọi sự tiếp trợ của Hội Thánh tại Phi-líp và ông được dư dật mọi sự cần dùng. Phao-lô không dùng chữ “đầy đủ”, nhưng dùng chữ “dư dật” và lập lại rằng, ông được “đầy dẫy”. Phao-lô ví sự tiếp trợ của Hội Thánh tại Phi-líp dành cho ông như là một loại hương thơm và một của lễ đáng nhận, dâng lên Đức Chúa Trời, được Ngài vui nhận. Hê-bơ-rơ 13:16 dạy cho chúng ta biết rằng, mỗi việc lành chúng ta làm đều là của tế lễ dâng lên Đức Chúa Trời.

19 Đức Chúa Trời của tôi sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu của các anh chị em y theo sự giàu có của Ngài trong sự vinh quang, trong Đấng Christ Jesus.

Cách nói: “Đức Chúa Trời của tôi” là cách nói riêng của Phao-lô, để bày tỏ sự yêu kính của ông dành cho Đức Chúa Trời và mối quan hệ mật thiết giữa ông với Đức Chúa Trời. Không phải ông muốn dành riêng Đức Chúa Trời cho ông, mà là ông muốn xác nhận sự kiện ông thuộc về Ngài và Ngài thuộc về ông!

Phần lớn con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-líp là những người bình dân lao động, không giàu có về vật chất. Thế nhưng, họ đã cùng nhau đóng góp để tiếp trợ cho Phao-lô. Ông chúc phước cho họ một điều phước hạnh mà chính ông được kinh nghiệm. Đó là: Đức Chúa Trời mà ông yêu kính, tin cậy, tôn thờ, và phụng sự sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu của họ, từ thuộc thể đến thuộc linh. Trong Hội Thánh tại Phi-líp chắc chắn là có một vài người giàu có, không thiếu thốn về vật chất, như bà Ly-đi, một nhà thương buôn, nhưng họ cũng có những nhu cầu về thuộc linh. Đức Chúa Trời của Phao-lô sẽ làm cho mọi nhu cầu của họ được đầy tràn theo sự giàu có của Ngài, trong sự vinh quang của Thiên Chúa và trong Đấng Christ.

Trong sự vinh quang của Thiên Chúa là trong tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa. Trong Đấng Christ Jesus là trong ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Không một điều gì chúng ta nhận được từ Thiên Chúa trong cuộc đời này hay trong cuộc đời sau, mà không ở trong sự vinh quang của Thiên Chúa và ở trong ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ.

20 Nguyện sự vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta cho đến đời đời! A-men!

Vì sự ban cho Phao-lô nói đến trong câu 19 là đến từ Thiên Chúa Đức Cha, nên Phao-lô dâng mọi vinh quang lên Đức Chúa Trời là Cha.

Chúng ta có thể nói: Mọi vinh quang thuộc về Thiên Chúa! Mọi vinh quang thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa! Mọi vinh quang thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Mọi vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời là Cha! Mọi vinh quang thuộc về Đức Chúa Jesus Christ là Chúa! Mọi vinh quang thuộc về Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật!

21 {Xin} chào hết thảy các thánh đồ trong Đấng Christ Jesus. Các anh chị em cùng Cha ở với tôi chào các anh chị em.

22 Hết thảy các thánh đồ chào các anh chị em, nhất là những người thuộc về người nhà của Sê-sa.

Phao-lô gửi lời chào mọi con dân Chúa. Phao-lô chuyển lời chào thăm của những người đang ở cùng ông, trong đó có Lu-ca, Ti-mô-thê đến con dân Chúa tại Phi-líp, đặc biệt là những người thuộc hoàng gia. Sê-sa là danh hiệu gọi hoàng đế La-mã thời bấy giờ. Lúc đầu, Sê-sa là họ của Hoàng Đế Au-gút-tơ (Caesar, có nghĩa là làm cho đứt ra), về sau được mười một hoàng đế theo sau ông dùng làm danh hiệu. Vì thế, Sê-sa có nghĩa đặc biệt là: hoàng đế của đế quốc La-mã. Người nhà của Sê-sa được nói đến ở đây là gia đình của Hoàng Đế Nê-rô, trong đó có vợ của Nê-rô, lẫn những người nô lệ phục vụ trong cung vua.

23 Nguyện xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với hết thảy các anh chị em! A-men! [Thư gửi cho người Phi-líp, do Ép-ba-phô-đích chép tại thành Rô-ma và tận tay mang đến cho Hội Thánh tại Phi-líp.]

Vì toàn bộ nội dung của thư Phi-líp kêu gọi con dân Chúa hãy sống nếp sống mới hiệp một, vui mừng, tận hiến trong Đấng Christ, nên Phao-lô đã kết thúc thư bằng lời chúc cho Hội Thánh tại Phi-líp được ở trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Ở trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là ở trong sự cứu chuộc, ở trong sự được dựng nên mới, và ở trong sự tận sức làm cho Tin Lành được tấn tới.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì thư Phi-líp được Phao-lô đọc cho Ép-ba-phô-đích chép và do chính Ép-ba-phô-đích cầm tay từ Rô-ma đến Phi-líp, trao cho Hội Thánh tại Phi-líp. Ép-ba-phô-đích đã phải vượt một chặng đường vừa bộ vừa thủy hơn 1,300 km, từ Rô-ma về Phi-líp. Cuộc hành trình có thể kéo dài đến một tháng.

Chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cảm tạ Đức Thánh Linh vì Ngài đã thần cảm cho Phao-lô viết ra thư Phi-líp và bảo tồn nội dung của thư cho đến ngày nay. Nhờ đó, chúng ta học được những lẽ thật về nếp sống mới đầy vui mừng và kết quả trong Đấng Christ; được biết tấm gương sáng của Sứ Đồ Phao-lô và Hội Thánh tại Phi-líp.

Nguyện Thần Lẽ Thật bao phủ chúng ta bằng mọi lẽ thật và cứ dắt chúng ta bước đi trong mọi lẽ thật, để chúng ta được thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí và trong lẽ thật. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/12/2016

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.