Chú Giải Rô-ma 01:08-15

5,826 views

Rô-ma_004 Tâm Tình và Bổn Phận Sứ Đồ của Phao-lô
(Rô-ma 1:8-15)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Dẫn Nhập

Trong phần chào thăm và mở đầu thư Rô-ma, Sứ Đồ Phao-lô đã dành ra tám câu (1:8-15) để bày tỏ tâm tình của ông đối với Hội Thánh Chúa tại Rô-ma, nói riêng, và đối với bất cứ ai chưa hề nghe biết đến Tin Lành, nói chung; đồng thời nói rõ bổn phận rao giảng Tin Lành mà Chúa đã giao cho ông. Chúng ta có thể tóm lược những điều Phao-lô viết trong tám câu đó thành một tựa đề: “Tâm Tình và Bổn Phận Sứ Đồ của Phao-lô.” Tâm tình là những suy nghĩ và cảm xúc của mình về một điều gì đó, về ai đó. Bổn phận là điều mình phải làm cho Thiên Chúa, cho chính mình và cho người khác.

Không phải Phao-lô chỉ bày tỏ tâm tình và bổn phận sứ đồ của ông trong tám câu mở đầu của thư Rô-ma, nhưng điều đó được thể hiện khắp trong các thư tín của ông.

Cảm Tạ Chúa Vì Nếp Sống Đạo của Người Khác

Rô-ma 1:8 Trước hết, tôi thật vì hết thảy các anh chị em, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, mà cảm tạ Đức Chúa Trời tôi về sự đức tin của các anh chị em đã lan truyền khắp cả thế gian.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI0MDgwMThf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11604-tamtinhvabonphansudo
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/4qi7dc57eaew861/11604_ChuGiaiRo-ma_1_8-15_TamTinhVaBonPhanSuDo.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Thông thường, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa vì những điều phước hạnh Chúa ban cho chúng ta, vì những thành quả mà chúng ta đạt được trong nếp sống Đạo và trong công tác hầu việc Chúa. Thế nhưng, việc cảm tạ Chúa vì nếp sống Đạo của người khác là một điều không thể thiếu sót trong nếp sống Đạo của chúng ta. Sống Đạo tức là sống đúng theo ý Chúa đã được bày tỏ qua Lời Chúa (Đạo tức là Lời Chúa, ý Chúa). Lời Chúa dạy rằng con dân Chúa là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ, mỗi cá nhân là một chi thể trong thân thể Chúa (I Cô-rinh-tô 12:12-30), vì thế, khi một anh chị em nào có nếp sống Đạo thánh khiết và đức tin mạnh mẽ thì tất cả những người còn lại đều tự nhiên vui mừng và cảm tạ Chúa.

Phao-lô chưa từng gặp những con dân Chúa trong Hội Thánh tại Rô-ma nhưng ông nghe biết về đức tin của họ, vì đức tin của họ đã được lan truyền ra khắp cả thế gian. Phao-lô dùng mệnh đề: “hết thảy các anh chị em” cho chúng ta thấy toàn thể Hội Thánh Chúa tại Rô-ma lúc bấy giờ là vững mạnh trong đức tin; dù cho đến lúc ấy, Hội Thánh Rô-ma chưa bao giờ được nghe sự giảng dạy Lời Chúa trực tiếp từ một sứ đồ. Chúng ta không có chi tiết về sự Hội Thánh Chúa được thành lập tại Rô-ma như thế nào, nhưng dựa vào Công Vụ Các Sứ Đồ 2:9 và 41 chúng ta có thể tin rằng: Rất có thể, trong số những người từ thành Rô-ma đến Giê-ru-sa-lem trong ngày Hội Thánh được thành lập, có nhiều người đã tin nhận Chúa qua lời giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ và đem Đạo Chúa về rao giảng tại Rô-ma. Nếu đúng vậy thì Hội Thánh Chúa tại Rô-ma được thành lập không bao lâu sau Lễ Ngũ Tuần vào năm 27. Khi Phao-lô viết thư Rô-ma vào đầu năm 57 thì Hội Thánh Chúa tại Rô-ma đã có ít nhất là 5 điểm nhóm khác nhau: nhóm thứ nhất nhóm họp tại nhà của Bê-rít-sin và A-qui-la (Rô-ma 16:3-5); bốn nhóm khác được đề cập trong Rô-ma 16:10-11 và 14-15. Dù nhóm họp tại những địa điểm khác nhau, nhưng tất cả con dân Chúa tại thành Rô-ma đều có chung một đức tin vững chắc nơi Chúa.

Từ ngữ “đức tin” bao gồm các ý: (1) tin rằng Đức Chúa Jesus Christ là Con Đức Chúa Trời, là Đấng Giải Cứu đã được Thiên Chúa hứa trước trong Thánh Kinh; (2) tin rằng sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ đem lại ơn cứu rỗi và phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho những ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ; (3) tin và làm theo mọi lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, từ ngữ “đức tin” không giới hạn trong sự nhận thức mà còn bao gồm cả nếp sống thể hiện sự nhận thức thành hành động trong cuộc sống của người tin.

Động từ “lan truyền” trong nguyên ngữ có nghĩa là được bàn tán đến. Đức tin của con dân Chúa phải là đối tượng để mọi người trong thế gian bàn tán đến, và cách nay gần 2,000 năm, Hội Thánh Chúa tại Rô-ma đã đạt đến tiêu chuẩn ấy.

Thành ngữ: “khắp cả thế gian” trong nền văn hóa La-mã và Hy-lạp thời bấy giờ không có nghĩa là khắp nơi trên địa cầu mà chỉ có nghĩa là khắp lãnh thổ của Đế Quốc La-mã hoặc Đế Quốc Hy-lạp (Đế Quốc Hy-lạp bị thôn tính bởi Đế Quốc La-mã nhưng nền văn hóa Hy-lạp đã chinh phục nền văn hóa La-mã). Tuy nhiên, khi từ ngữ “thế gian” được dùng làm đối tượng cho mọi ý muốn và hành động của Thiên Chúa thì luôn luôn bao gồm toàn thể địa cầu và mọi vật thuộc về địa cầu, như khi được dùng trong Giăng 3:16: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian.” Nhiều người tưởng rằng “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian” chỉ có nghĩa là Đức Chúa Trời yêu thương mọi người trong thế gian; nhưng không phải vậy, mà là Đức Chúa Trời yêu thương mọi người và mọi vật trong thế gian. Sự Đức Chúa Trời ban cho Con Một của Ngài không chỉ nhằm cứu rỗi loài người mà còn cứu rỗi muôn vật ra khỏi sự rủa sả vì sự phạm tội của loài người. Rô-ma 8:21-22 chép:

Bởi vì, chính tạo vật cũng sẽ được giải cứu khỏi sự nô lệ cho sự hư nát mà vào trong sự tự do vinh quang của con cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng toàn thể tạo vật cùng nhau than thở và cùng nhau đau khổ cho đến bây giờ.”

Cô-lô-se 1:20 chép:

… và qua Ngài mà phục hòa muôn vật với chính Ngài, dầu là những vật dưới đất hoặc những vật trong các tầng trời; bởi Ngài đã làm nên sự hòa bình thông qua máu của thập tự giá Ngài.”

Sứ Đồ Phao-lô dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời khi ông được nghe biết về đức tin của Hội Thánh tại Rô-ma: Trước hết, tôi thật vì hết thảy các anh chị em, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, mà cảm tạ Đức Chúa Trời tôi về sự đức tin của các anh chị em đã lan truyền khắp cả thế gian.” Phao-lô dùng từ ngữ “thật” để tỏ cho con dân Chúa tại Rô-ma, rằng ông thật sự có vì họ mà dâng lên Đức Chúa Trời lời cảm tạ chứ không phải ông chỉ viết như vậy để lấy lòng họ. Hành động và lời cảm tạ của Phao-lô vì đức tin của người khác là thật, vì nó xuất phát từ niềm vui và lòng biết ơn chân thật của ông với ý thức: mọi con dân Chúa là các chi thể của cùng một thân.

Phao-lô có thói quen dùng cách gọi: “Đức Chúa Trời tôi.” Không phải ông có ý dành Đức Chúa Trời cho riêng ông hay ngụ ý rằng Đức Chúa Trời của ông khác với Đức Chúa Trời của những tín hữu khác. Cách gọi của Phao-lô thể hiện sự thông công mật thiết của ông với Đức Chúa Trời đến nỗi ông có thói quen gọi Ngài là “Đức Chúa Trời tôi!”

Sự cảm tạ của Phao-lô được dâng lên Đức Chúa Trời “nhờ” Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là: Cảm tạ trong danh của Đức Chúa Jesus Christ: “Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta” (Ê-phê-sô 5:20). Vì Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Trung Bảo giữa Thiên Chúa và chúng ta (I Ti-mô-thê 2:5), cho nên, mọi lời cầu nguyện, tôn vinh, cảm tạ, và mọi việc làm của chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời đều phải làm trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.

Hầu Việc Đức Chúa Trời Trong Tâm Thần

Rô-ma 1:9 Vì Đức Chúa Trời mà tôi hầu việc trong tâm thần bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, là chứng nhân cho tôi, rằng tôi không ngừng nhắc đến các anh chị em

Giăng 4:24 cho chúng ta biết: “Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật.” Sự thờ phượng Đức Chúa Trời không phải chỉ là tôn vinh, ca tụng, quỳ lạy mà còn là tất cả những gì chúng ta làm theo thánh ý của Ngài, tức là, bao gồm sự chúng ta vâng giữ các điều răn của Chúa và hết lòng làm những công việc Chúa giao cho chúng ta. Phao-lô nói ông hầu việc Đức Chúa Trời Chúa trong tâm thần bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, có nghĩa là:

  1. Giảng Tin Lành của Đấng Christ tức là hầu việc Đức Chúa Trời.
  2. Dù việc giảng Tin Lành là hành động được thể hiện qua thân thể xác thịt nhưng động cơ thì phát xuất từ trong tâm thần. Vì thế, sự hầu việc Đức Chúa Trời bắt nguồn từ trong tâm thần của chúng ta.

Hầu việc Chúa trong tâm thần là ý thức bổn phận của mình đối với Chúa, trong chức vụ Chúa giao phó, và sẵn lòng làm tròn bổn phận. Khi lòng chúng ta quyết tâm hầu việc Chúa là chúng ta đã bắt đầu hầu việc Chúa trong tâm thần, rồi sự hầu việc Chúa đó mới được thể hiện ra bên ngoài bởi thân thể của chúng ta. Cho dù có ai trong chúng ta không được Chúa kêu gọi làm sứ đồ, tiên tri, người chăn, hay người dạy Đạo thì mỗi chúng ta vẫn có chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Trời do Đức Chúa Jesus Christ ban cho (Khải Huyền 1:6). Chức vụ đó cần phải được thi hành từ trong tâm thần.

Ngày xưa và cho đến ngày nay, có nhiều người giảng Tin Lành nhưng không phải là hầu việc Đức Chúa Trời trong tâm thần như Phao-lô. Ngay trong thời Phao-lô, có những người giảng Tin Lành vì lòng ganh tỵ, vì ý phe đảng để gây thêm sự đau khổ cho Phao-lô trong khi ông bị tù (Phi-líp 1:15-17). Ngày nay, nhiều người giảng Tin Lành để gây dựng cơ ngơi, sự nghiệp vật chất, và danh tiếng cho chính họ hoặc cho một giáo hội. Ma-thi-ơ 23 ghi lại lời Đức Chúa Jesus mô tả và quở trách những người Pha-ri-si giả hình thời xưa có thể áp dụng cho những kẻ giả hình thời nay. II Phi-e-rơ 2 cũng mô tả và quở trách những giáo sư giả một cách rõ ràng và nghiêm khắc.

Không Ngừng Nhắc Đến Anh Chị Em Trong Những Lời Cầu Nguyện

Rô-ma 1:9 Vì Đức Chúa Trời mà tôi hầu việc trong tâm thần bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, là chứng nhân cho tôi, rằng tôi không ngừng nhắc đến các anh chị em

Rô-ma 1:10 trong những lời cầu nguyện của tôi. Cho đến giờ tôi vẫn cầu xin rằng, ít ra bằng cách nào đó, theo ý Đức Chúa Trời, tôi sẽ có chuyến đi thành công đến cùng các anh chị em.

Phao-lô tâm sự với con dân Chúa trong Hội Thánh tại Rô-ma rằng, ông không ngừng nhắc đến họ trong những lời cầu nguyện của ông. Thật khó mà tưởng tượng có ai đó chưa hề quen biết chúng ta mà lại “không ngừng” nhắc đến chúng ta trong những lời cầu nguyện của họ. Tuy nhiên, Phao-lô đã làm điều này đối với Hội Thánh Rô-ma và ông khẳng định rằng Đức Chúa Trời làm chứng cho ông. Không ngừng nhắc đến trong những lời cầu nguyện có nghĩa là trong những lúc Phao-lô cầu nguyện thì ông nhớ đến Hội Thánh Rô-ma và dâng lời cảm tạ Chúa về đức tin của họ, đồng thời, ông xin Chúa ban cho ông có cơ hội được đến thăm và thông công với họ. Điều đó không phải chỉ xảy ra một đôi lần mà là thường xuyên trong sự cầu nguyện của Phao-lô, đến nỗi, ngay khi thư Rô-ma được viết ra thì ông vẫn tiếp tục nhắc đến họ trong những khi ông cầu nguyện. Ông cầu xin Đức Chúa Trời, theo thánh ý Ngài, bằng cách nào đó, ban cho ông cơ hội được đến Rô-ma.

Lời cầu xin của Phao-lô đã được Đức Chúa Trời đáp nhận vào đầu mùa thu năm 61, tức là hơn 4 năm sau khi thư Rô-ma được viết ra. Cách mà Đức Chúa Trời dùng để đưa Phao-lô đến Rô-ma là khiến cho ông bị giải ra trước tòa án của Sê-sa. Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 27 và 28 ghi lại chi tiết hành trình đến Rô-ma của Phao-lô. Chuyến đi này được xem như là hành trình truyền giáo lần thứ tư của Phao-lô. Phao-lô đến Rô-ma vào khoảng cuối mùa đông năm 61. Trong khi chờ đợi ra trước tòa án của Sê-sa, Phao-lô được phép thuê một căn nhà trọ để ở với sự canh giữ của một người lính La-mã. Ông được trắng án vào mùa xuân năm 63. Phao-lô đã ở trọn hai năm (62-64) tại Rô-ma để giảng và dạy Đạo cách tự do (Công Vụ Các Sứ Đồ 28:30-31).

Khi phân tích lời cầu nguyện của Phao-lô chúng ta thấy có những chi tiết lý thú vị:

  1. Phao-lô xin Chúa cho ông có thể đến Rô-ma bằng bất cứ cách nào theo ý Chúa thì Chúa đã cho ông đến trong thân phận của một tù nhân.
  2. Phao-lô xin cho chuyến đi của ông được thành công thì ông đã có chuyến đi thành công dù ông phải trải qua sự đắm tàu, suýt bị lính La-mã giết chết, bị rắn độc cắn, và hành trình bị chậm trể đến ba tháng.

Chúng ta học được bài học này nơi Phao-lô: Hãy trình dâng mọi nan đề, nhu cầu, và ước muốn của mình lên Chúa và xin Chúa ban cho theo ý Ngài, theo cách thức của Ngài, miễn sao mọi việc được thành công.

Chia Nhau Các Ân Tứ Thiêng Liêng

Rô-ma 1:11 Vì tôi mong được nhìn thấy các anh chị em để tôi chia với các anh chị em một vài ân tứ thiêng liêng, làm cho các anh chị em được vững vàng,

Ân tứ là những ơn do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Có những ân tứ thuộc thể, như: việc làm tốt, sức khỏe, của cải vật chất, phương tiện sống… và có những ân tứ thuộc linh để gây dựng đức tin lẫn nhau trong Hội Thánh, như được liệt kê trong I Cô-rinh-tô 12. Phao-lô mong muốn được gặp mặt các con dân Chúa tại Rô-ma để ông có thể chia với họ một vài ân tứ thiêng liêng, tức là các ân tứ thuộc linh, mà Chúa đã ban cho ông để họ được vững vàng trong đức tin. Chúng ta học được những điều sau đây:

  1. Những ân tứ Chúa ban là để chúng ta chia sẻ cho lẫn nhau, không phải để dùng riêng cho mình. Lời Chúa dạy rõ như sau: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa” (I Phi-e-rơ 4:10).
  2. Có những ân tứ thuộc linh mà chúng ta chỉ có thể chia sẻ cho nhau khi gặp mặt nhau.
  3. Sự chia sẻ ân tứ của Chúa cho lẫn nhau khiến cho Hội Thánh của Chúa được vững mạnh.

An Ủi Lẫn Nhau Trong Đức Tin của Nhau

Rô-ma 1:12 Đó là sự được an ủi lẫn nhau trong đức tin của nhau, giữa vòng các anh chị em, gồm cả tôi và các anh chị em.

Khi con dân Chúa thông công với nhau, chia sẻ các ân tứ cho nhau thì mỗi người đều nhận được sự an ủi chung. Từ ngữ “an ủi lẫn nhau” trong nguyên ngữ có nghĩa là: “cùng nhau được sức mạnh.” Sức mạnh đó dẹp tan mọi lo âu, phiền muộn, nãn lòng, bối rối, và những đau khổ mà chúng ta phải đối diện trên bước đường theo Chúa. Đây là điều không thể có được bên ngoài sự nhóm hiệp mặt đối mặt của Hội Thánh. Chính vì vậy mà Lời Chúa truyền cho chúng ta “chớ bỏ qua sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:25). Trong thời đại của chúng ta, sự nhóm họp trên mạng, sự đọc các sách bồi linh, sự nghe các bài giảng được ghi âm… không thể thay thế cho sự nhóm họp của con dân Chúa trong một Hội Thánh tại địa phương. Cho dù Hội Thánh địa phương chỉ có hai ba người nhưng khi hai ba người đó nhóm lại trong danh Chúa thì đó là sự nhóm hiệp thánh của Hội Thánh và Đức Chúa Jesus Christ sẽ hiện diện trong sự nhóm hiệp đó: “Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20).

Khi Hội Thánh nhóm lại, dù chỉ có hai ba người, hãy: “ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói ngoại ngữ, hoặc giải ngoại ngữ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng” (I Cô-rinh-tô 14:26); “Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng tôn vinh Chúa” (Ê-phê-sô 5:19); và hãy cùng nhau dự Tiệc Thánh để “nhớ Chúa!”

Phao-lô không nói ông chia sẻ ân tứ thiêng liêng cho Hội Thánh khiến Hội Thánh được an ủi mà nói rằng: cả ông lẫn Hội Thánh đều được “an ủi lẫn nhau” và ông cẩn thận giải thích: “bao gồm cả tôi và các anh chị em.”

Dù trong Hội Thánh có những chức vụ khác nhau được Đức Chúa Trời thiết lập để cai quản và gây dựng Hội Thánh nhưng mỗi một con dân Chúa đều nhận được ân tứ thuộc linh từ Đức Thánh Linh để gây dựng các anh chị em khác. Vì thế, sự chia sẻ ân tứ không thuộc riêng về những người có các chức vụ trong Hội Thánh mà thuộc về toàn thể con dân Chúa và chúng ta cùng chia sẻ ân tứ lẫn nhau để cùng nhau được vững mạnh trong đức tin. Lời Chúa phán dạy tỏ tường:

Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung”(I Cô-rinh-tô 12:6-7).

Sự Ngăn Trở Trong Mục Vụ

Rô-ma 1:13 Hỡi các anh em, tôi không muốn các anh chị em chẳng biết rằng, đã nhiều lần tôi có ý định đến cùng các anh chị em để tôi có vài kết quả trong các anh chị em như trong các dân khác, nhưng tôi bị ngăn trở cho đến bây giờ.

Trong câu 1:10 Phao-lô tỏ cho con dân Chúa tại Rô-ma biết, là ông vẫn cầu xin Chúa, bằng cách nào đó, cho ông có cơ hội được thăm viếng họ. Trong 1:13 ông nói thêm, là nhiều lần ông định đến Rô-ma thì lại bị ngăn trở. Phao-lô không nói rõ ông bị ngăn trở nhiều lần như thế nào. Có thể sự ngăn trở đến từ Chúa vì chưa đến thời điểm, như khi Phao-lô và Ti-mô-thê định vào xứ A-si và Bi-thi-ni để giảng Tin Lành thì bị Đức Thánh Linh ngăn cấm (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6-7). Cũng có thể là sự ngăn trở đến từ Ma Quỷ. Đa-ni-ên 10 ghi lại chuyện một thiên sứ của Chúa được sai đến đáp lời cầu nguyện của Tiên Tri Đa-ni-ên, đã bị một thần dữ có quyền trên Vương Quốc Phe-rơ-sơ (Iran ngày nay) ngăn trở suốt 21 ngày, đến nỗi Thiên Sứ Trưởng Mi-ca-ên phải đến can thiệp. Dĩ nhiên, những cản trở ra từ Ma Quỷ đều nằm trong sự cho phép của Đức Chúa Trời, theo ý muốn và sự khôn ngoan của Ngài. Điều chúng ta học được đó là: Những ước muốn và việc làm của chúng ta có thể bị cản trở từ Chúa hoặc từ Ma Quỷ hoặc từ loài người, nhưng nếu chúng ta hết lòng tin cậy và vâng phục Chúa thì chỉ có những điều tốt nhất xảy ra cho chúng ta, bởi vì: “Mọi sự hiệp lại làm ích lợi cho những người yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo mục đích của Ngài” (Rô-ma 8:28). Những điều tốt nhất là “tốt nhất” theo quan điểm của Chúa, vì nó đem lại ích lợi cho con dân Chúa, chứ không theo quan điểm của loài người. Trong II Cô-rinh-tô 11:23-27, Phao-lô đã ghi lại một số những điều tốt nhất Chúa cho phép xảy đến với ông, như sau:

23 Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, — tôi nói như kẻ dại dột, — tôi lại là kẻ hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết;

24 năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục;

25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối;

27 chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.

Và Phao-lô đã dạy cho Hội Thánh rằng: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6).

Mỗi hoạn nạn Chúa cho phép xảy ra trong đời sống của chúng ta, trừ khi vì chúng ta phạm tội, thì đều là ơn phước của Chúa: ơn được dự phần trong sự thương khó của Đức Chúa Jesus Christ: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót” (I Phi-e-rơ 4:12-13). Vì thế, con dân Chúa luôn cảm tạ Chúa trong mọi sự.

Phao-lô được Chúa biệt riêng ra để giảng Tin Lành cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2), cho nên, lẽ tự nhiên là trong lòng ông có ước muốn được đến giảng và dạy Đạo Chúa tại thành Rô-ma, là thủ đô của Đế Quốc La-mã, được thông công với con dân Chúa tại Hội Thánh Rô-ma, và được thu hoạch kết quả của mục vụ giữa người La-mã. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8, ghi lại lời của Đức Chúa Jesus Christ trước khi Ngài thăng thiên, truyền cho các sứ đồ phải rao giảng Tin Lành từ thành Giê-ru-sa-lem cho đến cùng trái đất. Thành Giê-ru-sa-lem là thủ đô của dân I-sơ-ra-ên, thành Rô-ma là thủ đô của dân ngoại. Sự kiện Tin Lành của Chúa được rao giảng từ thủ đô Giê-ru-sa-lem cho đến thủ đô Rô-ma tiêu biểu cho sự kiện Tin Lành của Chúa được rao giảng từ giữa lòng tuyển dân I-sơ-ra-ên cho đến cùng trái đất. Phao-lô muốn được dự phần trong sự kiện đó và không ngừng cầu xin Chúa ban cho ông cơ hội.

Bổn Phận Sứ Đồ

Rô-ma 1:14 Tôi là kẻ thiếu nợ những người Hy-lạp lẫn những người dã man, những người thông thái lẫn những người ngu dốt.

Rô-ma 1:15 Vậy, theo như tôi, tôi sẵn lòng giảng Tin Lành cho các anh chị em tại thành Rô-ma.

Từ ngữ “kẻ thiếu nợ” dùng để gọi một người thiếu người khác điều gì đó hoặc một người chưa hoàn thành bổn phận của mình đối với người khác. Từ ngữ “người Hy-lạp” tiêu biểu cho người có văn hóa. Từ ngữ “người dã man” tiêu biểu cho người không có văn hóa. Phao-lô tự xưng rằng ông là kẻ thiếu nợ “những người Hy-lạp lẫn những người dã man, những người thông thái lẫn những người ngu dốt” để nói lên bổn phận giảng Tin Lành cho mọi người trong mọi tầng lớp xã hội mà Chúa đã giao cho ông trong chức vụ của một sứ đồ. Qua lời công bố này của Phao-lô, chúng ta thấy rõ: Tin Lành cứu Rỗi của Đức Chúa Trời được ban cho toàn thể nhân loại, bất kể là người có văn hóa hay không có văn hóa, người khôn ngoan, thông sáng hay người ngu dốt, khờ dại, hễ ai tin nhận Tin Lành thì được cứu rỗi, vì: Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4).

Với ý thức rằng mình là kẻ thiếu nợ mọi người, tức là người có bổn phận giảng dạy Tin Lành cho mọi người, Phao-lô viết cho Hội Thánh Rô-ma, rằng ông sẵn sàng giảng Tin Lành cho họ. Mệnh đề “theo như tôi” có nghĩa là: theo như tấm lòng của tôi, theo như năng lực của tôi, theo như phương tiện và cơ hội Chúa ban cho tôi.

Câu hỏi được đặt ra là: Phao-lô đang viết thư cho Hội Thánh Rô-ma, vì vậy, độc giả của ông là những người đã tin nhận Tin Lành, sao ông lại viết rằng ông sẵn lòng giảng Tin Lành cho họ?

Câu trả lời là: Giảng Tin Lành bao gồm hai phương diện:

  1. Phương diện công bố Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời cho những người chưa được cứu, gọi là giảng Đạo, để họ biết mà tin nhận Tin Lành, trở nên những môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Đây là công tác khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa (Ma-thi-ơ 28:19).
  2. Phương diện giải bày ý nghĩa sâu nhiệm của Tin Lành cho những người đã trở thành môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ, gọi là dạy Đạo, để họ biết mà giữ mọi điều Chúa đã truyền và được ghi lại trong Thánh Kinh. Đây là công tác cho chiên của Chúa ăn (Giăng 21:15-18; Ma-thi-ơ 28:20).

Sự giảng Tin Lành mà Phao-lô muốn thực hiện giữa Hội Thánh Rô-ma là sự dạy Đạo, tức là nuôi dưỡng phần thuộc linh của con dân Chúa bằng Lời Chúa, và Phao-lô đã tổng kết nội dung của sự dạy Đạo đó trong phần còn lại của thư Rô-ma. Dĩ nhiên, không phải vì thế mà ngoại trừ việc Phao-lô giảng Đạo cho người chưa được cứu tại thành Rô-ma. Chắc chắn, trong suốt hai năm Phao-lô cư trú tại Rô-ma, ông vừa dạy Đạo cho Hội Thánh Chúa mà cũng vừa giảng Đạo cho người chưa biết Chúa.

Kết Luận

Rô-ma 1:8-15 nói lên tâm tình và bổn phận của Phao-lô trong chức vụ sứ đồ mà Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho ông và biệt riêng ông cho chức vụ đó từ khi ông còn ở trong lòng mẹ. Về mặt hình thức, đó là những lời tâm tình của Phao-lô, nhưng về mặt nội dung thì đó là tâm tình và bổn phận của tất cả những ai là sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Sứ đồ của Chúa là kẻ thiếu nợ tất cả mọi người trong bổn phận giảng dạy Tin Lành: bổn phận giảng Tin lành cho những ai chưa biết Chúa và bổn phận dạy Tin Lành cho những ai đã tin nhận Chúa.

Ngày nay, trong thế giới của Cơ-đốc Giáo (Christianity), tức là thế giới của các giáo hội và giáo phái mang danh Chúa, chúng ta không thấy được sự hiện diện của các sứ đồ chân thật của Chúa, do chính Chúa gọi và biệt riêng họ từ trong lòng mẹ cho Tin lành của Thiên Chúa; vì Cơ-đốc Giáo không phải là Hội Thánh của Chúa. Nhưng trong Hội Thánh thật của Chúa, suốt gần 2,000 năm qua, lúc nào cũng có các sứ đồ chân thật của Chúa rao giảng Tin Lành. Họ: “chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích, lao tù nữa. Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi trong hang, trong những hầm dưới đất” (Hê-bơ-rơ 11:36-38). Những giọt máu tử Đạo của họ là sức sống của Hội Thánh Chúa, những đau thương, khốn khổ trên thân xác của họ là vinh quang của Hội Thánh Chúa.

Chúng ta hãy không ngừng nhớ đến và cầu thay cho các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ đang tiếp tục thiên chức giảng dạy Tin Lành của Thiên Chúa khắp nơi trên thế giới trong những ngày cuối cùng này.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/07/2012

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.