Chú Giải Rô-ma 01:24-28

5,735 views

Roma_007 Hậu Quả của Sự Chối Bỏ Đức Chúa Trời
(Rô-ma 1:24-28)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

24 Vậy nên, Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ trong những sự ô uế theo lòng ham muốn của họ, mà họ tự làm nhục thân thể lẫn nhau,

25 Họ đã đổi sự chân thật của Đức Chúa Trời cho sự dối trá. Họ đã thờ phượng và hầu việc loài tạo vật thế cho Đấng Tạo Hóa, là Đấng đáng tôn vinh đời đời! A-men.

26 Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho những khát vọng của sự xấu hổ. Những phụ nữ của họ đã đổi sự quan hệ tính dục tự nhiên cho sự nghịch với tự nhiên.

27 Những người đàn ông cũng vậy, họ đã bỏ cách tự nhiên quan hệ tính dục của người đàn bà mà un đốt khát vọng của họ với lẫn nhau. Những người đàn ông với những người đàn ông, họ làm ra sự xấu hổ. Họ nhận lãnh trong chính họ sự báo ứng xứng đáng với lầm lỗi của họ.

28 Vì họ chẳng thử nghiệm để nắm giữ Đức Chúa Trời trong tri thức nên Đức Chúa Trời bỏ mặc họ cho tâm trí trụy lạc để làm ra những sự không xứng đáng.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI0MDgwMzdf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11607-hauquacuatoiloi
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/yp689oo6vu4hd8m/11607_ChuGiaiRoma_1_24-28_HauQuaCuaToiLoi.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Mỗi một việc làm của chúng ta đều mang lại kết quả về sau. Kết quả sẽ là tốt nếu chúng ta làm ra việc tốt và kết quả sẽ là xấu nếu chúng ta làm ra việc xấu. Phẩm chất tốt hay xấu là theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, chứ không theo tiêu chuẩn của chúng ta. Vì thế, có những điều loài người cho là tốt, nhưng lại là xấu theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Thí dụ: việc dựng các đền, đình, chùa miếu, việc tạc và đúc các hình tượng được nhiều tôn giáo và nhiều người cho là tốt, là được phước, nhưng đối với Thiên Chúa, ai làm ra những sự đó là phạm tội trọng và bị Thiên Chúa rủa sả. Ngược lại, có những việc loài người cho là xấu, nhưng lại là tốt theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Thí dụ: việc không vâng lời cha mẹ để làm ra những việc trái nghịch với điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, như ăn đồ cúng hoặc kết hôn với người không tin Chúa.

Bên cạnh hình phạt là sự chết đời đời dành cho những ai vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời, kẻ phạm tội còn phải gánh lấy hậu quả trước mắt từ sự phạm tội của mình. Hậu quả trước mắt từ sự phạm tội và hình phạt dành cho kẻ phạm tội là hai điều khác nhau. Rô-ma 1:24-28 nói đến hậu quả trước mắt xảy ra cho những người chối bỏ Đức Chúa Trời, sống theo tư dục của mình.

24 Vậy nên, Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ trong những sự ô uế theo lòng ham muốn của họ, mà họ tự làm nhục thân thể lẫn nhau,

Đức Chúa Trời Đã Bỏ Mặc Họ

Từ ngữ “bỏ mặc” trong nguyên ngữ Thánh Kinh có nghĩa là: “giao vào trong tay của ai đó, trong một quyền lực nào đó” hoặc là “giao phó cho sự sửa phạt.” Đức Chúa Trời đã giao những kẻ chối bỏ Ngài vào trong quyền lực của tội lỗi, để cho họ đắm chìm trong hậu quả sự lựa chọn của họ, hầu cho, chính hậu quả đó sẽ khiến cho họ nhận thức sự sai lầm của họ.

Tội lỗi là những điều trái nghịch với tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Đức Chúa Trời. Tội lỗi có sức hấp dẫn và đem lại cho người phạm tội những cảm giác vui thích tạm bợ, trước khi chất độc của nó hành hạ và hủy diệt nạn nhân. Sự hấp dẫn của tội lỗi được thể hiện rõ ngay trong lần đầu tiên tội lỗi chuẩn bị xâm nhập thế gian, qua sự kiện bà Ê-va bị cám dỗ để làm nghịch lại điều răn của Đức Chúa Trời:

“Người nữ thấy cây ấy trái ăn ngon, lại đẹp mắt, là cây đáng chuộng vì để mở trí khôn, thì hái trái, ăn, rồi cũng trao cho chồng ở gần mình, chồng cũng ăn.” (Sáng Thế Ký 3:6).

  1. Tội lỗi hấp dẫn xác thịt dẫn đến quyết định vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời để làm theo sự ưa thích của xác thịt: ăn ngon.

  2. Tội lỗi hấp dẫn linh hồn dẫn đến quyết định vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời để chiếm lấy những gì mình ưa thích: đẹp mắt.

  3. Tội lỗi hấp dẫn tâm thần dẫn đến quyết định vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời để tự tôn vinh mình, tự nâng mình lên ngang bằng Đức Chúa Trời: mở trí khôn.

Tuy nhiên, hậu quả của sự phạm tội là sự đau khổ trước mắt và sự chết, mà sự chết là án phạt dành cho tội lỗi, bao gồm sự chết trong đời này cùng sự chết trong đời sau.

Sự đau khổ trước mắt do tội lỗi mang đến không chỉ tác động trên nạn nhân mà còn tác động ngay trên người phạm tội, từ thể xác đến tâm thần và linh hồn. Sự chết trong đời này khiến cho người phạm tội thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, để không còn vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời nữa. Sự chết trong đời sau khiến cho người phạm tội bị vĩnh viễn xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của năng lực Ngài; nghĩa là không bao giờ tội nhân còn được cơ hội cứu rỗi.

Lịch sử của loài người nhuộm đầy máu và nước mắt vì hậu quả của tội lỗi. Điều kinh khủng hơn hết là tội lỗi có tính di truyền và loài người không thể nào chống lại sức mạnh của nó. Loài người trở thành nô lệ trung thành của tội lỗi, luôn luôn làm theo sự sai khiến của tội lỗi, cho đến khi loài người hoàn toàn bị hủy diệt bởi tội lỗi, qua sự chết.

Đức Chúa Trời bỏ mặc những kẻ quyết định chối bỏ Ngài và sống trong tội lỗi, nghĩa là Ngài không cưỡng bách họ phải ngưng nếp sống tội lỗi, nhưng Ngài để cho chính sự đau khổ của nếp sống nô lệ cho tội lỗi khiến họ nhận thức rằng, họ đã lựa chọn sai sầm.

Những Sự Ô Uế Theo Lòng Ham Muốn của Họ

Từ ngữ “ô uế” trong nguyên ngữ Thánh Kinh, nghĩa đen nói về sự nhơ bẩn của thể xác cần phải được tắm rửa hoặc là những chứng tật bệnh trong thể xác cần phải được chữa lành, nghĩa bóng nói về sự ưa thích bất cứ điều gì, vật gì, người nào hơn là ưa thích Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì, vật gì hay người nào được một người ưa thích hơn Đức Chúa Trời thì điều ấy, vật ấy, người ấy biến thành thần tượng của người đó. Mọi thần tượng là ô uế và gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Mọi ý tưởng và hành động thờ lạy thần tượng cũng là ô uế và gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Loài người tội lỗi bị Đức Chúa Trời bỏ mặc cho họ đắm chìm trong những sự mà họ đã biến thành thần tượng của mình.

Tự Làm Nhục Thân Thể Lẫn Nhau

Hành động “tự làm nhục thân thể lẫn nhau” được giải thích trong câu 1:26 và 1:27. Khi loài người chối bỏ Đức Chúa Trời để sống theo những sự ham muốn bất chính của mình, thì họ không còn một tiêu chuẩn nào cho mọi ý tưởng và hành động của họ khác hơn là: “Tôi thích thì tôi làm! Tôi thích thì tôi chiếm lấy!” Vì thế, họ bất chấp hậu quả, hình phạt của tội lỗi, miễn sao họ có thể thỏa mãn sự ưa thích của họ là họ hành động. Đến nỗi, họ tự nguyện làm nhục thân thể lẫn nhau, tức là người này làm nhục thân thể của người kia với sự đồng ý của người kia, người kia làm nhục thân thể của người này với sự đồng ý của người này.

25 Họ đã đổi sự chân thật của Đức Chúa Trời cho sự dối trá. Họ đã thờ phượng và hầu việc loài tạo vật thế cho Đấng Tạo Hóa, là Đấng đáng tôn vinh đời đời! A-men.

Họ Đã Đổi Sự Chân Thật của Đức Chúa Trời cho Sự Dối Trá

Sự chân thật của Đức Chúa Trời, trước hết, là sự thực hữu của Ngài, nghĩa là Đức Chúa Trời có thật; kế tiếp, là năng lực và thần tính của Ngài, như chúng ta đã học qua trong những câu trước. Sự chân thật của Đức Chúa Trời đã được chiếu ra trong loài người, được thể hiện qua muôn loài thọ tạo, và được giải bày trong các điều răn và luật pháp của Ngài. Sự dối trá là những ý tưởng, những sở thích của loài người, và những loài thọ tạo được loài người tôn làm Đức Chúa Trời.

Loài người chối bỏ sự chân thật của Đức Chúa Trời để tôn sự dối trá làm Đức Chúa Trời. Loài người thờ phượng và hầu việc chính mình cùng các loài thọ tạo khác thay vì thờ phượng Đức Chúa Trời. Loài người nhìn thấy muôn loại tạo vật, hiểu biết rằng có một Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, sáng tạo ra muôn loài, nhìn biết năng lực và thần tính của Ngài qua từng vật do Ngài sáng tạo, nhưng họ đã không tôn vinh, thờ phượng, và hầu việc Ngài.

26 Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho những khát vọng của sự xấu hổ. Những phụ nữ của họ đã đổi sự quan hệ tính dục tự nhiên cho sự nghịch với tự nhiên.

Đức Chúa Trời Đã Bỏ Mặc Họ cho Những Khát Vọng của Sự Xấu Hổ

Một lần nữa, chúng ta bắt gặp nhóm chữ “Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ.” Đức Chúa Trời đã bỏ mặc những kẻ chối bỏ Ngài cho những khát vọng của sự xấu hổ. Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, từ ngữ “khát vọng” có nghĩa là: “sự ham muốn mãnh liệt,” mà cũng có nghĩa là: “sự ham muốn đem lại đau khổ.” Trong Rô-ma 1:26, từ ngữ này được dùng chung với tĩnh từ “xấu hổ” cho nên chúng ta hiểu rằng, nó mang nghĩa: “những ham muốn đem lại đau khổ và tủi nhục.” Tiếp theo, Thánh Kinh giải thích vì sao mà những khát vọng đó bị xem là “đem lại đau khổ và tủi nhục.”

Những Phụ Nữ của Họ Đã Đổi Sự Quan Hệ Tính Dục Tự Nhiên cho Sự Nghịch với Tự Nhiên

Những phụ nữ của họ” là nói đến những phụ nữ trong số những kẻ chối bỏ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, chọn sống nếp sống nghịch lại với các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Những phụ nữ đó đã “đổi sự quan hệ tính dục tự nhiên cho sự nghịch với tự nhiên” có nghĩa là, họ là những phụ nữ đồng tính luyến ái, phụ nữ cùng phụ nữ làm ra những hành động giao tình, thỏa mãn nhu cầu tính dục với lẫn nhau.

27 Những người đàn ông cũng vậy, họ đã bỏ cách tự nhiên quan hệ tính dục của người đàn bà mà un đốt khát vọng của họ với lẫn nhau. Những người đàn ông với những người đàn ông, họ làm ra sự xấu hổ. Họ nhận lãnh trong chính họ sự báo ứng xứng đáng với lầm lỗi của họ.

Những Đàn Ông Cũng Vậy

Những đàn ông trong số những kẻ chối bỏ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, cũng chọn sống nếp sống đồng tính luyến ái, nghịch lại với các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Thay vì giao tình với đàn bà, thì họ cuồng nhiệt, đàn ông giao tình cùng đàn ông.

Họ Nhận Lãnh Trong Chính Họ Sự Báo Ứng Xứng Đáng

Tất cả những người đàn bà và đàn ông đồng tính luyến ái đều phải nhận lãnh trong chính họ sự báo ứng xứng đáng với lầm lỗi của họ. Hành động quan hệ tính dục trái tự nhiên đem đến tật bệnh trong thân thể của họ, làm mất đi nhân phẩm của họ đến nỗi chính họ cũng phải khinh bỉ họ, và khiến cho tâm thần của họ trở nên rối loạn.

Ngày nay, những người đồng tính luyến ái cho rằng sự đồng tính luyến ái của họ là “bản năng tính dục tự nhiên.” Tất cả các giáo hội lớn, mang danh Chúa, ngoại trừ Giáo Hội Công Giáo, đều có những giáo phái ủng hộ sự đồng tính luyến ái và còn cho rằng đó là “ân tứ” được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Họ công khai phong chức chăn bầy, phong chức giám mục cho những người đồng tính luyến ái, nam cũng như nữ. Sự kiện đó cho chúng ta thấy, sự bội đạo lớn, tức là sự chối bỏ thẩm quyền của Lời Chúa, đang xảy ra để báo hiệu cho ngày Chúa đến.

28 Vì họ chẳng thử nghiệm để nắm giữ Đức Chúa Trời trong tri thức nên Đức Chúa Trời bỏ mặc họ cho tâm trí trụy lạc để làm ra những sự không xứng đáng.

Một lần nữa, Thánh Kinh nhắc lại lý do vì sao Đức Chúa Trời bỏ mặc những kẻ chối bỏ Đức Chúa Trời trong sự phạm tội của họ. Với sự bày tỏ của Đức Chúa Trời về chính Ngài trong tâm trí của họ và qua muôn loài thọ tạo, lẽ ra họ phải chọn hành động thử nghiệm về những điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ, hầu cho Đức Chúa Trời hiện diện trong tri thức của họ, nhưng họ đã không chọn làm điều đó. Từ ngữ “thử nghiệm” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, có nghĩa là: “xem xét để xác định và chấp nhận giá trị thật.” Ngay cả khi họ chọn sống theo ý riêng và tôn thờ loài thọ tạo thay cho Đấng Tạo Hóa, họ cũng chẳng làm sự “thử nghiệm” để thấy sự hư không của nếp sống tội lỗi và của những hình tượng do tay người làm ra.

Vì họ không thử nghiệm để xác định và chấp nhận giá trị thật về Đức Chúa Trời, cho nên, trong tâm trí của họ không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời, trong tri thức của họ không còn sự hiểu biết Đức Chúa Trời mà Ngài đã bày tỏ cho họ. Trái lại, tâm trí của họ trở nên bại hoại, không còn khả năng nhận thức tiêu chuẩn yêu thương, công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời, và từ đó, họ chỉ biết làm ra những sự không đúng với tiêu chuẩn của Ngài. Vì không “thử nghiệm” giá trị và năng lực của những hình tượng, mà họ mù quáng tôn chúng lên làm thần, để cầu xin chúng ban phúc cho họ và giải cứu họ khỏi các tai họa. Họ không nhận ra sự bất lực của những hình tượng: là vật do tay loài người làm ra, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có mũi mà không ngữi, có miệng mà không nói, có tay mà không rờ rẫm, có chân mà không biết bước đi… (Thi Thiên 115:4-7).

Kết Luận

Sự phạm tội là tự do lựa chọn của loài người. Tội lỗi phát sinh khi loài người chọn chối bỏ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, không vâng theo các điều răn và luật pháp của Ngài, không tôn vinh, cảm tạ, và thờ phượng Ngài.

Dựa vào Lời Chúa trong Rô-ma 1:24-28, mà chúng ta có thể kết luận rằng: Những ai chối bỏ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, mà Ngài đã chiếu ra trong họ và thể hiện trong muôn loài thọ tạo, để sống theo những sự ham muốn của lòng họ, thì Đức Chúa Trời sẽ bỏ mặc họ trong hậu quả của tội lỗi. Không phải vì Đức Chúa Trời không yêu họ, để mặc cho họ đau khổ và chết mất, nhưng Đức Chúa Trời muốn rằng, sau khi kinh nghiệm những đau khổ và tủi nhục do tội lỗi mang đến, họ sẽ ăn năn mà tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Tội lỗi dẫn đến những ham muốn trái tự nhiên về tính dục khiến cho người ta phạm đủ các hình thức tà dâm. Trong đó, nổi bật nhất là sự đồng tính luyến ái, là sự khiến cho đàn ông cuồng nhiệt tìm sự thỏa mãn tính dục bằng cách giao tình với đàn ông, đàn bà cũng tìm cách thỏa mãn nhu cầu tính dục bằng cách giao tình với đàn bà. Để rồi, mỗi người phải gánh chịu vào trong chính thân thể họ sự báo ứng xứng đáng cho việc làm tội lỗi của họ.

Đồng tính luyến ái không phải là bản tính tự nhiên, không phải là bệnh mà là tội lỗi. Các liệu pháp tâm lý không thể chữa trị đồng tính luyến ái, mà chỉ có sự cứu rỗi đến từ Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ mà thôi.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/07/2012

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.