Chú Giải Rô-ma 02:01-11

7,637 views

Roma_009 Sự Phán Xét của Đức Chúa Trời
(Rô-ma 2:1-11)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, hỡi người kia, hễ ai phán xét thì không thể chữa mình; vì trong sự đó, chính ngươi cáo buộc mình, bởi ngươi phán xét kẻ khác mà phạm những sự bị phán xét.

2 Nhưng chúng ta biết rằng, sự phán xét của Đức Chúa Trời là theo như lẽ thật, nghịch cùng những kẻ phạm những việc như vậy.

3 Và, hỡi người kia, kẻ phán xét những kẻ vi phạm những việc mà ngươi cũng làm, nghĩ rằng ngươi sẽ thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao?

4 Hay là ngươi xem thường sự giàu có của lòng nhân từ, chịu đựng, và nhẫn nại của Ngài, mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời dẫn ngươi đến sự cải hối?

5 Nhưng, theo như sự cứng cỏi và lòng không cải hối của ngươi, ngươi tự dồn chứa cho chính mình sự thịnh nộ trong ngày thịnh nộ và phơi bày sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời,

6 Đấng sẽ trả cho mỗi người tùy theo những việc làm của họ.

7 Thật vậy, những ai bởi sự bền lòng làm lành, tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, thì được sự sống đời đời.

8 Nhưng cơn giận và sự thịnh nộ thật dành cho những ai bởi lòng toan tính và không vâng phục lẽ thật mà vâng phục sự không công bình.

9 Sự hoạn nạn và khốn khổ trên mỗi linh hồn của người làm việc dữ, thuộc về dân Do-thái trước và thuộc về cả dân Hy-lạp.

10 Nhưng sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự bình an cho mỗi người làm việc lành, cho dân Do-thái trước và cho cả dân Hy-lạp.

11 Vì trước Đức Chúa Trời, Ngài không thiên vị.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI0MDgwNTVf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11609-suphanxetcuaducchuatroi
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/3sw2y0p97xlpxxy/11609_ChuGiaiRoma_2_1-11_SuPhanXetCuaDucChuaTroi.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Trong bài số 007, “Hậu Quả của Sự Chối Bỏ Đức Chúa Trời,” chúng ta đã học rằng: Mỗi việc làm của chúng ta đều mang lại kết quả về sau. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự phán xét của Đức Chúa Trời dành cho những việc làm của loài người.

Từ ngữ “phán xét” có nghĩa là “phân biệt đúng sai,” với mục đích: quở trách, sửa phạt hoặc khen thưởng. Sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với mỗi việc làm của loài người là để sửa phạt hoặc khen thưởng, là sự tỏ ra bản tính thánh khiết và công bình của Ngài. Vì Đức Chúa Trời là thánh khiết nên Ngài chỉ có thể chấp nhận việc lành và Ngài phải lên án tội lỗi. Vì Đức Chúa Trời là công bình nên Ngài phải ban thưởng cho việc lành và hình phạt tội lỗi. Đối với những ai tiếp nhận sự yêu thương của Đức Chúa Trời, ở trong sự cứu rỗi của Ngài, thì họ không còn chịu phán xét về những việc làm tội lỗi của họ, vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh lấy sự phán xét cho mọi tội lỗi của họ. Nếu họ trung tín làm trọn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ thì họ sẽ nhận được phần thưởng từ Đức Chúa Jesus Christ.

Để mở đầu chương hai của thư Rô-ma, Phao-lô khẳng định rằng, Đức Chúa Trời sẽ phán xét một cách công chính, không thiên vị một người nào, một dân tộc nào.

Rô-ma 2:1 Vậy, hỡi người kia, hễ ai phán xét thì không thể chữa mình; vì trong sự đó, chính ngươi cáo buộc mình, bởi ngươi phán xét kẻ khác mà phạm những sự bị phán xét.

Rô-ma 2:2 Nhưng chúng ta biết rằng, sự phán xét của Đức Chúa Trời là theo như lẽ thật, nghịch cùng những kẻ phạm những việc như vậy.

Từ ngữ “Hỡi người kia” được Phao-lô dùng trong 2:1 để gọi một cách giả định bất cứ một người nào làm công việc phán xét người khác mà cũng phạm những tội mà mình phán xét. Tuy nhiên, theo văn mạch thì Phao-lô có ý nói đến một người Do-thái, là người vốn có sự hiểu biết về các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Phao-lô nhắc cho một người như vậy nhớ rằng: “hễ ai phán xét thì không thể chữa mình.” Lý do là: người phán xét cũng phạm những sự mà người ấy lên tiếng phán xét, như vậy, trong khi lên tiếng phán xét những sự ấy thì người ấy đang lên tiếng phán xét chính mình, là một trong những kẻ làm ra những sự bị phán xét.

Điều này không phải chỉ xảy ra giữa quan tòa và tội nhân mà là xảy ra thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi khi chúng ta lên án một hành động tội lỗi mà chúng ta cũng làm ra hành động ấy, là chúng ta đang lên án chính mình. Nhiều khi chúng ta không nhớ hoặc không ý thức rằng, mình cũng phạm cùng một tội mà mình đang phán xét. Câu chuyện những người Do-thái lên án một người đàn bà phạm tội ngoại tình được ghi lại trong sách Giăng, chương 8, là một điển hình. Đám đông vây chung quanh người đàn bà có tội, mong chờ Đức Chúa Jesus sẽ kết tội bà để họ ném đá bà; nhưng khi Chúa phán: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người,” thì lương tâm của họ bắt đầu cáo trách họ, vì không một người nào trong số họ chưa từng phạm tội ngoại tình. Thánh Kinh ghi tiếp: “Những người nghe bị cáo trách bởi lương tâm, thì kế nhau mà bỏ đi, những người có tuổi đi trước; còn lại một mình Đức Chúa Jesus với người đàn bà…” (Giăng 8:9). Đức Chúa Jesus là một người vô tội và cũng là Đấng có quyền định tội mọi tội nhân, nhưng Ngài cũng không định tội người đàn bà phạm tội ngoại tình, vì ngày phán xét chưa đến.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không được nói đến tội lỗi của một người. Việc khẳng định một hành động là tội lỗi, dựa trên Lời Chúa, để xác định một người là tội nhân, khác với việc định tội người phạm tội. Hội Thánh của Chúa có thẩm quyền Chúa ban để định tội những con dân Chúa phạm tội mà không ăn năn. Điều đó cũng không có nghĩa là những tòa án của thế gian không có quyền định tội những tội nhân. Các nhà cầm quyền do Chúa thiết lập trong thế gian để khen thưởng những người làm lành và sửa phạt những kẻ làm dữ (Rô-ma 13:1-7). Vì thế, họ có thẩm quyền Chúa ban để định tội những kẻ phạm tội và sửa phạt những kẻ đó trong đời này. Riêng Đức Chúa Jesus Christ sẽ là quan tòa định tội mọi tội nhân, tùy theo mỗi việc làm của họ, trong ngày Đức Chúa Trời sẽ phán xét nhân loại.

Từ ngữ “chúng ta” được dùng trong 2:2, có ý bao gồm tất cả mọi người. Mọi người trong thế gian này đều biết chắc rằng: sự phán xét của Đức Chúa Trời là theo như lẽ thật. Đức Chúa Trời dựa trên lẽ thật là các điều răn và luật pháp của Ngài để định tội nhân loại, tức là, Ngài xem xét mọi việc làm của loài người để lên án bất cứ việc làm nào trái nghịch với các điều răn và luật pháp của Ngài. Sự phán xét của Đức Chúa Trời nghịch lại tội nhân, nghĩa là, sự phán xét đó sẽ đem lại án phạt cho tội nhân.

Rô-ma 2:3 Và, hỡi người kia, kẻ phán xét những kẻ vi phạm những việc mà ngươi cũng làm, nghĩ rằng ngươi sẽ thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời sao?

Rô-ma 2:4 Hay là ngươi xem thường sự giàu có của lòng nhân từ, chịu đựng, và nhẫn nại của Ngài, mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời dẫn ngươi đến sự cải hối?

Phao-lô đặt ra hai trường hợp của người phán xét người khác mà mình cũng phạm những việc mình phán xét.

  • Trường hợp thứ nhất: họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ không phán xét họ. Có lẽ, họ nghĩ rằng mình thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham, có giao ước với Đức Chúa Trời, cho nên, Đức Chúa Trời sẽ bỏ qua mọi vi phạm của họ. Ngày nay, trong Hội Thánh có nhiều con dân Chúa lên án những người không tin Chúa về sự vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng chính họ cũng vi phạm các điều răn của Chúa mỗi ngày, mà họ không nghĩ rằng Chúa sẽ phán xét họ y như Chúa sẽ phán xét những người không tin Chúa. Phần lớn con dân Chúa bị tiêm nhiễm các tà thuyết “tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn” và “con dân Chúa không cần vâng giữ Mười Điều Răn” hoặc “con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát (điều răn thứ tư).”
  • Trường hợp thứ nhì: họ biết Đức Chúa Trời sẽ phán xét họ nhưng họ chưa chịu ăn năn, vì nghĩ rằng, cơ hội ăn năn vẫn còn dài. Phao-lô gọi đó là thái độ xem thường sự giàu có của lòng nhân từ, chịu đựng, và nhẫn nại” của Đức Chúa Trời, không nhận biết rằng: lòng nhân từ của Đức Chúa Trời dẫn tội nhân đến sự cải hối, chứ không phải là một thứ “giấy cho phép phạm tội” trong một thời gian. Bất cứ ai đã biết rằng Đức Chúa Trời sẽ phán xét sự phạm tội của họ mà họ vẫn có ý định sẽ sống trong tội thêm một thời gian nữa, rồi mới cải hối, thì họ đã xem thường sự giàu có của lòng nhân từ, chịu đựng, và nhẫn nại của Đức Chúa Trời.

Rô-ma 2:5 Nhưng, theo như sự cứng cỏi và lòng không cải hối của ngươi, ngươi tự dồn chứa cho chính mình sự thịnh nộ trong ngày thịnh nộ và phơi bày sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời,

Rô-ma 2:6 Đấng sẽ trả cho mỗi người tùy theo những việc làm của họ.

Thánh Kinh khẳng định Đức Chúa Trời không phải là Đấng chấp nhận sự xem thường của loài người:

“Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy. Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống đời đời.” (Ga-la-ti 6:7-8).

Những ai làm ra những điều chống nghịch lại các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục, nếu họ không cải hối và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Những ai đã cải hối và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, đã được tha tội, được sạch tội, được nhận lãnh Thánh Linh, mà quay về với nếp sống tội lỗi thì họ cũng sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục (Hê-bơ-rơ 6:4-8).

Số phận của người đã tin nhận Chúa mà vẫn sống trong tội sẽ không khác với số phận của người không tin nhận Chúa. Hay nói cách khác, người tuyên xưng rằng mình đã tin nhận Chúa mà vẫn sống trong tội là một người không thật sự tin nhận Chúa, vì tin nhận Chúa tức là sống theo lời dạy của Ngài. Dĩ nhiên, có trường hợp những người lúc đầu thật lòng tin nhận Chúa và đức tin tăng trưởng cho đến khi phải đối diện với thử thách, hoạn nạn, bắt bớ vì danh Chúa, thì họ chối Chúa. Cũng có trường hợp những người lúc đầu thật lòng tin nhận Chúa, nhưng rồi đức tin của họ bị lòng ham mến sự giàu sang hoặc sự lo lắng về đời này làm cho chết đi (Lu-ca 8:13-14).

Riêng Rô-ma 2:5 nói đến sự kiện những người đã biết rằng Đức Chúa Trời sẽ phán xét tội lỗi mà xem thường cơ hội Chúa chờ đợi họ ăn năn, vẫn tiếp tục sống trong tội, thì họ đang dồn chứa sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời cho chính họ trong ngày phán xét. Từ ngữ “thịnh nộ” trong nguyên ngữ Hy-lạp khác với từ ngữ “giận.” Trong khi từ ngữ “giận” chỉ về cảm giác bất mãn, khó chịu nhưng chưa thể hiện thành hành động, thì từ ngữ “thịnh nộ” nói đến hành động quyết liệt do sự giận đưa tới. Dồn chứa sự thịnh nộ có nghĩa là thu gom tất cả những hành động phát sinh từ những cơn giận. Ngày thịnh nộ là ngày mà cơn giận của Đức Chúa Trời thể hiện qua hành động trên những tội nhân. Ngày thịnh nộ sẽ đến trên toàn thế gian vào kỳ tận thế, tức là thời đại nạn, và ngày thịnh nộ sẽ đến trên toàn thể những người bị hư mất trong ngày phán xét chung cuộc. Cả hai ngày thịnh nộ đều đã được tiên tri trong sách Khải Huyền.

Trong ngày thịnh nộ, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua sự hình phạt tội lỗi. Sự hình phạt tội lỗi sẽ tương xứng với mỗi việc làm tội lỗi của từng người.

Rô-ma 2:7 Thật vậy, những ai bởi sự bền lòng làm lành, tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, thì được sự sống đời đời.

Rô-ma 2:8 Nhưng cơn giận và sự thịnh nộ thật dành cho những ai bởi lòng toan tính và không vâng phục lẽ thật mà vâng phục sự không công bình.

Sự phán xét của Đức Chúa Trời không chỉ dành riêng cho những kẻ phạm tội, mà còn để khen thưởng những người làm ra những việc lành. Sự làm lành được khen thưởng là sự bền lòng làm những việc lành mà “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Từ ngữ “bền lòng” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “liên tục nhẫn nại.” Mục đích của sự làm lành là tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, tức là tìm kiếm tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Đức Chúa Trời cùng chính mình Ngài. Phần thưởng ban cho những người bền lòng làm lành là: sự sống đời đời.

Chỉ có những ai đã được tha tội, được làm cho sạch tội, được ban cho Thánh Linh, tức là đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng phục Chúa, mới có thể làm ra những việc lành. Những ai đã được dựng nên mới nhưng không hết lòng vâng phục Chúa, thì sẽ chỉ làm ra những việc dữ mà thôi.

Tại đây, chúng ta còn thấy rõ lẽ thật này: Sự sống đời đời không phải là sự ban cho vô điều kiện mà là phần thưởng dành riêng cho những ai bền lòng trong sự làm lành. Chúng ta được cứu rỗi để làm những việc lành mà “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo;” không phải chúng ta được cứu rỗi để tiếp tục sống trong tội lỗi, tiếp tục vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Ngay cả trong sự cứu rỗi của chúng ta cũng có điều kiện, đó là: chúng ta phải có lòng ăn năn, muốn từ bỏ tội lỗi và chỉ tin nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Để có sự cứu rỗi, chúng ta chỉ cần ăn năn tội và tin nhận điều Đức Chúa Jesus Christ đã làm cho chúng ta, vì thế, Thánh Kinh chép: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu.” Để có sự sống đời đời, chúng ta phải bền lòng làm những việc lành mà “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” Nhiều nơi trong Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết, chúng ta nhận được sự sống đời đời bởi sự thể hiện đức tin của chúng ta nơi Chúa qua các việc làm đẹp ý Chúa:

Đức Chúa Jesus đáp rằng: Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn.(Ma-thi-ơ 19:17).

Bất cứ ai vì danh Ta mà bỏ các nhà cửa, hoặc các anh em ruột, hoặc các chị em ruột, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con cái, hoặc đất ruộng, thì sẽ nhận trăm lần hơn và sẽ hưởng sự sống đời đời.” (Ma-thi-ơ 19:29).

Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống đời đời.” (Ga-la-ti 6:8).

Hãy đánh trận tốt lành {vì} đức tin, bắt lấy sự sống đời đời, vào trong sự mà con đã được gọi đến, và con đã tuyên xưng lời xưng nhận tốt lành trước nhiều nhân chứng.” (I Ti-mô-thê 6:12).

Hãy giữ chính mình anh chị em trong tình yêu của Thiên Chúa, trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời.” (Giu-đe 1:21).

Đối với những kẻ có lòng toan tính và không vâng phục lẽ thật, trái lại vâng phục sự không công bình, thì Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ cơn giận và sự thịnh nộ của Ngài. Lòng toan tính được nói đến ở đây là sự tính toán sắp đặt và gắng sức hành động sao cho Đạo và đời, bề nào cũng có lợi, bất kể là việc làm đó có đẹp lòng Chúa hay không. Lòng không vâng phục lẽ thật là lòng không chịu làm theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Lòng vâng phục sự không công bình là lòng vâng phục tội lỗi, vì “mọi sự không công bình đều là tội” (I Giăng 5:17).

Rô-ma 2:9 Sự hoạn nạn và khốn khổ trên mỗi linh hồn của người làm việc dữ, thuộc về dân Do-thái trước và thuộc về cả dân Hy-lạp.

Rô-ma 2:10 Nhưng sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự bình an cho mỗi người làm việc lành, cho dân Do-thái trước và cho cả dân Hy-lạp.

Hình phạt và phần thưởng từ Đức Chúa Trời, trong đời này hay trong đời sau, đều theo thứ tự đã định sẵn: Trước là thưởng hoặc phạt người Do-thái, kế tiếp là thưởng hoặc phạt dân ngoại. Ngay cả sự rao giảng về Tin Lành cứu rỗi cũng vậy: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8).

Mệnh đề: “Sự hoạn nạn và khốn khổ trên mỗi linh hồn của người làm việc dữ,” có ý nhấn mạnh đến sự kiện hình phạt dành cho tội lỗi không phải chỉ trên thân thể xác thịt, mà còn trên chính linh hồn của mỗi một tội nhân.

Hình phạt dành cho kẻ làm dữ bao gồm: sự hoạn nạn và sự khốn khổ. Nói như vậy không phải sự hoạn nạn và sự khốn khổ không đến với con dân Chúa. Điều khác biệt là: Đối với kẻ làm dữ thì sự hoạn nạn và sự khốn khổ là hình phạt đến từ Đức Chúa Trời hoặc trực tiếp từ nơi Ngài như trong thời đại nạn hoặc qua các nhà cầm quyền do Chúa lập nên hoặc qua những kẻ làm ác. Đối với con dân Chúa thì đó là sự Chúa cho phép xảy ra để rèn luyện chúng ta và để chúng ta được dự phần trong sự thương khó của Ngài.

  • Hoạn nạn và khốn khổ là sự thử thách đức tin: “Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, khi các anh chị em rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng. Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại. Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.” (Gia-cơ 1:2-4).
  • Hoạn nạn và khốn khổ là sự dự phần trong sự thương khó của Đức Chúa Jesus Christ: “Vì lương tâm đối với Thiên Chúa, mà chịu khốn khổ trong khi bị oan ức, ấy là một điều đáng khen. Có gì là vinh quang nếu các anh chị em kiên trì khi bị đánh vì sự phạm tội của mình? Nhưng nếu các anh chị em làm lành, mà kiên trì trong sự khốn khó, ấy là điều đáng khen đối với Thiên Chúa. Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài. Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá. Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công chính.” (I Phi-e-rơ 2:19-23).
  • Hoạn nạn và khốn khổ là cơ hội được phước: “Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn. Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng. Đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.” (I Phi-e-rơ 4:12-14).

Phần thưởng dành cho mỗi người làm lành bao gồm: sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự bình an. Sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự bình an của con dân Chúa không nhất thiết phải thuộc về thế giới vật chất và theo tiêu chuẩn của thế gian. Trước thế gian, con dân Chúa có thể bị tù đày, bị đánh đập, bị sỉ nhục, và bị giết chết cách đau thương; nhưng trước Thiên Chúa, trước Hội Thánh, trước các thiên sứ và trước Ma Quỷ, con dân Chúa có sự vinh quang, sự tôn trọng, sự bình an ngay trong đời này, trong mọi cảnh ngộ, và còn mãi cho đến đời đời mà thế gian không thể có được và cũng không thể hiểu được.

Những kẻ làm dữ cũng có khi nhận được sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự bình an trong đời này, do Sa-tan ban cho, để dẫn dụ họ vào trong sự hư mất đời đời. Thi Thiên 73 nói đến trường hợp đó:

Vì trong cơn chết chúng nó chẳng bị đau đớn; sức lực của chúng nó vẫn đầy đủ. Chúng nó chẳng bị nạn khổ như người khác, cũng không bị tai họa như người đời… Kìa là những kẻ ác, chúng nó bình an vô sự luôn luôn, nên của cải chúng nó thêm lên” (Thi Thiên 73:4-5 và 12).

Nhưng cũng chính Thi Thiên 73 giải đáp cho sự khó hiểu này:

Khi tôi suy gẫm để hiểu biết điều ấy, bèn thấy là việc cực nhọc quá cho tôi, cho đến khi tôi vào nơi thánh của Thiên Chúa, suy nghiệm về sự cuối cùng của chúng nó. Chúa thật đặt chúng nó tại nơi trơn trợt, khiến cho chúng nó hư nát” (Thi Thiên 73:16-18).

Rô-ma 2:11 Vì trước Đức Chúa Trời, Ngài không thiên vị.

Mệnh đề: “trước Đức Chúa Trời” hàm ý: mọi sự Đức Chúa Trời làm ra, bao gồm: sự ban ơn, sự khen thưởng, và sự hình phạt. Mệnh đề; “Ngài không thiên vị” hàm ý: Đức Chúa Trời luôn luôn công chính trong mọi sự, vì đó là bản tính của Ngài. Ngài không hề thiên vị một ai hay bất cứ điều gì. Chính vì sự không thiên vị đó mà hình phạt dành cho những kẻ đã tin nhận Chúa sẽ nặng hơn, so với những kẻ không tin nhận Chúa. Điều đó trái ngược với sự hiểu lầm của nhiều người, họ tưởng rằng, vì họ đã tuyên xưng đức tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, cho nên, dù cho có một vài tội lỗi nào đó mà họ không từ bỏ, thì họ vẫn được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Sự công chính của Đức Chúa Trời đòi hỏi Ngài phải hình phạt mọi kẻ không ăn năn tội như nhau.

Kết Luận

Đức Chúa Trời sẽ phán xét mỗi người tùy theo mỗi việc làm: việc làm lành cũng như việc làm dữ. Sự phán xét của Đức Chúa Trời để khen thưởng và hình phạt sẽ xảy ra cho dân Do-thái, rồi đến các dân ngoại. Tuy nhiên, sự phán xét của Ngài là công chính, không hề có sự thiên vị. Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ xảy ra trong đời này vào kỳ tận thế trong bảy năm đại nạn, và sẽ xảy ra trong đời sau trước khi trời mới đất mới được thành lập.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/08/2012

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.