Chú Giải Rô-ma 02:17-29

5,355 views

Roma_011 Tiêu Chuẩn Đức Chúa Trời Định Tội Dân Chúa
(Rô-ma 2:17-29)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

17 Ngươi hãy xem: ngươi xưng là người Do-thái; ngươi dựa trên luật pháp và ngươi khoe mình trong Thiên Chúa;

18 ngươi hiểu biết ý muốn Ngài và ngươi thử nghiệm những sự tuyệt hảo, là những sự được dạy từ luật pháp.

19 Ngươi tự tin rằng: ngươi vừa là người dẫn đường cho những kẻ mù, vừa là ánh sáng của những kẻ ở trong sự tối tăm;

20 người quở trách của những kẻ ngu; giáo sư của những kẻ tầm thường, có hình thức của sự tri thức và của lẽ thật trong luật pháp.

21 Vậy, là kẻ dạy người khác mà ngươi không dạy chính mình, là kẻ giảng chớ trộm cắp mà ngươi trộm cắp,

22 là kẻ nói chớ phạm tội ngoại tình mà ngươi phạm tội ngoại tình, là kẻ gớm ghét thần tượng mà ngươi cướp bàn thờ của thần tượng.

23 Ngươi là kẻ khoe mình trong luật pháp, mà bởi sự vi phạm luật pháp, ngươi làm nhục Đức Chúa Trời.

24 Vì danh của Đức Chúa Trời, bởi các ngươi bị xúc phạm trong các dân tộc, như đã được chép.

25 Thật vậy, sự cắt bì có ích nếu ngươi vâng giữ luật pháp; nhưng nếu ngươi là kẻ vi phạm luật pháp, thì sự cắt bì của ngươi trở nên sự không cắt bì.

26 Vậy, nếu kẻ không cắt bì vâng giữ những sự công chính của luật pháp, thì sự không cắt bì của người ấy sẽ không được kể là sự cắt bì sao?

27 Và, theo lẽ tự nhiên, kẻ không cắt bì mà làm trọn luật pháp, sẽ phán xét ngươi, là kẻ bởi chữ viết và sự chịu cắt bì mà vi phạm luật pháp.

28 Vì không phải kẻ tỏ ra người Do-thái là người Do-thái, cũng vậy, không phải kẻ tỏ ra sự cắt bì trong xác thịt là người cắt bì;

29 nhưng là kẻ bên trong là người Do-thái, và là sự cắt bì của tấm lòng trong tâm thần, không phải chữ viết. Sự khen ngợi của kẻ ấy chẳng bởi loài người nhưng bởi Đức Chúa Trời.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMxMDY3MDNf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11611-chugiairoma-2-17-29-tieuchuanphanxetdanchua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/xg75cte7evyea3e/11611_ChuGiaiRoma_2_17-29_TieuChuanPhanXetDanChua.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Luật pháp của Thiên Chúa là tiêu chuẩn cho mọi ý nghĩ, lời nói, và việc làm của nhân loại. Luật pháp của Thiên Chúa đã được ghi chép trong lòng người. Riêng đối với dân I-sơ-ra-ên, luật pháp của Thiên Chúa còn được chính Thiên Chúa và các tiên tri của Ngài phán ra thành tiếng, viết ra thành chữ, và được các tôi tớ của Ngài rao giảng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tuy nhiên, lịch sử của dân I-sơ-ra-ên cho thấy dân tộc này thường xuyên phản nghịch Thiên Chúa, vi phạm luật pháp của Ngài. Có thể nói, dân I-sơ-ra-ên tiêu biểu cho sự kiện loài người dầu có thật lòng tin nhận Thiên Chúa, nhưng không thể tự mình sống đúng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Một người chỉ có thể sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa khi được Ngài ban cho năng lực của Ngài.

Sau khi các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được ban hành chưa được bao lâu thì hai con trai của A-rôn, là Na-đáp và A-bi-hu, trong địa vị thầy tế lễ đã bị Thiên Chúa thiêu chết vì không tuân theo luật pháp về việc dâng hương lên Thiên Chúa (Lê-vi Ký 10:1-2). Sự kiện này tiêu biểu cho tình trạng: sự phạm tội bắt nguồn từ chính những người gần với Lời Chúa và có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa cho con dân Chúa; và tội lỗi bắt đầu từ sự thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa không đúng theo Lời Chúa.

Hơn 700 năm sau khi Mười Điều Răn và luật pháp được Thiên Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên qua chữ viết, chính Thiên Chúa đã phán về dân I-sơ-ra-ên như sau:

Chúa có phán rằng: Vì dân này chỉ lấy miệng tới gần Ta, lấy môi miệng tôn Ta, mà lòng chúng nó thì cách xa Ta lắm; sự chúng nó kính sợ Ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho…” (Ê-sai 29:13).

Sau đó, hơn 700 năm nữa, khi Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người, Ngài đã lập lại lời phán như trên (Ma-thi-ơ 15:8-9; Mác 7:6-7).

Nhìn vào Hội Thánh ngày nay, chúng ta thấy rõ: sự phạm tội bắt nguồn từ chính những người gần với Lời Chúa và có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa cho con dân Chúa; và tội lỗi bắt đầu từ sự thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa không đúng theo Lời Chúa. Ngày nay, có những thứ “lửa lạ” tức là lòng nhiệt tình vì các “phong trào” do loài người lập ra thay vì sự cảm thúc của Đức Thánh Linh, được dùng để “dâng hương,” tức là sự tôn vinh, ca ngợi lên Thiên Chúa. Có những thứ “lạ” (nghĩa là không được dạy trong Thánh Kinh) như “nói tiếng lạ,” “áo lễ lạ,” “kinh cầu lạ,” “thánh lễ lạ,” “bí tích lạ” được dùng trong sự thờ phượng Thiên Chúa. Có những thứ “giáo lý lạ” được giảng dạy trong Hội Thánh, như: phải học và thi đậu giáo lý căn bản mới được làm báp-tem, phải tốt nghiệp trường Thánh Kinh hoặc thần học mới được “phong chức” cho chăm sóc và giảng dạy trong Hội Thánh, phải được “phong chức” mới được làm báp-tem cho người mới tin Chúa và cử hành Tiệc Thánh cho Hội Thánh. Trên hết là có những “tên lạ” được đặt cho Hội Thánh của Chúa!

Lời phán của Thiên Chúa qua Tiên Tri Ê-sai, được ghi lại trong Ê-sai 29:13 hoàn toàn đúng với Hội Thánh của Chúa ngày nay. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa thực dụng cho Hội Thánh qua Rô-ma 2:17-29. Vì thế, mỗi khi đọc đến từ ngữ “người Do-thái” chúng ta hãy đổi thành “Cơ-đốc nhân” và mỗi khi đọc đến từ ngữ “cắt bì” chúng ta hãy đổi thành “báp-tem.”

17 Ngươi hãy xem: ngươi xưng là người Do-thái; ngươi dựa trên luật pháp và ngươi khoe mình trong Thiên Chúa;

18 ngươi hiểu biết ý muốn Ngài và ngươi thử nghiệm những sự tuyệt hảo, là những sự được dạy từ luật pháp.

Ngươi hãy xem: Phao-lô đang viết thư cho Hội Thánh tại Rô-ma là một Hội Thánh bao gồm phần lớn những người không thuộc dân tộc Do-thái [1], nhưng ông đột nhiên chuyển giọng như là ông đang viết cho một người Do-thái. Điều này không có nghĩa là Phao-lô muốn nói bóng gió đến một người Do-thái nào trong Hội Thánh tại Rô-ma, nhưng Đức Thánh Linh đã dùng ông để phán thẳng với tất cả những người Do-thái nào tự hào là tuyển dân của Thiên Chúa, có luật pháp của Thiên Chúa và hiểu biết luật pháp của Thiên Chúa. Ngày nay, chúng ta có thể áp dụng cho tất cả những ai xưng mình là tín đồ của Đấng Christ, có Lời Chúa, là Thánh Kinh, và hiểu biết Thánh Kinh. “Ngươi hãy xem” có nghĩa là: “Ngươi hãy nhìn lại chính mình ngươi!”

Ngươi xưng là người Do-thái: Ngươi xưng ngươi thuộc về tuyển dân của Thiên Chúa, có giao ước với Thiên Chúa. Áp dụng cho Cơ-đốc nhân: Ngươi xưng ngươi là tín đồ của Đấng Christ, ở trong giao ước mới của Đấng Christ.

Ngươi dựa trên luật pháp và ngươi khoe mình trong Thiên Chúa: Ngươi khoe ngươi có luật pháp của Thiên Chúa và cẩn thận vâng giữ các luật pháp, đến nổi, ngươi còn tự đặt ra thêm cho mình nhiều luật lệ để giữ cho luật pháp của Thiên Chúa không bị vi phạm. Áp dụng cho Cơ-đốc nhân: Ngươi khoe ngươi có Lời Chúa, tốt nghiệp từ các trường Thánh Kinh và thần học với nhiều bằng cấp, học vị cao trọng.

Ngươi hiểu biết ý muốn Ngài và ngươi thử nghiệm những sự tuyệt hảo, là những sự được dạy từ luật pháp: Ngươi xưng là ngươi hiểu biết ý muốn của Thiên Chúa và ngươi đã chứng nghiệm được những điều luật pháp dạy dỗ là tốt lành trọn vẹn. Từ ngữ “thử nghiệm” trong nguyên ngữ có nghĩa là: “thử thách để tìm ra phẩm chất thật” như khi người thợ bạc dùng lửa để thử phẩm chất của vàng hoặc bạc. Áp dụng cho Cơ-đốc nhân: Ngươi xưng là ngươi hiểu biết ý muốn của Thiên Chúa và chứng nghiệm được những sự dạy dỗ tốt lành từ Thánh Kinh.

19 Ngươi tự tin rằng: ngươi vừa là người dẫn đường cho những kẻ mù, vừa là ánh sáng của những kẻ ở trong sự tối tăm;

20 người quở trách của những kẻ ngu; giáo sư của những kẻ tầm thường, có hình thức của sự tri thức và của lẽ thật trong luật pháp.

Ngươi tự tin rằng: ngươi vừa là người dẫn đường cho những kẻ mù, vừa là ánh sáng của những kẻ ở trong sự tối tăm: Tự ngươi tin rằng: đối với những ai không thể nào hiểu được Lời Chúa thì chỉ cần nghe theo ngươi và những ai muốn hiểu Lời Chúa thì phải học nơi ngươi. Ý nghĩa này áp dụng chung cho những người Do-thái chuộng luật pháp theo hình thức và những Cơ-đốc nhân chuộng các ý tưởng thần học hơn là lẽ thật của Lời Chúa. Sự kiêu ngạo về trí thức của luật pháp và thần học đã làm cho những người ấy tự tin và tự xưng mình là ánh sáng của thế gian.

Người quở trách của những kẻ ngu; giáo sư của những kẻ tầm thường, có hình thức của sự tri thức và của lẽ thật trong luật pháp: Ngươi tự cho mình khôn ngoan hơn người khác, gọi họ là những kẻ ngu, vì họ không thông thạo về luật pháp hoặc thần học như ngươi, và ngươi tự cho mình có quyền quở trách họ. Ngươi tự xưng ngươi là giáo sư của những người muốn học biết Lời Chúa. Ngươi tự xưng ngươi có các hệ thống giải thích luật pháp hoặc Thánh Kinh.

21 Vậy, là kẻ dạy người khác mà ngươi không dạy chính mình, là kẻ giảng chớ trộm cắp mà ngươi trộm cắp,

22 là kẻ nói chớ phạm tội ngoại tình mà ngươi phạm tội ngoại tình, là kẻ gớm ghét thần tượng mà ngươi cướp bàn thờ của thần tượng.

Trong thực tế, những kẻ lên mình kiêu ngạo về tri thức luật pháp hoặc thần học đều là những kẻ giả hình, mượn danh Chúa và Lời Chúa làm phương tiện để thu đạt danh, lợi, quyền, và ngay cả sắc dục. Nguyên cả đoạn 23 của sách Ma-thi-ơ đã ghi lại những lời Đức Chúa Jesus Christ phán thẳng về những người Pha-ri-si trong dân I-sơ-ra-ên. Hơn 30 năm sau đó, qua thư II Phi-e-rơ đoạn 2, Đức Thánh Linh lại phán về những giáo sư giả trong Hội Thánh. Nội dung của hai đoạn Thánh Kinh này vẫn có thể áp dụng một cách trọn vẹn cho hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo trong các giáo hội mang danh Chúa ngày nay. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một vài câu trong hai đoạn Thánh Kinh nói trên:

Ma-thi-ơ 23:

2 Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ngôi của Môi-se.
3 Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm.
4 Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào.
5 Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài;
6 ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội;
7 muốn người ta chào mình giữa chợ và gọi mình: Ra-bi! Ra-bi!


13 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở.
14 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi làm bộ đọc lời cầu nguyện cho dài mà nuốt nhà đàn bà góa; vì cớ đó, các ngươi sẽ bị án phạt nặng hơn.
15 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là những kẻ giả hình! Vì các ngươi đi khắp dưới nước, trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho người ấy trở thành con cái của hỏa ngục gấp hai các ngươi.
16 Khốn cho các ngươi, là kẻ mù dẫn đường, các ngươi nói rằng: Nếu người nào chỉ đền thờ mà thề, thì không can chi; nhưng chỉ vàng của đền thờ mà thề, thì phải mắc lời thề ấy.
17 Hỡi kẻ dại và mù, vàng, và đền thờ làm cho vàng nên thánh, cái nào trọng hơn?
18 Lại các ngươi nói rằng: Nếu người nào chỉ bàn thờ mà thề, thì không can chi; nhưng chỉ của lễ trên bàn thờ mà thề, thì phải mắc lời thề ấy.
19 Hỡi kẻ mù kia, của lễ, và bàn thờ làm cho của lễ nên thánh, cái nào trọng hơn?
20 Vậy thì người nào chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và cả của lễ trên bàn thờ mà thề;
21 người nào chỉ đền thờ mà thề, là chỉ đền thờ và Đấng ngự nơi đền thờ mà thề
22 còn ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngôi của Đức Chúa Trời và Đấng ngự trên ngôi mà thề vậy.
23 Khốn cho các ngươi, các thầy thông giáo và các người Pha-ri-si, là những kẻ giả hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là công lý, lòng thương xót, và sự trung tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia.
24 Hỡi kẻ mù dẫn đường, các ngươi lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà!
25 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi rửa bề ngoài chén và mâm, nhưng ở trong thì đầy dẫy sự ăn cướp cùng sự quá độ.
26 Hỡi người Pha-ri-si mù kia, trước hết phải lau bề trong chén và mâm, để cho bề ngoài cũng được sạch sẽ.
27 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy.
28 Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi.

II Phi-e-rơ 2:
1 Nhưng trong dân chúng cũng đã có những tiên tri giả, và ngay cả trong các anh chị em cũng sẽ có những giáo sư giả, là những kẻ sẽ đem vào những tà giáo đáng diệt, đến nỗi chối bỏ Chúa đã chuộc chúng nó, tự đem cho chúng nó sự hủy diệt thình lình.
2 Có nhiều kẻ sẽ theo sự hủy diệt của chúng nó. Bởi chúng nó mà Con Đường Chân Lý sẽ bị gièm pha.
3 Chúng nó sẽ bởi lòng tham mình, tạo lời dối trá để trục lợi từ các anh chị em. Chúng nó là những kẻ mà án phạt của chúng nó từ lâu nay đã không bị chậm trễ, và sự hư mất của chúng nó chẳng bị quên.
4 Vì nếu Đức Chúa Trời đã chẳng chừa lại các thiên sứ phạm tội, nhưng quăng họ vào trong vực sâu tối tăm, giao họ vào trong xiềng xích của sự tối tăm để chờ sự phán xét;
5 và Ngài chẳng chừa lại thế gian thuở xưa, trong khi sai nước lụt đến trên thế gian không tin kính, nhưng Ngài giữ gìn tám người, có Nô-ê là người rao giảng công chính;
6 và Ngài đã khiến ra tro thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, định tội chúng với sự hủy diệt, để làm gương cho những kẻ không tin kính;
7 và Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, người đã mệt mỏi bởi cách ăn ở phóng đãng của những kẻ phạm pháp;
8 vì người công bình ấy ở giữa họ, ngày qua ngày thấy và nghe những việc làm phạm pháp của họ, mà đau xót lòng công chính;
9 thì Chúa biết giải cứu những người tin kính ra khỏi những cơn thử thách, cám dỗ, và cầm giữ những kẻ không công bình cho ngày phán xét, để hình phạt;
10 nhất là những kẻ bước theo xác thịt trong sự tham muốn ô uế, xem thường chủ quyền. Chúng nó dám tự đắc, không sợ mà nói hỗn đến các bậc đáng tôn trọng.
11 Dù các thiên sứ, là các đấng hơn chúng nó về sức mạnh và quyền phép, còn không hề lấy lời phạm thượng mà phán xét các bậc đó trước mặt Chúa.
12 Nhưng chúng nó cũng như những con vật không biết gì, được sinh ra để bị bắt giết. Chúng nó nói phạm thượng những điều chúng nó không biết và sẽ bị hư mất trong sự hư hại của chúng nó.
13 Chúng nó sẽ nhận lấy hình phạt dành cho sự không công chính, bởi vì chúng nó cho rằng, sự sống xa hoa giữa ban ngày là sung sướng. Chúng nó bị ô uế với những vết nhơ; vui thú trong sự dối trá của chúng nó khi chúng nó dự tiệc với các anh chị em.
14 Chúng nó có đôi mắt đầy những sự ngoại tình; không ngừng phạm tội; dụ dỗ những linh hồn không vững vàng; có tấm lòng chuyên về tham dục. Chúng nó là những con cái của sự rủa sả.
15 Chúng nó đã bỏ đường thẳng mà đi sai lạc theo đường của Ba-la-am, con trai của Bô-sô, là kẻ tham tiền công của sự không công chính.
16 Nhưng người ấy đã bị quở trách về sự phạm pháp của mình, khi một con lừa câm lại nói tiếng người, mà ngăn cấm sự điên cuồng của người tiên tri ấy.
17 Chúng nó là những suối không nước, những đám mây bị luồng gió mạnh đưa đi; và bóng đen của sự tối tăm đã để dành cho chúng nó đến đời đời.
18 Vì khi chúng nó nói những lời hư không được thổi phồng thì chúng nó dùng những ham muốn của xác thịt, những ham muốn không được kiềm chế, để dụ dỗ những người vừa thoát khỏi những kẻ ăn ở trong sự lầm lạc.
19 Trong khi chúng nó hứa sự tự do cho họ thì chính chúng nó làm nô lệ cho sự hư hại; vì có sự gì đã thắng hơn người thì người là nô lệ cho sự đó.
20 Vì nếu sau khi chúng nó đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, nhờ sự tri thức về Chúa và Đấng Giải Cứu {chúng ta là} Đức Chúa Jesus Christ, rồi chúng nó lại vướng mắc những sự đó và bị bắt phục, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu.
21 Vì thà chúng nó không biết đường công bình, thì tốt cho chúng nó hơn là sau khi chúng nó biết rồi, lại lui đi về điều răn thánh đã ban truyền cho chúng nó.
22 Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.

Họ đúng là: kẻ dạy người khác mà không dạy chính mình, là kẻ giảng chớ trộm cắp mà lại trộm cắp, là kẻ nói chớ phạm tội ngoại tình mà lại phạm tội ngoại tình, là kẻ gớm ghét thần tượng mà lại cướp bàn thờ của thần tượng. Ngày nay, biết bao nhiêu người lên tiếng đả phá các thần tượng nhưng chính họ đã đem các thói tục thờ lạy thần tượng vào trong sự thờ phượng Chúa, họ đã đem danh của nữ tà thần Easter để gọi ngày kỷ niệm Chúa phục sinh [2], họ đã mang các bộ áo lễ bắt nguồn từ áo lễ của các thầy tế lễ ngoại giáo vào trong Hội Thánh mà suốt bốn trăm năm đầu lịch sử của Hội Thánh không hề có [3].

23 Ngươi là kẻ khoe mình trong luật pháp, mà bởi sự vi phạm luật pháp, ngươi làm nhục Đức Chúa Trời.

24 Vì danh của Đức Chúa Trời, bởi các ngươi bị xúc phạm trong các dân tộc, như đã được chép.

Ngày xưa trong dân I-sơ-ra-ên và ngày nay trong Hội Thánh, có những kẻ khoe mình ở trong Lời Chúa, thông biết Lời Chúa, làm thầy giảng dạy cho người khác về Lời Chúa, nhưng chính họ là những kẻ sống nghịch lại Lời Chúa và dạy cho người khác cũng sống nghịch lại Lời Chúa. Nếp sống tội lỗi của họ nhiều khi còn tệ hại hơn người không tin Chúa, khiến cho danh của Đức Chúa Trời bị xúc phạm trong các dân tộc.

Ngày nay sự vi phạm luật pháp phổ biến nhất trong Hội Thánh Chúa là sự vi phạm điều răn thứ tư. Chẳng những vi phạm mà người ta còn lập ra những tư tưởng thần học bảo vệ cho sự hủy bỏ điều răn thứ tư và chụp mũ cho những ai vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Chúa là theo tà giáo.

Như đã được chép: Có hai nơi trong Cựu Ước nói đến việc danh của Thiên Chúa vì dân I-sơ-ra-ên mà bị xúc phạm giữa các dân tộc:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, Ta làm gì đây? Vì dân Ta đã bị đày đi nhưng không [4]. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Những kẻ cai trị nó cất tiếng van la cả ngày, nói phạm đến danh Ta không thôi.” (Ê-sai 52:5).

Ê-xê-chi-ên 36:
18 Ta đã rải cơn thịnh nộ của ta trên chúng nó, vì cớ máu mà chúng nó đã làm đổ ra trên đất, và vì chúng nó đã làm ô uế đất ấy bởi thần tượng mình.
19 Ta đã làm tan tác chúng nó trong các dân, và chúng nó đã bị rải ra trong nhiều nước; ta đã phán xét chúng nó theo đường lối và việc làm.
20 Khi chúng nó đã tới trong các nước mà chúng nó đã đi đến, thì chúng nó đã phạm danh thánh ta, đến nỗi người ta nói về chúng nó rằng: Ấy là dân của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; chúng nó đã ra đi từ đất Ngài!
21 Nhưng ta tiếc danh thánh của ta mà nhà I-sơ-ra-ên đã phạm trong các dân tộc, là nơi nhà ấy đã đi đến.
22 Vậy nên hãy nói với nhà I-sơ-ra-ên rằng: Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Hỡi nhà I-sơ-ra-ên, ấy chẳng phải vì cớ các ngươi mà ta làm cách ấy, nhưng vì cớ danh thánh ta mà các ngươi đã phạm trong các dân, là nơi các ngươi đã đi đến.
23 Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta, là danh đã bị phạm trong các dân, giữa các dân đó các ngươi đã phạm danh ấy. Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán: Như vậy các dân tộc sẽ biết ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, khi trước mắt chúng nó ta sẽ được tỏ ra thánh bởi các ngươi.

25 Thật vậy, sự cắt bì có ích nếu ngươi vâng giữ luật pháp; nhưng nếu ngươi là kẻ vi phạm luật pháp, thì sự cắt bì của ngươi trở nên sự không cắt bì.

26 Vậy, nếu kẻ không cắt bì vâng giữ những sự công chính của luật pháp, thì sự không cắt bì của người ấy sẽ không được kể là sự cắt bì sao?

Trong Giao Ước Cũ, dấu hiệu kết ước giữa loài người với Đức Chúa Trời là sự cắt bì. Một người chịu cắt bì là một người cam kết tôn thờ chỉ một Thiên Chúa Giê-hô-va và vâng giữ trọn vẹn các điều răn, luật pháp của Ngài. Dầu cho người đó không có huyết thống I-sơ-ra-ên, nhưng chịu cắt bì để kết ước với Thiên Chúa thì cũng được dự phần trong giao ước như một người I-sơ-ra-ên. Sự cắt bì của xác thịt bên ngoài tiêu biểu cho sự cắt bỏ mầm tội của con người bên trong. Giao Ước Cũ đòi hỏi loài người phải vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời để được phước; khi phạm tội thì phải bị hình phạt và phải dâng sinh tế chuộc tội.

Tuy nhiên, không ai có thể giữ trọn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, cho nên, Đức Chúa Jesus Christ đã thay cho loài người kết một giao ước mới với Đức Chúa Trời. Giao Ước Mới không hủy bỏ Giao Ước Cũ mà thêm các điều kiện giúp cho Giao Ước Cũ được hoàn thành cách trọn vẹn. Đó là lý do Đức Chúa Jesus Christ phán: “Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng hủy phá luật pháp hay là lời tiên tri; Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn” (Ma-thi-ơ 5:17). Trong Giao Ước Mới mọi hình phạt dành cho tội nhân đều do Đức Chúa Jesus Christ gánh thay, và Đức Thánh Linh ban cho người tin nhận Giao Ước Mới Thánh Linh của Đức Chúa Trời để người ấy có năng lực của Đức Chúa Trời mà vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Trong Giao Ước Mới, dấu hiệu kết ước giữa loài người với Đức Chúa Trời là sự chịu báp-tem. Từ ngữ báp-tem có nghĩa là nhúng chìm vào trong một chất lõng, như: nhúng chìm vào trong nước để được rửa sạch, nhúng chìm vào trong dầu ô-li-ve để được chữa lành, nhúng chìm vào trong thuốc nhuộm để thay đổi tính chất. Sự chịu báp-tem tiêu biểu cho sự cùng chết và cùng sống lại của người tin nhận giao ước với Đức Chúa Jesus Christ. Chết là chết đi con người cũ tội lỗi, sống lại là sống lại một con người mới trong Đấng Christ với đầy dẫy Thánh Linh của Đức Chúa Trời, không còn sống trong tội mà sống trong sự thánh khiết của Lời Chúa.

Chính vì sự cắt bì và sự chịu báp-tem là hình thức được thực hiện trên con người bên ngoài để tiêu biểu cho sự thay đổi của con người bên trong, cho nên, những ai chịu cắt bì hoặc chịu báp-tem mà không sống theo Lời Chúa thì sự cắt bì của họ trong Giao Ước Cũ hoặc sự báp-tem của họ trong Giao Ước Mới là vô ích. Ngược lại, nếu một người không có hoặc chưa có cơ hội để thực hiện sự cắt bì hay sự báp-tem bên ngoài mà con người bên trong hoàn toàn tin cậy, đầu phục Chúa, sống theo Lời Chúa, thì trước mặt Đức Chúa Trời họ là những kẻ đã ở trong giao ước của Ngài. Chính vì thế mà một trong hai tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa đã được cứu rỗi, dù anh ta không còn cơ hội được báp-tem bằng nước (Lu-ca 23:43), và gia đình của sĩ quan Cọt-nay đã được Chúa báp-tem bằng Thánh Linh trước khi họ được báp-tem bằng nước (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:44-48).

Chúng ta đã biết: “mọi người đều đã phạm tội” nghĩa là không ai có thể giữ trọn luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng tại sao Phao-lô lại viết: “Vậy, nếu kẻ không cắt bì vâng giữ những sự công chính của luật pháp, thì sự không cắt bì của người ấy sẽ không được kể là sự cắt bì sao?” Ý nghĩa của sự “vâng giữ những sự công chính của luật pháp” được nói đến ở đây áp dụng cho sự kiện: một người nhờ vào sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ để được tha tội và làm cho sạch tội, rồi dựa vào Thánh Linh của Đức Chúa Trời để sống công chính và thánh khiết theo Lời Chúa. Người đó, dầu không cắt bì trên thân thể xác thịt bên ngoài nhưng đối với Đức Chúa Trời người đó đã hoàn toàn được cắt bì con người bên trong. Vì thế, mọi tín đồ chân thật của Đấng Christ, nhờ năng lực của Thánh Linh mà vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được gọi là những thánh đồ, sống đúng theo cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

27 Và, theo lẽ tự nhiên, kẻ không cắt bì mà làm trọn luật pháp, sẽ phán xét ngươi, là kẻ bởi chữ viết và sự chịu cắt bì mà vi phạm luật pháp.

28 Vì không phải kẻ tỏ ra người Do-thái là người Do-thái, cũng vậy, không phải kẻ tỏ ra sự cắt bì trong xác thịt là người cắt bì;

29 nhưng là kẻ bên trong là người Do-thái, và là sự cắt bì của tấm lòng trong tâm thần, không phải chữ viết. Sự khen ngợi của kẻ ấy chẳng bởi loài người nhưng bởi Đức Chúa Trời.

Một ngày kia, những người dân ngoại không chịu cắt bì nhưng tin nhận Giao Ước Mới, thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Trời, và sống đời sống vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ phán xét những người I-sơ-ra-ên chịu cắt bì mà không vâng giữ luật pháp.

Tuyển dân I-sơ-ra-ên là hình bóng cho Hội Thánh của Chúa về sự những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời. Từ ngữ “Do-thái” được dùng trong Rô-ma 2:28 và 29 có nghĩa là: “tuyển dân của Đức Chúa Trời.” Bất cứ ai, thuộc dân tộc nào, nếu thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và sống theo Lời Chúa đều là những người mà bên trong là người Do-thái, là “tuyển dân của Đức Chúa Trời.” Dầu cho thân thể xác thịt của họ không có dấu cắt bì đi chăng nữa, nhưng tâm thần của họ đã thật sự được cắt khỏi bản chất tội lỗi và họ là những thánh đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Sự được sinh ra trong dòng dõi Do-thái và chịu cắt bì theo văn tự quy định của luật pháp không bao giờ khiến cho một người thật sự là người Do-thái.

Một ngày kia, chính Đức Chúa Trời sẽ khen ngợi những người Do-thái thật và ban cho họ những mão vinh hiển đời đời.

Trong những ngày cuối cùng, trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, số con dân Chúa bội Đạo, tức là không sống theo Lời Chúa sẽ càng gia tăng:

Chớ để bất cứ ai lừa gạt các anh chị em bằng bất cứ cách nào. Vì trừ khi có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội lỗi, con của sự hư mất, được tỏ ra…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3).

Ta nói với các ngươi, Ngài sẽ vội vàng làm sự bênh vực họ. Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Số của các Christ giả và tiên tri giả nổi lên, làm ra nhiều dấu kỳ, phép lạ lớn cũng sẽ thêm nhiều:

Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.” (Ma-thi-ơ 24:24).

Hiện nay, cả hai thành phần đó chiếm đa số trong hơn hai tỉ người mang danh là con dân Chúa, (theo thống kê của năm 2012) [5]. Hội Thánh của Chúa sẽ vô cùng bận rộn trong ngày phán xét!

Kết Luận

Tiêu chuẩn Đức Chúa Trời sẽ dùng để định tội con dân Chúa và những kẻ mạo làm con dân Chúa, bất kể họ là người I-sơ-ra-ên hay là người thuộc các dân tộc khác, là Thánh Kinh. Phương cách để định tội là đối chiếu những việc làm của họ với Thánh Kinh. Quyền phán xét những kẻ biết Lời Chúa mà sống nghịch lại Lời Chúa sẽ được giao vào trong tay của Hội Thánh, tức là những người sống theo Lời Chúa, như Rô-ma 2:27 đã khẳng định.

Một người được ban cho địa vị con dân Chúa khi họ ăn năn tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong địa vị được làm con dân Chúa, họ được ban cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời, được tiêu biểu bằng các ta-lâng hay các nén bạc, để làm mọi việc lành, tức là sống theo Lời Ngài, tức là vâng giữ các điều răn của Ngài. Nếu họ không sống theo Lời Chúa, họ sẽ bị phán xét.

Một người không thật lòng tin nhận Chúa, trà trộn vào trong Hội Thánh để thủ lợi vật chất, đương nhiên không có Thánh Linh và không thể sống theo Thánh Kinh, nhưng cũng vẫn bị phán xét theo Thánh Kinh, vì họ biết Thánh Kinh, thậm chí còn có bằng cấp, học vị về sự học hỏi, nghiên cứu Thánh Kinh.

Sự phán xét của Đức Chúa Trời luôn luôn là công chính. Thánh Kinh cho biết, kẻ biết Lời Chúa mà phạm tội thì sẽ bị hình phạt nặng hơn kẻ không biết Lời Chúa mà phạm tội (Ma-thi-ơ 23:14; Lu-ca 20:47).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/08/2012

Ghi Chú:

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] Rất có thể Hội Thánh tại Rô-ma được hình thành bởi một số người Rô-ma gốc Do-thái, trong số 3,000 người tin Chúa trong ngày Lễ Ngũ Tuần năm thứ 30, sau khi họ được chứng kiến khoảng 120 môn đồ của Chúa nói các thứ ngoại ngữ tôn vinh Chúa và nghe Sứ Đồ Phi-e-rơ giảng Tin lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 2).

[2] “Huyền Thoại về Easter”: https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[3] “History of Choir Robes”: http://www.academicapparel.com/choir/

[4] Bản Truyền Thống dịch là: Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ, Ta làm gì đây? Vì dân Ta đã vô cớ bị đày đi. Đức Giê-hô-va phán: Những kẻ cai trị nó cất tiếng van la cả ngày, nói phạm đến danh Ta không thôi;” khiến cho sai ý. So sánh với bản Anh ngữ: “So then what is to Me here, declares Jehovah? For My people is taken for nothing; those ruling howl, declares Jehovah. And My name is continually despised, every day” (Literal Translation of the Holy Bible). Nguyên cớ dân Giu-đa bị lưu đày là vì phạm điều răn của Chúa, nhưng dân Ba-by-lôn đã không phải trả một giá nào để bắt dân Giu-đa làm nô lệ. Vì thế, khi Thiên Chúa đem dân Giu-đa về lại quê hương của họ cũng sẽ không phải trả một giá nào.

[5] http://intentious.com/2011/12/20/christianity-rules-the-global-population-in-2011-2012/