Chú Giải Rô-ma 03:01-08

7,036 views

Roma_012 Quản Gia của Lời Đức Chúa Trời
và Sự Công Bình của Thiên Chúa
(Rô-ma 3:1-8)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Rô-ma 3:1-8

1 Vậy, sự trổi hơn của dân Do-thái là gì? Hay là: có điều ích lợi gì của sự cắt bì?

2 Ích lợi nhiều đủ mọi bề. Thật vậy! trước hết, bởi vì họ đã được giao phó cho những lời phán của Đức Chúa Trời.

3 Nếu như: một vài ai đó trong số họ không tin, thì chẳng phải vì sự vô tín của họ mà sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ trở thành vô ích sao?

4 Chẳng phải vậy! Nhưng Đức Chúa Trời là thật. Nhưng mỗi người là kẻ nói dối, như đã được chép rằng: “Ngài là công chính trong những lời phán của Ngài và Ngài đắc thắng trong sự Ngài bị xét đoán.” Thi Thiên 51:4

5 Nhưng, nếu sự không công bình của chúng ta tán dương sự công bình của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nói gì? Chẳng phải Đức Chúa Trời thi hành sự thịnh nộ, thì Ngài không công chính sao? Tôi nói như người ta nói.

6 Chẳng phải vậy! Thế thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian như thế nào?

7 Vì, nếu lẽ thật của Đức Chúa Trời trong sự nói dối của tôi mà được sự vinh quang vượt trội, thì sao tôi lại bị phán xét cũng như kẻ có tội?

8 Chẳng phải như “Chúng ta hãy làm những sự dữ để được những sự lành;” (như chúng tôi bị vài kẻ vu khống, họ nói chúng tôi nói vậy. Sự phán xét của những kẻ ấy là công chính).

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMxMDY3MDVf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11612-chugiairoma-3-1-8-quangiacualoichua-3-1-8
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/x1nttpv25xeeg9f/11612_ChuGiaiRoma_3_1-8_QuanGiaCuaLoiChua_3_1-8.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Có một tư tưởng thần học cho rằng, Thiên Chúa là công chính, cho nên, cách thức Ngài cư xử với mọi người, mọi dân tộc, trong mọi thời đại đều giống nhau.

Tuy nhiên, sự công chính của Thiên Chúa hoàn toàn không liên quan gì đến cách thức Ngài cư xử với bất cứ loài thọ tạo nào. Giả sử như, có một đôi vợ chồng giàu có nhưng hiếm muộn, không có con. Họ quyết định sẽ nhận một đứa trẻ mồ côi trong một cô nhi viện về làm con nuôi, và sẽ để lại toàn bộ tài sản cho đứa con nuôi đó, khi họ qua đời. Như vậy, có thể nào ai đó lên án đôi vợ chồng này là bất công, vì giàu có như vậy, tại sao không nhận hết các đứa bé mồ côi khác trong cô nhi viện về nuôi? Hoặc là, có thể nào anh chị em, bà con của đôi vợ chồng này lên án đôi vợ chồng này là bất công khi đem hết tài sản trao cho một kẻ xa lạ, thay vì phân phát cho những người ruột thịt?

Thật ra, chính cái ý nghĩ cho rằng, “Thiên Chúa phải ban ơn cho mọi người giống nhau,” mới là một ý nghĩ không công chính. Vì ý nghĩ đó không cho phép Thiên Chúa được làm theo ý muốn và sự khôn ngoan của Ngài. Người nào suy nghĩ như vậy là phạm thượng, vì dám tự ban cho mình quyền phán xét Thiên Chúa. Cách thức Thiên Chúa cư xử với mỗi người, mỗi dân tộc, và với loài người trong mỗi thời đại hoàn toàn khác nhau, nhưng không bao giờ Ngài vi phạm sự công bình, sự yêu thương, và sự thánh khiết của Ngài. Đối với Thiên Chúa, tất cả những gì Ngài muốn, Ngài phán, và Ngài làm đều là công chính, phát xuất từ tình yêu thương, và dựa trên tiêu chuẩn thánh khiết, vì Ngài là Đấng công chính, yêu thương, và thánh khiết. Thiên Chúa biết rõ trong lòng của mỗi người và Ngài biết rõ muôn loài thọ tạo từ trước khi sáng thế, trong khi loài người chỉ có thể nhận xét theo bề ngoài và không biết rõ mọi sự, thì làm sao loài người biết hành động của Thiên Chúa là công chính hay không công chính? Rõ ràng, loài người đã kiêu ngạo và phạm thượng vô cùng khi dùng tiêu chuẩn của mình để phán định việc làm của Thiên Chúa.

Một Dân Tộc Thánh và Một Nước Thầy Tế Lễ

Thánh Kinh cho chúng ta biết, Thiên Chúa ban cho dân Do-thái những đặc ân mà các dân tộc khác không có được. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6, Thiên Chúa phán cùng Môi-se như sau: “Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho Ta. Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân I-sơ-ra-ên.” Thầy tế lễ là người cầu thay cho người khác và hướng dẫn người khác trong sự thờ phượng Thiên Chúa. Một nước thầy tế lễ là một nước mà mỗi công dân của nước ấy đều là một thầy tế lễ trước Thiên Chúa để cầu thay cho các dân tộc khác và hướng dẫn các dân tộc khác trong sự thờ phượng Thiên Chúa. Thánh là được tha tội, được làm cho sạch tội, được biệt riêng ra cho Thiên Chúa để Ngài sử dụng theo thánh ý tốt lành của Ngài trong các công tác đặc biệt. Một dân tộc thánh là một dân tộc được Thiên Chúa cứu chuộc ra khỏi tội lỗi và trở nên tôi tớ hầu việc Ngài.

Lời phán của Thiên Chúa trong Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6 về dân I-sơ-ra-ên có nghĩa là, trong mọi dân tộc, Thiên Chúa đã chọn riêng dân tộc I-sơ-ra-ên để cứu chuộc và biệt riêng họ ra khỏi các dân tộc khác, để ban cho họ chức vụ thầy tế lễ, là chức vụ cầu thay cho các dân tộc khác và hướng dẫn các dân tộc khác trong sự thờ phượng Thiên Chúa. Cho đến ngày nay, lời phán đó của Thiên Chúa vẫn chưa hiện thực, vì sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên. Không phải Thiên Chúa không có quyền làm cho hoàn thành ý định của Ngài bất kỳ lúc nào, nhưng Ngài muốn loài người nói chung và dân I-sơ-ra-ên nói riêng, sử dụng quyền tự do mà Ngài đã ban cho họ, để tiếp nhận ý định tốt lành của Ngài dành cho họ. Thánh Kinh đã tiên tri về thời kỳ mà lời phán trên đây của Thiên Chúa sẽ hiện thực. Đó là Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Xa-cha-ri 8:20-23 chép:

20 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vầy: Sẽ xảy ra các dân và dân cư nhiều thành đều đến,
21 và dân cư thành này đi đến thành khác mà nói rằng: Chúng ta hãy đi mau, để nài xin ơn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và tìm kiếm Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân; ta cũng sẽ đi.
22 Như vậy có nhiều dân và nhiều nước mạnh sẽ đến tìm kiếm Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân tại Giê-ru-sa-lem, và ở đó nài xin ơn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
23 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vầy: Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở cùng các ngươi.

Trong chương trình và ý định đời đời của Thiên Chúa, Ngài đã chọn dân I-sơ-ra-ên để qua đó ban sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Khi Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người, thì Ngài đã được sinh ra giữa dân tộc I-sơ-ra-ên. Trong Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, Đức Chúa Jesus Christ sẽ cai trị muôn dân muôn nước từ trên ngôi vua tại Giê-ru-sa-lem.

I-sơ-ra-ên và Hội Thánh

Địa vị thánh và chức thầy tế lễ của dân tộc I-sơ-ra-ên khác với địa vị thánh và chức thầy tế lễ của Hội Thánh:

  • Dân I-sơ-ra-ên là con cháu về phần xác của Áp-ra-ham và tất cả những ai chịu nhập tịch I-sơ-ra-ên, tiếp nhận Mười Lời Giao Ước (tức Mười Điều Răn) của Thiên Chúa, và thể hiện sự tiếp nhận đó qua Lễ Cắt Bì. Còn Hội Thánh là tất cả những ai có cùng một đức tin nơi Thiên Chúa qua Đức Chúa Jesus Christ, tiếp nhận sự dạy dỗ của Đức Chúa Jesus Christ, và thể hiện đức tin đó qua Lễ Báp-tem.

  • Dân I-sơ-ra-ên sẽ làm thầy tế lễ trong Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm để cầu thay cho muôn dân và hướng dẫn muôn dân thờ phượng Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Còn Hội Thánh là thầy tế lễ cầu thay cho muôn dân và hướng dẫn cho muôn dân thờ phượng Thiên Chúa bằng tâm thần và lẽ thật trong Thời Kỳ Hội Thánh.

Dân I-sơ-ra-ên và Hội Thánh là hai thực thể riêng biệt, được Đức Chúa Trời đối xử khác nhau. So với các dân tộc khác thì dân I-sơ-ra-ên có nhiều đặc ân từ Thiên Chúa và cũng có nhiều trách nhiệm đối với Thiên Chúa hơn. Tuy nhiên, chỉ có Hội Thánh, một thực thể bao gồm mọi chủng tộc, là được kết hợp cách mật thiết với Đức Chúa Jesus Christ và được đồng trị với Ngài. Một người I-sơ-ra-ên có thể vừa ở trong dân I-sơ-ra-ên vừa ở trong Hội Thánh. Ngoài những quyền lợi và ơn phước của một người ở trong Hội Thánh, người ấy còn được hưởng tất cả các phước hạnh về vật chất mà Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham. Điển hình là việc sẽ được chia đất tại xứ Ca-na-an.

Quản Gia của Lời Đức Chúa Trời

Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài yêu thương tất cả muôn loài thọ tạo, ban thức ăn cho chúng đúng mùa: “Con mắt muôn vật đều ngửa trông Chúa. Chúa ban cho chúng đồ ăn tùy theo thì” (Thi Thiên 145:15). Riêng đối với loài người thì: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Thiên Chúa” (Ma-thi-ơ 4:4). Vì thế, lời phán của Đức Chúa Trời là thức ăn thuộc linh cho loài người, đã được giao vào trong tay dân Do-thái để họ làm nhiệm vụ quản lý, phân phát Lời Chúa cho nhân loại. Rô-ma 3:2 cho chúng ta thấy, Thiên Chúa dành cho dân Do-thái một đặc ân và trách nhiệm vô cùng thiêng liêng. Đó là Thiên Chúa giao cho dân Do-thái những lời phán của Đức Chúa Trời: họ đã được giao phó cho những lời phán của Đức Chúa Trời.” Những lời phán của Đức Chúa Trời đã được dân tộc Do-thái chép lại trong suốt khoảng thời gian kéo dài hơn 1500 năm. Họ đã làm tròn bổn phận quản lý Lời của Đức Chúa Trời trước khi Hội Thánh tiếp nối chức vụ quản gia của Lời Đức Chúa Trời. Có thể nói, giai đoạn 70 năm, từ năm 27 đến năm 100 là giai đoạn chuyển tiếp công tác quản lý Lời của Đức Chúa Trời từ dân I-sơ-ra-ên qua Hội Thánh. Trong khoảng thời gian đó, Lời Chúa phần Tân Ước vẫn được giao phó cho dân I-sơ-ra-ên,với một ngoại trừ, đó là Lu-ca, tác giả sách Tin Lành Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ, không phải là một người I-sơ-ra-ên, mà là một người Hy-lạp. Điều đó cũng cho thấy, trong Thời Kỳ Hội Thánh, không còn có sự phân biệt người I-sơ-ra-ên với người dân ngoại.

Đến cuối thế kỷ thứ nhất, khi người sứ đồ cuối cùng trong Nhóm Mười Hai (nhóm mười hai sứ đồ đầu tiên của Chúa) là Giăng qua đời, thì công việc tiếp nhận, gìn giữ và phân phát Lời Chúa đã hoàn toàn thuộc về Hội Thánh, theo như mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ: “Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Điều quan trọng cần ghi nhớ, một trong những điều Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho Hội Thánh là: “Vì thật vậy, Ta phán với các ngươi, cho đến khi trời và đất qua đi, cho đến khi mọi sự được trọn, một chấm hay một nét sẽ không qua đi trong luật pháp. Vậy, ai bỏ đi một trong những điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy người ta những điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:18-19).

Nhiều giáo sư giả đã dùng ngụy biện trong khi giải thích lời phán dạy này của Chúa, để dạy cho con dân Chúa không vâng giữ Mười Điều Răn. Họ giải thích rằng, “mọi sự được trọn” (all be fulfilled) tức là sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Vậy, theo họ, vì cớ sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá đã hoàn tất, cho nên, điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời cũng đã qua đi! Họ cố tình bỏ qua mệnh đề “đang khi trời đất chưa qua đi thì luật pháp cũng không qua đi được,” nghĩa là, chỉ khi nào trời đất qua đi thì sự thi hành luật pháp mới không còn, vì lúc đó là lúc không còn tội lỗi! Mệnh đề “mọi sự được trọn” bao gồm tất cả những lời tiên tri trong Thánh Kinh phải được ứng nghiệm, mà sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá chỉ là một trong nhiều sự kiện phải được trọn! Sự cuối cùng phải được trọn là sự trời mới đất mới được thành lập và tất cả những gì được chép trong Khải Huyền 22 được hiện thực. Khi đó, và chỉ khi đó, sự thi hành luật pháp của Đức Chúa Trời mới không còn, vì mọi sự đã trở nên “thật rất tốt lành” (Sáng Thế Ký 1:31) theo thánh ý của Thiên Chúa, muôn dân trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã trở nên trọn vẹn như chính Ngài là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:48).

Dù trong cõi đời đời không còn sự thi hành luật pháp của Đức Chúa Trời vì không còn sự phạm tội, nhưng các điều răn của Đức Chúa Trời vẫn còn. Thi Thiên 119:152 chép: “Cứ theo chứng cớ Chúa tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời.” Nếu các điều răn của Chúa còn đến đời đời thì tại sao ngày nay có nhiều người xưng nhận mình là con dân Chúa mà lại không vâng giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều răn thứ tư, về việc tôn kính ngày Sa-bát thánh của Đức Giê-hô-va? Một lần nữa, Ô-sê 4:6 cần được nhắc lại cho những ai xưng nhận mình là con dân Chúa mà không vâng giữ các điều răn của Ngài: “Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng bỏ ngươi, để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình, thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.”

Hội Thánh không những có nhiệm vụ phân phát Lời Chúa qua công tác rao giảng Tin Lành và dạy cho người mới tin Chúa “hết thảy mọi điều” Chúa đã truyền cho Hội Thánh, mà còn thi hành nghi thức tiếp nhận người tin Chúa vào trong Hội Thánh, qua Lễ Báp-tem. Và như vậy, mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và quản gia của Lời Đức Chúa Trời trong Thời Kỳ Hội Thánh.

Chú Giải Rô-ma 3:1-8

Dưới đây là phần chú giải từng câu:

1 Vậy, sự trổi hơn của dân Do-thái là gì? Hay là: có điều ích lợi gì của sự cắt bì?

Sau khi khẳng định trong Rô-ma 2 về sự Đức Chúa Trời sẽ phán xét dân ngoại, là dân không có giao ước với Đức Chúa Trời, lẫn dân Do-thái, là dân có giao ước với Đức Chúa Trời, thì Phao-lô tự đặt ra câu hỏi: Nếu vậy thì làm dân Do-thái có hơn gì dân ngoại? Và được ở trong giao ước của Thiên Chúa kết với Áp-ra-ham, thể hiện qua sự chịu cắt bì, thì có ích lợi gì? Phao-lô tự trả lời cho câu hỏi của mình:

2 Ích lợi nhiều đủ mọi bề. Thật vậy! trước hết, bởi vì họ đã được giao phó cho những lời phán của Đức Chúa Trời.

Mặc dù Phao-lô không liệt kê ra tất cả những gì mà ông gọi là “ích lợi nhiều đủ mọi bề,” nhưng ông nêu lên điều quan trọng nhất, đó là: dân Do-thái “được giao phó cho những lời phán của Đức Chúa Trời.” Chữ giao phó trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “trao cho với lòng tin tưởng.” Khi từ ngữ này được dùng để nói Thiên Chúa giao phó cho loài người “Lời” của Ngài, thì có nghĩa là Thiên Chúa mong chờ loài người đáp ứng bằng sự khiêm cung nhận lãnh, với lòng biết ơn và tôn kính Thiên Chúa. Sau khi đã tiếp nhận thì hết lòng sống theo Lời Chúa và truyền dạy Lời Chúa cho người khác.

Khi Phao-lô viết câu này thì Thánh Kinh Tân Ước chưa hoàn thành. Dầu vậy, câu nói này bao gồm cả Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Câu này còn có thể hiểu rộng ra rằng, chính Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đức Chúa Con, cũng đã được giao phó cho dân tộc I-sơ-ra-ên, qua sự kiện Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm một người I-sơ-ra-ên.

Có những điều mà đang khi còn ở trong thân thể xác thịt này chúng ta không thể biết và không thể hiểu. Vì thế, nếu Đức Thánh Linh, đã qua Sứ Đồ Phao-lô, cho chúng ta biết rằng, dân I-sơ-ra-ên có những sự được trổi hơn các dân tộc khác, và được ở trong Giao Ước Cắt Bì có ích lợi đủ mọi bề, thì chúng ta hãy tin như vậy.

3 Nếu như: một vài ai đó trong số họ không tin, thì chẳng phải vì sự vô tín của họ mà sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ trở thành vô ích sao?

Phao-lô nêu tiếp một câu hỏi khác: Nếu như có ai đó trong dân I-sơ-ra-ên không tin vào giao ước của Đức Chúa Trời, thì có phải sự không tin của những người ấy sẽ làm cho Đức Chúa Trời không thể thi hành những gì Ngài đã hứa trong giao ước? Và như vậy, phải chăng sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ không có hiệu lực! Nghĩa là, cho dù Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, nhưng nếu tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên khiến cho Ngài không thể hoàn thành giao ước của Ngài đối với họ, thì sự thành tín của Ngài chẳng đem lại ích lợi gì cho họ cả.

4 Chẳng phải vậy! Nhưng Đức Chúa Trời là thật. Nhưng mỗi người là kẻ nói dối, như đã được chép rằng: “Ngài là công chính trong những lời phán của Ngài và Ngài đắc thắng trong sự Ngài bị xét đoán.” (Thi Thiên 51:4).

Phao-lô tự trả lời: “Chẳng phải vậy!” Đức Chúa Trời luôn luôn chân thật, chỉ có loài người mới là không chân thật. Sự chân thật của Đức Chúa Trời do chính Ngài công bố. Đức Chúa Trời công chính trong những lời phán của Ngài có nghĩa là Ngài luôn làm thành những lời phán của Ngài. Đức Chúa Trời đắc thắng trong sự Ngài bị đoán xét có nghĩa là, dù cho có ai muốn xét đoán Đức Chúa Trời thì cũng không thể nào tìm ra được một lỗi nào.

Theo suy luận của loài người và có thể cũng là của Sa-tan: Tội lỗi khiến cho Đức Chúa Trời không thể hoàn thành chương trình và ý định của Ngài đối với loài người nói chung và đối với dân I-sơ-ra-ên nói riêng. Mà nếu Đức Chúa Trời không thể hoàn thành điều Ngài muốn, thì Đức Chúa Trời không phải là Đấng Toàn Năng. Tuy nhiên, trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, Ngài đã ban cho loài người một phương cách thoát khỏi tội lỗi mà không vi phạm sự công bình của Ngài. Vì thế, Đức Chúa Trời vẫn hoàn thành những gì Ngài đã phán mà không ai có thể bắt lỗi được Ngài.

5 Nhưng, nếu sự không công bình của chúng ta tán dương sự công bình của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nói gì? Chẳng phải Đức Chúa Trời thi hành sự thịnh nộ, thì Ngài không công chính sao? Tôi nói như người ta nói.

Kế tiếp, Phao-lô nêu lên một ý tưởng ngụy biện của loài người, đó là: Nhờ sự không công bình của tôi mà sự công bình của Đức Chúa Trời được nổi bật, thì tại sao Đức Chúa Trời lại phạt tôi? Lẽ ra Ngài phải ban thưởng cho tôi mới là công bình. Lý luận như vậy chẳng khác gì nói rằng, nhờ bộ quần áo rách rưới, bẩn thỉu của người giúp việc đứng bên cạnh mà bộ quần áo sang trọng, sạch sẽ của người chủ mới được nổi bật! Vì thế, người chủ nên khen thưởng thay vì trách phạt người giúp việc.

6 Chẳng phải vậy! Thế thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian như thế nào?

Phao-lô trả lời: “Chẳng phải vậy!” Vì nếu Đức Chúa Trời không công chính thì làm sao Ngài có thể phán xét thế gian (Sáng Thế Ký 18:25)? Nghĩa là, sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ có tội luôn luôn là công chính. Cũng vậy, sự người chủ trách phạt người giúp việc mỗi khi người này ăn mặc cẩu thả là sự trách phạt công chính.

7 Vì, nếu lẽ thật của Đức Chúa Trời trong sự nói dối của tôi mà được sự vinh quang vượt trội, thì sao tôi lại bị phán xét cũng như kẻ có tội?

Sự ăn mặc cẩu thả của người giúp việc làm cho người chủ bị mất mặt như thế nào thì sự nói dối hay là sự không công bình của loài người luôn luôn làm sỉ nhục sự vinh quang của Đức Chúa Trời như thế ấy. Tội lỗi không bao giờ làm tôn vinh Chúa! Vì thế mọi tội lỗi đều phải bị phán xét. Chính vì Đức Chúa Trời phán xét tội lỗi mà Ngài là Đấng Công Chính.

8 Chẳng phải như “Chúng ta hãy làm những sự dữ để được những sự lành;” (như chúng tôi bị vài kẻ vu khống, họ nói chúng tôi nói vậy. Sự phán xét của những kẻ ấy là công chính).

Tư tưởng và lý luận “Chúng ta hãy làm những sự dữ để được những sự lành” hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh. Ngay trong thế kỷ thứ nhất, có những kẻ ác vu khống cho Phao-lô và các bạn của ông, rằng ông và các bạn của ông đã giảng dạy giáo lý ấy. Những kẻ ấy, nếu không ăn năn, sẽ chịu sự phán xét công chính của Đức Chúa Jesus Christ và có thể của chính Phao-lô và các bạn của ông trong ngày những kẻ ác bị phán xét: “Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi một lời nói vô ích mà loài người sẽ nói thì họ sẽ phải tự khai trình trong ngày phán xét. Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.” (Ma-thi-ơ 12:36-37).

Kết Luận

Dân I-sơ-ra-ên có một chỗ đứng đặc biệt trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Dù cách thức Đức Chúa Trời cư xử đối với mỗi người, mỗi dân tộc, và mỗi thời đại hoàn toàn khác nhau, nhưng đều là công chính, phát xuất từ tình yêu của Ngài, dựa trên sự thánh khiết của Ngài. Vì thế, mọi việc làm của Đức Chúa Trời đều tỏ lộ sự vinh quang của Ngài.

Không một điều gì có thể cản trở sự hoàn thành mọi ý định của Đức Chúa Trời. Ngay cả sự phạm tội của loài người, sự phạm tội của các thiên sứ cũng không thể nào cản trở thánh ý của Đức Chúa Trời. Ngài là toàn năng. Ngài biết mọi sự từ trước khi sáng thế. Mục đích cuối cùng của Ngài dành cho loài người chắc chắn sẽ được hoàn thành.

Sự Đức Chúa Trời hình phạt mọi tội lỗi là công chính và Đức Chúa Trời không cần ai nói dối hay phạm tội nào khác để tán dương sự công bình của Ngài. Trái lại, chính lời nói dối hay bất cứ một việc tội lỗi nào cũng đều là làm sỉ nhục sự vinh quang của Ngài.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta mỗi ngày (Giăng 17:17) bởi sự vận hành của Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/01/2013

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.