Chú Giải Rô-ma 03:09-20

6,990 views

Roma_013 Luật Pháp của Đức Chúa Trời Buộc Tội Mọi Người
(Rô-ma 3:9-20)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

9 Vậy, chúng tôi điều gì tốt hơn chăng? Chẳng có trong mọi bề, vì chúng tôi đã cáo buộc trước đây rằng, những người Do-thái lẫn những người Hy-lạp, hết thảy đều ở dưới tội lỗi,

10 như đã được chép rằng: Chẳng có người công chính, một người cũng không.

11 Chẳng có người hiểu biết. Chẳng có người tìm kiếm Đức Chúa Trời.

12 Họ đều sai lạc. Họ cùng nhau trở thành vô ích. Chẳng có người làm điều lành. Chẳng có đến một người. Thi Thiên 14:1-3; 53:3

13 Cổ họng của họ như mồ mã đã được mở ra. Những lưỡi của họ, chúng dùng sự dối trá. Chất độc của rắn hổ mang ở dưới những môi của họ. Thi Thiên 5:9; 140:3

14 Miệng của những kẻ ấy đầy lời nguyền rủa và chất đắng. Thi Thiên 10:7

15 Những bàn chân của họ, chúng mau lẹ làm đổ máu.

16 sự tàn hại và sự khốn khổ trong những đường lối của họ.

17 Họ chẳng biết con đường bình an. Ê-sai 59:7-8

18 Chẳng có ai kính sợ Thiên Chúa trước mắt họ.” Thi Thiên 36:1

19 Nhưng chúng ta biết rằng, bất cứ điều gì luật pháp nói là nói cho những kẻ trong luật pháp, để mỗi miệng ngậm lại và cả thế gian trở nên có tội với Đức Chúa Trời.

20 Vậy nên, chẳng có xác thịt nào bởi những việc làm của luật pháp, mà sẽ được xưng công chính trước sự hiện diện của Ngài; bởi vì, chính luật pháp là sự hiểu biết đúng về tội lỗi.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMxMDY3MDdf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11613-chugiairoma-3-9-20-luatphapbuoctoimoinguoi-3-9-20
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/wz46p6xb6hnfjf6/11613_ChuGiaiRoma_3_9-20_LuatPhapBuocToiMoiNguoi_3_9-20.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Trước hết, chúng ta cần ôn lại ý nghĩa của từ ngữ “luật pháp” được dùng trong Thánh Kinh. Ý nghĩa chính của từ ngữ luật pháp là tất cả những quy định của Đức Chúa Trời về nguyên tắc sống dành cho loài người và hình phạt dành cho những ai vi phạm các quy định ấy. Ý nghĩa hẹp của từ ngữ này là tên gọi chung cho năm sách đầu tiên của Thánh Kinh, gồm: Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân Số Ký và Phục Truyền Luật Lệ Ký.

Lần đầu tiên, từ ngữ luật pháp xuất hiện trong Thánh Kinh là lúc Đức Chúa Trời phán truyền với Áp-ra-ham, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 26:5 và được dùng dưới hình thức số nhiều: “Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự chỉ định của Ta, các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” Như vậy, Thánh Kinh cho chúng ta biết các điều răn và các luật lệ của Đức Chúa Trời, gọi chung là luật pháp, chỉ định đường lối sống cho loài người, do chính Ngài phán thành tiếng, đã ban cho loài người từ trước khi dân I-sơ-ra-ên được hình thành.

Khi Dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa dẫn ra khỏi xứ Ai-cập thì Ngài trực tiếp phán truyền cho họ Mười Điều Răn, rồi chính tay Ngài, hai lần chép Mười Điều Răn ấy trên hai bảng đá. Mười Điều Răn được Thánh Kinh gọi là Mười Lời Giao Ước, được đặt trong Rương Giao Ước (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:2). Tiếp theo đó, Thiên Chúa ban truyền các luật lệ về lễ nghi thờ phượng Thiên Chúa, các luật về vệ sinh, và các luật về dân sự cho Môi-se chép vào trong một cuốn sách, gọi là sách luật pháp. Cuốn sách luật pháp này được để kế bên Rương Giao Ước (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26).

Hình Thức của Luật Pháp

Phân tích một cách tổng quát thì luật pháp của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới ba hình thức:

1. Luật Đạo Đức: được thể hiện qua Mười Điều Răn, là nền tảng cho tất cả các luật lệ mà loài người phải vâng theo để sống một nếp sống đẹp lòng Thiên Chúa. Đây là luật còn lại đời đời mà Thiên Chúa sẽ dựa vào đó để phán xét toàn thế gian trong Thời Tận Thế: “Các quốc gia nổi giận nhưng cơn thịnh nộ của Ngài đang đến. Giờ đoán xét những kẻ chết đã đến. Giờ Ngài ban thưởng cho các tôi tớ Ngài là các tiên tri, các thánh đồ, cùng những kẻ kính sợ Danh Ngài, nhỏ hoặc lớn đã đến. Giờ hủy diệt những kẻ hủy diệt đất đã đến. Rồi, đền thờ của Đức Chúa Trời mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước trong đền thờ của Ngài được thấy. Có những chớp nhoáng, những âm thanh và những sấm vang, cùng động đất và mưa đá lớn” (Khải Huyền 11:18-19). Thánh Kinh khẳng định, các điều răn của Thiên Chúa còn lại đời đời: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài ở gần. Các điều răn Ngài là chân thật. Cứ theo chứng cớ Chúa, tôi đã biết từ lâu rằng, Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời” (Thi Thiên 119:151-152).

2. Luật Lễ Nghi: bao gồm tất cả những điều luật liên quan đến sự tẩy uế, chuộc tội, và hầu việc, thờ phượng Đức Chúa Trời. Những Luật Lễ Nghi liên quan đến sự tẩy uế thuộc linh và chuộc tội đều là hình bóng về những điều mà Đấng Christ sẽ làm trong chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và Cứu Chúa của thế gian khi Ngài nhập thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Ngày nay, con dân Chúa không cần phải làm các nghi thức tẩy uế thuộc linh và chuộc tội vì đó là công việc của Đấng Christ đã hoàn thành một lần đủ cả cho những ai tin nhận Ngài. Trong Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, các luật này sẽ được tái lập để toàn thể loài người hiểu biết cách sâu nhiệm ý nghĩa của sự chuộc tội, sự nên thánh, và thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa.

3. Luật Dân Sự: bao gồm tất cả những luật lệ liên quan đến mọi sinh hoạt dân sự trong xã hội. Ngày nay, luật dân sự đã được Đức Chúa Trời trao vào trong tay các nhà cầm quyền địa phương. Vì thế, Lời Chúa trong Tân Ước buộc con dân Chúa phải tuân phục các nhà cầm quyền vì không có quyền nào không đến từ Đức Chúa trời (Rô-ma 13:1-7), miễn là các luật ra từ các nhà cầm quyền không đi ngược lại sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Khi luật của loài người đi ngược lại sự dạy dỗ của Thánh Kinh thì con dân Chúa “Thà phải vâng Lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29) [1].

Mục Đích của Luật Pháp

Mục đích của luật pháp là bày tỏ cho loài người tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Ngài là yêu thương, thánh khiết, và công chính. Ngài đòi hỏi loài người cũng phải yêu thương, thánh khiết, và công chính cách trọn vẹn như chính Ngài là trọn vẹn: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn” (Ma-thi-ơ 5:48). Trong khi luật pháp bày tỏ sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa thì luật pháp cũng lên án những ai làm ra điều gì nghịch lại hoặc không đạt đến tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

Năng Lực của Luật Pháp

Luật pháp chỉ có khả năng lên án và buộc tội bất cứ ai không đáp ứng tiêu chuẩn của Thiên Chúa nhưng luật pháp không thể giúp cho người ta được xưng là công chính. Không ai có thể giữ trọn vẹn luật pháp của Thiên Chúa để được xưng là công chính. Dầu cho có người không làm ra một hành động nào nghịch lại luật pháp của Thiên Chúa thì trong tư tưởng của họ cũng có điều nghịch lại luật pháp của Thiên Chúa. Mà chính luật pháp của Thiên Chúa sẽ xem xét các ý tưởng trong lòng người: “ Vì Lời của Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12). Rô-ma 3:9-20 khẳng định rằng, không có một người nào là công chính.

Chú Giải Rô-ma 3:9-20

9 Vậy, chúng tôi điều gì tốt hơn chăng? Chẳng có trong mọi bề, vì chúng tôi đã cáo buộc trước đây rằng, những người Do-thái lẫn những người Hy-lạp, hết thảy đều ở dưới tội lỗi,

Trong những câu trước đó (1-8), Phao-lô nói đến những đặc ân Thiên Chúa ban cho dân Do-thái và sự trổi hơn của dân Do-thái so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, trong câu 9 ông cho biết, không phải nhờ đó mà dân Do-thái có điều gì tốt hơn các dân ngoại. Từ trong đoạn 2 ông đã cáo buộc rằng, người Do-thái hay người Hy-lạp (tiêu biểu cho các dân ngoại) cũng đều phạm tội như nhau.

10 như đã được chép rằng: “Chẳng có người công chính, một người cũng không.

11 Chẳng có người hiểu biết. Chẳng có người tìm kiếm Đức Chúa Trời.

12 Họ đều sai lạc. Họ cùng nhau trở thành vô ích. Chẳng có người làm điều lành. Chẳng có đến một người. [Thi Thiên 14:1-3; 53:3]

Phao-lô nhắc đến những điều đã được Thánh Kinh chép từ trước, trong Thi Thiên 14:1-3 và 53:3. Đó là, chẳng có một người nào là công chính, tức là người sống trọn vẹn theo điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, dù một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết về Đức Chúa Trời và tìm kiếm Đức Chúa Trời, dù rằng, rất có thể họ đang theo một tôn giáo thờ lạy Đức Chúa Trời. Tất cả mọi người đều sai lạc điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, cùng nhau trở thành vô ích, vì không ai làm những điều lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ, là những điều được nêu rõ trong Mười Điều Răn.

13 Cổ họng của họ như mồ mã đã được mở ra. Những lưỡi của họ, chúng dùng sự dối trá. Chất độc của rắn hổ mang ở dưới những môi của họ. [Thi Thiên 5:9; 140:3]

14 Miệng của những kẻ ấy đầy lời nguyền rủa và chất đắng. [Thi Thiên 10:7]

Phao-lô tiếp tục dùng Thánh Kinh để mô tả sự hung ác của loài người. Cổ họng như mồ mã đã được mở ra tiêu biểu cho mùi của sự ô uế và sự chết thoát ra từ trong bản chất của họ. Lưỡi thì chỉ nói những lời dối trá, môi thì chứa chất độc giết người, bao gồm những lời dối trá ngọt ngào, dẫn dụ người ta đi dần vào chỗ chết, cho đến những lời nguyền rủa và cay độc, có thể khiến cho người ta đau đớn và chết ngay.

15 Những bàn chân của họ, chúng mau lẹ làm đổ máu.

16 sự tàn hại và sự khốn khổ trong những đường lối của họ.

17 Họ chẳng biết con đường bình an. [Ê-sai 59:7-8]

Phao-lô trích dẫn Ê-sai 59:7-8 là những câu nói về sự tàn ác của dân tộc I-sơ-ra-ên, một dân tộc thay cho muôn dân đón nhận các điều răn và luật pháp chép thành chữ của Thiên Chúa, để làm tiêu biểu cho sự tàn ác của loài người. Những bàn chân mau lẹ làm đổ máu là những bàn chân của những kẻ ưa thích và quen thuộc với sự giết người. Những bàn chân đó đi đến đâu thì đau thương, chết chóc, và hủy diệt theo đến đó. Chẳng những họ không đem sự bình an đến cho kẻ khác mà chính họ cũng không có sự bình an.

18 Chẳng có ai kính sợ Thiên Chúa trước mắt họ. [Thi Thiên 36:1]

Phao-lô dùng Thi Thiên 36:1 để đúc kết về bản chất tội lỗi của loài người: Trong quan điểm của họ, không một người nào có sự kính sợ Thiên Chúa.

19 Nhưng chúng ta biết rằng, bất cứ điều gì luật pháp nói là nói cho những kẻ trong luật pháp, để mỗi miệng ngậm lại và cả thế gian trở nên có tội với Đức Chúa Trời.

Vì thế, tất cả những gì luật pháp của Thiên Chúa bày tỏ là để chỉ rõ cho loài người thấy, họ đã sai phạm thánh ý của Thiên Chúa và trở nên gian ác đến mức độ nào. Mỗi một lời trong luật pháp của Thiên Chúa đều lên án một sự phạm pháp của loài người. Vì thế, trước sự phán xét của Đức Chúa Trời, cả thế gian đều phải ngậm miệng, không thể bào chữa. Từ ngữ “những kẻ ở trong luật pháp” có nghĩa là những kẻ vi phạm các điều răn của Thiên Chúa phải chịu sự phán xét của luật pháp.

20 Vậy nên, chẳng có xác thịt nào bởi những việc làm của luật pháp, mà sẽ được xưng công chính trước sự hiện diện của Ngài; bởi vì, chính luật pháp là sự hiểu biết đúng về tội lỗi.

Vì bản chất của luật pháp là lên án kẻ phạm luật, cho nên, khi luật pháp được thi hành trên một người nào thì luật pháp chỉ rõ sự phạm tội của người ấy trong từng chi tiết, chứ không giúp cho người ấy được xưng là công chính. Thí dụ, trong điều răn thứ năm, Thiên Chúa truyền cho loài người phải tôn kính cha mẹ. Một người có thể tỏ ra vô cùng tận tụy vâng phục và chăm sóc cha mẹ để không vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong lòng của người ấy có thể có sự than phiền, oán trách, giận ghét cha mẹ! Khi luật pháp xét xử người ấy, luật pháp sẽ chỉ ra chỗ không tôn kính cha mẹ từ nơi sâu kín trong lòng của người ấy.

Kết Luận

Rô-ma 7:14 cho chúng ta biết: “Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.” Con người xác thịt của chúng ta bị bán cho tội lỗi qua sự ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác của tổ phụ chúng ta. Hành động ăn trái cây đó là hành động không tin Thiên Chúa và phản nghịch Thiên Chúa, mà Thánh Kinh gọi là tội lỗi. Từ khi tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va phạm tội, thì tội lỗi vào trong thế gian và di truyền trong bản thể của dòng dõi loài người, khiến cho loài người không thể không phạm tội.

Thiên Chúa ban hành các điều răn và luật pháp của Ngài qua chữ viết là để loài người qua đó nhận biết mình đã sa lầy trong tội lỗi đến mức độ nào. Điều răn và luật pháp không có năng lực cứu loài người ra khỏi tội, mà chỉ có năng lực chỉ cho loài người biết, họ đã phạm tội đến mức độ nào rồi công bố án phạt cho tội lỗi của họ. Đối diện với luật pháp của Đức Chúa Trời thì mỗi người là một tội nhân bị hình phạt hư mất đời đời. Đó là sự công bình của Thiên Chúa.

Cảm tạ Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết không thể chấp nhận tội lỗi, là Đấng Công Chính không thể không hình phạt tội lỗi, nhưng Ngài cũng là Đấng Yêu Thương, đã yêu thế gian mà ban cho thế gian một phương cách thoát ra khỏi sự phán xét của luật pháp về mọi tội lỗi. Chúng ta sẽ học biết về phương cách ấy trong những câu còn lại của Rô-ma đoạn 3.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/01/2013

Ghi Chú

[1] Xem bài “Mười Hai Từ Ngữ Liên Quan Đến Điều Răn và Luật Pháp:” http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=8

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.