Chú Giải Rô-ma 03:21-26

6,413 views

Roma_014 Ân Điển và Sự Công Chính của Thiên Chúa
(Rô-ma 3:21-26)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

21 Nhưng bây giờ, sự công chính của Thiên Chúa đã được bày tỏ bên ngoài luật pháp, đang được làm chứng bởi luật pháp và các tiên tri.
22 Nhưng sự công chính của Thiên Chúa, bởi đức tin về Đức Chúa Jesus Christ, cho hết thảy và trên hết thảy những ai tin, vì chẳng có phân biệt người nào.
23 Vì họ đều đã phạm tội và họ đang bị thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời.
24 Bởi ân điển của Ngài, họ đang được công chính mà không phải trả giá, nhờ sự cứu chuộc trong Đấng Christ Jesus.
25 Đấng mà Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong chính máu Đấng ấy, cho sự bày tỏ sự công bình của Ngài; bởi sự tha thứ của những sự đã phạm trước đây về những tội lỗi,
26 trong sự nhẫn nại của Đức Chúa Trời, cho sự bày tỏ sự công chính của Ngài trong thời hiện tại, cho sự Ngài là công chính và đang xưng công chính kẻ nào ra từ đức tin nơi Đức Chúa Jesus.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMxMDY3MDhf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11614-chugiairoma-3-21-26-andienvasucongbinh
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/1l39874tyvgg9uw/11614_ChuGiaiRoma_3_21-26_AnDienVaSuCongBinh.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Trước khi đi vào chi tiết của những câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta cần ôn lại mấy điều cơ bản này:

  • Trong Thánh Kinh Cựu Ước, danh xưng “Thiên Chúa,” dịch từ chữ “Elohim” – một danh từ số nhiều chỉ về thần linh trong tiếng Hê-bơ-rơ, được dùng để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa.

  • Trong Thánh Kinh Tân Ước, danh xưng “Thiên Chúa,” dịch từ chữ “Theos” trong tiếng Hy-lạp khi không có mạo từ xác định đứng trước, được dùng để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa.

  • Trong Thánh Kinh Tân Ước, danh xưng “Đức Chúa Trời,” dịch từ chữ “Theos” trong tiếng Hy-lạp khi mạo từ xác định đứng trước, được dùng để chỉ về Đức Chúa Cha [1].

Khi Thánh Kinh nói đến “sự công chính của Thiên Chúa” là nói đến: Ý muốn công chính của Đức Chúa Cha, được thực hiện bởi hành động công chính của Đức Chúa Con, và được năng lực công chính của Đức Chúa Thánh Linh tác động trên muôn loài thọ tạo. Ý muốn, hành động, và năng lực của Thiên Chúa là công chính có nghĩa là không nghịch lại mà còn làm cho chiếu sáng sự công chính của Ngài. Như vậy, khi nói đến sự công chính của Đức Chúa Trời là nói đến ý muốn công chính của Đức Chúa Cha; khi nói đến sự công chính của Đức Chúa Jesus Christ là nói đến hành động công chính của Đức Chúa Con; và khi nói đến sự công chính của Đức Thánh Linh là nói đến sự tác động công chính của Ngài trên muôn loài thọ tạo.

Sự công chính của Thiên Chúa được thể hiện qua luật pháp của Ngài: Ai tôn trọng, vâng phục ý muốn của Thiên Chúa thì sẽ được ban thưởng. Ai nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa thì sẽ bị hình phạt. Tuy nhiên, sự công chính của Thiên Chúa còn bày tỏ bên ngoài luật pháp mà không làm ảnh hưởng đến sự trọn vẹn của luật pháp.

Sự Công Chính của Thiên Chúa Được Bày Tỏ Bên Ngoài Luật Pháp

Trong Rô-ma 3:21-26 chúng ta được học biết về một lẽ mầu nhiệm vô cùng. Đó là sự công chính của Thiên Chúa được bày tỏ bên ngoài luật pháp. Chúng ta đã biết luật pháp là sự thể hiện sự công chính của Thiên Chúa; nhưng nếu sự công chính của Thiên Chúa chỉ thể hiện trong luật pháp thì loài người sẽ bị hư mất đời đời, vì “mọi người đều đã phạm tội,” mà đã phạm tội thì phải chịu sự hình phạt của luật pháp.Cảm tạ Thiên Chúa! Sự công chính của Ngài không phải chỉ bày tỏ trong luật pháp mà còn được bày tỏ trong ân điển, nhờ đó mà loài người được thoát khỏi sự định tội của luật pháp.

Ân điển là lòng thương xót ban cho kẻ không đáng được thương xót. Giả sử, có một người bị kẻ cướp tấn công, cướp hết tiền bạc và làm cho bị thương tích trầm trọng, suýt chết. Một ngày kia, người ấy tình cờ gặp lại kẻ cướp trong khi kẻ cướp đang bị thương tích trầm trọng. Người ấy đem kẻ cướp về nhà, tận tình chăm sóc, thuốc men chu đáo cho đến khi kẻ cướp bình phục, rồi ban cho kẻ cướp một việc làm trong nhà mình để kẻ cướp có thể làm lại cuộc đời, sống một đời sống lương thiện. Việc làm của người ấy chính là lòng thương xót ban cho kẻ không đáng được thương xót.

Sự kiện Thiên Chúa ban cho loài người cơ hội được tha tội và được làm cho sạch tội gọi là ân điển cứu rỗi và là một ân điển lớn nhất trong các ân điển. Nhờ có ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa mà chúng ta mới có thể nhận được các ân điển khác, như: ân điển được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, ân điển được hầu việc Đức Chúa Trời, ân điển nhận được Thánh Linh của Đức Chúa Trời, ân điển được sống đời đời, ân điển được thừa hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, ân điển được đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ cho đến đời đời…

Trong ân điển cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho loài người, thì chính Thiên Chúa đã phải trả giá cho sự phạm tội của loài người một cách công chính. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét thí dụ sau đây:

Người cha nói với con rằng, con còn bé chưa biết dùng dao nên không được chơi dao, nếu con chơi dao thì sẽ bị đứt tay và sẽ bị cha đánh năm roi trên tay của con. Lời nói của người cha là luật pháp để bảo vệ con và bày tỏ ý muốn của ông dành cho con.

Đứa bé vâng dạ khi nghe cha nói, nhưng rồi một hôm, nó đã tò mò lấy dao ra chơi và bị đứt tay. Vì không vâng lời cha mà đứa bé đã gây ra thiệt hại cho chính mình và phạm vào luật pháp của cha. Vì sự công chính của người cha mà đứa bé phải bị hình phạt theo luật pháp.

Người cha xức thuốc và băng bó vết thương cho con. Sau đó, ông phán xét việc làm của con và thi hành án phạt như đã quy định. Ông bảo đứa con đưa tay ra, rồi ông lấy tay mình để trên tay của con và đánh năm roi thật mạnh trên tay của mình. Ông nói với con, vì con đã vi phạm luật cha đặt ra nên cha phải thi hành án phạt; nhưng cha yêu con, không muốn con bị đau đớn, nên cha gánh thay hình phạt cho con. Cha mong rằng từ nay con sẽ không cải lời của cha.

Hành động chịu đòn thay con của người cha đã cùng một lúc thỏa mãn đòi hỏi của sự công chính và của tình yêu. Sự công chính đòi hỏi luật pháp phải được thi hành, tội lỗi phải bị hình phạt. Tình yêu đòi hỏi sự tha thứ và bảo vệ đối tượng được yêu.

Thiên Chúa Ngôi Con đã nhập thế làm người, suốt ba mươi năm Ngài đã sống như một con người bình thường, vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Ngài đã chịu chết trong khi sự chết không có quyền trên Ngài, để gánh thay án phạt cho loài người mà luật pháp đòi hỏi. Bản thể và bản tính người của Ngài khiến cho Ngài có thể gánh thay án phạt cho loài người. Bản thể và bản tính Thiên Chúa vô hạn của Ngài khiến cho Ngài có thể gánh thay án phạt cho tất cả mọi người. Qua sự Đức Chúa Jesus Christ chết thay cho toàn thể loài người trên thập tự giá mà cùng một lúc, đòi hỏi của sự công chính và của tình yêu Thiên Chúa được thỏa mãn. Tội lỗi bị hình phạt đúng theo luật pháp của Thiên Chúa và loài người được tha thứ, được bảo vệ theo lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đó là việc làm vĩ đại và mầu nhiệm của Thiên Chúa đã làm ra cho loài người. Đó là sự công chính của Thiên Chúa được thể hiện trong ân điển, bên ngoài luật pháp. Tuy nhiên, mỗi người phải tin nhận ân điển của Thiên Chúa thì mới được hưởng ân điển của Ngài. Ân điển đó được ban ra với điều kiện, hễ ai muốn nhận ân điển thì phải ăn năn tội. Ai không ăn năn thì: “dồn chứa cho chính mình sự thịnh nộ trong ngày thịnh nộ và phơi bày sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời, Đấng sẽ trả cho mỗi người tùy theo những việc làm của họ” (Rô-ma 2:5-6).

Chú Giải Rô-ma 3:21-26

21 Nhưng bây giờ, sự công chính của Thiên Chúa đã được bày tỏ bên ngoài luật pháp, đang được làm chứng bởi luật pháp và các tiên tri.

Trạng từ “bây giờ” được dùng trong câu 21 để nói đến thời điểm Phao-lô viết thư Rô-ma mà cũng hàm ý là Thời Kỳ Ân Điển. Trong suốt Thời Kỳ Ân Điển, sự công chính của Thiên Chúa được bày tỏ trong ân điển, bên ngoài luật pháp. Nghĩa là: tội lỗi vẫn bị hình phạt theo như đòi hỏi của luật pháp nhưng hình phạt không giáng xuống trên tội nhân mà giáng xuống trên Đức Chúa Jesus Christ. Điều đó được chính luật pháp làm chứng qua các nghi thức dâng sinh tế chuộc tội; được các tiên tri làm chứng qua những lời tiên tri về sự thương khó và sự chết của Đấng Christ; điển hình là Ê-sai 53.

22 Nhưng sự công chính của Thiên Chúa, bởi đức tin về Đức Chúa Jesus Christ, cho hết thảy và trên hết thảy những ai tin, vì chẳng có phân biệt người nào.

Sự công chính của Thiên Chúa được nói đến ở đây là sự công chính của Thiên Chúa được bày tỏ trong ân điển. Sự công chính đó là sự Thiên Chúa Ngôi Con gánh thay án phạt của tội lỗi cho tội nhân, để hoàn thành sự đòi hỏi của luật pháp. Sự công chính đó được ban cho hết thảy những ai có đức tin về Đức Chúa Jesus Christ và có hiệu lực trên hết thảy những người tin, không phân biệt một người nào về bất cứ một điều gì. Đức tin về Đức Chúa Jesus Christ là đức tin về tất cả những gì Ngài phán và Ngài làm.

23 Vì họ đều đã phạm tội và họ đang bị thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

Loài người đều đã phạm tội và đang thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Phạm tội là làm ra những điều nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa. Thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời tức là thiếu hụt tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài. Chính vì sự thiếu hụt đó mà loài người không thể yêu thương Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau như Thiên Chúa yêu họ; không thể sống thánh khiết theo các điều răn của Thiên Chúa; và không thể làm ra những việc công chính theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

Người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, ngay trong đời này được phục hồi sự vinh quang của Thiên Chúa để có thể yêu như Thiên Chúa yêu, thánh khiết như Thiên Chúa thánh khiết, và công chính như Thiên Chúa công chính. Sự vinh quang đó do chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho những kẻ thuộc về Ngài: “Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con, để họ trở nên một cũng như chúng ta là một” Giăng 17:22. Không có sự vinh quang của Đức Chúa Trời loài người không thể yêu thương, hiệp một. Không có sự vinh quang của Đức Chúa Trời loài người không thể vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Không có sự vinh quang của Đức Chúa Trời loài người không thể được kể là công chính trước mặt Thiên Chúa và cũng không thể làm ra những việc công chính theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

24 Bởi ân điển của Ngài, họ đang được công chính mà không phải trả giá, nhờ sự cứu chuộc trong Đấng Christ Jesus.

Bởi ân điển của Ngài” là bởi ơn thương xót của Đức Chúa Cha. Những người có đức tin về lời phán và việc làm của Đức Chúa Jesus Christ thì được trở nên công chính, tức là không còn trách nhiệm đối với tội lỗi, bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Họ được điều đó mà không cần phải trả giá. Thánh Kinh nói rất rõ về ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa như sau: “Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8-9). Mệnh đề: “Sự cứu chuộc trong Đấng Christ Jesus” nhấn mạnh đến việc làm của Đức Chúa Jesus trong chức vụ của Đấng Được Xức Dầu. Chúng ta nên nhớ, Đức Chúa Jesus được xức dầu để:

  • Làm tiên tri, công bố về Vương Quốc Trời cho nhân loại, giải bày Cha cho những ai tin nhận Ngài, và rao trước những sự cuối cùng.

  • Làm thầy tế lễ để dâng chính mình Ngài làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại, và cầu thay cho những ai thuộc về Ngài.

  • Làm vua để cai trị đời sống những ai theo Ngài và cai trị Vương Quốc Trời.

Sự cứu chuộc trong Đấng Christ Jesus bao gồm cả ba phương diện: tội nhân nghe lẽ thật qua chức vụ tiên tri của Đấng Christ, tội nhân tiếp nhận lẽ thật qua chức vụ thầy tế lễ của Đấng Christ, tội nhân được tha tội, được làm cho sạch tội và sống trong lẽ thật, được cai trị bởi Đấng Christ qua chức vụ vua của Ngài.

25 Đấng mà Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong chính máu Đấng ấy, cho sự bày tỏ sự công chính của Ngài; bởi sự tha thứ của những sự đã phạm trước đây về những tội lỗi,

26 trong sự nhẫn nại của Đức Chúa Trời, cho sự bày tỏ sự công chính của Ngài trong thời hiện tại, cho sự Ngài là công chính và đang xưng công chính kẻ nào ra từ đức tin nơiĐức Chúa Jesus.

Của lễ chuộc tội cho nhân loại do chính Đức Chúa Trời thiết lập, bằng cách Ngài chỉ định Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá. Tuy nhiên, sự chuộc tội chỉ có thể xảy ra khi tội nhân tin vào sự đổ huyết của Đấng Christ là vì tội lỗi của mình. Đức tin trong chính máu của Đấng Christ là: tin rằng sự sống của Đấng Christ đã bị cất đi khi máu của Ngài đổ ra trên thập tự giá, để phục hồi sự sống của tội nhân.

Chúng ta cần ghi nhớ điều quan trọng này: khi loài người phạm tội thì lập tức loài người bị hư mất, tức là bị chết từ thuộc thể đến thuộc linh. Để có thể phục hồi sự sống thuộc thể và thuộc linh cho một người đã chết thì một người đang sống phải chịu chết cả phần thuộc thể lẫn thuộc linh. Chúng ta đã nhiều lần nhắc đến ý nghĩa của sự chết. Sự chết thuộc thể là linh hồn và tâm thần bị phân rẽ khỏi xác thịt. Sự chết thuộc linh là linh hồn, tâm thần và xác thịt bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời. Trên thập tự giá, Đấng Christ đã bị phân rẽ với Đức Chúa Trời, và Ngài đã kêu lên cách đau thương: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi.” Kế tiếp, linh hồn và tâm thần của Ngài cũng đã bị phân rẽ với xác thịt.

Đức Chúa Trời đã lập Đấng Christ làm của lễ chuộc tội cho nhân loại để bày tỏ rằng, sự kiện Ngài tha tội cho nhân loại là công chính, vì tội lỗi đã bị Ngài hình phạt trên Đấng Christ. Mà nếu tội lỗi đã bị hình phạt thì tội nhân phải được tha thứ, tức là được kể là không còn trách nhiệm về tội lỗi, không còn bị gọi là tội nhân, nhưng được Đức Chúa Trời xưng là công chính và được gọi là một người công chính.

Đức Chúa Trời đã nhẫn nại, tức là kiên trì chịu đựng sự phạm tội của nhân loại, để hoàn thành sự tha tội cho nhân loại. Sự tha tội đó có tác dụng trên cả những tội mà loài người đã phạm trong quá khứ, trước khi Đấng Christ hoàn thành công cuộc chuộc tội. Những người có lòng tin cậy nơi Thiên Chúa trước khi Đấng Christ chịu chết cũng được hưởng sự tha thứ của Đức Chúa Trời qua cái chết chuộc tội của Đấng Christ. Nói cách khác, sự chết chuộc tội của Đấng Christ có hiệu lực chuộc tội cho tất cả những ai tin cậy Thiên Chúa, bất kể là họ thuộc về thời đại nào.

Kết Luận

Thiên Chúa giàu có, trọn vẹn, và tuyệt đối trong mọi sự. Ngài giàu lòng thương xót nên đã ban ân điển cứu rỗi cho nhân loại. Ngài trọn vẹn trong sự thánh khiết nên không thể chấp nhận tội lỗi. Ngài tuyệt đối công chính nên luôn luôn trừng phạt tội lỗi đúng theo luật pháp. Khi chúng ta suy ngẫm về những gì Thiên Chúa đã làm cho loài người, chúng ta sẽ thấy rõ sự vinh quang của Ngài, tức thấy rõ tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài chiếu sáng qua mỗi việc làm của Ngài. Chúng ta cần đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, để được trở nên thánh khiết như Thiên Chúa, và có thể làm ra những điều công chính như Thiên Chúa. Chỉ có ở trong Chúa chúng ta mới được trở nên trọn vẹn như chính Ngài là trọn vẹn.

Ngược lại, nếu chúng ta không tiếp nhận ân điển của Thiên Chúa thì trong ngày phán xét chung cuộc, sự công chính của Thiên Chúa sẽ thể hiện trên chúng ta qua luật pháp của Ngài. Khi đó, luật pháp của Thiên Chúa sẽ phán xét mỗi việc làm tội lỗi của chúng ta và chúng ta sẽ chịu khổ đời đời trong hỏa ngục (Khải Huyền 20:11-15).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/02/2013

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[A] Danh từ “công chính” (justice) có nghĩa là sự đối xử với mọi người giống nhau. Tính từ “công chính” (just) có nghĩa là sự theo đúng lẽ công chính trong mọi hành động. “Sự công chính của Thiên Chúa” có nghĩa là Thiên Chúa đối xử với mọi người cùng một nguyên tắc, dựa trên các điều răn của Ngài. “Thiên Chúa là công chính trong lời phán và việc làm” có nghĩa là mọi lời phán và việc làm của Thiên Chúa đều theo đúng lẽ công chính, Ngài không hề tây vị.

[1] Xin đọc tiết mục “Tổng Quát Quy Luật về Mạo Từ và Danh Từ Trong Tiếng Hy-lạp” trong bài viết “Công Việc Hiệu Đính Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Phan Khôi”:
http://www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet//node/1277