Chú Giải Rô-ma 04:01-12

3,214 views

Roma_016 Áp-ra-ham Được Đức Chúa Trời Xưng Công Bình bởi Đức Tin
(Rô-ma 4:1-12)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy thì chúng ta sẽ nói gì? Áp-ra-ham, tổ phụ của chúng ta, đã tìm được gì, theo xác thịt?

2 Nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi những việc làm thì ông có vinh dự, nhưng không phải vậy trước Đức Chúa Trời.

3 Vì Thánh Kinh đã nói gì? Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó được xem là công bình cho ông. [Sáng Thế Ký 15:6]

4 Đối với người nào làm việc thì tiền công không xem {là} ơn, nhưng {xem là} nợ.

5 Đối với người chẳng làm việc gì hết, nhưng tin nơi Đấng xưng kẻ không tin kính là công bình, thì đức tin của người ấy được xem là công bình {cho người ấy}.

6 Như Đa-vít cũng nói về cái phước của người mà Đức Chúa Trời xem là công bình chẳng bởi việc làm:

7 Phước cho những ai sự phạm pháp của mình được tha thứ, và những ai tội lỗi của mình được che đậy!

8 Phước cho người mà Chúa sẽ chẳng xem là có tội! [Thi Thiên 32:1-2]

9 Vậy, sự phước đó trên người chịu cắt bì hay cũng trên người không chịu cắt bì? Vì chúng ta nói rằng, đức tin được xem là công bình cho Áp-ra-ham.

10 Nhưng được xem như thế nào? Khi ông ở trong sự cắt bì hay trong sự không cắt bì? Không trong sự cắt bì nhưng trong sự không cắt bì.

11 Ông đã nhận lấy dấu cắt bì, {như} dấu ấn của sự công bình bởi đức tin, trong sự không cắt bì, để ông làm cha của hết thảy những ai tin mà không chịu cắt bì, để sự công bình cũng được kể cho họ.

12 Và {ông} cũng làm cha chịu cắt bì của những ai không những chịu cắt bì mà còn là những người đi theo dấu chân đức tin của tổ phụ chúng ta, Áp-ra-ham, {khi ông ở} trong sự không cắt bì.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMxMDY0MzBf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11616-chugiairoma-4-1-12-aprahamduocxungcongbinhboiductin
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/9taagkwl2tbftrb/11616_ChuGiaiRoma_4_1-12_AprahamDuocXungCongBinhBoiDucTin.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong Rô-ma 3:28-30 đã khẳng định rằng, Đức Chúa Trời là Đấng khiến cho dân Do-thái lẫn các dân ngoại đều được xưng công bình bởi đức tin, chứ không bởi những việc làm theo luật pháp. Nhóm chữ “được Đức Chúa Trời xưng công bình” có nghĩa là:

  • Được Đức Chúa Trời xem xét và thấy là thật lòng tin cậy Ngài, không muốn vi phạm các điều răn của Ngài.
  • Được Đức Chúa Trời xem xét và kể là không có trách nhiệm về sự phạm tội vì đã ăn năn và tin vào sự tha tội của Ngài.

Như vậy, một người được Đức Chúa Trời xưng công bình không có nghĩa là người ấy không hề phạm tội, không hề vi phạm các điều răn của Ngài.

Rô-ma đoạn 4 cho thấy Áp-ra-ham, tổ phụ về phần xác thịt của dân I-sơ-ra-ên và tổ phụ về đức tin của mọi dân tộc, là người đã được Đức Chúa Trời xưng công bình, vì ông tin cậy Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, đức tin nơi Đức Chúa Trời luôn thể hiện thành hành động vâng phục Ngài trong mọi sự.

Trong Sáng Thế Ký 15:6 nói Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và trong Sáng Thế Ký 26:5 Đức Chúa Trời xác nhận: “Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.”

Một người phải thật sự tin Đức Chúa Trời thì mới có thể vâng phục Ngài. Đức tin đến trước và hành động vâng phục theo sau. Vì thế, một người chỉ cần có tấm lòng tin cậy Đức Chúa Trời thì người ấy sẽ được Đức Chúa Trời xưng người ấy là công bình và ban cho người ấy năng lực để sống đẹp lòng Ngài.

Người thật lòng tin cậy Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ muốn vi phạm các điều răn của Ngài. Người thật lòng tin cậy Đức Chúa Trời sẽ hết lòng ăn năn mọi sự vi phạm của mình và nhận lãnh sự tha thứ Đức Chúa Trời ban cho mình qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Sự vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa là kết quả của đức tin, là điều chỉ có thể xảy ra sau khi một người thật sự tin cậy Đức Chúa Trời và được Ngài kể là công bình.

1 Vậy thì chúng ta sẽ nói gì? Áp-ra-ham, tổ phụ của chúng ta, đã tìm được gì, theo xác thịt?

2 Nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi những việc làm thì ông có vinh dự, nhưng không phải vậy trước Đức Chúa Trời.

3 Vì Thánh Kinh đã nói gì? Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó được xem là công bình cho ông. [Sáng Thế Ký 15:6]

Đại danh từ “chúng ta” trong câu 1 được dùng để gọi chung con dân Chúa trong Hội Thánh. Áp-ra-ham là tổ phụ của tất cả những ai có đức tin vào Đức Chúa Trời như ông, bất kể họ ra từ dân tộc nào.

Câu hỏi trong Rô-ma 4:1 hàm ý, việc Áp-ra-ham vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời theo xác thịt, điển hình là việc giữ luật cắt bì, có giúp ích gì cho việc ông được Đức Chúa Trời xưng công bình hay không. Rô-ma 4:2 đã xác nhận là: Không! Và Rô-ma 4:3 đã trưng dẫn Sáng Thế Ký 15:6 để khẳng định, Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời xưng công bình vì ông tin Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời nên đương nhiên ông vâng phục Ngài, và thể hiện đức tin của ông bằng cách vâng theo mọi lời phán của Đức Chúa Trời. Ngay khi Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời thì Ngài đã kể ông là công bình, chứ không phải đến khi ông thể hiện đức tin của ông qua việc làm thì Đức Chúa Trời mới kể ông là công bình.

4 Đối với người nào làm việc thì tiền công không xem {là} ơn, nhưng {xem là} nợ.

5 Đối với người chẳng làm việc gì hết, nhưng tin nơi Đấng xưng kẻ không tin kính là công bình, thì đức tin của người ấy được xem là công bình {cho người ấy}.

Sau khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chúng ta hầu việc Ngài, thì mỗi việc làm của chúng ta sẽ được Đức Chúa Jesus Christ trả công trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian (Khải Huyền 22:12). Nhưng để được tha tội, được kể là không chịu trách nhiệm về sự phạm tội của mình, thì chúng ta không cần phải làm gì hết, mà chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Người không tin kính là người vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Trước khi biết Chúa chúng ta đều là những người không tin kính, sống nếp sống vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Sau khi chúng ta biết Chúa, nhiều người vẫn còn không tin kính, tiếp tục phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Nhưng vì tình yêu lớn của Đức Chúa Trời mà Ngài vẫn ban cho chúng ta cơ hội ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Đó là ơn thương xót Đức Chúa Trời ban cho, chỉ cần thật lòng tin thì nhận được.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ điều quan trọng này: Chỉ sau khi được Đức Chúa Trời xưng công bình, thì một người mới có thể làm ra những việc lành, những việc công bình đẹp lòng Đức Chúa Trời. Một người chưa được Đức Chúa Trời xưng công bình là một người chưa tin cậy Đức Chúa Trời thì không có năng lực để làm lành. Vì Đức Chúa Trời là Đấng ban năng lực cho những ai tin cậy Ngài.

6 Như Đa-vít cũng nói về cái phước của người mà Đức Chúa Trời xem là công bình chẳng bởi việc làm:

7 Phước cho những ai sự phạm pháp của mình được tha thứ, và những ai tội lỗi của mình được che đậy!

8 Phước cho người mà Chúa sẽ chẳng xem là có tội! [Thi Thiên 32:1-2]

Phao-lô tiếp tục trưng dẫn Lời Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước để chứng minh cho lẽ thật về sự: Loài người được Đức Chúa Trời xưng công bình bởi đức tin.

Thực tế trong cuộc sống cho chúng ta biết rõ, không người nào mà không phạm tội. Có rất nhiều tội chúng ta đã làm ra mà tự chúng ta không thể nào tha thứ cho mình. Vì thế, có những người đã tự sát sau khi phạm tội. Nhưng sự tự giết chết mình cũng không giải quyết được vấn đề phạm tội của chúng ta. Sự phạm tội của chúng ta trước hết là phạm với Đức Chúa Trời. Chỉ Đức Chúa Trời là Đấng có toàn quyền quyết định về sự phạm tội của chúng ta. Đức Chúa Trời là thánh khiết, Ngài không chấp nhận tội lỗi. Đức Chúa Trời là công chính, Ngài phải hình phạt tội lỗi. Nhưng Đức Chúa Trời cũng là tình yêu, nên Ngài ban cho loài người cơ hội được cứu khỏi sự hình phạt của tội lỗi, mà loài người chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

9 Vậy, sự phước đó trên người chịu cắt bì hay cũng trên người không chịu cắt bì? Vì chúng ta nói rằng, đức tin được xem là công bình cho Áp-ra-ham.

10 Nhưng được xem như thế nào? Khi ông ở trong sự cắt bì hay trong sự không cắt bì? Không trong sự cắt bì nhưng trong sự không cắt bì.

Tiếp theo, Phao-lô chứng minh rằng Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời xưng công bình trước khi ông chịu cắt bì. Thật vậy, ngay sau khi Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng, dòng dõi của ông sẽ nhiều như sao trên trời, thì ông tin Ngài, và Ngài kể ông là người công bình:

Rồi, Ngài dẫn ông ra ngoài và phán: Ngươi hãy nhìn lên trời, và hãy đếm các ngôi sao nếu ngươi có thể đếm được chúng. Ngài lại phán: Dòng dõi của ngươi cũng sẽ như vậy. Ông tin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì Ngài kể sự đó là công bình cho ông.” (Sáng Thế Ký 15:5-6).

Hơn mười ba năm sau đó, Đức Chúa Trời mới phán bảo Áp-ra-ham về việc cắt bì (Sáng Thế Ký 17). Như vậy, Áp-ra-ham đã được Đức Chúa Trời xưng công bình khi ông chưa chịu cắt bì. Vì thế, phép cắt bì không phải là điều kiện để được xưng công bình.

Lý do Phao-lô phải nhấn mạnh đến sự kiện Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời xưng công bình từ khi chưa chịu cắt bì là vì thời bấy giờ, trong Hội Thánh có những môn đồ là người Do-thái cho rằng, người tin Chúa phải chịu cắt bì. Họ biến việc chịu cắt bì thành điều kiện để được cứu rỗi. Tương tự như vậy, ngày nay một số giáo hội mang danh Chúa dạy rằng, việc chịu báp-tem hay việc giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước là điều kiện để được cứu rỗi.

11 Ông đã nhận lấy dấu cắt bì, {như} dấu ấn của sự công bình bởi đức tin, trong sự không cắt bì, để ông làm cha của hết thảy những ai tin mà không chịu cắt bì, để sự công bình cũng được kể cho họ.

Phao-lô kết luận, sự Áp-ra-ham chịu cắt bì là ông nhận lấy ấn chứng của Đức Chúa Trời đã kể ông là công bình bởi đức tin trong khi ông chưa chịu cắt bì. Vì thế, ông trở thành tổ phụ của những ai có đức tin nơi Đức Chúa Trời mà không chịu cắt bì, tức là những người không là con cháu về phần xác thịt của Áp-ra-ham. Kể từ đó, bất cứ ai tin Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham đã tin, thì người ấy được Đức Chúa Trời xưng công bình như Ngài đã xưng Áp-ra-ham công bình. Dù người ấy không ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham, không chịu cắt bì như con cháu phần xác thịt của Áp-ra-ham, người ấy vẫn là con cháu của Áp-ra-ham về phương diện đức tin.

12 Và {ông} cũng làm cha chịu cắt bì của những ai không những chịu cắt bì mà còn là những người đi theo dấu chân đức tin của tổ phụ chúng ta, Áp-ra-ham, {khi ông ở} trong sự không cắt bì.

Riêng đối với dân I-sơ-ra-ên là con cháu theo phần xác thịt của Áp-ra-ham, giữ phép cắt bì, chỉ những ai cũng tin Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham đã tin từ khi ông chưa chịu cắt bì, thì họ mới thật là con cháu của ông. Theo kết quả thăm dò vào năm 2009 thì chỉ có 80% dân I-sơ-ra-ên tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa. Dân số của I-sơ-ra-ên vào năm 2009 vào khoảng 7.486.000 người.

Ngoài dân I-sơ-ra-ên còn có dân Ả-rập là con cháu theo phần xác thịt của Áp-ra-ham theo dòng Ích-ma-ên (Sáng Thế Ký 17:20), cũng giữ phép cắt bì, nhưng phần lớn họ tin vào một Đức Chúa Trời khác với Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham. Họ tin vào Đức Chúa Trời của Hồi Giáo, một Đức Chúa Trời hoàn toàn khác biệt với Đức Chúa Trời của Thánh Kinh. Theo thống kê vào năm 2016 thì có khoảng 407 triệu người Ả-rập sống trong 22 quốc gia Ả-rập. Có khoảng 6% dân số Ả-rập (24.420.000 người) là môn đồ của Đấng Christ.

Sự kiện Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời xưng công bình bởi đức tin từ hơn 4.000 năm trước giúp cho chúng ta hiểu rằng:

  • Đức Chúa Trời là Đấng toàn quyền phán xét mọi người. Ngay chính bản thân của chúng ta cũng không có quyền phán xét mình. Vì chúng ta phạm tội hay không phạm tội là đối với Đức Chúa Trời và bởi tiêu chuẩn của Ngài, bởi các điều răn và luật pháp của Ngài.
  • Đức Chúa Trời xưng một người là công bình khi người ấy tin Ngài. Người công bình theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là người hết lòng vâng phục Ngài, không có ý vi phạm các điều răn và luật pháp của Ngài; khi lỡ phạm tội thì hết lòng tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
  • Từ người đầu tiên tin Đức Chúa Trời, được Ngài xưng là công bình, mà Đức Chúa Trời chuẩn bị một dân tộc, để qua dân tộc ấy, Ngài thi hành chương trình cứu rỗi loài người ra khỏi tội lỗi. Dân tộc ấy chính là dân I-sơ-ra-ên, con cháu của Áp-ra-ham.
  • Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người qua dân tộc I-sơ-ra-ên để hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi.
  • Một người, dù thuộc bất cứ dân tộc nào, dù phạm tội nghiêm trọng như thế nào, chỉ cần tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì được Đức Chúa Trời xưng công bình.
  • Từ khi sự cứu rỗi loài người được hoàn thành bởi Đức Chúa Jesus Christ thì tất cả những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều được Ngài xem là con cháu đức tin của Áp-ra-ham, và họ được hiệp một trong Đức Chúa Jesus Christ, gọi là Hội Thánh.
  • Mỗi người thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là một người thánh, vì thân thể xác thịt của họ đã được thánh hóa để trở thành đền thờ của Thiên Chúa, vì tâm thần và linh hồn của họ đã được tái sinh giống như Thiên Chúa (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10), để hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ, thờ phượng Đức Chúa Trời trong lẽ thật.

Tất cả những sự dạy dỗ nào cho rằng cần phải thi hành một nghi thức nào để được cứu rỗi, để được Đức Chúa Trời xưng công bình đều hoàn toàn nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh. Lẽ thật của Thánh Kinh là: Loài người được Đức Chúa Trời xưng công bình bởi đức tin, không bởi bất cứ một việc làm nào.

Tuy nhiên, sự một người thật có đức tin hay không thể hiện qua sự người ấy có vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa hay không. Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời xưng công bình bởi đức tin nhưng cũng chính Đức Chúa Trời xác nhận ông vâng giữ các điều răn và luật pháp của Ngài.

Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu rõ lẽ thật của Lời Chúa và không rơi vào những sự giảng dạy tà giáo. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/01/2018

Karaoke: “Lời Nguyện Kính Dâng Cha”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-loi-nguyen-kinh-dang-cha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.