Chú Giải Rô-ma 05:01-11

4,064 views

Roma_018 Loài Người Được Giao Hòa với Đức Chúa Trời bởi Đức Tin
(Rô-ma 5:1-11)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, {chúng ta} đã được xưng công bình bởi đức tin, thì chúng ta có sự bình an bên Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta,

2 qua Đấng ấy, chúng ta cũng bởi đức tin có sự đạt đến ân điển này, là trong ơn mà chúng ta đứng vững và vui mừng trong sự trông cậy về sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

3 Chẳng những vậy, nhưng {chúng ta} cũng được vinh hiển trong những hoạn nạn, biết rằng, sự hoạn nạn làm ra sự nhẫn nại,

4 sự nhẫn nại {làm ra} sự được thử nghiệm, sự được thử nghiệm {làm ra} sự hy vọng.

5 Sự hy vọng không {làm cho} hổ thẹn, vì tình yêu của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng của chúng ta bởi thánh linh đã được ban cho chúng ta.

6 Vì khi chúng ta còn yếu đuối thì Đấng Christ đã theo kỳ hẹn, chịu chết vì những kẻ không tin kính.

7 Vì ít khi nào có người chịu chết cho người công bình dù có khi cũng có người dám chết cho người lành.

8 Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.

9 Vậy thì nay chúng ta đã nhờ máu của Ngài mà được xưng công bình, {chúng ta} sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn giận là dường nào!

10 Vì nếu khi {chúng ta} là những kẻ thù nghịch {Ngài} mà đã được giao hòa với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì {khi} đã được giao hòa, chúng ta sẽ được cứu là dường nào trong sự sống của {Con} ấy.

11 Chẳng những thế, mà {chúng ta} còn được vinh hiển trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã nhận được sự giao hòa.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjMyNzA4MTdf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11618-chugiairoma_5_1-11
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/qn5l8k3rna8wh5z/11618_ChuGiaiRoma_5_1-11_LoaiNguoiDuocGiaoHoaVoiDucChuaTroiBoiDucTin.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Với các bài học đã qua về thư Rô-ma từ đoạn 1 đến đoạn 4, chúng ta đã học biết sự khác biệt nhưng có mối tương quan lạ lùng giữa luật pháp của Thiên Chúa và đức tin của loài người. Chúng ta có thể tóm tắt như sau:

Luật pháp

Luật pháp của Thiên Chúa là mọi ý muốn của Thiên Chúa dành cho muôn loài thọ tạo, từ các thiên sứ, đến loài người, từ các sinh vật khác cho đến các loài vô tri vô giác nhỏ bé như các nguyên tử hoặc to lớn như các hành tinh. Ý muốn của Thiên Chúa luôn luôn là tốt lành, vì Thiên Chúa là tốt lành! Tất cả muôn loài thọ tạo đều sống động hoặc vận hành theo các định luật Thiên Chúa đã ban hành. Trong luật pháp của Thiên Chúa, phần mà muôn loài phải vâng phục, làm theo là các điều răn, các định luật, phần mà Thiên Chúa sẽ làm khi có sự vi phạm các điều răn, các định luật của Ngài là Ngài phán xét, định tội, và hình phạt kẻ vi phạm. Sự chúng ta vi phạm luật pháp của Thiên Chúa bao gồm hai hình thức: Hình thức tích cực là làm những gì Thiên Chúa không muốn chúng ta làm; hình thức tiêu cực là không làm những gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Hình phạt từ Thiên Chúa cũng có hai hình thức:

  • Hình thức nhân quả còn gọi là hình phạt tự nhiên trong đời này bởi các định luật vật lý, hoặc bởi sự trả thù của loài người, hoặc bởi luật pháp của loài người.
  • Hình thức án phạt còn gọi là sự phán xét và hình phạt sau cùng khi sự tác hại của tội lỗi đã chấm dứt. Chúng ta cần ghi nhớ điều này: Khi một người làm ra tội thì hậu quả của tội lỗi do người ấy làm ra sẽ kéo dài cho đến khi trời cũ đất cũ này qua đi. Thí dụ: Ông A-đam và bà Ê-va phạm tội không vâng lời phán dạy của Đức Chúa Trời, nên đã chết mà còn di hại cho toàn thể loài người ngàn đời sau. Nếu ông bà không ăn năn tội, không tin nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời thì đến ngày phán xét chung cuộc, ông bà phải gánh chịu hình phạt về trách nhiệm mang đau khổ và sự chết đến cho toàn thể loài người. Nói cách khác, mỗi một tội lỗi do loài người làm ra, ông bà đều phải gánh trách nhiệm. Vì nếu ông bà không phạm tội thì không di truyền bản chất tội cho toàn thể loài người. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời chờ cho đến khi kết thúc trời cũ đất cũ này thì mới phán xử sự phạm tội của tất cả những ai không tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Khi đó, sự phán xét mới chính xác đối với mỗi người và hình phạt mới tương xứng cho mỗi tội. Sự phán xét và hình phạt chung cuộc cho toàn thể loài người đã được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

Không ai có thể giữ trọn luật pháp của Thiên Chúa để được xưng là người công bình. Vì chỉ cần vi phạm một điều răn thì cũng bị kể như vi phạm toàn bộ luật pháp của Thiên Chúa:

“Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10).

luật pháp của Thiên Chúa là một, là thánh khiết, không chấp nhận một sự vi phạm nào. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một quả bóng dù lớn đến đâu, nhưng nếu chỉ có một lổ thủng nhỏ bằng đầu kim thì toàn thể quả bóng bị hư hại! Chính vì thế mà hình phạt chung cho bất cứ sự vi phạm nào cũng là một, là sự bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Vì thế, luật pháp chỉ đem lại hình phạt chứ không đem lại sự cứu rỗi, không đem lại sự xưng công bình, không đem lại sự tha tội và làm cho sạch tội, mà chỉ đem lại sự chết! Sự chết trong đời này lẫn sự chết trong đời sau.

Đức tin

Đức tin là lòng tin cậy tuyệt đối vào sự thực hữu của Thiên Chúa, tin cậy vào mọi lời phán của Đức Chúa Trời, của Đức Chúa Jesus Christ, và của Đức Thánh Linh đã được truyền đạt và ghi chép bởi các tiên tri, các sứ đồ, và một số người được Đức Chúa Trời chọn làm công việc ghi chép Lời của Thiên Chúa.

Đức Tin vào Thiên Chúa khiến cho chúng ta chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa. Đức tin vào Lời của Thiên Chúa khiến cho chúng ta đọc, suy ngẫm ngày đêm, vui thỏa trong Lời Chúa và hết lòng, cẩn thận làm theo mọi điều Lời Chúa phán dạy.

Khi chúng ta đọc Thi Thiên 119, chúng ta thấy tác giả đã say mê và vui thỏa trong Lời Chúa, yêu quý và tôn vinh Lời Chúa biết bao. Tất cả những gì mà tác giả Thi Thiên 119 nói về Lời Chúa chính là những gì được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh, do Môi-se ghi chép trong gần 40 năm; vì lúc bấy giờ, Thánh Kinh chỉ mới có năm cuốn sách ấy. Ngay cả “quyển sách luật pháp” mà Thiên Chúa truyền cho Giô-suê: Chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong (Giô-suê 1:8), cũng chính là năm cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh mà Môi-se đã hoàn tất những trang cuối cùng trong ngày dân I-sơ-ra-ên đứng bên bờ tây của sông Giô-đanh, đối diện với vùng đất hứa Ca-na-an ở phía bờ đông. Ngoại trừ đoạn cuối cùng của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký là đoạn 34, có lẽ do Giô-suê chép, ghi lại sự chết của Môi-se, thì toàn bộ còn lại của năm sách đều do Môi-se ghi chép. Vì thế, tin vào Lời Chúa chính là tin vào luật pháp của Chúa.

Đức tin phải thể hiện thành hành động, nếu không thì đức tin sẽ không kết quả, sẽ thành đức tin chết và không cứu được ai (Gia-cơ 2:17-26). Đức tin được thể hiện bởi hành động vâng phục Lời Chúa, làm theo mọi điều Chúa phán dạy một cách cẩn thận.

Đức tin khiến cho chúng ta được Đức Chúa Trời xưng là công bình, vì Ngài nhận biết chúng ta tin cậy Ngài, vâng theo mọi lời phán dạy của Ngài, không có ý vi phạm luật pháp của Ngài.

Đức tin khiến cho chúng ta nhận lãnh được tất cả mọi lời hứa mà Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus Christ, và Đức Thánh Linh đã hứa với chúng ta, được ghi lại trong Thánh Kinh.

Đức tin khiến chúng ta được giao hòa với Đức Chúa Trời dù chúng ta có lỡ phạm tội, vì Ngài ban ơn tha thứ mọi tội cho chúng ta bởi đức tin của chúng ta vào trong sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Như đã chép:

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:9).

Trong bài này chúng ta sẽ học về ý nghĩa của sự đức tin khiến loài người được giao hòa với Đức Chúa Trời.

1 Vậy, {chúng ta} đã được xưng công bình bởi đức tin, thì chúng ta có sự bình an bên Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta,

2 qua Đấng ấy, chúng ta cũng bởi đức tin có sự đạt đến ân điển này, là trong ơn mà chúng ta đứng vững và vui mừng trong sự trông cậy về sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch câu 1 là “…được hoà thuận với Đức Chúa Trời…” Nhưng nếu dịch cho sát với nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì phải là “có sự bình an đối với Đức Chúa Trời.”

“Được hòa thuận với Đức Chúa Trời” không mạnh nghĩa và chính xác cho bằng “có sự bình an đối với Đức Chúa Trời”. Một người sau khi tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời xưng là công bình thì đương nhiên người ấy đã được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Nhưng được hòa thuận với Đức Chúa Trời chưa hẵn là đã có sự bình an đối với Ngài, hoặc trong khi được ở bên cạnh Ngài (giới từ “πρός (pros) /pró-s/ G4314 [1] có thể dịch là: với, bên cạnh, tại, hướng về, đối với…) bởi vì người ấy vẫn có thể phạm tội trở lại và phải đối diện với sự giận của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng ngự bên phải của Đức Chúa Trời, luôn cầu thay cho chúng ta thì chúng ta có sự bình an đối với Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:34).

Chúng ta chú ý cách dùng chữ, gọi Đức Chúa Jesus Christ là “Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta”. Theo văn phạm Hy-lạp thì là: “Jesus Christ, Chúa của chúng ta”. Con người mang tên Jesus, với danh hiệu Christ, đã trở thành Chúa của chúng ta khi chúng ta tin nhận Ngài là Thiên Chúa, đã nhập thế làm người, đã giãi bày cho chúng ta về Thiên Chúa, đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta, và đã sống lại để cai trị chúng ta. Thiếu một trong năm điểm ấy thì chúng ta không thể gọi Ngài là Chúa của chúng ta.

Qua Đức Chúa Jesus Christ chúng ta có được sự chuộc tội, sự được Đức Chúa Trời tha tội và xưng là công bình, sự bởi Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta có sự bình an đối với Đức Chúa Trời, có sự bình an khi hướng về Ngài, có sự bình an khi được sống bên Ngài, mà chúng ta còn nhận được ân điển này: Là ân điển mà khi chúng ta được ở trong ân điển ấy thì chúng ta được đứng vững trong đức tin, có sự vui mừng, trong sự trông cậy về sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

Sự trông cậy về sự vinh quang của Đức Chúa Trời là sự tin chắc và mong chờ ngày mà Đức Chúa Jesus Christ mặc lấy cho thân thể phục sinh của chúng ta sự vinh quang của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã ban cho chúng ta, như lời Ngài đã thưa với Đức Chúa Trời, được ghi lại trong Giăng 17:22. Khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người thì Ngài đã tự mình bỏ đi sự vinh quang của Thiên Chúa:

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của một người là tất cả những gì thuộc về một người, bao gồm: ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Đức Chúa Trời đã ban cho con người xác thịt ấy, tức con người mang tên Jesus, sự vinh quang của Thiên Chúa, để con người xác thịt ấy được làm một với Đức Chúa Trời. Và Đức Chúa Jesus Christ đã ban sự vinh quang của Đức Chúa Trời cho chúng ta, để chúng ta cũng được làm một với nhau, với Đức Chúa Jesus Christ, và với Đức Chúa Trời:

“Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con, để họ là một cũng như chúng ta là một. Con ở trong họ và Ngài ở trong con, để cho họ nên trọn vẹn trong sự hiệp một, và cho thế gian biết chính Ngài đã sai con đến, và Ngài đã yêu thương họ cũng như Ngài đã yêu thương con.” (Giăng 17:22-23).

Mà khi chúng ta đã hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ và hiệp một với Đức Chúa Trời thì đương nhiên chúng ta cũng hiệp một với Đức Thánh Linh.

Sự vinh quang của Đức Chúa Trời đã được ban cho chúng ta, nhưng chúng ta chỉ có thể nhận lấy nếu chúng ta trung tín cho đến khi chúng ta gặp Đấng Christ giữa chốn không trung. Chúng ta có thể sẽ gặp Đấng Christ giữa chốn không trung bằng thân thể xác thịt phục sinh, nếu chúng ta qua đời trước khi Chúa trở lại và chúng ta trung tín đến chết. Chúng ta có thể sẽ gặp Đấng Christ giữa chốn không trung bằng thân thể xác thịt hiện tại được biến hóa, nếu chúng ta vẫn còn sống và trung tín khi Chúa đến. Trung tín là giữ vững đức tin nơi Chúa, thể hiện đức tin bằng sự vâng theo mọi lời phán dạy của Chúa. Tức là luôn luôn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và luôn luôn tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là phẩm chất nền tảng của những ai thuộc về Chúa, như Khải Huyền 14:12 đã nêu lên.

3 Chẳng những vậy, nhưng {chúng ta} cũng được vinh hiển trong những hoạn nạn, biết rằng, sự hoạn nạn làm ra sự nhẫn nại,

4 sự nhẫn nại {làm ra} sự được thử nghiệm, sự được thử nghiệm {làm ra} sự hy vọng.

Chẳng những trong ngày Đấng Christ đến chúng ta nhận được sự vinh quang của Đức Chúa Trời, mà hiện nay, khi chúng ta chịu hoạn nạn vì danh Chúa thì chúng ta cũng được vinh hiển. Chịu hoạn nạn trong danh Chúa là chịu tất cả những gì đem lại đau buồn, khổ sở, tủi nhục… trong cuộc sống khi chúng ta sống theo Lời Chúa.

Hiện tại, khi chúng ta trải qua các hoạn nạn, thân thể xác thịt của chúng ta bị hao mòn. Nhưng một ngày kia, tất cả những hoạn nạn mà chúng ta chịu trong danh Chúa trong thân thể xác thịt này, được gọi là những việc làm công bình, sẽ khiến cho thân thể xác thịt của chúng ta trong Vương Quốc Trời được vinh hiển, như Lời Chúa đã nói đến trong Khải Huyền 19:7-8, gọi đó là trang phục mịn, trắng, và sạch:

“Chúng ta hãy hớn hở, vui mừng, và tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã tự sửa soạn. Người đã được ban cho khoác lên trang phục mịn, trắng, và sạch. Trang phục mịn là những việc làm công bình của các thánh đồ.”

Còn ngay trong đời này thì những hoạn nạn Chúa cho phép xảy đến với chúng ta, khiến cho chúng ta sinh ra lòng nhẫn nại. Nhẫn nại là một đặc tính của Thiên Chúa, và Chúa muốn chúng ta cũng học tập sự nhẫn nại. Từ ngữ “sự nhẫn nại” có nghĩa là sự kiên trì chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, và bất công để đạt được mục đích.

Trong khi chịu đựng như vậy thì cũng là lúc mà người học tập nhẫn nại trải qua sự thử nghiệm về sức mạnh của cả thể xác lẫn tinh thần. Thể xác phải chịu đựng sự đau đớn, mệt mỏi kéo dài. Tinh thần phải chịu đựng những nỗi uất ức, tủi nhục, chán chường… Nhưng chính trong lúc chịu sự thử nghiệm như vậy mà lòng hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa về mọi lời hứa của Ngài đã được ghi lại trong Thánh Kinh, được dâng cao và chú tâm đến nhiều.

Động từ “làm ra” mang các nghĩa như sau: làm thành, làm cho đạt đến mục đích, làm ra kết quả, làm cho thích nghi… Sự hoạn nạn vì danh Chúa khiến cho chúng ta biết kiên trì, chịu đựng mọi khó khăn và bất công trong cuộc đời này. Sự chịu đựng như vậy khiến cho chúng ta được khuôn đúc thành những người có ích cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ đến ngụ ngôn về việc một khối đất sét phải chịu nhào luyện và nung đốt trong lửa như thế nào, để trở thành những lọ gốm xinh đẹp và hữu ích. Chính trong nghịch cảnh mà chúng ta hướng về Chúa nhiều hơn, biết lắng nghe tiếng Chúa nhiều hơn, biết tìm đến với Ngài trong sự tương giao để được thêm sức mới, và nhờ đó mà lòng hy vọng trong Chúa của chúng ta được thăng tiến và sống động.

5 Sự hy vọng không {làm cho} hổ thẹn, vì tình yêu của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng của chúng ta bởi thánh linh đã được ban cho chúng ta.

Lòng hy vọng của chúng ta sẽ không khiến cho chúng ta bị hổ thẹn, vì chính Chúa đáp ứng lòng hy vọng của chúng ta bằng cách đổ đầy thánh linh của Ngài trong chúng ta, để chúng ta nhận biết Chúa yêu chúng ta, và Chúa không bao giờ để cho chúng ta phải bước đi một mình trong cuộc đời này. Lời Chúa đã khẳng định:

“…Và này, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20).

Rô-ma 8:35-39:

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? {Có phải} sự hoạn nạn, hoặc sự khốn cùng, hoặc sự bách hại, hoặc sự đói khát, hoặc sự trần truồng, hoặc sự nguy hiểm, hoặc {là} gươm giáo chăng?

36 Như có chép: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày. Chúng tôi bị xem như chiên bị làm thịt. [Thi Thiên 44:2]

37 Trái lại, trong mọi sự đó, qua Đấng yêu chúng ta mà chúng ta thắng hơn những kẻ xâm lược.

38 Vì tôi chắc chắn rằng: chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến,

39 chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

Chúng ta chỉ cần tin cậy và vâng lời. Hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa, tin nơi Lời Hằng Sống của Ngài, và hoàn toàn vâng theo mọi ý muốn của Ngài đã được tỏ ra cho chúng ta qua các điều răn và luật pháp của Ngài.

6 Vì khi chúng ta còn yếu đuối thì Đấng Christ đã theo kỳ hẹn, chịu chết vì những kẻ không tin kính.

Khi chúng ta còn yếu đuối là khi chúng ta còn sống trong tội lỗi, chưa ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa, chưa có sức toàn năng của Ngài ở trong chúng ta. Thậm chí, chúng ta còn chưa biết gì về Thiên Chúa. Nhưng Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì những kẻ không tin kính, mà chúng ta vốn thuộc về những kẻ ấy. Kẻ không tin kính là kẻ không tin Thiên Chúa, không vâng phục Thiên Chúa, nhưng sẵn sàng vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Đấng Christ theo kỳ hẹn là theo kỳ hẹn của Đức Chúa Trời đã hứa qua các tiên tri từ thời Cựu Ước. Khi đến thời điểm Đức Chúa Trời đã định thì Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế để được sinh ra làm một người, thi hành sự cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi.

7 Vì ít khi nào có người chịu chết cho người công bình dù có khi cũng có người dám chết cho người lành.

8 Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.

Trong thế gian xưa nay, dù là giữa vòng những người không tin Chúa, thỉnh thoảng vẫn có người cam lòng tình nguyện chết thay cho người khác. Lịch sử Việt Nam đã ghi lại câu chuyện Lê Lai xã thân cứu Lê Lợi. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng có những trang quân sử ghi lại cái chết hào hùng của những sĩ quan hy sinh ở lại chận quân thù để binh sĩ dưới quyền thoát khỏi vòng vây. Lại có những chiến sĩ vô danh lao mình nằm lên tạc đạn, chịu chết nát thây để cứu đồng đội… Tất cả những cái chết đó đều là chết cho những người thân yêu, cùng chung chí hướng, cùng chung chiến tuyến. Nhưng cái chết của Đức Chúa Jesus Christ là sự cam lòng tình nguyện chết thay cho những kẻ thù nghịch Thiên Chúa, những kẻ lấy sự chống nghịch Thiên Chúa, vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời làm niềm vui và lẽ sống của họ! Điều đó nói lên tình yêu, sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với loài người.

Đức Chúa Jesus Christ chịu chết thay cho tội lỗi của loài người khi loài người đang chống nghịch Thiên Chúa, chứ không phải sau khi loài người ăn năn tội và cầu xin được Đức Chúa Trời tha thứ họ, cứu chuộc họ, thì Đức Chúa Jesus Christ mới chịu chết.

9 Vậy thì nay chúng ta đã nhờ máu của Ngài mà được xưng công bình, {chúng ta} sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn giận là dường nào!

10 Vì nếu khi {chúng ta} là những kẻ thù nghịch {Ngài} mà đã được giao hòa với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì {khi} đã được giao hòa, chúng ta sẽ được cứu là dường nào trong sự sống của {Con} ấy.

Ngay khi chúng ta còn là những kẻ nghịch thù với Thiên Chúa mà Đức Chúa Trời còn yêu chúng ta đến nỗi đã khiến Đấng Christ chịu chết thay cho chúng ta, ban cho chúng ta cơ hội được cứu chuộc, thì sau khi chúng ta đã thật lòng tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài, Ngài còn yêu quý chúng ta đến đâu? Thánh Kinh nói, Ngài xem chúng ta như con ngươi của mắt Ngài (Xa-cha-ri 2:8).

Đấng Christ đã đổ máu trên thập tự giá, tức hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chúng ta khi chúng ta chưa thuộc về Đức Chúa Trời, thì khi chúng ta đã thuộc về Đức Chúa Trời, Đấng Christ sẽ làm tất cả những gì cần thiết để cứu chúng ta ra khỏi bản ngã tội lỗi của con người cũ, và ban cho chúng ta chính sự sống của Ngài, sự sống của Thiên Chúa, để chúng ta có thể sống một đời mới thánh khiết như Thiên Chúa.

Vấn đề là có nhiều người tin nơi sự cứu rỗi của Đấng Christ nhưng không tin rằng ân điển của Ngài khiến cho họ được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của họ. Vì thế, sau khi tin Chúa rồi, họ vẫn sống trong tội lỗi vì nghĩ rằng, họ không thể không phạm tội. Họ đương nhiên biến các lời phán của Đức Chúa Trời và của Đức Chúa Jesus Christ thành ra lời dối trá.

Sứ Đồ Phao-lô đã ba lần kêu cầu Chúa, xin Ngài cất đi sự khốn khó trong thân thể xác thịt của ông, nhưng Ngài phán:

“…Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (II Cô-rinh-tô 12:9a).

Và Phao-lô đã lập tức tin nhận lời phán của Chúa ngay:

“Vậy, tôi sẽ vui lòng thà khoe mình trong sự yếu đuối của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:9b).

“Khoe mình trong sự yếu đuối là công nhận mình yếu đuối và tìm kiếm vinh quang trong sự yếu đuối ấy bởi ân điển của Đấng Christ. Chính vì thế mà Phao-lô đã đánh một trận đánh tốt lành, đã xong cuộc đua, đã giữ đức tin.” (II Ti-mô-thê 4:7).

Thực tế là sau khi tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì hầu hết con dân Chúa đều có khi vấp ngã trước cám dỗ và thử thách, hoặc phạm tội vì vô ý, vì thiếu hiểu biết. Tất cả những sự vấp phạm ấy đều được Đức Chúa Jesus Christ cầu thay cho chúng ta nơi Đức Chúa Trời, để chúng ta được tha tội khi chúng ta ăn năn và xưng những tội lỗi của mình trước Chúa. Đức Thánh Linh đã thần cảm những lời sau đây của Sứ Đồ Giăng:

“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta. Nếu như chúng ta nói mình không có tội, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:7-9).

Từ ngữ “giao hòa” có nghĩa là cùng qua lại thân thiện, tiếp xúc với nhau, gần gũi nhau trong sự bình an, thỏa lòng. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dùng chữ “được hòa thuận” thì không sát nghĩa của nguyên ngữ Hy-lạp.

Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ khiến cho những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời được giao hòa với Đức Chúa Trời, tức là được gần gũi, tiếp xúc với Đức Chúa Trời trong sự bình an, thỏa lòng, không có sự ngần ngại hoặc sợ hãi. Và khi đã được ở trong sự giao hòa với Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ bởi sự sống của Đấng Christ mà được cứu khỏi sự trở lại phạm tội, vì chính Đấng Christ sống trong chúng ta, nếu chúng ta tin và nhận Ngài làm Chúa của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ được sống lại và sống đời đời với Ngài bên cạnh Đức Chúa Trời.

Nếu Đấng Christ thật sự sống trong chúng ta thì sao chúng ta lại ưa thích tội và phạm tội? Lẽ nào Đấng Christ ưa thích tội và Đấng Christ phạm tội?

Nếu chúng ta vẫn ưa thích tội và phạm tội thì Đấng Christ chưa sống trong chúng ta, mà chỉ là chúng ta để cho bản ngã tội lỗi của xác thịt vẫn sống trong chúng ta.

Nên nhớ, Đức Chúa Jesus Christ đã chết thay cho chúng ta. Khi chúng ta tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì lập tức Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta và xưng chúng ta là công bình, Đức Thánh Linh tái sinh chúng ta, ngự trong thân thể xác thịt của chúng ta và đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa trong chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ ngự trong tâm thần của chúng ta để ban cho chúng ta chính thần trí của Ngài, nhưng chính chúng ta phải chọn và làm ba điều sau đây:

  1. Quyết tâm từ bỏ sự phạm tội. Có tấm lòng khát khao Lời Chúa:

“Vậy, các anh chị em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian trá, mọi thứ giả hình, lòng ganh ghét và sự vu khống, như những trẻ con mới được sinh ra, thèm muốn sữa thật của Lời, để cho các anh chị em nhờ đó lớn lên.” (I Phi-e-rơ 2:1-2).

  1. Quyết tâm tiêu diệt mọi ý nghĩ tội lỗi và mọi sự ham muốn tội lỗi:

“Vậy, hãy làm chết các chi thể của các anh chị em, {là} những sự ở trên đất: tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng.” (Cô-lô-se 3:5) [2].

  1. Quyết tâm dùng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, bắt hết các ý tưởng của mình làm nô lệ cho sự vâng phục Đấng Christ, tôn Đức Chúa Trời làm thánh trong lòng mình, và sẵn sàng nói với mọi người về đức tin của mình:

“Những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, mà là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy, đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết mọi ý tưởng vào sự vâng phục Đấng Christ.” (II Cô-rinh-tô 10:4-5).

“Hãy tôn Chúa là Đức Chúa Trời làm thánh trong lòng các anh chị em. Hãy luôn sẵn sàng để trả lời bất cứ ai hỏi các anh chị em, về nguyên cớ của sự trông cậy trong các anh chị em, cách nhu mì và kính sợ.” (I Phi-e-rơ 3:15).

Có như vậy thì Đấng Christ mới có thể sống trong chúng ta, cai trị chúng ta, Đức Thánh Linh mới dẫn dắt chúng ta bước đi trong lẽ thật, và Đức Chúa Trời mới quan phòng chúng ta trong mọi sự, từ thuộc thể đến thuộc linh.

11 Chẳng những thế, mà {chúng ta} còn được vinh hiển trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã nhận được sự giao hòa.

“Chẳng những thế” là chẳng những sau khi nhờ tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ chúng ta nhận được các sự đã kể trên đây:

  • Được Đức Chúa Trời xưng là công bình.
  • Có sự bình an đối với Đức Chúa Trời.
  • Đạt được ân điển để nhờ đó đứng vững trong sự vui mừng, trông cậy sự vinh quang của Đức Chúa Trời mà Đấng Christ đã ban cho chúng ta.
  • Được vinh hiển trong những hoạn nạn.
  • Được Đấng Christ tiếp tục cứu chuộc chúng ta mỗi khi chúng ta lỡ phạm tội.
  • Được Đấng Christ cứu chúng ta ra khỏi sự yếu đuối của mình, bằng cách Đấng Christ sống trong chúng ta, đổ đầy ân điển của Ngài trong chúng ta, để chúng ta có thể sống như Ngài đã sống (I Giăng 2:6).

Ngoài sáu điều chúng ta nhận được trên đây, chúng ta còn được nhờ Đức Chúa Jesus Christ mà được vinh hiển trong Đức Chúa Trời, bởi sự chúng ta được giao hòa với Đức Chúa Trời. Người được vinh hiển trong Đức Chúa Trời tức là người được Đức Chúa Trời khen thưởng, làm cho được vinh hiển trước muôn loài.

Cảm tạ Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta về tình yêu vô biên của Ngài. Cảm tạ Đức Chúa Jesus, Chúa của chúng ta về mọi ân điển của Ngài. Và cảm tạ Đức Thánh Linh về mọi linh vụ của Ngài trong và qua đời sống của chúng ta: an ủi (Giăng 14:16), giảng dạy (Giăng 14:26; 16:13-15), hướng dẫn (Giăng 16:13a; Rô-ma 8:14), cáo trách về tội lỗi (Giăng 16:8), làm chứng (Rô-ma 8:16; Ê-phê-sô 1:13, 4:30; I Giăng 5:9), cầu thay (Rô-ma 8:26-27), và ban ân tứ (I Cô-rinh-tô 12:1-11).

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ Hội Thánh của Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/02/2018

Chú Thích

Karaoke: “Chúa Vẫn Chờ Anh”:
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-chua-van-cho-anh/

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?t=kjv&strongs=g4314

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-3_1-11/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.