Chú Giải Rô-ma 11:01-10

2,984 views

Roma_030 Phần Còn Lại của Dân I-sơ-ra-ên
(Rô-ma 11:1-10)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, tôi nói: Có phải Đức Chúa Trời đã từ bỏ dân của Ngài? Chẳng hề như vậy! Vì tôi cũng là một người I-sơ-ra-ên, ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham, chi phái Bên-gia-min.

2 Đức Chúa Trời đã chẳng từ bỏ dân của Ngài mà Ngài đã biết trước [Thi Thiên 94:14]. Hay là các anh chị em đã chẳng thấy Thánh Kinh nói về Ê-li, thế nào người đã thưa với Đức Chúa Trời về dân I-sơ-ra-ên, rằng:

3 Lạy Chúa, họ đã giết các tiên tri của Ngài, phá sập các bàn thờ của Ngài. Còn lại một mình tôi, và họ tìm {hại} mạng sống tôi. [I Các Vua 19:10, 14]

4 Nhưng lời thần khải cho ông là thế nào? Ta đã để dành cho Ta bảy ngàn người nam {là} những người chẳng hề quỳ gối {trước} Ba-anh. [I Các Vua 19:18]

5 Trong thời bây giờ cũng vậy, có một phần còn lại theo sự lựa chọn của ân điển.

6 Nhưng nếu bởi ân điển thì chẳng phải bởi các việc làm nữa; nếu không, thì ân điển không còn là ân điển. Còn nếu bởi các việc làm thì chẳng phải bởi ân điển nữa; nếu không, thì các việc làm không còn là các việc làm.

7 Vậy thì sao? Dân I-sơ-ra-ên chẳng được điều mình tìm, nhưng {những người} được chọn thì đã được, còn những kẻ khác thì bị chai cứng {lòng}.

8 Như có chép: Đức Chúa Trời đã cho họ một thần trí vô cảm, những con mắt mà họ chẳng thấy, những lỗ tai mà họ chẳng nghe, cho đến ngày nay. [Ê-sai 29:10, đối chiếu Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:4]

9 Và Đa-vít nói: Nguyện bàn tiệc của họ trở nên bẫy, rập, sự vấp chân, và sự báo trả họ.

10 Nguyện mắt họ bị sự tối tăm bao phủ {khiến} họ không thấy được, và lưng họ cứ mãi cong khom. [Thi Thiên 69:22-23]

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjc0MDc5MDNf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11630-chugiairoma_11_1-10_phanconlaicuadanisoraen
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/gzwkezlbgc1j18g/11630_ChuGiaiRoma_11_1-10PhanConLaiCuaDanIsoraen.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Một trong các tà giáo được Sa-tan đưa vào trong các giáo hội mang danh Chúa là tà giáo phủ nhận sự Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham về dòng dõi của ông, là dân I-sơ-ra-ên. Tà giáo ấy mang tên là “Thần Học Thay Thế”, dạy rằng, trong thời Tân Ước, Hội Thánh đã hoàn toàn thay thế dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, theo tà giáo ấy, dân I-sơ-ra-ên không còn là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Vì thế, cũng theo tà giáo ấy, mọi lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham về dòng dõi của ông sẽ được hoàn thành trên Hội Thánh.

Thần Học Thay Thế dẫn đến tinh thần bài Do-thái, mà cao điểm là sự hơn sáu triệu người Do-thái đã bị tàn sát trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến bởi Đức Quốc Xã. Thần Học Thay Thế hoàn toàn nghịch lại lẽ thật của Lời Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ nhì, Sa-tan đã ra sức gieo trồng Thần Học Thay Thế vào trong Hội Thánh. Sau đó, Thần Học Thay Thế trở thành tín lý căn bản của Giáo Hội Công Giáo. Khi các phong trào kháng cách và cải chánh hình thành ra các giáo hội Tin Lành thì đa số các Giáo Hội Tin Lành cũng bị tiêm nhiễm tà giáo Thần Học Thay Thế [1].

Theo thống kê năm 2004, có 15 giáo hội mang danh Chúa, với số lượng tín đồ từ hơn một triệu đến hơn 66 triệu người, công nhận Thần Học Thay Thế; đứng đầu là Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm [2].

Thánh Kinh khẳng định rằng, Đức Chúa Trời không hề từ bỏ dân I-sơ-ra-ên. Dù dân I-sơ-ra-ên luôn bội nghịch Thiên Chúa, nhưng Đức Chúa Trời sẽ làm thành lời hứa mà Ngài đã hứa với Áp-ra-ham. Lời Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham:

Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và dòng dõi ngươi, sau ngươi, trong các đời của chúng. Một giao ước đời đời, để cho {Ta} là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi, sau ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi, sau ngươi vùng đất mà ngươi đang kiều ngụ, toàn thể đất Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời; và Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ.” (Sáng Thế Ký 17:7-8).

Hơn 1900 năm, sau khi dân I-sơ-ra-ên bị dân La-mã đuổi ra khỏi Giê-ru-sa-lem vào năm 70, họ đã tản lạc khắp nơi trên thế giới, cho đến khi Đức Chúa Trời đem họ về lại xứ Ca-na-an và tái lập quốc gia I-sơ-ra-ên chỉ trong một ngày. Đó là ngày 14/05/1948. Hành động đó của Đức Chúa Trời đã được chính Ngài tiên tri từ hơn 2600 năm trước:

Ai đã từng nghe một sự như thế này? Ai đã từng thấy một sự giống như vậy? Lãnh thổ có thể nào được hình thành trong một ngày? Dân tộc có thể nào được sinh ra trong một lúc? Mà Si-ôn mới vừa trong cơn chuyển dạ thì đã sinh ra con của mình!” (Ê-sai 66:8).

Ngày 14/05/2018 này, quốc gia I-sơ-ra-ên sẽ tròn 70 tuổi. Suốt 70 năm quốc gia I-sơ-ra-ên đứng vững trước bao cuộc tấn công của liên minh các nước Ả-rập, các tổ chức khủng bố Hồi Giáo, và trở thành một quốc gia có nền kinh tế, quân sự hùng mạnh nhất tại Trung Đông, cùng với các tiến bộ và thành tựu vượt bậc về khoa học. Mặc dù trong suốt 70 năm qua, phần lớn dân I-sơ-ra-ên vẫn không tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, và rất ít người thật lòng kính sợ Thiên Chúa, vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Sự kiện đó chứng minh rằng, không phải bởi lòng tin kính Chúa của dân I-sơ-ra-ên mà Đức Chúa Trời tái lập quốc gia của họ, ban ơn cho họ, bảo vệ họ trước những kẻ thù hung hãn, hoàn thành lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham, mà hoàn toàn là bởi sự thương xót của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục làm ra các phép lạ để giải cứu dân I-sơ-ra-ên trong những ngày sắp tới, nhưng Ngài cũng sẽ nghiêm khắc sửa phạt những người I-sơ-ra-ên cứng lòng, không vâng giữ các điều răn của Ngài.

Rô-ma 11:1-10 khẳng định rằng, dù Đức Chúa Trời sẽ sửa phạt dân I-sơ-ra-ên cách nặng nề, nhưng Đức Chúa Trời sẽ để dành lại cho Ngài một số ít người I-sơ-ra-ên có lòng tin kính Thiên Chúa, và Ngài gọi đó là “phần còn lại” của dân I-sơ-ra-ên.

1 Vậy, tôi nói: Có phải Đức Chúa Trời đã từ bỏ dân của Ngài? Chẳng hề như vậy! Vì tôi cũng là một người I-sơ-ra-ên, ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham, chi phái Bên-gia-min.

Câu hỏi của Phao-lô là: Có phải vì dân I-sơ-ra-ên vấp phạm, cứng lòng, bội nghịch Thiên Chúa như ông đã trình bày trong đoạn 10, mà Đức Chúa Trời từ bỏ họ hay không? Động từ “từ bỏ” trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: đẩy ra xa, đuổi đi. Nhóm chữ “dân của Ngài” chỉ về dân I-sơ-ra-ên, là dân tộc duy nhất trong các dân tộc được Đức Chúa Trời gọi là “dân Ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10). Câu hỏi của Phao-lô không hỏi về một số người trong dân tộc I-sơ-ra-ên mà ông hỏi là: Có phải người I-sơ-ra-ên với tính cách là một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn làm dân của Ngài, nay đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ? Phao-lô tự trả lời: Chẳng hề như vậy!

Phao-lô là một môn đồ của Đấng Christ và là sứ đồ của Ngài, được Ngài sai đi rao giảng Tin Lành cho muôn dân, bao gồm các dân ngoại và dân I-sơ-ra-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15). Phao-lô nhắc đến sự kiện ông là một người I-sơ-ra-ên, ra từ chi phái Bên-gia-min, để làm bằng chứng rằng, Đức Chúa Trời không hề từ bỏ dân I-sơ-ra-ên.

2 Đức Chúa Trời đã chẳng từ bỏ dân của Ngài mà Ngài đã biết trước [Thi Thiên 94:14]. Hay là các anh chị em đã chẳng thấy Thánh Kinh nói về Ê-li, thế nào người đã thưa với Đức Chúa Trời về dân I-sơ-ra-ên, rằng:

3 Lạy Chúa, họ đã giết các tiên tri của Ngài, phá sập các bàn thờ của Ngài. Còn lại một mình tôi, và họ tìm {hại} mạng sống tôi. [I Các Vua 19:10, 14]

Trước khi dân I-sơ-ra-ên bước chân vào Đất Hứa Ca-na-an, Thiên Chúa đã thần cảm Môi-se để ông công bố, dân I-sơ-ra-ên là dân của Ngài và là cơ nghiệp của Ngài:

Vì phần của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu {là} dân Ngài. Gia-cốp là phần cơ nghiệp của Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:9).

Phao-lô trích dẫn Thi Thiên 94:14 để chứng minh rằng, Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ bỏ dân của Ngài và cơ nghiệp của Ngài:

Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ không từ bỏ dân của Ngài, cũng sẽ chẳng bỏ đi cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 94:14).

Trong khi toàn thể dân I-sơ-ra-ên, tức là những người được sinh ra theo dòng dõi xác thịt của Áp-ra-ham, được Đức Chúa Trời gọi là “dân Ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10), thì nhóm chữ “dân của Ngài mà Ngài đã biết trước” có một ý nghĩa đặc biệt. Nhóm chữ này được dùng để gọi những người I-sơ-ra-ên thật lòng tin kính Thiên Chúa, vâng giữ các điều răn của Ngài, có sự thông công mật thiết với Ngài.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng: Đức Chúa Trời biết trước mỗi một người, mỗi một dân tộc từ trước khi mỗi người được sinh ra, mỗi dân tộc được hình thành.

Ngài đã làm ra các dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất, và xác định thời gian đã định sẵn cho họ cùng biên giới chỗ ở của họ; để cho họ tìm kiếm Chúa, nếu họ cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài, dù Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:26-27).

Nhưng chữ “biết” được dùng trong câu 2 cùng nghĩa với chữ “biết” dùng trong Giăng 10:27, đó là sự “biết” ra từ sự thông công mật thiết.

Phao-lô tiếp tục nhắc lại sự kiện Tiên Tri Ê-li thưa với Đức Chúa Trời về sự bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên, khi họ thờ lạy tà thần, phá hủy các bàn thờ của Thiên Chúa, bắt giết các tiên tri của Đức Chúa Trời, và tìm bắt ông để giết.

4 Nhưng lời thần khải cho ông là thế nào? Ta đã để dành cho Ta bảy ngàn người nam {là} những người chẳng hề quỳ gối {trước} Ba-anh. [I Các Vua 19:18]

5 Trong thời bây giờ cũng vậy, có một phần còn lại theo sự lựa chọn của ân điển.

Lời thần khải là lời được phán bởi Thiên Chúa. Trong khi Ê-li tưởng rằng, trong cả I-sơ-ra-ên, chỉ còn có mỗi mình ông là trung tín với Thiên Chúa, thì Đức Chúa Trời đã phán với ông rằng, Ngài đã để dành cho Ngài bảy ngàn người không hề quỳ lạy tà thần.

Phao-lô dùng câu chuyện trong lịch sử của thời Cựu Ước để khẳng định rằng, trong thời hiện tại của Tân Ước, giữa vòng dân I-sơ-ra-ên vấp phạm, bội nghịch Thiên Chúa, và cứng lòng cũng vẫn có một phần còn lại những người thật lòng tin kính Chúa, đã được Đức Chúa Trời lựa chọn theo ân điển của Ngài. Những người đó được gọi là “phần còn lại trong dân I-sơ-ra-ên” sau khi Đức Chúa Trời phán xét lần cuối cùng sự bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên trong Kỳ Tận Thế. Đức Chúa Trời đã phán qua Tiên Tri Giê-rê-mi:

Ta sẽ nhóm phần còn lại của bầy Ta, từ các nước mà Ta đã đuổi chúng nó đến. Ta sẽ đem chúng nó trở về trong chuồng của chúng nó. Chúng nó sẽ kết quả và thêm nhiều.” (Giê-rê-mi 23:3).

Từ khi dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc vào ngày 14/05/1948 đến nay, trong suốt 70 năm, mỗi năm Đức Chúa Trời đều đem dân I-sơ-ra-ên từ các nơi trên thế giới về lại vùng đất Ca-na-an mà Ngài đã hứa ban cho họ đời đời [3]. Tổng dân số hiện nay của I-sơ-ra-ên là 8.842.000 người, hơn mười lần tổng dân số vào ngày tái lập quốc. Có khoảng chừng một phần mười dân I-sơ-ra-ên theo truyền thống Do-thái Giáo, nghiêm túc vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Hiện nay, vẫn còn khoảng 5.500.000 người I-sơ-ra-ên sống bên ngoài lãnh thổ I-sơ-ra-ên.

Về ý nghĩa của Giê-rê-mi 23:3 chúng ta cần phải hiểu rằng, nhóm chữ “phần còn lại của bầy Ta” không bao gồm tất cả người I-sơ-ra-ên bị tan lạc đến khắp nơi trên đất, mà chỉ là những người có lòng tin kính Thiên Chúa, hoặc những người mà bản thân họ không tin kính Thiên Chúa nhưng con cháu họ sinh ra, sau khi họ quay về vùng Đất Hứa, sẽ tin kính Chúa. Vì thế, trong Kỳ Tận Thế, chắc chắn vẫn có những người I-sơ-ra-ên không tin kính Thiên Chúa sống ngoài quốc gia I-sơ-ra-ên. Trong lãnh thổ I-sơ-ra-ên sẽ có nhiều người tin nhận Tin Lành mà Đức Chúa Trời sẽ chọn ra 144.000 người nam, như Đấng Christ đã tiên tri trong Khải Huyền đoạn 7. Ngoài ra, có lẽ sẽ có khoảng một phần mười dân I-sơ-ra-ên, tức là khoảng tám, chín trăm ngàn người, thật lòng tin kính Thiên Chúa, vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời theo truyền thống Do-thái Giáo. Những người này sẽ được Đức Chúa Trời đem vào đồng vắng lánh nạn AntiChrist, và họ sẽ tin nhận Đấng Christ khi nhìn thấy Ngài giáng lâm trên đất.

Họ chính là một phần còn lại của dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu về thuộc thể lẫn thuộc linh vào Kỳ Tận Thế, là những người đã được Đức Chúa Trời chọn từ trước; và đó là hoàn toàn bởi ân điển của Ngài, không bởi việc làm của bất cứ ai.

6 Nhưng nếu bởi ân điển thì chẳng phải bởi các việc làm nữa; nếu không, thì ân điển không còn là ân điển. Còn nếu bởi các việc làm thì chẳng phải bởi ân điển nữa; nếu không, thì các việc làm không còn là các việc làm.

Trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người, loài người có thể nhận lãnh những sự ban cho của Thiên Chúa bằng hai cách: Hoặc là bởi ân điển, tức là bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, hoặc là bởi việc làm của loài người.

Nếu là bởi ân điển thì loài người không cần phải làm gì hết, mà chỉ cần tiếp nhận. Ân điển thứ nhất mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa là ân điển được thực hữu làm người, mang lấy hình và tượng của Thiên Chúa. Ân điển thứ nhì mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa là ân điển được cứu chuộc ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Ân điển thứ ba mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa là ân điển được dựng nên mới và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, còn nhiều ân điển khác như ân điển về các ân tứ, ân điển về các chức vụ trong Hội Thánh…

Sau khi chúng ta đã nhận các ân điển của Thiên Chúa thì chúng ta phải làm việc để có thể nhận lãnh những sự ban cho khác của Thiên Chúa. Lời Chúa đã khẳng định:

Này, Ta đến mau chóng với tiền công của Ta, để trao cho mỗi người tùy theo việc làm của mỗi người.” (Khải Huyền 22:12).

I Cô-rinh-tô 3:9-15

9 Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa; các anh chị em là ruộng Thiên Chúa {cày}, nhà Thiên Chúa {xây}.

10 Theo ân điển Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, tôi đã lập nền như một thợ cả khôn sáng, mà người khác xây cất lên trên. Nhưng mỗi người phải chú ý về sự mình xây cất lên trên {nền đó} như thế nào.

11 Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jesus Christ.

12 Nếu có người lấy vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy,

13 thì công việc của mỗi người sẽ được tỏ ra. Ngày đến sẽ công bố nó; nó sẽ được bày tỏ ra trong lửa, và lửa sẽ xét nghiệm giá trị công việc của mỗi người.

14 Nếu công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì người ấy sẽ nhận được tiền công.

15 Nếu công việc của ai bị thiêu hủy thì bị mất, nhưng người ấy sẽ được cứu, dường như qua lửa.

Sự Thiên Chúa ban thưởng, trả công cho mỗi việc làm của chúng ta thì không phải là sự ban cho bởi ân điển. Chúng ta sẽ không nhận được những sự ban cho ấy nếu chúng ta không làm việc đúng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

7 Vậy thì sao? Dân I-sơ-ra-ên chẳng được điều mình tìm, nhưng {những người} được chọn thì đã được, còn những kẻ khác thì bị chai cứng {lòng}.

Danh từ “dân I-sơ-ra-ên” trong câu 7 là chỉ chung về dân tộc I-sơ-ra-ên. Dân tộc I-sơ-ra-ên bởi ân điển của Thiên Chúa đã được Đức Chúa Trời chọn làm một dân riêng của Ngài cho đến đời đời:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chọn và đem các ngươi ra khỏi lò lửa bằng sắt kia, ra khỏi xứ Ê-díp-tô, để các ngươi thành một dân riêng của Ngài, như ngày nay.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:20).

Vì dân I-sơ-ra-ên của Ngài, Ngài đã khiến thành dân của Ngài cho đến đời đời. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ôi! Ngài trở nên Thiên Chúa của họ.” (I Sử Ký 17:22).

Nhưng dân I-sơ-ra-ên nói chung, không tìm được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời, tức sự được xưng công bình bằng cách vâng giữ luật pháp của Ngài. Trong khi đó, những người thuộc về các dân tộc khác là các dân tộc không được Đức Chúa Trời chọn, thì lại được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời vì họ tin vào ân điển cứu rỗi của Ngài. Những kẻ khác là những người không được chọn thì lương tâm của họ trở nên chai cứng, họ cứ tiếp tục sống trong tội lỗi, và đi vào trong sự hư mất đời đời.

8 Như có chép: Đức Chúa Trời đã cho họ một thần trí vô cảm, những con mắt mà họ chẳng thấy, những lỗ tai mà họ chẳng nghe, cho đến ngày nay. [Ê-sai 29:10, đối chiếu Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:4]

Phao-lô trích dẫn lời tiên tri trong sách Ê-sai nói về tình trạng thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên. Thần trí vô cảm là thần trí không còn chức năng nhận thức. Trong Cựu Ước gọi là thần trí ngủ mê. Những con mắt và những lỗ tai chỉ về sự nghe và thấy thuộc linh.

Sau bốn mươi năm chịu đựng dân I-sơ-ra-ên trong đồng vắng, Thiên Chúa đã dùng Môi-se để khẳng định với dân I-sơ-ra-ên rằng:

Nhưng cho đến ngày nay, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không ban cho các ngươi một tấm lòng để biết, những mắt để thấy, và những tai để nghe.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:4).

Lý do dẫn đến tình trạng thuộc linh tồi tệ như vậy đã được chính Thiên Chúa chỉ ra, như sau:

Chúa có phán rằng: Vì dân này chỉ lấy miệng tới gần Ta, lấy môi miệng tôn Ta, mà lòng chúng nó thì cách xa Ta lắm; sự chúng nó kính sợ Ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho…” (Ê-sai 29:13).

Để được Thiên Chúa ban cho một thần trí tỉnh táo, thông sáng có thể hiểu biết, những mắt và tai thuộc linh có thể thấy và nghe những điều sâu nhiệm thuộc về Thiên Chúa, thì trước hết, chúng ta cần phải có tấm lòng tin kính Thiên Chúa, vâng phục các điều răn của Ngài. Ngày nay, hầu hết dân I-sơ-ra-ên vẫn còn ngủ mê trong thuộc linh như vậy. Đây cũng là trường hợp xảy ra trong Hội Thánh của Chúa khi con dân Chúa sinh hoạt trong các giáo hội đã bỏ đi Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, để vâng theo các điều răn nghịch Thánh Kinh do các giáo hội giảng dạy. Điển hình là sự bác bỏ điều răn thứ tư dưới nhiều hình thức.

9 Và Đa-vít nói: Nguyện bàn tiệc của họ trở nên bẫy, rập, sự vấp chân, và sự báo trả họ.

10 Nguyện mắt họ bị sự tối tăm bao phủ {khiến} họ không thấy được, và lưng họ cứ mãi cong khom. [Thi Thiên 69:22-23]

Khi con dân Chúa cố ý bỏ đi các điều răn của Chúa để làm theo các điều răn của loài người, thì họ trở thành những kẻ bội nghịch Thiên Chúa. Khi con dân Chúa đã trở thành kẻ bội nghịch Thiên Chúa vì cố ý phạm tội, bỏ đi luật pháp của Thiên Chúa, thì Ngài cũng sẽ từ bỏ họ:

Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng bỏ ngươi, để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình, thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).

Cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật có nghĩa là: Sau khi tin nhận rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết vì sự mình vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì lại tiếp tục cố ý vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Điều răn thường bị vi phạm nhất là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn. Phần lớn con dân Chúa đã không tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy của Thiên Chúa, vì họ vâng theo sự giảng dạy tà giáo của các giáo hội.

Sự cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật là hành động giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ đó nên thánh, là ô uế, và cũng là hành động khinh lờn Đấng Thần Linh (Hê-bơ-rơ 10:29).

Phao-lô đã mượn lời của Vua Đa-vít nói về những kẻ thù của vua, để nói về những kẻ thù nghịch Thiên Chúa. Bàn tiệc là nơi hưởng thụ, vui thỏa, tiêu biểu cho sự tận hưởng những phước hạnh vật chất. Nhưng đối với những kẻ cố ý phạm tội, trở thành thù nghịch Thiên Chúa thì mọi phước hạnh vật chất của họ sẽ trở thành bẫy, rập, sự vấp chân làm hại họ. Và đó là sự báo trả xứng đáng Đức Chúa Trời dành cho họ. Mắt của họ sẽ không còn bao giờ nhìn thấy Thiên Chúa và sự vinh quang của Ngài:

Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Lưng của họ sẽ đời đời mang vác gánh nặng về tội lỗi của họ mà không được yên nghỉ. Vì họ đã không còn ở trong Đấng Christ, là Đấng mang vác mọi gánh nặng cho họ và ban cho họ sự yên nghỉ (Ma-thi-ơ 11:29).

Dù Đức Chúa Trời ban phước cho con cháu của Áp-ra-ham khiến cho dân I-sơ-ra-ên được đông như cát biển, ban cho họ đất Ca-na-an làm cơ nghiệp đời đời, nhận họ làm dân riêng của Ngài cho đến đời đời, nhưng Ngài sẽ nghiêm khắc sửa phạt những người I-sơ-ra-ên không có lòng tin kính Ngài, không vâng giữ các điều răn của Ngài.

Trong những ngày cuối cùng của Kỳ Tận Thế, sẽ chỉ có một phần dân I-sơ-ra-ên thật sự tin kính Thiên Chúa và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Họ được gọi là “phần còn lại” sau khi Đức Chúa Trời hình phạt dân I-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời sẽ giải cứu họ khỏi sự bách hại của Sa-tan, AntiChrist, và các dân trên đất. Rồi họ sẽ nhận biết Đức Chúa Jesus Christ chính là Đấng Giải Cứu mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ.

Chương trình và ý định của Đức Chúa Trời đối với dân I-sơ-ra-ên không hề thay đổi. Hội Thánh là I-sơ-ra-ên thuộc linh nhưng I-sơ-ra-ên thuộc linh không hề thay thế I-sơ-ra-ên thuộc thể. Vì Đức Chúa Trời đã nhận I-sơ-ra-ên thuộc thể làm dân riêng của Ngài và cơ nghiệp đời đời của Ngài. Thần Học Thay Thế chỉ là tà giáo nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh, nhằm xúi giục con dân của Chúa trong Hội Thánh ghét bỏ dân I-sơ-ra-ên thuộc thể.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta được khôn sáng trong mọi sự, nhận biết đâu là Lời Chúa, đâu là điều răn của loài người, và đâu là tà giáo do Sa-tan gieo rắc. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/05/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Thi Thiên 51”:
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/thi-thien-51/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%A1ng_C%C3%A1ch

[2] Dưới đây là danh sách các giáo hội mang danh Chúa tin nhận Thần Học Thay Thế và số lượng tín đồ theo thống kê năm 2004 (https://amos37.com/replacement-denominations/):

  • The Roman Catholic Church – 66.407.105

  • Seventh Day Adventist – 19.126.438

  • The United Methodist Church – 8.251.042

  • The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints – 5.410.544

  • Evangelical Lutheran Church in America – 5.038.006

  • Presbyterian Church (U.S.A.) – 3.407.329

  • The Lutheran Church – Missouri Synod – 2.512.714

  • African Methodist Episcopal Church – 2.500.000

  • The Episcopal Church – 2.333.628

  • Churches of Christ, Corsicana, Texas – 1.500.000

  • Greek Orthodox Archdiocese of America – 1.500.000

  • African Methodist Episcopal Zion Church – 1.430.795

  • United Church of Christ – 1.330.985

  • Christian Churches and Churches of Christ, Joplin, Mo. – 1.071.616

  • Jehovah’s Witnesses – 1.022.397

[3] http://www.jewishvirtuallibrary.org/total-immigration-to-israel-by-year