Chú Giải Rô-ma 13:01-07 (2)

2,823 views

Roma_036 Bổn Phận của Công Dân đối với Chính Quyền – Phần Hai
(Rô-ma 13:1-7)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn {mình}; vì chẳng có quyền nào mà chẳng {đến} bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.

2 Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.

3 Vì những người cai trị không phải là sự khiếp sợ cho những người lành mà là cho những kẻ ác. Ngươi muốn không sợ chính quyền chăng? Hãy làm điều lành thì ngươi sẽ được khen.

4 Vì người là tôi tớ của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Nhưng nếu ngươi làm ác thì hãy sợ; vì người mang gươm chẳng phải là vô cớ. Người là tôi tớ của Thiên Chúa, {là} người thi hành hình phạt, giáng cơn giận trên kẻ làm ác.

5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng phải chỉ bởi cơn giận nhưng cũng bởi lương tâm.

6 Cũng vì vậy mà các anh chị em nộp thuế; vì họ là các tôi tớ của Thiên Chúa, hằng giữ việc ấy.

7 Vậy nên, các anh chị em hãy trả cho mọi người những gì mình thiếu họ: sự nộp thuế cho người thu thuế, sự đóng lệ phí cho người thu lệ phí, sự sợ người đáng sợ, sự kính người đáng kính.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjgxMjQ3MjNf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11636_chugiairoma-13_1-7_bonphancuacongdandoivoichinhquyenphanhai
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/79g54x3ctm9e38g/11636_ChuGiaiRoma_13_1-7BonPhanCuaCongDanDoiVoiChinhQuyenPhanHai.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Chúng ta thấy trong lịch sử có những trường hợp người nào đó đứng lên cướp quyền cai trị trong một quốc gia hoặc lật đổ quyền cai trị của những kẻ xâm lược. Có những trường hợp thành công và có những trường hợp thất bại. Dựa theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh thì chúng ta biết rằng, những trường hợp thành công là những trường hợp Đức Chúa Trời thay đổi quyền cai trị của quốc gia đó, còn những trường hợp không thành công là những trường hợp Đức Chúa Trời chưa cho phép có sự thay đổi nhà cầm quyền.

Trong Thánh Kinh có ghi lại câu chuyện dân I-sơ-ra-ên mời Giép-thê cầm quyền trên họ để đánh dân Am-môn. Giép-thê trong danh Chúa nhận lời, lãnh đạo dân I-sơ-ra-ên đánh thắng dân Am-môn, rồi làm quan xét trên dân I-sơ-ra-ên trong sáu năm (Các Quan Xét 11-12). Kết luận: Dù Giép-thê được dân I-sơ-ra-ên lập làm quan xét nhưng Đức Chúa Trời cho phép ông cầm quyền trên dân I-sơ-ra-ên.

Thánh Kinh cũng có ghi lại câu chuyện con trai của Vua Đa-vít là Áp-sa-lôm đã chiêu phản, cướp ngôi vua của Đa-vít. Nhưng Áp-sa-lôm đã thất bại và bị giết chết (II Sa-mu-ên 15-18). Kết luận: Áp-sa-lôm đã tự lập làm vua mà không có sự chỉ định quyền làm vua từ Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đã không cho phép Áp-sa-lôm cầm quyền trên dân I-sơ-ra-ên.

Trong thế gian, loài người thường làm theo ý riêng. Đức Chúa Trời không đồng ý những sự chúng ta làm theo ý riêng nhưng Ngài vẫn cho phép chúng ta hành động, vì có như vậy, chúng ta mới thật sự được tự do lựa chọn. Trong sự biết trước của Đức Chúa Trời, Ngài dùng tất cả những sự làm theo ý riêng của loài người để làm thành mọi ý định của Ngài. Điều đó không có nghĩa là nhờ loài người làm theo ý riêng mà các chương trình của Đức Chúa Trời mới được hoàn thành. Điều đó chỉ có nghĩa là: Đức Chúa Trời hoàn thành mọi chương trình của Ngài mà tất cả ý riêng của loài người lẫn ý riêng của ma quỷ không thể nào cản trở.

2 Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.

Chính vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa và các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định, mà mọi người, dù tin Chúa hay không tin Chúa, đều phải vâng phục mọi quyền cao hơn mình. Mọi quyền, trong đó có chính quyền, đều là sự sắp xếp của Đức Chúa Trời cho xã hội loài người. Ai chống cự các quyền do Đức Chúa Trời chỉ định thì người ấy cùng lúc chống nghịch sự sắp xếp của Đức Chúa Trời, tức là chống nghịch ý muốn và quyền cai trị của Thiên Chúa. Tất cả những ai nghịch lại Đức Chúa Trời đều sẽ bị án phạt. Án phạt ấy có thể đến từ chính quyền mà cũng có thể đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời.

Chúng ta học đến Rô-ma 13 vào thời điểm dân chúng khắp nơi tại Việt Nam đang nổi lên biểu tình chống lại chính sách của chính quyền trung ương tại Việt Nam về dự án thiết lập ba đặc khu kinh tế tại: Vân Đồn, Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, Khánh Hòa; và Phú Quốc, Kiên Giang; để thu hút đầu tư. Danh từ “đặc khu” có nghĩa là: Khu vực đặc biệt. Ba khu vực đặc biệt nói trên sẽ là ba đơn vị hành chính và kinh tế trực thuộc chính quyền trung ương và sẽ cho các nhà đầu tư ngoại quốc thuê mướn trong 99 năm. Bỏ qua các chi tiết về các điểm lợi và hại của dự án, bỏ qua vấn đề nên hay không thiết lập các đặc khu, câu hỏi được đặt ra là: Việc hàng chục triệu người dân Việt Nam xuống đường, biểu tình chống đối chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam là đúng hay sai? Xuống đường biểu tình như vậy có phải là không vâng phục chính quyền hay không?

Chúng tôi xin nói lên nhận định của mình, như sau:

Nước Việt Nam đang theo chế độ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa”. Theo điều 2 của “Hiến Pháp 2013” của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) thì nhà nước (chính quyền) Việt Nam là: “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” với các bản chất sau:

  • Do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.

  • Bao gồm: Quốc Hội, Chủ Tịch Nước, Chính Phủ.

  • Theo hình thức Dân Chủ Tập Trung.

  • Của dân, do dân, và vì dân.

Khi một chính quyền xưng nhận là của dân, do dân, và vì dân thì chính quyền ấy phải nghe theo tiếng nói của nhân dân. Nếu một chính sách bị số đông nhân dân phản đối thì chính quyền phải hủy bỏ chính sách ấy. Chủ Tịch Hồ Chí Minh, người khai sáng Đảng Cộng Sản Việt Nam, vẫn còn được Đảng Cộng Sản Việt Nam học tập theo và tôn kính, đã định nghĩa “dân chủ tập trung” như sau:

“Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ Hội đồng nhân dân và Ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương, thế là vừa dân chủ, vừa tập trung” [1].

Vì thế, người dân Việt Nam có quyền biểu tình phản đối chính sách của nhà nước Việt Nam; có quyền bãi nhiệm các đại biểu mà họ đã bầu ra, nếu các đại biểu không bác bỏ những chính sách mà số đông nhân dân không đồng ý. Nếu nhân dân là ông chủ, chính quyền là đầy tớ của nhân dân, thì tại sao đầy tớ lại không làm theo ý của ông chủ và khi ông chủ lên tiếng thì đầy tớ lại cấm đoán, bịt miệng ông chủ?

Tại Hoa Kỳ thật sự có tự do dân chủ. Người dân có quyền xuống đường biểu tình phản đối chính sách, việc làm của nhà cầm quyền, nếu không gây bạo động hoặc mất trật tự. Người dân Mỹ cũng có quyền truất phế những đại biểu của dân do dân bầu ra, và ủy quyền cho các đại biểu của dân truất phế các viên chức chính quyền nào không tuân thủ pháp luật.

Đó là chưa kể, dù là theo thể chế chính trị nào, khi chính quyền thi hành các chính sách chỉ có lợi cho những người cầm quyền mà làm thiệt hại cho nhân dân, cho đất nước, thì nhân dân có quyền không vâng phục chính quyền.

Câu hỏi tiếp theo là: Nếu việc nhân dân Việt Nam xuống đường biểu tình phản đối chính sách của nhà nước Việt Nam không phạm vào tội không vâng phục chính quyền, thì con dân Chúa tại Việt Nam có nên tham dự biểu tình hay không?

Chúng tôi xin trả lời: Là con dân Chúa chúng ta vâng Lời Chúa, không mang ách chung với kẻ chẳng tin (II Cô-rinh-tô 6:14-18). Mang ách chung có nghĩa là cùng nhau làm việc cho một mục đích, như hai con trâu cùng mang ách cày chung một mẫu ruộng. Có nghĩa là:

  • Con dân Chúa không kết hôn với người không thật sự cùng đức tin với mình.

  • Con dân Chúa không hùn hạp làm ăn với người không thật sự cùng đức tin với mình.

  • Con dân Chúa không cùng làm công tác từ thiện với người không thật sự cùng đức tin với mình.

Con dân Chúa có thể nói lên nhận định của mình về sự lợi hại, đúng sai các chính sách của nhà cầm quyền. Con dân Chúa có thể nói lên những việc làm sai trái, bất công của nhà cầm quyền. Nhưng con dân Chúa không tham dự các phong trào, các tổ chức với những người không thật sự cùng đức tin với mình.

3 Vì những người cai trị không phải là sự khiếp sợ cho những người lành mà là cho những kẻ ác. Ngươi muốn không sợ chính quyền chăng? Hãy làm điều lành thì ngươi sẽ được khen.

Danh từ “sự khiếp sợ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh cũng có thể dịch là “kẻ khủng bố”, người gây ra sự sợ hãi.

Trong sự sắp xếp của Đức Chúa Trời thì những người được Đức Chúa Trời chỉ định quyền cai trị trong một quốc gia là những người thay cho Đức Chúa Trời, để bảo vệ những người làm lành, phạt những kẻ làm ác. Vì thế, người lành không có gì phải sợ hãi nhà cầm quyền, trừ khi nhà cầm quyền biến thành bạo quyền, ác quyền.

Người xưa đã từng thà lên rừng sống với hổ dữ còn hơn là sống dưới sự cai trị của bạo quyền! Vì thế mà Khổng Tử đã dạy học trò của ông rằng: “Hà chính mãnh ư hổ dã,” có nghĩa là: Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn hổ! Đối với bạo quyền thì con dân Chúa không nên chống cự, để tránh gây thiệt hại càng hơn cho chính mình. Đó là ý nghĩa của Lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 5:39. Tuy nhiên, trong các trường hợp có khả năng và phương tiện tự vệ thì con dân Chúa có thể tự vệ theo sự dạy dỗ của Chúa trong Lu-ca 22:36. Ngay cả trường hợp vì tự vệ mà khiến kẻ dữ bị thiệt mạng cũng không phải là phạm tội giết người (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:2). Con dân Chúa cũng có thể bỏ trốn đến địa phương khác để tránh bị bạo quyền bách hại (Ma-thi-ơ 10:23).

Bổn phận của công dân là vâng phục chính quyền, thể hiện bằng sự vâng giữ luật pháp của quốc gia.

4 Vì người là tôi tớ của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Nhưng nếu ngươi làm ác thì hãy sợ; vì người mang gươm chẳng phải là vô cớ. Người là tôi tớ của Thiên Chúa, {là} người thi hành hình phạt, giáng cơn giận trên kẻ làm ác.

Mỗi một người cầm quyền trong các chính quyền đều là tôi tớ của Thiên Chúa, cho dù họ có ý thức điều ấy hay không, cho dù họ có tin Thiên Chúa hay không. Họ là tôi tớ của Thiên Chúa vì Thiên Chúa sai dùng họ trong địa vị cầm quyền mà Ngài đã ban cho họ. Thiên Chúa gọi Vua Nê-bu-cát-nết-Sa của đế quốc Ba-by-lôn là tôi tớ của Ngài, dù ông không biết Thiên Chúa, không thờ phượng Thiên Chúa (Giê-rê-mi 25:9; 27:6; 43:10). Vua Nê-bu-cát-nết-sa là tôi tớ của Thiên Chúa vì Ngài dùng Nê-bu-cát-nết-sa để trừng phạt vương quốc Giu-đa.

Những người cầm quyền trong các chính quyền là để làm ích cho dân chúng sống trong quốc gia thuộc quyền cai trị của họ.

Động từ “mang gươm” hàm ý nắm giữ quyền thi hành hình phạt đến mức cao nhất, là án tử hình. Nếu không phải vậy thì Thánh Kinh đã dùng động từ “cầm roi” (I Cô-rinh-tô 4:21). Vì thế, những phong trào dân chúng biểu tình chống án tử hình là nghịch lại Lời Chúa, nghịch lại quyền Đức Chúa Trời đã ban cho các chính quyền. Nhiều giáo hội mang danh Chúa đã dẫn đầu các phong trào đòi chính quyền bãi bỏ án tử hình.

Hình phạt công chính theo luật pháp, đúng với Lời Chúa, do chính quyền thi hành là sự thể hiện cơn giận của Đức Chúa Trời đối với kẻ làm ác.

5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng phải chỉ bởi cơn giận nhưng cũng bởi lương tâm.

Chính vì mọi quyền đều đến từ Thiên Chúa, do Đức Chúa Trời chỉ định, và hình phạt do những người cầm quyền thi hành một cách công chính là cơn giận của Đức Chúa Trời trên kẻ làm ác, mà mọi người phải vâng phục chính quyền theo như sự Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong lương tâm của mỗi người. Sự bày tỏ trong lương tâm của mỗi người lại được Thiên Chúa tái khẳng định bằng Lời Chúa là Thánh Kinh.

Nếu chúng ta chỉ vì sợ bị hình phạt mà vâng phục chính quyền thì sẽ có những lúc chúng ta nghĩ rằng, chính quyền không biết chúng ta phạm luật pháp, và chúng ta thản nhiên phạm luật. Nhưng nếu chúng ta vâng phục bởi lương tâm thì chính chúng ta là người lên án hành động sai trái của mình, cho nên, dù chính quyền không biết thì chúng ta cũng không phạm pháp.

Lương tâm là tri thức của tâm thần, là sự hiểu biết do Đức Chúa Trời ban cho loài người, không qua kinh nghiệm hay học tập, là một phần của thần trí. Đây là lời Phao-lô viết cho con dân Chúa tại thành Rô-ma, nên lương tâm được nói đến trong câu này là một lương tâm tốt, một lương tâm đã được dựng nên mới của con dân Chúa (I Ti-mô-thê 1:5; Thi Thiên 51:10). Người chưa được dựng nên mới vì chưa thật lòng tin Chúa (dù mang danh là tín đồ Đấng Christ ) thì không thể có lương tâm tốt. Trái lại, lương tâm của họ là lương tâm xấu, đã bị chai lì vì tội lỗi, không còn nhận biết những sự tốt lành (I Ti-mô-thê 4:2; Hê-bơ-rơ 10:22). Lương tâm xấu cho phép một người làm bất cứ điều gì có lợi cho người ấy, và lên án người ấy khi người ấy không phạm tội để làm lợi cho mình.

Danh từ “lương tâm” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “lòng tốt” do Trời ban cho. Lương = tốt, lành. Tâm = trái tim, tấm lòng. Đối lại với lương tâm là ác tâm. Danh từ này trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: Sự tri thức do Thiên Chúa ban cho loài người (G4893) [2].

6 Cũng vì vậy mà các anh chị em nộp thuế; vì họ là các tôi tớ của Thiên Chúa, hằng giữ việc ấy.

Đóng thuế là bổn phận của mọi công dân trong một quốc gia. Chính quyền dùng tiền thuế để trả lương cho các nhân viên phục vụ trong các cơ quan của chính quyền, xây dựng và bảo trì các công trình mang lại ích lợi chung cho quốc gia, duy trì và cập nhật các lực lượng bảo vệ an ninh cho quốc gia…

Hằng giữ việc ấy là hằng giữ quyền cai trị để làm ích cho nhân dân và hình phạt những kẻ làm ác, như đã nói trong câu 4. Trong công việc cai trị của chính quyền có nhiều sự tốn kém lớn cho nên chính quyền phải thu thuế từ nhân dân.

Có nhiều người mang danh là con dân Chúa nhưng lại trốn thuế hoặc gian lận trong việc đóng thuế. Con dân chân thật của Chúa khi bị cám dỗ trốn thuế hoặc gian lận thuế thì đã được lương tâm cáo trách. Nếu không ăn năn thì sẽ được nghe tiếng Đức Thánh Linh cáo trách. Nếu vẫn không ăn năn thì Chúa sẽ bỏ mặc cho họ sống trong tội, lương tâm của họ sẽ trở nên chai lì, và tội lỗi dẫn đến tội lỗi. Khi đó, ma quỷ sẽ nhảy vào, ban cho họ sự giàu có của thế gian (Ma-thi-ơ 4:8-9), khiến họ nghĩ rằng, họ đang được Chúa ban phước mà không biết mình đã từ con cái của Chúa trở thành con cái của ma quỷ!

7 Vậy nên, các anh chị em hãy trả cho mọi người những gì mình thiếu họ: sự nộp thuế cho người thu thuế, sự đóng lệ phí cho người thu lệ phí, sự sợ người đáng sợ, sự kính người đáng kính.

Chữ “thiếu” được dùng trong câu này là nói về bổn phận phải thi hành. Bổn phận nộp thuế, bổn phận đóng các khoản lệ phí, bổn phận sợ người thi hành luật pháp cách công chính, và bổn phận tôn kính những người được Thiên Chúa ban cho quyền cai trị trên mình. Khi chúng ta thi hành các bổn phận ấy là chúng ta vâng phục sự dạy dỗ của Thiên Chúa, là chúng ta thờ phượng Thiên Chúa trong thần trí và trong lẽ thật (Giăng 4:23-24).

Cũng có những khi chính quyền thu thuế hoặc thu các khoản lệ phí để chi trả cho các chương trình, chính sách nghịch lại Thánh Kinh, như: chương trình bảo trợ cho việc phá thai. Con dân Chúa có quyền không đóng thuế, không đóng lệ phí khi tiền thuế và lệ phí được trực tiếp chi dùng cho các mục đích tội lỗi. Nhưng con dân Chúa vẫn đóng thuế và đóng lệ phí chung, cho dù chính quyền trích từ trong các khoản thuế và lệ phí chung đó để dùng vào các chương trình, chính sách nghịch lại Lời Chúa.

Một bổn phận khác của công dân là bổn phận thi hành nghĩa vụ quân sự. Con dân Chúa phải vâng phục chính quyền khi được kêu gọi thi hành nghĩa vụ quân sự.

Con dân Chúa có bổn phận vâng phục chính quyền từ địa phương đến trung ương. Sự vâng phục ấy thể hiện bằng sự vâng lời những người cầm quyền. Nhưng nếu những người cầm quyền lạm quyền, làm sai luật pháp thì con dân Chúa có quyền không vâng phục. Ngay cả khi những người cầm quyền làm đúng theo luật pháp của quốc gia, nhưng nếu luật ấy nghịch lại Lời Chúa thì con dân Chúa cũng không vâng phục. Thí dụ: Luật bắt phải xin phép và khai báo khi nhóm hiệp thờ phượng Chúa.

Chúng ta có thể kết hợp Lời Chúa để hành xử cho đúng ý Chúa trong bổn phận của công dân đối với chính quyền, như sau:

Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn {mình}; vì chẳng có quyền nào mà chẳng {đến} bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.” (Rô-ma 13:1-2).

Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

Trên hết mọi sự, chúng ta phải trả cho Đức Chúa Trời điều mà chúng ta thiếu Đức Chúa Trời, tức là bổn phận của chúng ta đối với Ngài:

…Vậy, hãy trả cho Sê-sa những gì thuộc về Sê-sa và {hãy trả} cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 22:21).

Bổn phận của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là chúng ta phải tin kính Ngài và vâng phục Ngài, thể hiện qua sự vâng giữ Mười Điều Răn và mọi điều đã được truyền cho chúng ta trong Thánh Kinh.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa mỗi chúng ta (Giăng 17:17), ban cho chúng ta sự khôn sáng, và dẫn chúng ta bước đi trong lẽ thật. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/06/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Xin Cho Con Được Đến với Cha Trên Trời”:
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/xin-cho-con-duoc-den-voi-cha-tren-troi/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] Trích từ: Dân Chủ Tập Trung, Báo Cứu Quốc số 2329, 04/05/1953

[2] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G4893