Chú Giải Rô-ma 14:13-23

3,637 views

Roma_039 Đừng Khiến Người Yếu Đức Tin Vấp Phạm
(Rô-ma 14:13-23)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

13 Vậy, chúng ta đừng phán xét nhau nữa; nhưng thà chọn điều này: Không đặt hòn đá vấp chân hay bẫy rập cho anh chị em cùng Cha.

14 Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Jesus rằng, chẳng vật gì là không tinh sạch bởi chính nó. Nhưng ai cho rằng vật gì là không tinh sạch thì đối với người ấy {nó} không tinh sạch.

15 Nhưng nếu anh chị em cùng Cha của ngươi buồn rầu vì thức ăn, thì ngươi chẳng còn bước đi theo tình yêu nữa. Đừng hủy diệt người mà Đấng Christ đã chịu chết thay, bằng thức ăn của ngươi.

16 Vậy, chớ để sự lành của ngươi bị nói xấu.

17 Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời không phải là thức ăn và thức uống, nhưng {là} sự công bình, sự bình an, và sự vui vẻ trong thánh linh.

18 Ai phụng sự Đấng Christ trong những sự ấy thì đẹp lòng Đức Chúa Trời và được loài người chấp nhận.

19 Vậy, chúng ta hãy theo đuổi những sự làm cho hòa thuận và những sự gây dựng lẫn nhau.

20 Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc làm của Đức Chúa Trời. Mọi vật thật sự {là} tinh sạch, nhưng {là} ác cho người nào ăn với sự {làm cho người khác} vấp phạm.

21 Điều đáng quý {ấy là} đừng ăn thịt, đừng uống rượu, đừng {làm bất cứ sự gì} mà trong những sự ấy anh chị em cùng Cha của ngươi bị vấp chân, hoặc bị vấp ngã, hoặc bị yếu đuối.

22 Ngươi có đức tin chăng? Hãy chính mình ngươi giữ lấy trước Đức Chúa Trời! Phước thay cho người không định tội chính mình trong sự mình đã xét nghiệm.

23 Nếu ai nghi ngờ mà ăn thì bị định tội, vì chẳng bởi đức tin mà {ăn}. Vì bất cứ điều gì {làm mà} không bởi đức tin thì {điều ấy} là tội lỗi.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNjkxNTIwNzJf/11639_ChuGiaiRoma_14_13-23DungKhienNguoiYeuDucTinVapPham.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11639_chugiairoma_14_13-23_dungkhiennguoiyeuductinvappham
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/5eeiv5qy4a4rj94/11639_ChuGiaiRoma_14_13-23DungKhienNguoiYeuDucTinVapPham.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Trước khi chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của Lời Chúa trong Rô-ma 14:13-23, chúng ta cần ghi nhớ ba điều sau đây:

  • Trong Hội Thánh lúc ban đầu, những người I-sơ-ra-ên đã quen biết luật của thời Cựu Ước về việc kiêng ăn thịt các loài vật không tinh sạch (Lê-vi Ký 11), trong khi đó, những người dân ngoại không hề biết đến luật ấy. Vì thế, trong bữa ăn chung của Hội Thánh thời bấy giờ, nếu có cả người I-sơ-ra-ên lẫn người ngoại thì sẽ có vấn đề, là trên bàn ăn có thể có những thức ăn mà người I-sơ-ra-ên lấy làm gớm ghiếc, theo thói quen họ đã có từ khi còn thơ ấu.

  • Trong Hội Thánh lúc ban đầu chưa có Thánh Kinh Tân Ước như chúng ta có ngày hôm nay, sự hiểu biết về Lời Chúa còn bị giới hạn. Thời ấy, Sứ Đồ Phao-lô đang làm công việc giãi bày lẽ thật cho Hội Thánh qua sự rao giảng của ông và qua các thư ông viết cho các Hội Thánh địa phương. Vì thế, phần lớn con dân Chúa là người I-sơ-ra-ên chưa hiểu rõ, việc Đức Chúa Trời đã làm cho các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch trở nên tinh sạch.

  • Nếu trong các bữa ăn chung của Hội Thánh cứ có các món ăn từ thịt các loài vốn bị xem là không tinh sạch trong thời Cựu Ước, thì những người I-sơ-ra-ên chưa có sự hiểu biết đúng sẽ có thể rút lui khỏi Hội Thánh, và lui đi trong đức tin.

Ngày nay, Hội Thánh đã có Thánh Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước. Chỉ cần một người mới tin Chúa dành thời gian đọc trọn Tân Ước rồi đọc sang Cựu Ước, thì người ấy sẽ dễ dàng hiểu biết rằng, các lẽ thật về các luật lệ, nghi thức hình bóng trong Cựu Ước không còn cần thiết phải áp dụng trong thời Tân Ước. Chính vì thế mà sự dạy dỗ theo nghĩa đen trong Rô-ma 14:13-23 chỉ áp dụng cho Hội Thánh trong buổi ban đầu khi Hội Thánh mới thành lập, chưa có Thánh Kinh Tân Ước. Ngày nay, nếu ai không chấp nhận các lời sau đây của Thánh Kinh Tân Ước thì họ không chấp nhận lẽ thật của Lời Chúa, không cùng đức tin với Hội Thánh, chứ không phải là người yếu đức tin:

Chẳng phải {vật gì} vào miệng làm cho một người không tinh sạch; nhưng {điều gì} ra từ miệng, điều ấy mới làm cho một người không tinh sạch.” (Ma-thi-ơ 15:11).

Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa {là} tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ. Vì {mọi vật ấy} được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện.” (I Ti-mô-thê 4:4-5).

Mọi sự chắc chắn {là} tinh sạch cho những người tinh sạch; nhưng chẳng có sự gì {là} tinh sạch cho những kẻ ô uế và chẳng tin, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng bị ô uế.” (Tít 1:15).

Ngày nay, một người có thể kiêng các thức ăn mà người ấy vốn đã kiêng từ khi còn thơ ấu, trước khi tin nhận Tin Lành, vì người ấy thuộc dân I-sơ-ra-ên. Nhưng người ấy phải công nhận lẽ thật của Thánh Kinh, là trong thời Tân Ước, các thức ăn ấy không còn là không tinh sạch nữa. Những người không phải là dân I-sơ-ra-ên nhưng bị ảnh hưởng bởi sự giảng dạy của tà giáo, như sự giảng dạy của Cơ-đốc Phục Lâm, mà kiêng các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch trong thời Cựu Ước, thì phải từ bỏ sự giảng dạy tà giáo ấy. Họ có thể tiếp tục kiêng các thức ăn ấy vì thói quen, nhưng họ phải công nhận lẽ thật của Thánh Kinh, là trong thời Tân Ước, các thức ăn ấy không còn là không tinh sạch nữa.

Riêng về một nguyên tắc sống được trình bày trong Rô-ma 14:13-23 thì được áp dụng trong Hội Thánh qua mọi thời đại. Đó là: Đừng khiến người yếu đức tin vấp phạm!

13 Vậy, chúng ta đừng phán xét nhau nữa; nhưng thà chọn điều này: Không đặt hòn đá vấp chân hay bẫy rập cho anh chị em cùng Cha.

Sự phán xét được nói đến ở đây vẫn là sự phán xét về việc ăn hoặc không ăn thịt các loài vật bị kể là không tinh sạch trong thời Cựu Ước, như đã nói đến trong các câu trước đó. Vấn đề là vào thời bấy giờ, Hội Thánh chưa có Thánh Kinh Tân Ước để con dân Chúa dùng làm nền tảng cho đức tin về sự kiện các luật lệ, nghi thức hình bóng trong Cựu Ước không còn cần thiết phải áp dụng trong thời Tân Ước. Trong khi đó, những con dân Chúa là người I-sơ-ra-ên thì đã quen vâng giữ các luật lệ và nghi thức ấy từ khi còn thơ ấu. Ngày nay, chúng ta khó mà hình dung ra sự căng thẳng trong Hội Thánh vào thời bấy giờ, về việc những con dân Chúa người I-sơ-ra-ên khăng khăng giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước và nhất định kiêng các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch. Và chắc chắn là họ muốn con dân Chúa người ngoại cũng giữ các ngày lễ hội và kiêng các thức ăn ấy như họ.

Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đã truyền cho Hội Thánh lúc bấy giờ là: Con dân Chúa không gây sự vấp phạm cho nhau; nghĩa là không tạo cơ hội cho anh chị em cùng Cha của mình phạm tội.

Hòn đá làm cho vấp chân” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ chỉ bất cứ vật gì ở trên đường đi có thể khiến cho một người bị vấp chân, bị mất thăng bằng, hoặc bị ngã. “Bẫy rập” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có thể là bất cứ hình thức ngụy trang nào để khiến một con thú bất ngờ bị lọt xuống hố, bị kẹp chân vào bẫy, bị chụp bắt bằng lưới, hoặc bị nhốt vào chuồng. Nghĩa bóng của hai từ ngữ là khiến cho một người bị vấp ngã thuộc linh, bị rơi vào sự phạm tội.

14 Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Jesus rằng, chẳng vật gì là không tinh sạch bởi chính nó. Nhưng ai cho rằng vật gì là không tinh sạch thì đối với người ấy {nó} không tinh sạch.

Biết và tin chắc điều gì đó trong Đức Chúa Jesus là biết và tin chắc rằng, sự mình biết và tin là đến từ sự bày tỏ của Đức Chúa Jesus. Nói cách khác, nhờ Đức Chúa Jesus bày tỏ mà Phao-lô biết và tin rằng, chẳng có vật gì tự nó là ô uế. Sự bày tỏ đó được thể hiện qua lời phán của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 15:11.

Trong thời Cựu Ước, một số loài vật bị kể là không tinh sạch, không phải vì chúng tự trở nên không tinh sạch, mà là vì Đức Chúa Trời định cho chúng là không tinh sạch trong một khoảng thời gian do Ngài ấn định. Mà chúng ta có thể hiểu rằng, sự không tinh sạch có nghĩa là thịt của chúng không phải là thức ăn lành mạnh cho loài người. Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời đã ba lần phán với Phi-e-rơ trong một khải tượng, rằng Ngài đã làm cho chúng trở nên tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16). Có nghĩa là, thịt của chúng đã trở thành thức ăn lành mạnh cho loài người. Có nghĩa là, trong thời Tân Ước, loài người có thể ăn thịt các loài vật như trong thời của Nô-ê sau cơn Lụt Lớn, miễn là không ăn máu, không ăn thịt thú vật bị chết ngạt, hoặc không ăn các thức ăn mà mình biết rõ đã được cúng cho thần tượng:

Bất cứ vật gì cử động mà có sự sống thì sẽ là đồ ăn cho các ngươi như mọi thứ rau xanh mà Ta đã ban cho các ngươi. Nhưng thịt có sự sống, có máu, thì các ngươi đừng ăn.” (Sáng Thế Ký 9:3-4).

Các anh chị em hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và chớ tà dâm. Ấy là mọi điều mà các anh chị em hãy kiêng giữ lấy vậy…” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

Chính vì sự hiểu biết và tin chắc đó mà Phao-lô đã viết I Ti-mô-thê 4:4-5 và Tít 1:15.

Tuy nhiên, đối với người chưa được nghe lời phán của Đức Chúa Jesus, chưa được nghe về khải tượng của Phi-e-rơ, thì họ chỉ biết dựa vào Lời Chúa trong Cựu Ước để kiêng các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch. Họ kiêng như vậy vì lòng tin kính Chúa và vâng phục Lời Chúa. Họ hành động bởi đức tin dựa trên Lời Chúa. Vì thế, nếu họ ăn thịt các loài mà họ tin rằng không tinh sạch thì họ phạm tội.

Con dân Chúa ngày nay không thể dựa vào lệnh cấm trong thời Cựu Ước để kiêng các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch. Vì con dân Chúa ngày nay đã có Thánh Kinh Tân Ước để giúp cho họ biết và tin rằng, trong thời Tân Ước, các loài vật vốn bị xem là không tinh sạch đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch.

15 Nhưng nếu anh chị em cùng Cha của ngươi buồn rầu vì thức ăn, thì ngươi chẳng còn bước đi theo tình yêu nữa. Đừng hủy diệt người mà Đấng Christ đã chịu chết thay, bằng thức ăn của ngươi.

Chúng ta hãy hình dung ra sự kinh hoàng và cảm giác gớm ghiếc của những con dân Chúa người I-sơ-ra-ên thời xưa, khi họ nhìn thấy trên bàn ăn của Hội Thánh có những thức ăn ra từ các loài vật vốn bị xem là không tinh sạch. Họ sẽ có cảm giác bị xúc phạm và hiểu lầm rằng, Hội Thánh đang vi phạm điều luật của Thiên Chúa đã được ghi rõ trong Thánh Kinh. Vấn đề là Hội Thánh chưa có Thánh Kinh Tân Ước để làm nền tảng cho giáo lý về sự Đức Chúa Trời đã làm cho các loài vật vốn bị xem là không tinh sạch, được tinh sạch. Vì thế, rất khó để mà thay đổi đức tin lâu đời của người I-sơ-ra-ên vào trong các điều luật và nghi thức hình bóng thời Cựu Ước. Sứ Đồ Phao-lô đã phải bỏ ra khoảng ba chục năm đi khắp nơi giảng dạy và viết các thư gửi cho các Hội Thánh địa phương và hai học trò của ông là Ti-mô-thê và Tít, để làm sáng tỏ lẽ thật là: Trong thời Tân Ước, các điều luật và nghi thức hình bóng thời Cựu Ước, không còn áp dụng.

Chính vì thế mà Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã truyền cho Hội Thánh thời bấy giờ là không được vì sự hiểu biết của mình, mà thản nhiên ăn các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch trước những con dân Chúa chưa tin rằng, chúng đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch. Làm như vậy là thiếu sự yêu thương và cảm thông cho những người có đức tin yếu. Làm như vậy là ích kỷ và độc ác, vì chỉ biết vì mình mà khiến cho anh chị em cùng Cha của mình bị vấp phạm. Sự vấp phạm đó lớn đến nỗi, họ có thể rời bỏ Hội Thánh, lui đi trong đức tin, và bị hư mất. Động từ “hủy diệt” được dùng trong câu này cũng cùng là động từ được dùng trong Ma-thi-ơ 10:28:

Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28).

Điều đó cho thấy, sự chúng ta khiến cho một con dân Chúa yếu đuối trong đức tin bị vấp phạm và lui đi trong đức tin rất là nghiêm trọng. Nói theo Thánh Kinh là máu của người ấy sẽ đổ lại trên đầu của chúng ta, nghĩa là chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hư mất của người ấy.

Dĩ nhiên, điều này không áp dụng trong trường hợp những người rời bỏ Hội Thánh, lui đi trong đức tin, vì họ chấp nhận tà giáo thay vì chấp nhận lẽ thật của Thánh Kinh; hoặc những người rời bỏ Hội Thánh, lui đi trong đức tin, vì họ không chịu ăn năn tội lỗi, không chấp nhận sự khuyên dạy, quở trách của Hội Thánh.

Trong Hội Thánh lúc ban đầu, con dân Chúa có sự hiểu biết phải chiều theo con dân Chúa chưa có sự hiểu biết về thức ăn, mà không ăn các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch, để tránh gây vấp phạm cho những người chưa có sự hiểu biết; cho đến khi cả Hội Thánh đều có cùng chung sự hiểu biết, không ai bị vấp phạm.

16 Vậy, chớ để sự lành của ngươi bị nói xấu.

17 Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời không phải là thức ăn và thức uống, nhưng {là} sự công bình, sự bình an, và sự vui vẻ trong thánh linh.

Sự lành được nói đến ở đây là sự bởi sự hiểu biết và đức tin trong Đấng Christ mà chúng ta không kiêng bất cứ thức ăn nào, ngoài máu, thú vật bị chết ngạt, và thức ăn đã cúng thần tượng. Nhưng nếu vì sự hiểu biết và đức tin ấy mà chúng ta khiến cho anh chị em cùng Cha bị vấp phạm, thì sự lành của chúng ta bị nói xấu, thậm chí bị lên án bởi chính Chúa!

Vương Quốc của Đức Chúa Trời không phải là thức ăn, thức uống, vì những thứ ấy vào trong bụng rồi sẽ bị loại bỏ khỏi thân thể (Ma-thi-ơ 15:17). Thức ăn không đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Ăn hay không ăn không khiến cho chúng ta được thêm hơn điều gì hoặc thiếu kém điều gì:

Nhưng thức ăn không đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta ăn, chúng ta chẳng được thêm hơn gì. Nếu chúng ta không ăn, chúng ta chẳng bị thiếu kém gì.” (I Cô-rinh-tô 8:8).

Vương Quốc của Đức Chúa Trời là sự công bình, sự bình an, và sự vui vẻ trong thánh linh.

Thánh linh là năng lực (bao gồm các ân tứ), thẩm quyền, và sự sống được ban cho từ Thiên Chúa, bởi Đức Thánh Linh.

Sự công bình trong thánh linh là sự công bình về sự tội lỗi bị hình phạt nhưng tội nhân được cứu bởi đức tin vào ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời; nhờ đó, tội nhân được tha tội và được dự phần trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:18).

Sự bình an trong thánh linh là sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ ban cho bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, và hết lòng sống theo lời dạy của Ngài (Giăng 14:27).

Sự vui vẻ trong thánh linh là sự vui mừng vì biết rằng mình đã được tái sinh vào trong sự trông cậy sống, vào trong cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, và không suy tàn, được để dành trong các tầng trời cho những ai tin nhận Tin Lành và trung tín cho đến chết (I Phi-e-rơ 1:3-4; Khải Huyền 2:10).

Ngay trong đời này, tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo lời dạy của Ngài đều được xưng công bình, có sự bình an, và vui mừng chờ đợi ngày nhận lãnh cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

18 Ai phụng sự Đấng Christ trong những sự ấy thì đẹp lòng Đức Chúa Trời và được loài người chấp nhận.

Phụng sự Đấng Christ là hầu việc Đức Chúa Jesus Christ qua công tác rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa và gây dựng Hội Thánh là thân thể của Ngài. Sự rao giảng Tin Lành bao gồm việc nói cho người khác biết Tin Lành là gì, làm chứng cho họ về sự mình đã tin Chúa và kinh nghiệm Chúa như thế nào, hoặc giới thiệu cho họ Thánh Kinh, giới thiệu cho họ các trang mạng rao giảng Tin Lành, hoặc tặng cho họ các sách, các thẻ nhớ rao giảng về Tin Lành. Sự gây dựng Hội Thánh bắt đầu bằng sự gây dựng chính mình, vì mình là một chi thể trong Hội Thánh. Có gây dựng chính mình thì chúng ta mới có thể gây dựng người khác cách kết quả. Chúng ta gây dựng chính mình bằng sự thường xuyên thưa chuyện với Chúa, đọc Lời Chúa, ngày đêm suy ngẫm Lời Chúa, và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8). Chúng ta gây dựng người khác trong Hội Thánh bằng sự chia sẻ những điều học được từ Lời Chúa, làm chứng các ơn phước Chúa ban, tâm tình, khích lệ, an ủi, cứu giúp, cầu thay, khuyên bảo, và khi cần thì thẳng thắn quở trách.

Phụng sự Đấng Christ trong những sự ấy là rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh trong sự công bình, sự bình an, và sự vui vẻ trong thánh linh. Có như vậy thì chúng ta mới được đẹp lòng Đức Chúa Trời và được loài người chấp nhận. Được Đức Chúa Trời đẹp lòng là được Ngài chấp nhận sự hầu việc Chúa của chúng ta và ban thưởng cho chúng ta. Được loài người chấp nhận là được Hội Thánh chấp nhận và cùng hầu việc Chúa với chúng ta.

19 Vậy, chúng ta hãy theo đuổi những sự làm cho hòa thuận và những sự gây dựng lẫn nhau.

20 Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc làm của Đức Chúa Trời. Mọi vật thật sự {là} tinh sạch, nhưng {là} ác cho người nào ăn với sự {làm cho người khác} vấp phạm.

Động từ “theo đuổi” có nghĩa đen là rượt bắt, hàm ý gắng sức để đạt được mục đích kịp thời. Tất cả những sự gì làm cho anh chị em cùng Cha trong Hội Thánh ngày càng yêu thương, gắn bó với nhau càng hơn, ngày càng cùng nhau lớn lên trong đức tin, trong sự hiểu biết Lời Chúa càng hơn đều là những sự làm cho hòa thuận và những sự gây dựng lẫn nhau.

Việc làm của Đức Chúa Trời là cứu mọi người và khiến họ hiểu biết lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:4). Nếu có ai vì sự ăn uống của mình mà khiến cho anh chị em yếu đức tin của mình bị vấp phạm, lui đi trong đức tin, thì người ấy đã hủy hoại việc làm của Đức Chúa Trời! Dù việc ăn uống của người ấy không là phạm tội nhưng nếu vì sự ăn uống mà khiến người khác vấp phạm, thì người ấy phạm tội. Vì khiến cho người yếu đức tin, chưa hiểu biết Lời Chúa bị vấp phạm là một điều ác!

21 Điều đáng quý {ấy là} đừng ăn thịt, đừng uống rượu, đừng {làm bất cứ sự gì} mà trong những sự ấy anh chị em cùng Cha của ngươi bị vấp chân, hoặc bị vấp ngã, hoặc bị yếu đuối.

Điều đáng quý là điều nên làm, điều đáng khen, điều giúp ích và gây dựng, điều làm tôn vinh danh Chúa.

Ăn thịt không sai nhưng nếu ăn thịt mà khiến cho những người yếu đức tin bị vấp phạm thì đừng ăn. Uống rượu không sai nhưng nếu uống rượu khiến cho mình bị say rượu hoặc khiến cho người khác uống theo bị say rượu thì đừng uống. Nói chung là đừng làm bất cứ sự gì có thể khiến cho những người yếu đức tin trong Hội Thánh bị vấp phạm.

Trong I Cô-rinh-tô 8:13, Phao-lô tâm sự với con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô rằng:

Vì vậy, nếu thức ăn làm cho người anh chị em cùng Cha của tôi vấp phạm, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để tôi không làm cho người anh chị em cùng Cha của tôi vấp phạm.” (I Cô-rinh-tô 8:13).

Lời tâm sự của Phao-lô hàm ý rằng, nếu sự ăn uống, trong đó có sự ăn thịt trong các miếu thờ thần tượng, làm cho anh chị em cùng Cha của ông bị vấp phạm, dẫn đến sự họ ăn các thức ăn đã cúng cho thần tượng, thì thà là không bao giờ ông ăn thịt, để tránh gây sự vấp phạm cho họ.

22 Ngươi có đức tin chăng? Hãy chính mình ngươi giữ lấy trước Đức Chúa Trời! Phước thay cho người không định tội chính mình trong sự mình đã xét nghiệm.

Chữ “xét nghiệm” trong câu này chỉ về sự xét nghiệm Lời Chúa; hàm ý đọc, suy ngẫm, đối chiếu Lời Chúa với nhau, để có kết luận đúng về ý nghĩa của Lời Chúa mà cẩn thận áp dụng vào cuộc sống. Chúng ta không thể đọc Lời Chúa rồi áp dụng cách máy móc mà là phải đọc và suy ngẫm ngày đêm, để cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8). Trong sự cẩn thận làm theo Lời Chúa, chúng ta sẽ không tạo cơ hội khiến cho anh chị em cùng Cha của mình, nhưng yếu đuối trong đức tin, bị vấp phạm. Cái phước của người hiểu và tin chắc Lời Chúa, sống theo sự hiểu và tin của mình là được kể là công chính trước Đức Chúa Trời, được bình an và vui mừng trong cuộc sống.

Phao-lô nói với những người có hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa, hiểu và tin rằng: Chẳng phải vật gì vào miệng làm cho một người không tinh sạch; nhưng điều gì ra từ miệng, điều ấy mới làm cho một người không tinh sạch. Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa là tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ. Vì mọi vật ấy được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện. Với sự hiểu biết và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ, những người ấy có thể ăn mọi thức ăn trước Đức Chúa Trời mà biết chắc là mình không phạm tội. Họ được Đức Chúa Trời ban phước vì sống theo đức tin của mình.

23 Nếu ai nghi ngờ mà ăn thì bị định tội, vì chẳng bởi đức tin mà {ăn}. Vì bất cứ điều gì {làm mà} không bởi đức tin thì {điều ấy} là tội lỗi.

Nếu một người sau khi hiểu biết Lời Chúa về sự trong thời Tân Ước, các loài vật vốn bị xem là không tinh sạch đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch, nhưng vẫn ngần ngại, không biết chắc là có nên ăn thịt các loài ấy không, thì người ấy không nên ăn. Vì ăn mà không bởi đức tin thì phạm tội.

Không riêng gì việc ăn các thức ăn không bởi đức tin là phạm tội. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã ban cho Hội Thánh một nguyên tắc sống trong Chúa: “Bất cứ điều gì làm mà không bởi đức tin thì điều ấy là tội lỗi!” Là con dân Chúa, chúng ta chỉ suy nghĩ, nói, và hành động những gì chúng ta tin là đúng với Lời Chúa. Nếu chúng ta có sự nghi ngờ, thì chúng ta không nên suy nghĩ, nói, hoặc hành động những gì chúng ta không tin chắc là đúng với Lời Chúa. Vì suy nghĩ, nói, hoặc hành động không bởi đức tin là phạm tội.

Một trong những điều chúng ta dễ vấp phạm là nghĩ xấu cho người khác mà không có bằng chứng cụ thể. Đó là khi chúng ta nghe hoặc thấy anh chị em của mình nói hoặc làm điều gì đó, chúng ta vội áp đặt lý do xấu và mục đích xấu cho điều mà anh chị em của chúng ta nói hoặc làm. Chúng ta cần xin Chúa tha thứ và cất ra khỏi chúng ta ngay những ý nghĩ không có chứng cớ như vậy. Nên nhớ, trước khi chúng ta cho rằng lời nói hay việc làm của người khác có lý do xấu hoặc mục đích xấu thì chúng ta phải có ít nhất là hai nhân chứng. Chúng ta có thể trực tiếp hỏi anh chị em của mình điều gì mình không hiểu, để tránh hiểu lầm.

Lúc nào trong Hội Thánh cũng có người yếu đức tin, vì mới tin Chúa, chưa đọc hết Lời Chúa, chưa có sự tương giao mật thiết với Chúa… Hội Thánh phải hết sức cẩn thận, tránh gây vấp phạm cho người yếu đức tin. Nhưng nếu sau khi Hội Thánh đã giảng giải lẽ thật của Lời Chúa cho người ấy rồi, mà người ấy không chấp nhận lẽ thật của Lời Chúa, thì người ấy không còn là anh chị em cùng đức tin. Hội Thánh cần phải dứt thông công những người không tin nhận Lời Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta. Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, ban sự khôn sáng và sức mạnh cho chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/07/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Ngài Yêu Tôi từ Xưa”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/ngai-yeu-toi-tu-xua/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.