Chú Giải Rô-ma 15:22-33

2,690 views

Roma_043 Các Dự Định của Phao-lô
(Rô-ma 15:22-33)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

22 Vì vậy mà tôi cũng đã nhiều lần bị ngăn trở về sự đến với các anh chị em.

23 Nhưng bây giờ, chẳng còn có chỗ nào trong các miền này; hơn nữa, đã mấy năm nay, tôi rất ước ao đến với các anh chị em.

24 Vậy, nếu tôi có thể đi đến xứ Tây-Ban-Nha, thì tôi sẽ đến với các anh chị em, vì tôi mong được thấy các anh chị em trong cuộc hành trình của tôi, và được các anh chị em gửi tôi đến đó, sau khi tôi đã được phần nào thỏa lòng bởi các anh chị em.

25 Nhưng hiện nay, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem để phục vụ các thánh đồ.

26 Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai đã vui lòng làm sự chia xẻ cho những thánh đồ nghèo ở thành Giê-ru-sa-lem.

27 Họ đã vui lòng và họ cũng mắc nợ các người ấy nữa. Vì nếu các dân ngoại đã dự phần về những sự thiêng liêng của những người ấy, thì bổn phận của họ là phục vụ những người ấy về những sự thuộc thể.

28 Vậy, khi tôi làm xong việc ấy, và ký giao bông trái này cho họ rồi, tôi sẽ ghé qua các anh chị em để đi đến xứ Tây-Ban-Nha.

29 Tôi biết rằng, khi tôi đến với các anh chị em, thì tôi sẽ đến trong sự đầy dẫy phước hạnh của Tin Lành Đấng Christ.

30 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi xin các anh chị em hãy bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, bởi tình yêu của Đấng Thần Linh, cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu xin với Đức Chúa Trời, cho tôi,

31 để tôi được cứu thoát khỏi những người chẳng tin trong xứ Giu-đê, và để sự phục vụ của tôi nơi thành Giê-ru-sa-lem sẽ được vui nhận bởi các thánh đồ.

32 Bởi đó, tôi có thể đến với các anh chị em trong sự vui mừng, bởi ý muốn của Thiên Chúa, và được giải lao cùng các anh chị em.

33 Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an {ở} với tất cả các anh chị em! A-men.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNjk1MzYxNTJf/11643_ChuGiaiRoma_15_22-33CacDuDinhCuaPhaolo.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11643_chugiairoma_15_22-33_cacdudinhcuaphaolo
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ecp6b6nf6r7da9q/11643_ChuGiaiRoma_15_22-33CacDuDinhCuaPhaolo.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Vào cuối lá thư của Sứ Đồ Phao-lô gửi cho Hội Thánh tại Rô-ma, ông nhắc lại ước muốn được đến thăm Hội Thánh tại Rô-ma mà ông đã bày tỏ trong phần mở đầu của lá thư (Rô-ma 1:8-15). Thư Rô-ma được viết vào khoảng cuối năm 57. Vài tháng sau đó, vào khoảng cuối mùa xuân năm 58, Phao-lô về lại Giê-ru-sa-lem và bị dân Do-thái từ Tiểu Á về dự lễ tại Giê-ru-sa-lem nổi loạn, bắt và đánh ông, vì họ cho rằng, ông giảng dạy nghịch lại truyền thống của Do-thái Giáo. Quân đội La-mã đã cứu ông ra khỏi đám loạn dân, và sau đó, 470 lính La-mã đã bảo vệ và áp giải ông đến dinh của thống đốc Phê-lít tại thành Sê-sa-rê.

Thống Đốc Phê-lít muốn ăn tiền hối lộ từ Phao-lô nên giam giữ ông suốt hai năm, cho đến khi Thống Đốc Phê-tu thay thế Phê-lít và giải giao Phao-lô đến thành Rô-ma, để chịu xét xử bởi hoàng đế của La-mã. Vào đầu mùa thu năm 61, Thống Đốc Phê-tu cho quân lính giải giao Phao-lô đến thành Rô-ma theo đường biển. Trong chuyến đi, tàu gặp bão và bị chìm, toàn bộ 276 người trên tàu đều thoát chết và bơi vào một hòn đảo nhỏ tên là Man-tơ. Sau đó ba tháng, họ xuống một tàu khác và đến thành Rô-ma vào khoảng cuối năm 61 (Công Vụ Các Sứ Đồ 23-28). Và như vậy, Phao-lô đã đến được thành Rô-ma, gặp gỡ con dân Chúa tại Rô-ma theo lòng mong ước của ông, nhưng không theo cách thức ông dự định, mà theo cách thức Đức Chúa Trời đã định sẵn cho ông. Phao-lô ở tại Rô-ma suốt hai năm, bị giam lỏng trong một nhà trọ, trong khi chờ được xử án, và ông được tự do giảng Tin Lành, tự do dạy về Đức Chúa Jesus Christ. Đầu mùa xuân năm 63, Phao-lô được trắng án và được trả tự do.

Rô-ma 15:22-33 ghi lại dự định của Phao-lô về cuộc truyền giáo tại xứ Tây-ban-nha, vùng đất cực tây của đế quốc La-mã thời bấy giờ, và lòng mong ước của ông về việc được ghé thăm Hội Thánh tại Rô-ma. Đó là hai điều mà Phao-lô dự định sẽ thực hiện, sau khi ông đến Giê-ru-sa-lem, bàn giao số tiền do các Hội Thánh giữa các dân ngoại ở Ma-xê-đoan và A-chai dâng hiến lên Chúa, để tiếp trợ cho con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem.

22 Vì vậy mà tôi cũng đã nhiều lần bị ngăn trở về sự đến với các anh chị em.

23 Nhưng bây giờ, chẳng còn có chỗ nào trong các miền này; hơn nữa, đã mấy năm nay, tôi rất ước ao đến với các anh chị em.

Vì vậy” là vì sự bận rộn truyền giáo của Phao-lô từ thành Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận, cho đến xứ I-li-ri, như Phao-lô đã nói đến trong câu 19. Trong khoảng 16 năm, từ mùa hè năm 41, khi Ba-na-ba đến Tạt-sơ, mời Phao-lô đến thành An-ti-ốt để chăm sóc cho Hội Thánh tại đó giữa vòng các dân ngoại, cho đến thời điểm Phao-lô viết thư Rô-ma (cuối năm 57), thì Phao-lô đã thực hiện ba hành trình truyền giáo đến các thành phố của các vùng Sy-ri, Si-li-si, Tiểu Á, Ga-la-ti, Ma-xê-đoan, và A-chai. Dù bận rộn với công cuộc truyền giáo trong các vùng đất này, nhưng suốt nhiều năm, Phao-lô vẫn ước ao được đến viếng thăm con dân Chúa tại thành Rô-ma. Rô-ma là kinh đô của đế quốc La-mã, ngày nay là thủ đô của nước Ý. “Rô-ma” là cách phiên âm theo tiếng La-tinh, “La-mã” là cách phiên âm theo tiếng Hán Việt.

24 Vậy, nếu tôi có thể đi đến xứ Tây-ban-nha, thì tôi sẽ đến với các anh chị em, vì tôi mong được thấy các anh chị em trong cuộc hành trình của tôi, và được các anh chị em gửi tôi đến đó, sau khi tôi đã được phần nào thỏa lòng bởi các anh chị em.

Khi Phao-lô viết thư Rô-ma thì ông nghĩ rằng, đã đến lúc ông hoàn tất công cuộc truyền giáo tại phía đông của đế quốc La-mã, và có thể viếng thăm Hội Thánh tại Rô-ma, trước khi ông bắt đầu công cuộc truyền giáo tại phía tây của đế quốc, là xứ Tây-ban-nha (Spain). Phao-lô cũng ngỏ ý với Hội Thánh tại Rô-ma là ông muốn được họ chúc phước, cầu thay, và tiếp trợ ông trong chuyến đi từ Rô-ma đến Tây-ban-nha, sau khi ông được vui thỏa trong sự thông công với họ. Đó là ý nghĩa của mệnh đề: “được các anh chị em gửi tôi đến đó”.

25 Nhưng hiện nay, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem để phục vụ các thánh đồ.

26 Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai đã vui lòng làm sự chia xẻ cho những thánh đồ nghèo ở thành Giê-ru-sa-lem.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:21, có ghi lại lời tâm tình của Phao-lô với Lu-ca trong lúc ông đang ở thành Ê-phê-sô, rằng ông muốn đi ngang qua xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai trước khi về lại Giê-ru-sa-lem, rồi sau đó, ông sẽ đi đến Rô-ma. Xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai ở phía tây của Ê-phê-sô, còn Giê-ru-sa-lem thì ở phía đông nam của Ê-phê-sô.

Lý do Phao-lô đi qua xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai trước khi về lại Giê-ru-sa-lem có lẽ là vì ông được các Hội Thánh trong hai xứ ấy báo cho biết, là họ muốn dâng hiến lên Chúa, để tiếp trợ cho con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Vì thế, ông ghé qua các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan và A-chai để nhận số tiền dâng hiến, mang về tiếp trợ cho con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Trong khoảng ba tháng ghé lại Hy-lạp, tức A-chai, có lẽ Phao-lô đã từ thành Cô-rinh-tô viết thư cho Hội Thánh tại Rô-ma (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:2-3).

Cách nói “phục vụ các thánh đồ” hàm ý Phao-lô giúp mang tiền cứu trợ từ con dân Chúa ở Ma-xê-đoan và A-chai về trao lại cho con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Phao-lô xem việc ông làm là việc phục vụ những người thánh của Thiên Chúa, chứ không phải là việc “làm ơn”. Có nhiều người khi làm công việc giúp ích cho người khác thì nghĩ rằng mình là người làm ơn. Nhưng trong Chúa, mọi sự thuộc về Chúa, và chúng ta là những quản gia trong nhà Chúa, có bổn phận phân phối những gì thuộc về Chúa đến những ai có nhu cầu. Qua đó, chúng ta phục vụ Chúa và phục vụ lẫn nhau. Trong Chúa không có ai làm ơn cho ai mà chỉ có anh chị em cùng Cha phục vụ lẫn nhau.

Trong Chúa, ngoài việc chia sẻ những ơn phước thuộc linh, chúng ta cũng phải vui lòng chia xẻ những sự thuộc về vật chất mà Chúa đã đặt để trong tay của chúng ta, cho những anh chị em cùng Cha có nhu cầu.

Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:10).

Chúng ta nên ghi nhớ bài học trong Ma-thi-ơ 25:31-46, rằng khi chúng ta từ chối chăm sóc anh chị em cùng Cha của mình là chúng ta phạm tội trọng, và chúng ta sẽ bị hư mất đời đời. Chúng ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin, chứ không phải bởi những việc làm lành, nhưng chúng ta có thể bị trật phần ân điển, bị hư mất, vì chúng ta không thể hiện đức tin của chúng ta bằng những việc làm lành (Gia-cơ 2).

27 Họ đã vui lòng và họ cũng mắc nợ các người ấy nữa. Vì nếu các dân ngoại đã dự phần về những sự thiêng liêng của những người ấy, thì bổn phận của họ là phục vụ những người ấy về những sự thuộc thể.

Vào thời bấy giờ, con dân Chúa trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem là người I-sơ-ra-ên. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, tỏ cho chúng ta, những con dân Chúa không phải là dân I-sơ-ra-ên được biết rằng: Chúng ta mắc nợ dân I-sơ-ra-ên về sự cứu rỗi của chúng ta, vì qua dân I-sơ-ra-ên mà sự cứu rỗi đến với chúng ta. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán: “Vì sự cứu rỗi đến từ dân Do-thái” (Giăng 4:22). Đó cũng là lý do vì sao chúng ta phải cầu thay cho dân I-sơ-ra-ên và bênh vực quốc gia I-sơ-ra-ên, trước sự tấn công mọi mặt của các quốc gia theo Hồi Giáo và những kẻ kỳ thị dân I-sơ-ra-ên.

Lời phán của Đức Chúa Trời cách nay gần 4.000 năm không hề thay đổi: “Ta sẽ ban phước cho những ai chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi. Hết thảy các gia tộc trên đất sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:3). Điều đáng buồn là chính quyền hiện tại của Việt Nam lại chọn đứng về phía các quốc gia Hồi Giáo và những kẻ kỳ thị dân I-sơ-ra-ên. Lời Chúa trong Thi Thiên 122:6 kêu gọi con dân Chúa hãy cầu nguyện cho sự hòa bình của Giê-ru-sa-lem. Lời kêu gọi ấy không chỉ có nghĩa hẹp là cầu nguyện cho thành phố Giê-ru-sa-lem, nhưng có nghĩa rộng là cầu nguyện cho cả lãnh thổ mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho dân I-sơ-ra-ên.

Các dân ngoại mắc nợ dân I-sơ-ra-ên vì hết thảy các gia tộc trên đất đều nhờ dân I-sơ-ra-ên mà được phước. Phước được nói ở đây bao gồm thuộc thể lẫn thuộc linh. Về thuộc linh là sự được cứu rỗi ra khỏi sự chết đời đời. Về thuộc thể thì biết bao nhiêu công trình khoa học, kỹ thuật, y tế… biết bao nhiêu phát minh ra từ những nhà phát minh và những nhà khoa học người I-sơ-ra-ên đã đem lại lợi ích và tiện nghi đời sống cho mọi dân tộc [1], [2], [3], [4].

Con dân Chúa thời xưa tại Ma-xê-đoan và A-chai đã ý thức rằng, họ mắc nợ thuộc linh dân I-sơ-ra-ên, nên họ đã vui lòng dâng hiến để tiếp trợ cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem về thuộc thể. Có hai lý do Chúa cho phép con dân Chúa người I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem có sự thiếu nghèo về vật chất, thứ nhất là để thử thách đức tin của họ, thứ nhì là để con dân Chúa trong các Hội Thánh giữa vòng các dân ngoại có cơ hội làm lành và được hưởng phước.

28 Vậy, khi tôi làm xong việc ấy, và ký giao bông trái này cho họ rồi, tôi sẽ ghé qua các anh chị em để đi đến xứ Tây-Ban-Nha.

Làm xong việc ấy” là làm xong việc giao tiền dâng hiến tiếp trợ cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Động từ “ký giao” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là đóng dấu để xác nhận hoặc ấn chứng một sự gì. Nói cách khác là Phao-lô giao số tiền tiếp trợ cho Hội Thánh và Hội Thánh viết biên nhận cho ông. Danh từ “bông trái” được dùng để chỉ số tiền dâng hiến, là kết quả từ lòng yêu thương anh chị em cùng Cha của những con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan và A-chai.

Dự định của Phao-lô là sau khi làm xong việc giao tiền tiếp trợ cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, thì ông sẽ lên đường đến Rô-ma và Tây-ban-nha. Tuy nhiên, trong thực tế, Phao-lô đã bị những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, từ Tiểu Á về dự Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem, bắt và đánh đập; vì họ cho rằng, ông giảng dạy nghịch lại luật pháp của Môi-se và hành động nghịch lại đền thờ của Thiên Chúa. Những người theo Do-thái Giáo ấy đã giận ghét Phao-lô đến nỗi tìm cách giết ông, nên viên chỉ huy trưởng của quân đoàn La-mã trấn giữ Giê-ru-sa-lem đã sai 200 lính bộ, 70 lính kỵ (lính cưỡi ngựa), và 200 lính cầm giáo, đang đêm hộ tống Phao-lô và giải ông đến dinh thống đốc tại thành Sê-sa-rê. Phao-lô được cưỡi ngựa trong suốt hành trình. Khi đến thành An-ti-ba-tri, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 56 km, thì lính bộ và lính cầm giáo quay về, còn bảy mươi lính kỵ và Phao-lô tiếp tục cưỡi ngựa đi chặng đường còn lại khoảng 40 km. Sau đó, vì sự tham lam muốn ăn hối lộ của Tổng Đốc Phê-lít mà Phao-lô phải ở lại trong nhà tù Sê-sa-rê suốt hai năm, trước khi được Tổng Đốc Phê-tu, người thay thế Phê-lít, giải đến Rô-ma, để ông được ra trước tòa án của hoàng đế La-mã.

Ước muốn của Phao-lô cuối cùng đã được hiện thực nhưng khác với sự sắp xếp của ông. Đức Chúa Trời đã làm thành ước muốn của Phao-lô theo cách thức của Ngài. Đây cũng là một bài học cho chúng ta. Chúng ta cứ hết lòng tin kính Chúa, vâng phục Chúa, ưa thích những sự đẹp lòng Chúa (Phi-líp 4:8), và sắp xếp mọi sinh hoạt của mình; nhưng chúng ta cũng sẵn sàng tiếp nhận bất cứ điều gì Chúa cho phép xảy ra trong đời sống của chúng ta. Chúng ta vững tin Lời Chúa trong Rô-ma 8:28:

Chúng ta biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích {của Ngài}.” (Rô-ma 8:28).

Khi hoạn nạn, khó khăn xảy đến với chúng ta thì chúng ta đừng bao giờ phàn nàn, oán trách, đổ thừa, tiếc nuối… nếu đó không phải là vì mình phạm tội. Nhưng chúng ta hãy hết lòng tôn vinh Chúa và cảm tạ Chúa, dâng trình mọi sự lên Ngài, yên lặng chờ sự mở đường và giải cứu của Ngài:

Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và tâm trí của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:6-7).

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức loài người đến cho các anh chị em. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài không bao giờ để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách quá sức của các anh chị em; nhưng trong sự cám dỗ hoặc thử thách, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để các anh chị em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Còn nếu hoạn nạn, khó khăn là hậu quả của sự chúng ta phạm tội, thì chúng ta phải lập tức ăn năn tội, xin Chúa tha thứ và giải cứu mình.

29 Tôi biết rằng, khi tôi đến với các anh chị em, thì tôi sẽ đến trong sự đầy dẫy phước hạnh của Tin Lành Đấng Christ.

Động từ “biết” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là nhìn thấy, xem xét, chú ý… và nghĩa bóng là hiểu biết nhờ xem xét. Phao-lô, qua mục vụ giảng Tin Lành và giảng dạy về Đức Chúa Jesus Christ, đã nhận thức rằng, khi ông đến với con dân Chúa tại Rô-ma thì ông sẽ đem đến cho họ “sự đầy dẫy phước hạnh của Tin Lành Đấng Christ”, như ông đã mang đến cho con dân Chúa tại các Hội Thánh mà ông đã từng ghé qua.

Phước hạnh của Tin Lành Đấng Christ là những sự bình an, vui thỏa, và năng lực của một đời sống mới, sau khi thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và vâng phục Ngài.

Sự thật lòng ăn năn tội là ăn năn toàn bộ mọi tội lỗi chứ không phải một phần lớn tội lỗi. Tội lỗi kín giấu nhất và to lớn nhất là sự kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo biến một người thành Đức Chúa Trời của người ấy. Nhiều người sau nhiều năm tin nhận Chúa vẫn cứ sống trong sự kiêu ngạo. Một trong những dấu hiệu rõ nét của sự kiêu ngạo là không chấp nhận sự phê bình, quở trách của người khác, và luôn tìm cách bào chữa cho những sai trái của mình. Một dấu hiệu khác là luôn cho rằng, mình hơn người khác, nên không tôn trọng người khác hơn mình (Phi-líp 2:3).

Sự vâng phục Đấng Christ bắt đầu bằng sự vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trên mình, từ trong gia đình, cho đến ngoài xã hội, và quan trọng nhất là trong Hội Thánh. Trong Hội Thánh mọi người phải kính sợ Thiên Chúa mà vâng phục lẫn nhau (Ê-phê-sô 5:21, I Phi-e-rơ 5:5). Trong Hội Thánh không có sự vâng phục một chiều mà là mọi người vâng phục lẫn nhau theo Lời Chúa. Bất cứ ai trong Hội Thánh nói đúng thì chúng ta đều phải vâng theo. Một trưởng lão trong Hội Thánh cũng có bổn phận vâng phục lời nói đúng của một thiếu nhi. Đó là ý nghĩa của sự chúng ta vâng phục lẫn nhau vì chúng ta kính sợ Thiên Chúa, vì chúng ta tôn kính Lời Hằng Sống của Ngài. Khi chúng ta vâng phục lẫn nhau là chúng ta vâng phục Thiên Chúa; và ngược lại, khi chúng ta không vâng phục lẫn nhau là chúng ta cũng không vâng phục Thiên Chúa. Vâng phục lẫn nhau là mệnh lệnh của Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh, mà chúng ta phải ghi nhớ để làm theo.

30 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi xin các anh chị em hãy bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, bởi tình yêu của Đấng Thần Linh, cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu xin với Đức Chúa Trời, cho tôi,

Bởi Đức Chúa Jesus Christ là bởi đức tin vào sự toàn năng của Ngài và đức tin vào trong danh của Ngài. Bởi tình yêu của Đấng Thần Linh là bởi tình yêu của Thiên Chúa đổ đầy trong chúng ta bởi Đấng Thần Linh, Đấng yêu chúng ta đến nỗi ghen tương (Gia-cơ 4:5). Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Rô-ma cùng ông chiến đấu trong những lời họ cầu thay cho ông. Trong câu 30, Phao-lô không dùng danh xưng Đức Thánh Linh mà dùng danh xưng Đấng Thần Linh để nhấn mạnh hoạt động và tình yêu của Ngôi Ba Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc chứ không riêng trong lòng con dân Chúa. Danh xưng Đức Thánh Linh nhằm nhấn mạnh sự hiện diện và hành động của Ngôi Ba Thiên Chúa trong lòng con dân Chúa. Xin đọc và nghe bài giảng “Thân Vị và Thần Tính của Đức Thánh Linh” trên www.timhieuthanhkinh.com [5].

Con dân Chúa thường chiến đấu với ma quỷ, với hoàn cảnh khó khăn bằng lời cầu nguyện trong khi sốt sắng làm tròn mọi bổn phận của mình. Khi chúng ta cầu thay cho người nào, là chúng ta cùng chiến đấu với người ấy trong sự mà chúng ta cầu thay cho người ấy. Khi chúng ta chiến đấu bằng lời cầu xin cho chính mình hay cầu thay cho anh chị em cùng Cha của mình, thì trước hết là chúng ta cầu nguyện bởi đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ và trong danh của Đức Chúa Jesus Christ; kế tiếp là chúng ta dâng trình lời cầu xin của chúng ta lên Đức Chúa Trời. Và nếu là chúng ta cầu thay cho người khác thì lời cầu thay của chúng ta là bởi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện qua Đấng Thần Linh, là tình yêu mà chúng ta yêu anh chị em của mình.

31 để tôi được cứu thoát khỏi những người chẳng tin trong xứ Giu-đê, và để sự phục vụ của tôi nơi thành Giê-ru-sa-lem sẽ được vui nhận bởi các thánh đồ.

Mục đích lời cầu nguyện của con dân Chúa tại Rô-ma mà Phao-lô muốn họ cầu thay cho ông là: Xin Đức Chúa Trời khiến cho ông được thoát khỏi sự hãm hại của những người không tin nhận Tin Lành trong xứ Giu-đê, khi ông về đến thành Giê-ru-sa-lem; và xin cho số tiền con dân Chúa tại Ma-xê-đoan và A-chai dâng hiến lên Chúa, để tiếp trợ con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem, được con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem vui nhận.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:22-23 có ghi lại lời Phao-lô tâm tình với các trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô rằng, ông không biết điều gì sẽ xảy đến cho ông khi ông về lại Giê-ru-sa-lem. Ông chỉ biết một điều là Đức Thánh Linh đã bảo trước cho ông rằng, từ thành này sang thành khác, xiềng xích và hoạn nạn đang đón chờ ông. Sau đó, khi Phao-lô đi đến thành Sê-sa-rê thì Tiên Tri A-ga-bút từ xứ Giu-đê đến, lấy dây thắt lưng của Phao-lô tự trói chân tay mình, và tiên tri rằng: “Đức Thánh-Linh phán như thế này: Tại thành Giê-ru-sa-lem, dân Do-thái sẽ trói người có dây thắt lưng này như vậy, mà nộp trong tay các dân ngoại.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:11). Đức Chúa Trời đã không giải cứu Phao-lô khỏi sự bị những người Do-thái không tin nhận Tin Lành bắt, đánh đập, và giao vào tay lính La-mã; nhưng Ngài đã cứu ông khỏi âm mưu giết người của họ.

Phao-lô xin con dân Chúa tại thành Rô-ma cầu xin Đức Chúa Trời khiến cho con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem vui lòng tiếp nhận tiền cứu trợ từ con dân Chúa tại Ma-xê-đoan và A-chai, vì con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem là dân I-sơ-ra-ên, vốn có sự kỳ thị các dân ngoại, mà con dân Chúa tại Ma-xê-đoan và tại A-chai là những người thuộc các dân ngoại. Phao-lô mong rằng, Đức Chúa Trời sẽ cất đi mọi thành kiến của con dân Chúa người I-sơ-ra-ên vốn có với các dân ngoại, để họ sẵn sàng tiếp nhận sự tiếp trợ từ những con dân Chúa thuộc các dân ngoại.

32 Bởi đó, tôi có thể đến với các anh chị em trong sự vui mừng, bởi ý muốn của Thiên Chúa, và được giải lao cùng các anh chị em.

Bởi đó” là bởi lời cầu nguyện của Phao-lô và lời cầu thay của con dân Chúa tại Rô-ma được Đức Chúa Trời vui nhận. Lời cầu nguyện được Đức Chúa Trời nhận thì Phao-lô được đến với con dân Chúa tại Rô-ma trong sự vui mừng, theo thánh ý của Thiên Chúa. Giải lao có nghĩa là cởi bỏ những sự mệt mỏi, nặng nhọc, cực khổ. “Được giải lao” là được nghỉ ngơi, được hồi sức, được tươi tỉnh trở lại. Phao-lô mong rằng, thời gian ông lưu lại với Hội Thánh tại Rô-ma là khoảng thời gian ông được nghỉ ngơi, được hồi sức, được tươi tỉnh trở lại trong niềm vui được thông công trong Chúa với họ, trước khi ông bắt đầu hành trình truyền giáo đến xứ Tây-ban-nha, vùng cực tây của đế quốc La-mã.

33 Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an {ở} với tất cả các anh chị em! A-men.

Phao-lô cầu xin Đức Chúa Trời của sự bình an ở với tất cả con dân Chúa tại Rô-ma. Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự bình an vì mọi ý tưởng của Đức Chúa Trời đối với những ai tin kính Ngài, vâng phục Ngài là những ý tưởng bình an:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi, là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11).

Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, đã ban cho con dân của Ngài sự bình an:

Ta để sự bình an lại cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi sự bình an của Ta. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian cho. Đừng để lòng của các ngươi bối rối và cũng đừng để nó sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ được gọi là “Chúa của Sự Bình An” (Ê-sai 9:6). Được Đức Chúa Trời của sự bình an ở với cũng có nghĩa là được ở trong Đức Chúa Jesus Christ và được Đức Chúa Jesus Christ ở trong chúng ta (Giăng 15:4-5).

Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an ở với tất cả quý ông bà anh chị em! A-men.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/08/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Đây Xin Dâng Cha”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/doi-con-day-xin-dang-cha/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://boulderjewishnews.org/2009/an-informal-list-of-jewish-inventions-innovations-and-radical-ideas/

[2] https://www.geni.com/projects/Jewish-Inventors/12388

[3] https://www.israel21c.org/israels-top-45-greatest-inventions-of-all-time-2/

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Israeli_inventions_and_discoveries

[5] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua08_than-vi-va-than-tinh-cua-duc-thanh-linh/