Chú Giải Rô-ma 15:08-13

2,881 views

Roma_041 Các Dân Ngoại Có Sự Trông Cậy nơi Đấng Christ
(Rô-ma 15:8-13)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

8 Tôi nói {rằng}, Đức Chúa Jesus Christ đã là người phục vụ cho sự cắt bì vì lẽ thật của Thiên Chúa, để xác nhận những lời hứa cùng các tổ phụ.

9 Nhưng các dân ngoại tôn vinh Đức Chúa Trời vì sự thương xót {của Ngài}, như có chép: Bởi đó, tôi sẽ xưng nhận Ngài giữa các dân ngoại, và ca tụng danh Ngài. [Thi Thiên 18:49]

10 Cũng có phán: Hỡi các dân ngoại! Hãy vui mừng với dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:43]

11 Lại {phán}: Hỡi hết thảy các dân ngoại! Hãy tôn vinh Chúa! Hỡi muôn dân! Hãy tán dương Ngài! [Thi Thiên 117:1]

12 Ê-sai cũng nói: Sẽ có cội rễ của Gie-sê và Đấng trỗi lên {từ đó}, cai trị các dân ngoại. Các dân ngoại sẽ trông cậy nơi Ngài. [Ê-sai 11:1, 10]

13 Đức Chúa Trời của sự trông cậy, đổ đầy các anh chị em mọi điều vui vẻ và bình an trong đức tin, để cho các anh chị em được dư dật trong sự trông cậy, trong sức mạnh của thánh linh.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNjkzNDcxMDdf/11641_ChuGiaiRoma_15_8-13CacDanNgoaiCoSuTrongCayNoiDangChrist.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11641_chugiairoma_15_8-13_cacdanngoaicosutrongcaynoidangchrist
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/39kyqxa1zabjxek/11641_ChuGiaiRoma_15_8-13CacDanNgoaiCoSuTrongCayNoiDangChrist.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Khi chúng ta đọc Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta thấy rõ, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Cứu Rỗi được Đức Chúa Trời hứa ban cho dân tộc I-sơ-ra-ên. Nhưng cũng từ trong Cựu Ước, chúng ta thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ không phải chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên. Sự cứu rỗi ấy bao gồm cả các dân ngoại.

Danh từ “dân ngoại” được dùng trong Cựu Ước lẫn Tân Ước đều chỉ về một dân tộc không phải là dân I-sơ-ra-ên; hàm ý là dân không thờ lạy Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Dân I-sơ-ra-ên rất tự hào về sự họ được Thiên Chúa chọn làm cơ nghiệp của Ngài và gọi họ là một dân tộc thánh:

Vì ngươi {là} một dân thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi đã chọn ngươi từ muôn dân trên mặt đất, để làm một dân quý báu cho Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6).

Nhưng họ {là} dân sự của Ngài và cơ nghiệp của Ngài, mà Ngài đã giải cứu bởi sức mạnh lớn của Ngài và bởi cánh tay của Ngài giơ thẳng ra.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:29).

Và dân I-sơ-ra-ên cũng rất khinh dể các dân ngoại. Dù họ mua bán, trao đổi hàng hóa với dân ngoại nhưng họ không ngồi ăn chung với dân ngoại, không bước vào nhà của dân ngoại, và cũng không mời dân ngoại vào nhà của họ.

Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, sau khi họ đã làm nô-lệ cho dân Ê-díp-tô suốt 400 năm, để dựng họ thành một quốc gia và ban cho họ xứ Ca-na-an, thì Ngài cũng đã tiếp nhận nhiều người thuộc các dân tộc khác, cho họ gia nhập vào dân I-sơ-ra-ên:

Con cháu I-sơ-ra-ên ra đi từ Ram-se đến Su-cốt, số đàn ông đi bộ vào khoảng sáu trăm ngàn, không kể trẻ con. Lại có một số đông các giống dân cũng đi lên chung với họ cùng với các bầy chiên, các bầy bò, rất nhiều gia súc.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37-38).

Chính Thiên Chúa đã phán truyền:

Các con của người ngoại, họ tự kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, {là} tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế {nó}, và giữ lời giao ước của Ta, thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng thu thập dân tan lạc của I-sơ-ra-ên, phán: Ta sẽ thu thập {các dân khác} cùng nó, cùng những người đã được thu thập của nó.” (Ê-sai 56:6-8).

Vì thế, chúng ta thấy rõ, ngay từ thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã tiếp nhận các dân ngoại vào trong sự cứu rỗi của Ngài, kết hiệp họ làm một với dân I-sơ-ra-ên. Chính vì vậy mà về phần thuộc linh, bất cứ người ngoại nào tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì cũng cùng hưởng các ơn phước thuộc linh như người I-sơ-ra-ên. Riêng về các ơn phước thuộc thể mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham, tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên, thì chỉ có con cháu về phần xác thịt của Áp-ra-ham mới được hưởng mà thôi. Một trong những ơn phước ấy là đời đời được cư ngụ trên vùng đất Ca-na-an.

Trong Rô-ma 15:8-13, Đức Thánh Linh đã dùng Sứ Đồ Phao-lô để nhắc lại những lời trong Cựu Ước, xác chứng rằng, các dân ngoại, nếu tin nhận Đấng Christ thì cũng cùng dự phần trong sự trông cậy thuộc linh với dân I-sơ-ra-ên.

8 Tôi nói {rằng}, Đức Chúa Jesus Christ đã là người phục vụ cho sự cắt bì vì lẽ thật của Thiên Chúa, để xác nhận những lời hứa cùng các tổ phụ.

Đức Chúa Jesus Christ đã là người phục vụ cho sự cắt bì có nghĩa là Đức Chúa Jesus Christ đã là người giảng Tin Lành cho những người chịu cắt bì, tức dân I-sơ-ra-ên.

…Ta chỉ được sai đến với những con chiên lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên.” (Ma-thi-ơ 15:24).

Ngay cả khi Đức Chúa Jesus Christ sai mười hai sứ đồ đi giảng Tin Lành thì Ngài cũng truyền cho họ đừng đi đến các dân ngoại; thậm chí cũng không vào các thành của dân Sa-ma-ri là dân I-sơ-ra-ên lai giống với các dân ngoại:

Mười hai người ấy Đức Chúa Jesus sai đi, và truyền cho họ rằng: Đừng đi đến đường của các dân ngoại, cũng đừng vào trong thành của dân Sa-ma-ri; nhưng thà đi đến với những con chiên lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên.” (Ma-thi-ơ 10:5-6).

Sự cắt bì là dấu hiệu một người I-sơ-ra-ên chịu cắt bì để tin nhận và buộc mình vào giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập ra với Áp-ra-ham:

Và Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham: Ngươi sẽ giữ giao ước của Ta. Ngươi và dòng dõi của ngươi, sau ngươi, trong các đời của chúng. Đây {là} giao ước của Ta mà ngươi sẽ giữ, giữa Ta với ngươi, và dòng dõi của ngươi, sau ngươi: Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu cắt bì. Các ngươi sẽ cắt bì thịt bao quy đầu của các ngươi. Nó sẽ là dấu hiệu của giao ước giữa Ta và ngươi.” (Sáng Thế Ký 17:9-11).

Chỉ sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại thì Tin Lành mới được giảng ra cho muôn dân:

Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta. Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Đức Chúa Jesus Christ phải được sinh ra làm một người I-sơ-ra-ên, bởi một nữ đồng trinh, và chính mình Ngài cũng chịu cắt bì, để làm ứng nghiệm 353 lời tiên tri về Đấng Cứu Rỗi mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho dân I-sơ-ra-ên [1], chứng minh Thánh Kinh là lẽ thật của Thiên Chúa, và xác chứng những lời Đức Chúa Trời đã hứa với các tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên được ứng nghiệm.

9 Nhưng các dân ngoại tôn vinh Đức Chúa Trời vì sự thương xót {của Ngài}, như có chép: Bởi đó, tôi sẽ xưng nhận Ngài giữa các dân ngoại, và ca tụng danh Ngài. [Thi Thiên 18:49]

Dù Đức Chúa Jesus Christ là người I-sơ-ra-ên và ban đầu Tin Lành chỉ được giảng ra cho dân I-sơ-ra-ên, nhưng trong ý định và chương trình của Thiên Chúa thì sự cứu rỗi của Ngài được ban cho muôn dân trên đất. Đức Chúa Jesus Christ phán:

Các ngươi thờ phượng sự các ngươi không biết. Chúng ta thờ phượng sự chúng ta biết. Vì sự cứu rỗi đến từ dân Do-thái.” (Giăng 4:22).

Và Đức Thánh Linh khẳng định:

Ấy {là} một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật. Vì {có} một Thiên Chúa và {có} một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!” (I Ti-mô-thê 2:3-5).

Chính vì thế mà các dân ngoại tôn vinh Đức Chúa Trời về sự thương xót của Ngài đã ban xuống trên họ. Từ câu 9 đến câu 12 Sứ Đồ Phao-lô trích dẫn các câu Thánh Kinh trong Cựu Ước để minh chứng lẽ thật về sự các dân ngoại cũng được Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi như dân I-sơ-ra-ên, có cùng sự trông cậy trong Đấng Christ như dân I-sơ-ra-ên.

10 Cũng có phán: Hỡi các dân ngoại! Hãy vui mừng với dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:43]

Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:43 là câu cuối cùng trong bài ca của Môi-se, được ông và Giô-suê đọc cho dân I-sơ-ra-ên nghe, trước khi ông qua đời và trước khi Giô-suê dẫn dân I-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa Ca-na-an. Bài ca của Môi-se là lời tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa về ơn thương xót của Ngài ban cho dân I-sơ-ra-ên, đồng thời kể ra những sự cứng lòng, bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên đối với Thiên Chúa. Đoạn cuối của bài ca là lời tiên tri về sự giải cứu cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ làm ra cho dân I-sơ-ra-ên vào Kỳ Tận Thế, với câu kết thúc là lời kêu gọi muôn dân trên đất hãy vui mừng với dân I-sơ-ra-ên. Như vậy, Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:43 là lời tiên tri về sự các dân tộc ngoài dân I-sơ-ra-ên cũng sẽ được cứu và chung với với dân I-sơ-ra-ên trong ngày cuối cùng.

11 Lại {phán}: Hỡi hết thảy các dân ngoại! Hãy tôn vinh Chúa! Hỡi muôn dân! Hãy tán dương Ngài! [Thi Thiên 117:1]

Thi Thiên 117 là một bài ca ngắn, chỉ có hai câu:

1 Hỡi các nước! Hết thảy hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Hỡi các dân! Hết thảy hãy ca tụng Ngài!

2 Bởi sự từ ái của Ngài rất lớn cho chúng ta và lẽ thật của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu còn mãi. Ha-lê-lu-gia!

Danh từ “các nước” được dùng trong Cựu Ước hàm ý các quốc gia hoặc các dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên. Tác giả của Thi Thiên 117 kêu gọi mọi quốc gia, mọi dân tộc tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Sự từ ái rất lớn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là chung cho muôn dân chứ không riêng cho dân I-sơ-ra-ên. Từ ngữ “rất lớn” dùng trong câu 2, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là một động từ được dùng như tính từ, vừa có nghĩa là vĩ đại, vừa có nghĩa là mạnh sức, vượt thắng mọi trở ngại [2]. Phần đầu của câu 2 có thể dịch là: “Bởi sự từ ái của Ngài là lớn, mạnh, vượt thắng mọi trở ngại vì chúng ta.”

Thật vậy:

  • Bởi sự từ ái lớn, mạnh, vượt thắng mọi trở ngại của Thiên Chúa mà Ngài vẫn yêu loài người sau khi loài người phạm tội (Giăng 3:16).

  • Bởi sự từ ái lớn, mạnh, vượt thắng mọi trở ngại của Thiên Chúa mà Ngài từ bỏ thể trạng của Thiên Chúa để mang lấy thể trạng của loài người, chịu chết thay cho tội lỗi của loài người (Phi-líp 2:6-8).

  • Bởi sự từ ái lớn, mạnh, vượt thắng mọi trở ngại của Thiên Chúa mà Ngài tiếp tục ban ơn tha thứ và phục hồi cho những ai thật lòng tin nhận Ngài nhưng vẫn còn yếu đuối phạm tội (I Giăng 1:9).

Lẽ thật của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa và tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, kể cả mọi lời phán của Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh. Vì Thiên Chúa còn mãi, không bao giờ qua đi, nên lẽ thật của Thiên Chúa cũng còn mãi. Chính vì lẽ thật của Thiên Chúa còn mãi mà sự từ ái rất lớn của Ngài không bao giờ thay đổi.

12 Ê-sai cũng nói: Sẽ có cội rễ của Gie-sê và Đấng trỗi lên {từ đó}, cai trị các dân ngoại. Các dân ngoại sẽ trông cậy nơi Ngài. [Ê-sai 11:1, 10]

Danh từ “cội rễ” theo nghĩa đen là chồi cây đâm ra từ bộ rễ, nghĩa bóng là hậu duệ (con cháu đời sau) ra từ một người nào đó. Sẽ có một cội rễ của Gie-sê là sẽ có một hậu duệ ra từ Gie-sê.

Gie-sê là cha của Vua Đa-vít. Từ Gie-sê, Đức Chúa Trời đã dấy lên Đa-vít làm vua cai trị dân I-sơ-ra-ên và Đa-vít đã được Đức Chúa Trời ban cho quyền cai trị dân I-sơ-ra-ên cho đến đời đời. Sau Kỳ Tận Thế, Vua Đa-vít sẽ sống lại và cầm quyền cai trị trên dân I-sơ-ra-ên bắt đầu từ Vương Quốc Ngàn Năm cho đến đời đời. Lời tiên tri của Thiên Chúa đã ghi rõ:

Ta sẽ lập một người chăn trên chúng nó. Tôi tớ của Ta là Đa-vít sẽ cho chúng nó ăn. Người sẽ cho chúng nó ăn và người sẽ là người chăn của chúng nó. Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, sẽ là Thiên Chúa của chúng nó, còn tôi tớ của Ta là Đa-vít, sẽ là vua giữa chúng nó. Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đã phán.” (Ê-xê-chi-ên 34:23-24).

Đa-vít, tôi tớ của Ta, {sẽ là} vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một người chăn. Chúng nó sẽ bước đi trong các mệnh lệnh của Ta. Chúng nó sẽ vâng giữ các luật lệ của Ta và làm theo. Chúng nó sẽ ở trong đất mà Ta đã ban cho tôi tớ của Ta là Gia-cốp, nơi các tổ phụ của các ngươi đã ở. Chúng nó, con cái chúng nó, và con cái của con cái chúng nó, sẽ ở tại đó cho đến đời đời. Tôi tớ của Ta là Đa-vít {sẽ là} vua của chúng nó mãi mãi.” (Ê-xê-chi-ên 37:24-25).

Nhưng cũng từ Gie-sê và Đa-vít, Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một Đấng cai trị muôn dân cho đến đời đời. Đấng ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ. Khải Huyền 5:5 gọi Đấng Christ là “Sư tử của chi phái Giu-đa, chồi của vua Đa-vít”, vì Ngài được sinh ra trong chi phái Giu-đa, là hậu duệ của Vua Đa-vít.

Đức Chúa Jesus Christ với danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 17:14; 19:16) bắt đầu từ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ cai trị muôn dân qua các vua của mỗi dân tộc. Mỗi dân tộc sẽ có một vua cai trị, như dân I-sơ-ra-ên sẽ được cai trị bởi Vua Đa-vít, nhưng tất cả các vua đều ở dưới sự cai trị của Đức Chúa Jesus Christ.

Ê-sai 11:10 chép là: “các nước đều tìm đến Ngài”. Phao-lô diễn ý sự “tìm đến” là sự “trông cậy”. Động từ “trông cậy” được dùng trong câu 12 có nghĩa là mong đợi với lòng tin chắc chắn. Sự muôn dân tìm đến Đấng Christ và mong đợi với lòng tin chắc chắn chính là sự tìm kiếm và trông cậy được sống an vui, hạnh phúc, đời đời trong vương quốc của Ngài, như đã được mô tả trong Ê-sai 11.

13 Đức Chúa Trời của sự trông cậy, đổ đầy các anh chị em mọi điều vui vẻ và bình an trong đức tin, để cho các anh chị em được dư dật trong sự trông cậy, trong sức mạnh của thánh linh.

Đức Chúa Trời được gọi là Đức Chúa Trời của sự trông cậy vì chính Ngài ban cho chúng ta mọi sự trông cậy. Ngài ban cho chúng ta đức tin, Ngài ban cho chúng ta lời hứa, và Ngài ban cho chúng ta lòng hy vọng dựa trên đức tin vào lời hứa của Ngài. Chỉ khi chúng ta có đức tin thì chúng ta mới có đầy mọi điều vui vẻ và bình an. Bởi vì chúng ta hiểu được chương trình và ý định của Thiên Chúa, chúng ta biết chắc Ngài yêu chúng ta trên hết mọi sự mà Ngài đã sáng tạo, và chúng ta biết ngày chúng ta được bước vào trong sự vinh quang của thiên đàng đã rất gần.

Người có đức tin thật nơi Thiên Chúa thì có sự bình an và vui vẻ đầy trọn ngay trong đời này, bất kể là họ phải đối diện với những cảnh ngộ nào. Trong một đoạn phim quay lại cảnh những kẻ khủng bố Hồi Giáo cắt cổ 21 con dân Chúa vào tháng Hai năm 2015, khi họ không chịu chối bỏ đức tin, chúng ta không nhìn thấy sự sợ hãi trên nét mặt của những người bị giết [3]. Những người ấy đã hoàn toàn trông cậy nơi Đấng Christ và phó thác trọn vẹn bản thân họ vào trong sự từ ái và lẽ thật của Thiên Chúa. Họ không phải là dân I-sơ-ra-ên nhưng bởi đức tin nơi Đấng Christ, họ đã được Đức Chúa Trời ban cho được dư dật trong sự trông cậy và được dư dật trong sức mạnh của thánh linh. Chính vì thế mà sự chết không làm cho họ khiếp sợ.

Sức mạnh của thánh linh chính là sức mạnh đến từ Thiên Chúa, qua Đức Thánh Linh được tuôn đổ trong những con dân chân thật của Thiên Chúa. Đó chính là sức mạnh khiến cho nước lã biến thành rượu ngon, người mù được thấy, người câm được nói, người què được đi, người phong hủi được tinh sạch, người chết được sống lại, và sóng gió trên biển phải yên lặng.

Rô-ma 15:13 là bài thử nghiệm đức tin của những ai xưng nhận mình là con dân của Thiên Chúa, bất kể là họ thuộc dân tộc nào. Nếu ai chưa có đầy dẫy mọi điều vui vẻ và bình an thì người ấy chưa thật có đức tin nơi Thiên Chúa. Chưa có đức tin nơi Thiên Chúa thì chưa có sự dư dật trong sự trông cậy và trong thánh linh, chưa chiến thắng được những lo lắng, sợ hãi, tội lỗi…

Nguyện Lời Chúa giúp cho chúng ta nhìn rõ chính mình, để chúng ta biết chắc mình đang thật sự thuộc về Chúa hay chỉ là môn đồ của Đấng Christ trên danh nghĩa. Thời gian còn lại rất ngắn ngủi. Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào mà chúng ta cũng có thể bất ngờ qua đời bất kỳ lúc nào. Hãy chọn thật sự tin kính Chúa và hoàn toàn vâng phục Ngài trước khi quá trễ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/07/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Tình Ngài, Ôi! Tuyệt Vời!”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/tinh-ngai-oi-tuyet-voi/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] http://www.accordingtothescriptures.org/prophecy/353prophecies.html

[2] H1396: https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?t=kjv&strongs=h1396

[3] https://www.youtube.com/watch?v=kZp-jVP4HY8