Chú Giải Rô-ma 16:01-16

3,012 views

Roma_044 Các Lời Chào Thăm
(Rô-ma 16:1-16)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Tôi giới thiệu cho các anh chị em, Phê-bê, người chị em cùng Cha của chúng ta, là chấp sự của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê,

2 để các anh chị em tiếp nhận bà trong Chúa một cách xứng đáng với những thánh đồ. Hãy giúp đỡ bà trong bất cứ việc gì mà bà sẽ cần đến các anh chị em! Vì bà cũng là người bảo trợ cho nhiều người và chính tôi nữa.

3 Hãy chào Bê-rít-sin và A-qui-la, là các người cùng làm việc với tôi trong Đấng Christ Jesus,

4 là các người đã vì mạng sống của tôi mà sẵn sàng liều mạng sống của họ! Chẳng phải chỉ một mình tôi biết ơn họ, nhưng cả các Hội Thánh của các dân ngoại nữa.

5 Cũng hãy chào Hội Thánh tại nhà của họ! Hãy chào Ê-bai-nết, người rất yêu dấu của tôi, người là trái đầu mùa trong xứ A-chai cho Đấng Christ!

6 Hãy chào Ma-ri, người có nhiều công khó vì chúng ta!

7 Hãy chào An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a, là bà con của tôi và bạn cùng tù với tôi, là các người có danh tiếng trong các sứ đồ, và họ cũng ở trong Đấng Christ trước tôi!

8 Hãy chào Am-li-a, người rất yêu dấu của tôi trong Chúa.

9 Hãy chào U-rơ-banh, bạn cùng làm việc của chúng tôi trong Đấng Christ, và Ếch-ta-chi, người rất yêu dấu của tôi!

10 Hãy chào A-be-lơ, người được tiếp nhận trong Đấng Christ! Hãy chào những người của A-rích-tô-bu!

11 Hãy chào Hê-rô-đi-ôn, là bà con của tôi! Hãy chào những người của Nạt-xít, là những người ở trong Chúa.

12 Hãy chào Tri-phe-nơ và Tri-phô-sơ, là các người lao động trong Chúa! Hãy chào người rất yêu dấu Bẹt-si-đơ, là người đã lao động nhiều trong Chúa.

13 Hãy chào Ru-phu, là người được chọn trong Chúa, và hãy chào mẹ của người, cũng là mẹ của tôi!

14 Hãy chào A-sin-cơ-rích, Phơ-lê-gôn, Hẹt-me, Ba-trô-ba, Hẹt-ma, và những anh chị em cùng Cha ở với họ.

15 Hãy chào Phi-lô-lô-gơ và Giu-li, Nê-rê và chị của người, Ô-lim, cùng hết thảy những thánh đồ ở với họ!

16 Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh! Các Hội Thánh của Đấng Christ chào các anh chị em.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNjk3MzA5Mzlf/11644_ChuGiaiRoma_16_1-16CacLoiChaoTham.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11644_chugiairoma_16_1-16_cacloichaotham
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/167tcgxs9jmru5b/11644_ChuGiaiRoma_16_1-16CacLoiChaoTham.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Phần lớn nhiều người khi đọc đến đoạn 16 của sách Rô-ma sẽ chỉ đọc lướt qua từ câu 1 đến câu 15, rồi có lẽ dừng lại ở câu 16 với thắc mắc về “nụ hôn thánh”. Tuy nhiên, khi chúng ta dành thời gian để suy ngẫm về các người được Phao-lô chào và các lời Phao-lô nói về họ, thì chúng ta sẽ rút ra được một số bài học quý giá:

  • Trong Hội Thánh của Chúa, mọi con dân chân thật của Chúa đều sốt sắng đồng công (cùng nhau làm việc) trong công tác rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh.

  • Ngay từ buổi ban đầu của Hội Thánh thì phụ nữ đã tích cực dự phần trong các mục vụ của Hội Thánh. Trong danh sách được liệt kê trong Rô-ma 16:1-15, có một phần ba là phụ nữ.

  • Con dân Chúa yêu nhau bằng tình yêu của Chúa và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nhau.

  • Con dân Chúa thường dùng nhà riêng của mình làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh, dùng tài sản, phương tiện, danh tiếng, quyền thế… Chúa ban cho mình, để hầu việc Chúa và tiếp trợ lẫn nhau.

  • Con dân chân thật của Chúa không ngại khó, không ngại khổ vì đức tin, vì danh Chúa, vì mục vụ rao giảng Tin Lành. Họ có thể bị gia đình từ bỏ. Họ có thể bị bách hại bởi nhà cầm quyền và những người không tin Chúa. Họ có thể bị mất mạng sống vì trung tín theo Chúa.

  • Dù Phao-lô không phải là người thành lập Hội Thánh địa phương tại Rô-ma, và khi viết thư cho Hội Thánh tại Rô-ma thì Phao-lô chưa bao giờ đặt chân đến Rô-ma, nhưng ông quen biết với hơn 20 con dân thuộc Hội Thánh tại Rô-ma và gia đình của họ.

  • Phao-lô đánh giá cao những người cùng ông hầu việc Chúa, không phân biệt nam hay nữ, ông đều gọi họ là những người cùng làm việc với ông trong Chúa hoặc cùng bị tù với ông.

Để có thể tìm hiểu về những người có tên trong danh sách được liệt kê trong Rô-ma 16:1-15 thì chúng ta phải tham khảo ngoài Thánh Kinh một số tài liệu lịch sử và những lá thư do các giám mục của các Hội Thánh thời bấy giờ viết [1].

1 Tôi giới thiệu cho các anh chị em, Phê-bê, người chị em cùng Cha của chúng ta, là chấp sự của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê,

2 để các anh chị em tiếp nhận bà trong Chúa một cách xứng đáng với những thánh đồ. Hãy giúp đỡ bà trong bất cứ việc gì mà bà sẽ cần đến các anh chị em! Vì bà cũng là người bảo trợ cho nhiều người và chính tôi nữa.

Tên Phê-bê trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là chiếu sáng hoặc rực rỡ. Xen-cơ-rê là một hải cảng phồn thịnh ở phía đông của thành phố Cô-rinh-tô, thuộc Hy-lạp, tức là tỉnh A-chai của đế quốc La-mã thời bấy giờ, và cách Cô-rinh-tô khoảng 10 km. Phao-lô giới thiệu Phê-bê với Hội Thánh tại Rô-ma, vì Phê-bê sẽ là người mang thư của ông đến cho Hội Thánh tại Rô-ma. Phao-lô gọi Phê-bê là “người chị em cùng Cha của chúng ta” để khẳng định Phê-bê là một môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ, như ông và con dân Chúa tại Rô-ma. Phao-lô xác nhận Phê-bê là chấp sự của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê và là người bảo trợ nhiều người, trong đó có ông.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và một số bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ dùng danh từ “nữ chấp sự” trong câu 1. Tuy nhiên, trong nguyên ngữ Hy-lạp thì là danh từ “chấp sự” (diakonos – G1249). Đó là một danh từ vừa là giống đực vừa là giống cái. Khi dùng cho đàn ông thì nó là danh từ giống đực. Khi dùng cho đàn bà thì nó là danh từ giống cái. Vào thời của Phao-lô thì trong tiếng Hy-lạp chưa có danh từ “nữ chấp sự”. Mãi đến cuối thế kỷ thứ ba thì danh từ “nữ chấp sự” (diaconissa) mới được hình thành và sử dụng trong tiếng Hy-lạp. Danh từ “chấp sự” được Phao-lô dùng trong các thư của ông luôn luôn chỉ về sự hầu việc Chúa trong Hội Thánh. Phê-bê là phụ nữ duy nhất được ghi trong Thánh Kinh với chức vụ chấp sự. Trong I Ti-mô-thê 3:11 có nói đến việc những phụ nữ trong chức vụ giám mục hoặc chấp sự cũng phải trải qua sự thử nghiệm, và phải có các phẩm chất tốt như những đàn ông trong hai chức vụ ấy [2].

Danh từ “người bảo trợ” (prostatis, G4368) trong nguyên ngữ Hy-lạp là một danh từ dùng để chỉ một phụ nữ quan tâm đến người khác, dùng những gì thuộc về mình để ủng hộ, bảo vệ, và tiếp trợ người khác. Danh từ này chỉ được dùng một lần trong Thánh Kinh để nói về Phê-bê. Trong xã hội La-mã thời bấy giờ, một người được gọi là “người bảo trợ” là một người giàu có của cải, có tiếng tốt, có thế lực, thường cứu giúp người khác.

Rất có thể Phê-bê dùng nhà riêng của mình tại Xen-cơ-rê làm nơi tiếp đón con dân Chúa ở những nơi khác ghé lại Cô-rinh-tô hoặc Xen-cơ-rê, và làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê. Vì Xen-cơ-rê chỉ cách Cô-rinh-tô khoảng hai tiếng đi bộ nên có thể mỗi lần Phao-lô ghé lại Cô-rinh-tô, thì ông cũng ghé lại Xen-cơ-rê. Có lẽ Phê-bê đã tiếp trợ cho Phao-lô trong thời gian ông rao giảng Tin Lành tại xứ A-chai, bằng cách chu cấp cho Phao-lô và các bạn của ông mọi nhu cầu về vật chất. Công Vụ Các Sứ Đồ 18:18 nói đến một lần Phao-lô ghé Xen-cơ-rê. Có lẽ Phê-bê thường xuyên tiếp trợ cho con dân Chúa khó nghèo lẫn những người nghèo không tin Chúa tại Cô-rinh-tô và Xen-cơ-rê, cùng các vùng phụ cận. Theo một số tài liệu ngoài Thánh Kinh, là các lá thư của các giám mục vào cuối thế kỷ thứ nhất và thế kỷ thứ nhì, thì Phê-bê là người được ngay cả những người không tin Chúa biết tiếng và khen ngợi về những việc lành của bà.

Phao-lô kêu gọi Hội Thánh tại Rô-ma tiếp nhận Phê-bê một cách xứng đáng với những thánh đồ, có nghĩa là Phao-lô kêu gọi Hội Thánh hãy tiếp nhận bà như tiếp nhận Đấng Christ, vì mỗi thánh đồ là một chi thể của Đấng Christ. Là con dân Chúa chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng: Những gì chúng ta làm hoặc không làm cho các anh chị em cùng đức tin của chúng ta cũng chính là chúng ta làm hoặc không làm cho Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 25:31-46). Chính vì thế mà Đức Thánh Linh dạy rằng, chúng ta phải xem người khác là tôn trọng hơn mình (Phi-líp 2:3). Đức Chúa Jesus Christ sẽ xem cách mà chúng ta cư xử với anh chị em cùng đức tin của chúng ta như là chúng ta cư xử với chính Ngài. Và Ngài là Đấng sẽ báo trả tất cả những sự gì bất công và không tôn trọng do bất cứ ai làm ra đối với con dân của Ngài.

Chớ có ai lấn lướt hay là lợi dụng anh chị em cùng Cha của mình trong việc gì; vì Chúa là Đấng báo trả tất cả những sự đó, như chúng tôi đã nói trước với các anh chị em và đã làm chứng.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:6).

Phao-lô cũng kêu gọi Hội Thánh tại Rô-ma hãy sẵn lòng giúp đỡ Phê-bê bất cứ điều gì mà bà cần. Là con dân Chúa, chúng ta phải luôn tiếp nhận và giúp đỡ các anh chị em cùng Cha của chúng ta theo như cách xứng đáng với những thánh đồ của Chúa. Đó cũng chính là dấu hiệu khiến cho mọi người nhận biết chúng ta là môn đồ của Đấng Christ (Giăng 13:35).

Chúng ta không biết rõ là Phê-bê đến Rô-ma với mục đích gì. Có thể là Phê-bê làm nhiệm vụ mang thư của Phao-lô viết, trao cho Hội Thánh tại Rô-ma, giải thích ý nghĩa của lá thư, và thảo luận với Hội Thánh về việc tiếp trợ Phao-lô trong chuyến truyền giáo xứ Tây-ban-nha. Vào thời bấy giờ, các chấp sự thường làm công việc chuyển thư của các sứ đồ và của các giám mục đến các Hội Thánh địa phương, giúp giải thích ý nghĩa của thư, cũng như thông truyền các tin tức giữa các Hội Thánh. Cũng có thể là Phê-bê có việc riêng, liên quan đến việc làm ăn của bà, cần đi đến Rô-ma, nên Phao-lô nhờ bà mang thư. Dựa vào các lá thư của các giám mục thời bấy giờ, nói về sự Phê-bê tích cực trong các mục vụ và thường xuyên đi nhiều nơi, mà chúng ta có thể tin rằng, Phê-bê không đến Rô-ma vì việc riêng mà là để chuẩn bị cho chuyến truyền giáo xứ Tây-ban-nha của Phao-lô. Thánh Kinh không ghi lại chuyến truyền giáo xứ Tây-ban-nha của Phao-lô, nhưng cũng theo các lá thư của các giám mục thời bấy giờ thì Phao-lô có thực hiện chuyến truyền giáo tại Tây-ban-nha, trước khi ông bị chính quyền La-mã bắt vào năm 67 và xử tử vào mùa hè năm 68, vì đức tin của ông nơi Đấng Christ.

Dù mục đích chính của Phê-bê là mang thư của Phao-lô đến Rô-ma hay nhân dịp bà có việc riêng phải đến Rô-ma mà bà nhận mang thư, thì Phê-bê vẫn là người đầu tiên giải thích ý nghĩa của thư Rô-ma cho con dân Chúa tại Rô-ma. Chúng ta hãy tưởng tượng, sau khi thư Rô-ma được đọc cho Hội Thánh tại Rô-ma, thì có lẽ Hội Thánh đã yêu cầu đọc lại nhiều lần và nêu lên những thắc mắc. Phê-bê là một chấp sự trong Hội Thánh, là người mang thư và có bổn phận giải thích ý nghĩa của thư. Chúng ta có thể tin rằng, bà đã làm tròn nhiệm vụ bởi sự ban ơn của Đức Thánh Linh. Công Vụ Các Sứ Đồ 28:13-15 cho chúng ta biết, khi Hội Thánh tại Rô-ma nghe tin Phao-lô đã được giải giao đến Rô-ma, và đã xuống tàu tại thành Bu-xơ-lơ để đi đường bộ về Rô-ma, thì họ đã đi đến tận Áp-bi-u Phô-rum là một nơi cách Rô-ma khoảng 70 km, và Ba Quán, một nơi cách Rô-ma khoảng 50 km, để tiếp đón Phao-lô. Chi tiết này hàm ý Hội Thánh tại Rô-ma chia thành hai nhóm người đi đón Phao-lô. Nhóm đi trước gặp Phao-lô tại Áp-bi-u Phô-rum và nhóm đi sau gặp Phao-lô cùng nhóm đi trước tại Ba Quán. Sự tiếp đón nhiệt tình này hàm ý, Hội Thánh tại Rô-ma đã tiếp nhận sự dạy dỗ của Phao-lô trong thư Rô-ma, mà Phê-bê đã mang đến cho họ khoảng bốn năm trước đó.

3 Hãy chào Bê-rít-sin và A-qui-la, {là} các người cùng làm việc với tôi trong Đấng Christ Jesus,

4 là các người đã vì mạng sống của tôi mà sẵn sàng liều mạng sống của họ! Chẳng phải chỉ một mình tôi biết ơn họ, nhưng cả các Hội Thánh của các dân ngoại nữa.

Bê-rít-sin là vợ, A-qui-la là chồng. Tên Bê-rít-sin ra từ tiếng La-tinh, có nghĩa là “thời xưa” (cổ đại). Tên A-qui-la cũng ra từ tiếng La-tinh, có nghĩa là “chim ưng” (đại bàng). Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 18:2 thì A-qui-la quê ở xứ Bông (Pontus). Xứ Bông nằm về phía đông bắc của Tiểu Á, là vùng duyên hải của Biển Đen (Hắc Hải – Black Sea). Vào năm 49, Hoàng đế Cơ-lốt (Claudius) của La-mã truyền lệnh cho tất cả những người Do-thái phải ra khỏi kinh đô Rô-ma. Vì thế, A-qui-la cùng vợ là Bê-rít-sin rời thành Rô-ma và đến sinh sống tại thành Cô-rinh-tô. Vào cuối mùa thu năm 50, khi Phao-lô đến thành Cô-rinh-tô để giảng Tin Lành, thì ông ở trọ trong nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin, vì Phao-lô cùng làm nghề may lều trại như họ. Có lẽ A-qui-la và Bê-rít-sin tin nhận Tin Lành trong dịp này; cũng có thể là họ đã tin nhận Tin Lành khi còn ở Rô-ma trước đó. Phao-lô ở chung với họ hơn 18 tháng, làm công việc giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa tại Cô-rinh-tô, rồi cùng họ đi tàu qua xứ Sy-ri. Sau đó, cả ba cùng trở lại thành Ê-phê-sô. A-qui-la và Bê-rít-sin ở lại Ê-phê-sô trong khi Phao-lô đi qua Sê-sa-rê, Giê-ru-sa-lem, rồi quay lại thành An-ti-ốt. Sau khi ở lại An-ti-ốt một thời gian thì Phao-lô đi qua xứ Ga-la-ti và xứ Phi-ri-gi, trước khi về lại Ê-phê-sô và mỗi ngày dạy Lời Chúa trong trường học của Ti-ra-nu, suốt hai năm.

Trong khi A-qui-la và Bê-rít-sin lưu lại Ê-phê-sô thì có một người Do-thái tên là A-bô-lô đến Ê-phê-sô, để rao giảng về Đức Chúa Jesus Christ. Khi Bê-rít-sin và A-qui-la nghe A-bô-lô giảng thì đem ông về nhà với họ, và giãi bày cho ông cách chính xác hơn về đường lối của Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 18). Chúng ta có thể nói, Bê-rít-sin và A-qui-la dạy Thần Học cho A-bô-lô. Thần Học (viết hoa) khác với thần học (viết thường) ở chỗ Thần Học là môn học về Thiên Chúa của Thánh Kinh qua Thánh Kinh, trong khi thần học là môn học về thế giới thần linh, kể cả các tà thần của ngoại giáo, qua bất cứ tài liệu nào. Động từ “giãi bày” được dùng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 18:26 được dùng với ngôi thứ ba số nhiều, cho thấy cả Bê-rít-sin lẫn A-qui-la đều làm công việc giãi bày đường lối của Đức Chúa Trời cho A-bô-lô. Động từ “giãi bày” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là bày ra, công bố, giải thích, làm cho hiểu rõ ràng… nói cách khác là giảng dạy. Đây cũng chính là trường hợp Thánh Kinh ghi lại sự kiện đàn bà giảng dạy Lời Chúa cho đàn ông. Một số giáo hội mang danh Chúa không cho phép phụ nữ giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, vì hiểu lầm ý nghĩa của I Ti-mô-thê 2:12 [3].

Sau khi Hoàng Đế Cơ-lốt qua đời vào năm 54 thì lệnh cấm dân Do-thái sinh sống tại kinh đô Rô-ma bị hủy bỏ. Có lẽ A-qui-la và Bê-rít-sin đã quay lại thành Rô-ma vào thời điểm ấy. Khi Phao-lô viết thư Rô-ma vào cuối năm 57 thì A-qui-la và Bê-rít-sin đã ở tại Rô-ma, vì thế mà Phao-lô gửi lời chào thăm họ trong thư. Có lẽ cả A-qui-la và Bê-rít-sin đều tử đạo cùng thời điểm với Phao-lô và Phi-e-rơ, khoảng giữa năm 68, vào cuối cơn bách hại bởi Hoàng Đế Nê-rô (Nero).

Phao-lô gọi A-qui-la và Bê-rít-sin là bạn cùng làm việc với ông trong Đấng Christ Jesus, có nghĩa là họ cùng ông rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa và gây dựng đức tin cho những người đã biết Chúa. Qua sự kiện này, chúng ta thấy, một người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận Tin Lành, và hết lòng sống nếp sống mới Chúa ban, sẽ nhanh chóng trở thành người sốt sắng hầu việc Chúa trong mục vụ giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh. Mỗi người trong chúng ta nên tự hỏi mình rằng, từ khi theo Chúa cho đến nay, chúng ta đã làm những gì trong công tác rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh?

Phao-lô còn cho biết, A-qui-la và Bê-rít-sin đã vì mạng sống của ông mà sẵn sàng liều mạng sống của họ. Thánh Kinh không ghi lại vào trường hợp nào A-qui-la và Bê-rít-sin đã sẵn sàng liều mạng sống của họ, để cứu Phao-lô. Nhưng có lẽ A-qui-la và Bê-rít-sin đã liều mình bảo vệ Phao-lô trước sự tấn công của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo tại Cô-rinh-tô và Ê-phê-sô, như đã chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 18. Chẳng những cá nhân Phao-lô biết ơn A-qui-la và Bê-rít sin về sự họ cùng ông hầu việc Chúa và sự họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ ông, mà ông còn khẳng định rằng, các Hội Thánh giữa các dân ngoại cũng biết ơn họ. Đó là vì sự A-qui-la và Bê-rít-sin trực tiếp đồng công với Phao-lô trong mục vụ và sự họ tiếp trợ ông, bảo vệ ông đã đóng góp rất nhiều cho mọi thành quả của mục vụ, qua đó, đem lại nhiều ơn phước của Chúa cho các Hội Thánh thời bấy giờ.

5 Cũng {hãy chào} Hội Thánh tại nhà của họ! Hãy chào Ê-bai-nết, người rất yêu dấu của tôi, người là trái đầu mùa trong xứ A-chai cho Đấng Christ!

Rô-ma 16:5 và I Cô-rinh-tô 16:19 cho chúng ta biết, A-qui-la và Bê-rít-sin dùng nhà của họ tại Rô-ma và Ê-phê-sô làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh. Nhưng chúng ta cũng có thể tin rằng, trong hơn 18 tháng Phao-lô sống chung nhà với họ tại Cô-rinh-tô, thì nhà của họ cũng được dùng làm một trong các nơi Hội Thánh nhóm hiệp thờ phượng Chúa. Dùng nhà riêng làm nơi nhóm hiệp thờ phượng Chúa là tấm lòng của con dân Chúa trong giai đoạn đầu trong lịch sử của Hội Thánh, bắt đầu với Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:46). Vào đầu thế kỷ thứ ba thì con dân Chúa bắt đầu xây dựng thêm phòng nhóm cho Hội Thánh, tại nhà riêng của mình. Đến cuối thế kỷ thứ tư, sau khi Công Giáo trở thành quốc giáo trong đế quốc La-mã [4], thì các đền thờ tà thần bị biến thành nơi nhóm hiệp của Giáo Hội Công Giáo và Công Giáo cũng bắt đầu xây dựng các nhà thờ to lớn. Từ thế kỷ 11 trở đi, các giáo hội Công Giáo, Chính Thống Giáo đã ra sức xây dựng những nhà thờ nguy nga, đồ sộ. Đến thế kỷ 15 thì các giáo hội Cải Chính và Tin Lành cũng đã theo gương các giáo hội Công Giáo và Chính Thống Giáo mà xây cất các nhà thờ. Ngày nay, nước Mỹ là quốc gia đứng hàng đầu trong việc xây cất các nhà thờ; hầu như khắp nơi trên nước Mỹ, con phố nào cũng có một vài nhà thờ.

Chúng ta không có dữ kiện nào khác trong Thánh Kinh hoặc trong sử liệu của Hội Thánh về Ê-bai-nết. Tên Ê-bai-nết có nghĩa là đáng khen. Phao-lô gọi Ê-bai-nết là “trái đầu mùa trong xứ A-chai cho Đấng Christ” hàm ý, Ê-bai-nết là người đầu tiên tin nhận Tin Lành trong xứ A-chai. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và một số bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ dùng danh từ A-si thay vì A-chai, đó là vì trong một số các văn bản chép tay của thư Rô-ma, chép là A-si. Trong I Cô-rinh-tô 16:15 ghi rằng: “nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai”. Như vậy, có lẽ Ê-bai-nết là một người trong gia đình Sê-pha-na. Phao-lô gọi Ê-bai-nết là “người rất yêu dấu của tôi” có lẽ vì Ê-bai-nết là người đầu tiên tại A-chai tin nhận Tin Lành qua lời giảng của Phao-lô và sốt sắng dự phần trong mục vụ của Phao-lô tại đó.

6 Hãy chào Ma-ri, người có nhiều công khó vì chúng ta!

Tên Ma-ri trong tiếng Hy-lạp là tên Mi-ri-am trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là sự phản nghịch. Rất tiếc là chúng ta không tìm thấy nơi nào khác trong Thánh Kinh nói về Ma-ri thuộc Hội Thánh tại Rô-ma. Theo lời truyền khẩu trong Hội Thánh thì Ma-ri thuộc Hội Thánh tại Rô-ma là một người được Giám Mục I-nha-xi-ô (Ignatius) của Hội Thánh tại An-ti-ốt viết thư khen ngợi là rất trung tín, đẹp lòng Đức Chúa Trời, người mang lấy Đấng Christ, và khôn sáng trong mọi sự. Trong một thư khác, ông gọi bà là người rất có học thức, là tấm gương sáng cho những phụ nữ tin kính, và là người dùng nhà mình làm chỗ nhóm hiệp của Hội Thánh. Phao-lô gọi Ma-ri là “người có công khó vì chúng ta” có lẽ vừa nói đến sự đóng góp của bà trong việc gây dựng Hội Thánh tại Rô-ma vừa nói đến những sự tiếp trợ của bà cho mục vụ của ông, khi bà có cơ hội gặp ông.

7 Hãy chào An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a, {là} bà con của tôi và bạn cùng tù với tôi, {là} các người có danh tiếng trong các sứ đồ, và họ cũng ở trong Đấng Christ trước tôi!

An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a có lẽ là một cặp vợ chồng. Tên An-trô-ni-cơ có nghĩa là người chiến thắng. Tên Giu-ni-a có nghĩa là trẻ trung. Nếu họ là vợ chồng thì một trong hai người là bà con của Phao-lô. Nếu họ không phải là vợ chồng thì cả hai đều là bà con của Phao-lô. Có một số nhà giải kinh cho rằng tên Giu-li-a là tên của một người nam, không phải là tên của một người nữ. Tuy nhiên, trong thực tế, chưa bao giờ trong văn chương Hy-lạp dùng Giu-li-a làm tên cho phái nam.

Chúng ta không biết khi nào thì họ cùng ở tù với Phao-lô. Trong cuộc đời truyền giáo của Phao-lô, chắc chắn là ông đã trải qua nhiều lần bị tù chứ không phải chỉ mấy lần được ghi lại trong Thánh Kinh. Trong II Cô-rinh-tô 11:25 Phao-lô cho biết, ông trải qua ba lần bị chìm tàu, nhưng ba lần chìm tàu này không được ghi lại trong Thánh Kinh. Lần chìm tàu trên đường Phao-lô bị giải giao về Rô-ma, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 27, không phải là một trong ba lần chìm tàu mà Phao-lô nói đến trong II Cô-rinh-tô; vì thư II Cô-rinh-tô được viết trước đó khoảng bốn năm. Vì thế, có lẽ An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a đã cùng bị tù với Phao-lô trong lần nào đó khi Phao-lô bị tù, nhưng lần đó không được ghi lại trong Thánh Kinh.

Theo ngữ pháp thì mệnh đề “các người có danh tiếng trong các sứ đồ” có nghĩa là: An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a là hai sứ đồ có danh tiếng trong các sứ đồ. Một số nhà giải kinh cho rằng, mệnh đề ấy có nghĩa là: An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a là hai người có danh tiếng “đối với” các sứ đồ. Tuy nhiên, giải thích như vậy là gượng ép, vì giới từ “trong” có nghĩa là trong vòng các sứ đồ, trong số các sứ đồ. Hơn nữa, nếu An-trô-ni-cơ và Giu-li-a không phải là sứ đồ nhưng là hai người có danh tiếng thì họ có danh tiếng đối với cả Hội Thánh, chứ không riêng gì với các sứ đồ.

Chúng ta cần hiểu rằng, các sứ đồ được Phao-lô nói đến trong câu này không phải chỉ giới hạn trong vòng 12 sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem và chính mình Phao-lô, mà là tất cả những ai đi khắp nơi giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa và thành lập Hội Thánh địa phương tại những nơi đó. Trong số đó, có một số là sứ đồ giả, tức là những người không thực sự được Chúa kêu gọi vào chức vụ sứ đồ, nhưng tự mình xưng là sứ đồ mà Phao-lô đã nói đến trong II Cô-rinh-tô 11:13.

Trong khi biên soạn bài giảng về chức vụ sứ đồ (07/2013) [5] chúng tôi có nhắc đến trường hợp An-trô-ni-cơ và Giu-li-a cũng là sứ đồ, nhưng lại hiểu rằng Giu-li-a là tên của một người nam, và chúng tôi có đưa ra một điểm trong phần kết luận là: “Chức vụ sứ đồ, cũng như các chức vụ giám mục và trưởng lão, chỉ dành riêng cho phái nam, vì là những chức vụ có thẩm quyền trong việc cai trị Hội Thánh.” Lời kết luận ấy bị ảnh hưởng bởi quan điểm giải kinh và thần học do các giáo hội giảng dạy, và không đúng với sự giãi bày của Thánh Kinh. Chúng tôi thành thật xin lỗi Hội Thánh và xin bỏ đi lời kết luận ấy. Giờ đây, qua sự suy ngẫm những câu Thánh Kinh có liên quan đến vấn đề, chúng tôi hiểu rằng: Con dân Chúa, không phân biệt nam nữ, đều có thể được Chúa gọi vào các chức vụ trong Hội Thánh. Riêng về thẩm quyền cai trị trong Hội Thánh địa phương, khi trong Hội Thánh không có giám mục hay trưởng lão là người nam, thì nữ giám mục hay nữ trưởng lão trong Hội Thánh sẽ có thẩm quyền cai trị, như xưa kia nữ Tiên Tri Đê-bô-ra cai trị dân I-sơ-ra-ên trong thời Các Quan Xét (Các Quan Xét 4).

Các giáo hội thường dùng I Ti-mô-thê 2:11-12 để bác bỏ việc phụ nữ có thẩm quyền cai trị trong Hội Thánh. Nhưng khi hai câu ấy được đặt trong văn mạch và ngữ pháp của I Ti-mô-thê 2:8-15 thì chúng ta thấy rõ, đó là lời dạy về quan hệ vợ chồng và nếp sống đạo trong gia đình, không liên quan gì đến các chức vụ và thẩm quyền trong Hội Thánh, hoặc sinh hoạt của Hội Thánh. Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe lại bài giảng chú giải I Ti-mô-thê 2:1-15 trên www.timhieuthanhkinh.com [6].

An-trô-ni-cơ và Giu-li-a ở trong Đấng Christ trước Phao-lô có nghĩa là họ tin nhận Tin Lành trước Phao-lô. Rất có thể, họ tin nhận Tin Lành từ trước khi Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá, và là hai trong số khoảng 120 môn đồ của Chúa. Cũng có thể họ là hai trong số khoảng ba ngàn người tin Chúa trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm và Hội Thánh được thành lập (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41).

8 Hãy chào Am-li-a, người rất yêu dấu của tôi trong Chúa.

Tên Am-li-a có nghĩa là rộng lớn. Chúng ta không biết gì nhiều về Am-li-a, ngoài việc có lẽ ông là người tin Chúa qua lời giảng của Phao-lô, và được Phao-lô yêu quý, vì có nếp sống tin kính trong Chúa.

9 Hãy chào U-rơ-banh, bạn cùng làm việc của chúng tôi trong Đấng Christ, và Ếch-ta-chy, người rất yêu dấu của tôi!

Tên U-rơ-banh có nghĩa là thuộc về thành phố. Chúng ta cũng không biết gì nhiều về ông, ngoài việc Phao-lô xác nhận ông là bạn cùng hầu việc Chúa với Phao-lô và những người cùng hầu việc Chúa với Phao-lô. Tên Ếch-ta-chy có nghĩa là ngọn bông lúa. Theo các ghi chép trong Hội Thánh thì ông là một trong bảy mươi môn đồ được Đức Chúa Jesus Christ sai đi giảng Tin Lành (Lu-ca 10:1) và là giám mục của Hội Thánh tại Bi-dan-ti-âm (Byzantium) trong 16 năm.

10 Hãy chào A-be-lơ, người được tiếp nhận trong Đấng Christ! Hãy chào những người của A-rích-tô-bu!

Tên A-be-lơ có nghĩa là được kêu gọi. Chúng ta không biết gì hơn về A-be-lơ. “Người được tiếp nhận trong Đấng Christ” hàm ý, người tin nhận Đấng Christ và đã trải qua thử thách mà vẫn giữ vững đức tin. Tên A-rích-tô-bu có nghĩa là người cố vấn giỏi nhất. A-rích-tô-bu là cháu nội của Hê-rốt Đại Đế. “Những người của A-rích-tô-bu” là cách nói để chỉ về những người nô lệ của A-rích-tô-bu.

11 Hãy chào Hê-rô-đi-ôn, {là} bà con của tôi! Hãy chào những người của Nạt-xít, {là những người} ở trong Chúa.

Tên Hê-rô-đi-ôn có nghĩa là anh hùng. Theo các ghi chép trong Hội Thánh thì ông là giám mục của Hội Thánh tại Tạt-sơ, quê của Phao-lô. Tên Nạt-xít có nghĩa là ngu dốt. “Những người của Nạt-xít” là cách nói để chỉ về những người nô lệ của Nạt-xít. “Những người ở trong Chúa” là những người có sự cứu rỗi và sống theo Lời Chúa.

12 Hãy chào Try-phe-nơ và Try-phô-sơ, {là} các người lao động trong Chúa! Hãy chào người rất yêu dấu Bẹt-si-đơ, {là} người đã lao động nhiều trong Chúa.

Try-phe-nơ có nghĩa là sự sang trọng hoặc sự thanh nhã. Try-phô-sơ có nghĩa là có tính cách sang trọng hoặc có tính cách thanh nhã. Try-phe-nơ và Try-phô-sơ có lẽ là hai chị em sinh đôi, người Rô-ma, thuộc một gia đình giàu có và có danh tiếng ở thành I-cô-ni, thuộc xứ Ly-cao-ni. Bẹt-si-đơ có nghĩa là người nữ xứ Phe-rơ-xơ (tức I-răn ngày nay) và như tên gọi hàm ý, bà là người Phe-rơ-xơ. Có lẽ Bẹt-si-đơ vốn là một người nô lệ, không có tên riêng. Tên Bẹt-si-đơ là tên thông dụng của những nữ nô lệ người Phe-rơ-sơ thời bấy giờ. Cùng với Try-phe-nơ và Try-phô-sơ, sự vất vả hầu việc Chúa của Bẹt-si-đơ được Phao-lô ghi nhận, đánh giá cao, và khen ngợi. Chúng ta hiểu rằng, đàng sau sự ghi nhận, đánh giá, và khen ngợi đó chính là Đức Thánh Linh. Dù chúng ta không biết chi tiết về sự hầu việc Chúa của ba người phụ nữ này, nhưng chắc chắn kết quả sự lao động cực nhọc trong Chúa của họ đã góp phần gây dựng lớn cho Hội Thánh tại Rô-ma. Một chi tiết đáng chú ý ở đây là: Trong khi Try-phe-nơ và Try-phô-sơ thuộc về một gia đình người Rô-ma giàu có và có danh tiếng thì Bẹt-si-đơ xuất thân từ nô lệ và là người Phe-rơ-sơ, nhưng họ đã cùng nhau tích cực hầu việc Chúa trong Hội Thánh tại Rô-ma. Một bên không kiêu ngạo, không xem thường người khác; một bên không tự ti mặc cảm. Họ thật sự hiểu rằng:

Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ. Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:27-28).

Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả. Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót! Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại!” (Cô-lô-se 3:11-12).

Động từ “lao động” nói đến sự làm việc cách vất vả, cực nhọc. Phao-lô dùng từ ngữ “lao động trong Chúa” hàm ý đến việc rao giảng Tin Lành cho người chưa tin Chúa và giảng dạy Lời Chúa cho người đã tin Chúa, chứ không chỉ nói về sự tiếp trợ, giúp đỡ về vật chất. Tương tự như vậy, Phao-lô dùng từ ngữ “bạn cùng làm việc” hàm ý người cùng ông rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa. Vì thế, rất có thể ba người phụ nữ được nói đến trong câu này là trưởng lão trong Hội Thánh tại Rô-ma.

Chúng ta thấy, Phao-lô đặc biệt dùng tính từ “nhiều” để nói về sự lao động trong Chúa của Bẹt-si-đơ. Dường như Bẹt-si-đơ đã quen với đời sống nô lệ, nên sau khi trở thành môn đồ của Chúa thì bà vẫn giữ thói quen làm việc vất vả trong sự hầu việc Chúa. Chẳng những làm việc vất vả cho Chúa mà bà còn làm việc nhiều. Chúng ta có thể hiểu rằng, vì lòng biết ơn Chúa và tình yêu của bà dành cho Chúa, mà bà đã lao động nhiều trong sự hầu việc Chúa. Bà là tấm gương sáng cho con dân Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta đang lao động nhiều cho Chúa, hay cho chính chúng ta, hay cho ai khác?

13 Hãy chào Ru-phu, {là} người được chọn trong Chúa, và {hãy chào} mẹ của người, cũng là {mẹ} của tôi!

Tên Ru-phu có nghĩa là màu đỏ. Rất có thể Ru-phu được nói đến ở đây cũng chính là Ru-phu con của Si-môn thành Sy-ren, là người giúp vác thập tự giá cho Đức Chúa Jesus Christ (Mác 15:21) Về sau, Ru-phu là giám mục của Hội Thánh tại thành Thiếp (Thebes) xứ Ai-cập. Mỗi một con dân Chúa đều là người được chọn của Thiên Chúa (Rô-ma 8:33), nhưng ở đây, Phao-lô gọi Ru-phu là người được chọn trong Chúa có lẽ để nhấn mạnh đến sự kiện các phẩm chất tốt lành của những người được chọn đã được chiếu sáng qua Ru-phu. Nói cách khác, Ru-phu là tấm gương sáng về nếp sống của một người được chọn trong Chúa. Phao-lô xem mẹ của Ru-phu như là mẹ của ông có lẽ vì bà cư xử với Phao-lô như là một trong các con của bà. Cũng có thể, mẹ của Ru-phu là một phụ nữ hết lòng tin kính Chúa nên Phao-lô xem bà là mẹ của ông theo ý nghĩa lời phán của Đức Chúa Jesus Christ:

Vì bất cứ ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời, thì người ấy là anh em cùng Cha, chị em cùng Cha, và mẹ của Ta vậy.” (Ma-thi-ơ 12:50).

Là con dân Chúa chúng ta nên cư xử với nhau như anh chị em trong gia đình, vì chúng ta có cùng chung một Cha ở trên trời là Đức Chúa Trời. Đối với những người lớn tuổi thì chúng ta nên xem họ như là ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì… của mình.

14 Hãy chào A-sin-cơ-rích, Phơ-lê-gôn, Hẹt-me, Ba-trô-ba, Hẹt-ma, và những anh chị em cùng Cha {ở} với họ.

Tên A-sin-cơ-rích có nghĩa là không thể so sánh. Tên Phơ-lê-gôn có nghĩa là đang cháy. Tên Hẹt-me có nghĩa là Thủy Tinh (tên một hành tinh trong thái dương hệ). Tên Ba-trô-ma có nghĩa là thuộc về bên gia đình của cha. Tên Hẹt-ma có nghĩa là Thần Thủy Tinh trong văn chương Hy-lạp. Chúng ta không biết gì hơn về các người này, có thể họ là các trưởng lão trong Hội Thánh tại Rô-ma. “Những anh chị em cùng Cha ở với họ” hàm ý những con dân Chúa thường xuyên nhóm hiệp tại nhà của họ.

15 Hãy chào Phi-lô-lô-gơ và Giu-li, Nê-rê và chị của người, Ô-lim, cùng hết thảy những thánh đồ {ở} với họ!

Tên Phi-lô-lô-gơ có nghĩa là người yêu sự lý luận. Tên Giu-li có nghĩa là tóc mềm. Có lẽ Giu-li là vợ của Phi-lô-lô-gơ. Tên Nê-rê có nghĩa là cục bướu, khối u. Tên Ô-lim có nghĩa là thuộc về trời, ở trên trời. Chúng ta không biết gì hơn về các người này. Có lẽ họ cũng là các trưởng lão trong Hội Thánh tại Rô-ma. “Những thánh đồ ở với họ” hàm ý những con dân Chúa thường xuyên nhóm hiệp tại nhà của họ.

Rô-ma là kinh đô của đế quốc La-mã thời bấy giờ với dân số khoảng một triệu người. Vì thế, Hội Thánh tại Rô-ma có thể là một Hội Thánh lớn, có nhiều trưởng lão và có nhiều điểm nhóm là nhà của các trưởng lão. Có thể các người Phao-lô gửi lời chào thăm từ câu 12 đến câu 15 đều là trưởng lão của Hội Thánh và dùng nhà của họ làm điểm nhóm của Hội Thánh.

16 Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh! Các Hội Thánh của Đấng Christ chào các anh chị em.

Phao-lô đề nghị con dân Chúa thời bấy giờ dùng nụ hôn thánh để chào lẫn nhau. Sự chào nhau bằng nụ hôn thánh được nói đến trong I Cô-rinh-tô 16:20; II Cô-rinh-tô 13:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:26. Còn trong I Phi-e-rơ 5:14 thì Sứ Đồ Phi-e-rơ gọi là nụ hôn yêu thương. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:37 nói đến con dân Chúa ôm hôn Phao-lô và khóc khi ông chia tay với họ tại thành Mi-lê.

Nụ hôn là dấu hiệu thể hiện tình yêu. Hôn một người là thể hiện tình yêu của mình dành cho người ấy. Nhận nụ hôn của một người là thể hiện mình chấp nhận tình yêu của người ấy. Dân Trung Đông và một phần Châu Âu thời xưa có phong tục hôn hai bên gò má của nhau để thể hiện tình cảm dành cho nhau. Con dân Chúa trong Hội Thánh ban đầu cũng có thói quen hôn lên má nhau như một cách chào khi gặp mặt và khi chia tay.

Nụ hôn thánh là nụ hôn không vì mục đích tìm kiếm cảm giác thỏa mãn tính dục, cũng không giả hình như nụ hôn của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt dành cho Chúa.

Ngày nay, phong tục hôn để chào nhau chỉ còn sót lại trong một số con dân Chúa người Hy-lạp và người thuộc một số dân Trung Đông.

Các Hội Thánh của Đấng Christ chào các anh chị em” có nghĩa là con dân Chúa trong các Hội Thánh biết tin Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Rô-ma thì họ nhờ Phao-lô gửi lời chào thăm của họ đến Hội Thánh tại Rô-ma.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/08/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Ngài Đi Cùng Tôi”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/ngai-di-cung-toi/

B.Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] http://www.earlychristianwritings.com/churchfathers.html

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-3_1-16/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-2_1-15/

[4] Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.

[5] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-03-cac-chuc-vu-chuc-vu-su-do/

[6] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-2_1-15/