Chú Giải Rô-ma 16:17-27

2,618 views

Roma_045 Lời Khuyên, Lời Chào Thăm, Lời Chúc Phước
(Rô-ma 16:17-27)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

17 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy coi chừng những kẻ gây ra những sự chia rẽ và những sự vấp phạm, nghịch lại giáo lý mà các anh chị em đã học được! Hãy tránh khỏi họ!

18 Vì những kẻ như vậy chẳng phụng sự Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ, nhưng {phục vụ} cái bụng của họ; dùng những lời ngọt ngào và êm tai mà dối gạt lòng của những người vô tội.

19 Vì sự vâng phục của các anh chị em đã {được biết} đến khắp nơi, nên tôi vì các anh chị em mà vui mừng. Tôi mong rằng các anh chị em được khôn sáng về điều lành và thanh sạch về điều dữ.

20 Nhưng Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ sớm giày đạp Sa-tan dưới chân của các anh chị em. Nguyện ân điển của Chúa chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ, {ở} với các anh chị em! A-men!

21 Ti-mô-thê, người cùng làm việc với tôi, Lu-si-út, Gia-sôn, Sô-xi-ba-tê, {là} các bà con của tôi chào các anh chị em.

22 Tôi {là} Tẹt-tiu, người chép thư, chào thăm các anh chị em trong Chúa.

23 Gai-út, người tiếp đãi tôi và toàn thể Hội Thánh, chào các anh chị em. Ê-rát, thủ quỹ của thành phố, Qua-rơ-tu, người anh em cùng Cha, cũng chào các anh chị em.

24 Nguyện ân điển của Chúa chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ, {ở} với hết thảy các anh chị em! A-men!

25 Nguyện Đấng có quyền làm cho vững vàng các anh chị em theo Tin Lành của tôi và lời giảng của Đức Chúa Jesus Christ, theo sự mạc khải về lẽ mầu nhiệm đã giấu kín từ các thời vô tận,

26 mà bây giờ được làm cho lộ ra, và cũng bởi Thánh Kinh của các tiên tri, theo lệnh của Đức Chúa Trời Hằng Sống, khiến cho mỗi một dân tộc đều biết về sự vâng phục của đức tin,

27 {là} Thiên Chúa khôn sáng có một, qua Đức Chúa Jesus Christ {được} vinh quang cho đến đời đời! A-men. [Viết tại thành Cô-rinh-tô cho người Rô-ma, do Phê-bê, chấp sự của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê, chuyển đến.]

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzA0MjExMDlf/11645_ChuGiaiRoma_16_17-27LoiKhuyenLoiChaoThamLoiChucPhuoc.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11645_chugiairoma_16_17-27_loikhuyenloichaothamloichucphuoc
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/28w5t596srww3a7/11645_ChuGiaiRoma_16_17-27LoiKhuyenLoiChaoThamLoiChucPhuoc.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Sứ Đồ Phao-lô, sau khi đã giãi bày các lẽ thật về Tin Lành và bày tỏ lòng ao ước được ghé thăm Hội Thánh tại Rô-ma trước khi ông thực hiện chuyến truyền giáo tại Tây-ban-nha, đã gửi đến Hội Thánh tại Rô-ma lời khuyên cuối cùng và lời chúc phước. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của 11 câu cuối cùng trong thư Rô-ma, bao gồm lời khuyên của Phao-lô, các lời chào của các người cùng hầu việc Chúa với Phao-lô, của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, và lời Phao-lô chúc phước cho Hội Thánh tại Rô-ma.

17 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy coi chừng những kẻ gây ra những sự chia rẽ và những sự vấp phạm, nghịch lại giáo lý mà các anh chị em đã học được! Hãy tránh khỏi họ!

Từ xưa đến nay, trong Hội Thánh lúc nào cũng có những kẻ xấu. Ngay trong 12 sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ cũng có người phản nghịch Chúa. Còn những ngày đầu của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem thì có vợ chồng của A-na-nia và Sa-phi-ra. Khi Tin Lành đã đuợc giảng đến Tiểu Á, thì một trong các Hội Thánh tại đó, có Đi-ô-trép (III Giăng). Ngoài ra, Sứ Đồ Giăng cũng đã có lời cảnh cáo về những giáo sư giả, những tiên tri giả trong I Giăng và II Giăng; còn Sứ Đồ Phi-e-rơ thì cảnh cáo trong II Phi-e-rơ. Chính bản thân Sứ Đồ Phao-lô cũng đã viết trong thư gửi cho Hội Thánh tại Phi-líp rằng, “Thật có vài kẻ vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà rao giảng Đấng Christ…” (Phi-líp 1:15). Chính những kẻ vì lòng ganh ghét và cạnh tranh mà rao giảng Đấng Christ cũng là những kẻ gây ra những sự chia rẽ trong Hội Thánh, qua đó, khiến cho nhiều người bị vấp phạm. Việc làm của họ rõ ràng nghịch lại những gì Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy và các sứ đồ đã rao giảng.

Những kẻ ấy thường có các biểu hiện như sau:

  • Hay tìm cách tôn cao mình, tỏ ra mình tài giỏi, hiểu biết, siêng năng hơn người khác…

  • Hay nói xấu người khác, thường nhắc lại quá khứ phạm tội của người khác để dìm người khác xuống.

  • Bực tức, khó chịu khi thấy người khác hơn mình, nói những lời làm giảm đi giá trị kết quả những việc làm tốt của người khác.

  • Không công nhận những khả năng, ân tứ, lòng tốt của người khác và những việc lành của họ, trái lại, làm ngơ hoặc tìm cách gièm chê.

  • Tìm cách lấy lòng người khác để tạo bè đảng, vây cánh. Khi lôi kéo không được thì trở mặt, nói xấu, vu khống.

  • Là nguyên nhân gây ra những sự bất hòa trong Hội Thánh qua những việc nói xấu, vu khống, ganh tỵ, tranh cạnh…

Những người như vậy không phải là con dân chân thật của Chúa. Họ vào Hội Thánh như một người theo một tôn giáo, tìm cách để được mọi người khen ngợi, trọng vọng, mà nếp sống của họ không thể hiện sự ăn năn tội. Lời khuyên của Sứ Đồ Phao-lô là: Hãy tránh khỏi họ!

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ “tránh khỏi” là do hai chữ ghép thành: Động từ “tránh né” và giới từ “ra khỏi”. “Hãy tránh khỏi họ” có nghĩa là Hội Thánh phải dứt thông công những người như vậy, không chấp nhận cho họ ở trong Hội Thánh. Tội gây chia rẽ trong Hội Thánh và làm cho con dân Chúa vấp phạm là tội trọng, làm thiệt hại lớn đến thân thể của Đấng Christ. Hội Thánh không thể chấp nhận cho những kẻ sống trong tội như vậy mà cứ ở lại trong Hội Thánh.

18 Vì những kẻ như vậy chẳng phụng sự Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ, nhưng {phục vụ} cái bụng của họ; dùng những lời ngọt ngào và êm tai mà dối gạt lòng của những người vô tội.

Thành ngữ “phục vụ cái bụng” có nghĩa là phục vụ cho những sự ham muốn trong lòng, bất kể đúng sai. Những kẻ như vậy xem chính họ là Đức Chúa Trời của họ. Dù miệng họ nói là họ sống vì Chúa, nhưng thật ra mọi sự họ làm đều nhằm tôn cao bản thân. Chính vì thế mà họ sẵn sàng dối trá, vu khống bằng những lời ngọt ngào và êm tai.

Dối gạt lòng là dối gạt những cảm xúc trong lòng người, nói dối để người nghe rung động, cảm xúc, tin cậy.

Người vô tội là người ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, tức là người đã ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và không hướng lòng về những sự tội lỗi, nhưng vui sống thánh khiết theo Lời Chúa. Tính từ vô tội được dùng ở đây, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh còn có nghĩa là đơn sơ, thật thà, không nghi ngờ người khác, dễ tin.

Người vô tội có sự khôn sáng Chúa ban cho, có sự nhắc nhở, cảnh báo của Đức Thánh Linh khi họ đối diện với những kẻ xấu. Nhưng người vô tội phải tự mình quyết định sẽ dùng sự khôn sáng Chúa ban cho mình, đối chiếu mọi lời nói, mọi việc làm của người khác với Lời Chúa, quyết định nghe theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, hoặc là mềm lòng nghe theo những lời ngọt ngào và êm tai của những kẻ xấu.

19 Vì sự vâng phục của các anh chị em đã {được biết} đến khắp nơi, nên tôi vì các anh chị em mà vui mừng. Tôi mong rằng các anh chị em được khôn sáng về điều lành và thanh sạch về điều dữ.

Sự vâng phục được nói ở đây là sự vâng phục Chúa, tức là sống theo Lời Chúa. Sự vâng phục Chúa được thể hiện qua sự vâng phục những lời rao giảng, dạy dỗ của những người chăn và những trưởng lão chân thật trong Chúa. Trong phần mở đầu thư (Rô-ma 1:8), Phao-lô đã nói đến sự đức tin của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Rô-ma đã được lan truyền ra khắp thế gian (tức là khắp đế quốc La-mã thời bấy giờ). Sự vâng phục là sự thể hiện đức tin bằng hành động, là đức tin có việc làm (Gia-cơ 2:17-26).

Ngày nay, có biết bao nhiêu người xưng nhận mình là con dân Chúa, nhưng đời sống của họ thì nghịch lại Lời Chúa! Họ thật lòng tin rằng Thiên Chúa có thật và tin rằng Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa nhập thế làm người, chết thay cho mọi tội lỗi của họ, nhưng họ không vâng phục Ngài. Họ không sống thánh khiết theo Lời Chúa. Họ vẫn tiếp tục phạm tội để thỏa mãn những ham muốn bất chính của xác thịt; hoặc cứ buồn rầu, lo lắng về những nhu cầu trong cuộc sống, vì không tin rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp mọi nhu cầu của họ; hoặc không muốn chịu khổ vì danh Chúa khi bị gia đình hay chính quyền bách hại. Khi chúng ta nhìn thấy hay nghe biết về sự anh chị em cùng Cha của mình có nếp sống vâng phục Chúa, thì chúng ta hãy vui mừng và học theo họ.

Khôn sáng về điều lành có nghĩa là vừa hiểu biết rõ ràng về điều lành, vừa biết cách làm điều lành mà không gây ra vấp phạm, vừa nhận biết điều gì giống như điều lành nhưng không phải là điều lành.

Thanh sạch về điều dữ có nghĩa là vừa không hướng lòng về điều dữ, vừa không làm điều dữ, vừa không giúp người khác làm điều dữ.

20 Nhưng Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ sớm giày đạp Sa-tan dưới chân của các anh chị em. Nguyện ân điển của Chúa chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ, {ở} với các anh chị em! A-men!

Chúng ta đã học về ý nghĩa của danh xưng “Đức Chúa Trời của sự bình an” khi chúng ta học Rô-ma 15:33. Hiện tại, con dân Chúa có sự bình an trong tâm thần và linh hồn vì có đức tin nơi Chúa, nhưng thân thể xác thịt của họ vẫn có thể bị hãm hại bởi Sa-tan (như trường hợp của ông Gióp). Sự bình an của thể xác sẽ đến với con dân Chúa khi Sa-tan bị Đức Chúa Trời đánh hạ và giam vào hỏa ngục (Khải Huyền 20:10). Riêng đối với Hội Thánh thì sự bình an của thể xác sẽ đến trong ngày Đấng Christ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Thành ngữ “giày đạp Sa-tan” có nghĩa là chiến thắng Sa-tan. Trong hiện tại, con dân Chúa vẫn luôn có cơ hội giày đạp Sa-tan dưới chân mình mỗi khi con dân Chúa thắng mưu kế của Sa-tan, như Đấng Christ đã chiến thắng Sa-tan, dù nó có thể khiến cho Ngài bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá (Sáng Thế Ký 3:15). Muốn thắng mưu kế của Sa-tan thì con dân Chúa phải dùng mọi vũ khí Đức Chúa Trời đã ban cho mình, như đã liệt kê và hướng dẫn trong Ê-phê-sô 6:11-18. Ngay cả khi Sa-tan dùng tay chính quyền để bách hại con dân Chúa và xử chết họ nếu họ không chịu chối Chúa, thì khi ấy, những ai trung tín với Chúa, chấp nhận bị giết chết chứ không chối Chúa, là họ đã chiến thắng Sa-tan và giày đạp Sa-tan. Ngược lại, mỗi khi con dân Chúa thua kế Sa-tan, ngã vào sự cám dỗ mà phạm tội, thì con dân Chúa lại giày đạp Đấng Christ (Hê-bơ-rơ 10:29).

Ân điển là ơn ban cho người không xứng đáng. Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là ơn cứu rỗi chúng ta ra khỏi sự chết đời đời trong hỏa ngục. Đức Chúa Jesus Christ là Chúa của chúng ta có nghĩa là, Ngài là Đấng trọn quyền trên chúng ta, trong đời sống của chúng ta, chúng ta hoàn toàn thuộc về Ngài, và phải trọn vẹn vâng phục Ngài.

21 Ti-mô-thê, người cùng làm việc với tôi, Lu-si-út, Gia-sôn, Sô-xi-ba-tê, {là} các bà con của tôi chào các anh chị em.

Phao-lô dùng cách nói “người cùng làm việc với tôi” để gọi tất cả những ai đồng công với ông trong mục vụ rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa của ông. Khi Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Rô-ma thì ông đang ở tại thành Cô-rinh-tô. Ti-mô-thê cũng đang có mặt bên ông.

Tên Lu-si-út có nghĩa là sự chiếu sáng. Rất có thể là Lu-si-út người Sy-ren được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1. Theo các ghi chép trong Hội Thánh thì Lu-si-út là giám mục của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê, một hải cảng cách Cô-rinh-tô chừng 10 km.

Tên Gia-sôn có nghĩa là người sẽ chữa lành. Gia-sôn là người đã tiếp đón Phao-lô và Si-la tại thành Tê-sa-lô-ni-ca khi những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo nổi loạn, tìm bắt Phao-lô và Si-la (Công Vụ Các Sứ Đồ 17).

Tên Sô-xi-ba-tê có nghĩa là người cứu cha mình. Có thể cũng chính là Sô-ba-tê, con của Bi-ru, quê ở thành Đê-rê, và là một trong các người đồng hành với Phao-lô trong cuộc truyền giáo được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4 (Sô-ba-tê là cách gọi ngắn của Sô-xi-ba-tê).

Cả ba người: Lu-si-út, Gia-sôn, và Sô-xi-ba-tê, đều là bà con của Phao-lô; có lẽ họ là các anh em họ của Phao-lô.

22 Tôi {là} Tẹt-tiu, người chép thư, chào thăm các anh chị em trong Chúa.

Tên Tẹt-tiu có nghĩa là thứ ba. Qua câu này mà chúng ta biết thư Phao-lô gửi cho Hội Thánh tại Rô-ma được Phao-lô đọc cho Tẹt-tiu viết. Chúng ta không biết gì hơn về Tẹt-tiu. Như chúng ta đã biết, Sứ Đồ Phao-lô thường đọc cho người khác viết các thư của ông, rồi ông ký tên. Lý do Phao-lô phải nhờ người viết thư giùm ông có lẽ vì ông bị viễn thị, chỉ có thể nhìn xa, nhưng nhìn gần thì không rõ (Ga-la-ti 6:11). Rất có thể hai câu tiếp theo: Câu 23 và câu 24 cũng là lời của Tẹt-tiu, vì lời chúc phước trong câu 24 lập lại lời chúc phước trong câu 20.

23 Gai-út, người tiếp đãi tôi và toàn thể Hội Thánh, chào các anh chị em. Ê-rát, thủ quỹ của thành phố, Qua-rơ-tu, người anh em cùng Cha, cũng chào các anh chị em.

24 Nguyện ân điển của Chúa chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ, {ở} với hết thảy các anh chị em! A-men!

Tên Gai-út có nghĩa là chúa hoặc chủ. Trong Thánh Kinh có năm lần nhắc đến tên Gai-út, mà có thể là ba hay bốn người khác nhau:

  • Gai-út, người xứ Ma-xê-đoan, đồng hành với Phao-lô trong cuộc truyền giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:29).

  • Gai-út, quê thành Đẹt-bơ, cũng là người có mặt trong đoàn truyền giáo của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:14).

  • Gai-út, người nhận thư III Giăng thuộc một Hội Thánh gần Ê-phê-sô.

  • Gai-út, người ở tại thành Cô-rinh-tô và là người mà Phao-lô làm báp-tem cho (I Cô-rinh-tô 1:14), và được nói đến ở đây.

Gai-út phải là một người giàu có về vật chất nên có thể tiếp đón Phao-lô, Tẹt-tiu, và bất cứ ai là con dân Chúa, bao gồm con dân Chúa tại Cô-rinh-tô và từ các nơi khác đến Cô-rinh-tô. Ông thật là một người biết sử dụng ta-lâng về của cải vật chất Chúa ban cho mình.

Tên Ê-rát có nghĩa là được yêu. Công Vụ Các Sứ Đồ 19:22 nói đến việc Phao-lô sai Ti-mô-thê và Ê-rát sang xứ Ma-xê-đoan trước ông. II Ti-mô-thê 4:20 cho biết Ê-rát ở lại thành Cô-rinh-tô khi Phao-lô bị tù lần thứ nhì tại Rô-ma. Chúng ta không biết trong thời gian Ê-rát được nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:22 thì ông có đang giữ chức vụ thủ quỹ cho thành phố Cô-rinh-tô hay không. Phần lớn là không, vì nếu ông đang trong chức vụ thủ quỹ của thành phố thì khó cho ông theo Phao-lô đi truyền giáo.

Tên Qua-rơ-tu có nghĩa là thứ tư. Có thể là em trai của Tẹt-tiu (thứ ba).

25 Nguyện Đấng có quyền làm cho vững vàng các anh chị em theo Tin Lành của tôi và lời giảng của Đức Chúa Jesus Christ, theo sự mạc khải về lẽ mầu nhiệm đã giấu kín từ các thời vô tận,

Đức Chúa Trời là Cha ở trên trời của tất cả những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Chính Đức Chúa Trời làm cho họ được vững vàng trong đức tin, cho dù có khi họ bắt đầu bằng một đức tin yếu đuối (Rô-ma 14:4). Đức Chúa Jesus Christ là Đấng công bố Tin Lành. Phao-lô là người giải thích Tin Lành. Tin Lành ấy là sự mầu nhiệm từ trước vô cùng, nghĩa là từ khi Đức Chúa Jesus Christ công bố Tin Lành cho đến mãi mãi về quá khứ vô cùng tận, thì chưa bao giờ Tin Lành được tỏ ra cho bất cứ ai, kể cả các thiên sứ trên trời.

26 mà bây giờ được làm cho lộ ra, và cũng bởi Thánh Kinh của các tiên tri, theo lệnh của Đức Chúa Trời Hằng Sống, khiến cho mỗi một dân tộc đều biết về sự vâng phục của đức tin,

Trạng từ “bây giờ” không nói riêng vào thời điểm Phao-lô đọc cho Tẹt-tiu viết câu này, mà bao gồm khoảng thời gian từ khi Đức Chúa Jesus Christ công bố Tin Lành cho đến mãi mãi vô cùng tận trong tương lai.

Tin Lành được tỏ lộ bởi sự ghi chép trong Thánh Kinh, do các tiên tri của Đức Chúa Trời. Kết quả sự tỏ lộ Tin Lành dẫn đến sự nhiều người trong mọi dân tộc biết đến Tin Lành và hạ mình vâng phục trong đức tin. Khi một người nghe, hiểu về Tin Lành thì nhận ra mình là tội nhân, cần được cứu rỗi bởi Thiên Chúa. Người ấy cũng hiểu rằng, muốn được cứu rỗi thì phải thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sau khi được cứu, người ấy vâng phục Lời Chúa mà sống thánh khiết, không phạm tội nữa.

27 {là} Thiên Chúa khôn sáng có một, qua Đức Chúa Jesus Christ {được} vinh quang cho đến đời đời! A-men. [Viết tại thành Cô-rinh-tô cho người Rô-ma, do Phê-bê, chấp sự của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê, chuyển đến.]

Đức Chúa Trời, Đấng khiến cho con dân chân thật của Thiên Chúa được vững vàng trong đức tin chính là Thiên Chúa khôn sáng có một. Ngài đã định sẵn chương trình cứu rỗi nhân loại từ trước khi sáng thế, từ trước khi loài người được dựng nên và phạm tội. Đức Chúa Jesus Christ đã giãi bày về Đức Chúa Trời cho loài người (Giăng 1:18). Bởi sự giãi bày đó mà loài người nhận biết Đức Chúa Trời mà thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Trời. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời được chiếu sáng qua Đức Chúa Jesus Christ và cũng qua Đức Chúa Jesus Christ mà sự tôn vinh của chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời cũng chính là sự vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa: Là sự chiếu ra rực rỡ tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa từ đời đời cho đến đời đời.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/08/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Chớ Lo Chi Ngày Mai”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/cho-lo-chi-ngay-mai/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.