Chú Giải Rô-ma 06:01-14

5,551 views

Roma_020 Chết Đối với Tội Lỗi, Sống Đối với Chúa
(Rô-ma 6:1-14)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Chúng ta sẽ cứ ở trong tội lỗi để cho ân điển được thêm lên chăng?

2 Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết {đối với} tội lỗi, sao còn sống trong {tội lỗi} nữa?

3 Các anh chị em chẳng biết rằng, bất cứ những ai đã được báp-tem vào trong Đấng Christ Jesus, tức là được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao?

4 Vậy, chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi được báp-tem vào trong sự chết, để cho Đấng Christ bởi sự vinh quang của Đức Cha được sống lại từ trong những kẻ chết thế nào, thì chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự mới của đời sống thế ấy.

5 Vì nếu chúng ta được tháp làm một với {Ngài} trong sự {chết} giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được {tháp làm một với Ngài trong} sự sống lại {giống như sự sống lại của Ngài}.

6 Hãy biết rằng: Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với {Ngài}, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa.

7 Vì {ai} đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi một cách công chính.

8 Nếu chúng ta đã chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng, chúng ta cũng sẽ sống với Ngài.

9 Hãy biết rằng, Đấng Christ đã sống lại từ những kẻ chết thì chẳng chết nữa; sự chết chẳng còn cai trị Ngài.

10 Vì Ngài đã chết {là} Ngài đã chết cho tội lỗi một lần. Và Ngài sống {là} Ngài sống cho Đức Chúa Trời.

11 Vậy, các anh chị em cũng hãy coi mình đã thật sự chết về tội lỗi nhưng đang sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.

12 Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, {khiến} các anh chị em vâng phục những sự tham muốn của nó.

13 Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em {như} các công cụ của sự không công bình cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em {như} các công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời.

14 Vì tội lỗi sẽ không cai trị trên các anh chị em; bởi các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp, mà ở dưới ân điển.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjQ0MTgyMTJf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11620-chugiairoma_6_1-14
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/no65ww3uxa33ox3/11620_ChuGiaiRoma_6_1-14_ChetDoiVoiToiLoiSongDoiVoiChua.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Có một điều vô cùng quan trọng mà tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Thánh Kinh, đều nhận biết cách rõ ràng. Đó là thấy rõ mình được Chúa biến đổi: Có tấm lòng gớm ghét tội, sợ bị phạm tội, và lập tức lánh xa những sự cám dỗ, cùng một lúc, ham thích học hỏi Lời Chúa, ngày đêm luôn hướng về Chúa, dùng Lời Chúa làm nền tảng để suy xét mọi việc, sốt sắng chia sẻ về Chúa, về Lời Chúa cho người khác, sốt sắng trong mọi mục vụ rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh.

Chúng ta cần hiểu rõ lẽ thật này: Bất cứ ai tin nhận Tin Lành, tức là thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì lập tức người ấy được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội, và được Đức Thánh Linh ban cho đầy dẫy thánh linh của Thiên Chúa để người ấy có thể sống một đời sống mới đắc thắng mọi tội lỗi, sống một đời sống mới thánh khiết đẹp lòng Thiên Chúa, làm tôn vinh Thiên Chúa. Đó là sự tái sinh, tức là được Đức Chúa Trời sinh ra trong Đức Chúa Jesus Christ, thành một người mới, giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24).

Tuy nhiên, bước kế tiếp là người ấy phải lựa chọn trong sự thể hiện tình yêu của mình. Nếu người ấy chọn yêu Thiên Chúa trên hết thảy mọi sự và yêu người khác như chính mình, thì người ấy sẽ lớn mạnh trong ân điển của Thiên Chúa, đức tin của người ấy cũng ngày càng vững mạnh và tăng trưởng, như cây trồng gần dòng nước. Nhưng nếu người ấy chọn yêu bất cứ ai, bất cứ sự gì hơn Thiên Chúa, chọn yêu mình hơn người khác, thì người ấy không còn công bình và thánh khiết, người ấy đương nhiên sa ngã vào sự phạm tội. Khi trở lại phạm tội mà không ăn năn thì đương nhiên sẽ bị hư mất đời đời. Vì nền tảng của sự cứu rỗi luôn luôn là lòng chân thành ăn năn tội cùng với đức tin hoàn toàn vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chỉ có đức tin mà không có lòng ăn năn thì không có sự cứu rỗi.

Vì thế, Đức Thánh Linh ví người mới được tái sinh như “con đỏ”, nghĩa là trẻ con sinh ra chưa đầy tháng (I Cô-rinh-tô 3:1), và khuyên dạy rõ ràng qua Sứ Đồ Phi-e-rơ:

“Vậy, các anh chị em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian trá, mọi thứ giả hình, lòng ganh ghét và sự vu khống; như những trẻ con mới được sinh ra, hãy thèm muốn sữa thật của Lời, để cho các anh chị em nhờ đó lớn lên!” (I Phi-e-rơ 2:1-2).

Trẻ con được sữa mẹ nuôi lớn thế nào thì người mới được tái sinh cũng được nuôi lớn bởi Lời Chúa thế ấy. Trẻ con cần và khao khát sữa mẹ như thế nào thì người mới được tái sinh cũng cần và khao khát Lời Chúa như thế ấy. Chỉ có những trẻ con bị bệnh thì mới bỏ bú sữa. Chỉ có những người tin Chúa bị bệnh thuộc linh, tức là phạm tội, thì mới bỏ việc đọc và suy ngẫm, làm theo Lời Chúa. Một người đã được tái sinh mà không ăn nuốt Lời Chúa để được lớn lên thì sẽ chết thuộc linh. Vì thế, người nào nhận thấy rằng mình không khao khát Lời Chúa, “bỏ bú, bỏ ăn thuộc linh” thì người ấy cần xem lại mình đang bị chứng bệnh thuộc linh gì, để chữa cho lành bệnh trước khi quá trễ. Có phải đâu đó vẫn còn chứng ham mến thế gian, tà dâm, tham lam tiền bạc, lo lắng về đời này, kiêu ngạo, ganh tỵ, hay là ngại khó, sợ khổ vì danh Chúa? Cách chữa bệnh duy nhất là thật lòng ăn năn và xưng tội với Chúa, xin Chúa tha thứ và phục hồi. Sự nhẫn nại và thương xót của Chúa rất lớn, nhưng hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Ngài. Ngài muốn ban cho thì Ngài ban cho. Ngài muốn cất đi thì Ngài cất đi. Vì thế, đừng ai có ý tưởng lạm dụng sự nhẫn nại và thương xót của Chúa, cứ tái lập sự phạm tội của mình.

Thật ra, người thường phạm tội là người chưa thật lòng ăn năn. Sâu kín trong linh hồn của người ấy vẫn có sự ưa thích tội lỗi. Mà đã không có sự ăn năn thì không thể nào ham thích, khao khát Lời Chúa. Và không có Lời Chúa thì không thể chống lại sự tấn công của đủ loại vi trùng thuộc linh (tức mọi hình thức cám dỗ), dẫn đến sự linh hồn bị bệnh nặng (tức phạm tội trọng), rồi chết.

Lời Chúa trong Rô-ma 12:1-2 dạy:

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em. Đừng làm theo đời này, nhưng các anh chị em hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để các anh chị em kinh nghiệm điều gì là ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:1-2).

Động từ “biến hóa” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng trong câu 2, có nghĩa là biến đổi hoàn toàn về mọi phương diện, như sự biến đổi từ một con tằm thành một con bướm.

Sự biến đổi đó chính là sự kiện một người đã chết đối với tội lỗi và đang sống cho Thiên Chúa. Sự biến đổi đó được Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, giảng giải trong Rô-ma 6:1-14.

1 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Chúng ta sẽ cứ ở trong tội lỗi để cho ân điển được thêm lên chăng?

2 Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết {đối với} tội lỗi, sao còn sống trong {tội lỗi} nữa?

Câu “Vậy, chúng ta sẽ nói gì?” có nghĩa là: Vì chúng ta đã chết trong A-đam nhưng được sống trong Đấng Christ (như đã dạy rõ trong Rô-ma 5:12-21), thì chúng ta sẽ công bố điều gì?

Có phải chúng ta cứ nhởn nhơ phạm đủ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và nói rằng: “Tôi sống dưới ân điển chứ không sống dưới luật pháp nên tôi không cần phải giữ Mười Điều Răn?”

Trước khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì chúng ta là những tội nhân. Căn cứ vào đâu để nói rằng chúng ta là những tội nhân? Không phải căn cứ vào sự chúng ta phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời sao? Lời Chúa cảnh cáo: “Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi” (Hê-bơ-rơ 10:26-27). Tri thức về lẽ thật là gì? Là sự Chúa tỏ ra cho chúng ta biết rằng, chúng ta đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và Đấng Christ đã phải chết thay cho chúng ta, để chúng ta có cơ hội được cứu rỗi bởi lòng ăn năn và đức tin. Cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật là gì, nếu không phải là cố ý trở lại vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời?

Có phải chúng ta cứ nhởn nhơ phạm điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và nói rằng: “Điều răn thứ tư về sự giữ ngày Sa-bát chỉ dành cho dân I-sơ-ra-ên, mà tôi không phải dân I-sơ-ra-ên nên tôi không cần giữ?”

Đó là lời ngu dại nghịch Thánh Kinh do những giáo sư giả và tiên tri giả từ Sa-tan giảng dạy. Lời Chúa dạy rõ:

Ngày Sa-bát được lập ra vì loài người, để loài người được nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc và có một ngày để cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa, không phải chỉ vì dân I-sơ-ra-ên:

Ngài lại phán với họ: Ngày Sa-bát đã được lập ra vì loài người, chẳng phải loài người {được dựng nên} vì ngày Sa-bát.” (Mác 2:27).

Tất cả các dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên, sau khi tin nhận Tin Lành thì được tháp chung vào một gốc là Đấng Christ, với dân I-sơ-ra-ên:

Nếu có những nhánh bị cắt đi và các anh chị em vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào chỗ của chúng, để có phần về nhựa và rễ của cây ô-li-ve, thì chớ khoe mình nghịch lại các nhánh {đó}. Nhưng nếu các anh chị em khoe mình thì {hãy biết rằng}, chẳng phải các anh chị em chịu đựng cái rễ mà là cái rễ {chịu đựng} các anh chị em.” (Rô-ma 11:17-18).

Vì thế, giả sử như ngày Sa-bát là điều răn dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên thì tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh vẫn phải vâng giữ, vì mỗi người dân ngoại ở trong Hội Thánh đã hiệp làm một với dân I-sơ-ra-ên, trở thành người I-sơ-ra-ên thuộc linh:

Lúc ấy, các anh chị em không có Đấng Christ, ở ngoài quyền công dân I-sơ-ra-ên, là khách lạ của các giao ước lời hứa, trong thế gian không có hy vọng và không có Thiên Chúa. Nhưng trong Đấng Christ Jesus, các anh chị em là những người ngày trước cách xa, hiện nay đã được làm cho gần bởi máu của Đấng Christ. Vì, ấy chính Ngài là sự hòa bình của chúng ta. Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức tường ngăn cách, chấm dứt trong xác thịt của Ngài sự thù nghịch, {tức là} luật pháp của các điều răn trong các điều lệ, để Ngài lập nên trong chính Ngài cả hai thành một người mới, làm ra sự hòa bình.” (Ê-phê-sô 2:12-15).

Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:29).

Ai xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ mà cho rằng mình không phải là người I-sơ-ra-ên, thì người ấy đã tự cắt mình ra khỏi Đấng Christ. Chính vì thế mà những người như vậy có tinh thần bội nghịch điều răn của Đức Chúa Trời. Chẳng những họ không vâng giữ ngày Sa-bát mà còn chống nghịch những ai vâng giữ và còn “vui thú” với những kẻ chống nghịch điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:32).

Nhưng thực tế là không hề có chuyện Mười Điều Răn chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên hay điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên. Bất cứ người nào thuộc bất cứ dân tộc nào vi phạm một điều răn nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là phạm tội, và hình phạt của tội lỗi là sự chết. Ngày Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian trong Kỳ Tận Thế, Rương Giao Ước ở trên trời chứa đựng hai bảng đá do ngón tay của Đức Chúa Trời ghi khắc Mười Điều Răn trên đó, sẽ hiện ra để dùng làm tiêu chuẩn phán xét tội lỗi của toàn thế gian:

Rồi, đền thờ của Đức Chúa Trời mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước trong đền thờ của Ngài được thấy. Có những chớp nhoáng, những âm thanh và những sấm vang, cùng động đất và mưa đá lớn.” (Khải Huyền 11:19).

Có phải chúng ta cứ nhởn nhơ phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và nói rằng: “Tôi đã tin nhận Chúa và đã được cứu rỗi, tôi sẽ không bao giờ bị mất sự cứu rỗi”?

Giáo lý “Được cứu một lần được cứu vĩnh viễn” là tà giáo, ra từ Sa-tan, đã lừa gạt được rất nhiều những người đã là con dân Chúa mà thiếu sự tri thức; vì họ không đọc, không suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo, mà chỉ làm theo những gì do các giáo hội giảng dạy. Lời Chúa dạy rõ:

Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng bỏ ngươi, để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình, thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi. Chúng nó thêm nhiều bao nhiêu, thì chúng nó phạm tội nghịch lại Ta bấy nhiêu. Ta sẽ đổi sự vinh quang của chúng nó ra sự sỉ nhục.” (Ô-sê 4:6-7).

Bởi vì những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về thánh linh, đã nếm Lời lành của Thiên Chúa và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ nên mới trở lại vào trong sự ăn năn; vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, công khai sỉ nhục Ngài.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

Những ai lạm dụng ân điển rời rộng của Chúa mà cứ đắm mình trong tội lỗi, nghĩ rằng Chúa sẽ thương xót mình, sẽ tha thứ mình, thì họ là những người đang tự lừa gạt chính mình. Phao-lô, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đã đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Chúng ta sẽ cứ ở trong tội lỗi để cho ân điển được thêm lên chăng? Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết {đối với} tội lỗi, sao còn sống trong {tội lỗi} nữa?”

3 Các anh chị em chẳng biết rằng, bất cứ những ai đã được báp-tem vào trong Đấng Christ Jesus, tức là được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao?

4 Vậy, chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi được báp-tem vào trong sự chết, để cho Đấng Christ bởi sự vinh quang của Đức Cha được sống lại từ trong những kẻ chết thế nào, thì chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự mới của đời sống thế ấy.

Như chúng ta đã biết, nghĩa đen của chữ báp-tem là được nhúng chìm hoàn toàn vào trong một chất lỏng [1]. Nước mà chúng ta chịu báp-tem tiêu biểu cho sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên tội lỗi bằng cơn Lụt Lớn, để rửa sạch tội lỗi khỏi mặt đất, vào thời Nô-ê. Vì thế, sự kiện chúng ta tự nguyện được nhúng chìm hoàn toàn trong nước là một nghi thức vừa tiêu biểu cho sự chúng ta bằng lòng công nhận tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối của Thiên Chúa mà chịu chết đi bản ngã tội lỗi của mình, vừa tiêu biểu cho sự chúng ta đã chết đối với tội lỗi. Sự kiện chúng ta ra khỏi nước vừa tiêu biểu cho sự chúng ta được sống lại bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ, vừa tiêu biểu cho sự kể từ giây phút đó, chúng ta sống là sống cho Thiên Chúa và sống bằng sức sống mới từ Thiên Chúa.

Vì thế, sự kiện chúng ta chịu báp-tem còn có nghĩa là chúng ta được nhúng chìm hoàn toàn vào trong sự chết của Đức Chúa Jesus Christ và chúng ta cũng được nhúng chìm hoàn toàn vào trong sự sống lại của Ngài, vào trong đời sống mới trong Ngài. Bước đi trong sự mới của đời sống là sống một cách mới trong cuộc sống, về mọi phương diện, cho đến nỗi cách nói năng cũng đổi mới với ngôn ngữ mới của sự yêu thương, thánh khiết, và công chính mà Thiên Chúa đã ban cho những người được dựng nên mới.

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Ai tin và chịu báp-tem, sẽ được cứu rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị định tội. Và những dấu hiệu này sẽ theo những người tin: Trong danh Ta họ sẽ trừ những quỷ, họ sẽ nói những ngôn ngữ mới…” (Mác 16:16-17).

Vấn đề là có nhiều người sau khi được dựng nên mới đã không tận dụng thẩm quyền, năng lực, và bản tính công bình, thánh khiết chân thật Thiên Chúa ban cho, để sống một đời sống mới đúng theo Thánh Kinh, nhưng họ nhanh chóng quay về sống theo bản tính cũ tội lỗi, hoặc bị các giáo hội mang danh Chúa dẫn dắt sai lạc Lời Chúa, sống theo tà giáo. Nguyên cớ là vì họ không khao khát sữa thuộc linh và thức ăn thuộc linh là Lời Chúa. Họ đã không đọc, không suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo, vì thế, họ thiếu sự tri thức về Chúa và Lời Chúa. Có những người đọc không biết bao nhiêu sách vở của thế gian nhưng suốt cuộc đời đi theo Chúa chưa hề đọc trọn Thánh Kinh được một lần!

5 Vì nếu chúng ta được tháp làm một với {Ngài} trong sự {chết} giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được {tháp làm một với Ngài trong} sự sống lại {giống như sự sống lại của Ngài}.

Động từ “tháp làm một” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là được sinh ra dính chung với nhau. Con dân chân thật của Chúa được tháp làm một với Đấng Christ. Được tháp như thế nào thì đó là phép lạ do Đức Chúa Trời làm ra, chúng ta chưa hiểu được, mà chúng ta chỉ tin nhận đó là lẽ thật.

Thánh Kinh dạy vợ chồng trở nên một, nhưng trở nên một như thế nào, khi mỗi người vẫn là một thực thể riêng biệt với cá tính riêng biệt và khác nhau? Chúng ta cũng chưa hiểu, mà chúng ta chỉ tin đó là lẽ thật, vì đó là lời tuyên phán của Đức Chúa Trời.

Vì con dân chân thật của Chúa được tháp làm một trong sự chết của Ngài nên đương nhiên họ cũng được tháp làm một trong sự sống lại của Ngài, để bản thân của họ được sống lại và sống đời đời bên Thiên Chúa như chính con người xác thịt của Đấng Christ.

6 Hãy biết rằng: Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với {Ngài}, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa.

7 Vì {ai} đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi một cách công chính.

Con người cũ tức là bản ngã tội lỗi của mỗi người. Bản ngã chính là “linh hồn”, là “cái tôi”, là sự thực hữu thiêng liêng của mỗi người. Bản ngã đó được ban cho một thân thể thiêng liêng và một thân thể vật chất. Thân thể thiêng liêng của loài người giống như thân thể thiêng liêng của Thiên Chúa và các thiên sứ, mà Thánh Kinh gọi là “tâm thần”, để loài người có thể tương giao với Thiên Chúa và nhận biết về thế giới thuộc linh. Thân thể vật chất là thịt và máu để loài người sống trong thế giới vật chất, tương tác với thế giới vật chất, và cai trị muôn loài trên đất. Khi bản ngã, tức linh hồn phạm tội, dù chỉ một tội, thì loài người nhận lấy án phạt và hậu quả của sự phạm tội là đau khổ và sự chết.

Từ ngữ “bị đóng đinh” trong câu 6 không được dùng với nghĩa đen, mà được dùng với nghĩa bóng: Bị xử chết! Con người cũ của chúng ta đã bị xử chết vì phạm tội, và sự xử chết con người cũ của chúng ta cùng xảy ra với sự xử chết Đức Chúa Jesus Christ. Trong khi chúng ta bị xử chết vì chính tội lỗi của chúng ta thì Đức Chúa Jesus Christ bị xử chết vì tội lỗi của chúng ta.

Khi một người đã bị xử chết thì người ấy đã trả giá cho sự phạm tội của mình một cách công chính, và thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, vì luật pháp của Đức Chúa Trời tuyên bố rõ: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23)! Nếu không có sự Đức Chúa Jesus Christ chịu chết thay cho sự phạm tội của loài người thì loài người cứ ở luôn trong hậu quả của tội lỗi là sự chết, nghĩa là đời đời hư mất, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Đời đời hư mất là không bao giờ còn có cơ hội được cứu rỗi. Xa cách mặt Chúa là không bao giờ còn có cơ hội để kêu cầu cùng Chúa. Xa cách sự vinh quang của sức mạnh Ngài là xa cách sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa, là sự vinh quang có quyền năng cứu chuộc những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận Thiên Chúa.

8 Nếu chúng ta đã chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng, chúng ta cũng sẽ sống với Ngài.

Hình ảnh của hai tên tội phạm cùng bị xử chết với Đức Chúa Jesus Christ giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự “chết với Đấng Christ”. Hai tên tội phạm đều bị xử chết vì việc làm gian ác của họ, vì sự phạm tội của họ, trong khi đó, Đức Chúa Jesus Christ cũng bị xử chết vì tội lỗi của họ. Nói cách khác, hai bên cùng bị xử chết vì sự phạm tội của một bên. Vì thế, hai tên tội phạm đã bị xử chết “với” Đức Chúa Jesus Christ về cùng một sự phạm tội.

Nếu Đức Chúa Jesus Christ không bị xử chết vì sự phạm tội của hai tên tội phạm thì họ không có cơ hội được sống lại, vì họ đã trả giá một cách công chính cho sự phạm tội của họ bằng sự chết của họ. Nhưng vì Đức Chúa Jesus Christ đã bị xử chết vì sự phạm tội của họ, nên họ có quyền được lấy lại sự sống, nếu họ thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết thay của Ngài.

Tiếc thay, chỉ có một trong hai tên tội phạm là thật lòng ăn năn và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, qua lời xưng nhận:

Chúng ta {bị xử} cách công chính, vì chúng ta nhận lãnh những điều xứng với việc chúng ta làm; nhưng người này không làm điều gì sai.” (Lu-ca 23:41).

Và lời cầu xin Chúa:

Rồi, hắn thưa với Đức Chúa Jesus: Hỡi Chúa! Khi Ngài đến trong vương quốc của Ngài thì xin nhớ đến tôi!” (Lu-ca 23:42).

Hai tên tội phạm ấy tiêu biểu cho hai loại người trong thế gian: Loại người không tin Đức Chúa Jesus Christ và loại người thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đức Chúa Jesus Christ. Cả hai cùng chết với Đức Chúa Jesus Christ vì tội lỗi của mình, nhưng chỉ có một người được cùng sống lại với Đức Chúa Jesus Christ và vào trong vương quốc của Ngài.

Trước khi được sống lại với Đức Chúa Jesus Christ thì một người phải công nhận mình có tội và ăn năn tội, đồng thời tin vào Đức Chúa Jesus Christ, tức là tin vào sự chết chuộc tội của Ngài và mọi lời phán dạy của Ngài, tin rằng, nếu mình đã đồng chết với Ngài thì cũng sẽ đồng sống với Ngài.

9 Hãy biết rằng, Đấng Christ đã sống lại từ những kẻ chết thì chẳng chết nữa; sự chết chẳng còn cai trị Ngài.

10 Vì Ngài đã chết {là} Ngài đã chết cho tội lỗi một lần. Và Ngài sống {là} Ngài sống cho Đức Chúa Trời.

Thân thể xác thịt đã sống lại từ trong những kẻ chết của Đức Chúa Jesus Christ sẽ không bao giờ chết nữa. Sự chết không còn quyền trên thân thể xác thịt ấy. Vì sự chết là hậu quả của tội lỗi nên sự chết từng có quyền trên thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus, khi Ngài tự mình mang lấy hậu quả của tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ chỉ cần chết một lần cho tất cả tội lỗi của toàn thể nhân loại, vì mạng sống của Ngài không phải chỉ là mạng sống của một người mà còn là mạng sống của Thiên Chúa trong thân thể xác thịt loài người. Mạng sống vô giới hạn chết thay cho hàng tỷ mạng sống có giới hạn. Cũng chính vì thế, nếu Đức Chúa Jesus Christ không phải là Thiên Chúa 100% thì Ngài chỉ có thể chết thay cho một người mà thôi.

Hiện nay và cho đến đời đời thân thể xác thịt của Thiên Chúa Ngôi Lời, với danh hiệu Chiên Con của Đức Chúa Trời, sống cho Đức Chúa Trời, nghĩa là thân thể xác thịt đó sống động trong vương quốc của Đức Chúa Trời để làm thành chương trình và ý định của Đức Chúa Trời. Thân thể xác thịt ấy được mang danh xưng Đức Chúa Trời của Đức Chúa Cha, và toàn quyền cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời qua danh xưng “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”.

Thánh Kinh ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về sự kiện Đức Chúa Trời đã ban danh của Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Jesus:

Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian, và con về cùng Ngài. Cha Thánh! {Xin} giữ gìn họ trong danh Ngài, {là} danh mà Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như chúng ta.” (Giăng 17:11).

Danh xưng của Đức Chúa Cha là “Đức Chúa Trời” và Ngài đã ban danh xưng “Đức Chúa Trời” của Ngài cho con người xác thịt Jesus! Sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh, Thánh Kinh xác nhận Đức Chúa Jesus Christ được Đức Chúa Trời gọi bằng danh xưng Đức Chúa Trời:

Về các thiên sứ thì Ngài phán rằng: Ngài làm ra các thiên sứ Ngài là những thần linh, và các tôi tớ Ngài như ngọn lửa. Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Ngài {còn đến} đời đời, cây gậy công chính {là} cây gậy của vương quốc Ngài. Ngài ưa điều công bình, ghét điều gian ác; Cho nên, hỡi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của Ngài xức cho Ngài dầu vui mừng, {khiến Ngài} trội hơn những kẻ dự phần với Ngài.” (Hê-bơ-rơ 1:7-9).

Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại và sống cho Đức Chúa Trời thế nào thì chúng ta cũng được sống lại và sống cho Đức Chúa Trời thế ấy. Nghĩa là chúng ta được Đức Chúa Trời tái sinh chúng ta trong Đức Chúa Jesus, để chúng ta làm thành mọi ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời dành riêng cho mỗi chúng ta:

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Người nào sau khi trở thành con dân chân thật của Chúa mà không yêu Chúa trên hết mọi sự, không yêu người khác như chính mình, nghĩa là không giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ lui đi và đức tin sẽ chết. Người nào giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đấng Christ thì người ấy sẽ vâng giữ luôn điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh:

Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).

Các anh chị em hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt; và chớ tà dâm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29a).

Sự lựa chọn sống cho Đức Chúa Trời thuộc về quyền tự do của mỗi người, còn cơ hội và năng lực thì đã được Đức Chúa Trời ban cho tất cả những ai đã được Ngài tái sinh.

11 Vậy, các anh chị em cũng hãy coi mình đã thật sự chết về tội lỗi nhưng đang sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.

Có nhiều người sau khi tin Chúa, quay lại sống trong tội lỗi, nhưng giả vờ như mình đã chết về tội lỗi. Nghĩa là bên ngoài thì gắt gao lên án tội lỗi, tích cực rao giảng Lời Chúa, nhưng bên trong thì âm thần phạm tội cách kín giấu. Những người như vậy đang sống cho chính bản ngã xác thịt của họ, nhưng làm ra vẻ là đang sống cho Chúa. Họ đang hết lòng, hết sức phục vụ cho xác thịt của họ, nhưng làm ra vẻ là tận trung với Chúa. Nhìn vào các giáo hội mang danh Chúa ngày nay, chúng ta có thể thấy 99% hoặc là hơn thế nữa là những kẻ giả hình. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri rằng: “Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8b).

Người thực sự sống cho Đức Chúa Trời phải là người Ở TRONG Đức Chúa Jesus Christ. Ở trong Đức Chúa Jesus Christ là ở trong sự tin cậy Ngài, ở trong sự vâng phục Ngài, và ở trong Hội Thánh của Ngài.

12 Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, {khiến} các anh chị em vâng phục những sự tham muốn của nó.

Người thực sự sống cho Đức Chúa Trời là người biết tận dụng ân điển của Đức Chúa Jesus Christ để có thể làm được mọi sự lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy, biết tận dụng mọi vũ khí của Đức Chúa Trời ban cho để chiến đấu với ma quỷ và cả loài người (Phi-líp 4:13; II Cô-rinh-tô 12:9; Ê-phê-sô 6:13-18). Người ấy không để cho tội lỗi cầm quyền trên thân thể xác thịt của mình, khiến cho mình chiều theo những sự tham muốn của xác thịt. Xác thịt có những ham muốn chính đáng cần phải được đáp ứng một cách công chính, nhưng tất cả những ham muốn bất chính của xác thịt phải được quở trách, sửa trị bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

13 Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em {như} các công cụ của sự không công bình cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em {như} các công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời.

Người thực sự sống cho Đức Chúa Trời cũng không vì một lý do gì mà để cho thân thể xác thịt của mình trở thành công cụ, phương tiện phục vụ cho tội lỗi. Nhưng luôn nhớ rằng, thân thể xác thịt của mình là đền thờ của Thiên Chúa, là của lễ sống và thánh được chính mình, trong tư cách là một thầy tế lễ, dâng lên Thiên Chúa ngày hai bận (Rô-ma 12:1; Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42; Dân Số Ký 28:2-8).

Mỗi một chi thể trong thân thể xác thịt của mình, dù là một sợi tóc cũng là công cụ của sự công bình cho Đức Chúa Trời. Vì thế, ngay cả cách để tóc, nhuộm tóc, và trang sức của con dân Chúa cũng phải sao cho có thể được đẹp lòng Chúa và không gây vấp phạm cho người khác.

Chúng tôi lấy làm lạ khi thấy một số nam ca sĩ xưng mình là con dân Chúa mà lại đeo hoa tai. Họ công khai tự làm nhục thân thể của mình trong khi đứng trước bao nhiêu người mở miệng hát ca tôn vinh Chúa! Họ không biết rằng ngày nay, những người đàn ông đồng tính luyến ái đeo hoa tai bên phải để ra dấu hiệu mình là người đồng tính luyến ái, còn những người đàn ông đeo hoa tai bên trái là để tỏ ra mình muốn được đối xử như một phụ nữ, hay sao [2]?

14 Vì tội lỗi sẽ không cai trị trên các anh chị em; bởi các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp, mà ở dưới ân điển.

Đối với một người đã được Đức Chúa Trời tái sinh thì tội lỗi không còn quyền cai trị họ, trừ khi họ cố ý phạm tội trở lại và bị tội lỗi bắt phục trở lại.

Người ở dưới luật pháp là người bị luật pháp giam giữ vì sự mình phạm tội. Người ở dưới luật pháp là người đang chờ đợi án phạt sau cùng của tội lỗi thi hành trên mình. Người như vậy chỉ có thể tiếp tục phạm tội mà không sao có năng lực để không vâng theo sự sai khiến của tội lỗi.

Người ở dưới ân điển là người đã được giải cứu khỏi hình phạt của tội lỗi, khỏi sức mạnh của tội lỗi. Tội lỗi không thể nào ép người ấy làm ra tội, vì Đức Chúa Trời đã ban cho người ấy sức mạnh của Thiên Chúa để người ấy không phạm tội, trừ khi người ấy tự mình chọn phạm tội.

Thí dụ minh họa:

Có một người vợ ngoại tình, bỏ chồng đi theo tình nhân. Nhưng sau đó bị tình nhân ép phải làm điếm trong một ổ mãi dâm. Người ấy dù không muốn làm điếm nhưng vẫn bị ép phải làm điếm để được cho ăn uống và không bị đánh đập. Ít lâu sau, người chồng tìm gặp và giải cứu người ấy, tha thứ và phục hồi địa vị làm vợ cho người ấy. Thử hỏi, việc gì sẽ xảy ra cho người ấy khi người ấy tự mình quay về ổ điếm với người tình cũ?

Ngày nay, Sa-tan đã tung ra hàng triệu giáo sư giả và tiên tri giả để rao giảng trong các giáo hội mang danh Chúa rằng, con dân Chúa sống dưới ân điển nên không cần vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, nhất là điều răn thứ tư về việc tôn thánh ngày Sa-bát của Thiên Chúa. Nên nhớ, ngày Sa-bát Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Thiên Chúa, không phải của loài người. Không người nào có quyền hủy bỏ hoặc đổi sang ngày khác. Thiên Chúa lập ra ngày Sa-bát để loài người và gia súc được nghỉ ngơi thân thể xác thịt khỏi sự lao động, và để con dân Chúa nhóm hiệp thông công với nhau, thờ phượng Chúa trong ngày đó. Loài người chỉ có thể tiếp nhận sự ban cho của Thiên Chúa mà tôn thánh ngày Sa-bát. Con dân Chúa có thể nhóm hiệp thông công với nhau và thờ phượng Chúa vào bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào, nhưng không thể bỏ qua sự nhóm hiệp trong ngày Sa-bát mà Chúa đã truyền. Trong suốt Thánh Kinh, không có một chỗ nào Chúa truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp vào một ngày nào khác hơn là ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Hê-bơ-rơ 10:24-31 để thấy theo văn mạch, việc bỏ qua sự nhóm hiệp của Hội Thánh trong ngày Sa-bát là một tội nghiêm trọng:

24 Chúng ta hãy quan tâm nhau để khuyên giục nhau về lòng yêu thương và việc tốt lành.

25 Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo {nhau}, và {khuyên bảo} càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát.]

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa,

27 nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi.

28 Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai hay ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót,

29 huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ đó nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì các anh chị em hãy nghĩ xem, kẻ ấy đáng bị hình phạt nặng hơn biết bao!

30 Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù {thuộc về} Ta, Ta sẽ báo trả! Chúa phán {vậy}. Lại rằng: Chúa sẽ phán xét dân mình.

31 Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay!

Đối với những ai vì thiếu hiểu biết mà phạm điều răn thứ tư và dạy người khác làm như vậy thì họ vẫn có thể được cứu, nhưng sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời:

“Vậy, ai bỏ đi một trong những điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy người ta những điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:19).

Nhưng đối với những ai đã biết rõ lẽ thật về sự con dân Chúa phải giữ Mười Điều Răn, phải tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy của Chúa mà cố ý không vâng giữ hoặc dạy cho người khác không vâng giữ, thì họ sẽ bị hư mất đời đời, y theo lời báo trước của Đức Thánh Linh trong Hê-bơ-rơ 10:24-31.

Trong những ngày cuối cùng này, Sa-tan vừa tung ra hàng triệu các giáo sư giả và tiên tri giả rao giảng tà giáo bác bỏ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, bác bỏ sự giữ ngày Sa-bát, lại vừa tung ra các giáo sư giả và tiên tri giả trong một số giáo hội, giảng dạy và kêu gọi con dân Chúa giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, nhưng kèm theo đó là các tà giáo khác, như Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm, như Giáo Hội thờ lạy một “Đức Chúa Trời Mẹ” do An Xang-hồng sáng lập. Ông ta là một người Hàn Quốc, xuất thân từ một gia đình Phật Giáo, xưng mình vừa là Đấng Christ tái lâm, vừa là Đức Thánh Linh [3], [4], [5].

Chúng ta thấy ma quỷ rất là tinh ranh, xảo quyệt, và không hề mỏi mệt trong cuộc chiến thuộc linh chống lại Thiên Chúa và Hội Thánh của Thiên Chúa.

Chúng ta, những con dân chân thật của Thiên Chúa sẽ chọn nuôi mình bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa để khôn sáng và trưởng thành trong Đấng Christ, thắng mọi mưu kế của ma quỷ, hay là chúng ta chọn nuôi mình bằng những thứ gọi là “thức ăn tinh thần” của thế gian, để rồi trúng độc, bệnh thuộc linh và chết thuộc linh?

Chúng ta, những con dân chân thật của Thiên Chúa sẽ chọn dùng Lời Chúa làm thẩm quyền tuyệt đối cho mọi nhận định, suy nghĩ, và quyết định, hay dùng những cảm xúc, lý trí của xác thịt, và những tiêu chuẩn đạo đức của thế gian?

Chúng ta, những con dân chân thật của Thiên Chúa sẽ chọn tận dụng mọi vũ khí của Đức Chúa Trời để đánh trận cùng ma quỷ, hay là chọn đầu hàng ma quỷ, để quay về với đời sống tội lỗi?

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ Hội Thánh. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/03/2018

Chú Thích

Karaoke Thánh Ca: “Đành Lòng Quên Chúa Sao?”:
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/danh-long-quen-chua-sao/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-15-le-bap-tem/

[2] https://www.urbandictionary.com/define.php?term=Right%20Earring%20Rule

[3] http://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=30

[4] Vào năm 1985, giáo hội thờ lạy một “Đức Chúa Trời Mẹ,” lấy tên là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới” (World Mission Society Church of God) được thành lập tại Nam Hàn. Giáo hội ấy tôn xưng một người Nam Hàn, được sinh ra trong một gia đình theo Phật Giáo, tên là An Xang-hồng (Ahn Sahng-hong), làm Đấng Christ tái lâm và cũng là Đức Thánh Linh. Nhưng khi An Xang-hồng qua đời vì bệnh tim năm 1985, được chôn cất trong một nghĩa trang công cộng, thì mộ bia của ông lại ghi là: “Mộ của Tiên Tri Ê-li An Xang-hồng!”

Chắc chắn là khắp trong Thánh Kinh không hề có danh từ “Đức Chúa Trời Mẹ” và Thánh Kinh cũng không bao giờ hàm ý Đức Chúa Trời là “mẹ” của nhân loại. Chắc chắn Thánh Kinh không hề tiên tri về một Đấng Christ tái lâm bằng cách được sinh ra trong một gia đình Phật Giáo tại Nam Hàn, cưới vợ, sinh ra ba người con, và chết vì bệnh tim. Thế nhưng, đến nay, khắp trên thế giới có gần hai triệu người xưng nhận đức tin của mình vào An Xang-hồng.

[5] http://www.timhieutinlanh.net/thac-mac-ve-giao-hoi-giao-phai-he-phai/