Chú Giải Rô-ma 07:07-25

4,015 views

Roma_023 Luật Thiện và Luật Ác
(Rô-ma 7:7-25)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

7 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Có phải luật pháp là tội lỗi? Chẳng hề như vậy! Nhưng tôi không biết tội lỗi nếu không bởi luật pháp. Vì tôi không biết sự tham muốn nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham muốn!

8 Tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà làm thành mọi sự tham muốn trong tôi. Nhưng không có luật pháp thì tội lỗi chết.

9 Tôi từng sống mà không có luật pháp. Nhưng khi điều răn đến, thì tội lỗi sống và tôi chết!

10 Điều răn {là} sự hướng về sự sống, {nhưng} điều tôi tìm thấy hướng về sự chết.

11 Vì tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà lừa gạt tôi và bởi đó giết tôi.

12 Vậy, luật pháp {là} thánh, điều răn {là} thánh, công bình, và tốt lành.

13 Thế thì điều lành lại làm cho tôi chết sao? Chẳng phải vậy! Nhưng tội lỗi {đã làm cho tôi chết,} để cho thấy rằng: Tội lỗi đã bởi điều lành làm cho tôi chết; tội lỗi bởi điều răn mà trở thành vô cùng độc ác.

14 Chúng ta biết rằng, luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tính xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

15 Vì tôi không hiểu điều tôi làm: Điều tôi muốn làm thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi làm!

16 Nhưng dù tôi làm điều tôi chẳng muốn, thì tôi {vẫn} công nhận luật pháp là tốt lành.

17 Cho nên, chẳng còn là tôi làm điều đó, mà {là} tội lỗi cư trú trong tôi.

18 Vì tôi biết rằng, trong tôi, tức là trong xác thịt của tôi, không có điều lành cư trú. Vì ý muốn {làm lành} có {trong} tôi, nhưng tôi không tìm thấy {năng lực} để làm ra sự tốt lành.

19 Vì điều lành mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm.

20 Nếu tôi làm điều mình không muốn, thì chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, mà {là} tội lỗi cư trú trong tôi.

21 Vậy, tôi tìm thấy luật pháp. Tôi muốn làm điều lành nhưng điều dữ hiện diện {trong} tôi.

22 Vì theo con người bên trong, tôi thỏa lòng trong luật pháp của Đức Chúa Trời.

23 Nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, giao chiến với luật trong tâm trí của tôi và bắt tôi làm tù binh cho luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể của tôi.

24 Tôi là một người khốn khổ! Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này?

25 Tôi dâng lời cảm tạ! {Ấy là} Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa của chúng ta! Như vậy, thật ra, chính mình tôi: {trong} tâm trí thì chịu phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng {trong} xác thịt thì chịu phục luật pháp của tội lỗi.

 

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjU0NjUwMTdf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11623-chugiairoma_7_7-25-new
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/q7dupabdtcytz56/11623_ChuGiaiRoma_7_7-25_LuatThienVaLuatAc.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Chúng ta đã biết, thông thường trong một quốc gia, luật pháp được đặt ra để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, và phúc lợi cho công dân của quốc gia đó. Tuy nhiên, có những nhà cầm quyền xấu, độc tài, đặt ra luật pháp xấu để bảo vệ quyền hành của những người cầm quyền và phúc lợi của họ, trong khi bóc lột và hà khắc công dân.

Trong thế giới thuộc linh, luật pháp của Đức Chúa Trời là thánh, là công chính, xuất phát từ tình yêu. Chỉ cần không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời thì loài người được sống hạnh phúc trong sự yêu thương, thánh khiết, và công chính (Ma-thi-ơ 19:17). Tuy nhiên, khi loài người tự ý chống nghịch Thiên Chúa, vi phạm luật pháp của Ngài thì tội lỗi phát sinh; và tội lỗi có sức mạnh buộc người phạm tội cứ tiếp tục làm ra tội, tức là phải làm điều dữ, là điều nghịch lại Thiên Chúa, nghịch lại chính mình và người khác. Nói cách khác, khi một người phạm tội thì người ấy vừa ở dưới luật pháp của Đức Chúa Trời, bị luật pháp của Đức Chúa Trời lên án và hình phạt vì làm ra tội; nhưng đồng thời người ấy cũng ở dưới quyền lực và luật pháp của tội lỗi, bị tội lỗi lên án và hình phạt khi từ chối không làm ra tội.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô giúp cho chúng ta hiểu được lẽ thật ấy qua Rô-ma 7:7-25.

7 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Có phải luật pháp là tội lỗi? Chẳng hề như vậy! Nhưng tôi không biết tội lỗi nếu không bởi luật pháp. Vì tôi không biết sự tham muốn nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham muốn!

Có phải vì luật pháp của Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta biết rõ những điều gì là nghịch lại các điều răn của Đức Chúa Trời, thì bản tính thích phạm tội trong chúng ta lại thôi thúc chúng ta làm ra những sự ấy, mà luật pháp là xấu, là tội lỗi chăng? Có phải tấm bảng ghi: “Cấm đi trên cỏ”, khiến cho chúng ta có sự thôi thúc muốn đi trên cỏ thì tấm bảng ấy là xấu chăng? Chẳng hề như vậy!

Mục đích chính của luật pháp là để chỉ ra cho loài người thấy một cách rõ ràng, là họ đã phạm tội như thế nào. Trước khi luật pháp công bố: Tham muốn là tội lỗi và phải bị hình phạt! Thì loài người vẫn tham muốn nhưng không biết rằng, đó là tội tham muốn. Khi luật pháp lên án sự tham muốn, thì loài người mới nhận biết sự tham muốn của mình là tội lỗi, và hiểu được vì sao mà mình bị hình phạt khi mình tham muốn.

8 Tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà làm thành mọi sự tham muốn trong tôi. Nhưng không có luật pháp thì tội lỗi chết.

Có thể nói, trước khi có tấm bảng “Cấm đi trên cỏ”, thì người ta vẫn có khi đi trên cỏ nhưng không có sự thôi thúc phải đi trên cỏ. Nhưng từ khi có tấm bảng “Cấm đi trên cỏ”, thì người ta có sự thôi thúc đi trên cỏ để nghịch lại lệnh cấm; và vì thế mà sự đi lại trên cỏ xảy ra nhiều hơn, bởi sự hoàn toàn cố ý cũng nhiều hơn. Tương tự như vậy, tội lỗi đã dùng các điều cấm trong luật pháp của Đức Chúa Trời để thôi thúc loài người phạm vào các điều cấm ấy. Sự thôi thúc ấy được gọi là: “làm thành mọi sự tham muốn” trong lòng của loài người. Sự tham muốn là sự ham muốn không đúng với bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Sự tham muốn làm hại chính mình và người khác, sự tham muốn làm ô uế chính mình và người khác, sự tham muốn gây ra bất công!

Tuy nhiên, nếu không có luật pháp thì tội lỗi không thể thôi thúc loài người phạm tội. Câu: “Nhưng không có luật pháp thì tội lỗi chết”, cần phải được hiểu là: Nếu tôi không biết luật pháp thì tội lỗi không thôi thúc tôi phạm tội, mặc dù tôi vẫn phạm tội mà không biết mình phạm tội. Thực tế, trước khi luật pháp được ban hành thành chữ viết thì loài người vẫn phạm tội, bắt đầu từ A-đam và Ê-va.

9 Tôi từng sống mà không có luật pháp. Nhưng khi điều răn đến, thì tội lỗi sống và tôi chết!

Luật pháp được chính Đức Chúa Trời mạc khải trong mỗi người từ khi có loài người (Rô-ma 1:19), được ban hành thành văn bản hơn 1400 năm trước khi Phao-lô ra đời, vì thế, không thể hiểu là luật pháp không có vào thời của Phao-lô. Câu Phao-lô viết chỉ có nghĩa là: Tôi từng sống mà không biết đến luật pháp. Khi nào Phao-lô sống mà không biết đến luật pháp? Chỉ có thể là khi ông còn thơ ấu, chưa có sự nhận thức về tội lỗi, được Thiên Chúa kể là vô tội, như những trẻ con bị cha mẹ giết, làm của lễ dâng cho các hình tượng (Thi Thiên 106:38), như đứa trẻ con thơ ngây được Đức Chúa Jesus Christ phán rằng, Vương Quốc Trời thuộc về những ai giống như đứa trẻ ấy (Ma-thi-ơ 19:4; Mác 10:14; Lu-ca 18:16). Chúng ta không biết đến tuổi nào thì trẻ con thật sự có ý thức về tội lỗi. Có phải khi chúng đã được năm tuổi như Lê-vi Ký 27:6 hàm ý? Thật sự thì trẻ con năm tuổi đã bắt đầu biết cãi lại cha mẹ!

Điều chắc chắn là khi Phao-lô biết ý thức về điều răn thì tội lỗi cũng bắt đầu thôi thúc ông nghịch lại điều răn. Nghịch lại điều răn là phạm tội, và tiền công của tội lỗi là sự chết. Một người ngay sau khi phạm tội thì cứ tiếp tục làm ra tội bởi sự sai khiến của tội lỗi. Vì thế mà Phao-lô nói: “Nhưng khi điều răn đến, thì tội lỗi sống và tôi chết!”

10 Điều răn {là} sự hướng về sự sống, {nhưng} điều tôi tìm thấy hướng về sự chết.

Điều răn của Đức Chúa Trời là sự hướng về sự sống, vì điều răn giúp cho loài người biết phải như thế nào thì được đẹp lòng Đức Chúa Trời, không vi phạm tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài; nhờ đó, loài người được mãi mãi ở bên Ngài, trong vương quốc của Ngài. Danh từ sự sống được dùng ở đây có nghĩa là sự đời đời ở trong hạnh phúc với Thiên Chúa, còn gọi là sự sống đời đời.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu mọi việc làm của mình với điều răn của Đức Chúa Trời, thì Phao-lô tìm thấy là mọi việc làm của mình đều hướng về sự chết, vì mọi việc làm của mình vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Danh từ sự chết được dùng ở đây có nghĩa là sự đời đời bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, thực hữu cách đau khổ trong hỏa ngục, còn gọi là sự chết thứ nhì.

11 Vì tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà lừa gạt tôi và bởi đó giết tôi.

Từ ngữ “nhân dịp” trong câu 8 và câu 11, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ dùng trong quân sự; có nghĩa đen là căn cứ để xuất phát cuộc tấn công, có nghĩa bóng là nguồn cung cấp phương tiện và cơ hội cho chính mình hoặc cho ai đó hoàn thành một công việc. Tội lỗi đã nhân cơ hội điều răn được công bố, dùng sự điều răn ngăn cấm để lừa gạt loài người và thôi thúc loài người phạm tội, dẫn đến sự loài người bị luật pháp của Đức Chúa Trời lên án chết. Bởi đó, tức là bởi sự lừa gạt và thôi thúc đó, tội lỗi đã gián tiếp giết chết người phạm tội.

Tội lỗi dùng điều răn để lừa gạt loài người bằng cách giải thích sai lạc ý nghĩa của điều răn, gieo nghi ngờ trong lòng loài người về sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Điển hình là câu chuyện con rắn dụ dỗ bà Ê-va nghịch lại điều răn cấm ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác.

12 Vậy, luật pháp {là} thánh, điều răn {là} thánh, công bình, và tốt lành.

Luật pháp nói chung và điều răn nói riêng đều là thánh khiết, công bình, và tốt lành, vì chúng thể hiện:

  • Sự thánh khiết của Thiên Chúa, tức là sự không chấp nhận tội lỗi, tức là sự không chấp nhận những sự xấu, sự ác, là những sự nghịch lại Thiên Chúa.

  • Sự công bình của Thiên Chúa, tức là sự không kể kẻ có tội là vô tội, tức là sự nghiêm khắc hình phạt kẻ phạm tội.

  • Sự yêu thương, tức là sự tốt lành của Thiên Chúa: Bảo vệ sự lành, hình phạt sự ác; đồng thời ban cho loài người cơ hội được tha tội.

Điều răn là nền tảng của luật pháp, như hiến pháp là nền tảng của luật pháp loài người trong một quốc gia. Luật pháp là sự giải thích điều răn, đưa ra các quy định về sự thi hành điều răn, và đưa ra các hình phạt cho sự vi phạm các điều răn.

13 Thế thì điều lành lại làm cho tôi chết sao? Chẳng phải vậy! Nhưng tội lỗi {đã làm cho tôi chết,} để cho thấy rằng: Tội lỗi đã bởi điều lành làm cho tôi chết; tội lỗi bởi điều răn mà trở thành vô cùng độc ác.

Một người có thể nêu ra câu hỏi: Nếu luật pháp và điều răn là tốt lành thì tại sao luật pháp và điều răn khiến cho loài người bị chết? Đó là sự hiểu lầm, vì chẳng phải luật pháp hay điều răn khiến cho loài người chết, mà là tội lỗi, tức là sự chống nghịch luật pháp và điều răn, khiến cho loài người phạm tội và chết.

Trong khu vườn tại Ê-đen, Đức Chúa Trời đặt cây biết điều thiện và điều ác ở giữa vườn và ban cho loài người điều răn, cấm loài người ăn trái của cây đó [1]. Hình phạt dành cho sự không vâng giữ điều răn là sự chết. Con rắn, tiêu biểu cho tội lỗi, tức là sự chống nghịch luật pháp và điều răn, đã dựa vào điều răn, thông qua điều răn, bởi điều răn… mà lừa gạt loài người bằng cách khiến cho loài người hiểu sai ý nghĩa, mục đích của điều răn, và thôi thúc loài người phạm điều răn. Về phần loài người, loài người đã nghi ngờ Thiên Chúa, nảy sinh lòng ham muốn trái phép, tham muốn sự không thuộc về mình, tham muốn được bằng Thiên Chúa, nên đã dễ dàng tin vào sự lừa dối của con rắn mà phạm tội. Đó chính là sự: Tội lỗi đã bởi điều lành làm cho tôi chết; tội lỗi bởi điều răn mà trở thành vô cùng độc ác.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, Phao-lô đã nhân cách hóa tội lỗi để giúp cho chúng ta hiểu rằng, đàng sau tội lỗi là một thực thể có thân vị chống nghịch Thiên Chúa, là Sa-tan.

14 Chúng ta biết rằng, luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tính xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

15 Vì tôi không hiểu điều tôi làm: Điều tôi muốn làm thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi làm!

Loài người là một linh hồn thực hữu trong một thân thể thiêng liêng như thân thể của Thiên Chúa và các thiên sứ, gọi là tâm thần, đồng thời linh hồn và tâm thần cùng ở trong một thân thể vật chất là xác thịt. Thân thể thiêng liêng là tâm thần giúp cho loài người nhận biết và tương giao với Thiên Chúa. Luật pháp của Thiên Chúa là thiêng liêng vì nó áp dụng cho cả tâm thần lẫn xác thịt. Thí dụ: Trong xác thịt loài người không được quỳ lạy trước bất cứ một hình tượng nào, nhưng trong tâm thần loài người cũng không thể thờ lạy bất cứ ai hay bất cứ điều gì hơn là Thiên Chúa.

Loài người sống theo bản tính xác thịt đã bị bán cho tội lỗi có nghĩa là: Từ khi được hình thành trong lòng mẹ, thì chúng ta đã nhiễm lấy bản tính tội từ tổ phụ của chúng ta là A-đam. Vì thế, chúng ta không thể không phạm tội, không thể không phục vụ cho tội lỗi. Khi A-đam phạm tội thì ông đã tự mình chọn làm nô lệ cho tội lỗi, và kể từ đó, bất cứ ai ra từ ông cũng đều thuộc về tội lỗi. Như một người bị bán làm nô lệ thì kể từ đó, tất cả con cháu của người ấy được sinh ra trong khi người ấy là nô lệ, cũng đều là nô lệ.

Trong khi Vua Đa-vít nhận biết rằng, sự hình thành con người của ông trong lòng mẹ, tức là sự mầm sống từ cha kết hiệp với xác thịt của mẹ để tạo ra một linh hồn sống có tâm thần và xác thịt như ông là một việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa (Thi Thiên 139:13-16); thì ông cũng nhận biết rằng, con người của ông đã nhiễm tội từ khi còn ở trong lòng mẹ. Chính vì thế mà Vua Đa-vít đã kêu lên:

Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

Tôi không hiểu điều tôi làm” có nghĩa là tôi không hiểu được hành động của tôi. Tôi không hiểu vì sao điều mà tôi muốn làm, như chấm dứt sự phạm tội, thì tôi không làm được; còn điều tôi không muốn làm, như những hành động tội lỗi, thì tôi vẫn cứ làm! Thật ra, là bởi vì tôi đã bị nô lệ cho tội lỗi.

16 Nhưng dù tôi làm điều tôi chẳng muốn, thì tôi {vẫn} công nhận luật pháp là tốt lành.

Khi tôi làm điều mình chẳng muốn, tức là khi tôi phạm tội, làm nghịch lại luật pháp, thì tôi vẫn nhận biết luật pháp là tốt lành. Vì luật pháp thật sự là tốt lành, chỉ rõ cho tôi thấy việc tôi làm là không tốt lành.

17 Cho nên chẳng còn là tôi làm điều đó, mà {là} tội lỗi cư trú trong tôi.

Như vậy, dù là tôi làm ra tội, nhưng thật ra, khi tôi làm điều mà tôi không muốn làm, vì biết đó là vi phạm luật pháp của Thiên Chúa, thì chính là bản chất tội ở trong tôi đã điều khiển hành động của tôi. Động từ “cư trú” nói đến sự kiện sở hữu và sống bên trong như một người sở hữu và sống trong một căn nhà. Hiện tượng quỷ nhập và điều khiển một người làm ra những sự mà người ấy không kiểm soát được là hình ảnh minh họa rõ nét về sự bản tính tội lỗi ở trong loài người, điều khiển loài người làm ra tội.

18 Vì tôi biết rằng, trong tôi, tức là trong xác thịt của tôi, không có điều lành cư trú. Vì ý muốn {làm lành} có {trong} tôi, nhưng tôi không tìm thấy {năng lực} để làm ra sự tốt lành.

Chính vì điều lành không cư trú trong loài người, cho nên loài người dù có ý muốn làm lành nhưng lại không có sức mạnh để làm ra sự tốt lành. Ngược lại, chỉ có tội lỗi cư trú trong loài người, tức là bản tính tội, tiêm nhiễm từ A-đam, đã khiến cho loài người cứ làm ra tội, cho dù nhận biết luật pháp của Đức Chúa Trời. Chỉ khi một người muốn thoát khỏi tội lỗi, thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy mới được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch bản tính tội, và được Đức Thánh Linh ngự trong người ấy, ban cho năng lực của Thiên Chúa, để người ấy có thể không làm tội mà chỉ làm lành. Sự Đức Thánh Linh là Thiên Chúa ngự trong người ấy chính là sự Thiên Chúa cư trú trong người ấy, tức là sở hữu người ấy và sống trong người ấy, tác động người ấy ngưng phạm tội, nhưng vâng phục điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, sống theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa:

Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để {các anh chị em} vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Tuy nhiên sự lựa chọn dùng sức toàn năng của Thiên Chúa để sống theo ý Chúa hay vẫn sống nếp sống cũ, chiều theo sự tham muốn của xác thịt, là sự lựa chọn thuộc về người tin Chúa.

19 Vì điều lành mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm.

20 Nếu tôi làm điều mình không muốn, thì chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, mà {là} tội lỗi cư trú trong tôi.

Xét về hành vi phạm tội của một người thì rõ ràng là người ấy tự mình làm ra tội, cho dù người ấy không muốn. Tuy nhiên, xét về nguyên cớ thì nguyên cớ khiến cho một người phạm tội là vì bản tính tội lỗi cư trú trong người ấy. Tương tự như một đứa bé không muốn ăn cắp nhưng bị cha mẹ là người xấu buộc phải ăn cắp, nếu không sẽ bị cha mẹ đánh đập. Nhưng nguyên cớ ăn cắp của đứa bé là sự áp bức của cha mẹ là người xấu áp đặt trên đứa bé.

21 Vậy, tôi tìm thấy luật pháp. Tôi muốn làm điều lành nhưng điều dữ hiện diện {trong} tôi.

22 Vì theo con người bên trong, tôi thỏa lòng trong luật pháp của Đức Chúa Trời.

Tôi tìm thấy luật pháp” có nghĩa là khi tôi nhận biết luật pháp của Đức Chúa Trời. Khi loài người đối diện với luật pháp của Đức Chúa Trời thì nhận biết luật pháp là tốt lành và muốn vâng phục luật pháp, nhưng điều dữ, tức bản tính chống nghịch luật pháp, lại hiện diện trong loài người, không cho phép loài người làm lành, không cho phép loài người vâng phục luật pháp. Như đứa bé không muốn làm công việc ăn cắp, nhưng vì cha mẹ xấu đang đứng nhìn nó, nên nó buộc phải ăn cắp để không bị cha mẹ đánh đập.

Con người bên trong là tâm thần với tâm trí nhận biết về luật pháp của Đức Chúa Trời. Con người bên ngoài là thân thể xác thịt, bị tội lỗi thôi thúc làm ra những sự bất chính để thỏa mãn mọi tham muốn của xác thịt.

23 Nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, giao chiến với luật trong tâm trí của tôi và bắt tôi làm tù binh cho luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể của tôi.

Khi tội lỗi cai trị loài người thì nó buộc loài người phải vâng phục sự thôi thúc của nó mà phạm tội, nếu không, nó sẽ gây ra sự khổ sở cho loài người, như là một hình thức hình phạt. Như trường hợp đứa bé bị cha mẹ là người xấu đánh đập khi không chịu nghe lời xúi giục của cha mẹ để ăn cắp. Như trường hợp người nghiện ma túy bị cơn nghiện làm cho vật vã nếu không chịu tiếp tục dùng ma túy. Đó chính là luật pháp xấu xa của tội lỗi, áp bức loài người và dẫn loài người vào sự chết. Luật pháp xấu xa của tội lỗi cầm tù thân thể xác thịt buộc thân thể xác thịt cứ tiếp tục làm ra tội để thỏa mãn những sự tham muốn của xác thịt. Trong khi đó, luật pháp của Đức Chúa Trời chiếu rõ trong tâm trí của loài người về sự họ làm ra những điều nghịch lại luật pháp của Đức Chúa Trời, và lên án họ, rồi hình phạt họ.

Luật pháp xấu của tội lỗi có sức mạnh ép loài người làm ra những điều nghịch lại sự hiểu biết và ý muốn của mình. Trong khi luật pháp của tội lỗi luôn bắt loài người làm nô lệ cho nó, làm theo sự thôi thúc của nó mà phạm tội, thì luật pháp thánh khiết, công bình, và tốt lành của Đức Chúa Trời không dùng sức mạnh để ép loài người phải làm theo ý Chúa. Vì khi có sự ép buộc thì không còn là công bình. Không còn là công bình thì không còn là thánh khiết, không còn là yêu thương.

24 Tôi là một người khốn khổ! Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này?

Đại danh từ “tôi” được Phao-lô dùng suốt từ câu 7 đến câu 24 là để đại diện cho người được sinh ra với bản chất tội lỗi của toàn thể loài người, chứ không phải chỉ riêng ông. Bất cứ ai cũng đều ở trong hoàn cảnh được mô tả từ câu 7 đến câu 24. Một người từ khi có sự hiểu biết thì cứ bị tội lỗi cai trị cho đến chết, buộc làm ra những sự tội lỗi, để rồi sau khi chết thì phải đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời mà bị hư mất đời đời, thì thật là đau buồn và kinh khủng!

Câu: “Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này?” Cũng chính là tâm trạng hoang mang, sợ hãi, tuyệt vọng của bất cứ ai thật lòng chán ghét tội lỗi, muốn được thoát ra khỏi nó. Gọi là thân thể của sự chết vì thân thể làm ra những sự mang đến hậu quả là sự chết, và thân thể đang đi vào sự chết!

25 Tôi dâng lời cảm tạ! {Ấy là} Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa của chúng ta! Như vậy, thật ra, chính mình tôi: {trong} tâm trí thì chịu phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng {trong} xác thịt thì chịu phục luật pháp của tội lỗi.

Đại danh từ “tôi” trong câu 25 đại diện cho người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Trong một số bản thảo tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh thì phần đầu của câu 25 được viết là: “Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, qua Đức Jesus Christ, là Chúa của chúng ta!” Có nghĩa là: Tôi được cứu bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, thể hiện qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng đang sống trong tôi và làm chủ đời sống của tôi.

Chúng ta nhận thấy, phần đầu của câu 25 là câu trả lời cho câu hỏi ở câu 24: Chính Đức Chúa Trời, bởi ân điển của Ngài, đã qua Đức Chúa Jesus Christ, cứu bất cứ ai tin nhận Tin Lành của Ngài ra khỏi thân thể xác thịt của sự chết, như đã được Đức Thánh Linh khẳng định:

Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 2:8).

Được giải cứu khỏi thân thể của sự chết là được ban cho một thân thể mới thánh khiết, không nhiễm tội. Điều ấy sẽ xảy ra trong ngày Đấng Christ đến, để đem những ai thật lòng tin nhận Ngài ra khỏi thế gian: Người đã chết sẽ được sống lại trong một thân thể xác thịt mới. Người đang sống thì thân thể xác thịt sẽ được biến hóa thành một thân thể mới. Trong hiện tại thì thân thể xác thịt của tất cả những ai thật lòng tin nhận Tin Lành đều được Thiên Chúa thánh hóa để trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa, được Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh ngự vào, và ban cho năng lực của Thiên Chúa, gọi là thánh linh, để người ấy thắng cám dỗ, thắng tội lỗi, ngưng làm tội, và làm được tất cả những điều lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy:

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Con dân chân thật của Chúa vừa thoát khỏi sự cai trị của luật pháp đến từ Đức Chúa Trời, vừa thoát khỏi sự cai trị của luật pháp đến từ tội lỗi. Luật pháp của Đức Chúa Trời không còn lên án, không còn hình phạt những ai đã thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Những khi họ lỡ phạm tội vì thiếu hiểu biết, vì sơ ý, vì yếu đuối trong giây phút, thì chính Đức Chúa Jesus Christ đứng ra gánh lấy trách nhiệm về sự lỡ phạm tội của họ. Họ chỉ cần thật lòng ăn năn tội và xưng nhận tội trước Chúa (I Giăng 1:9). Luật pháp của tội lỗi cũng không còn quyền trên họ vì sức mạnh của tội lỗi đã bị tiêu diệt trong thân thể xác thịt của họ (Rô-ma 6:6), không còn có thể buộc họ phải làm ra tội. Họ vẫn có thể phạm tội ngoài ý muốn nhưng họ không bao giờ cố ý quay về sống trong tội, để tha hồ thỏa mãn những sự tham muốn của xác thịt.

Tất cả những ai nói rằng, họ thật sự ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà vẫn cứ sống trong tội, không vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì họ là người nói dối (I Giăng 2:3-6). Họ chưa hề thật lòng ăn năn. Họ chưa bao giờ được cứu. Đức Chúa Jesus Christ không hề biết đến họ (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Lời đúc kết của Phao-lô trong phần cuối của câu 25 có nghĩa là: Loài người nhận biết luật pháp của Đức Chúa Trời là tốt lành, muốn vâng phục; nhưng vì sự yếu đuối của xác thịt đối với luật pháp của tội lỗi mà loài người cứ làm ra tội, vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Chính vì trong tâm trí loài người vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời mà loài người công nhận mình là tội nhân và công nhận mình xứng đáng bị hình phạt theo luật pháp của Đức Chúa Trời.

Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho mỗi một chúng ta hiểu rõ địa vị tự do trong Đấng Christ của chúng ta và hết lòng sống xứng đáng với ân điển của Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/03/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Cùng Nhau Rao Giảng Tin Lành”:
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/cung-nhau-rao-giang-tin-lanh/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] http://www.timhieutinlanh.net/cay-su-song-va-cay-biet-dieu-thien-dieu-ac/