Chú Giải Rô-ma 01:01-06

6,228 views

Rô-ma_003 Tin Lành của Thiên Chúa
(Rô-ma 1:1-6)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Dẫn Nhập:

Trong bài trước chúng ta đã học về ý nghĩa “Tin Lành của Thiên Chúa.” Trong bài này chúng ta sẽ học về các đặc tính của Tin Lành của Thiên Chúa được trình bày trong Rô-ma 1:2-6. Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Rô-ma 1:1-6:

Rô-ma 1:1 Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa –

Rô-ma 1:2 là sự Ngài đã hứa trước trong Thánh Kinh, bởi những tiên tri của Ngài,

Rô-ma 1:3 về Con Ngài; theo xác thịt là Đấng ra từ dòng dõi Đa-vít,

Rô-ma 1:4 theo Linh của sự thánh khiết là Đấng được công bố là Con của Thiên Chúa trong năng lực, bởi sự sống lại từ những kẻ chết của Jesus Christ, Chúa chúng ta;

Rô-ma 1:5 nhờ Ngài mà chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, cho sự vâng phục của đức tin trong mọi dân tộc, vì danh Ngài;

Rô-ma 1:6 trong những dân ấy có các anh chị em và các anh chị em là những người được gọi của Đức Chúa Jesus Christ; –

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI0MDgwMTJf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11603-tinlanhcuathienchua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/w9d5n5mc8ei3x4u/11603_ChuGiaiRoma_1_2-6_TinLanhCuaThienChua.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ba chữ “Ngài” trong các câu 2 và 3 là đại danh từ thay thế cho danh xưng Thiên Chúa trong câu 1. Hai chữ “Ngài” trong câu 5 là đại danh từ thay thế cho danh xưng Jesus Christ trong câu 4. Vì thế, chúng ta có thể diễn ý của Rô-ma 1:1-6 như sau:

Rô-ma 1:1 Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa –

Rô-ma 1:2 là Tin Lành Thiên Chúa đã hứa từ trước mà những tiên tri của Thiên Chúa đã ghi chép lời hứa đó trong Thánh Kinh.

Rô-ma 1:3 Đó là Tin Lành về Con Thiên Chúa; theo xác thịt Con Thiên Chúa được sinh ra từ dòng dõi Đa-vít,

Rô-ma 1:4 theo Thánh Linh Con Thiên Chúa được công bố là Con của Thiên Chúa trong năng lực, bởi sự sống lại từ những kẻ chết của Jesus Christ, là Chúa chúng ta;

Rô-ma 1:5 nhờ Jesus Christ mà chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, cho sự vâng phục của đức tin trong mọi dân tộc, vì danh Jesus Christ;

Rô-ma 1:6 trong những dân ấy có các anh chị em và các anh chị em là những người được gọi của Đức Chúa Jesus Christ; –

Ngài Đã Hứa Trước Trong Thánh Kinh:

Rô-ma 1:2 là sự Ngài đã hứa trước trong Thánh Kinh, bởi những tiên tri của Ngài,

Khi thư Rô-ma được Đức Thánh Linh thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô viết ra vào đầu mùa xuân năm 57 thì lúc bấy giờ Hội Thánh chỉ có Thánh Kinh phần Cựu Ước, bao gồm 39 sách. Vì thế, khi nói Thiên Chúa đã hứa trước về Tin Lành trong Thánh Kinh, tức là nói đến Thánh Kinh phần Cựu Ước. Thánh Kinh Cựu Ước được viết trong khoảng thời gian 1,000 năm, khoảng từ năm 1446 TCN đến năm 400 TCN. Năm sách đầu tiên của Cựu Ước được viết trước nhất và có lẽ được Môi-se khởi sự viết vào dịp hai lần ông ở trên núi Si-na-i, mỗi lần 40 ngày, 40 đêm, theo lệnh của Thiên Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:18; 34:28; Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:24-26) và kéo dài trong suốt gần 40 năm trước khi đoạn 34 của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký được Giô-suê viết để kết thúc sách này, ngay sau khi Môi-se qua đời. Sách được viết sau cùng vào khoảng năm 400 TCN là sách E-xơ-ra, sau khi dân I-sơ-ra-ên mãn hạn phu tù 70 năm tại Ba-by-lôn. Nhiều lời hứa trước về Tin Lành đã được Thiên Chúa phán truyền từ những ngày đầu của thời sáng thế, liền sau khi loài người phạm tội, cho đến suốt chiều dài lịch sử 1000 năm đầu của dân tộc I-sơ-ra-ên, đã được những tiên tri của Ngài ghi lại trong Thánh Kinh.

Lời hứa đầu tiên về Tin Lành được Thiên Chúa phán trực tiếp với Sa-tan trong vườn Ê-đen cách nay khoảng 6,000 năm và được Môi-se ghi lại trong Sáng Thế Ký 3:15 cách nay khoảng 3,400 năm: “Ta sẽ làm cho ngươi cùng người nữ, dòng dõi ngươi cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ cắn gót chân người.” Sự ứng nghiệm của lời hứa này được xác chứng bởi Ga-la-ti 4:4, 5 cách nay khoảng 1,960 năm: “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài.”

Đức Chúa Jesus Christ thuộc dòng dõi người nữ, qua sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá, đã phá tan quyền lực của tội lỗi và sự chết mà Sa-tan dùng để hủy diệt nhân loại; đó là hành động giày đạp đầu Sa-tan. Còn Sa-tan, dù có thể làm sỉ nhục và giết chết Đấng Christ nhưng Ngài đã sống lại từ trong sự chết với một thân thể vinh quang, khiến cho việc làm của Sa-tan chỉ có tác động tạm thời gây thương tích như một vết cắn vào gót chân.

Sau đây là một số câu Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại lời hứa về Tin Lành trong Đấng Christ:

Sáng Thế Ký 3:15; 49:10;

Dân Số Ký 24:17-19;

Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15;

Thi Thiên 2:7-9; 8:2; 16:10; 22:1, 7-8, 16-18; 30:3; 31:5; 34:20; 35:11, 19; 38:11; 41:9; 45:6-7; 49:15; 68:18; 69:9, 21; 72:1-7; 78:2-4; 102:25-27; 109:4, 25; 110:1-6; 118:17, 22;

Châm Ngôn 30:4;

Ê-sai 7:14; 8:14; 9:1-7; 11:1-10; 28:16; 29:18-19; 33:5-6; 40:3-5; 42:1-4; 44:3; 49:1; 50:6; 53:1-12; 55:3-4; 56:7; 59:16; 60:3; 61:1-3; 63:14; 65:1;

Giê-rê-mi 6:16; 7:11; 23:5, 6; 31:15, 31;

Ê-xê-chi-ên 37:24;

Đa-ni-ên 9:25;

Ô-sê 11:1;

A-mốt 8:9;

Mi-chê 5:2;

Xa-cha-ri 9:9; 11:12-13; 12:10; 13:6-7;

Ma-la-chi 3:1; 4:5-6

Bởi Những Tiên Tri của Ngài:

Rô-ma 1:2 là sự Ngài đã hứa trước trong Thánh Kinh, bởi những tiên tri của Ngài,

Từ ngữ “tiên tri” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “biết trước.” Người tiên tri là người biết trước hoặc nói trước một việc sẽ xảy ra. Từ ngữ này được dịch từ nguyên ngữ Hy-lạp: προφήτης, G4396, phiên âm Anh /prophētēs/, phiên âm Việt /prô`-phí-tịt/, có nghĩa là: “người truyền đạt và giải thích Lời của Thiên Chúa cho người khác,” mà phần lớn là những lời báo trước những điều Thiên Chúa sẽ làm đối với loài người. Tiên tri của Thiên Chúa là những người được Ngài ban cho chức vụ “tiên tri” và thần cảm cho họ, để họ trực tiếp rao truyền mọi lời phán của Ngài cho loài người và ghi chép lại những lời ấy trong Thánh Kinh. Chính vì vậy mà Thánh Kinh được gọi là Lời của Đức Chúa Trời, tức là ý muốn của Đức Chúa Cha, được phán truyền bởi Đức Chúa Con (vì Đức Chúa Con là Ngôi Lời – tức là “phát ngôn viên” – của Thiên Chúa, Giăng 1:1), và được Đức Thánh Linh thần cảm cho các tiên tri của Thiên Chúa lập lại cho loài người và chép thành Thánh Kinh (II Phi-e-rơ 1:20, 21).

Về Con Ngài:

Rô-ma 1:3 về Con Ngài; theo xác thịt là Đấng ra từ dòng dõi Đa-vít,

Chữ “Ngài” trong 1:2 và 1:3 đều chỉ về chủ từ “Thiên Chúa” trong 1:1. Vì thế, “Con Ngài” tức là “Con Thiên Chúa.” Ở đây, Đức Thánh Linh không dùng nhóm chữ “Con Đức Chúa Trời” mà dùng nhóm chữ “Con Thiên Chúa,” bởi vì, hai nhóm chữ này nhấn mạnh những ý nghĩa khác nhau.

  • “Con Thiên Chúa” áp dụng cho Đức Chúa Jesus Christ nhấn mạnh ý nghĩa: Đức Chúa Jesus Christ là một với Đức Chúa Cha trong bản thể và bản tính. Đức Chúa Cha là Thiên Chúa, Đức Chúa Jesus Christ cũng là Thiên Chúa và có đầy đủ mọi thần tính của Thiên Chúa. Các câu Thánh Kinh dưới đây giúp cho chúng ta hiểu rõ nhóm chữ “Con Thiên Chúa” khi được dùng để gọi Đức Chúa Jesus Christ:

Trước nguyên ủy, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng ở cùng Đức Chúa Trời; và Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa” (Giăng 1:1).

Ngài vốn có hình Thiên Chúa, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ” (Phi-líp 2:6).

Vì sự đầy dẫy của bản tính của Thiên Chúa thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình” (Cô-lô-se 2:9).

  • “Con Thiên Chúa” áp dụng cho thiên sứ như được dùng trong Sáng Thế Ký 6:1 và Gióp 38:7 nhấn mạnh ý nghĩa: thiên sứ được dựng nên với một thân thể thần linh như Thiên Chúa và được mặc lấy sự công bình, thánh sạch, và chân thật của Thiên Chúa, được ban cho các năng lực siêu nhiên để có thể làm ra những việc siêu nhiên như Thiên Chúa.
  • “Con Thiên Chúa” áp dụng cho loài người như được dùng trong Ma-thi-ơ 5:9: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa!” nhấn mạnh ý nghĩa những người như vậy sẽ được “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24). Sự mặc lấy người mới hay là sự tái sinh, sự dựng nên mới trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:17) chỉ xảy ra sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh, hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại. Chúng ta cũng cần ghi nhớ là trong buổi đầu sáng thế, Thiên Chúa dựng nên loài người giống như Ngài (Sáng Thế Ký 1:27), cho nên, khi loài người chưa phạm tội thì loài người cũng là con Thiên Chúa trong cùng ý nghĩa áp dụng cho thiên sứ. Sau khi loài người phạm tội thì bị mất đi địa vị con Thiên Chúa cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại thì những ai tin nhận sự chuộc tội của Đấng Christ liền được phục hồi địa vị con Thiên Chúa. Danh từ “con Thiên Chúa” không phải chỉ là một danh hiệu để gọi mà còn là phẩm chất của người được gọi, nghĩa là: người được gọi là “con Thiên Chúa” có phẩm chất giống như Thiên Chúa như Thánh Kinh đã dạy rõ trong Ê-phê-sô 4:24.
  • “Con Đức Chúa Trời” áp dụng cho Đức Chúa Jesus Christ nhấn mạnh ý nghĩa: Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng cầm quyền cai trị muôn loài thọ tạo. Quyền cai trị đó đến từ Đức Chúa Cha và năng lực cai trị đến từ Đức Thánh Linh. Các câu Thánh Kinh dưới đây giúp cho chúng ta hiểu rõ nhóm chữ “Con Đức Chúa Trời” khi được dùng để gọi Đức Chúa Jesus Christ:

Đức Chúa Jesus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta” (Ma-thi-ơ 28:18).

Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh” (Ê-phê-sô 1:22).

Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Thiên Phụ” (Phi-líp 2:9-11).

Trên áo và trên đùi Ngài có một danh được viết: ‘Vua Của Các Vua và Chúa Của Các Chúa’” (Khải Huyền 19:16).

  • “Con Đức Chúa Trời” áp dụng cho loài người nhấn mạnh ý nghĩa: loài người được cùng với Đức Chúa Jesus Christ thừa hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, được đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ.

Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng” (Cô-lô-se 1:12).

Vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa” (Cô-lô-se 3:24).

Nhơn đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình” (Hê-bơ-rơ 9:15).

Và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đấng Christ Jesus” (Ê-phê-sô 2:6).

Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta” (II Ti-mô-thê 2:12).

Theo Xác Thịt:

Rô-ma 1:3 về Con Ngài; theo xác thịt là Đấng ra từ dòng dõi Đa-vít,

Từ ngữ “xác thịt” nói đến con người thuộc thể ra từ bụi đất (Sáng Thế Ký 2:7). “Theo xác thịt” là nói về phần bản thể loài người và nhân tính của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài được sinh ra trong dòng dõi của Vua Đa-vít vì cả Giô-sép lẫn Ma-ri đều là con cháu của Vua Đa-vít. Ngài mang huyết thống của Ma-ri, nhưng Ngài không mang huyết thống của Giô-sép, vì thế, Ngài không bị nhiễm tội. Đối với Giô-sép Ngài là con nuôi nhưng con nuôi vẫn được hưởng quyền thừa kế như con ruột, cho nên, về mặt luật pháp Ngài có tư cách tiếp nối ngôi vua của Đa-vít theo dòng Giô-sép. Rô-ma 1:3 hàm ý Đức Chúa Jesus Christ là người 100% và có quyền nối ngôi vua của Đa-vít mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho đến đời đời:

Ta đã lập giao ước cùng kẻ được chọn của Ta, Ta đã thề cùng Đa-vít, kẻ tôi tớ Ta, mà rằng: Ta sẽ lập dòng dõi ngươi đến mãi mãi, và dựng ngôi ngươi lên cho vững bền đến đời đời” (Thi Thiên 89:3, 4).

Ta đã chỉ sự thánh Ta mà thề một lần, cũng sẽ không hề nói dối với Đa-vít: Dòng dõi người sẽ còn đến đời đời, và ngôi người sẽ còn lâu như mặt trời ở trước mặt Ta. Ngôi ấy sẽ được lập vững bền mãi mãi như mặt trăng, chứng nhân thành tín ở trên trời vậy” (Thi Thiên 89:35-37).

Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Thiên Chúa Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va Vạn Quân sẽ làm nên sự ấy” (Ê-sai 9:5, 6)!

Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ Ta sẽ dấy lên cho Đa-vít một nhánh công bình. Ngài sẽ cai trị, làm vua, lấy cách khôn ngoan mà ăn ở, làm sự chánh trực công bình trong đất” (Giê-rê-mi 23:5; 33:15).

Vả, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Đa-vít sẽ chẳng thiếu một người nam để ngồi trên ngai nhà I-sơ-ra-ên” (Giê-rê-mi 33:17).

Gia phổ Đức Chúa Jesus Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham” (Ma-thi-ơ 1:1).

Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài” (Lu-ca 1:32).

“Ta, Jesus, đã sai thiên sứ Ta để làm chứng cho các ngươi những sự này trong các Hội Thánh. Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít, là sao mai sáng chói” (Khải Huyền 22:16).

Theo Linh của Sự Thánh Khiết và Con của Thiên Chúa Trong Năng Lực:

Rô-ma 1:4 theo Linh của sự thánh khiết là Đấng được công bố là Con của Thiên Chúa trong năng lực, bởi sự sống lại từ những kẻ chết của Jesus Christ, Chúa chúng ta;

“Linh của sự thánh khiết” tức là Linh của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, trái với “linh của sự ô uế” là linh của những kẻ chống nghịch Thiên Chúa. Linh của Thiên Chúa còn gọi là Thánh Linh, là quyền phép, năng lực, và sự sống đến từ Thiên Chúa. Theo Thánh Linh thì Đức Chúa Jesus Christ đã được tỏ ra là “Con của Thiên Chúa trong năng lực.” Rô-ma 1:4 hàm ý Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa 100% cầm quyền trên sự sống, sự chết, và muôn loài thọ tạo.

Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, hai danh từ Hán Việt dưới đây được chọn để dịch hai từ ngữ tiếng Hy-lạp dùng để chỉ về “sức mạnh và khả năng,” “thẩm quyền và khả năng:”

  • Năng lực: Sức mạnh và khả năng để làm một điều gì. Tiếng Hy-lạp: δύναμις, G1411, phiên âm Anh /dunamis/, phiên âm Việt /đu-na-mít/. Tiếng Anh: power and ability. Câu Thánh Kinh tiêu biểu:

Vì tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Christ, là năng lực của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp”(Rô-ma 1:16).

  • Năng quyền: Thẩm quyền và khả năng để làm một điều gì. Tiếng Hy-lạp: ἐξουσία,G1849, phiên âm Anh /exousia/, phiên âm Việt /êt-xô-xia/. Tiếng Anh: power and authority. Câu Thánh Kinh tiêu biểu:

Nhưng hễ những ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ năng quyền, để trở nên con cái của Đức Chúa Trời; là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài” (Giăng 1:12).

Nghĩa đen của từ ngữ “công bố” trong nguyên ngữ Hy-lạp là: đánh dấu giới hạn hay ranh giới của một cánh đồng hoặc một vật gì; nghĩa bóng là: sự xác định, sự chỉ định, sự công bố.

Nhóm chữ “Con của Thiên Chúa trong năng lực” có nghĩa là: Con của Thiên Chúa với trọn vẹn sức mạnh và khả năng của Thiên Chúa vì Ngài có bản thể và bản tính Thiên Chúa (Giăng 1:1; Phi-líp 2:6). Chính sự sống lại từ trong những kẻ chết của Đức Chúa Jesus Christ đã “đánh dấu,” đã “xác định,” đã “công bố” rằng, Ngài là “Con của Thiên Chúa và có trọn vẹn sức mạnh cùng khả năng của Thiên Chúa.”

Chính “Con của Thiên Chúa” đó, là Jesus Christ, là Chúa của chúng ta! Từ ngữ “Chúa” trong nguyên ngữ Hy-lạp là κύριος, G2962, phiên âm Anh /kurios/, phiên âm Việt /kiu-ri-ót/, được dùng để gọi một người hoàn toàn có thẩm quyền trên sự sống và sự chết của mình, như vì vua trong một vương quốc, như người chủ của một nô lệ. Chúa của chúng ta không phải là một bạo chúa mà Ngài là Chúa của tình yêu. Ngài yêu chúng ta và hy sinh mọi vinh quang của chính Ngài để cứu chuộc chúng ta, dùng máu của Ngài để rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta (Khải Huyền 1:6), nhờ đó, chúng ta được ban cho năng quyền để trở nên con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12), được trở thành anh em với Ngài (Rô-ma 8:29). Rồi trong vương quốc đời đời của Ngài chúng ta được đồng cai trị với Ngài (Ê-phê-sô 2:6; II Ti-mô-thê 2:12).

Ân Điển và Chức Sứ Đồ:

Rô-ma 1:5 nhờ Ngài mà chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, cho sự vâng phục của đức tin trong mọi dân tộc, vì danh Ngài;

Ơn được biệt riêng ra từ trong lòng mẹ để hầu việc Chúa qua chức vụ sứ đồ mà Phao-lô và các bạn của ông nhận được đều là nhờ Đức Chúa Jesus Christ. Nếu Đức Chúa Jesus Christ không hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại thì Phao-lô và các bạn của ông vẫn ở trong sự hư mất. Nếu Phao-lô và các bạn của ông đã tin nhận sự cứu chuộc của Đấng Christ mà Ngài không ban chức vụ sứ đồ cho họ thì họ cũng không thể dự phần trong công cuộc đem nhiều người trong mọi dân tộc đến với Tin Lành của Thiên Chúa. Chúng ta cần ghi nhớ, các chức vụ là do Đức Chúa Cha thiết lập (I Cô-rinh-tô 12:28) nhưng sự ban cho người nào chức vụ nào thì do Đức Chúa Con (Ê-phê-sô 4:11); còn thẩm quyền, khả năng, và ơn để thi hành chức vụ là do Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12).

Sự Vâng Phục của Đức Tin Trong Mọi Dân Tộc:

Rô-ma 1:5 nhờ Ngài mà chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, cho sự vâng phục của đức tin trong mọi dân tộc, vì danh Ngài;

Đức tin nói đến ở đây tức là đức tin vào trong mọi lời phán truyền của Đức Chúa Jesus Christ, tức là, tin vào Tin Lành Cứu Rỗi. Tin vào Tin Lành Cứu Rỗi bao gồm: tin vào thân vị Con Thiên Chúa và Con Loài Người của Đức Chúa Jesus Christ, tin vào Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Ngôi Cha, tin vào Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, là Đấng an ủi con dân Chúa và dẫn con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Đức tin phải được thể hiện bằng việc làm, là sự vâng phục, tức là đồng ý và làm theo mọi lời phán truyền của Đức Chúa Jesus Christ. Trong những lời phán truyền của Đức Chúa Jesus Christ nổi bật nhất là: Hãy ăn năn, đừng phạm tội nữa, hãy làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha, hãy trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Cha.

Nói cách khác, đức tin vào trong Đấng Christ được thể hiện bằng hành động: làm theo mọi ý muốn của Đức Chúa Cha được thể hiện trong Thánh Kinh Cựu Ước và tóm lược trong Mười Điều Răn, được Đức Chúa Con rao giảng trong bốn sách Tin Lành và sách Khải Huyền, được Đức Thánh Linh dạy dỗ trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ và các thư tín Tân Ước. Ai nói mình có đức tin nơi Đấng Christ mà không vâng giữ điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời như Đấng Christ đã vâng giữ thì người ấy là kẻ nói dối:

Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người. Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng yêu Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm” (I Giăng 2:3-6)

Mọi dân tộc vì cớ không vâng phục ý muốn của Đức Chúa Cha được thể hiện trong các điều răn và luật pháp của Ngài, cho nên, mọi dân tộc phạm tội và làm ô uế đất:

Đất bị dân cư làm ô uế, vì họ đã phạm luật pháp, trái điều răn, dứt giao ước đời đời” (Ê-sai 24:5).

Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại trong Đức Chúa Jesus Christ khiến cho mọi dân tộc, nếu tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi, có thể vâng phục ý muốn của Đức Chúa Cha, tức là vâng giữ các điều răn và luật pháp của Ngài. Bởi vì, danh “Jesus” có nghĩa là: “Thiên Chúa Hằng Sống là Sự Cứu Rỗi” và Tin Lành Cứu Rỗi của Đấng Christ có năng lực để cứu mọi kẻ tin, thuộc bất cứ dân tộc nào, ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi (1:16) để chiếu sáng ý nghĩa của danh “Jesus.” Đó là ý nghĩa của nhóm chữ: “sự vâng phục của đức tin trong mọi dân tộc, vì danh Ngài.”

Những Người Được Gọi của Đức Chúa Jesus Christ:

Rô-ma 1:6 trong những dân ấy có các anh chị em và các anh chị em là những người được gọi của Đức Chúa Jesus Christ; –

“Những người được gọi của Đức Chúa Jesus Christ” là: những người được Đức Chúa Cha dùng Tin Lành để gọi họ đến với Đức Chúa Jesus Christ, đến với vương quốc, đến với sự vinh quang của Ngài:

Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta” (I Cô-rinh-tô 1:9).

Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con, khuyên lơn, an ủi, và nài xin anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến vương quốc Ngài và sự vinh quang Ngài” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:11, 12).

Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em trong sự thánh hóa của thần quyền và niềm tin của lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em. Ấy cũng là vì đó mà Ngài đã dùng Tin Lành chúng tôi gọi anh em, đặng anh em hưởng được sự vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13, 14).

Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn theo ý riêng và ân điển của Ngài đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ Jesus từ trước khi thế gian bắt đầu” (II Ti-mô-thê 1:9).

Kết Luận:

Từ trước vô cùng Thiên Chúa đã sắm sẵn chương trình cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi và phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Chương trình ấy được gọi là Tin Lành của Thiên Chúa với sự đồng công của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Chúa Cha ban sự cứu rỗi bởi sự hy sinh Con Một của Ngài làm sinh tế chuộc tội. Đức Chúa Con thi hành sự cứu rỗi bằng cách nhận thay án phạt và chết thay cho toàn thể nhân loại. Đức Thánh Linh áp dụng giá trị và năng lực của sự cứu rỗi cho những người tin nhận Đức Chúa Jesus Christ để tái sinh họ, thánh hóa họ, và ban các ân tứ cho họ, khiến cho họ được trở nên giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24).

Tin Lành ấy được Thiên Chúa dùng các tiên tri của Ngài để hứa trước và ghi lại trong Thánh Kinh rằng, Thiên Chúa phải nhập thế làm người, mang lấy trọn vẹn bản thể loài người để có thể gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người nhưng vẫn đầy trọn bản thể của Thiên Chúa với sự trọn lành và vô hạn để có thể cứu chuộc tất cả nhân loại. Tin Lành ấy được ban cho mọi dân tộc và được rao giảng cho muôn dân bởi những người được chọn làm sứ đồ của Đấng Christ. Tất cả những ai tin nhận Tin Lành ấy được trở thành những người được gọi của Đức Chúa Jesus Christ, tức là những người được Đức Chúa Cha dùng Tin Lành để gọi họ đến với Đức Chúa Jesus Christ, đến với vương quốc, đến với sự vinh quang của Thiên Chúa.

Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa vì chúng ta được dự phần trong số những người được gọi của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/06/2012

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.