Chú Giải Sáng Thế Ký 02:01-14 Thiên Chúa Sáng Tạo Ngày Sa-bát và Dựng Nên Cảnh Vườn tại Ê-đen

5,147 views

900107 Chú Giải Sáng Thế Ký 2:1-14
Thiên Chúa Sáng Tạo Ngày Sa-bát

và Dựng Nên Cảnh Vườn tại Ê-đen

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 2:1-14

1 Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất.

2 Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm.

3 Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]

4 Ấy là về nguồn gốc của các tầng trời và đất khi chúng được sáng tạo, trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu làm ra đất và các tầng trời.

5 Lúc đó, chưa có một chồi cây nào mọc ngoài đồng, trên đất; và cũng chưa có một ngọn cỏ đồng nào mọc lên; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chưa cho mưa xuống trên đất; và cũng chưa có một người nào lao động trên đất.

6 Nhưng có hơi nước từ đất bay lên, tưới khắp cùng mặt đất.

7 Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.

8 Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lập một khu vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông; và Ngài đặt người mà Ngài vừa tạo nên ở đó. [Ê-đen có nghĩa là vui vẻ, thỏa lòng.]

9 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu khiến đất mọc lên mọi thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon. Giữa vườn lại có Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác.

10 Một con sông từ Ê-đen chảy ra để tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn nguồn.

11 Tên của sông thứ nhất là Bi-sôn; nó chảy quanh toàn xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng.

12 Vàng của xứ ấy rất tốt. Tại đó lại có nhũ hương và bích ngọc.

13 Tên của sông thứ nhì là Ghi-hôn, nó chảy quanh xứ Cúc. [Còn gọi là xứ Ê-thi-ô-bi (Ethiopia).]

14 Tên của sông thứ ba là Hi-đê-ke, nó chảy về phía đông của xứ A-si-ri. Còn sông thứ tư là Ơ-phơ-rát.

Trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Thiên Chúa sáng tạo ngày Sa-bát và sự Ngài lập ra một cảnh vườn tại Ê-đen. Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng: Nội dung trong đoạn 2 của Sáng Thế Ký không phải là ghi chép tiếp những gì đã xảy ra như đã được ghi chép trong đoạn 1, ngoại trừ bốn câu đầu tiên ghi lại sự Thiên Chúa sáng tạo ra ngày Sa-bát.

  • Sáng Thế Ký 2:1-4 ghi lại sự kiện Thiên Chúa biệt riêng ngày Thứ Bảy làm ngày yên nghỉ (Sa-bát) khỏi mọi sự lao động.
  • Sáng Thế Ký 2:5-14 ghi lại sự kiện Thiên Chúa lập nên cảnh vườn tại Ê-đen trong ngày Thứ Sáu.
  • Sáng Thế Ký 2:15-17 ghi lại sự kiện Thiên Chúa truyền lệnh cấm loài người ăn trái của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác trong ngày Thứ Sáu.
  • Sáng Thế Ký 2:18-25 ghi lại cách thức Thiên Chúa dựng nên loài người, nam và nữ; cách thức Thiên Chúa dựng nên các loài gia súc, chim trời, và thú đồng trong ngày Thứ Sáu.

Vì thế, trong ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa chỉ làm ra một hành động duy nhất là ban phước cho ngày Thứ Bảy và biệt riêng ngày Thứ Bảy cho chính Ngài. Trong ngày đó, Thiên Chúa hoàn toàn ngưng nghỉ mọi công trình sáng tạo. Chúng ta cần chú ý đến chi tiết về sự Thiên Chúa dựng nên ngày Sa-bát để hiểu vì sao điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn truyền cho chúng ta phải tôn kính ngày Sa-bát, nghỉ mọi sự lao động trong ngày Sa-bát.

1 Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất.

“Và như vậy”, tức là như mọi sự đã được ghi chép trong Sáng Thế Ký đoạn 1: Vào cuối ngày Thứ Sáu thì các tầng trời và đất, cùng muôn loài trong các tầng trời và đất đều đã được hoàn tất. Thiên Chúa đã xem xét công trình sáng tạo của Ngài và nhận thấy: “Mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành!” Điều này có nghĩa là: cho tới khi Thiên Chúa tái tạo các tầng trời mới và đất mới, thì sẽ không có một công trình sáng tạo thuộc thể nào khác, được Thiên Chúa làm ra.

Điều này cũng cho chúng ta biết, từ khi sáng thế đến nay, không có một điều gì mới trong thế giới vật chất của chúng ta. Đúng y như Vua Sa-lô-môn đã nhận thức:

“Điều gì đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời.” (Truyền Đạo 1:9).

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc trong thế giới thuộc linh. Ngài vẫn dựng nên mới những ai tin nhận Tin Lành (II Cô-rinh-tô 5:17).

2 Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm.

Khi chúng ta nói đến thứ tự các ngày trong tuần lễ thì chúng ta không viết hoa. Nhưng khi chúng ta gọi tên của mỗi ngày thì chúng ta viết hoa: Thứ Nhất, Thứ Nhì, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy (Sa-bát). Vào ngày Thứ Bảy của tuần lễ sáng tạo thì Thiên Chúa đã hoàn thành mọi công việc sáng tạo và mọi việc cần làm trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Trong ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa không hề làm một công việc thuộc thể nào nữa, ngoài việc bảo tồn thế giới mà Ngài đã dựng nên. Thánh Kinh ghi rõ: “Trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm”. Vì: Ngài đã làm hết mọi việc cần làm trong sáu ngày. Thiên Chúa cũng truyền cho chúng ta phải làm hết mọi việc chúng ta cần làm trong sáu ngày, để ngày Thứ Bảy trong tuần lễ chúng ta yên nghỉ trong ngày Sa-bát mà Ngài đã vì chúng ta mà dựng nên:

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11

8 Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó.

9 Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày;

10 nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.

11 Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.

“Rồi, Ngài đã phán với họ: Ngày Sa-bát đã được làm nên vì loài người, không phải loài người được làm nên vì ngày Sa-bát.” (Mác 2:27).

Đáng buồn thay, ngày nay lại có nhiều người dùng Mác 2:27 để bác bỏ việc giữ ngày Sa-bát. Nghĩa là, họ công khai từ chối ơn phước cao quý và quan trọng mà Thiên Chúa đã dành ban cho họ từ khi sáng thế. Họ cho rằng, Chúa vì họ mà lập nên ngày Sa-bát thì họ có quyền thích hay thuận tiện thì nhận, còn không thích thì thôi!

Thiên Chúa lập nên ngày Sa-bát không phải vì Ngài mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi, mà Ngài dựng nên và dành riêng ra một ngày, trong ngày đó Ngài không làm gì khác, ngoài việc tương giao với loài người và ban phước cho loài người. Loài người cần có một ngày để cho thân thể xác thịt được nghỉ ngơi. Loài người cần có một ngày để nhận lãnh ơn phước thông công cách đặc biệt với Thiên Chúa. Ngày Sa-bát là ngày hẹn tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người. Trong ngày đó, Thiên Chúa không làm việc và loài người cũng không làm việc, để Thiên Chúa và loài người có được những giây phút vui thỏa trong tình yêu, bên nhau.

Ai có thể vì bất cứ lý do nào và với thẩm quyền nào mà bỏ đi cuộc hẹn của mình với Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài? Hoặc là tự ý đổi hẹn sang Chủ Nhật?

Cái lý luận cho rằng: Con dân Chúa không còn ở dưới luật pháp nên không cần giữ ngày Sa-bát đồng thời hàm ý con dân Chúa không cần giữ bất cứ điều răn nào trong Mười Điều Răn! Người lý luận như vậy không hiểu rằng: “Con dân Chúa không còn ở dưới luật pháp” tức là không còn bị luật pháp hình phạt vì sự vi phạm các điều răn của Chúa. Bởi vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay hình phạt của luật pháp cho họ. Có nghĩa là ngày nay, nếu họ vi phạm ngày Sa-bát thì họ không còn bị ném đá cho chết; vì Đức Chúa Jesus Christ đã chết thay cho họ. Điều đó không có nghĩa là từ nay họ tha hồ vi phạm ngày Sa-bát!

Tội vi phạm ngày Sa-bát nặng hơn các tội làm ra vì không yêu người lân cận như mình, như: bất hiếu, giết người, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng dối, tham lam. Vì tội vi phạm ngày Sa-bát là trực tiếp xúc phạm Thiên Chúa! Là không hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính yêu Thiên Chúa!

3 Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]

Ý nghĩa của sự kiện Thiên Chúa ban phước cho ngày Thứ Bảy là: Thiên Chúa khiến cho nó trở thành một ngày vui vẻ, phước hạnh, thấm nhuần tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Ngài. Thiên Chúa thánh hóa ngày Thứ Bảy có nghĩa là: Thiên Chúa biệt riêng ngày Thứ Bảy làm một ngày thuộc về Ngài. Từ ngữ thánh hóa trong Thánh Kinh luôn luôn mang nghĩa: làm cho trở nên tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và để dành cho Thiên Chúa sử dụng. Thiên Chúa luôn luôn gọi ngày Sa-bát là: “Ngày Sa-bát của Ta!” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; 31:13; Lê-vi Ký 19:3, 30; 26:2; Ê-sai 56:4; Ê-xê-chi-ên 20:12-13, 16, 20-21, 24; 22:8, 26; 23:38; 44:24).

Đức Chúa Jesus Christ thì công bố: “Con Người là Chúa của ngày Sa-bát” (Ma-thi-ơ 12:8; Mác 2:28; Lu-ca 6:5).

Chính lời phán ấy của Đức Chúa Jesus Christ đã chứng minh Ngài là Thiên Chúa thể hiện trong thân thể xác thịt của loài người.

Vì ngày Sa-bát là ngày của Thiên Chúa, được đặt dưới quyền cai trị của Đức Chúa Jesus Christ, thì ai trong loài người có quyền bỏ đi hay thay đổi ngày Sa-bát của Thiên Chúa? Bất cứ người nào hay giáo hội nào dạy cho con dân Chúa bỏ đi hoặc thay đổi ngày Sa-bát của Thiên Chúa, thì đều sẽ bị phán xét bởi Đức Chúa Jesus Christ. Những ai vì vô tình, thiếu hiểu biết mà bỏ đi hoặc thay đổi ngày Sa-bát của Thiên Chúa, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời:

“Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn. Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:18-19).

Chỉ khi trời cũ đất cũ qua đi và trời mới đất mới xuất hiện thì mọi sự trong chương trình của Thiên Chúa mới được trọn. Khi ấy, không cần đến luật pháp viết bằng chữ nữa. Vì luật pháp của Thiên Chúa đã trở thành bản tính của mỗi loài thọ tạo. Tội lỗi sẽ không còn thì luật pháp cũng sẽ không còn.

Một người dù cho ngày hôm nay làm ra những công việc lớn lao trong Hội Thánh bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu không tự mình đọc và suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo, vô tình phạm ngày Sa-bát của Chúa và dạy cho người khác cũng phạm như vậy, thì mọi công trình trong suốt cuộc đời của người ấy đều trở thành rơm rác bị thiêu đốt trong lửa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng bất cứ ai đã được nghe giảng về sự con dân Chúa phải giữ ngày Sa-bát, mà vẫn ương ngạnh chống trả lẽ thật, thì số phận của họ đã được định sẵn trong II Phi-e-rơ 3:16!

Vì sao ngày Thứ Bảy được gọi là ngày Sa-bát? Chữ Sa-bát trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là nghỉ ngơi thân thể xác thịt, không lao động. Trong Sáng Thế Ký 2:3, chúng ta đọc thấy: “Ngài ngưng mọi công việc của Ngài…” Động từ “nghỉ” đó được chuyển thành danh từ để gọi ngày Thứ Bảy. Vậy, ngày Sa-bát tức là ngày Nghỉ! Về sự con dân Chúa giữ ngày Sa-bát như thế nào thì xin đọc bài “Điều Răn: Hãy Nhớ Ngày Nghỉ…” [1]. Về việc bẻ gãy các lời ngụy biện chống lại sự giữ ngày Sa-bát thì xin đọc và nghe tất cả các bài giảng tại đây: http://www.timhieutinlanh.net/?p=3112

4 Ấy là về nguồn gốc của các tầng trời và đất khi chúng được sáng tạo, trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu làm ra đất và các tầng trời.

Qua Sáng Thế Ký 2:4 mà chúng ta hiểu rằng, ngày Thứ Bảy, tức ngày Sa-bát, cũng nằm trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chữ “ngày” được dùng trong mệnh đề: “trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu làm ra đất và các tầng trời”, không phải là một ngày bao gồm buổi tối và buổi sáng trong 24 tiếng đồng hồ. Đây là cách dùng chữ “ngày” với nghĩa rộng: “thời kỳ”, để chỉ một khoảng thời gian thuộc về một biến cố hay một sự kiện nào đó.

Danh xưng “Tự Hữu Hằng Hữu” lần đầu tiên xuất hiện trong câu này, và đó là tên riêng của Ba Ngôi Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa tự xưng trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-14, khi Môi-se hỏi tên của Ngài:

“Môi-se thưa với Đức Chúa Trời rằng: Này, tôi sẽ đi đến dân I-sơ-ra-ên, nói với họ rằng: Thiên Chúa của tổ phụ các ngươi sai ta đến với các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là gì? Thì tôi nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán rằng: Ta là Ta Là. Rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng “Ta Là” đã sai ta đến với các ngươi. [Động từ “là” có nghĩa “thực hữu” được dùng trong câu phán của Thiên Chúa mang ý nghĩa sau đây: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có”. Vì thế, cách nói: “Ta là Ta Là” có nghĩa: “Ta là Đấng đã tự có! Ta là Đấng vẫn có như Ta đang có! Và Ta là Đấng sẽ có như Ta mãi có!” Nói cách khác, Thiên Chúa tự xưng rằng, tên Ngài là: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có!” Tên riêng của Thiên Chúa đã được dịch khá chính xác sang tiếng Hán Việt là: “Ta Tự Hữu Hằng Hữu”.]”

Chúng ta chú ý: Môi-se hỏi Đức Chúa Trời nhưng Thiên Chúa trả lời. Nghĩa là, Môi-se hỏi Đức Cha nhưng cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng trả lời, để ấn chứng, danh xưng “Ta Là”, tức “Tự Hữu Hằng Hữu” là danh xưng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

5 Lúc đó, chưa có một chồi cây nào mọc ngoài đồng, trên đất; và cũng chưa có một ngọn cỏ đồng nào mọc lên; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chưa cho mưa xuống trên đất; và cũng chưa có một người nào lao động trên đất.

“Lúc đó” là lúc các tầng trời và đất vừa được dựng nên, ngoài khu vườn tại Ê-đen thì các nơi khác chưa có cây cối hay cỏ mọc lên. Chúng ta có thể hiểu là theo thời gian, các loại hạt giống từ khu vườn tại Ê-đen theo gió, côn trùng, và cả các loài chim, loài thú mà lan ra khắp đất. Chữ “đồng” được dùng để chỉ vùng đất bên ngoài khu vườn tại Ê-đen. Chúng ta không biết khi nào thì mới có hiện tượng mưa. Nhưng dựa vào sự kiện sau Cơn Nước Lụt mới có hiện tượng cầu vồng thì chúng ta có thể tin rằng, từ khi sáng thế cho tới khi Cơn Lụt Lớn xảy ra thì không có hiện tượng mưa, vì nếu có mưa thì đã có hiện tượng cầu vồng! Chúng ta thật sự không biết môi trường trên đất như thế nào trước khi tội lỗi vào trong thế gian, và trước Cơn Lụt Lớn.

Sự kiện loài người lao động trên mặt đất hàm ý việc canh tác. Lúc đó chưa có người canh tác trên đất, nên chưa có cây cối và cỏ mọc lên trên vùng đất bên ngoài khu vườn tại Ê-đen. Chúng ta cũng không biết kích thước khu vườn tại Ê-đen là bao lớn. Có thể lớn bằng cả một quốc gia nhỏ, ngày nay.

6 Nhưng có hơi nước từ đất bay lên, tưới khắp cùng mặt đất.

Sự kiện hơi nước từ đất bay lên tưới khắp mặt đất là một hiện tượng hiểu được bằng khoa học. Nước vừa dồn lại một chỗ thành biển, dù mặt đất đã khô nhưng bên dưới mặt đất vẫn còn chất nước. Vì sức nóng của mặt trời chiếu trên đất, làm cho nước trong đất bốc hơi và rơi trở lại trên mặt đất để tưới đất.

7 Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.

Từ ngữ “tạo hình” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là nhào, nặn, nắn, đúc… như một người thợ gốm nhào, nặn, nắn, đúc đất sét thành hình một cái lọ, một cái bình. Chúng ta thật sự không biết Thiên Chúa “tạo hình” loài người như thế nào. Phải chăng, Ngài phán một tiếng thì bụi của đất tự gom lại thành hình người? Phải chăng, Ngài hiện ra trong hình dáng của một người và dùng đôi tay để nắn bụi đất nên một hình thể giống như hình thể trong vật chất của chính Ngài, như “tượng” Ngài? Chúng ta hoàn toàn không biết. Mong rằng, một ngày kia, trong Vương Quốc Trời chúng ta sẽ được Chúa cho biết.

Khi thân thể vật chất của loài người được “tạo hình” xong, Thiên Chúa thổi linh sự sống vào lỗ mũi của hình tượng ấy, thì hình tượng ấy trở thành thịt và máu, có hơi thở, và trở thành một linh hồn sống. Có nghĩa là: khi linh sự sống từ Thiên Chúa vào trong bụi đất và kết hợp với bụi đất, thì linh hồn xuất hiện. Bụi đất là thân thể vật chất của loài người. Linh sự sống ra từ Thiên Chúa là thân thể thiêng liêng của loài người, còn gọi là tâm thần (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; Hê-bơ-rơ 4:12). Loài người được dựng nên theo hình Thiên Chúa về phần linh hồn, và được dựng nên theo tượng Thiên Chúa về phần thân thể thiêng liêng lẫn thân thể vật chất. Linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng và cùng thân thể thiêng liêng ở trong thân thể vật chất.

Sự chết của thân thể xác thịt là do linh hồn và tâm thần bị phân rẽ khỏi thân thể xác thịt. Một người thuộc về Chúa, khi chết thì linh hồn và tâm thần vào trong thiên đàng với Chúa, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại và bước vào Vương Quốc Trời. Một người không thuộc về Chúa, khi chết tâm thần về lại cùng Thiên Chúa, còn linh hồn thì bị tạm giam trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại để ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ. Xin đọc và nghe loạt bài giảng về loài người tại đây: https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=734.

8 Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lập một khu vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông; và Ngài đặt người mà Ngài vừa tạo nên ở đó. [Ê-đen có nghĩa là vui vẻ, thỏa lòng.]

Chúng ta chú ý chi tiết này: “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lập một khu vườn tại Ê-đen”. Không phải: “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lập một khu vườn đặt tên là Ê-đen!” Tức là, có vùng đất được Thiên Chúa đặt tên là Ê-đen và trên vùng đất ấy, ở về hướng đông, Thiên Chúa lập ra một khu vườn. Chúng ta quen nói “vườn Ê-đen” là nói tắt: “vườn tại Ê-đen” nhưng dễ bị hiểu lầm là: “vườn tên là Ê-đen!” Chi tiết này không phải là quan trọng, nhưng đó là điều chúng ta cần chú ý xem xét, suy ngẫm khi đọc Lời Chúa. Chúa dạy chúng ta phải suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm. Ê-đen có nghĩa là “vui thỏa”, cũng có thể dịch là “hạnh phúc!” Trong vùng đất “hạnh phúc” Thiên Chúa đã lập ra một cảnh vườn cho loài người và muôn loài chim, thú.

9 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu khiến đất mọc lên mọi thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon. Giữa vườn lại có Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác.

Sự kiện đất mọc lên các loài cây, cỏ đã xảy ra trong ngày Thứ Ba của tuần lễ sáng tạo (Sáng Thế Ký 1:12). Chúng ta thấy mọi thứ cây đều đẹp mắt và trái thì ăn ngon. Đặc biệt, ở giữa vườn, Thiên Chúa cho mọc lên Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Ngài sắm sẵn bài thử nghiệm cho loài người. Chúng ta sẽ luận chi tiết về hai cây này khi học đến Sáng Thế Ký đoạn 3. Xin nghe ba bài giảng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác theo link trong ghi chú [2] và [3] ở cuối bài này.

10 Một con sông từ Ê-đen chảy ra để tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn nguồn.

Con sông từ Ê-đen chảy ra để tưới vườn, có thể là từ phía tây bắc của Ê-đen một con sông chảy sang hướng đông để tưới vườn. Khi con sông chảy vào đến khu vực của vườn thì chia thành bốn dòng. Khi ra khỏi vườn thì chảy đi bốn hướng khác nhau.

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về vị trí của Ê-đen, khu vườn, và bốn dòng sông mà chúng ta không có đủ thời gian để trình bày trong bài học này. Vì thế, chúng tôi chỉ nói đến ý nghĩa của tên các con sông và tên các vùng đất chúng chảy đến mà thôi. Khi thời gian cho phép, chúng tôi sẽ biên soạn một bài tổng hợp các giả thuyết về địa điểm của Ê-đen.

11 Tên của sông thứ nhất là Bi-sôn; nó chảy quanh toàn xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng.

12 Vàng của xứ ấy rất tốt. Tại đó lại có nhũ hương và bích ngọc.

Bi-sôn có nghĩa là “gia tăng” hay “thêm nhiều”. Ha-vi-la có nghĩa là “vòng tròn”. Ngay từ buổi đầu sáng thế thì loài người đã biết giá trị và biết sử dụng: vàng, nhũ hương, các loại đá quý. Nhũ hương là một loại nhựa thơm ra từ các loài cây có hương thơm. Bích ngọc là một loài đá quý.

13 Tên của sông thứ nhì là Ghi-hôn, nó chảy quanh xứ Cúc. [Còn gọi là xứ Ê-thi-ô-bi (Ethiopia).]

Ghi-hôn có nghĩa là: “phun trào”. Cúc có nghĩa là: “đen”. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống phiên âm là “Cu-sơ”. Chúng tôi chọn phiên âm “כּוּשׁ” H3568 thành Cúc cho thống nhất với cách phiên âm trong Sáng Thế Ký 10:6.

14 Tên của sông thứ ba là Hi-đê-ke, nó chảy về phía đông của xứ A-si-ri. Còn sông thứ tư là Ơ-phơ-rát.

Hi-đê-ke có nghĩa là “nhanh”. Ngày nay, sông Hi-đê-ke có tên là Tai-rác (Tigris). A-si-ri có nghĩa là “bước tiến”; ngày nay là xứ Sy-ri-a (Syria). Ơ-phơ-rát (Euphrates) có nghĩa là “kết đầy quả”; ngày nay vẫn còn nguyên tên, và trong Kỳ Tận Thế sẽ bị cạn khô để dọn đường cho các vua phương đông kéo về I-sơ-ra-ên.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/03/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] http://www.timhieutinlanh.net/?p=115

[2] http://www.timhieutinlanh.net/?p=377

[3] https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/101_toiloiductinsucaunguyen

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.