Chú Giải Sáng Thế Ký 01:01 Thiên Chúa Sáng Tạo Các Tầng Trời và Đất

11,486 views

900101 Chú Giải Sáng Thế Ký 1:1
Thiên Chúa Sáng Tạo Các Tầng Trời và Đất

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Tên Sách

Chữ đầu tiên trong câu đầu tiên của sách Sáng Thế Ký là “bereshit”, /bê-rê-sít/, có nghĩa là: vào buổi ban đầu. Chữ này được dùng làm tên sách trong tiếng Hê-bơ-rơ. Trong tiếng Anh, tên sách là “Genesis” ra từ tiếng Hy-lạp, có nghĩa là: khởi đầu, nguồn gốc. Trong tiếng Hán Việt:

  • Sáng = sáng tạo
  • Thế = thế gian
  • Ký = ghi chép

Vậy, “Sáng Thế Ký” có nghĩa là: ghi chép lại sự sáng tạo thế gian.

Người Viết

Cho đến cuối thế kỷ 17, các nhà nghiên cứu Thánh Kinh đều nhận rằng năm cuốn sách đầu tiên trong Thánh Kinh là do Môi-se ghi chép. Hai thế kỷ tiếp theo, dấy lên một số nhà nghiên cứu cho rằng, năm cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh không do Môi-se ghi chép mà là do ít nhất là bốn tác giả vô danh khác nhau ghi chép vào một thời điểm sau khi dân I-sơ-ra-ên đã vào được đất hứa. Quan điểm phủ nhận Môi-se là người ghi chép năm cuốn sách đầu của Thánh Kinh bị các nhà nghiên cứu truyền thống bác bỏ. Dù vậy, cho đến ngày nay, quan điểm ấy vẫn được giảng dạy trong một số trường Thánh Kinh và Thần học theo trường phái Thần học tự do.

Chính lời Thánh Kinh xác nhận Môi-se là người ghi chép năm sách đầu tiên của Thánh Kinh, được gọi chung là “Sách Luật Pháp”:

“Môi-se chép luật này, giao cho những thầy tế lễ, là con cháu Lê-vi, khiêng Rương Giao Ước của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, lại giao luôn cho hết thảy trưởng lão I-sơ-ra-ên…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:9).

“Hãy lấy cuốn Sách Luật Pháp này, để bên Rương Giao Ước của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch lại ngươi…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26).

Dĩ nhiên, chúng ta ngoại trừ đoạn cuối cùng của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, là đoạn ghi lại sự chết của Môi-se. Rất có thể, chính Giô-suê là người ghi chép Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 34.

Người I-sơ-ra-ên gọi chung năm sách đầu của Thánh Kinh là “Torah”, có nghĩa là: lời dạy dỗ, giáo lý; nhưng thường được gọi là “luật pháp”. Thời Tân Ước, năm sách đầu tiên của Thánh Kinh được gọi là “pentateuch” theo tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “năm sách”, được dịch sang tiếng Hán Việt là “Ngũ Kinh”. Ngũ là “năm”, kinh là “sách”.

Thời Gian Viết

Theo sử liệu thì dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập nhằm ngày Lễ Bánh Không Men đầu tiên, Thứ Năm, ngày 26 tháng 3 năm 1446 TCN [1]. Ba tháng sau đó, dân I-sơ-ra-ên đến đồng vắng Si-na-i và Đức Chúa Trời đã ngự xuống trên Núi Si-na-i, ban truyền các điều răn và luật pháp của Ngài cho họ. Trong hai lần Môi-se lên núi để nhận bảng đá do chính Đức Chúa Trời ghi chép Mười Điều Răn, thì mỗi lần ông đều ở lại với Đức Chúa Trời suốt 40 ngày đêm, không ăn, không uống. Chúng ta có thể tin rằng, đây chính là khoảng thời gian mà Môi-se được thần cảm để ghi chép năm sách đầu tiên của Thánh Kinh.

Câu Gốc

“Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất…” (Sáng Thế Ký 1:1).

Nội Dung

Sáng Thế Ký là cuốn sách đầu tiên và là nền tảng cho tất cả các sách còn lại trong Thánh Kinh. Sáng Thế Ký giới thiệu Thiên Chúa và nguồn gốc của muôn loài, mở đầu dòng lịch sử của loài người. Sáng Thế Ký giải thích ý nghĩa của đau khổ, bất công, và sự chết; đưa ra lời hứa về sự cứu chuộc; định nghĩa về đức tin và sự Thiên Chúa xưng loài người là công chính. Điều vô cùng quan trọng là: Sáng Thế Ký giới thiệu về một Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa mà muôn loài phải tôn vinh, thờ phượng Ngài.

Sáng Thế Ký 1:1 là câu mở đầu cho Thánh Kinh và là một câu tuyệt vời, công bố lẽ thật về sự thực hữu của một Đấng Tạo Hóa, lẽ thật về nguồn gốc của các tầng trời và đất.

Từ ngữ “vào lúc ban đầu” chỉ về thời điểm khi Thiên Chúa bắt đầu công cuộc sáng tạo. Trước đó, chẳng có thời gian, chẳng có không gian, chẳng có một loài tạo vật nào cả, chỉ có Thiên Chúa thực hữu từ cõi đời đời vô cùng. Tâm trí của chúng ta không thể nào thấu hiểu Thiên Chúa, không thể nào thấu hiểu sự tự hữu của Ngài, và cũng không thể nào thấu hiểu thế giới của Ngài.

Chỉ một minh họa đơn giản sau đây, sẽ giúp cho chúng ta ý thức được sự giới hạn của chúng ta. Với mười ký hiệu về số đếm, chúng ta bắt đầu từ số “không” và đếm dần về phía âm, tức là: -1, -2, -3, v.v., hoặc đếm dần về phía dương, tức là: 1, 2, 3, v.v.. Chúng ta có thể đếm mãi và đếm mãi nhưng không bao giờ đạt đến con số cuối cùng của bất cứ phía âm hay là phía dương. Hình ảnh bất tận của số đếm minh họa cho sự đời đời từ trước và sự đời đời về sau, so với thời điểm hiện tại của chúng ta.

Trong cõi đời đời vốn không có thời gian. Khi Thiên Chúa thi hành sự sáng tạo thì ngay thời điểm ấy, thời gian được tạo thành và được đánh dấu là “ban đầu”. Kể từ đó, thời gian còn lại mãi mãi. Trong cõi trời mới đất mới vẫn còn ngày tháng (Khải Huyền 22:2).

Chúng ta không thể xác định ngày tháng năm theo hệ thống lịch của chúng ta về thời điểm Thiên Chúa sáng tạo. Chúng ta chỉ có thể dựa vào các chi tiết lịch sử trong Thánh Kinh và thế giới sử, để phỏng đoán rằng, Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất khoảng 6.000 năm trước. Các nghiên cứu khoa học cận đại cũng giúp cho chúng ta thấy, sự phỏng đoán ấy là hợp lý [2], [3].

Trước đây, các phương pháp tính tuổi vật chất đưa ra giả thuyết vũ trụ được hình thành cách nay khoảng 13,82 tỉ năm; địa cầu được hình thành cách nay khoảng 4,5 tỉ năm. Chúng ta đều hiểu rõ rằng, tất cả các tính toán trước đây của khoa học về tuổi của vũ trụ hay tuổi của địa cầu đều dựa trên những giả thuyết. Vì thế, kết luận của những sự tính toán ấy không phải là sự thật đã được kiểm chứng.

Trong khi khoa học cho rằng, vũ trụ tự nhiên có; thì Thánh Kinh khẳng định, vũ trụ do Thiên Chúa tạo thành, và chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất tự nhiên có và có mãi mãi. Thực tế, từ ngữ: “Ta tự có và có mãi” chính là lời tự xưng của Thiên Chúa, và là tên của Ngài, mà chúng ta dịch sang tiếng Việt là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Khoa học đưa ra một giả thuyết về nguồn gốc của vũ trụ, cho rằng: Cách nay khoảng 13,82 tỉ năm, tự nhiên xuất hiện một khối năng lượng nhỏ hơn cả đầu của một mũi kim. Bỗng nhiên, khối năng lượng vô cùng nhỏ ấy nổ tung, trong tiếng Anh gọi là “Big Bang”, tạo ra vô số hạt vật chất. Sự nổ tung, tức là sự trương nở bất ngờ của khối năng lượng và sự di chuyển của những hạt vật chất sau vụ nổ tạo thành không gian và thời gian. Thế rồi, các hạt vật chất kết tụ với nhau thành ra tỉ tỉ các thiên hà, mà mỗi thiên hà có tỉ tỉ ngôi sao. Rồi khoảng 9,32 tỉ năm sau vụ nổ trái đất mới hình thành. Sau khi trái đất được hình thành khoảng một tỉ năm thì sự sống xuất hiện trên trái đất một cách rất là đơn sơ qua hình thức các loài vi khuẩn. Cách nay khoảng 600 triệu năm thì sự sống tiến hóa thành những động vật đơn sơ. Cách nay khoảng 2,5 triệu năm thì xuất hiện loài người tiền sử. Sau cùng, cách nay khoảng 200 ngàn năm thì loài người mới tiến hóa đến hình thể như hiện tại.

Khoa học không bao giờ giải thích được tại sao trong cả vũ trụ bao la chỉ một mình trái đất có sự sống. Khoa học không thể giải thích được tại sao cơ thể mỗi loài sinh vật được thiết kế một cách tuyệt hảo, thích ứng với sinh hoạt của mỗi loài. Và điều quan trọng hơn hết, khoa học không thể giải thích được, tại sao chỉ có loài người có ý thức về Đấng Tạo Hóa, có ý thức về thiện và ác, có ý thức về sự vĩnh cửu.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, để có thể tin được các giả thuyết do khoa học đưa ra, một người cần phải có đức tin nhiều hơn là tin vào Thánh Kinh. Thánh Kinh khẳng định, có một Thiên Chúa. Ngài là Đấng tự có và có mãi. Ngài là Đấng Tạo Hóa, tạo dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó, loài người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Ngài tự bày tỏ chính mình Ngài và chương trình, ý định của Ngài cho loài người. Sự thực hữu, bản tính, và công cuộc sáng tạo của Ngài được bày tỏ trong tâm thần của loài người. Chương trình và ý định của Ngài dành cho loài người được Ngài phán truyền cho các tiên tri và sứ đồ của Ngài, để họ công bố và ghi chép lại thành chữ viết, gọi là Thánh Kinh.

Thay vì tin những giả thuyết không hề được kiểm chứng của khoa học, một người nên tin vào lời công bố của Thánh Kinh, rằng: Vào lúc ban đầu, Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất. Rồi hạ mình, tôn thờ Thiên Chúa, thì người ấy sẽ được Ngài dẫn vào sự thông biết các lẽ thật.

Danh từ “Thiên Chúa” trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là “’elohiym”, phiên âm là /ê-lô-him/. Nghĩa đen của từ ngữ này là:

  • Những thần linh, có thể dùng để gọi các thiên sứ, các tà linh, các tà thần, các giả thần. Khi dùng như vậy, thì động từ theo sau danh từ này phải thuộc về hình thức số nhiều.
  • Những bậc cầm quyền, có thể dùng để chỉ về các bậc cầm quyền loài người. Khi dùng như vậy, thì động từ theo sau danh từ này phải thuộc về hình thức số nhiều.
  • Thiên Chúa. Khi được dùng để chỉ về Thiên Chúa thì động từ theo sau danh từ này luôn luôn thuộc về hình thức số ít, vì, Thiên Chúa chỉ có một.

Chính cách dùng độc đáo của danh từ Ê-lô-him số nhiều đi chung với động từ số ít để chỉ về Thiên Chúa, cùng với lời tự xưng “Chúng Ta” của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký 1:26; 3:22; 11:7, và lời phán truyền của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 28:19, mà chúng ta biết rằng: Chỉ có MỘT Thiên Chúa và Thiên Chúa thể hiện trong BA THÂN VỊ, còn gọi là BA NGÔI THIÊN CHÚA.

Thánh Kinh không hề chứng minh sự có thật của Thiên Chúa. Thánh Kinh chỉ công bố về Thiên Chúa. Bởi vì, chính Thiên Chúa đã bày tỏ cho mỗi người về sự thực hữu của Ngài, thần tính của Ngài, và công cuộc sáng tạo của Ngài:

“Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.” (Rô-ma 1:19-20).

Nếu Thánh Kinh đã không chứng minh về sự có thật của Thiên Chúa, thì con dân Chúa cũng không cần phải tốn thời gian để tranh cãi với những kẻ không công nhận sự thực hữu của Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh đã hai lần công bố:

“Những kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Thiên Chúa! Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghét; chẳng có ai làm điều lành.” (Thi Thiên 14:1; 53:1).

Và chính Thánh Kinh cũng dạy rằng:

“Dù con dùng chày giã mà giã kẻ ngu dại trong cối chung lộn với gạo, thì sự ngu dại nó cũng không lìa khỏi nó.” (Châm Ngôn 27:22).

Thế thì, chúng ta phí thời gian, công sức để tranh cãi với những kẻ ngu dại, không công nhận sự thực hữu của Thiên Chúa, để làm gì?

Từ ngữ “sáng tạo” trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là “bara’”, phiên âm là /ba-ra/, có nghĩa là từ không làm cho có. Chúng ta không biết rõ, Thiên Chúa đã sáng tạo hình thể cơ bản của các tầng trời và đất như thế nào, nhưng chúng ta biết Ngài dùng bảy lời phán của Ngài để sáng tạo các tầng trời và đất thành một môi trường tốt đẹp cho sự sống của loài người, trước khi Ngài dựng nên loài người.

Giả sử như, bởi năng lực của Thiên Chúa mà xảy ra một vụ nổ lớn để hình thành các tầng trời và đất, thì cũng phải bởi bảy lời phán của Ngài mà ánh sáng mới xuất hiện trong vũ trụ, bầu khí quyển mới bao quanh địa cầu, và các hình thức sự sống mới xuất hiện trên địa cầu. Khoa học khám phá ra các định luật về sức hấp dẫn, về ánh sáng, về năng lượng, về sự lưu truyền giống loài của mọi sinh vật nhưng lại không công nhận có một Đấng toàn năng và khôn ngoan thiết lập các định luật ấy.

“Các tầng trời” bao gồm cả tầng trời vật chất của vũ trụ và tầng trời thiêng liêng của thiên đàng. Trong lời tường thuật của Sứ Đồ Phao-lô được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 12:2, chúng ta thấy ông đề cập đến “tầng trời thứ ba” mà theo văn mạch thì đó là thiên đàng:

“Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.”

Như vậy, tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu, tầng trời thứ nhì là không gian trong vũ trụ. Ban đầu Thiên Chúa dựng nên tầng trời thứ ba là thiên đàng, cùng lúc, Ngài dựng nên tầng trời thứ nhì là khoảng không trong vũ trụ. Ngày thứ nhì của tuần lễ sáng tạo, Ngài mới dựng nên tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển bao chung quanh địa cầu. Cách gọi: tầng trời thứ nhất, tầng trời thứ nhì, và tầng trời thứ ba là để nhấn mạnh đến độ xa của mỗi tầng trời đối với mặt đất.

Chúng ta chú ý từ ngữ “các tầng trời” được dùng rất nhiều lần trong Thánh Kinh và luôn hàm ý tầng trời thuộc linh lẫn tầng trời thuộc thể. Dưới đây là vài câu tiêu biểu (xin nghe chú giải ý nghĩa từng câu trong phần âm thanh của bài giảng này) [4]:

“Ngươi sẽ không làm tượng chạm và bất cứ hình dạng nào trong các tầng trời cao, và bất cứ hình dạng nào trong đất thấp, và bất cứ hình dạng nào trong nước dưới đất.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4).

“Kìa, trời và các tầng trời cao hơn trời, đất và mọi vật ở nơi đất đều thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:14).

“Các tầng trời được làm nên bởi Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, cả thiên binh bởi hơi thở của miệng Ngài mà có.” (Thi Thiên 33:6).

“Ấy chính Ta đã làm ra đất và sáng tạo loài người trên nó; chính Ta, tức là tay Ta, đã giương ra các tầng trời, và đã truyền bảo các cơ binh nó.” (Ê-sai 45:12).

“Ngài đã xây dựng cung đền của Ngài trong các tầng trời, đã lập vòng khung của Ngài trên đất. Ngài kêu gọi nước biển và đổ ra trên mặt đất. Danh Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (A-mốt 9:6).

“Chịu báp-tem xong, Đức Chúa Jesus liền ra khỏi nước. Kìa, các tầng trời mở ra trên Ngài, Ngài thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.” (Ma-thi-ơ 3:16).

Riêng về từ ngữ “đất” thì chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài kế tiếp.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/01/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/?p=67

[2] https://answersingenesis.org/astronomy/age-of-the-universe/evidence-for-a-young-world/

[3] https://answersingenesis.org/evidence-for-creation/the-10-best-evidences-from-science-that-confirm-a-young-earth/

[4] https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.