Chú Giải Sáng Thế Ký 01:03-08 Sự Sáng và Tầng Trời Thứ Nhất

6,206 views

900103 Chú Giải Sáng Thế Ký 1:3-8
Sự Sáng và Tầng Trời Thứ Nhất

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 1:3-8

3 Thiên Chúa phán: Hãy có sự sáng! Thì có sự sáng.

4 Thiên Chúa thấy sự sáng là tốt lành, Ngài phân rẽ sáng ra khỏi tối.

5 Thiên Chúa đặt tên sự sáng là ban ngày, sự tối là ban đêm. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Nhất. [Buổi tối là thời điểm bắt đầu một đêm, trung bình là vào lúc 6 giờ chiều. Buổi sáng là thời điểm bắt đầu một ngày, trung bình là vào lúc 6 giờ sáng. Một ngày trung bình 24 tiếng đồng hồ, bao gồm một ban đêm và một ban ngày. Ngày mới bắt đầu từ buổi tối, sau khi ngày hiện tại kết thúc.]

6 Thiên Chúa lại phán: Hãy có một khoảng không ở giữa nước và nó hãy phân rẽ nước với nước!

7 Thiên Chúa đã làm nên khoảng không, phân rẽ nước bên dưới khoảng không khỏi nước bên trên khoảng không. Thì có như vậy. [Vào lúc ban đầu, có thể chung quanh trái đất, phía trên bầu khí quyển, là một vòng đai nước đá cho đến khi Cơn Lụt Lớn xảy ra.]

8 Thiên Chúa đặt tên khoảng không là trời. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Nhì.

Dựa vào Thi Thiên 33:6 mà chúng ta biết rằng, Thiên Chúa phán một lời thì các tầng trời được hình thành:

“Các tầng trời được làm nên bởi Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, cả thiên binh bởi hơi thở của miệng Ngài mà có.”

Thi Thiên 33:6 cũng có thể hiểu được rằng, các tầng trời được dựng nên bởi Ngôi Lời, tức là bởi Thiên Chúa Ngôi Lời, như Giăng 1:1-3 đã nói rõ:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. [Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “ban đầu” có nghĩa là nguyên thủy hoặc nguồn gốc; được dùng ở đây hàm ý từ trước vô cùng. Động từ “có” và “là” trong các câu 1, 2, 4 ở trong thời quá khứ chưa hoàn thành, chỉ về sự việc đã xảy ra và vẫn cứ xảy ra, nên chúng tôi dịch là “hằng có”, “hằng là”.] Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.”

Khi chúng ta đọc đến phần ghi lại sự Thiên Chúa sáng tạo loài người, thì chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa có ý định, có chương trình, và thiết lập các quy luật trước khi Ngài thi hành sự sáng tạo. Vậy, bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi một lời phán của Ngôi Lời, bởi năng lực của Đấng Thần Linh, mà các tầng trời và trái đất đã xuất hiện từ hư không, y theo ý muốn và các quy luật do Thiên Chúa đặt ra.

Liền sau khi vũ trụ vật chất của chúng ta xuất hiện với trái đất lơ lửng giữa các khối mây bụi vật chất khổng lồ đang trương nở thật nhanh, thì Ngôi Lời phán ra bảy lời để hoàn tất công cuộc sáng tạo thế giới vật chất:

  • Lời phán thứ nhất: Tạo ra ánh sáng (1:3).
  • Lời phán thứ nhì: Tạo ra tầng trời thứ nhất (1:6).
  • Lời phán thứ ba: Khiến phân rẽ đất khỏi biển (1:9).
  • Lời phán thứ tư: Khiến đất sinh ra các loài thực vật (1:11).
  • Lời phán thứ năm: Hình thành mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao (1:14).
  • Lời phán thứ sáu: Khiến nước sinh ra các bầy sinh vật; khiến có các loài chim bay trong khoảng không (1:20).
  • Lời phán thứ bảy: Khiến đất sinh ra các loài thú và côn trùng (1:24).

Riêng về sự sáng tạo loài người thì Thiên Chúa không dùng lời phán, mà Ngài lấy bụi đất gom lại thành hình thể xác thịt, rồi thở linh sự sống của Ngài vào trong lỗ mũi, để tạo ra một linh hồn sống ở trong một thân thể thiêng liêng và một thân thể xác thịt.

Trong bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về lời phán thứ nhất và lời phán thứ nhì.

3 Thiên Chúa phán: Hãy có sự sáng! Thì có sự sáng.

Như đã nói, vũ trụ vật chất của chúng ta khi mới được hình thành bởi lời phán của Ngôi Lời, thì chỉ là địa cầu bao phủ bởi một lớp nước, vì thiếu nhiệt mà đông lại thành nước đá, được treo trong không gian bao la chứa đầy các hạt vật chất. Mỗi hạt vật chất là một nguyên tố hóa học, là chất liệu tạo ra muôn loài trong thế giới vật chất. Mỗi nguyên tố hóa học, chứa một nguyên tử. Mỗi nguyên tử chứa ba thành phần gọi là dương điện tử (proton), âm điện tử (electron), và trung hòa tử (neutron). Riêng chất prô-ti-um (protium), một đồng vị của hy-drô, chỉ có một dương điện tử và một âm điện tử, không có trung hòa tử.

Hình 1. Nguồn: https://cdn.pixabay.com/photo/2017/09/25/11/38/lithium-2784853_960_720.png

Hình 1 trên đây minh họa một nguyên tử của nguyên tố Lithium với 3 dương điện tử (đỏ), 4 trung hòa tử (xanh), và 3 âm điện tử (đen). Trên một triệu nguyên tử như thế này mới bằng bề dày của một sợi tóc.

Chúng ta có thể dùng hình ảnh sương mù để hình dung ra những khối mây bụi của những hạt vật chất trong vũ trụ, mặc dù trong thực tế, mỗi hạt sương mù lớn hơn các hạt vật chất rất nhiều, vì mỗi hạt sương mù có thể chứa đến hàng triệu nguyên tử hy-drô và ô-xy. Những khối mây bụi khổng lồ của những hạt vật chất di chuyển trong không gian bao la và liên kết với nhau để hình thành các hành tinh trong ngày Thứ Tư của tuần lễ sáng tạo.

Liền sau khi các tầng trời và đất được hình thành thì Thiên Chúa phán ra lời phán thứ nhất để tạo ra ánh sáng chiếu sáng trái đất. Chúng ta đã biết rõ, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng soi sáng cho trái đất. Nhưng đến ngày Thứ Tư thì mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao mới được hình thành. Vậy thì ánh sáng xuất hiện trong ngày Thứ Nhất là từ đâu? Chúng ta có thể hiểu một cách hợp lý rằng, trước khi các chất hóa học ngưng tụ thành mặt trời vào ngày Thứ Tư, thì trong ngày Thứ Nhất, sau lời phán thứ nhất của Thiên Chúa, các nguyên tố hóa học được dùng làm chất liệu để tạo thành mặt trời đã tương tác với nhau, tạo ra sức nóng và ánh sáng, để hâm nóng và chiếu sáng trái đất. Nghĩa là, từ ngày Thứ Nhất đến ngày Thứ Tư, mặt trời ở trong tình trạng là một khối mây bụi vật chất phát sáng và tỏa nhiệt nhưng chưa ngưng tụ thành một ngôi sao. Đó là chưa kể, ngay trong ngày Thứ Nhất trái đất đã tự quay chung quanh nó và tự quay chung quanh khối mây bụi sẽ biến thành mặt trời, vì hấp lực của khối mây bụi này. Đồng thời, một khối mây bụi khác, nhỏ hơn nhiều quay chung quanh trái đất vì bị hấp lực của trái đất, và đến ngày Thứ Tư thì ngưng tụ thành mặt trăng.

4 Thiên Chúa thấy sự sáng là tốt lành, Ngài phân rẽ sáng ra khỏi tối.

5 Thiên Chúa đặt tên sự sáng là ban ngày, sự tối là ban đêm. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Nhất. [Buổi tối là thời điểm bắt đầu một đêm, trung bình là vào lúc 6 giờ chiều. Buổi sáng là thời điểm bắt đầu một ngày, trung bình là vào lúc 6 giờ sáng. Một ngày trung bình 24 tiếng đồng hồ, bao gồm một ban đêm và một ban ngày. Ngày mới bắt đầu từ buổi tối, sau khi ngày hiện tại kết thúc.]

Sự sáng được nói đến ở đây là ánh sáng thấy được bằng mắt thường trong thế giới vật chất. Theo khoa học, ánh sáng là những tia phóng xạ điện từ chứa những hạt gọi là quang tử (photon), có nghĩa là hạt ánh sáng. Những hạt quang tử là những khối năng lượng nhỏ nhất trong thế giới vật chất, chúng không có trọng lượng, và chúng di chuyển theo dạng sóng như cách nước di chuyển trên mặt biển. Tốc độ di chuyển hiện nay của chúng là 299.792.458 mét một giây đồng hồ, tức là gần 300.000 km một giây đồng hồ. Với vận tốc ấy, trong một giây đồng hồ ánh sáng có thể đi vòng quanh trái đất 7,5 lần tại nơi rộng nhất của trái đất là đường xích đạo, với kích thước khoảng 40.000 km.

Trong một nguyên tử, các hạt âm điện tử quay chung quanh hạt nhân của nguyên tử với các quỹ đạo khác nhau. Khi một nguyên tử bị đun nóng, năng lượng gia tăng thì các hạt âm điện tử di chuyển theo một quỹ đạo cao hơn quỹ đạo bình thường. Khi năng lượng giảm thấp lại thì các hạt âm điện tử rơi trở về quỹ đạo bình thường của chúng; khi đó chúng phóng ra các hạt quang tử, tức là phát sáng.

Ánh sáng đầu tiên trong cả vũ trụ phát ra từ khối mây bụi vật chất đang hình thành mặt trời, vì sự tương tác của các chất hóa học trong khối mây khổng lồ ấy mà phát sinh năng lượng (energy) rất lớn. Năng lượng rất lớn ấy chuyển thành nhiệt (heat) và phát sinh ánh sáng (photons).

Hình 2. Nguồn: https://www.ecgprod.com/wp-content/uploads/2017/08/basic-primary-colors-of-light-color-wheel.jpg

Hình 2 trên đây minh họa màu của ánh sáng. Màu của ánh sáng là tổng hợp của ba màu chính, giao thoa với nhau, tạo ra ba màu phụ, hợp chung thành màu thứ bảy mà chúng ta gọi là màu trắng. Hình minh họa trên đây giúp cho chúng ta hiểu được sự hiệp một của ba màu thành màu của ánh sáng. Hình minh họa này cũng giúp cho chúng ta phần nào hiểu được về sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ánh sáng là tốt lành, vì ánh sáng đem lại những nhu cầu cho mọi sự sống sẽ được Thiên Chúa tạo ra trên đất.

Sau khi ánh sáng xuất hiện, chiếu sáng trên đất, thì Thiên Chúa phân rẽ sáng ra khỏi tối trên mặt đất. Chỗ nào nhận được sự sáng thì gọi là ngày; chỗ nào không nhận được sự sáng thì gọi là đêm. Ngày nay, chúng ta biết ngày và đêm luân phiên trên bề mặt của trái đất là vì trái đất tự quay chung quanh nó. Trong khoảng 24 tiếng đồng hồ thì trái đất tự quay chung quanh nó giáp một vòng. Chính Thiên Chúa đã khiến cho trái đất tự quay chung quanh nó theo các quy luật do Ngài định ra. Ngày nay, khoa học lần hồi khám phá ra các định luật vật lý khiến cho muôn vật phát triển và được bảo tồn. Những định luật ấy rất là vững chắc, hợp lý, chứng minh rằng phải có một Đấng toàn năng và thông minh thiết lập chúng cho các mục đích.

Chúng ta thấy, Thánh Kinh quy định một ngày bao gồm buổi tối và buổi sáng, bởi vì, ngày đầu tiên bắt đầu từ tối qua sáng, từ đêm qua ngày. Người Do-thái tính ngày theo Thánh Kinh. Liền sau khi mặt trời khuất bóng, thì bước vào một ngày mới và ngày mới kéo dài cho đến khi mặt trời bắt đầu lặn vào ngày hôm sau.

Câu: “Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Nhất”; cùng với các câu còn lại trong Sáng Thế Ký đoạn 1, chỉ định các ngày: Thứ Nhì, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, và Thứ Sáu, được nhiều người cho rằng, đó là ý kiến của người chép sách. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin chắc rằng, người chép sách đã chép theo sự phán bảo của Đấng Thần Linh. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng, không riêng gì những câu này mà là toàn bộ lời tường thuật về công cuộc sáng tạo là lời tường thuật của Thiên Chúa Ngôi Ba. Chúng ta hãy đọc các dữ kiện về sự sáng tạo, với đức tin là chúng ta đang đọc những điều do chính Đấng Thần Linh phán dạy.

Trong ngày Thứ Nhất này, suốt thời gian ban ngày, là thời gian một phần bề mặt của địa cầu được chiếu sáng và hâm nóng, thì lớp nước đá bao phủ trên mặt đất bắt đầu thu nhận nhiệt và tan chảy, rồi bốc hơi, để chuẩn bị cho ngày Thứ Nhì.

6 Thiên Chúa lại phán: Hãy có một khoảng không ở giữa nước và nó hãy phân rẽ nước với nước!

7 Thiên Chúa đã làm nên khoảng không, phân rẽ nước bên dưới khoảng không khỏi nước bên trên khoảng không. Thì có như vậy. [Vào lúc ban đầu, có thể chung quanh trái đất, phía trên bầu khí quyển, là một vòng đai nước đá cho đến khi Cơn Lụt Lớn xảy ra.]

Chúa “treo trái đất trong khoảng không không” (Gióp 26:7), cho nên, ra khỏi bề mặt của trái đất đương nhiên là khoảng không. Trong ngày Thứ Nhất và Thứ Nhì, ánh sáng mang theo nhiệt lượng làm cho nước bị bốc hơi. Rất có thể, lúc bấy giờ, nhiệt lượng tỏa ra từ khối mây bụi đang hình thành mặt trời rất cao, khiến cho lớp nước đá trên mặt đất bị tan chảy và nóng sôi lên, rồi bốc hơi. Vì toàn thể bề mặt địa cầu lúc bấy giờ được bao phủ bởi nước, cho nên, sự bốc hơi nước xảy ra rất nhanh và rất nhiều. Trong ngày Thứ Nhì, có thể nói, địa cầu bị bao phủ bởi một vòng hơi nước nóng có chiều dày hàng chục ngàn km. Rồi, Thiên Chúa tạo ra một khoảng không để phân rẽ nước đang ở trên mặt đất với số lượng nước đang bốc hơi lên cao hơn mặt đất. Khoảng không ấy trở thành tầng trời thứ nhất, có không khí bao quanh địa cầu. Số hơi nước khổng lồ cứ bốc lên cao, tạo thành một lớp hơi bao phủ chung quanh địa cầu, làm giảm đi nhiệt độ trên mặt đất và cùng lúc giúp điều hòa nhiệt độ trên mặt đất. Chúng ta không biết trong thực tế vòng đai hơi nước này cách mặt địa cầu bao xa. Có thể, khi mặt trời hình thành vào ngày Thứ Tư, nhiệt độ tỏa ra từ mặt trời giảm đi nhiều, khiến cho vòng đai hơi nước bị đóng thành một vòng đai nước đá bao chung quanh địa cầu như một lồng kính. Sự kiện này giúp cho khí hậu trên địa cầu được điều hòa. Khắp nơi trên địa cầu có nhiệt độ giống nhau. Gần đây, các nhà khảo cổ khám phá ra di tích các thứ cây cỏ ở vùng bắc cực, cho thấy, có một thời kỳ khí hậu của vùng bắc cực là ấm áp.

Sự kiện vào buổi đầu sáng thế có một khối lượng nước rất lớn được Thiên Chúa đưa ra ngoài không gian, phân rẽ khỏi khối lượng nước dưới đất, đã giúp giải thích cho biến cố được ghi lại trong Sáng Thế Ký 7:11 về Cơn Lụt Lớn:

“Vào năm sáu trăm của đời Nô-ê, tháng thứ hai, ngày mười bảy, trong cùng ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các cửa sổ trên trời mở xuống.”

Phải chăng, các cửa sổ trên trời chính là vòng đai nước đá bị tan chảy, đổ ập xuống địa cầu? Có thể, đang khi còn ở trong cuộc đời này, vì hậu quả của tội lỗi mà chúng ta không còn khả năng hiểu được hết những việc Thiên Chúa làm ra; nhưng một ngày kia, khi thân thể xác thịt của chúng ta được biến hóa hay được phục sinh trong cõi đời đời, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu rõ mọi sự. Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 13:12 dạy rằng:

“Vì hiện nay, chúng ta nhìn qua một cái gương với sự mờ tối; nhưng rồi sẽ đến lúc mặt đối mặt. Hiện nay, tôi biết chỉ một phần; nhưng rồi sẽ đến lúc tôi biết như tôi được biết vậy.”

Thêm một điều nữa chúng ta cần ghi nhớ. Các định luật vật lý có thể thay đổi tùy theo môi trường. Rất có thể, tốc độ di chuyển của ánh sáng, tốc độ trương nở của vũ trụ trong buổi đầu của sự sáng thế đã nhanh hơn rất nhiều, so với tốc độ hiện nay. Chính khoa học cũng đưa ra giả thuyết là, vào buổi ban đầu, khi vũ trụ hình thành, tốc độ di chuyển của các hạt vật chất nhanh hơn tốc độ ánh sáng mà chúng ta biết ngày nay. Vì thế, chúng ta không thể áp dụng các định luật vật lý mà chúng ta biết ngày nay vào trong sự hiểu biết về sự sáng tạo của Thiên Chúa, hay ngay cả vào trong sự hiểu biết về tình trạng vật lý của thế giới trước Cơn Lụt Lớn. Chính Cơn Lụt Lớn cũng đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường sống trên địa cầu.

8 Thiên Chúa đặt tên khoảng không là trời. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Nhì.

Danh từ “trời” được dùng trong Thánh Kinh có thể mang một trong các nghĩa sau đây:

  • Bầu khí quyển bao chung quanh địa cầu, nơi các loài chim bay liệng, còn gọi là tầng trời thứ nhất.
  • Không gian bao la của vũ trụ, còn gọi là tầng trời thứ nhì.
  • Cõi thuộc linh, nơi ngự của Thiên Chúa, còn gọi là thiên đàng, hoặc tầng trời thứ ba.

Chính Thiên Chúa dùng danh từ “trời” số nhiều, là “các tầng trời”; và chính Ngài đặt tên cho bầu khí quyển của chúng ta là “trời”. Vậy, tùy theo văn mạch mà chúng ta hiểu, khi nào thì chữ “trời” chỉ về tầng trời thứ nhất, khi nào thì chỉ về tầng trời thứ nhì, và khi nào thì chỉ về tầng trời thứ ba.

Danh xưng “Đức Chúa Trời” trong Thánh Kinh có nghĩa là Đấng Thiên Chúa ở trên trời. Ngài ở phía trên của tầng trời thứ nhất, Ngài ở phía trên của tầng trời thứ nhì, và Ngài ngự trong tầng trời thứ ba, mà chúng ta quen gọi là thiên đàng.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/01/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.