Chú Giải Sáng Thế Ký 01:09-19 Đất Phân Rẽ Khỏi Biển – Cây Cỏ Xuất Hiện…

3,996 views

900104 Chú Giải Sáng Thế Ký 1:9-19
Đất Phân Rẽ Khỏi Biển – Cây Cỏ Xuất Hiện

Mặt Trời, Mặt Trăng, và Các Ngôi Sao Hình Thành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 1:9-19

9 Thiên Chúa lại phán: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra! Thì có như vậy.

10 Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại thì Ngài gọi là các biển. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

11 Thiên Chúa lại phán: Đất phải sinh cây cỏ; cỏ kết hạt giống, cây ăn trái kết quả, tùy theo loại mà có hạt giống trong mình trên đất! Thì có như vậy.

12 Đất sinh cây cỏ: cỏ kết hạt tùy theo loại, cây kết quả có hạt trong mình, tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

13 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Ba.

14 Thiên Chúa lại phán: Hãy có những vì sáng trong khoảng không trên trời, để phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm; [Danh từ “mùa” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh dùng để chỉ khoảng thời gian được ấn định hoặc kỳ lễ hội. Vì ngày trăng mới là thời điểm được Đức Chúa Trời ấn định và cũng là ngày lễ do Đức Chúa Trời quy định, nên chữ mùa trong Sáng Thế Ký 1:14 còn hàm ý là “tháng”.]

15 lại để chúng làm những vì sáng trong khoảng không trên trời mà soi xuống đất! Thì có như vậy.

16 Thiên Chúa làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm. Ngài cũng làm những ngôi sao.

17 Thiên Chúa đặt chúng trong khoảng không trên trời, để soi sáng đất,

18 để cai trị ban ngày và ban đêm, để phân rẽ sự sáng khỏi sự tối. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

19 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Tư.

Thánh Kinh cho chúng ta biết: Trong ngày Thứ Ba của lịch sử vũ trụ, Thiên Chúa đã phán một lời, khiến đất phân rẽ khỏi biển. Ngài lại phán thêm một lời khác, và đất liền sinh ra các loài cây cỏ. Vào ngày Thứ Tư, Thiên Chúa đã phán một lời thì mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao được hình thành.

Thứ tự xuất hiện và thời gian định hình của muôn vật trong bốn ngày đầu tiên của cuộc sáng tạo hoàn toàn ngược lại với giả thuyết của khoa học về nguồn gốc của vũ trụ và địa cầu. Theo khoa học, những ngôi sao đã có trước địa cầu, và những ngôi sao đã được hình thành cách nay trên 13 tỉ năm. Cũng theo khoa học, hơn 9 tỉ năm sau đó thì mặt trời, địa cầu, và mặt trăng mới được hình thành, và ngay trong sự định hình của chúng cũng là một tiến trình kéo dài đến hàng tỉ năm.

Về sự sống thì khoa học không thể biết được từ đâu có sự sống, mà chỉ đưa ra trình tự tiến hóa từ khi sự sống xuất hiện trên địa cầu, như sau:

  • Cách nay khoảng 4,54 tỉ (4.540.000.000) năm, địa cầu được hình thành từ một khối mây bụi vật chất.
  • Cách nay khoảng 3,5 tỉ năm, sự sống đầu tiên xuất hiện trên địa cầu, là những sinh vật chỉ có một tế bào đơn giản, gọi là sinh vật nguyên thủy (procaryote) mà kích thước nhỏ hơn bề ngang của một sợi tóc cả triệu lần.
  • Cách nay khoảng 500 triệu năm thì các loài cá xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 475 triệu năm thì các loài thực vật trên đất xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 400 triệu năm thì các loài côn trùng xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 360 triệu năm thì các động vật lưỡng cư (vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn) xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 300 triệu năm thì các loài bò sát xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 200 triệu năm thì các loài động vật có vú xuất hiện, bao gồm các loài khủng long.
  • Cách nay khoảng 150 triệu năm thì các loài chim xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 130 triệu năm thì các loài hoa xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 60 triệu năm thì các loài động vật có tay xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 20 triệu năm thì các loài khỉ lớn xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 2,5 triệu năm thì các loài dã nhân xuất hiện.
  • Cách nay khoảng 200.000 năm thì loài người xuất hiện.

Thánh Kinh cho biết: Cách nay khoảng 6.000 năm các tầng trời và đất được tạo thành và muôn loài trên đất lần lượt được Thiên Chúa sáng tạo trong sáu ngày; loài nào theo loài ấy; không hề có sự tiến hóa từ sinh vật này sang sinh vật khác trong hàng tỉ hoặc hàng triệu năm. Chúng ta thấy rõ, để có thể tin được các giả thuyết của khoa học thì một người cần có đức tin lớn hơn là tin vào những điều được ghi chép trong Sáng Thế Ký đoạn 1.

9 Thiên Chúa lại phán: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra! Thì có như vậy.

Lời phán thứ ba của Thiên Chúa sau khi các tầng trời và đất được dựng nên đã khiến cho nước đang bao phủ khắp đất phải dồn lại một chỗ, và đất hiện ra. Thi Thiên 104:6-9 ghi lại hình ảnh nước dồn lại thành biển, sau lời phán của Chúa:

6 Ngài lấy vực sâu bao phủ đất như bằng cái áo, nước thì cao hơn các núi.

7 Ngài quở trách, thì nước giật lại; nghe tiếng sấm của Ngài, nước lật đật chạy trốn.

8 Chúng lên trên các núi, chúng xuống các thung lũng, đến nơi mà Ngài đã lập ra cho chúng.

9 Ngài định chân cho nước để nước không hề qua khỏi, không còn trở lại ngập đất nữa.

Trước hết, Lời Chúa cho chúng ta biết, ngay từ buổi đầu được sáng tạo, địa cầu đã có các núi và các thung lũng; nhưng chúng bị nước bao phủ. Khi nghe lời Chúa phán thì nước liền cuộn chảy, tràn qua các núi, đồi, thung lũng, để dồn vào một chỗ. Khi chúng đã dồn lại một chỗ, thì Thiên Chúa ấn định cho chúng phải ở lại chỗ chúng đã đến.

Sự kiện nước dồn lại để mặt đất lộ ra là một phép lạ. Có thể Chúa đã thay đổi kích thước của các nguyên tử tạo ra nước, khiến chúng rút nhỏ lại, và như vậy, khiến cho khối lượng nước cũng bị thu nhỏ lại. Có thể Chúa khiến cho nhiều chỗ trên mặt đất nhô cao lên, khiến nước dồn vào chỗ thấp. Dù là trường hợp nào xảy ra, thì hình ảnh nước cuồn cuộn từ muôn hướng chảy tràn về một nơi và mặt đất từ từ lộ ra là một hình ảnh hùng tráng trong ngày Thứ Ba.

10 Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại thì Ngài gọi là các biển. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

Chính Thiên Chúa đặt tên cho chỗ khô cạn là “đất” và chỗ nước tụ lại là “các biển”. Chúng ta có thể tin rằng, trong buổi đầu của lịch sử địa cầu, địa cầu chia ra làm hai phần rõ ràng, phần đất và phần biển. Nhìn vào hình thể các lục địa ngày nay, chúng ta thấy rõ chúng vốn là một khối đất liền, trước khi bị phân rẽ ra thành nhiều đại lục và hải đảo. Sáng Thế Ký 10:25 cho biết, sau Cơn Lụt Lớn thì đất mới bị chia ra. Sự Chúa gọi chỗ nước tụ lại là “các biển” có lẽ để phân biệt biển ở về phía đông và biển ở về phía tây của mặt đất. Mặc dù trong thực tế, chỉ có một biển, tức là một nơi mà toàn bộ nước trên mặt đất rút về.

Thiên Chúa thấy việc phân rẽ đất khỏi biển là điều tốt lành, vì như vậy, loài người mới có chỗ để sinh sống trên đất.

11 Thiên Chúa lại phán: Đất phải sinh cây cỏ; cỏ kết hạt giống, cây ăn trái kết quả, tùy theo loại mà có hạt giống trong mình trên đất! Thì có như vậy.

12 Đất sinh cây cỏ: cỏ kết hạt tùy theo loại, cây kết quả có hạt trong mình, tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

13 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Ba.

Lời phán thứ tư của Thiên Chúa trong tuần lễ sáng tạo khiến cho muôn loài cây cỏ mọc lên từ mặt đất. Ngay trong ngày Thứ Ba, khi muôn loài cây cỏ xuất hiện thì chúng đã ở trong hình thể trưởng thành, có trái, có hạt, sẵn sàng cho sự truyền chủng. Điều quan trọng là: Thiên Chúa tạo nên rất nhiều loài cây cỏ, nhưng loài nào ra loài nấy.

Chúng ta cần phân biệt giữa “loài” và “loại”. Trong cùng một loài thì có nhiều loại. Giữa các loại trong cùng một loài có thể kết giống với nhau, nhưng giữa hai loài khác nhau thì không thể. Ngày nay, khoa học tìm cách kết giống giữa hai hay nhiều loài khác nhau, từ thực vật đến động vật. Thậm chí, kết giống giữa thực vật và động vật bằng cách cấy ghép đơn vị truyền chủng (gene) của loài này sang loài khác. Việc làm ấy rõ ràng là phản lại quy luật của Thiên Chúa.

Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ của ngày Thứ Ba, mặt đất hiện ra, rồi cây cỏ lập tức bao phủ mặt đất; không cần phải tốn đến hơn 4 tỉ năm, sau khi mặt đất được hình thành, thì cây cỏ mới xuất hiện, như các nhà khoa học nói.

14 Thiên Chúa lại phán: Hãy có những vì sáng trong khoảng không trên trời, để phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm; [Danh từ “mùa” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh dùng để chỉ khoảng thời gian được ấn định hoặc kỳ lễ hội. Vì ngày trăng mới là thời điểm được Đức Chúa Trời ấn định và cũng là ngày lễ do Đức Chúa Trời quy định, nên chữ mùa trong Sáng Thế Ký 1:14 còn hàm ý là “tháng”.]

15 lại để chúng làm những vì sáng trong khoảng không trên trời mà soi xuống đất! Thì có như vậy.

Trong ngày Thứ Nhất, Thiên Chúa đã dựng nên sự sáng, nhưng đến ngày Thứ Tư thì Ngài mới dựng nên các vì sáng. Các vì sáng được nói đến ở đây là chỉ chung tất cả các ngôi sao. Mục đích thứ nhất là các vì sáng được dùng làm dấu để phân biệt ngày với đêm. Mặc dù trong ngày Thứ Nhất Thiên Chúa đã phân sáng ra khỏi tối và đặt tên cho sáng là ngày, đặt tên cho tối là đêm; nhưng Ngài tạo nên các vì sáng trong không gian để chúng trở thành các vật thể đánh dấu ban ngày và ban đêm. Mục đích thứ nhì là các vì sáng được dùng làm dấu để định thời tiết, tức là phân biệt các mùa, và phân chia thời gian theo đơn vị ngày và năm. Mục đích thứ ba là các vì sáng chiếu sáng trên đất.

16 Thiên Chúa làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm. Ngài cũng làm những ngôi sao.

Trong số các vì sáng, trước hết, Thiên Chúa làm ra hai vì sáng mà kích thước của chúng, khi được nhìn từ địa cầu, thì lớn hơn các vì sáng khác. Vì lớn hơn cai trị và đánh dấu khoảng thời gian được gọi là ban ngày. Vì nhỏ hơn cai trị và đánh dấu khoảng thời gian được gọi là ban đêm. Hai vì sáng này, tức là mặt trời và mặt trăng.

Mặt trời có kích thước lớn gấp 1.300.000 lần địa cầu, cách xa địa cầu 149.600.000 km. Đây là khoảng cách trung bình, vì địa cầu quay chung quanh mặt trời với một quỹ đạo hình bầu dục. Địa cầu gần mặt trời nhất vào đầu Tháng Giêng và xa mặt trời nhất vào đầu Tháng Bảy. Ánh sáng mất trung bình 8 phút 20 giây để đi từ mặt trời đến mặt đất.

Các nhà khoa học cho rằng mặt trời là một khối hóa chất khổng lồ, hình cầu, thể plasma, cháy nóng với nhiệt độ khoảng 15 triệu độ C ở trung tâm, khoảng 5.600 độ C trên bề mặt, còn khu vực của vòng hào quang chung quanh mặt trời nóng đến hàng triệu độ C.

Vật chất khi ở nhiệt độ thấp thì có thể cứng, khi nhiệt độ tăng thì biến thành thể lỏng, rồi thể hơi, và khi nhiệt độ quá cao thì biến thành thể plasma. Trong thể plasma, các hạt âm điện tử không còn xoay chung quanh các hạt nhân nguyên tử nữa, mà thoát ra khỏi các quỹ đạo của chúng, nhưng vẫn cùng di chuyển với các hạt nhân nguyên tử. Plasma có thể có nhiệt độ rất cao như chất hơi phun ra từ những ngọn đèn xì dùng để cắt kim loại. Plasma có thể có nhiệt độ rất thấp như chất hơi trong các bóng đèn nê-ông (neon) dùng trang trí và quảng cáo.

Mặt trời là mô hình tiêu biểu cho các vì sao. Nghĩa là tất cả các vì sao đều là những khối hóa học khổng lồ cháy nóng trong thể plasma.

Các nhà khoa học cho rằng mặt trăng là một phần vỡ ra từ một hành tinh lớn hơn trái đất va chạm vào trái đất trong giai đoạn cả hai đang định hình. Trái đất lớn hơn mặt trăng 3,7 lần. Khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng trung bình là 384.400 km. Mặt trăng quay chung quanh trái đất và sức hút của mặt trăng tác động lên trái đất tạo ra thủy triều, tức là làm cho nước biển lên và xuống. Khi mặt trời và mặt trăng thẳng hàng với nhau, thì sức hút của mặt trời và mặt trăng cộng chung làm cho thủy triều lên cao nhất. Mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời, soi sáng trái đất. Ánh sáng của mặt trăng trong đêm trăng tròn đủ sáng để đọc sách. Mặt trăng đóng vai trò định ngày đầu tháng, còn gọi là ngày trăng mới.

Hình 1: Bốn trạng thái của vật chất:
Vật chất chuyển từ thể cứng sang lỏng, rồi hơi, và sau cùng là plasma (thể sền sệt) khi nhiệt độ hoặc năng lượng tăng
Nguồn: http://www.nasa.gov/sites/default/files/images/147515main_phases_large.jpg

Thánh Kinh chỉ dùng một câu ngắn gọn để mô tả sự Thiên Chúa dựng nên các vì sao: “Ngài cũng làm những ngôi sao”. Theo sự ước tính của khoa học: Trong vũ trụ có từ 100 tỉ (100.000.000.000) đến 200 tỉ thiên hà. Mỗi thiên hà có trung bình 100 tỉ ngôi sao. Thiên hà chứa mặt trời, mặt trăng, và trái đất của chúng ta được gọi là: Ngân Hà, có nghĩa là dòng sông bạc. Trong tiếng Anh là Milkyway.

Hình 2: Ngân Hà – Có khoảng 100 tỉ ngôi sao trong Ngân Hà
Nguồn: https://www.nasa.gov/multimedia/imagegallery/image_feature_1455.html 

Chỉ trong một ngày, Thiên Chúa dựng nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; không phải hàng mấy tỉ năm. Và mục đích chính của Thiên Chúa khi Ngài dựng nên những ngôi sao, là để phân chia cho muôn dân trên đất. Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19 chép:

“Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến rũ, quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi đã phân chia cho muôn dân dưới trời chăng.”

Ngày nay, muôn dân trên đất được Thiên Chúa ban cho mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao để làm vật chiếu sáng, định thời tiết, ngày, tháng, năm. Nhưng một ngày kia, trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời, muôn dân trên đất sẽ cai trị toàn bộ các ngôi sao đã được Đức Chúa Trời làm cho mới lại.

17 Thiên Chúa đặt chúng trong khoảng không trên trời, để soi sáng đất,

18 để cai trị ban ngày và ban đêm, để phân rẽ sự sáng khỏi sự tối. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

19 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Tư.

Trước khi mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao được hình thành, thì đã có ngày nhưng chưa có tháng và năm. Chỉ sau ngày Thứ Tư, tức là từ ngày Thứ Năm trở đi, là lúc đã có mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao thì mới có thể tính lịch. Vì thế, ngày 1 tháng 1 của năm sáng thế phải nhằm vào ngày Thứ Năm trong tuần lễ. Đây là một chi tiết rất thú vị.

Mặc dù chúng ta không biết chắc chắn từ khi mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao xuất hiện cho đến khi dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa đem ra khỏi xứ Ai-cập là bao nhiêu năm. Chúng ta chỉ có thể ước chừng là vào khoảng trên 2.500 năm. Thế nhưng, khi Thiên Chúa ban lệnh cho Môi-se chuẩn bị đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập thì Ngài ban lịch cho dân I-sơ-ra-ên, và lịch ấy bắt đầu ngày 1 tháng 1 nhằm vào Thứ Năm. Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-2 chép:

“Tại xứ Ê-díp-tô, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng: Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với các ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm đối với các ngươi.”

Ngày Thiên Chúa phán lời ấy với Môi-se được xem là ngày 1 của Tháng Giêng. Vì ngày 1 là Thứ Năm nên ngày thứ 14 Lễ Vượt Qua phải là ngày Thứ Tư.

Như vậy, Lễ Vượt Qua đầu tiên trong lịch sử nhằm ngày Thứ Tư. Đó là Thứ Tư ngày 25 tháng 3 năm 1446 trước Công Nguyên.

Thế rồi, 1472 năm sau, Đức Chúa Jesus Christ, Chiên Con Thật của Lễ Vượt Qua, bị giết vì tội lỗi của cả nhân loại đúng vào Lễ Vượt Qua, nhằm Thứ Tư, ngày 9 tháng 4 năm 27.

Kính mời quý con dân Chúa đọc bài “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người Theo Thánh Kinh” được đăng trên www.timhieuthanhkinh.com để biết thêm chi tiết [1].

Điều chúng ta cần nhớ là: Dù cho loài người có nhiều loại lịch khác nhau. Mỗi loại lịch được chỉnh sửa nhiều lần, nhưng thứ tự bảy ngày trong một tuần lễ không hề thay đổi, từ khi sáng thế cho đến khi vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vì trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, muôn dân trên đất vẫn đến Giê-ru-sa-lem để ra mắt và thờ phượng Thiên Chúa vào mỗi ngày Sa-bát và mỗi ngày trăng mới:

“Sẽ xảy ra thường xuyên từ ngày trăng mới đến ngày trăng mới và thường xuyên từ ngày Sa-bát đến ngày Sa-bát, mọi xác thịt sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-sai 66:23).

Những ai cho rằng ngày nay không còn có thể biết ngày nào là ngày Sa-bát là những người thiếu hiểu biết về Thánh Kinh và thiếu đức tin vào sự toàn năng của Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/01/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/?p=67

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.