Chú Giải Sáng Thế Ký 03:01-07 Loài Người Phạm Tội

4,333 views


YouTube: https://youtu.be/y0Q82u2XwFo

900109 Chú Giải Sáng Thế Ký 3:1-7
Loài Người Phạm Tội

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 3:1-7

1 Trong các loài thú đồng mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã làm nên, có con rắn là giống khôn khéo hơn hết. Nó nói với người nữ rằng: Này! Thiên Chúa có phán dặn, các ngươi không được phép ăn trái của các cây trong vườn sao?

2 Người nữ đáp lời con rắn: Chúng ta được ăn trái của các cây trong vườn,

3 nhưng về trái của cây mọc giữa vườn, Thiên Chúa có phán rằng, các ngươi sẽ chẳng ăn đến, các ngươi cũng sẽ chẳng đụng đến, kẻo các ngươi chết.

4 Rắn nói với người nữ: Các ngươi sẽ chẳng chết đâu;

5 nhưng Thiên Chúa biết rằng, trong ngày các ngươi ăn, mắt của các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác.

6 Người nữ thấy cây ấy trái ăn ngon, lại đẹp mắt, là cây đáng chuộng vì để mở trí khôn, thì hái trái, ăn, rồi cũng trao cho chồng ở gần mình, chồng cũng ăn.

7 Kế đó, mắt của họ đều mở ra, họ biết rằng họ trần truồng. Họ kết lá cây vả làm thành khố che thân.

Trong bảy câu Thánh Kinh của Sáng Thế Ký 3:1-7, mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu, có chứa đựng các bài học vô cùng quan trọng, được áp dụng cho trọn đời sống của chúng ta trong cuộc đời này.

Bài học thứ nhất: Loài người thật sự được dựng nên giống như Thiên Chúa, có toàn quyền tự do lựa chọn sống như thế nào. Nhưng loài người phải gánh chịu hậu quả mỗi sự lựa chọn của mình.

Bài học thứ nhì: Tội lỗi là sự ác và có thật, vì tội lỗi là bất cứ sự gì nghịch lại Thiên Chúa. Thiên Chúa là thiện nên sự nghịch lại Thiên Chúa đương nhiên là sự ác. Tội lỗi bắt nguồn từ trong tư tưởng, rồi thể hiện qua lời nói và hành động.

Bài học thứ ba: Lời nói dối nào cũng có thể khiến cho người nghe phạm tội và hậu quả của sự phạm tội là sự chết. Vì thế, người nói dối khiến cho người khác phạm tội cũng chính là kẻ giết người. Ngay từ buổi đầu, Ma Quỷ đã là kẻ nói dối và giết người.

Bài học thứ tư: Sự thử thách và sự cám dỗ là hai mặt của một sự việc. Về phía của Thiên Chúa thì mỗi sự việc Ngài cho phép xảy đến với loài người đều là sự thử thách để rèn luyện đức tin của loài người. Về phía Ma Quỷ, thì Ma Quỷ luôn lợi dụng mọi thử thách Thiên Chúa cho phép xảy ra để xúi loài người phạm tội, chống nghịch Thiên Chúa và gánh lấy hậu quả là sự chết.

Bài học thứ năm: Sự cám dỗ tác động toàn diện vào con người của chúng ta, từ linh hồn là bản ngã, cho đến tâm thần là thân thể thiêng liêng, và xác thịt là thân thể vật chất.

Bài học thứ sáu: Tội lỗi dẫn đến tội lỗi. Tội nhân sẽ tự tìm cách bào chữa cho sự phạm tội của mình, bằng cách đổ thừa cho người khác, đổ thừa cho hoàn cảnh, và thậm chí, gián tiếp đổ thừa cho Thiên Chúa.

Bài học thứ bảy: Mọi nỗ lực của loài người tìm cách giải quyết tội lỗi đều sẽ không kết quả.

Và bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu trong Sáng Thế Ký 3:1-7:

1 Trong các loài thú đồng mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã làm nên, có con rắn là giống khôn khéo hơn hết. Nó nói với người nữ rằng: Này! Thiên Chúa có phán dặn, các ngươi không được phép ăn trái của các cây trong vườn sao?

Trong bản dịch cũ dùng từ “quỷ quyệt”, ở đây tôi đã hiệu đính lại là “khôn khéo”. Trước đó, tôi chọn chữ “thông minh” bởi vì từ ngữ này trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “thông minh” nhưng nó khác với chữ “thông minh” thường dùng ở chỗ, chữ “thông minh” này được thể hiện cách khéo léo; cho nên, tôi đã suy ngẫm và quyết định đổi lại thành “khôn khéo” mà không dùng từ “quỷ quyệt”. Vì trong sự khôn ngoan thể hiện cách khéo léo, mục đích là tốt thì nó vẫn là một sự khôn khéo nhưng nếu mục đích là xấu thì mới trở thành quỷ quyệt. Khi chúng ta nói đến sự thông minh, sự khôn ngoan, khéo léo của con rắn nổi bật hơn hết so với con thú khác, thì chúng ta phải hiểu rằng: Bản chất ban đầu của con rắn không phải là sự quỷ quyệt mà bản chất của nó là sự khôn khéo. Chỉ sau khi con rắn đứng về phía Sa-tan cám dỗ loài người phạm tội, thì con rắn mới trở thành xấu xa, lúc bấy giờ mới dùng từ “quỷ quyệt” cho nó. Nhưng ngay lúc này, khi chưa nói đến việc nó tham dự vào tội lỗi, đứng về phía Sa-tan, để cho Sa-tan lợi dụng, thì Chúa cũng không hề dựng nên một con rắn với bản chất quỷ quyệt, mà Chúa chỉ dựng nên con rắn với bản chất khôn ngoan, khéo léo, vì thế chúng ta dùng chữ “khôn khéo” thì thích hợp hơn.

Và chúng ta cũng để ý đến điều này: Trong các loài thú mà Thiên Chúa đã dựng nên, thì có loài sống gần với loài người và có loài sống xa cách với loài người. Loài thú sống gần với loài người được gọi là gia súc, tức là các thú vật sống gần nhà. Chữ “gia” trong tiếng Hán có nghĩa là gia đình, nhà cửa, chữ “súc” là súc vật, thú vật. Như vậy “gia súc” là những con thú sống gần với loài người, thậm chí có con sống chung với loài người trong nhà, còn loài thú sống xa với loài người thì gọi là thú đồng mà ngày nay được còn gọi là thú rừng. Sở dĩ lúc ban đầu Thánh Kinh không gọi nó là thú rừng mà gọi là thú đồng, bởi vì lúc bấy giờ chưa có rừng. Nếu chúng ta nhớ lại những bài học chúng ta đã học qua thì cây cỏ chỉ mọc lên trong khu vực Thiên Chúa chọn làm vườn ở tại Ê-đen, ngoài khu vực vườn Ê-đen ra thì các khu vực khác trên mặt đất lúc bấy giờ chưa có cây cỏ và chúng ta thật sự không thể nào hình dung ra con rắn vào buổi đầu trông ra sao. Trong một số các hình vẽ để minh họa cho câu chuyện con rắn cám dỗ bà Ê-va, thì chúng ta thấy thường thì người ta vẽ hình con rắn uốn mình trên một nhánh của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác, để nói chuyện với bà Ê-va và bà Ê-va đứng gần gốc cây đó. Biết đâu, lúc đầu con rắn lớn như một con trăn và có chân như các loài thằn lằn, tắc kè. Chúng ta hoàn toàn không có một chi tiết nào để biết được trước khi con rắn để cho Sa-tan lợi dụng nó và quyến rũ loài người thì hình thể nó như thế nào. Tất cả chỉ là sự suy đoán của chúng ta mà thôi. Nhưng dựa vào Lời của Chúa thì chúng ta có thể tin rằng: Lúc đầu, con rắn vẫn có thể có chân như các loài bò sát khác, và cũng có thể con rắn không uốn mình trên một nhánh của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Mà cũng có thể nó đang không nằm bên cạnh gốc cây và chờ đợi bà Ê-va bên gốc cây đó, mà rất có thể nó đã gặp bà Ê-va ở đâu đó trong khu vườn. Chúng ta thực tế không biết lúc con rắn nói chuyện với bà Ê-va ở địa điểm nào trong vườn Ê-đen, nhưng vì cớ chúng ta thường thấy những hình ảnh minh họa con rắn quấn mình trên nhánh của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác và bà Ê-va đứng gần gốc cây đó, nên có thể in trí cho chúng ta. Đó là sự kiện thực tế có thể xảy ra, giống như cái hình minh họa như vậy. Tôi nhấn mạnh điểm này, để chúng ta đừng in trí những điều không cụ thể trong Thánh Kinh trở thành lẽ thật ở trong tâm trí của chúng ta, bởi vì Thánh Kinh không nói rằng con rắn quấn trên nhánh của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác và nói chuyện, cám dỗ bà Ê-va, nên chúng ta đừng in trí rằng điều đó là sự thật. Điều đó có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra, chúng ta có quyền suy ngẫm như vậy nhưng chúng ta không thể biến nó thành lẽ thật để muốn người khác cũng tin như vậy.

Qua đó, ông bà anh chị em cũng thấy, tất cả những sự kiện nào mà loài người tìm cách để minh họa Lời Chúa để diễn ý Lời của Chúa, thì nó giống như con dao hai lưỡi vậy. Nó có thể dùng như một dụng cụ để cắt thức ăn, để làm việc, nhưng nó cũng có thể “cắt” chúng ta, nếu chúng ta không cẩn thận. Chữ “khôn khéo” mà chúng ta đang nói ở đây về con rắn, thì tôi nghĩ khi dịch “khôn ngoan, khéo léo” tức là sự khôn ngoan thể hiện sự khéo léo, dịch như vậy rất là sát với tiếng Hê-bơ-rơ. Một trong ví dụ điển hình về sự khôn mà khéo trong Thánh Kinh đó là câu chuyện Tiên Tri Na-than đến gặp Vua Đa-vít để cáo tội của Vua Đa-vít.

Câu chuyện được ghi lại trong II Sa-mu-ên 12 nhưng tôi chỉ trích dẫn II Sa-mu-ên 12:1-9 để chúng ta thấy được sự khôn khéo của Tiên Tri Na-than khi ông đến gặp Vua Đa-vít để làm công việc buộc tội Đa-vít.

II Sa-mu-ên 12:1-9

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sai Na-than đến với Đa-vít. Vậy, Na-than đến với người mà rằng: Trong một thành kia có hai người, người này giàu, còn người kia nghèo.

2 Người giàu có chiên bò rất nhiều;

3 nhưng người nghèo, nếu chẳng kể một con chiên cái nhỏ mà người đã mua, thì chẳng có gì hết. Người nuôi nó; nó cùng lớn lên với con cái người tại nhà người, ăn đồ người ăn, uống đồ người uống, và ngủ trong lòng người; nó như một con gái của người vậy.

4 Có người khách đến người giàu; người giàu tiếc không muốn đụng đến chiên bò của mình để dọn một bữa ăn cho người khách đã đến, bắt con chiên con của người nghèo và dọn cho người khách đã đến thăm mình.

5 Đa-vít nổi giận lắm cùng người ấy, và nói với Na-than rằng: Ta chỉ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Hằng Sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết!

6 Hắn phải thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm như vậy, và vì không có lòng thương xót.

7 Bấy giờ, Na-than nói với Đa-vít rằng: Vua là người đó! Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên có phán như vầy: Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua I-sơ-ra-ên, Ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ.

8 Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào lòng ngươi các vợ của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà I-sơ-ra-ên và Giu-đa, và nếu điều đó không đủ, ắt Ta sẽ thêm cho ơn khác nữa.

9 Cớ sao ngươi đã khinh bỉ Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi, còn nó thì ngươi đã giết bởi gươm của dân Am-môn.

Tiên Tri Na-than vâng lời Thiên Chúa đến để cáo tội Vua Đa-vít, vì Vua Đa-vít đã giết chết một viên tướng của mình và cướp lấy vợ của người. Sự kiện giết người xảy ra sau sự kiện phạm tội tà dâm ngoại tình. Một ngày kia Đa-vít đi dạo và nhìn thấy vợ của U-ri đứng tắm nên ông động lòng ham muốn và ông sai người mời bà vào cung để cùng quan hệ xác thịt với bà. Đến khi biết được chồng của bà là một viên tướng của mình đang công tác ở ngoài mặt trận, thì ông lại sai tướng lãnh của mình gài bẫy để cho người chồng đó bị bỏ rơi ở mặt trận, để bị giết. Sau đó, ông đem vợ của U-ri về làm vợ của mình. Chắc chắn ông đã có sự cáo trách ở trong lòng nhưng ông không nghe theo lời cáo trách đó để ăn năn, xưng tội. Ông im lặng và vì thế Chúa đã sai Tiên Tri Na-than đến cáo tội của ông. Khi Na-than đến, ông đã không đặt thẳng vấn đề với Đa-vít mà Na-than đã đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn, để sau khi nghe câu chuyện ngụ ngôn đó, thì chính Đa-vít đã lên tiếng buộc tội người phạm lỗi trong câu chuyện ngụ ngôn. Mặc dù, sự phạm lỗi của người trong câu chuyện ngụ ngôn còn nhẹ hơn 100 lần so với sự phạm tội của Vua Đa-vít. Vì thế qua câu chuyện này, chúng ta thấy được sự khôn ngoan và khéo léo của Tiên Tri Na-than, khi ông thi hành điều mà Chúa giao phó cho ông. Như vậy đó là sự khôn khéo, nhưng nếu sự khôn khéo Chúa ban cho một người được sử dụng để khiến cho người khác phạm tội, thì nó sẽ biến thành quỷ quyệt. Đó là điều mà chúng ta học được trong bài học ngày hôm nay về sự kiện con rắn đã để cho Sa-tan lạm dụng sự khôn khéo Chúa ban cho nó. Và cũng qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng: Ngay từ buổi ban đầu, khi tội lỗi chưa vào trong thế gian, thì loài thú cũng có quyền tự quyết định vâng theo sự cai trị của loài người hay là vâng theo một thế lực khác. Chúng ta chưa nói đến nguồn gốc của ma quỷ trong những bài học này, nhưng chúng ta biết có một thế lực khác đó là thế lực của ma quỷ. Trên thế gian, vào lúc Chúa vừa tạo dựng muôn loài vạn vật và đặt loài người cai trị muôn loài vạn vật trên mặt đất, thì bên cạnh thế lực của Thiên Chúa, bên cạnh thế lực của loài người thay mặt cho Thiên Chúa để cai trị muôn loài, thì còn có thế lực khác là thế lực chống nghịch Thiên Chúa, hãm hại loài người. Đó là thế lực của ma quỷ. Ma quỷ đang tác động lên con rắn. Con rắn là một loài thọ tạo được Thiên Chúa đặt dưới quyền cai trị của loài người.

Dù Thánh Kinh không nói một cách rõ ràng nhưng chúng ta hiểu rằng: Ma quỷ không có quyền bắt con rắn làm nô lệ cho nó, cũng như ma quỷ không có quyền ngang nhiên bắt loài người làm nô lệ cho nó, mà ma quỷ có thể cám dỗ con rắn trước để con rắn cám dỗ loài người để loài người cũng phạm tội. Nhưng dù là con rắn hay loài người chăng nữa, thì đều có quyền tự quyết để chọn nghe theo lời cám dỗ đó hay là chọn làm theo điều mà Chúa đặt để ở trong mỗi một loài tạo vật của Ngài. Đó là tuân thủ điều răn luật pháp của Ngài. Chúng ta hãy tưởng tượng: Ngày hôm nay nếu tất cả các loài trong thế giới cứ làm theo ý riêng của mình, không tuân thủ những định luật Chúa đã đặt ra, thì điều gì sẽ xảy ra trong thế giới của chúng ta?

Về phương diện đạo đức, chúng ta thấy nó băng hoại vô cùng, bởi vậy khi chúng ta nhìn ra xung quanh, chúng ta thấy tội lỗi dẫy đầy. Nhưng về phương diện định luật vật chất, thì cảm tạ Chúa là Ngài không cho phép điều đó xảy ra. Bằng cớ là ngày nay, những kẻ khủng bố đã lạm dụng định luật vật chất để gây ra những đau thương, tang tóc, giết người nhưng nó có giới hạn nhất định. Chứ Chúa không để cho tất cả mọi người trên thế gian này có thể tự do vi phạm định luật vật chất của Ngài. Từ chỗ vi phạm về định luật, về đạo đức dẫn đến vi phạm khác nhưng ở trong sự kiềm chế của Chúa vì sự thương xót của Ngài đối với loài người chúng ta. Trong câu chuyện chúng ta đang học ngày hôm nay, chúng ta thấy thêm chi tiết khác có thể đặt ra rằng: Có phải chỉ có một mình loài rắn hay nói khác là chỉ một mình con rắn này biết nói tiếng người? Bởi vì chúng ta biết ít nhất có một con rắn đực và một con rắn cái được dựng nên vào buổi ban đầu để phát triển, lưu truyền dòng dõi loài rắn. Câu trả lời là: Chúng ta không biết được, qua Thánh Kinh chúng ta chỉ biết con rắn nói ra tiếng người với bà Ê-va. Và chúng ta cũng không biết được khả năng của con rắn cũng như tất cả các loài thú có từ buổi ban đầu. Nhưng dù chúng ta không biết chắc thì chúng ta vẫn có quyền suy luận. Chúng ta không biết chắc thì không biến nó thành chân lý, không biến nó thành lẽ thật được. Tuy nhiên trong Thánh Kinh cho chúng ta biết, khi Chúa muốn thì Chúa vẫn có thể khiến cho loài vật nói ra tiếng người như trong Dân Số Ký 22:28, nói đến sự kiện chính Thiên Chúa đã mở miệng con lừa của Ba-la-am để có thể nói chuyện với ông. Có người cho rằng, đó là một thiên sứ phán qua con lừa, nhưng mà, khi chúng ta nghe lời nói của con lừa, thì con lừa nó nói cho chính nó, nó phân trần với ông chủ của nó, về việc ông chủ của nó đối xử với nó một cách bất công. Như vậy, Thiên Chúa không lừa dối ai hết, Thiên Chúa không cho phép một thiên sứ giả làm tiếng nói của con người để phân trần thay cho con lừa. Bởi vì, nếu vậy thì thà rằng một thiên sứ xuất hiện trước mặt Ba-la-am để lên tiếng quở trách Ba-la-am về sự đối xử bất công với con lừa, chứ không cần phải giả làm tiếng nói của con lừa. Cho nên chúng ta cũng hiểu rằng, dù ngày hôm nay chúng ta thấy rõ ràng loài thú, nhất là những con thú gần gũi với chúng ta không nói được tiếng của chúng ta và chúng ta cũng không nghe được tiếng của chúng nó, nhưng có một mối quan hệ mật thiết với chúng nó. Dù không nghe được tiếng của nhau nhưng vẫn có thể hiểu được nhau ở trong một mức độ nào đó. Có phải chăng, thú và người có thể hiểu được nhau qua ngôn ngữ? Chúng ta không biết chắc. Nhưng tôi nhắc lại nhiều lần rằng: Chúng ta hoàn toàn không biết được thế giới lúc đầu Chúa tạo ra nó tốt đẹp đến mức độ nào. Bởi vì ngày hôm nay điều chúng ta đang kinh nghiệm là một thế giới đầy dẫy tội lỗi, mất đi nhiều ơn phước của Chúa, cho nên rất có thể ban đầu các loài thú cũng có thể nói được tiếng người hoặc là không, chúng ta không biết được điều đó. Và nếu ban đầu, loài thú không biết được tiếng người mà con rắn nói được tiếng người, thì có thể ma quỷ ban cho nó năng lực có thể nói được tiếng người. Một chi tiết khác chúng ta cần nhớ: Khi Đức Chúa Jesus vào thành để chết trên thập tự giá, thì dân chúng tung hô Ngài, những người Pha-ri-si thấy vậy thì bất mãn, cho nên nói với Chúa hãy quở trách dân chúng để họ đừng lớn tiếng như vậy, nhưng Chúa nói với họ, nếu họ im lặng thì đá sẽ lên tiếng. Qua chi tiết đó chúng ta hiểu được rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến cho đá nói tiếng của loài người, và khi chúng ta học trong Khải Huyền, thì chúng ta thấy bàn thờ cũng có thể phát ra tiếng nói, ngai của Chúa cũng có thể phát ra tiếng nói và thực tế, chúng ta không biết sự phát ra tiếng nói từ những vật như vậy là như thế nào. Nhưng chúng ta hiểu được một điều duy nhất ở đây là: Khi Đức Chúa Trời muốn thì mọi sự có thể được thể hiện và chúng ta biết Chúa có thể mở miệng cho con lừa nói, Chúa có thể khiến cho đá nói lên tiếng loài người để tung hô, chúc tụng Ngài.

Ma quỷ lúc bấy giờ là thần linh được Chúa dựng nên, cũng có một số quyền phép nhất định. Nó cũng có thể khiến cho một con vật có thể nói tiếng người, nếu ngay từ lúc ban đầu loài vật đã không biết nói tiếng người. Xét về câu hỏi của con rắn đặt ra cho bà Ê-va, chúng ta thấy đó là câu không đúng sự thật. Mục đích câu hỏi của con rắn là để thăm dò tấm lòng của bà Ê-va, để xem thử đức tin của bà đối với Thiên Chúa như thế nào, tình yêu đối với Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta ghi nhớ điều này: Ma quỷ không biết được điều ở trong lòng của chúng ta, nó có thể gieo rắc những ý tưởng, những câu nói vào trong tâm thần của chúng ta, nó có thể cho chúng ta thấy khải tượng giả, giống như những người ngồi thiền thấy được những cảnh trạng này cảnh trạng kia; thì những điều đó là những điều đến từ ma quỷ và ma quỷ có thể tác động vào trong tâm thần của chúng ta qua những chiêm bao, khải tượng, qua những tiếng nói trong đầu của chúng ta. Nhưng ma quỷ không thể biết được điều gì ở trong tư tưởng, tấm lòng của chúng ta. Vì thế nó chỉ có thể nhìn vào thái độ, hành vi, cử chỉ hoặc nghe chúng ta nói mà nó đoán những điều ở trong lòng của chúng ta. Và ở đây, ma quỷ đã đoán được đức tin, tình yêu của bà Ê-va đối với Chúa, nhưng nó muốn đưa ra câu hỏi trắc nghiệm để ấn chứng cho điều mà nó đã đoán là sự thật.

Tại sao ma quỷ không cám dỗ A-đam mà cám dỗ Ê-va? Dĩ nhiên chúng ta không có bằng chứng cụ thể nào để trả lời chính xác cho câu hỏi này, nhưng nếu cho phép suy luận thì có lẽ ma quỷ đã bỏ ra thời gian để quan sát A-đam lẫn Ê-va. Nó đã rút ra kết luận là Ê-va dễ sa ngã hơn A-đam. Có thể trong thời gian ma quỷ quan sát A-đam và Ê-va sinh hoạt trong vườn thì nó nhìn thấy A-đam không quan tâm đến Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác, nhưng Ê-va thì có thể đã nhiều lần đứng lại nhìn, ngắm cây đó và ngẫm nghĩ đến điều Chúa phán dạy. Chính vì thế ma quỷ đoán trong lòng của Ê-va đã không phục mệnh lệnh của Chúa. Vẫn nghe lời Chúa phán dạy, vẫn không ăn trái của cây đó nhưng trong lòng thì không phục, có lẽ trong lòng ấm ức. Và qua con rắn, ma quỷ đã chọn Ê-va để đưa ra câu hỏi thăm dò.

Câu hỏi này: “Thiên Chúa có phán dặn, các ngươi không được phép ăn trái của các cây trong vườn sao?” Rõ ràng là Thiên Chúa không phán dạy như vậy. Thiên Chúa phán dặn là: “Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến…” Nhưng câu hỏi của ma quỷ đặt cho Ê-va qua miệng của con rắn là: “Thiên Chúa có phán dặn, các ngươi không được phép ăn trái của các cây trong vườn sao?”

2 Người nữ đáp lời con rắn: Chúng ta được ăn trái của các cây trong vườn,

3 nhưng về trái của cây mọc giữa vườn, Thiên Chúa có phán rằng, các ngươi sẽ chẳng ăn đến, các ngươi cũng sẽ chẳng đụng đến, kẻo các ngươi chết.

Câu trả lời của bà Ê-va gần như hoàn toàn đúng với sự thật, bởi vì ngoại trừ một điều bà thêm vào là: “các ngươi cũng sẽ chẳng đụng đến”, thì toàn bộ những gì bà nói còn lại đúng là sự thật, nhưng sự thật này không được rõ ràng như khi Thiên Chúa phán dạy: Thiên Chúa không nói cây mọc giữa vườn mà Thiên Chúa nói rõ ràng là Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Ở đây, trong câu trả lời của bà Ê-va thể hiện có sự ấm ức nào đó. Và trong câu trả lời đó dường như bà muốn oán trách Chúa, cho nên ở giữa vườn có hai cây, Cây Sự Sống và Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Cây Sự Sống có thể được tự do ăn, cấm lệnh chỉ dành cho Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác mà thôi. Nhưng bà đã đồng hóa cả hai cây như là một, bà nói: “trái của cây mọc giữa vườn”, giống như bà nói lẫy rằng: Ngay cả Cây Sự Sống Chúa cũng không cho bà ăn. Bởi vậy khi chúng ta đọc câu trả lời của bà, chúng ta ngẫm nghĩ, chúng ta thấy có rất nhiều điều hàm chứa về tình yêu, đức tin của bà đối với Thiên Chúa trong câu trả lời của bà. Ngay trong câu trả lời đó thì ta thấy bà hờn trách Chúa và vu khống cho Chúa. Tới đây chúng ta phải ngừng lại để suy nghĩ rằng:

Thiên Chúa phán dặn rằng: “Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến…” thì A-đam và Ê-va có biết giá trị của cây đó chăng? Dù họ không biết với lý do gì mà Chúa không cho phép họ được ăn trái của cây đó, nhưng họ biết được trái của cây đó biết được điều thiện và điều ác.

Trong hoàn cảnh hiện tại của họ vào lúc bấy giờ, họ đang kinh nghiệm điều thiện nhưng họ chưa kinh nghiệm điều ác. Không kinh nghiệm điều ác không có nghĩa là không biết điều gì là ác. Bởi vì rõ ràng trong lòng A-đam và Ê-va biết rất rõ là nếu không vâng lời Chúa thì đó là sự ác, điều ác. Nhưng bởi vì họ chưa bao giờ không vâng lời Chúa, cho nên họ không kinh nghiệm được điều ác nó đem đến đau khổ như thế nào.

Nói cách khác, Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác đó là cơ hội, là phương tiện để cho loài người kinh nghiệm được điều ác, kinh nghiệm được tội lỗi. Giả sử, nếu như không bao giờ A-đam và Ê-va ăn Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác, thì họ vẫn biết không vâng lời Chúa là sai, chỉ khác một điều là họ không biết: Nếu không vâng lời Chúa, phạm tội như vậy thì đau khổ như thế nào? Chữ “biết” như chúng ta nói ở đây, không chỉ là hiểu biết tri thức mà là kinh nghiệm sống với sự hiểu biết đó, giống như một người biết rằng: Có Ông Trời tức là Thiên Chúa, nhưng họ không có kinh nghiệm được sống với Thiên Chúa, được hiểu biết Ngài một cách sâu nhiệm như chúng ta là những người thuộc về Chúa. Nói rằng họ biết Chúa thì không đúng, còn nói rằng chúng ta biết Chúa thì là đúng. Vì chữ “biết” ở đây không phải chỉ là nhận thức ở bên ngoài, biết rằng điều đó có thật mà còn kinh nghiệm được điều đó. Cho nên, trong câu nói của bà Ê-va, có lẽ do bà ấm ức trong lòng là: Tại sao một tri thức như vậy mà Thiên Chúa không cho phép mình được kinh nghiệm? Điều đó thể hiện qua câu trả lời của bà. Một số người dựa vào câu chuyện này để lên án Chúa, họ nói là: Tại sao Chúa dựng nên loài người giống như Ngài mà không cho họ có sự khôn ngoan giống như Ngài? Bởi vì sự kinh nghiệm điều ác là không cần thiết cho chúng ta. Chúa biết tất cả mọi sự nhưng Chúa không bị mọi sự điều khiển Ngài. Khi Ngài dựng nên loài người chúng ta thì Ngài chỉ muốn chúng ta biết và kinh nghiệm điều thiện, tức là vui hưởng Ngài, vui hưởng ân điển mà Ngài ban cho chúng ta, vui hưởng tất cả những điều tốt lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta. Ngài không muốn chúng ta kinh nghiệm đau khổ. Ngài là Thiên Chúa, Ngài biết thế nào là đau khổ nhưng Ngài không muốn cho chúng ta biết thế nào là đau khổ thì điều đó có gì sai?

Hãy suy ngẫm đến trường hợp, cha mẹ làm việc cực nhọc, khó khăn để nuôi dạy con cái nên người mà không bao giờ muốn con cái của mình phải kinh nghiệm đời sống cực khổ, khó khăn như vậy thì có gì sai? Nhưng mà ở đây, bà Ê-va đã không hiểu được tình yêu của Thiên Chúa đối với bà. Qua sự ranh mãnh của Sa-tan, nó đã khéo léo gieo trong bà những ý tưởng (nó không xúi giục bà hãy ăn trái đấy đi) để tự bà kết luận, tự bà quyết định, tự bà chọn lựa thái độ của bà.

4 Rắn nói với người nữ: Các ngươi sẽ chẳng chết đâu;

5 nhưng Thiên Chúa biết rằng, trong ngày các ngươi ăn, mắt của các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác.

Trong lời nói của con rắn, thì rõ ràng là lời nói dối trộn lẫn với lẽ thật. Lời nói dối trộn lẫn với lời nói thật giống như thuốc độc trộn lẫn với thuốc bổ vậy. Thuốc bổ một mình thì uống vào giúp ích cho thân thể của chúng ta, nhưng khi thuốc bổ trộn lẫn với thuốc độc mà chúng ta uống vào, thì chúng ta sẽ chết. Dù cả liều thuốc đó là thuốc bổ, chỉ cần trộn lẫn một giọt thuốc độc thôi thì nó cũng đã biến thành thuốc độc.

Ngày nào Ê-va và A-đam ăn trái cây đó, thì sẽ giống như Thiên Chúa, kinh nghiệm được điều thiện, điều ác. Chữ “biết” là sự sống với, kinh nghiệm với. Lúc bấy giờ, A-đam và Ê-va chỉ biết điều thiện, kinh nghiệm được điều thiện, biết được thế nào là vui mừng, bình an, thỏa lòng ở trong Chúa; nhưng chưa kinh nghiệm được thế nào là tội lỗi, thế nào là chống nghịch Chúa và bị hình phạt. Vấn đề là không phải ăn trái của cây đó, trái của cây đó có tác dụng gì, mà vấn đề chính là không vâng lời Thiên Chúa, cãi lại lời Thiên Chúa, dẫn đến hậu quả là phải chịu đau khổ. Chính vì chịu sự đau khổ đó thì kinh nghiệm được thế nào là điều ác, thế nào là hậu quả của sự chống nghịch Chúa. Và ma quỷ nó nói lên lẽ thật, lẽ thật là như vậy, nhưng nó lại dối trá ở chỗ: “Các ngươi sẽ chẳng chết đâu”. Rõ ràng, nó nghịch lại Lời Chúa. Ngày hôm nay, có biết bao nhiêu người trích dẫn Lời Chúa mà chỉ nói một phần lẽ thật của Lời Chúa, rồi lại bẻ cong đi một phần khác ở trong Lời của Chúa. Tất cả những điều đó là dấu hiệu cho chúng ta biết được đó là giáo sư giả, tiên tri giả là tà giáo. Lời Chúa rất rõ ràng nhưng lại ngang nhiên gạt bỏ đi lẽ thật đó, hoặc nói nghịch lại lẽ thật, giống như Lời của Chúa phán rất rõ. Chính bà Ê-va biết rằng Chúa nói rằng: “vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết”. Nhưng ở đây con rắn nói: “Các ngươi sẽ chẳng chết đâu”.

Hai điều hoàn toàn trái ngược nhau, và bà Ê-va là người đã có Lời Chúa và biết rằng Lời Chúa nói sẽ chết, nhưng bà còn hàm ý oán trách Chúa, vu khống cho Chúa nói ý rằng: “Ngay đến đụng đến cũng không được đụng đến nữa, huống gì là ăn”. Bà biết rất rõ hậu quả của sự ăn trái của cây đó là sẽ chết, nhưng ngày nay con rắn nói: “Các ngươi sẽ chẳng chết đâu”. Giữa lời nói của con rắn là loài thọ tạo đặt dưới quyền cai trị của bà, với lời phán của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đấng dựng nên bà, bà lại chọn nghe theo lời của con rắn. Điều đó vẫn xảy ra hàng ngày trong thế gian, điều đó vẫn xảy ra hàng ngày ở trong Hội Thánh của Chúa. Ngày hôm nay, mỗi một người trong chúng ta khi đến với Chúa, tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài, chúng ta được Ngài dựng nên mới: “Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17b). Chúng ta là những người mới ở trong Chúa, và chúng ta còn có Thiên Chúa ngự trong thân thể chúng ta là Đức Thánh Linh, để cáo trách, để dạy dỗ chúng ta; thế mà chúng ta vẫn nghe theo những lời đường mật dụ dỗ của ma quỷ, qua những tôi tớ của nó là những tiên tri giả, giáo sư giả, những anh em giả để chúng ta phạm tội. Nên nhớ, tiền công của tội lỗi là sự chết; cho nên dù chỉ một lời nói dối thôi, chưa cần xét đến hậu quả của nó, chỉ cần xét rằng đó là một lời nói dối, thì hậu quả là ở trong lửa của hỏa ngục. Khi chúng ta học sách Khải Huyền, chúng ta đã biết rằng, phần của kẻ nói dối và ưa thích sự nói dối là ở trong hồ lửa. Chúng ta thấy điều đó ngang bằng với phần của những kẻ tà dâm, trộm cắp, giết người, thờ hình tượng. Cho nên, đối với Chúa không có tội nào nhỏ đến nỗi không khiến chúng ta bị hư mất. Tất cả các tội đều khiến cho chúng ta bị hư mất hết, nhưng mà bởi vì Chúa yêu chúng ta và Chúa gánh thay tội lỗi mà chúng ta mới thoát ra khỏi sự hư mất. Vì thế, ngày hôm nay chỉ có ở trong ân điển của Chúa, chỉ có thuộc về Chúa rồi thì chúng ta mới phân biệt được tội chết và tội đến nỗi chết. Còn nếu chúng ta ở ngoài ân điển của Chúa, thì tất cả những tội mà chúng ta phạm, đều đến nỗi chết, bởi vì tiền công của tội lỗi là sự chết nên chúng ta đừng lẫn lộn hai điều đó. Với một người không có Chúa, dù chỉ một lời nói dối thì hậu quả vẫn là hồ lửa đời đời. Nhưng chúng ta đã ở trong Chúa, nếu có lỡ phạm tội như vậy mà chúng ta thật lòng ăn năn, thì Ngài vẫn tha thứ cho chúng ta và cứu chúng ta thoát khỏi hồ lửa. Nhưng nếu chúng ta lạm dụng sự yêu thương của Ngài, sự cứu rỗi của Ngài, máu chuộc tội của Ngài, chúng ta tiếp tục sống trong sự nói dối thì không còn có của tế lễ nào chuộc tội cho chúng ta.

Và trở lại ở đây, chúng ta thấy sự chọn lựa sự vâng phục Chúa cách hoàn toàn, hay chiều theo sự ưa thích riêng của mình, để chống nghịch Chúa hoàn toàn là sự chọn lựa của mỗi một chúng ta. Lần đầu tiên ma quỷ đến, nó chỉ khéo léo gài bẫy chúng ta để chúng ta tự mình quyết định phạm tội, chứ ma quỷ không xui khiến chúng ta làm điều này, làm điều kia chống nghịch lại Chúa. Nhưng khi chúng ta đã phạm tội rồi, thì chúng ta trở thành nô lệ cho ma quỷ; lúc này, ma quỷ mới xui khiến chúng ta, mới ra lệnh cho chúng ta làm ra tội ác này, phải làm ra tội ác kia. Nếu lần đầu tiên cám dỗ đến mà chúng ta không phạm tội, chúng ta dùng Lời Chúa là gươm của Đấng Thần Linh để chống trả và đánh đuổi ma quỷ thì chúng ta sẽ luôn luôn đắc thắng. Còn nếu chúng ta để cho ma quỷ cám dỗ, để lời đường mật của ma quỷ lay động chúng ta, rồi chúng ta oán trách Chúa, nghĩ rằng Chúa không tốt với mình, Chúa không ban cho mình điều tốt, rồi chúng ta tự mình chiếm lấy điều không thuộc về mình hoặc điều chưa thuộc về mình, thì chúng ta phạm tội. Điều đó thể hiện rõ ràng cho chúng ta trong suốt bảy câu Thánh Kinh ngày hôm nay.

6 Người nữ thấy cây ấy trái ăn ngon, lại đẹp mắt, là cây đáng chuộng vì để mở trí khôn, thì hái trái, ăn, rồi cũng trao cho chồng ở gần mình, chồng cũng ăn.

7 Kế đó, mắt của họ đều mở ra, họ biết rằng họ trần truồng. Họ kết lá cây vả làm thành khố che thân.

Ở đây, chúng ta nhìn thấy, sự cám dỗ đánh thẳng vào toàn bộ con người của chúng ta. Trái ăn ngon là sự cám dỗ dành cho xác thịt của chúng ta. Lại đẹp mắt là sự cám dỗ dành cho linh hồn của chúng ta. Là cây đáng chuộng để mở trí khôn là sự cám dỗ dành cho tâm thần của chúng ta. Tất cả những gì đem lại sự vui thú cho thân thể xác thịt này thì thuộc về xác thịt. Tất cả những gì đem lại sự hãnh diện khi có sự thông biết, được người ta khen ngợi thì đó thuộc về tâm thần. Tất cả những gì chúng ta muốn chiếm đoạt cho mình vì mình thích nó, ưa nó, chuộng nó; mặc dù nó không thuộc về mình nhưng mình muốn chiếm lấy nó, thì nó thuộc về linh hồn của chúng ta. Lúc nào các sự cám dỗ cũng nằm ở trên ba phương diện như vậy.

“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình.” (Gia-cơ 1:14).

Tức là, lòng tham muốn của chính mình: sự tham muốn của tâm thần, sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của linh hồn khiến cho chúng ta phạm tội. Vì chúng ta có tham muốn như vậy thì chúng ta mới quyết định làm theo tham muốn của mình, hay làm theo lời phán dạy của Chúa, làm theo điều răn của Chúa. Khi chúng ta quyết định làm theo sự tham muốn của mình thì chúng ta ngã vào trong sự cám dỗ và chúng ta phạm tội.

Ở đây, chúng ta thấy tác động cám dỗ của ma quỷ, khi ma quỷ nói rằng: “Các ngươi sẽ chẳng chết đâu; nhưng Thiên Chúa biết rằng, trong ngày các ngươi ăn, mắt của các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác”, là ma quỷ đã hàm ý vu khống cho Chúa. Nó không nói thẳng ra, nhưng nó hàm ý qua câu nói, đó là: “Đức Chúa Trời không yêu các ngươi đâu, Ngài sợ các ngươi bằng Ngài, Ngài giành phần tốt nhất riêng cho Ngài”. Nhưng như tôi đã nói, có cha mẹ nào muốn con cái làm việc cực khổ như mình, nhưng họ chỉ muốn cho con cái của họ được vui hưởng thành quả của sự khó nhọc của họ, họ tránh cho con cái phải đi qua sự tủi nhục trong cuộc đời của họ, họ tránh sự đau khổ cho con cái. Thì cũng vậy, Thiên Chúa yêu chúng ta và Thiên Chúa dựng nên chúng ta để vui hưởng tình yêu của Ngài, để vui hưởng phước hạnh Ngài ban và Ngài sắm sẵn cho chúng ta; chứ Ngài không muốn chúng ta sống trong sự đau khổ và ở trong sự gánh chịu lấy hình phạt của Ngài, khi chúng ta không vâng phục Ngài. Ngài cho phép chúng ta chọn lựa. Vì vậy, tôi nói lại để nhấn mạnh rằng: Không phải chất gì ở trong trái của cây đó khiến cho loài người trở nên kinh nghiệm được điều ác, biết được điều ác; mà chính hành động của loài người khi làm điều đó là hành động phạm tội, mà hễ phạm tội thì phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi.

Và lời nói của ma quỷ đã gây sự hoang mang trong lòng của bà Ê-va, khiến cho bà mất đức tin nơi Chúa, không còn yêu Chúa như đáng phải yêu. Chính sự mất đức tin và sự không yêu Chúa như đáng phải yêu đó đã khiến cho loài người phạm tội. Đó vẫn là điều thường xảy ra mỗi ngày trong suốt lịch sử loài người, đối với mỗi một chúng ta. Nếu chúng ta không hoàn toàn tin cậy, nếu chúng ta không hết lòng, hết sức mà yêu kính Chúa; thì ma quỷ luôn luôn gieo rắc những ý tưởng để khiến cho chúng ta mất đi đức tin, và khiến chúng ta làm ra những điều nghịch lại với lẽ thật mà chúng ta đã biết, đã nhận từ nơi Chúa.

Một điều mà tôi vẫn thắc mắc xưa nay đó là: Tại sao A-đam ở gần bên cạnh Ê-va, rất có thể A-đam cũng chứng kiến cuộc đối thoại giữa con rắn và bà Ê-va. Tôi nói rất có thể, vì Thánh Kinh không nói rõ hoàn cảnh A-đam đang đối diện ở đây, nhưng mà vì A-đam đang ở gần Ê-va trong khi Ê-va hái trái đó để ăn, thì đáng lẽ A-đam phải ngăn cản chứ sao im lặng để cho bà phạm tội, để rồi ông phạm tội theo với bà? Đó là điều khó hiểu, là điều mà chúng ta thấy không có chỗ nào trong Thánh Kinh giúp chúng ta hiểu được tâm trạng của A-đam vào lúc bấy giờ. Nhiều người nói rằng, ngay từ ban đầu người đàn ông đã sợ vợ rồi, tôi không nghĩ đó là sợ vợ mà đó là câu nói đùa vui mà thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ vì A-đam quá yêu vợ của mình và ông sẵn sàng phạm tội để chết theo vợ của mình; cho nên, khi thấy bà đã ăn trái đó và có lẽ cản không kịp, rồi khi thấy bà đưa trái đó cho ông ăn, thì ông cũng ăn để có thể chết theo với bà. Tất cả những điều tôi nói này chỉ là suy luận mà thôi, chúng ta thật sự không có một chi tiết nào để biết tại sao A-đam đã không lên tiếng để phản đối những lời của con rắn. Chúng ta cũng không biết được thực tế A-đam có nghe cuộc trao đổi giữa bà Ê-va với con rắn hay không? Hay có thể việc này không xảy ra ngay lập tức như trong Sáng Thế Ký 3:1-7, mà có thể trước đó một vài ngày con rắn đã gặp riêng bà Ê-va để cám dỗ bà Ê-va, nhưng bà Ê-va vẫn có sự giằng co trong lòng, rồi đến một thời điểm nào đó, bà và ông đi vào đến giữa vườn và đã dừng lại, bà đã một lần nữa đứng ngắm nhìn trái cây đó như bao lần và lần này thì khác với lần trước, lần này có thêm sự hỗ trợ từ lời nói của con rắn. Nó vang dội trong tâm trí của bà và bà bất chợt gục ngã trước sự cám dỗ đó, đưa tay hái trái cây để cắn ăn, cho nên A-đam không kịp cản trở bà, khi bà đang ăn rồi và có lẽ bà đưa luôn trái cây đang ăn dở dang của mình, và A-đam tiếp lấy và ăn.

Có nhiều diễn biến, cảnh trạng có thể xảy ra trong sự phạm tội này mà chúng ta không có đủ chi tiết để biết rõ sự việc đã xảy ra. Nên đó là những điều tôi có thể suy tưởng đến, nghĩ đến, khi tôi đọc và suy ngẫm đến đoạn này, nên tôi xin chia sẻ lại với Hội Thánh như vậy.

Để đánh tan đi ý tưởng cho rằng: Có lẽ đây là sự kiện xảy ra giống như là một số hình vẽ minh họa cho thấy A-đam và Ê-va đứng gần bên cạnh Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác, mà con rắn quấn vào nhánh cây rồi nói chuyện với Ê-va, rồi Ê-va đưa tay hái trái cây đó ăn, rồi đưa cho chồng và chồng cũng ăn. Mọi việc xảy ra có vẻ ngắn gọn trong vòng mấy phút. Nhưng tôi không nghĩ như vậy, mà tôi nghĩ nó có nhiều chi tiết khác, và rất có thể từ sự cám dỗ đến sự phạm tội nó trải qua một thời gian dài, có thể là nhiều ngày, sau đó có sự giằng co ở trong tấm lòng của bà Ê-va, và bà Ê-va đã không thắng được sự cám dỗ đó như tôi đã nói, và trong lúc đối diện với Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác, bà đã bất ngờ đưa tay lên hái trái cây ăn mà A-đam không kịp ngăn cản. Và có lẽ chính vì sự kiện hai người trở nên một thịt mà A-đam đã chết theo với Ê-va. Tất cả đều là sự suy ngẫm mà thôi. Nên chúng ta suy ngẫm nhiều như vậy để chúng ta áp dụng trong đời sống của mình. Sự phạm tội của một trong hai người (vợ hay chồng) ở trước mặt Chúa trong Hội Thánh thì người còn lại nên phản ứng như thế nào? Chúng ta cần phải suy ngẫm nhiều đến sự kiện này để chúng ta áp dụng vào đời sống hôn nhân của chúng ta.

Hậu quả xảy ra ngay lập tức, đó là: “mắt của họ đều mở ra, họ biết rằng họ trần truồng. Họ kết lá cây vả làm thành khố che thân”. Mắt mở ra ở đây, vừa hàm ý mắt thuộc thể mà cũng nói đến con mắt thuộc linh. Có những điều mắt thuộc thể chúng ta không thấy, cho đến khi con mắt thuộc linh được mở ra. Sự mở ra này tức là, họ lập tức kinh nghiệm được thế nào là điều ác, thế nào là đau khổ, thế nào là tội lỗi và khi họ phạm tội như vậy thì sự vinh quang của Chúa ra khỏi họ.

Trước khi họ phạm tội, họ được dựng nên cách tốt lành như hình Chúa, như tượng Chúa, vì thế sự vinh quang của Chúa bao phủ họ. Họ là bản sao của Đức Chúa Trời, là bản sao của Thiên Chúa, nên họ có sự vinh quang của một loài thọ tạo cao hơn hết trong tất cả các loài thọ tạo khác, vì được làm con của Đức Chúa Trời và được kế thừa cơ nghiệp của Ngài. Nhưng khi họ phản nghịch Ngài, thì họ mất đi sự vinh quang của Ngài như trong Rô-ma 3:23 đã chép: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời…”

Lúc bấy giờ, chính là thiếu đi sự thánh khiết, công chính, yêu thương của Thiên Chúa, nên họ cảm thấy rất hổ thẹn khi họ trần truồng như vậy. Trước đó, họ vẫn trần truồng nhưng họ không hổ thẹn. Ngày hôm nay, sau khi phạm tội thì họ hổ thẹn bởi vì tội lỗi dẫn đến tội lỗi, và có lẽ lần đầu tiên ở trong tấm lòng của A-đam và Ê-va, khi nhìn thấy nhau trần truồng như vậy, thì không còn dấy lên tình yêu thánh khiết như lúc ban đầu. Nên nhớ, việc vợ chồng ăn ở với nhau để sinh con, làm phát triển dòng dõi của loài người là thiên chức Chúa ban cho chúng ta. Và bởi vì là thiên chức Chúa ban, cho nên trong việc vợ chồng ân ái, âu yếm lẫn nhau, rồi sinh con đẻ cái là điều hoàn toàn phước hạnh. Nếu loài người không phạm tội thì không có sự hổ thẹn khi trần truồng ở trước mặt nhau; hay là có những sự ham muốn tình dục, mà nó chỉ nhằm thỏa mãn cho chính mình mà không quan tâm đến người chồng hay người vợ của mình, chỉ nhằm thỏa mãn cho chính mình mà không quan tâm đến sự đau đớn khi mang thai hay sinh con; thì không có sự đau khổ khi không có tội lỗi. Chỉ sau khi tội lỗi vào thì nó làm thay đổi hết mọi sự. Chỉ sau khi tội lỗi vào trong thế gian thì loài người mới biết ác là gì, mới kinh nghiệm được điều ác, kinh nghiệm được hậu quả của sự ác. Vì thế, có lẽ trong giây phút họ vừa phạm tội thì mất đi sự vinh quang của Chúa, và họ hổ thẹn khi họ thấy có những tư tưởng trước giờ không hề xuất hiện trong đầu của họ. Nhưng mà ngày nay, vì cớ họ trở thành tội nhân có những tư tưởng tội lỗi, có những dục vọng thấp hèn, có những điều chính họ biết rằng không thánh khiết và không thể chấp nhận được xuất hiện trong tư tưởng của họ. Họ hổ thẹn và họ phải kết lá cây vả làm thành khố che thân của họ, để che đi sự trần truồng của họ, và đó là khả năng duy nhất mà họ có thể làm, là tìm một cách tạm bợ nào đó để giải quyết vấn đề tội lỗi của mình. Nhưng chúng ta biết rằng: Tất cả mọi cách để giải quyết tội lỗi của mình không bao giờ có kết quả, cho đến khi chính Đức Chúa Trời bước vào can thiệp, ban cho chúng ta một phương cách thật là hữu hiệu để giải quyết tội lỗi cho chúng ta.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/03/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.