Chú Giải Sáng Thế Ký 03:08-13 Loài Người Bào Chữa cho Sự Phạm Tội

4,224 views

900110 Chú Giải Sáng Thế Ký 3:8-13
Loài Người Bào Chữa cho Sự Phạm Tội

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 3:8-13

8 Vào buổi chiều, nghe tiếng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đi trong vườn, loài người và vợ ẩn mình giữa những cây trong vườn, để tránh mặt Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.

9 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu gọi loài người và phán hỏi: Ngươi ở đâu?

10 Người thưa: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn và tôi sợ, bởi vì tôi trần truồng, nên tôi ẩn mình.

11 Ngài hỏi: Ai đã nói với ngươi là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã truyền lệnh rằng, ngươi không được ăn?

12 Loài người thưa: Người nữ mà Ngài đã ban cho để ở với tôi, đã cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn.

13 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán hỏi người nữ: Ngươi đã làm điều gì đây? Người nữ thưa: Con rắn đã gạt tôi và tôi đã ăn.

Xưa nay, loài người vẫn có khuynh hướng tìm cách bào chữa để giảm thiểu trách nhiệm sau khi phạm tội. Chắc chắn, đây là khuynh hướng mà chúng ta thừa hưởng từ tổ phụ. Tuy nhiên, vì sao ngay từ ban đầu, tổ phụ của chúng ta đã không có được bản tính sẵn sàng nhận tội và gánh trọn trách nhiệm về sự phạm tội của mình? Không phải họ đã được dựng nên một cách thật là tốt lành theo hình và theo tượng của Thiên Chúa hay sao?

Là một loài thọ tạo cao cả hơn tất cả muôn loài thọ tạo, có ý chí tự do chọn lựa, được ở trong địa vị là con của Đức Chúa Trời, và được toàn quyền cai trị muôn vật trên đất – loài người chính là bản sao của Thiên Chúa, thật trọn vẹn, thật tốt lành, có uy quyền và trách nhiệm trong thế giới vật chất. Thế nhưng, khi loài người chống nghịch Thiên Chúa, thì lập tức sự vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho họ hoàn toàn biến mất. Họ trở nên sợ hãi, hổ thẹn và phải tìm cách bào chữa cho quyết định và hành động sai trái với Lời Chúa. Chúng ta thật sự khó mà cảm nhận được sự sợ hãi và hổ thẹn mà ông A-đam và bà Ê-va đã trải qua.

Hãy tưởng tượng sự sợ hãi của một người bị kẹt trong một căn nhà đang cháy không có lối thoát. Hãy tưởng tượng sự hổ thẹn của một người bị lột trần truồng, tay bị trói lại và bị dẫn đi trên một đường phố có nhiều người quen biết. Cho dù nhân gấp ngàn lần hơn cảm giác sợ hãi và hổ thẹn ấy cũng không thể nào sánh bằng nỗi sợ hãi và hổ thẹn của A-đam và Ê-va trước Chúa.

8 Vào buổi chiều, nghe tiếng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đi trong vườn, loài người và vợ ẩn mình giữa những cây trong vườn, để tránh mặt Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.

Trong nguyên tác của Thánh Kinh là “vào lúc gió thổi hiu hiu” thì A-đam nghe tiếng Chúa đi trong vườn. Hầu hết các nhà giải kinh đều đồng ý là, lúc gió thổi hiu hiu là vào buổi hoàng hôn, sắp sửa bước qua một ngày mới. Và chúng ta nên nhớ, theo Thánh Kinh, một ngày mới bắt đầu liền sau khi mặt trời lặn.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, trong giai đoạn loài người chưa phạm tội thì đương nhiên không có điều gì ngăn cản sự quan hệ, thông công giữa loài người và Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, Thiên Chúa thật sự hiện ra trong hình dáng của một người và đi lại trong vườn tại Ê-đen để tương giao với A-đam và Ê-va. Điều đó tương tự như khi Thiên Chúa hiện ra trong hình người để tương giao với Áp-ra-ham, như đã được ghi lại trong Sáng Thế Ký 18. Điều lạ lùng là Thánh Kinh gọi chung cả ba hình người hiện ra nói chuyện với Áp-ra-ham là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Nhưng Thánh Kinh lại phân biệt các thân vị của Thiên Chúa. Có một Đấng trong ba Đấng được gọi là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Áp-ra-ham rồi Đấng ấy đi về phía thành Sô-đôm. Một Đấng khác ở lại tiếp tục trò chuyện với Áp-ra-ham, cũng được gọi là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết khi chúng ta học đến Sáng Thế Ký 18.

Chúng ta cũng có thể hiểu là Thiên Chúa trong hình thể loài người cũng có thể ăn các trái cây trong vườn chung với A-đam và Ê-va, như Ngài ăn các thức ăn do Áp-ra-ham dâng lên. Xưa nay, sự thông công lớn nhất vẫn thể hiện qua sự cùng nhau ăn uống. Bởi vì, sự cùng nhau ăn uống hàm ý: cùng nhau sống, cùng nhau vui. Và như vậy, mỗi buổi chiều là thời điểm loài người được tương giao mặt đối mặt với Thiên Chúa.

Chúng ta thật sự không biết A-đam và Ê-va đã có được bao nhiêu lần tương giao với Chúa vào mỗi buổi chiều, được đắm chìm trong sự yêu thương và vinh quang của Chúa. Nhưng giờ đây, cái thời điểm vốn là thiêng liêng và hạnh phúc ấy đã trở thành kinh khủng và hổ thẹn đối với họ. Vì thế, A-đam đã dẫn vợ đi trốn giữa các lùm cây, để tránh gặp Chúa.

9 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu gọi loài người và phán hỏi: Ngươi ở đâu?

Chúa có thể xuất hiện ngay trước mặt A-đam chứ không cần phải tìm kiếm hay phán hỏi A-đam. Nhưng Chúa đã chọn hỏi A-đam. Câu hỏi của Chúa bao hàm rất là nhiều ý:

  1. Ta đã đúng hẹn. Sao ngươi không đúng hẹn?
  2. Vì yêu Ta đến với ngươi. Còn ngươi, sao lại tránh Ta?
  3. Ngay thời điểm này, vị trí của ngươi lẽ ra là ở bên cạnh Ta, ở trong tình yêu của Ta và ở trong sự vinh quang của Ta, nhưng ngươi đang ở đâu?
  4. Ngươi đang ở đâu trong sự tin cậy và yêu kính Ta?
  5. Ngươi đang ở đâu trong sự biết điều ác?
  6. Ngươi đang ở đâu trong sự ăn năn, thống hối?

Câu hỏi của Chúa dành cho A-đam cũng là câu hỏi của Chúa dành cho chúng ta mỗi khi chúng ta không vâng phục bất cứ một lời phán dạy nào của Chúa.

10 Người thưa: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn và tôi sợ, bởi vì tôi trần truồng, nên tôi ẩn mình.

Câu trả lời của A-đam không thật lòng. Thay vì đáp: “Tôi sợ, bởi vì tôi đã phạm tội. Tôi sợ bởi vì tôi đã không vâng lời Chúa!” Thì A-đam lại nói: “Tôi sợ bởi vì tôi trần truồng!” Ông hoàn toàn phớt lờ cái lý do khiến cho ông bị trần truồng. Cái lý do mà ông biết rất rõ.

Ngày nay, có rất nhiều con dân Chúa khi được hỏi, tại sao không giữ ngày Sa-bát của Chúa, thì sẽ đưa ra nhiều lý do, nhưng cái lý do chính: “Vì tôi đã phạm tội”; thì lại không nói đến. Con dân Chúa ngày nay còn tệ hơn là A-đam, bởi vì A-đam nói quanh nhưng không bẻ cong Lời Chúa để bào chữa cho sự phạm tội của mình. Chỉ một tội không vâng giữ ngày Sa-bát mà con dân Chúa đã có đến hơn mười cách bẻ cong Lời Chúa để chạy tội.

11 Ngài hỏi: Ai đã nói với ngươi là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã truyền lệnh rằng, ngươi không được ăn?

Câu hỏi của Thiên Chúa khiến cho A-đam phải đối diện với sự thật và phải nói thật cái lý do vì sao ông sợ và trốn Chúa. Câu hỏi của Chúa có thể được hiểu như sau: Đúng là ngươi trần truồng nhưng ai nói cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Chắc chắn là không có ai, mà là do ngươi tự nhận biết. Ngươi chỉ có thể tự nhận biết là ngươi trần truồng khi ngươi không vâng lời Ta mà ăn trái của cây mà Ta đã truyền lệnh cho ngươi không được ăn. Sự thật là như vậy! Có đúng không?

Khi chúng ta học về Sáng Thế Ký đoạn 2 thì đã có đề cập đến sự kiện loài người trần truồng nhưng không hổ thẹn. Chúng ta đã dựa vào Rô-ma 3:23 để hiểu rằng, khi loài người chưa phạm tội thì sự vinh quang của Đức Chúa Trời bao phủ họ, nên sự trần truồng của họ không bị lộ ra. Khi chúng ta học về trang phục mịn, sạch, và trắng của Hội Thánh trong Khải Huyền 19:7-8 thì chúng ta hiểu rằng, đó là sự vinh quang Chúa ban cho mỗi con dân Chúa, tùy theo sự họ hầu việc Ngài đang khi họ còn sống trong thân thể xác thịt này:

“Chúng ta hãy vui vẻ, mừng rỡ, và dâng sự tôn kính lên Ngài, vì hôn lễ của Chiên Con đã tới. Vợ của Ngài, chính người đã sẵn sàng. Người đã được ban cho để mặc lấy trang phục mịn, sạch, và trắng. Vì trang phục mịn là những việc làm công chính của những thánh đồ.”

Chính sự phạm tội của A-đam và Ê-va đã khiến cho họ mất đi sự vinh quang của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mặc lấy cho họ.

Chúng ta hãy nghĩ đến việc A-đam và Ê-va được dựng nên thật rất tốt lành theo hình Thiên Chúa, theo tượng Thiên Chúa. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời bao phủ thân thể xác thịt của họ nên họ không cần quần áo làm bằng vật chất để che thân. Nói cách khác, họ được mặc áo sáng láng tinh sạch do Đức Chúa Trời ban cho. Rồi chúng ta so sánh với việc mỗi chúng ta là con dân Chúa, được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ (II Cô-rinh-tô 5:17), “là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật” (Ê-phê-sô 4:24); cùng với sự vinh quang mà Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho phần thân thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần (Giăng 17:22), để chúng ta có thể vững lòng đến gần Ngai Ân Điển mà thờ phượng Đức Chúa Trời và dâng mọi lời cầu xin (Hê-bơ-rơ 4:16).

Hãy nghĩ xem, nếu chỉ bởi một hành động không vâng lời Chúa làm một điều Chúa cấm, là ăn trái của một loại cây Chúa không cho ăn, mà A-đam và Ê-va phải gánh hậu quả như vậy. Thì ngày nay, nếu chúng ta không vâng lời Chúa mà làm bất cứ một điều gì Chúa cấm hay không làm bất cứ một điều Chúa bảo làm, thì chúng ta sẽ gánh lấy hậu quả như thế nào?

Chúa là Đấng Thương Xót và Ngài thật có ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh thời gian và cơ hội để ăn năn; vì thế mà Ngài sai bảo Sứ Đồ Giăng viết thư gửi cho các Hội Thánh. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, mỗi một sự phạm tội của chúng ta sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến phần thưởng và địa vị của chúng ta trong cõi đời đời. Tôi dựa vào Lời Chúa được ghi chép trong Ê-xê-chi-ên 33:13 để mạnh mẽ nói rằng: Là con dân Chúa, chúng ta sống và hầu việc Chúa. Chúa ban thưởng cho chúng ta tùy theo mỗi sự công chính chúng ta làm ra. Sự ban thưởng ấy, chính là trang phục mịn được nói đến trong Khải Huyền 19:7-8, tức là sự vinh quang đời đời cho thân thể xác thịt đã được biến hóa của chúng ta. Nhưng mỗi khi chúng ta không vâng lời Chúa trong bất cứ một điều gì, thì chúng ta phạm tội. Và nếu đã phạm tội mà không ăn năn thì chúng ta chắc chắn sẽ chết. Còn nếu chúng ta ăn năn, thì chúng ta được Chúa tha tội, nhưng mọi việc công chính mà chúng ta đã làm trước đó đều sẽ không được nhớ lại.

“Dù mà Ta có nói với người công chính rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công chính mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công chính nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm.” (Ê-xê-chi-ên 33:13).

Chính vì thế, mà sự vinh quang của mỗi người trong thiên đàng sẽ khác nhau như sự vinh quang của các ngôi sao trên trời khác nhau:

“Sự vinh quang của mặt trời khác. Sự vinh quang của mặt trăng khác. Sự vinh quang của những ngôi sao khác. Vì ngôi sao này khác ngôi sao kia trong sự vinh quang.” (I Cô-rinh-tô 15:41).

Quý ông bà anh chị em ơi! Hãy cùng nhau chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ, để rồi một ngày không bao lâu nữa, chúng ta sẽ cùng nhau chiếu sáng vinh quang trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời cho đến đời đời.

12 Loài người thưa: Người nữ mà Ngài đã ban cho để ở với tôi, đã cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn.

Khi A-đam bị Chúa buộc ông phải đối diện với sự thật, đó là, ông đã không vâng lời Chúa, ông đã ăn trái của cây mà Chúa truyền lệnh không được ăn, thì thay vì thành khẩn nhận tội, ông lại tiếp tục bào chữa. Lần này, ông đổ thừa trực tiếp cho vợ mình và đổ thừa gián tiếp cho Chúa. Câu nói của A-đam hàm ý:

  • Người nữ đã cho tôi trái cây đó, và tôi đã ăn. Như vậy, lỗi tại người nữ!
  • Nhưng, Chúa ơi! Chính Chúa là người đã ban cho tôi người nữ đó để ở với tôi. Nếu Chúa không ban người nữ đó cho tôi thì tôi đã không phạm tội này. Vậy, Chúa có phần trách nhiệm trong sự tôi phạm tội.

Điều đáng buồn là ngày nay, có biết bao nhiêu người là con dân của Chúa, sau khi phạm tội cũng đổ thừa cho người khác và đổ thừa cho Chúa, thay vì thẳng thắn nhận tội. Có người còn dám cho rằng vì tin Thiên Chúa Ba Ngôi mà cứ phạm tội tà dâm! Sự phạm thượng này lớn biết dường nào!

Chúa không nói gì với A-đam sau lời nhận tội mà lại tự bào chữa của ông. Ngài biết ông sợ nên tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của kẻ có tội. Ngài để cho lương tâm ông sẽ lên tiếng cáo trách ông. Ngài quay sang hỏi tội Ê-va.

13 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán hỏi người nữ: Ngươi đã làm điều gì đây? Người nữ thưa: Con rắn đã gạt tôi và tôi đã ăn.

Không phải Chúa không biết là Ê-va đã làm điều gì, nên hỏi bà: “Ngươi đã làm điều gì đây?” Câu hỏi của Chúa như là một tiếng than! Câu hỏi đó hàm ý:

  1. Ngươi đã làm công việc giữ vườn như thế nào?
  2. Ngươi đã làm công việc quản trị muôn vật trên đất như thế nào?
  3. Ngươi đã giúp đỡ chồng ngươi như thế nào?
  4. Ngươi đã sử dụng quyền tự do lựa chọn Ta ban cho ngươi như thế nào?
  5. Ngươi có biết là điều ngươi làm đã mang sự chết vào trong thế gian?
  6. Ngươi có biết điều ngươi làm đã khiến cho Ta đau buồn đến mức nào?

Câu trả lời của Ê-va cũng là một lời bào chữa: “Con rắn đã gạt tôi và tôi đã ăn”. Ê-va trực tiếp đổ thừa cho con rắn mà cũng là gián tiếp đổ thừa cho Chúa. Câu nói của Ê-va hàm ý:

  • Tại con rắn nói dối gạt tôi, nên tôi mới ăn. Như vậy, lỗi tại con rắn.
  • Nhưng thưa Chúa! Chính Ngài là Đấng đã dựng nên con rắn. Nếu Chúa không dựng nên con rắn quá khôn khéo như vậy thì tôi đã không bị gạt! Vậy, Chúa cũng có phần trách nhiệm trong sự phạm tội của tôi.

Lời bào chữa của Ê-va cũng tương tự như lời bào chữa của A-đam: Trốn trách nhiệm, đổ thừa cho người khác, cho hoàn cảnh, thậm chí đổ trách nhiệm cho Chúa. Kính mời quý con dân Chúa nghe phần âm thanh của bài giảng này để hiểu rõ ý nghĩa của lời bào chữa: “Tôi phạm tội vì tôi yếu đuối!” Bài số 900110_SangTheKy_3_8-13 trong loạt bài giảng Chú Giải Sáng Thế Ký: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/03/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.