Chú Giải Sáng Thế Ký 03:14-19 Hình Phạt Đương Nhiên của Sự Không Vâng Phục Thiên Chúa

4,841 views


YouTube: https://youtu.be/Jk3vGEN-UgS

900111 Chú Giải Sáng Thế Ký 3:14-19
Hình Phạt Đương Nhiên của Sự Không Vâng Phục Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 3:14-19

14 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán với con rắn: Vì ngươi đã làm điều như vậy, ngươi bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, ngươi sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn những ngày của đời sống ngươi.

15 Ta sẽ đặt sự nghịch thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ làm tổn thương gót chân người. [Chữ người trong câu này chỉ về một người sẽ ra từ dòng dõi người nữ, tức là Đức Chúa Jesus.]

16 Ngài phán với người nữ: Ta sẽ thêm nhiều sự cực khổ trong cơn thai nghén của ngươi; ngươi sẽ chịu đau đớn trong khi sinh con; sự ham muốn của ngươi phải hướng về chồng ngươi, và chồng sẽ cai trị ngươi.

17 Ngài lại phán với A-đam: Vì ngươi đã nghe theo lời vợ ngươi mà ăn trái cây Ta đã truyền lệnh rằng, ngươi chớ ăn nó! Vậy, đất bị rủa sả vì ngươi; trọn những ngày của đời ngươi, ngươi sẽ khó nhọc mà ăn từ nó.

18 Đất sẽ sinh gai góc và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng.

19 Trong mồ hôi của mặt ngươi, ngươi sẽ ăn bánh, cho đến khi ngươi sẽ trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi.

Trong mấy câu ngắn ngủi trên, đã nói lên một thực tế rất phũ phàng là: Trước khi Chúa hình phạt chúng ta hay trước khi một bậc có thẩm quyền nào hình phạt chúng ta khi chúng ta phạm tội, thì chúng ta phải gánh lấy hậu quả đương nhiên của sự phạm tội của mình. Chúng ta biết rằng có nhiều hình thức phạm tội và sự phạm tội cũng có nhiều mức độ khác nhau. Vậy tội lỗi là gì?

Dựa trên những điều chúng ta đã học trong sách Sáng Thế Ký, là sách ghi lại nguồn gốc của tất cả muôn loài vạn vật ở trong đất và nguồn gốc của tất cả mọi sự sẽ xảy ra ở trong thế gian, thì chúng ta biết rằng tội lỗi chính là sự không vâng phục Thiên Chúa. Ngay từ buổi đầu sáng thế, Thiên Chúa đã nói cho loài người biết rất rõ hậu quả của sự không vâng phục Thiên Chúa, của tội lỗi là sự chết. Nghĩa là sự không vâng phục Thiên Chúa, sự phạm tội dẫn đến sự chết, mà “chết” là gì?

Chết là sự cắt đứt mối liên kết với nguồn của sự sống, mà nguồn của sự sống chính là Thiên Chúa. Điều đó giống như một bóng đèn điện bị cắt nguồn điện, thợ lặn bị cắt đứt ống tiếp dưỡng khí. Sự chết không phải là sự không còn tồn tại, mà vẫn tồn tại nhưng ở bên ngoài tình yêu của Thiên Chúa. Cho đến giờ phút này đây, phần lớn loài người chúng ta đều hiểu rằng: Chết là sự gì đó xảy ra khi chúng ta nhìn thấy một thân thể của loài người hay của loài vật mà trước đó vẫn sống động, nhưng vì một lý do nào đó đã làm cho thân thể nằm yên bất động và tan rã trở về với bụi đất. Qua đó, chúng ta hiểu “chết” ở đây có nghĩa là không còn sống động và cũng không biết sự sống đó đi về đâu. Chỉ biết rằng thân thể đó trước đó sống động thì giờ không còn nữa.

Một số người cho rằng chết là hết. Thực tế không phải như vậy, chết mà chúng ta thấy đó chẳng qua là sự phân rẽ giữa sự sống với thân thể xác thịt mà trước đó sự sống đã ở trong đó, đã thể hiện qua đó.

Dựa theo lời của Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta biết rằng: Đối với loài người, sự chết của thân thể xác thịt này chỉ là tạm thời cho đến ngày phán xét chung cuộc. Sự chết của thân thể xác thịt là điều xảy ra cho mỗi một người. Riêng đối với con dân của Chúa trong Hội Thánh, đặc biệt là khi chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của lịch sử loài người (lịch sử tự do, tự trị), rất có thể chúng ta không phải trải qua sự chết vì Chúa sẽ đến, Chúa sẽ đem chúng ta ra khỏi thế gian khi chúng ta đang sống ở trong thân thể xác thịt này. Nhưng từ xưa đến nay, loài người đều trải qua sự chết, và sự chết của thân thể xác thịt chỉ là tạm thời, là lúc linh hồn cùng với tâm thần ra khỏi thân thể xác thịt. Dĩ nhiên, nguyên nhân tạo ra sự chết thể xác, theo quan sát thì chúng ta biết rằng, do bệnh tật hoặc do già yếu, cũng có thể do tai nạn hoặc bị người khác giết chết. Nhưng tất cả những điều đó không phải là nguồn gốc chính khiến cho chúng ta bị chết, mà nguồn gốc chính là bởi chúng ta không có năng lực để tiếp tục sống, nghĩa là chúng ta đã bị cắt đi mối liên kết với nguồn của sự sống.

Cái chết xác thịt hiện nay là sự kiện thân thể tan rã trở về với bụi đất, nhưng nó chỉ tạm thời. Bởi vì một ngày kia từ trong bụi đất, thân thể sẽ sống lại để kết hợp với linh hồn của chúng ta khi được thả ra từ âm phủ, rồi chúng ta phải chịu phán xét về mỗi một tội lỗi mình đã làm ra. Sau đó thì chúng ta đi vào trong sự chết đời đời, tức là bị phân rẽ đời đời với Thiên Chúa. Nói chung hiện nay chúng ta chỉ bị phân rẽ một cách tạm thời với Thiên Chúa vì cớ tội lỗi của chúng ta. Nhưng nếu không có sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, hoặc đã có sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho mà chúng ta không tiếp nhận, thì một ngày kia, chúng ta phải đối diện với sự chết đời đời.

Sự chết trong Thánh Kinh lúc nào cũng có nghĩa là phân rẽ, chứ không có nghĩa là hoàn toàn biến mất, không còn gì nữa. Vì thế, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta sẽ còn lại cho đến đời đời, nhưng chúng ta còn lại trong sự sống hay còn lại trong sự chết.

  • Còn lại trong sự sống tức là chúng ta được kết nối với Thiên Chúa, với nguồn của sự sống.
  • Còn lại trong sự chết thì chúng ta vẫn tồn tại nhưng bị cắt đứt sự liên kết với Thiên Chúa, cắt đứt sự liên kết với sự sống, nghĩa là chúng ta tồn tại trong sự tối tăm, đau khổ, buồn thảm, cay đắng.

Tất cả những điều đó sẽ xảy ra trong tương lai. Sự chết đời đời đó sẽ xảy ra trong tương lai. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thân thể xác thịt này, chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Lựa chọn để phải chết đời đời hay lựa chọn để sống đời đời. Cảm tạ Chúa! Dù chúng ta được sinh ra, bị sinh ra ở trong tội lỗi, ở trong bản chất phạm tội, nhưng Ngài đã đến và đã cứu chúng ta ra khỏi điều đó. Chúng ta hình dung như sau: Nhìn vào tòa nhà bị cháy, lửa bao phủ bốn bề, người ở trong thì không thể tự mình thoát ra ngoài được bởi vì không thể băng qua biển lửa. Thế rồi, có những người lính cứu hỏa, họ mang những bộ áo giáp chống lửa và bình dưỡng khí. Chính bản thân họ được bảo vệ để họ có thể băng qua lửa, và họ mang những bộ áo giáp chống lửa và bình dưỡng khí vào trong tòa nhà đang cháy để trao cho những người đang bị kẹt trong tòa nhà đang bị cháy đó. Vậy thì ai tin, ai nhận và ai làm theo những hướng dẫn của người lính cứu hỏa mà mặc bộ bảo hộ chữa lửa và mang bình dưỡng khí cùng đi theo họ thì được cứu. Ai không tin, không nhận hoặc tin nhưng không làm theo thì sẽ bị chết trong biển lửa đó. Hoặc là tin nhận, nghe, làm theo nhưng làm theo không chính xác thì cũng sẽ bị hủy diệt khi băng qua biển lửa. Vấn đề là phải hoàn toàn tin cậy, làm theo đúng chỉ thị và đi theo những người lính cứu hỏa để thoát khỏi sự chết đó.

Chúng ta đang sống trong thế giới tội lỗi. Một ngày kia, khi đúc kết thế gian này sẽ xảy ra đúng như lời báo trước của Chúa. Điều đó đương nhiên phải xảy ra, vì Chúa là Đấng Công Chính, Ngài không thể để sự phạm tội của loài người tiếp tục tiếp diễn như vậy. Đến thời điểm, mọi sự phải được đúc kết để tỏ ra sự yêu thương, sự thánh khiết, sự công chính của Thiên Chúa. Vì thế, khi chúng ta nhìn vào kho tàng văn hóa của loài người, chúng ta thấy có biết bao nhiêu sách vở tài liệu, biết bao nhiêu tôn giáo mà không có một tác phẩm nào, tư tưởng triết học nào, không có sự dạy dỗ của tôn giáo nào có thể rõ ràng và đầy đủ, chính xác như là lời của Chúa trong Thánh Kinh. Vì vậy, tất cả những gì ghi chép trong Thánh Kinh là đủ và cần thiết cho loài người chúng ta.

Có ba giai đoạn xảy ra cho những kẻ không vâng phục Thiên Chúa, đó là ba giai đoạn hình phạt:

  • Giai đoạn 1: Hình phạt đương nhiên. Tức là hễ chúng ta vi phạm cấm lệnh, vi phạm luật lệ của Ngài, thì chúng ta đương nhiên gánh lấy sự đau khổ cũng như sự chết của thể xác và tạm thời bị ngăn cách khỏi Thiên Chúa, mất đi địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Điều đó đương nhiên xảy ra giống như chúng ta đưa tay vào lửa thì chúng ta bị cháy, bị bỏng, bị đau thậm chí là bị chết. Hay là chúng ta đứng trên tầng lầu cao nhảy xuống đường phố, chắc chắn tai nạn sẽ xảy ra, chúng ta sẽ bị thương tật hoặc bị chết tùy theo độ cao của tòa nhà. Đó là điều đương nhiên sẽ xảy ra khi chúng ta chọn làm sai, làm ngược lại định luật của Thiên Chúa.
  • Giai đoạn 2: Hình phạt tạm thời theo luật pháp. Luật pháp của loài người lẫn luật pháp của Thiên Chúa. Ví dụ: Ngày hôm nay chúng ta giết người vô cớ, trước hết chúng ta bị luật pháp của loài người chế tài. Chúng ta sẽ bị bắt, bị ra tòa và có thể bị tù chung thân hoặc tử hình. Đó là theo luật pháp của loài người và cùng một lúc chúng ta cũng bị hình phạt theo luật pháp của Thiên Chúa.
  • Giai đoạn 3: Hình phạt đời đời bởi chính Thiên Chúa. Tức là bị đau khổ, bị giam trong hồ lửa cho đến đời đời, cùng một lúc chúng ta bị ngăn cách khỏi Thiên Chúa.

Như trong II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9, Khải Huyền 20:14-15 nói đến hình phạt đời đời, là một nơi gọi là hồ lửa, là một nơi gọi là thế giới siêu nhiên mà Chúa định sẵn cho những người không vâng phục Ngài, với các thiên sứ không vâng phục Ngài. Ngày nay, chúng ta không biết nhiều đến nơi chốn đó (hồ lửa, hỏa ngục). Chúng ta chỉ biết đó là nơi siêu nhiên bởi vì khi trời cũ, đất cũ qua đi thì hỏa ngục vẫn còn đó. Chúng ta nhớ rằng, ngay cuối bảy năm đại nạn thì Tiên Tri Giả và AntiChrist sẽ bị ném vào hồ lửa, rồi sau một nghìn năm bình an, Sa-tan cũng bị ném vào hồ lửa. Sau đó trời cũ, đất cũ qua đi thì sự phán xét chung cuộc xảy ra, hồ lửa vẫn còn đó. Như vậy, hồ lửa là một nơi thuộc linh, nằm ngoài thế giới vật chất của các tầng trời và đất mà chúng ta biết ngày hôm nay. Một ngày kia ở trong vương quốc của Chúa, chúng ta là những người được cứu, chúng ta sẽ hiểu biết rõ ràng về hỏa ngục, chẳng những về hỏa ngục mà còn về sự khác. Nhất là về cõi đời đời, Vương Quốc Đời Đời, về thiên đàng. Chúng ta sẽ được hiểu biết rất đầy trọn.

Hôm nay, chúng ta học trong sách Sáng Thế Ký 3:14-19 để biết hình phạt đương nhiên của sự A-đam và Ê-va không vâng phục Thiên Chúa, và chúng ta cũng học đến hình phạt tạm thời theo luật pháp của Thiên Chúa đối với con rắn. Nhưng ở đây, chúng ta thấy chưa nói đến hình phạt đời đời, vì chưa đến ngày phán xét thì chưa có hình phạt dành cho các tội nhân. Và chúng ta thấy rằng: Sự phán xét của Thiên Chúa đối với tội lỗi đầu tiên trong thế gian, của loài người đã bắt đầu với kẻ cám dỗ là con rắn; mà chúng ta biết rằng, đằng sau con rắn chính là Sa-tan. Kế tiếp, là sự phán xét người cố ý phạm tội là bà Ê-va, sau cùng là sự phán xét người phạm tội theo là A-đam. Chúng ta biết A-đam là người không cố tình ham muốn tội lỗi, ham muốn làm nên tội lỗi nhưng vì nghe theo vợ mà phạm tội.

Chúng ta lần lượt đi qua các câu Thánh Kinh trong Sáng Thế Ký 3:14-19.

14 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán với con rắn: Vì ngươi đã làm điều như vậy, ngươi bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, ngươi sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn những ngày của đời sống ngươi.

Đây là một hình phạt mà Chúa định ra cho con rắn. Từ ngữ “rủa sả” có nghĩa là bị Thiên Chúa, đồng loại xa lánh, ghê tởm, là hoàn toàn mất đi các ơn phước từ Thiên Chúa. Chúng ta nhớ con rắn cũng là loài thọ tạo, đã là loài thọ tạo trong thế giới của Thiên Chúa thì Ngài cũng ban phước cho nó như các loài thọ tạo khác. Nhưng vì cớ nó làm ra điều cám dỗ loài người phạm tội, nên nó bị rủa sả, bị mất đi các ơn phước từ Thiên Chúa. Không những mất đi ơn phước từ Thiên Chúa mà còn gánh lấy tất cả những gì tủi nhục, thấp hèn. Và “rủa sả” ở đây là bị chính Thiên Chúa rủa sả, tức bị Thiên Chúa bỏ mặc. Dĩ nhiên, ngoài sự Chúa ban chung cho muôn loài vạn vật như không khí để các loài có sự sống có thể thở được, thì quan trọng là khi bị rủa sả thì Ngài không còn làm ơn, không còn ban phước, không còn có cơ hội được nhận sự thương xót từ nơi Ngài. Vì thế chúng ta thấy sự rủa sả rất nặng nề. Sự rủa sả chỉ nên để thuộc về Thiên Chúa. Vì chỉ có Ngài mới biết được mọi sự để rủa sả. Chúng ta là loài người thì không nên. Chúng ta thấy một số giáo hội thuộc về Ân Tứ và Ngũ Tuần, nói tiếng lạ, họ hay nhân danh Chúa rủa sả tà linh, rủa sả ma quỷ. Điều đó là sự hiểu lầm Lời Chúa. Không có chỗ nào trong Thánh Kinh Chúa dạy cho chúng ta nhân danh Chúa rủa sả một loài nào. Chúa chỉ dạy chúng ta nhân danh Chúa để kêu cầu sự giải cứu, nhân danh Chúa để xua đuổi ma quỷ, chứ Chúa không dạy chúng ta nhân danh Chúa để rủa sả bất cứ loài thọ tạo nào.

Rồi Chúa phán rằng: “ngươi sẽ bò bằng bụng”. Chúng ta khó mà hình dung ra con rắn, con trăn lớn ngày hôm nay lại có chân. Vì chúng ta đang quen thuộc với hình ảnh một con rắn hay một con trăn không có chân. Nhưng qua lời phán của Thiên Chúa thì rõ ràng rằng: Trước đây con rắn có chân và bò bằng chân, nhưng vì sự rủa sả của Thiên Chúa thì nó không còn chân nữa mà phải bò, trườn bằng bụng.

Một số các nhà sinh vật học họ sẽ cười lên và nói rằng: Thân thể của con rắn, cấu trúc bộ xương của nó là để giúp nó trườn bò như vậy, chứ không thể trước đó nó có chân. Dĩ nhiên theo cái nhìn của loài người, thì dường như loài rắn được tạo ra không có chân và nó bò nhanh nhẹn. Có rất nhiều điều chúng ta có thể quan sát và chúng ta có thể dùng nhiều tiêu chuẩn phân tích, đo lường theo khoa học; nhưng trong việc Thiên Chúa làm, chúng ta không thể dùng khoa học của loài người để lý luận, định lượng.

Giả sử ngày hôm nay, các nhà khoa học nào đó có mặt ở thời điểm ông A-đam và bà Ê-va xuất hiện, thì họ sẽ rất ngạc nhiên vì họ không thấy được ông A-đam và bà Ê-va có lỗ rốn như chúng ta. Chúng ta biết lỗ rốn là cái sẹo, khi được sinh ra thì những người phụ trách sẽ cắt đi ống nhau, tức là phần dẫn từ nơi bụng của chúng ta vào tử cung của người mẹ để truyền không khí, máu, chất bổ dưỡng của người mẹ qua chúng ta. Bởi vì chúng ta được sinh ra, nên mỗi một người đều có nhau và được cắt nhau, vết cắt đó trở thành cái sẹo. Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều có nhưng ông A-đam và bà Ê-va thì không có lỗ rốn. Nhưng nguyên thủy, nguồn gốc loài người của chúng ta thì khoa học nói như thế nào về việc ông A-đam và bà Ê-va không có lỗ rốn? Nếu khoa học không thể giải thích được vì sao ông A-đam và bà Ê-va không có lỗ rốn thì khoa học cũng không thể giải thích được vì sao trước đây loài rắn có chân. Ngày hôm nay, dường như loài rắn được tạo nên là loài rắn không có chân, được Thiên Chúa dựng nên không có chân. Bởi vậy, một trong những điều chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ là phải tiếp nhận Lời Chúa là lẽ thật hoàn toàn. Tất cả những gì chúng ta tìm biết, nhìn thấy, kinh nghiệm được ngày hôm nay, thì đã hoàn toàn khác xa với điều đã xảy ra ban đầu, khi Chúa mới tạo ra muôn loài vạn vật.

Vì vậy chúng ta chỉ cần tin nhận, nếu những gì Thánh Kinh viết mà có vẻ nghịch lại những gì khoa học nói, thì chúng ta vẫn chọn tin những gì Thánh Kinh viết hơn là khoa học nói. Bởi vì, Thánh Kinh là lẽ thật, còn khoa học chỉ là trên tiến trình tìm hiểu lẽ thật, chưa tuyệt đối. Với cá nhân tôi, tôi tin ban đầu loài rắn có chân. Cũng giống như bài học trước, ban đầu giữa loài người và loài thú vật có thể có mối tương giao với nhau qua sự hiểu biết ngôn ngữ của nhau. Rất có thể, lúc ban đầu tất cả các loài thú vật có thể nói được tiếng người. Dĩ nhiên những điều đó vượt ra ngoài Thánh Kinh bày tỏ, chúng ta có thể suy ngẫm nhưng chúng ta không thể biến nó thành giáo lý, không quả quyết rằng phải là như vậy, phải là các loài thú có thể nói chuyện với chúng ta.

Về câu: “Ăn bụi đất trọn đời sống ngươi”. Đây là một thành ngữ cổ của người Do-thái. Khi người Do-thái nói rằng một người nào đó ăn bụi đất trọn đời, tức là nói người đó bị hạ nhục, bị đặt vào trong địa vị thấp hèn nhất trong muôn loài. Đây không có nghĩa là nói con rắn sống bằng bụi đất. Một số nhà sinh vật học cho rằng Thánh Kinh vô lý, rắn ăn các loài động vật khác chứ đâu có ăn bụi đất, rắn không có ăn bụi đất, nói con trùng đất ăn bụi đất thì hợp lý.

Rồi, lại có một số nhà Thần học thì diễn tả rằng: Rắn ăn bụi đất, tức rắn ăn thịt của loài người vì loài người ra từ bụi đất. Nhưng như vậy thì vô lý, vì không phải chỉ có mỗi loài người chúng ta được làm ra từ bụi đất, mà tất cả các loài thú cũng được làm ra từ bụi đất, bản thân con rắn cũng được làm ra từ bụi đất. Vì vậy không thể giải thích về thuộc linh như vậy. Không thể nào dùng từ bụi đất ở đây để chỉ loài người được, nó chỉ là thành ngữ, như một cách nói rằng: Con vật ăn bụi đất trọn đời tức là con vật đó bị hạ nhục, bị xem thường, đê hèn nhất trong muôn loài.

Tới đây ta thấy rằng, đằng sau con rắn là Sa-tan, nhưng mà tất cả những lời Thiên Chúa phán với con rắn ở đây chỉ là nói về hình phạt con rắn mà không thấy nói đến hình phạt Sa-tan. Nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau lời Thiên Chúa phán trực tiếp thì có thể áp dụng kể từ khi Sa-tan sa ngã lần thứ hai này.

  • Lần thứ nhất là chống nghịch Thiên Chúa và đã bị đuổi ra khỏi thiên đàng.
  • Lần thứ hai thì xâm phạm vào loài người chúng ta, cám dỗ loài người chúng ta phạm tội.

Qua lần sa ngã thứ hai này, Sa-tan trở thành thấp hèn nhất trong tất cả các loài thọ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên, trở nên đê tiện nhất, hèn hạ nhất.

Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của câu 14 về những lời phán của Chúa: “ăn bụi đất trọn những ngày của đời sống ngươi”, là nói đến sự rủa sả Chúa dành cho chính bản thân của Sa-tan. Chúng ta cũng đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao con rắn lại để cho Sa-tan sử dụng mình như vậy? Trong bài học của hai tuần trước chúng ta cũng thấy rằng: Có lẽ con rắn là con vật khôn ngoan nhất trong các loài thú đồng và chính bản thân nó trở nên kiêu ngạo và nó được Sa-tan, cũng là loài thọ tạo là thiên sứ vô cùng kiêu ngạo, hai sự kiêu ngạo gặp nhau. Một thiên sứ kiêu ngạo phạm tội biến thành tà linh cùng với một con rắn kiêu ngạo gặp nhau, cùng làm việc với nhau để phô trương sự kiêu ngạo của mình. Vì thế, con rắn cũng phải gánh lấy hậu quả của sự tự do lựa chọn của mình. Chính vì thế hình phạt dành cho con rắn rất xứng đáng, rất đúng; vì con rắn tự nó chọn để cho Sa-tan dùng nó, tự nó phục vụ cho âm mưu của Sa-tan.

Qua đó chúng ta cũng thấy rằng, ngay trong buổi ban đầu thì mỗi loài súc vật, thú đồng cũng có quyền tự do lựa chọn. Chúng nó có thể tự do lựa chọn vâng phục loài người, ở dưới quyền cai trị của loài người; nhưng chúng nó cũng có thể lựa chọn để chống nghịch lại loài người, vì Chúa ban cho loài người quyền cai trị các loài đó. Giả sử loài người không phạm tội, không bị mất ơn phước trước mặt Chúa, thì loài người có thể dùng toàn quyền Chúa ban cho mình để cai trị, trừng phạt tất cả các loài thọ tạo nào không vâng phục loài người. Nhưng tiếc thay, ở đây chính loài người lại đi nghe theo sự cám dỗ của một con vật dưới quyền cai trị của mình, để rồi trở thành tội nhân trước mặt của Chúa.

15 Ta sẽ đặt sự nghịch thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ làm tổn thương gót chân người. [Chữ người trong câu này chỉ về một người sẽ ra từ dòng dõi người nữ, tức là Đức Chúa Jesus.]

Ở đây chúng ta thấy, chính Thiên Chúa là Đấng tác động để khiến con rắn và người nữ (tức bà Ê-va) thù nghịch nhau. Và điều đương nhiên sẽ xảy ra khi một người nào đó xúi giục khiến cho một người phạm tội, khi tội lỗi bị phơi bày thì hình phạt được thi hành, thì đương nhiên người bị cám dỗ sẽ thù ghét người đã cám dỗ mình và sự việc cám dỗ mình. Và sự thù nghịch này là sự thù nghịch còn lại mãi mãi, không phải chỉ riêng thời điểm bà Ê-va còn sống, mà kéo dài cho tới cả dòng dõi của bà Ê-va nữa. Chúng ta nên nhớ một điều, loài người được tiếp nối là bởi quan hệ giữa người nam và người nữ, dòng dõi loài người là ra từ A-đam. A-đam được Chúa dựng nên đầu tiên rồi Ê-va được Chúa dựng nên bởi thân thể của A-đam, bởi sự kết hợp của A-đam và Ê-va với nhau mà tiếp tục lưu truyền dòng dõi của loài người. Như vậy sau A-đam và Ê-va, từ người thứ ba là Ca-in trở đi, trở đi mãi cho đến khi Chúa đúc kết. Đến một thời điểm nào đó thì có thể Chúa đúc kết việc sinh sôi nảy nở của loài người chúng ta, thì mỗi một người được sinh ra vẫn được gọi là dòng dõi của A-đam. Và như vậy, dòng dõi của loài người là ra từ người nam. Ở đây có thể hiểu rằng: Chúng ta đã học qua, bàn luận qua, chúng ta biết con người xác thịt của chúng ta, phần thân thể xác thịt của chúng ta đều mang sắc tố của người cha và người mẹ. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Sự sống, linh hồn, bản ngã của chúng ta ra từ đâu? Qua điều bày tỏ của Thánh Kinh, chúng ta có thể hiểu rằng: Sự sống, bản ngã, linh hồn của chúng ta được lưu truyền từ A-đam. Bởi Thánh Kinh cho biết, vì A-đam phạm tội, mang sự chết vào trong thế gian mà mọi người đều chết. Chúng ta được gọi là được sinh ra ở trong A-đam thứ nhất, cho đến khi chúng ta tiếp nhận sự được sinh ra trong A-đam sau cùng trong Đức Chúa Jesus, thì chúng ta mới có được sự sống lại và sự sống đời đời. Khi nói đến dòng dõi loài người thì phải biết di truyền từ nơi người cha. Nhưng ở đây nói đến dòng dõi người và dòng dõi người nữ, thì dòng dõi người nữ là điều khó hiểu suốt cả thời Cựu Ước. Bởi vì theo một cách tự nhiên ở trong sự hiểu biết của loài người, nhất là của dân tộc I-sơ-ra-ên thì người ta hiểu rằng dòng dõi loài người được sinh ra từ người nam, ra từ phía người cha, và như vậy rất khó để hiểu dòng dõi người nữ. Và điều đó cứ khó hiểu, cứ bị che giấu như vậy cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ được sinh ra bởi bà Ma-ri. Và khi Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi bà Ma-ri thì Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng, Ngài được sinh ra không phải bởi người cha xác thịt mà Ngài được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời đã làm ra một phép lạ để Ngài được thai dựng trong lòng của bà Ma-ri. Chúng ta biết, bà Ma-ri là trinh nữ, lại sinh ra một người con không có một người cha xác thịt. Như vậy, người con đó là thuộc về dòng dõi người nữ! Nhờ đó mà chúng ta hiểu rằng: “Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ làm tổn thương gót chân người” là nói đến sự kiện: Một người đã được sinh ra bởi dòng dõi người nữ mà sau này chúng ta biết đó là Đức Chúa Jesus. Và Đức Chúa Jesus sẽ giày đạp Sa-tan còn Sa-tan sẽ làm cho Ngài bị thương. Qua câu chuyện cuộc đời của Đức Chúa Jesus, chúng ta hiểu rằng quả thật Sa-tan có thể đem sự chết đến cho thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus. Nhưng rồi Ngài đã sống lại, chính là thân thể xác thịt bị hạ nhục, bị tra tấn, bị đánh đập, bị đóng đinh cho đến chết đó đã sống lại. Sự kiện Sa-tan đã làm ra cho con người xác thịt của Đức Chúa Jesus chẳng qua cũng giống như làm tổn thương gót chân Ngài mà thôi. Nhưng Ngài đã tiêu diệt thẩm quyền của Sa-tan nắm giữ trên loài người của chúng ta. Vì thế, hễ ai ở trong Ngài thì cũng có cái thẩm quyền giày đạp được quyền lực của Sa-tan; chẳng những thoát ra khỏi quyền lực của Sa-tan, mà còn đắc thắng được quyền lực của Sa-tan. Đó là ý nghĩa của sự giày đạp đầu của Sa-tan.

Trong câu 15 này chúng ta thấy rõ ràng rằng: Câu này có hình ảnh theo nghĩa đen. Loài người có thể đạp lên đầu của rắn và rắn có thể cắn gót chân người, nhưng câu này hoàn toàn hiểu theo ý nghĩa thuộc linh. Đó là, sẽ có một người được sinh ra bởi người nữ mà không bởi dòng giống của A-đam xác thịt, mà người đó sẽ tiêu diệt quyền lực của Sa-tan đã nắm giữ trên loài người phạm tội của chúng ta.

16 Ngài phán với người nữ: Ta sẽ thêm nhiều sự cực khổ trong cơn thai nghén của ngươi; ngươi sẽ chịu đau đớn trong khi sinh con; sự ham muốn của ngươi phải hướng về chồng ngươi, và chồng sẽ cai trị ngươi.

Câu này giúp chúng ta hiểu rằng: Trước khi tội lỗi vào thế gian thì không có đau khổ, không có sự chết. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng, nếu tội lỗi không vào trong thế gian, nếu ông A-đam và bà Ê-va không phạm tội, thì sự thai nghén và sự sinh con của người nữ sẽ không có sự cực khổ và sự đau đớn. Chúng ta thấy chính Chúa sẽ thêm nhiều cực khổ trong cơn thai nghén của người phụ nữ. Chỉ lúc mang thai thôi đã thấy sự cực khổ mà lẽ ra không có, nhưng vì sự phạm tội của bà Ê-va mà từ đó, tất cả con cháu của loài người được sinh ra làm người nữ, khi mang thai phải gánh chịu sự cực khổ như là nhức mỏi, nôn mửa, khó ăn khó ngủ… Tất cả những điều đó là điều được thêm vào sau khi loài người phạm tội. Và ở đây, một lần nữa đặt ra câu hỏi rằng: Nếu chúng ta kết luận rằng vì cớ có tội lỗi cho nên có sự đau khổ và có sự chết; như vậy, nếu không có tội lỗi thì loài người có biết đau hay không? Đây là câu hỏi rất thú vị, vì nếu chúng ta đau quá thì chúng ta phải kêu la than khóc. Ví dụ: Nếu tội lỗi không vào thế gian, nếu trước khi ông A-đam phạm tội thì A-đam và Ê-va có thể bị tai nạn hay không, bị gãy chân, gãy tay rồi đau đớn hay không? Dĩ nhiên, lúc đó chưa có gai thì chưa có gai đâm nhưng nếu bị tai nạn nào đó thì có sự đau đớn hay không? Tôi nghĩ rằng: Trong thế giới tuyệt vời của Thiên Chúa mà Ngài đã dựng nên cho loài người rất là tốt lành, cho nên sẽ không có tai nạn trong thế giới tuyệt vời ấy. Nghĩa là sau này trong Vương Quốc Đời Đời của Chúa cũng sẽ không có những tai nạn hay đau đớn. Nói cách khác, mặc dù Chúa ban cho chúng ta cả một hệ thống thần kinh rất tinh nhạy để có sự cảm xúc trên thân thể xác thịt của chúng ta. Và bên trong con người thuộc linh của chúng ta có cảm xúc về tình cảm đến nỗi chúng ta biết vui biết buồn, còn bên ngoài con người xác thịt này chúng ta có xúc giác để biết những sự êm dịu, những sự đau đớn. Nhưng tôi tin rằng trong thế giới không có tội lỗi thì chúng ta không kinh nghiệm được những sự đau đớn. Tôi nghĩ rằng: Có những sự bảo vệ lạ lùng của Thiên Chúa, nghĩa là ngay từ lúc ban đầu thì loài người của chúng ta đã không cần mặc quần áo. Ngày nay chúng ta biết, áo quần một phần giúp cho chúng ta khỏi sự lõa lồ khiến chúng ta hổ thẹn, một phần là để bảo vệ thân thể chúng ta. Lúc đầu chúng ta không cần quần áo để bảo vệ chúng ta. Bởi vì chúng tôi tin chắc rằng: Không có tội lỗi thì không có đau đớn, không có sợ hãi, không có sự chết thì đương nhiên không có phần thương tổn phần xác thịt của chúng ta. Nói cách khác, có thể hiểu như thế này: Vì một lý do nào đó sự vinh quang của Thiên Chúa bao phủ thân thể của chúng ta, khiến cho thân thể của chúng ta không tiếp xúc với điều gì có thể đem đến sự đau đớn cho chúng ta. Tôi không biết giải thích thế nào, nhưng tôi hiểu trong thế giới tuyệt hảo mà Thiên Chúa dựng nên cho chúng ta sẽ không có đau khổ, loài người lúc bấy giờ không có cảm giác biết đau, không biết đau cả thể xác bên ngoài lẫn cảm xúc bên trong. Câu hỏi đặt ra là: Nếu loài người không phạm tội thì sự thai nghén, sinh con, có phải là hoàn toàn sẽ không có sự cực khổ đau đớn nào nữa? Tôi tin như vậy, tôi tin hoàn toàn rất bình thường là giống như chúng ta ăn hay chúng ta uống thì không hề có sự cực khổ, đau đớn, và sự sinh con của người phụ nữ cũng vậy. Trong I Ti-mô-thê 2:15 theo Bản Dịch Truyền Thống là:

“Dầu vậy, nếu đờn bà lấy đức hạnh mà bền đỗ trong đức tin, trong sự yêu thương, và trong sự nên thánh, thì sẽ nhơn đẻ con mà được cứu rỗi.”

Đây là câu rất khó hiểu. Bởi vì, nhờ đẻ con mà được cứu rỗi thì hàm ý người đàn bà không cần tin Chúa để được cứu hay sao? Mà chỉ cần đẻ con thì được cứu hay sao? Nếu như vậy thì hầu hết các phụ nữ trên thế gian này đã được cứu rồi, bởi vì hầu hết các phụ nữ trên thế gian này đều đẻ con và đẻ rất nhiều lần. Nhưng khi chúng ta đọc lời của Chúa trong nguyên ngữ Thánh Kinh thì chúng ta sẽ thấy Bản Dịch Truyền Thống đã dịch sai. Câu đó phải dịch như này:

“Nhưng nàng sẽ được cứu đang khi mang thai, nếu họ tiếp tục ở lại trong đức tin, sự yêu thương, sự nên thánh, và sự tiết độ.”

Trong câu này, Sứ Đồ Phao-lô đang nói đến các phụ nữ ở trong Hội Thánh là những người phụ nữ đã được cứu rồi. Ngay trong câu 10 nói đến “những phụ nữ tuyên xưng lòng tin kính”, mà phụ nữ tuyên xưng lòng tin kính Chúa thì đã được cứu rồi. Như vậy, sự cứu mà chúng ta nói trong câu này, không phải là sự cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Vậy cứu ở đây là cứu gì? Là được cứu ra khỏi sự rủa sả, sự đau đớn, sự cực khổ trong cơn thai nghén và sinh nở. Chữ “cứu” trong nguyên ngữ Thánh Kinh có nhiều nghĩa khác nhau:

  • Thứ nhất là giữ cho được an toàn.
  • Thứ nhì là được giải thoát khỏi những sự phiền muộn, thiệt thòi, thiếu kém, bách hại, đau đớn, nguy hiểm, những sự hủy diệt.
  • Thứ ba là được chữa lành những thương tích, bệnh tật.
  • Thứ tư là được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi, hậu quả của tội lỗi và sự đoán phạt dành cho tội lỗi.

Vì chữ này có nhiều nghĩa nên chúng ta hiểu rằng, nghĩa thứ tư không được áp dụng ở đây. Cho nên, nghĩa của “cứu” được dùng trong I Ti-mô-thê 2:15 phải là: được giữ cho an toàn, được cứu khỏi sự phiền muộn, những sự thiệt thòi, thiếu kém, bách hại, đau đớn, nguy hiểm, hủy diệt và được chữa lành những thương tích, những bệnh tật trong khi sinh con.

Chữ “đang” ở câu 15 này nói đến trải qua một khoảng thời gian nào đó. Như vậy người sẽ được cứu đang khi mang thai, nghĩa là trong suốt thời gian mang thai thì người phụ nữ có lòng tin kính Chúa nếu tiếp tục ở trong đức tin, trong sự yêu thương, trong sự nên thánh, thì người đó sẽ được thoát ra khỏi sự đau đớn, sự phiền muộn. Đó là ý nghĩa của I Ti-mô-thê 2:15.

Như vậy chúng ta thấy rằng, mặc dù Chúa nói đến hình phạt dành cho người phụ nữ vì cớ người phụ nữ đã chọn nghịch lại Lời của Chúa; nhưng Ngài cũng ban cho loài người, người nữ, con cháu của bà Ê-va một phương cách để thoát ra khỏi hình phạt đó. Nghĩa là thật lòng ăn năn tội, tin nhận Chúa và sống thánh khiết theo Lời của Ngài thì rất nhiều phụ nữ sẽ được thoát ra khỏi những sự đau đớn, sự cực khổ trong khi thai nghén cũng như khi sinh đẻ.

Điều kế tiếp là: “sự ham muốn của ngươi phải hướng về chồng ngươi, và chồng sẽ cai trị ngươi”. Sự ham muốn ở đây được dùng với hình thức số ít. Như vậy, khi nói đến sự ham muốn ở trong hình thức số ít, là nói chung tất cả những gì ở trong lòng của một người, không phải chỉ riêng ham muốn tình dục như một số người giải thích rằng: Kể từ khi loài người phạm tội thì sự ham muốn tình dục của người nữ phải tùy thuộc nơi người chồng. Nó không phải chỉ riêng như vậy mà tất cả những gì người phụ nữ muốn, người vợ muốn thì phải có sự đồng ý của người chồng. Vì tiếp đó là câu: “chồng sẽ cai trị ngươi”. Nhưng thực tế trong cuộc sống của loài người ngày nay, phần lớn chúng ta lại thấy những ông chồng nghe theo lời của những bà vợ. Ngay từ thuở sáng thế, vì cớ người đàn ông nghe theo lời của vợ mà trở nên phạm tội giống như vợ, và Chúa đã thay vì để cho hai người bình quyền với nhau như lúc ban đầu, thì Chúa đặt để người đàn bà phải vâng phục người đàn ông, người chồng sẽ cai trị người vợ, những ý muốn của người vợ phải được sự chấp nhận của người chồng. Ngày nay chúng ta thấy không riêng gì đối với những người không tin nhận Chúa mà đối với những con dân Chúa, những ông chồng để cho các bà vợ cai trị ngược lại mình. Tức là những ý muốn của người chồng phải được sự đồng ý của người vợ. Khi chúng ta làm sai Lời Chúa thì chúng ta gánh lấy những hậu quả. 

Đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện trong một hội đồng trong một giáo hội tại Mỹ. (Các giáo hội tại Mỹ, mỗi năm họ tổ chức một kỳ, gọi là hội đồng thường niên. Trong hội đồng thường niên, họ sẽ bầu ra ban chấp hành của giáo hội đó, cũng như họ có những buổi bồi linh cho các giới chức ở trong giáo hội của họ, gọi là các mục sư truyền đạo.) Trong buổi đó, hội đồng của một giáo phái có quyền biểu quyết đưa ra bầu cử những người vào trong ban chấp hành của giáo phái. Đây chỉ là sự cho phép những người là mục sư hay truyền đạo trong giáo phái đó mà thôi. Bên cạnh đó có vợ của các mục sư truyền đạo cùng ngồi dự. Trước khi có sự bầu cử, biểu quyết, có sự thảo luận riêng để mọi người suy nghĩ cầu nguyện và bàn bạc với nhau, xem mình biểu quyết như thế nào và khi trở lại trong buổi biểu quyết thì được biểu quyết, được bỏ phiếu bằng cách đưa tay; có một ông mục sư đã đưa tay lên để đồng ý với lời đưa ra của người dẫn chương trình, lập tức bà vợ kéo tay ông xuống, lớn tiếng nói: “Tôi đã nói với ông là không được đưa tay đồng ý rồi mà sao ông lại đưa tay lên đồng ý”. Đó là vợ của một ông mục sư. Điều đó xảy ra giữa một hội đồng thường niên của một giáo hội lớn như vậy. Chúng ta thấy rõ ràng trong đời sống gia đình của mục sư đó, người vợ đã cầm quyền trên ông, điều đó thể hiện ra ngay giữa công chúng như vậy. Ngày nay nếu tất cả những điều gì tương tự như vậy trong đời sống vợ chồng con dân Chúa, nếu người vợ cầm quyền trên gia đình thì đó là sự phạm tội, nghịch lại Lời Chúa và gia đình đó chắc chắn không có hạnh phúc. Sở dĩ Chúa đặt để sự ham muốn ưa thích của người vợ phải được sự chấp nhận, cho phép của người chồng, và người chồng cai trị người vợ, bởi vì ngay từ ban đầu Chúa không đặt ra sự phân quyền như vậy. Ngay từ buổi ban đầu, Chúa đã truyền lệnh cho đàn ông và đàn bà, cả người chồng và người vợ đều có quyền cai trị đất và có bổn phận làm cho đất đầy dẫy dòng dõi của loài người. Chúa không nói người nào cai trị người nào, cho đến khi loài người phạm tội thì Ngài mới đặt để người vợ dưới quyền của người chồng và chúng ta hiểu được điều đó qua:

17 Ngài lại phán với A-đam: Vì ngươi đã nghe theo lời vợ ngươi mà ăn trái cây Ta đã truyền lệnh rằng, ngươi chớ ăn nó! Vậy, đất bị rủa sả vì ngươi; trọn những ngày của đời ngươi, ngươi sẽ khó nhọc mà ăn từ nó.

Chúng ta thấy Lời Chúa xác định rõ ràng A-đam phạm tội là do nghe theo lời của vợ. Nói cách khác, từ bản thân của A-đam thì không có sự tự mình làm nghịch lại Lời Chúa, nhưng vì nghe theo lời vợ, làm nghịch lại Lời của Chúa, vì thế Chúa ban cho A-đam cơ hội đó là: Hãy thể hiện thẩm quyền Chúa đã đặt để cho ông. Chúa ban cho ông kể từ giây phút đó, ông phải cai trị bà và bà phải nghe lời và vâng lời ông. Vì nghe theo lời vợ mà không vâng phục Chúa mà đất bị rủa sả. Và như chúng ta đã học ở trên, chữ “rủa sả” là bị mất đi ơn phước của Chúa mà đất đã sinh ra gai góc và cây tật lê như ở câu 18.

18 Đất sẽ sinh gai góc và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng.

Nghĩa là sự rủa sả của đất khiến cho A-đam phải thật vất vả mới có các sản phẩm ra từ đất để nuôi sống bản thân và gia đình. Một số người nói rằng: Tôi không cần phải lao động vất vả, tôi không cần phải làm ruộng, tôi không cần phải canh tác đất để sống, ngày nay tôi có thể ngồi văn phòng làm việc thoải mái nhưng tôi vẫn có thể có cái để ăn. Khi chúng ta đọc Sáng Thế Ký 3:14-19, ta thấy Chúa dùng chữ người nữ chứ không gọi là Ê-va. Nhưng về người nam, Chúa lại gọi đích thân là A-đam, nên chúng ta có thể hiểu rằng, hình phạt Chúa đang nói đây là áp dụng cho bản thân của A-đam. Dĩ nhiên nó cũng có ảnh hưởng đến loài người của chúng ta. Tức là loài người ra từ A-đam vẫn phải khó nhọc để kiếm sống. Thực tế ngày nay chúng ta dù có kiếm sống bằng phương tiện nào, nghề nghiệp nào, theo sự phát triển của loài người, có nhiều người không còn sống trong ngành nông nghiệp nữa, nhưng vẫn có sự khó nhọc làm ăn để kiếm sống. Đến một lúc nào đó, sự sống của loài người lại tùy thuộc vào ngành nông nghiệp. Ngày hôm nay có những người còn nói, nếu làm nông thì tôi dùng máy cày, máy móc để làm. Nhưng ở đây là muốn nói sự vất vả, khó nhọc dù có dùng máy móc, khoa học, vẫn phải nỗ lực làm việc thì đất mới sinh sản hoa màu cho chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải tìm cách giải quyết những vấn đề những loại cây hoa, loại cây sinh ra gai góc, những loại cây sống rất mạnh và nó có thể ép chết tất cả các loại cây đem lại thực phẩm cho chúng ta, như cây tật lê chẳng hạn, loại cây này sinh sản nhanh chóng và có thể bóp chết mầm sống của các loại cây khác. Những thứ ở đây gọi là rau của đồng ruộng, đây là thời điểm loài người không ăn thịt, loài người chỉ ăn ngũ cốc, rau quả chứ không phải được ăn thịt.

19 Trong mồ hôi của mặt ngươi, ngươi sẽ ăn bánh, cho đến khi ngươi sẽ trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi.

Đây là tính chất loài người phải chịu lao động vất vả để kiếm sống và nuôi thân thể xác thịt của mình, ý nghĩa chung là vậy. Cho nên ngày nay, dù chúng ta có làm nghề gì đi nữa, thì chúng ta vẫn rất vất vả trong việc làm của chúng ta. Tất nhiên có một số người không vất vả, nhiều khi qua sự lừa gạt của họ, hoặc qua đầu tư của họ… mà trở nên giàu có, dư ăn dư mặc. Nhưng không phải Lời Chúa không có tác dụng gì với họ, họ không phải làm ăn cực khổ; mà ở đây, nếu người nào không cực khổ kiếm sống, chẳng qua là hình thức phạm tội khác mà thôi.

Về câu 19: “ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi”, thì chúng ta thấy có điều quan trọng ở đây, đó là khi chúng ta nói đến bản thân của mình hay chúng ta nhìn vào người khác. Ví dụ: Khi nói đến ông A, bà B chẳng hạn; thì chúng ta nói đến con người xác thịt mà chúng ta đang nhìn thấy trước mặt. Chúng ta không thể thấy linh hồn của một người, không thể thấy phần thân thể thiêng liêng là tâm thần. Nhưng Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết, loài người bao gồm linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng gọi là tâm thần, cùng với thân thể thiêng liêng đó ở trong thân thể xác thịt, mà chúng ta có thể nhìn thấy, sờ chạm được. Khi sự chết xảy ra, tức là sự phân rẽ của linh hồn, tâm thần với thân thể xác thịt này, thì thân thể xác thịt này sẽ trở về với bụi đất, bởi vì ngay từ ban đầu Chúa đã dùng bụi đất để nắn nên hình thể loài người. Như vậy, khi chúng ta được dựng nên như hình Thiên Chúa, là chúng ta được dựng nên với những đặc tính giống như của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta được dựng nên như tượng của Thiên Chúa tức là nói đến hình ảnh, mà chúng ta có thể nhìn thấy qua thân thể xác thịt này của chúng ta. Và chính thân thể xác thịt này cũng được gọi là người, nhưng bên trong thân thể xác thịt đó là linh hồn và tâm thần của chúng ta cũng là người. Mặc dù ngày nay, chúng ta thấy loài người chết và thân thể trở về với bụi đất, nhưng một ngày kia vào đúng thời điểm Chúa đã định thì thân thể đã tan rã thành bụi đất đó sẽ phục hồi trở lại, thì chúng ta sẽ sống lại hoặc được tái sinh, được phục sinh. Vì chính thân thể xác thịt đó tiếp xúc trở lại, kết nối trở lại với linh hồn (bản ngã thật) của mỗi một chúng ta. Và chúng ta biết, khi thể xác này tan rã thành bụi đất, linh hồn của loài người sẽ bị giam vào nơi âm phủ để chờ ngày thân thể xác thịt này sống lại. Chúng ta biết được điều đó qua câu chuyện người giàu xấu nết và người ăn mày La-xa-rơ. Qua sự bày tỏ đó của Đức Chúa Jesus mà chúng ta biết rằng: Linh hồn của chúng ta sau khi chết nếu không thuộc về Chúa thì bị giam trong âm phủ. Nếu linh hồn chúng ta thuộc về Chúa, tức là tin nhận Chúa thì chúng ta có sự cứu rỗi ở trong Chúa, chúng ta sẽ ở một nơi phước hạnh vì cớ Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành sự cứu rỗi cho loài người chúng ta. Thân thể xác thịt của Ngài đã chết vì chúng ta và đã phục sinh, đã thăng thiên về lại thiên đàng. Kể từ giây phút đó trở đi, thì tất cả những ai tin nhận Ngài sau khi qua đời, lập tức linh hồn của họ được vào trong thiên đàng với Ngài. Đó là lý do chúng ta thấy trong lời giãi bày của Đức Chúa Jesus, thì Ngài cho chúng ta biết tổ phụ của dân Do-thái là Áp-ra-ham ở trong âm phủ. Người ăn mày tên La-xa-rơ là một người tin Chúa qua đời, thân thể trở thành bụi đất nhưng linh hồn được vào trong âm phủ ở nơi phước hạnh với Áp-ra-ham. Nhưng sau khi Chúa phục sinh, Chúa vào thiên đàng thì Chúa đem tất cả những linh hồn thuộc về Chúa ở nơi phước hạnh trong âm phủ vào trong thiên đàng; rồi kể từ giây phút đó, con dân của Chúa qua đời, linh hồn được vào trong thiên đàng với Ngài. Đó chính là lý do chúng ta thấy Chấp Sự Ê-tiên bị dân chúng ném đá, ông sắp chết thì ông nhìn thấy thiên đàng mở ra và ông thấy Đức Chúa Jesus đứng ra để đón ông vào trong thiên đàng. Như vậy chúng ta biết rằng, kể từ giây phút mà Chúa Jesus về lại trong thiên đàng thì những ai thuộc về Chúa cũng được vào trong thiên đàng với Ngài. Vì Chúa ở đâu thì chúng ta ở đó. Cũng chính vì thế trong thời kỳ bảy năm đại nạn, tất cả những người thuộc về Chúa bị bách hại bởi AntiChrist, bị giết chết bởi AntiChrist thì linh hồn của họ đều vào trong thiên đàng và ở dưới bàn thờ để chờ ngày thân thể xác thịt sống lại. Cho nên, thân thể xác thịt của chúng ta một ngày kia sẽ trở về bụi đất, vì thân thể ra từ bụi đất. Nhưng đến một ngày Chúa đã định, thân thể xác thịt từ trong bụi đất sẽ được phục sinh để chịu sự phán xét đời đời vì cớ mỗi một tội lỗi của chúng ta làm ra mà chúng ta không chịu tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, hay là phục sinh để được vào trong cõi vinh quang đời đời trong tình yêu của Thiên Chúa trong vương quốc của Ngài. Đó là sự chọn lựa của mỗi một chúng ta.

Bài học ngày hôm nay chúng ta học được là: Tất cả mỗi một việc không vâng phục của chúng ta, dù chúng ta không vâng phục bất cứ một điều gì mà Chúa đã phán dạy, thì chúng ta phải gánh lấy những hình phạt đương nhiên, hình phạt tạm thời theo luật pháp của loài người hoặc hình phạt của Thiên Chúa. Và sau cùng chúng ta sẽ phải gánh lấy hình phạt đời đời bởi Thiên Chúa. Nhưng chúng ta có thể thoát khỏi hình phạt đời đời đó, nếu chúng ta ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Chúng ta kết thúc bài học tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.