Chú Giải Sáng Thế Ký 03:20-24 Loài Người Bị Phân Rẽ Khỏi Sự Sống Đời Đời

4,923 views

900112 Chú Giải Sáng Thế Ký 3:20-24
Loài Người Bị Phân Rẽ Khỏi Sự Sống Đời Đời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 3:20-24

20 Loài người gọi tên vợ là Ê-va, vì nàng là mẹ của mọi sự sống. [Ê-va có nghĩa là người ban sự sống. Sự sống ở đây là chỉ về sự sống của dòng dõi loài người.]

21 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lấy da thú, kết thành áo cho loài người và vợ, rồi mặc cho họ.

22 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Này, về sự biết điều thiện và điều ác, loài người đã trở nên như một trong Chúng Ta; vậy bây giờ, hãy coi chừng, kẻo nó giơ tay hái trái Cây Sự Sống mà ăn, và được sống đời đời chăng. [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 1:26; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ có các hình dáng khác nhau.]

23 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đuổi loài người ra khỏi khu vườn của Ê-đen, để cày cấy đất, là nơi người được lấy ra.

24 Vậy, Ngài đuổi loài người ra, rồi đặt tại phía đông vườn của Ê-đen các chê-ru-bim với gươm lửa xoay mọi bề, để giữ con đường dẫn đến Cây Sự Sống.

Thần học là học biết về Thiên Chúa, thánh ý của Ngài, và việc làm của Ngài. Thần học chân thật thì học từ Thánh Kinh, Lời của Thiên Chúa. Trong năm câu cuối cùng của Sáng Thế Ký đoạn 3 chúng ta sẽ học biết được một số ý tưởng Thần học quan trọng.

20 Loài người gọi tên vợ là Ê-va, vì nàng là mẹ của mọi sự sống. [Ê-va có nghĩa là người ban sự sống. Sự sống ở đây là chỉ về sự sống của dòng dõi loài người.]

Từ ngữ “mọi sự sống” được dùng trong câu này phải được hiểu theo nghĩa hẹp là mọi sự sống trong hình thể của loài người. Các loài thực vật có sự sống; các loài côn trùng, chim, cá, gia súc, và thú đồng cũng có sự sống; nhưng chắc chắn là sự sống của chúng không ra từ bà Ê-va. “Mẹ của mọi sự sống” có nghĩa là: từ Ê-va mà dòng dõi loài người được sinh ra. Nguồn gốc của loài người là từ A-đam, nhưng dòng dõi của loài người được sinh ra từ Ê-va.

Loài người là một tạo vật còn gọi là linh hồn, có một thân thể vật chất là xác thịt và có một thân thể thiêng liêng là tâm thần:

“Nhưng chính Đức Chúa Trời của Sự Bình An khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Ngày nay, khoa học giúp cho chúng ta hiểu rằng, thân thể xác thịt của con cái là sự kết hợp bản thể xác thịt của cha và mẹ, bao gồm phân nửa nhiễm sắc thể của cha và phân nửa nhiễm sắc thể của mẹ. Tuy nhiên, khoa học không giúp cho chúng ta biết gì về phần thân thể thiêng liêng của loài người mà Thánh Kinh gọi là tâm thần, và phần bản ngã của loài người, gọi là linh hồn.

Thánh Kinh cho chúng ta biết tâm thần của loài người ra từ Thiên Chúa khi Ngài thổi linh sự sống của Ngài vào thân thể vật chất:

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

Khi tâm thần hiệp với thể xác thì linh hồn của loài người xuất hiện. Khi sự chết của thân thể vật chất xảy ra, tức là khi thân thể vật chất bị phân rẽ khỏi linh hồn và tâm thần thì thân thể vật chất tan rã, trở về cùng bụi đất, thân thể thiêng liêng là tâm thần thì về lại cùng Đức Chúa Trời:

“Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).

Linh hồn của người có sự cứu rỗi thì vào trong thiên đàng với Đức Chúa Jesus Christ, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại và nhận sự sống đời đời từ Đức Chúa Jesus Christ. Linh hồn của người không có sự cứu rỗi thì bị giam trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại và chịu phán xét bởi Đức Chúa Jesus Christ.

Thân thể thiêng liêng, là tâm thần, ra từ linh sự sống của Đức Chúa Trời. Vì thế loài người luôn nhận biết Thiên Chúa có thật, sự đời đời có thật, và nhận biết sự yêu thương, công chính, thánh khiết.

Thân thể vật chất, là xác thịt, ra từ xác thịt của cha mẹ. Vì thế, con cái thừa hưởng các tính chất di truyền về bản thể xác thịt từ cha mẹ và ông bà.

Linh hồn, là bản ngã, ra từ cha. Vì thế, mỗi người đều bị di truyền bản tính tội lỗi và hậu quả của tội lỗi từ cha, và ngược mãi về buổi ban đầu, từ A-đam.

Xét về Đức Chúa Jesus thì thân thể xác thịt của Ngài được sinh ra bởi nữ đồng trinh Ma-ri. Thân thể xác thịt của Ngài hoàn toàn chỉ có nhiễm sắc thể của Ma-ri. Vì thế, Ngài hoàn toàn là người nhưng không thuộc về dòng dõi của A-đam, mà thuộc về dòng dõi của Ê-va, mà Thiên Chúa gọi là dòng dõi người nữ (Sáng Thế Ký 3:15). Khoa học cho chúng ta biết: Trứng của người mẹ chỉ có một nửa nhiễm sắc thể của loài người, và tinh trùng của người cha cũng chỉ có một nửa nhiễm sắc thể của loài người. Phải có sự kết hiệp của tinh trùng người cha với trứng của người mẹ thì mới tạo ra được bào thai. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, bởi phép lạ, Đức Chúa Trời đã tạo ra một nửa nhiễm sắc thể cần thiết để phối hiệp với một nửa nhiễm sắc thể trong trứng của Ma-ri, để thai dựng nên thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus. Và cũng chính vì thế mà Đức Chúa Jesus vừa mang danh hiệu “Con Người” (con của loài người) mà cũng vừa mang danh hiệu “Con Đức Chúa Trời!” Thánh Kinh gọi phép lạ đó là hành động của Đức Thánh Linh, vì Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh đã khiến cho một nửa nhiễm sắc thể cần thiết được tạo thành trong lòng trinh nữ Ma-ri.

Đức Chúa Jesus không thừa kế linh hồn từ một người cha xác thịt như mỗi chúng ta. Ngài cũng không nhận hơi linh sự sống từ Đức Chúa Trời để có một thân thể thiêng liêng là tâm thần như chúng ta. Nhưng linh hồn trong thân thể xác thịt mang tên Jesus là bản ngã của Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, tự có và có mãi mãi. Tâm thần trong thân thể xác thịt mang tên Jesus là hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, tự có và có mãi mãi. Chính vì thế mà con người mang tên Jesus vừa hoàn toàn là loài người vừa hoàn toàn là Thiên Chúa. Và cũng chính vì thế mà Ngài mới có thể làm Đấng Trung Bảo giữa Thiên Chúa và loài người:

“Vì có một Thiên Chúa và có một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!” (I Ti-mô-thê 2:5).

Ngoài Ngài, không ai có thể đảm nhiệm vai trò trung bảo ấy. Chúng ta chú ý, danh xưng “Người Christ Jesus” được dịch chính xác theo nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Ý nghĩa của danh xưng “Người Christ Jesus” là: Người được xức dầu, Thiên Chúa là Đấng Cứu Rỗi! Ngay chính trong danh xưng “Người Christ Jesus” đã nói lên bản thể loài người và bản thể Thiên Chúa của Đấng Trung Bảo.

Mỗi một người được sinh ra trong thế gian này, ngoại trừ Đức Chúa Jesus, đều được sinh ra trong A-đam, bị di truyền bản tính tội lỗi và hậu quả của tội lỗi từ A-đam. Vì thế mỗi một người đều chết trong A-đam.

“Vì như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian và sự chết đến bởi tội lỗi, thì cũng vậy sự chết đã trải qua trên mỗi người, vì mỗi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma 5:12).

Đức Chúa Jesus được sinh ra làm người nhưng Ngài không sinh ra trong A-đam, vì Ngài không có người cha xác thịt. Ngài được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, qua năng lực của Đức Thánh Linh trong lòng trinh nữ Ma-ri. Vì thế, Ngài là A-đam Sau Cùng. Chúng ta nên nhớ: “A-đam” có nghĩa là “người”. A-đam thứ nhất được tạo nên vô tội nhưng tự mình chọn phạm tội và đem sự chết đến trên dòng dõi của loài người. A-đam Sau Cùng là Đức Chúa Jesus, được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, vô tội, và không hề phạm tội, đem lại sự sống đời đời cho những ai được sinh ra trong Ngài.

“Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại.” (I Cô-rinh-tô 15:22).

“Vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhất là A-đam đã là một linh hồn sống. A-đam Sau Cùng là Thần Ban Sự Sống. [Sáng Thế Ký 2:7]” (I Cô-rinh-tô 15:45).

Để được sinh ra trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, chúng ta chỉ cần thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Sau khi được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, chúng ta phải tiếp tục sống trong sự thánh khiết, không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì chúng ta mới nhận được sự sống đời đời từ nơi Ngài. Được dựng nên mới, còn gọi là được tái sinh, hoặc được sinh bởi Đức Chúa Trời, có nghĩa là được tha tội, được làm cho sạch tội, và được ban cho năng lực để có thể vừa muốn vừa làm theo ý tốt lành của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13). Nhưng sự lựa chọn luôn thuộc về mỗi người. Mỗi người phải tự mình lựa chọn sự được dựng nên mới, và sau khi được dựng nên mới thì chọn ở lại trong sự dựng nên mới hoặc quay về nếp sống tội lỗi để bị hư mất trở lại.

21 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lấy da thú, kết thành áo cho loài người và vợ, rồi mặc cho họ.

Sau khi loài người phạm tội, bị Thiên Chúa quở trách và giáng hình phạt, chắc chắn là loài người có ăn năn thống hối. Chúng ta có thể nói chắc chắn là bởi vì loài người đã nhìn thấy hậu quả của sự không tin cậy, không vâng lời Thiên Chúa xảy ra trong linh hồn của mình và ngay trên chính thân thể xác thịt của mình. Loài người cũng đã xưng tội với Thiên Chúa, dù rằng lời xưng tội không được trọn vẹn, vì loài người đã không hoàn toàn nhận trách nhiệm mà đổ thừa cho nhau, cho con rắn, và thậm chí, gián tiếp đổ thừa cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, bởi sự nhân từ và thương xót rất lớn mà Thiên Chúa đã tiếp nhận sự ăn năn của loài người. Nhưng loài người vẫn phải gánh chịu hậu quả đương nhiên ra từ hành động của mình. Họ không còn được ở lại trong khu vườn phước hạnh. Họ phải bị chết đi phần thân thể xác thịt, nhưng họ vẫn còn ở trong sự yêu thương của Thiên Chúa, vì họ đã ăn năn tội và trở lại tin cậy Ngài. Và Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài, bằng cách lấy da thú kết thành áo mà mặc cho họ.

Ít nhất phải có hai con thú bị giết để lấy da làm áo cho loài người. Sự che đậy hậu quả của tội lỗi, sự chuộc tội cho loài người đòi hỏi phải có sự hy sinh mạng sống vô tội.

Sự kiện hai con thú bị giết để lấy da làm áo cho loài người cũng hàm ý là, sự phạm tội của A-đam và Ê-va cách xa thời điểm Thiên Chúa dựng nên họ. Bởi vì, từ buổi ban đầu, về phía loài người, Thiên Chúa chỉ dựng nên một nam một nữ; thì về phía loài thú, Thiên Chúa cũng chỉ cần dựng nên một con đực, một con cái hoặc một con trống, một con mái cho mỗi loài. Nếu hai con thú bị giết để lấy da làm áo cho A-đam và Ê-va là hai con chiên, thì cần phải có thời gian để cho chúng nó được sinh ra và lớn lên. Thời gian ấy chắc là không dưới một năm. Như vậy, qua Sáng Thế Ký 3:21 mà chúng ta hiểu rằng, có thể A-đam và Ê-va đã vui sống trong hạnh phúc một khoảng thời gian dài trước khi phạm tội.

Trong buổi ban đầu, sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, thì chính Thiên Chúa là Đấng cung cấp nhu cầu vật chất cho họ. Ngài là Đấng quan phòng chúng ta, tức là Ngài chăm sóc chúng ta, ban cho chúng ta các sự cần dùng, và bảo vệ chúng ta, ngay từ buổi ban đầu như vậy. Hiện nay, Ngài cũng là Đấng Quan Phòng của chúng ta. Ngài luôn chu cấp mỗi nhu cầu trong đời sống vật chất của chúng ta và Ngài còn ban cho chúng ta các nhu cầu thuộc linh, tức là ban cho chúng ta Lời của Ngài, để chúng ta được lớn lên trong đức tin, trong ân điển, để chúng ta được an ủi, được khôn sáng, và có được những nguyên tắc sống đẹp ý Ngài.

Chúng ta cũng học biết qua sự kiện Thiên Chúa làm áo mặc cho A-đam và Ê-va rằng, chúng ta không thể nào tự mình giải quyết hậu quả tội lỗi của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải quyết một cách trọn vẹn cho chúng ta.

22 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Này, về sự biết điều thiện và điều ác, loài người đã trở nên như một trong Chúng Ta; vậy bây giờ, hãy coi chừng, kẻo nó giơ tay hái trái Cây Sự Sống mà ăn, và được sống đời đời chăng. [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 1:26; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ có các hình dáng khác nhau.]

Chữ “biết” được dùng trong câu này mang một ý nghĩa rất là đặc biệt, khác với chữ “biết” mà chúng ta thường dùng ngày nay. Chính Thánh Kinh dùng chữ “biết” đó để nói đến mối quan hệ vợ chồng: A-đam “biết” Ê-va và Ê-va sinh con! Đây không phải là sự “biết” qua loa ở bên ngoài, hay chỉ là một sự nhận thức chung chung, mà là người “biết” và đối tượng được “biết” trở nên một.

Khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì loài người chỉ biết điều thiện, vì loài người được dựng nên trong sự thiện và trở nên một với sự thiện. Nhưng khi loài người phạm tội thì loài người biết điều ác và loài người trở nên một với điều ác. Trong bài học trước, chúng ta đã nói đến sự kiện Thiên Chúa biết điều ác nhưng sự ác không thể tác động lên Ngài và Ngài không bao giờ làm ra sự ác, tức là tội lỗi, tức là trái nghịch với sự thiện. Nhưng khi loài người biết sự ác thì loài người trở thành nô lệ của sự ác và cứ tiếp tục làm ra sự ác. Loài người trở nên biết điều thiện và điều ác như Thiên Chúa nhưng loài người không thể làm thiện và tránh làm ác như Thiên Chúa.

Đại danh từ “Chúng Ta” trong mệnh đề so sánh: “như một trong Chúng Ta” là nói về sự loài người đã biết điều ác như Thiên Chúa biết. Những người không công nhận lẽ thật một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị đã lý luận rằng, đại danh từ “Chúng Ta” được dùng để chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Tuy nhiên, các thiên sứ không biết điều thiện và điều ác như Thiên Chúa. Chỉ khi nào các thiên sứ phạm tội thì họ mới biết điều ác, như điều đã xảy ra cho loài người. Chắc chắn đại danh từ “Chúng Ta” trong câu này là lời tự xưng của Ba Ngôi Thiên Chúa như trong Sáng Thế Ký 1:26; 11:7; và được liệt kê trong Ma-thi-ơ 28:19 là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

Giăng 11:25-26 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, như sau:

“Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta, dù người ấy đã chết thì cũng sẽ sống. Còn ai sống và tin Ta thì sẽ không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?”

“Không hề chết” có nghĩa là sống đời đời! Còn Giăng 14:6 thì ghi lại lời phán:

“…Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống. Không ai đến cùng Cha nếu chẳng bởi Ta.”

Vì thế, sự sống vừa có nghĩa là thắng được sự chết, vừa có nghĩa là sống đời đời. Hai lời phán này của Đức Chúa Jesus Christ đã chứng minh Ngài chính là Thiên Chúa. Vì chỉ có Thiên Chúa là sự sống và chỉ có Thiên Chúa mới có thể khiến cho người chết sống lại và ban cho người tin Ngài sự sống đời đời.

Sự sống và sự chết của loài người bao gồm ba phương diện: xác thịt, tâm thần, và linh hồn.

  • Sự sống của xác thịt là sự kết hiệp giữa thân thể thiêng liêng với thân thể vật chất và linh hồn. Khi linh hồn và thân thể thiêng liêng phân rẽ khỏi thân thể vật chất vì tội lỗi đã thể hiện trọn vẹn trong xác thịt, thì sự chết xảy ra cho xác thịt. Nói cách khác, sự chết của xác thịt là sự xác thịt bị phân rẽ khỏi linh hồn và tâm thần. Sự chết của xác thịt chỉ là tạm thời, vì xác thịt sẽ được sống lại để sống đời đời trong hạnh phúc, nếu được cứu rỗi hoặc để chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục, còn gọi là sự chết thứ nhì, nếu không được cứu rỗi.
  • Sự sống của tâm thần là sự tương giao với Thiên Chúa. Khi sự tương giao đó bị cắt đứt vì tội lỗi, thì sự chết xảy ra cho tâm thần. Tâm thần không còn tương giao với Thiên Chúa nhưng tương giao với ma quỷ và ngày càng lún sâu vào mê tín dị đoan, thờ lạy hình tượng, tà thần. Nói cách khác, sự chết của tâm thần là tâm thần không còn thờ phượng Thiên Chúa mà trở thành thờ phượng ma quỷ. Sự chết của tâm thần cũng là tạm thời. Người tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì sẽ được tái sinh phần tâm thần ngay trong đời này (Thi Thiên 51:10). Người không tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì sau khi xác thịt chết, tâm thần sẽ về lại cùng Đức Chúa Trời (Truyền Đạo 12:7). Người ấy không cần có tâm thần để tương giao với Thiên Chúa nữa, vì sẽ bị phân cách khỏi Thiên Chúa đời đời.
  • Sự sống của linh hồn là sự kết hiệp với Thiên Chúa (Giăng 17:21-23). Khi sự kết hiệp đó bị cắt đứt vì tội lỗi, thì sự chết xảy ra cho linh hồn. Nói cách khác, sự chết của linh hồn là linh hồn không còn ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa không còn ở trong linh hồn. Sự chết của linh hồn có thể tạm thời hoặc có thể vĩnh viễn. Người tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, mà Thánh Kinh gọi là được tái sinh, tức là được sinh trở lại, được trở lại kết hiệp với Thiên Chúa. Người không tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì bị hư mất đời đời. Linh hồn sẽ tái hiệp với thân thể phục sinh, chịu sự phán xét của Đức Chúa Jesus Christ về mỗi tội lỗi đã làm ra, và chịu khổ đời đời trong hỏa ngục, xa cách Thiên Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Thái độ không tin cậy Thiên Chúa, hành động không vâng theo lời phán của Thiên Chúa được gọi là tội lỗi. Khi loài người phạm tội thì lập tức bị chết. Trước hết là sự chết tâm thần, tức là tâm thần không còn được tương giao với Thiên Chúa. Kế tiếp là sự chết của linh hồn, tức là linh hồn không còn được ở trong Thiên Chúa. Sau cùng là sự chết của xác thịt, tức là xác thịt không còn được liên kết với tâm thần và linh hồn.

Nếu loài người sau khi phạm tội mà lại ăn trái của Cây Sự Sống Đời Đời thì:

  1. Thân thể xác thịt của loài người sẽ không bao giờ chết và mãi mãi ở trong tình trạng bị thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23) và cứ đời đời chịu khổ trong sự già yếu bệnh tật.
  2. Vì sự chết của thể xác không xảy ra nên tâm thần và linh hồn cứ ở mãi trong thân thể xác thịt. Tâm thần sẽ mãi mãi mất đi sự tương giao với Thiên Chúa, mà sẽ đời đời tương giao với ma quỷ! Linh hồn sẽ đời đời không có cơ hội được kết hiệp trở lại với Thiên Chúa.
  3. Sống đời đời như vậy sẽ rất là đau khổ. Chỉ trong đời sống chưa đầy 100 năm mà nhiều người đã chịu khổ không nổi, phải tự tử. Thử hỏi, cuộc sống đời đời trong đau khổ sẽ kinh khủng đến mức nào? Chính vì thế mà Thiên Chúa đã đuổi loài người ra khỏi cảnh vườn tại Ê-đen, để loài người không có cơ hội ăn trái của Cây Sự Sống.

23 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đuổi loài người ra khỏi khu vườn của Ê-đen, để cày cấy đất, là nơi người được lấy ra.

24 Vậy, Ngài đuổi loài người ra, rồi đặt tại phía đông vườn của Ê-đen các chê-ru-bim với gươm lửa xoay mọi bề, để giữ con đường dẫn đến Cây Sự Sống.

Sau khi Thiên Chúa đuổi loài người ra khỏi cảnh vườn tại Ê-đen, thì Ngài vẫn để cho cảnh vườn tại Ê-đen tồn tại với sự canh gác của các chê-ru-bim. Sự tồn tại của cảnh vườn tại Ê-đen là để giúp cho con cháu loài người học được bài học về nguồn gốc của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi do A-đam và Ê-va thuật lại. Chúng ta không biết đến bao giờ thì Thiên Chúa mới hủy diệt cảnh vườn tại Ê-đen. Có lẽ là Thiên Chúa đã hủy diệt nó trong Cơn Lụt Lớn. Nếu là vậy, thì trong hơn một ngàn năm, dòng dõi loài người đã luôn đối diện với cảnh vườn tại Ê-đen có các chê-ru-bim cầm gươm lửa chói lòa canh giữ. Từ thế hệ này qua thế hệ khác con cháu của A-đam và Ê-va đã nghe đi nghe lại câu chuyện phạm tội của họ. Và có lẽ, sự tồn tại của cảnh vườn tại Ê-đen đã giúp cho con cháu của A-đam và Ê-va tin rằng, Thiên Chúa có thật. Cho nên, từ khi Sết, là đứa con trai thứ ba của họ, được sinh ra, thì loài người bắt đầu thờ phượng Thiên Chúa, kêu cầu Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 4:26).

Chê-ru-bim là hình thức số nhiều của danh từ chê-rúp, là một danh từ được Thánh Kinh dùng để gọi một loài tạo vật thiêng liêng. Chúng ta không biết gì nhiều về các chê-ru-bim. Lần đầu tiên Thánh Kinh đề cập đến các chê-ru-bim là ngay trong phân đoạn mà chúng ta đang học đây. Rồi sau đó là Xuất Ê-díp-tô Ký 25:17-20; 26:1, 31, Thiên Chúa truyền lệnh cho Môi-se làm hình tượng chê-ru-bim để trang trí cho Đền Tạm. Và Thiên Chúa cũng truyền cho Môi-se biết là Ngài sẽ phán dạy ông ở giữa hình tượng của hai chê-ru-bim trên Ngai Thương Xót (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:22). Kể từ đó, sự hiện diện của Thiên Chúa trên đất luôn luôn là ở giữa các chê-ru-bim, như đã được ghi lại trong Dân Số Ký 7:89; I Sa-mu-ên 4:4; Ê-sai 37:16; Thi Thiên 80:1; 99:1.

Trong Ê-xê-chi-ên 10:14 chép rằng:

“Mỗi chê-rúp có bốn mặt: thứ nhất là mặt chê-rúp; thứ nhì, mặt người; thứ ba, mặt sư tử; thứ tư, mặt chim đại bàng.”

Dù vậy, chúng ta khó mà hình dung ra một chê-rúp có bốn mặt là như thế nào. Và Thánh Kinh cũng không cho chúng ta biết mặt của các chê-ru-bim ra làm sao.

Ê-xê-chi-ên 28:14 cho chúng ta biết Sa-tan vốn là một trong số các chê-ru-bim, được Thiên Chúa xức dầu, tức là giao cho một chức vụ quan trọng. Phần lớn các nhà giải kinh đều tin rằng chê-rúp Lu-xi-phe đứng đầu các thiên sứ phụ trách việc thờ phượng Thiên Chúa, cho đến khi Lu-xi-phe phạm tội, bị đuổi ra khỏi thiên đàng.

Chúng ta thật sự không biết gì nhiều về các chê-ru-bim hay là các thiên sứ. Có lẽ, ngày mà chúng ta bước vào thiên đàng, có sự hiểu biết đầy trọn, thì chúng ta sẽ biết Thiên Chúa đã dựng nên các chê-ru-bim và các thiên sứ như thế nào, và hình dung của họ ra sao, chức năng của họ là gì.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/05/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.