Chú Giải Sáng Thế Ký 04:09-16 Hình Phạt của Ca-in

3,936 views


YouTube: https://youtu.be/oW2rtlDAgr8

900114 Chú Giải Sáng Thế Ký 4:9-16
Hình Phạt của Ca-in

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 4:9-16

9 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Ca-in: A-bên, em ngươi, ở đâu? Ông thưa: Tôi không biết! Tôi là người giữ em tôi sao?

10 Ngài phán: Ngươi đã làm điều gì vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến Ta.

11 Bây giờ, ngươi sẽ bị rủa sả từ nơi đất đã mở miệng nhận máu của em ngươi từ tay ngươi.

12 Khi ngươi lao động trên đất, nó sẽ chẳng sinh hoa lợi dư dật cho ngươi nữa. Ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất.

13 Ca-in thưa cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Sự hình phạt tôi nặng quá, tôi mang không nổi.

14 Ngày nay, Ngài đã đuổi tôi ra khỏi đất này, tôi sẽ lánh mặt Ngài, sẽ trốn, sẽ đi lưu lạc và trốn tránh trên đất; rồi, nếu có ai gặp tôi thì sẽ giết tôi.

15 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với ông: Vậy, nếu ai giết Ca-in thì sẽ bị báo thù bảy lần. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đánh dấu trên Ca-in, để có ai gặp Ca-in thì chẳng giết ông.

16 Ca-in lui ra khỏi mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và ở tại xứ Nốt, về phía đông của Ê-đen.

Trong bài học này chúng ta sẽ cùng nhau học về hậu quả tội giết người của Ca-in. Sau khi Ca-in giết chết em thì chắc chắn là lương tâm đã lên tiếng cáo trách ông. Bởi vì Lời của Chúa nói rõ, ngay cả với những người không nhận biết Chúa, thì:

“Những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp phán xét…” (Rô-ma 2:12).

Huống chi Ca-in là người đã được Chúa trực tiếp cảnh báo phải làm điều lành, phải quản trị tội lỗi.

Có thể, sẽ có người lý luận rằng, thời của Ca-in Chúa chưa ban truyền luật pháp thì làm sao có chuyện luật pháp đã được ghi trong lòng Ca-in. Chúng ta nên hiểu rằng, trước khi luật pháp được ghi chép thành chữ cho dân I-sơ-ra-ên thì Thiên Chúa đã ban truyền luật pháp của Ngài trong tâm thần của loài người. Dựa vào Sáng Thế Ký 26:5 mà chúng ta biết chắc rằng, trước khi Thiên Chúa ban truyền các điều răn và luật pháp cho dân I-sơ-ra-ên qua hình thức chữ viết, thì Ngài đã ban truyền các điều răn và luật pháp của Ngài cho các thánh đồ trước thời Cựu Ước:

“Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.”

Ê-li-pha, một trong ba người bạn của Gióp, đồng thời với Áp-ra-ham hoặc sớm hơn Áp-ra-ham, cũng đã nói lời sau đây:

“Tôi xin ông hãy nhận luật pháp từ nơi miệng của Ngài, và để các lời của Ngài trong lòng của ông.” (Gióp 22:22).

Lời ấy cho thấy: Từ trước khi các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được truyền cho dân I-sơ-ra-ên và ghi chép thành chữ, thì Thiên Chúa vẫn phán truyền luật pháp của Ngài cho loài người. Điều chắc chắn là khi Thiên Chúa ban cho loài người tâm thần thì Ngài cũng đã ban cho loài người luật pháp của Ngài, được ghi khắc trong tâm thần, gọi là lương tâm. Danh từ “lương tâm” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ lẫn Hy-lạp của Thánh Kinh đều có nghĩa là: tấm lòng; con người bên trong; sự hiểu biết tự nhiên của một người. Danh từ “lương tâm” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là sự tốt lành ở trong lòng. Lương = tốt, lành. Tâm = tấm lòng. Sự tốt lành đó đến từ Thiên Chúa và là tiêu chuẩn để phán xét mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta, cho dù chúng ta không biết Chúa.

Tuy nhiên, qua sự ghi chép của Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng, Ca-in không biết ăn năn:

9 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Ca-in: A-bên, em ngươi, ở đâu? Ông thưa: Tôi không biết! Tôi là người giữ em tôi sao?

Ca-in chẳng những không ăn năn mà còn nói dối và nói hỗn với Thiên Chúa. Chúng ta cũng thấy là Chúa không phủ đầu Ca-in bằng lời kết tội, mặc dù Ngài biết Ca-in đã phạm tội. Lời phán của Chúa mở ra cho Ca-in cơ hội ăn năn. Trước đó, Chúa cũng đã mở ra cơ hội ăn năn cho cha của Ca-in là A-đam, khi Ngài phán hỏi: “Ngươi ở đâu?”

Câu trả lời của Ca-in: “Tôi không biết!” là một lời nói dối. Câu Ca-in hỏi ngược lại Chúa: “Tôi là người giữ em tôi sao?” là một lời nói hỗn!

Ngày nay, con dân Chúa sau khi phạm tội vẫn có khi thản nhiên nói dối là mình không có phạm tội hoặc không biết đó là tội! Ngày nay, con dân Chúa sau khi phạm tội được người chăn, trưởng lão hay các anh chị em khác trong Hội Thánh nhắc nhở, cáo trách, vẫn có khi giận dữ nói hỗn với người nhắc nhở, cáo trách mình! Đó là thái độ không ăn năn và không kính sợ Chúa.

10 Ngài phán: Ngươi đã làm điều gì vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến Ta.

Câu hỏi của Chúa: “Ngươi đã làm điều gì vậy?” giúp cho Ca-in có cơ hội xét lại việc làm của mình. Chúa cũng không lên tiếng buộc tội giết người cho Ca-in, bởi vì câu hỏi của Chúa đã khiến cho Ca-in tự lên án chính mình: “Tôi đã giết em tôi!” mặc dù Ca-in không nói ra lời. Chúa nói đến sự kêu oan của nạn nhân. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu rằng, bất cứ một sự bất công nào chúng ta gây ra cho người khác, ngay cả cho loài vật, thì tiếng kêu oan của nạn nhân sẽ thấu đến Chúa. Trong Dân Số Ký đoạn 22 có ghi lại sự kiện Ba-la-am đánh con lừa của mình một cách bất công và Thiên Chúa mở miệng cho con lừa lên tiếng phản đối Ba-la-am:

“Bấy giờ, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mở miệng lừa ra, nó nói với Ba-la-am rằng: Tôi có làm gì cho người, mà người đã đánh tôi ba lần?” (Dân Số Ký 22:28).

Trong Gia-cơ 5:4 chép rằng, tiếng kêu của những người bị đối xử bất công thấu đến Chúa của các cơ binh. Chúng ta hãy nghĩ xem, Chúa của các cơ binh sẽ xử như thế nào về những sự bất công chúng ta cố ý gây ra cho người khác, nhất là cho những anh chị em cùng đức tin?

Câu: “Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến Ta”, có nghĩa là chính A-bên lên tiếng, bởi vì trong máu của A-bên là sự sống của A-bên:

“Bởi đức tin, A-bên đã dâng lên Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn của Ca-in. Bởi đó ông đã được làm chứng là công chính, qua sự Đức Chúa Trời làm chứng về lễ vật của ông. Cũng nhờ đó dù đã chết ông vẫn còn nói.” (Hê-bơ-rơ 11:4).

“Vì sự sống của mọi xác thịt là máu của nó; máu của nó là sự sống ở trong nó…” (Lê-vi Ký 17:14).

Hê-bơ-rơ 12:24 cho biết máu của Đức Chúa Jesus Christ rưới ra nơi bàn thờ trên trời nói tốt hơn máu của A-bên. Máu của A-bên kêu gọi Đức Chúa Trời báo thù công chính cho một người, còn máu của Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi Đức Chúa Trời tha thứ cho mọi tội lỗi của toàn thể loài người.

Chúng ta có thể hiểu cách nói: “máu lên tiếng” hay “máu nói” có nghĩa là một người dùng mạng sống của mình để lên tiếng. Sự lên tiếng đó có thể là để đòi hỏi sự báo thù, đòi hỏi sự công chính, như có nhiều người đã tự sát để đòi hỏi quyền làm người; hoặc là để van xin sự tha thứ cho người khác dựa trên sự hy sinh mạng sống của chính mình.

11 Bây giờ, ngươi sẽ bị rủa sả từ nơi đất đã mở miệng nhận máu của em ngươi từ tay ngươi.

Khi loài người phạm tội thì đất bị rủa sả, nghĩa là bị mất đi một phần lớn ơn phước từ Thiên Chúa. Đất bị rủa sả để thêm gánh nặng cho loài người trong việc mưu sinh. Giờ đây, bởi sự phạm tội giết người của Ca-in mà ông và con cháu phải chịu sự rủa sả từ nơi đất, có nghĩa là ông và con cháu ông phải chịu khó nhọc hơn là những người khác trong việc kiếm sống.

Ngay chỗ Ca-in gây án mạng, đất đã thấm máu của A-bên, rồi ngay chỗ Ca-in chôn giấu xác của A-bên, đất cũng tiếp tục thấm máu của A-bên. Thực sự thì chúng ta không biết Ca-in có chôn giấu xác của A-bên hay không, nhưng có lẽ phần lớn là có, để che giấu tội ác của mình.

12 Khi ngươi lao động trên đất, nó sẽ chẳng sinh hoa lợi dư dật cho ngươi nữa. Ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất.

Ý nghĩa của sự “bị rủa sả từ nơi đất” được giải thích trong câu 12 này. Đó là: đất không còn trù phú, sinh ra nhiều hoa lợi cho công việc canh tác. Bên cạnh đó, Ca-in phải sống đời lang thang, trốn tránh từ nơi này sang nơi khác. Lang thang vì phải luôn tìm vùng đất mới để canh tác. Trốn tránh vì sợ hãi bị người khác giết.

13 Ca-in thưa cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Sự hình phạt tôi nặng quá, tôi mang không nổi.

14 Ngày nay, Ngài đã đuổi tôi ra khỏi đất này, tôi sẽ lánh mặt Ngài, sẽ trốn, sẽ đi lưu lạc và trốn tránh trên đất; rồi, nếu có ai gặp tôi thì sẽ giết tôi.

Ca-in hiểu rất rõ vì sao ông phải sống trốn tránh trên mặt đất, bởi vì nỗi sợ hãi đã có trong ông, như ông đã nói ra trong câu 14. Khi Ca-in ý thức được rằng, ông phải sống một cuộc đời lao nhọc, khốn khó, mà còn phải lưu lạc, trốn tránh vì sợ bị người khác giết, thì ông cũng nhận ra hình phạt của ông thật là nặng nề, quá sức chịu đựng.

Trong cuộc sống, có biết bao người đã làm ra những hành động sai trái, tội lỗi đang khi tức giận; để rồi sau đó, họ phải gánh lấy hình phạt cho việc làm tội lỗi của họ. Khi bị nhận lãnh hình phạt nặng nề, dù có hối hận thì cũng đã muộn, không còn thay đổi được gì. Bởi vì, chúng ta phải gánh lấy hậu quả mỗi việc làm tội lỗi của chúng ta. Dù cho chúng ta có ăn năn và tin nhận sự tha thứ của Chúa, thì chúng ta vẫn phải gánh lấy hậu quả đương nhiên trên thân thể xác thịt của chúng ta trong cuộc đời này.

15 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với ông: Vậy, nếu ai giết Ca-in thì sẽ bị báo thù bảy lần. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đánh dấu trên Ca-in, để có ai gặp Ca-in thì chẳng giết ông.

Thiên Chúa vẫn tỏ ra lòng nhân từ, thương xót đối với Ca-in. Ngài vẫn ban cho ông thời gian và cơ hội để ăn năn. Thiên Chúa vẫn yêu Ca-in, dù Ca-in ngỗ nghịch, tội lỗi như vậy. Chúng ta cũng thấy một điều căn bản của Thánh Kinh, đó là: Sự trả thù thuộc về Thiên Chúa! Một người phạm tội thì trước hết là phạm tội nghịch lại Thiên Chúa, vì người ấy vi phạm các điều răn và luật pháp của Ngài. Không có sự báo thù hay hình phạt nào công chính cho bằng sự báo thù hay hình phạt đến từ Thiên Chúa. Vì thế, tất cả luật pháp do loài người làm ra nếu có điều nào không hợp với Thánh Kinh, thì chúng ta không thể vâng theo. Còn những điều nào hợp với Thánh Kinh, thì chúng ta phải vâng phục. Thí dụ như, luật tử hình dành cho những kẻ giết người vô cớ là đúng với Thánh Kinh, thì chúng ta không được lên tiếng chống đối, đòi bãi bỏ. Ngay cả trong trường hợp một kẻ phạm tội giết người rồi sau đó thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì kẻ ấy vẫn phải chịu sự hình phạt của luật pháp loài người.

Chúng ta thấy, trong vụ án giết người lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, kẻ giết người đã không bị án chết! Bởi vì lúc bấy giờ, ngoài điều răn đầu tiên Thiên Chúa truyền cho A-đam, có kèm theo sự chết là hậu quả của sự không vâng phục, thì các điều răn khác được ghi khắc trong lương tâm của loài người chưa kèm theo hậu quả của sự không vâng phục. Lương tâm của Ca-in biết rằng không được giết người, nhưng lương tâm của Ca-in không cho biết, nếu ông giết người thì sẽ bị hình phạt cụ thể như thế nào.

Câu: “Vậy, nếu ai giết Ca-in thì sẽ bị báo thù bảy lần”, có nghĩa là ai giết Ca-in thì người ấy sẽ bị báo thù một cách đầy trọn, không có sự khoan hồng. Con số bảy tiêu biểu cho sự trọn vẹn.

Chúng ta thật sự không biết Thiên Chúa đánh dấu trên Ca-in như thế nào. Có thể là thân thể ông bị chứng phong hủi (bệnh cùi). Một số nhà giải kinh cho rằng ông bị chứng sợ hãi, run rẩy. Một số nhà giải kinh Do-thái Giáo cho rằng có một cái sừng mọc ra từ trán của Ca-in.

Tới đây chúng ta có thể nhận thấy một điều lý thú. A-bên là một người công chính, vâng phục Thiên Chúa thì bị giết. Ca-in là một người tội lỗi, sống theo ý riêng, không ăn năn thì bị đuổi ra khỏi cộng đồng, lang thang trong hoang mạc. Câu chuyện Ca-in và A-bên khiến cho chúng ta liên tưởng đến ý nghĩa thuộc linh của hai con dê đực trong Lê-vi Ký đoạn 16.

Lê-vi Ký 16:8-10, 21-22

8 A-rôn sẽ gieo thăm cho hai con dê đực, một thăm về phần Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, một thăm về phần Kẻ Bị Phân Rẽ [Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, Kẻ Bị Phân Rẽ là A-xa-sên có nghĩa là kẻ bị lấy ra khỏi, bị phân rẽ, hàm ý tội lỗi bị lấy ra khỏi, bị phân rẽ khỏi con dân Chúa.]

9 A-rôn sẽ đem con dê đực trên nó đã gieo thăm về phần Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dâng làm của lễ chuộc tội.

10 Còn con dê đực trên nó đã gieo thăm về phần Kẻ Bị Phân Rẽ, sẽ để sống trước Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm lễ chuộc tội trên nó. Rồi, thả nó đi như Kẻ Bị Phân Rẽ vào trong đồng vắng.

21 A-rôn sẽ đặt hai tay mình trên đầu của con dê đực còn sống, xưng trên nó hết thảy sự gian ác của con cháu I-sơ-ra-ên, và hết thảy những sự vi phạm của chúng trong hết thảy những tội lỗi của chúng; chất trên đầu của con dê đực, rồi sẽ đuổi nó ra, vào trong đồng vắng, bởi tay của một người chực sẵn.

22 Vậy, con dê đực sẽ gánh trên nó hết thảy tội ác của chúng ra nơi hoang địa. Người sẽ đuổi con dê đực vào đồng vắng.

Trong đại lễ chuộc tội, có hai con dê đực được bốc thăm. Một con thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và một con thuộc về Kẻ Bị Phân Rẽ, theo nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là A-xa-sên. Con thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì được dùng làm của lễ thiêu, dâng lên Thiên Chúa, để chuộc tội cho toàn dân I-sơ-ra-ên. Con thuộc về A-xa-sên thì gánh lấy tội lỗi của toàn dân I-sơ-ra-ên và bị đuổi ra nơi hoang địa.

Chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh người công chính A-bên bị kẻ tội lỗi giết chết và cái chết của ông như là một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Bởi vì A-bên chết trong sự yêu kính Chúa, thờ phượng Chúa theo lẽ thật, chết vì làm theo Lời Chúa. Chúng ta lại liên tưởng đến hình ảnh kẻ tội lỗi không ăn năn là Ca-in. Toàn bộ tội lỗi của Ca-in được chất trên người Ca-in và Ca-in phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi mình, bị đuổi ra khỏi cộng đồng nhân loại và bị đuổi ra khỏi trước mặt Thiên Chúa.

Ngày hôm nay mỗi người chúng ta có hai lựa chọn. Một là chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, thì tội lỗi chúng ta được tha, chúng ta được thoát khỏi hình phạt của tội lỗi, chúng ta được phục hòa với Thiên Chúa, được sống đời đời với Ngài trong hạnh phúc. Hai là chúng ta không ăn năn tội lỗi của mình, thì chúng ta sẽ bị đuổi ra khỏi dân sự của Thiên Chúa và bị đuổi ra khỏi trước mặt Ngài.

A-xa-sên có nghĩa là gì? Các nhà giải kinh không thống nhất với nhau về ý nghĩa của từ ngữ này. Có người cho rằng, A-xa-sên là tên một ngọn núi ở ngoại thành Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, không thể nào trong suốt 40 năm dân I-sơ-ra-ên lang thang trong đồng vắng của xứ Ai-cập lại có thể mỗi năm thả một con dê đực để nó vượt sông Giô-đanh, tiến vào Đất Hứa Ca-na-an và đến nơi Núi A-xa-sên. Như vậy, phải chăng A-xa-sên là tên của một địa danh nào đó trong đồng vắng Si-na-i mà dân I-sơ-ra-ên đang đóng trại, khi Môi-se nhận được chỉ thị về việc thi hành đại lễ chuộc tội? Điều này cũng không hợp lý, vì nếu vậy, sau khi dân I-sơ-ra-ên vào đến đất hứa, thì mỗi năm lại phải thả một con dê đực cho nó vượt sông Giô-đanh về lại đồng vắng Si-na-i, để đến nơi gọi là A-xa-sên! Chúng ta có thể kết luận rằng: A-xa-sên không phải là một địa danh.

Khi phân tích từ ngữ A-xa-sên thì chúng ta thấy từ ngữ này do chữ “a-xa-s” có nghĩa là mạnh mẽ, hay mạnh sức, kết hợp với chữ “ên” có nghĩa là một thần linh. Vậy, A-xa-sên có nghĩa là thần mạnh sức hoặc thần sức mạnh. Và bởi vì danh xưng A-xa-sên được dùng đối nghịch với danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nên chúng ta có thể hiểu, đây là một trong các danh xưng của Sa-tan, được dùng giữa các dân ngoại giáo thời bấy giờ tại Ai-cập.

Như vậy, con dê đực bị phó cho A-xa-sên tiêu biểu cho những người phạm tội mà không chịu ăn năn, thì tội lỗi của họ vẫn còn ở trên họ, họ sẽ bị đuổi ra khỏi mặt Thiên Chúa, họ sẽ bị đuổi ra khỏi vòng loài người, và ở chung chỗ với Sa-tan.

16 Ca-in lui ra khỏi mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và ở tại xứ Nốt, về phía đông của Ê-đen.

Câu nói: “Ca-in lui ra khỏi mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng. Nghĩa đen là kể từ giây phút đó, Ca-in không còn được đối diện với Thiên Chúa nữa. Nghĩa bóng là nếu như Ca-in không ăn năn thì trong đời sau, ông cũng sẽ không còn bao giờ được ở gần bên Thiên Chúa.

Danh từ “xứ Nốt” có thể được dùng để chỉ cả một vùng đất mà Ca-in sống lang thang nơi đó suốt cuộc đời ông. “Nốt” có nghĩa là lang thang, lưu lạc.

Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ: Nếu chúng ta yêu kính Thiên Chúa, tin cậy Ngài, vâng phục Ngài, biết ăn năn và tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài, thì chúng ta sẽ được sống trong hạnh phúc với Ngài. Chúng ta sẽ được trở về Ê-đen và sống đời đời trong phước hạnh bên Thiên Chúa. Còn nếu chúng ta không ăn năn tội, không tiếp nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, thì một ngày kia chúng ta sẽ cứ lang thang trong hỏa ngục, xa cách tình yêu và sự vinh quang của Thiên Chúa cho đến đời đời.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/05/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.