Chú Giải Sáng Thế Ký 04:17-26 Lạm Dụng Lời Chúa – Nhu Cầu Trước Hết

5,607 views


YouTube: https://youtu.be/OMsDkKKEXHs

900115 Chú Giải Sáng Thế Ký 4:17-26
Lạm Dụng Lời Chúa – Nhu Cầu Trước Hết

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:


Sáng Thế Ký 4:17-26

17 Rồi, Ca-in ăn ở với vợ mình, nàng thụ thai và sinh Hê-nóc. Ông xây một cái thành, đặt tên thành theo tên con trai mình là Hê-nóc.

18 Rồi, Hê-nóc sinh I-rát; I-rát sinh Mê-hu-da-ên; Mê-hu-da-ên sinh Mê-tu-sa-ên; Mê-tu-sa-ên sinh Lê-méc.

19 Lê-méc lấy hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la.

20 A-đa sinh Gia-banh; người là tổ phụ của các dân ở trong các lều và nuôi các bầy súc vật.

21 Em người tên là Giu-banh, tổ phụ của những người đánh đàn và thổi sáo.

22 Còn Si-la cũng sinh Tu-banh Ca-in, là người rèn đủ thứ dụng cụ bằng đồng và bằng sắt. Em gái của Tu-banh Ca-in là Na-a-ma.

23 Lê-méc nói với các vợ của mình rằng: Hỡi A-đa và Si-la! Hãy nghe tiếng ta! Này, các vợ của Lê-méc! Hãy lắng tai nghe lời ta! Vì ta đã giết một người làm cho ta bị thương; một người trẻ đánh sưng bầm ta.

24 Nếu Ca-in được bảy lần báo thù thì Lê-méc sẽ được bảy mươi bảy lần báo oán.

25 A-đam lại ăn ở với vợ mình. Nàng sinh được một con trai, đặt tên là Sết; vì nói rằng: Thiên Chúa đã cho tôi một đứa con khác, thế cho A-bên đã bị Ca-in giết. [Sết có nghĩa là thay thế hoặc bồi thường.]

26 Sết cũng sinh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Sáng Thế Ký 4:17-22 có thể gọi là gia phả (sách hoặc bảng ghi chép thứ tự các đời trong một dòng họ) của dòng dõi Ca-in. Khi chúng ta đọc đến Sáng Thế Ký 5 thì thấy toàn đoạn 5 nói về dòng dõi của A-đam nhưng hoàn toàn không nhắc gì đến Ca-in và con cháu của Ca-in, mà chỉ nêu lên danh sách con cháu của A-đam ra từ Sết.

Vì sao Thánh Kinh liệt kê riêng dòng dõi của Ca-in và của Sết? Vì sao trong gia phả của A-đam đã không ghi đến tên của Ca-in? Có lẽ, câu trả lời chính xác là: Bởi vì Ca-in phạm tội nhưng không ăn năn, nên đã bị đuổi ra khỏi cộng đồng của loài người.

Có lẽ, con cháu của Ca-in, vốn mang bản tính hung bạo, đã bị các thiên sứ phạm tội nhập vào, làm băng hoại dòng dõi của loài người, như đã được ghi lại trong Sáng Thế Ký 6.

17 Rồi, Ca-in ăn ở với vợ mình, nàng thụ thai và sinh Hê-nóc. Ông xây một cái thành, đặt tên thành theo tên con trai mình là Hê-nóc.

Từ “rồi” được dùng để báo cho chúng ta biết, những điều được trình bày tiếp theo là những điều đã xảy ra, sau khi Ca-in lui ra khỏi mặt Chúa và sống lưu lạc trong xứ Nốt. Chúng ta không biết vào lúc nào thì A-đam và Ê-va sinh ra các con gái, để rồi một trong các con gái ấy trở thành vợ của Ca-in. Nhưng Thánh Kinh đã cho biết, A-đam và Ê-va có sinh ra nhiều con trai và con gái, ngoài Ca-in, A-bên, và Sết (Sáng Thế Ký 5:4).

Rất có thể, mãi sau khi Sết và các con trai con gái khác của A-đam được sinh ra, lớn lên, thì Ca-in mới lấy vợ. Chúng ta cũng không biết Ca-in lấy vợ bằng cách nào. Có thể là Ca-in lẻn trở về chỗ ở của A-đam, bắt cóc một em gái của mình.

Động từ “ăn ở” được dùng ở đây cũng là động từ “biết” như đã dùng trong câu 1 và câu 25. Con trai đầu lòng của Ca-in tên là Hê-nóc trùng tên với cháu của A-đam, được sinh vào đời thứ bảy theo dòng của Sết (Sáng Thế Ký 5:18), là người đồng đi với Đức Chúa Trời trong 300 năm và được Ngài đem ra khỏi thế gian mà không trải qua sự chết (Hê-bơ-rơ 11:5). Hê-nóc có nghĩa là “hiến dâng”.

Cùng với sự ra đời của Hê-nóc, Ca-in đã xây dựng một cái thành đầu tiên trên đất, và đặt tên thành theo tên con mình. Sự xây thành để định cư là một hành động chống lại án phạt của Thiên Chúa. Bởi vì hình phạt Thiên Chúa định cho Ca-in là phải “lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất” (Sáng Thế Ký 4:12).

18 Rồi, Hê-nóc sinh I-rát; I-rát sinh Mê-hu-da-ên; Mê-hu-da-ên sinh Mê-tu-sa-ên; Mê-tu-sa-ên sinh Lê-méc.

19 Lê-méc lấy hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la.

Trong khi người được sinh vào đời thứ bảy theo dòng của Sết, tức là Hê-nóc, là một người đồng đi với Đức Chúa Trời, thì Lê-méc, là người được sinh vào đời thứ bảy theo dòng của Ca-in, là người sống theo ý riêng. Lê-méc khởi xướng chế độ đa thê và là người đầu tiên lạm dụng Lời Chúa để phục vụ cho sự ham muốn của chính mình. Tên Lê-méc có nghĩa là “đầy dẫy sức mạnh”. Cha của Nô-ê, người được sinh vào đời thứ chín theo dòng của Sết, cũng tên là Lê-méc (Sáng Thế Ký 5:28-29).

20 A-đa sinh Gia-banh; người là tổ phụ của các dân ở trong các lều và nuôi các bầy súc vật.

21 Em người tên là Giu-banh, tổ phụ của những người đánh đàn và thổi sáo.

Người vợ đầu của Lê-méc sinh ra Gia-banh, tổ phụ của dân sống trong lều trại, và Giu-banh, tổ phụ của những người đánh đàn và thổi sáo. Danh từ “tổ phụ” trong hai câu này là danh từ “cha” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ.

Sự kiện Gia-banh là tổ phụ của những dân ở trong lều và nuôi các bầy súc vật nói lên Gia-banh là người đầu tiên phát minh ra cách làm lều để làm nơi trú ẩn. Lối sống trong lều thuận tiện cho dân du mục (lang thang đây đó, sống bằng nghề chăn nuôi). Trước đó, Ca-in đã xây dựng một thành để định cư, cho nên, chắc chắn là có những kiến trúc về nhà ở trước khi Gia-banh phát minh ra cách làm lều.

Sự kiện Giu-banh là tổ phụ của những người đánh đàn và thổi sáo cũng nói lên Giu-banh là người đầu tiên chế tạo hai loại nhạc cụ này và phát minh ra các định luật về âm nhạc.

Chắc chắn là nghề làm lều và chăn nuôi, nghề đánh đàn và thổi sáo đã được lan truyền rộng khắp giữa những con cháu còn lại của A-đam. Bởi vì, sau Cơn Lụt Lớn, chỉ còn sống mỗi gia đình Nô-ê, tức là dòng dõi của Ca-in hoàn toàn bị diệt khỏi mặt đất, thì loài người vẫn biết làm lều, chăn nuôi, đánh đàn, và thổi sáo.

22 Còn Si-la cũng sinh Tu-banh Ca-in, là người rèn đủ thứ dụng cụ bằng đồng và bằng sắt. Em gái của Tu-banh Ca-in là Na-a-ma.

Người vợ thứ nhì của Lê-méc sinh ra tổ phụ của nghề thợ rèn. Theo nhận định của các nhà khảo cổ học thì thời kỳ loài người biết chế tạo các dụng cụ bằng đồng cách nay khoảng 4.000 năm đến 5.500 năm. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ đến hai chi tiết sau đây trong Thánh Kinh:

  • Khoảng 6.000 năm trước, Thiên Chúa đã sáng tạo các tầng trời và đất. Loài người được dựng nên để cai quản đất.
  • Khoảng 5.000 năm trước, Cơn Lụt Lớn đã xảy ra hủy diệt toàn bộ nền văn minh của nhân loại.

Tất cả những thành tựu khoa học của loài người trong khoảng 1.000 năm trước đó đã bị hủy diệt hoàn toàn và có thể đã bị chôn vùi mất tích dưới lòng đất, dưới đáy biển. Những gì các nhà khảo cổ thời nay đào xới được chỉ là những công trình của loài người sau Cơn Lụt Lớn, là lúc mà tuổi thọ, sức khoẻ, năng lực, và sự thông minh của loài người đã bị suy thoái trầm trọng.

Chúng ta quen với ý nghĩ cho rằng trước đây chưa bao giờ loài người kinh nghiệm được nền văn minh như chúng ta đang kinh nghiệm. Nhưng chúng ta thật sự không biết trước Cơn Lụt Lớn loài người văn minh đến mức độ nào, khi mà loài người sống thọ hàng mấy trăm tuổi và chưa bị thoái hóa như ngày nay.

23 Lê-méc nói với các vợ của mình rằng: Hỡi A-đa và Si-la! Hãy nghe tiếng ta! Này, các vợ của Lê-méc! Hãy lắng tai nghe lời ta! Vì ta đã giết một người làm cho ta bị thương; một người trẻ đánh sưng bầm ta.

24 Nếu Ca-in được bảy lần báo thù thì Lê-méc sẽ được bảy mươi bảy lần báo oán.

Khi Ca-in giết A-bên, Chúa không cho phép người khác báo thù cái chết của A-bên, bằng cách ra lệnh rằng, ai giết Ca-in sẽ bị báo thù bảy lần. Nhưng Lê-méc đã lạm dụng Lời Chúa để giết chết một người đánh ông ta bị thương.

Lời Lê-méc nói với hai vợ của ông ta được diễn đạt qua hình thức một bài ca mà lời ca thuộc thể loại lặp lại một điều đã nói như một hình thức láy đối:

(1) Hỡi A-đa và Si-la! Hãy nghe tiếng ta!

(2) Này, các vợ của Lê-méc! Hãy lắng tai nghe lời ta!

(3) Vì ta đã giết…

(4) Một người làm cho ta bị thương;

(5) Một người trẻ đánh sưng bầm ta.

Câu (2) láy và đối câu (1). Câu (5) láy và đối câu (4). Vì thế, Lê-méc chỉ giết một người trẻ đánh sưng bầm ông ta, làm cho ông ta bị thương.

Khi loài người lạm dụng Lời Chúa, bẻ cong Lời Chúa, hoặc dùng Lời Chúa để ngụy biện, bao che, bào chữa cho sự phạm tội của mình, thậm chí lấy Lời Chúa làm lý do để phạm tội thì hậu quả thật là kinh khủng.

Trong Hội Thánh ngày nay vẫn có những Lê-méc cuồng ngạo lạm dụng, bẻ cong Lời Chúa để phục vụ cho bản ngã xác thịt của họ. Nhiều người chủ trương: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện!” Nghĩa là: kết quả cuối cùng làm sáng tỏ cách thức đang dùng để đạt đến kết quả ấy. Vì thế, họ không ngần ngại nói dối để dụ dỗ người khác tin nhận Chúa và gia nhập giáo hội của họ. Nhiều người bẻ cong ý nghĩa của Rô-ma 3:10 để cứ tiếp tục sống trong tội: “Chẳng có một người công chính nào hết, dẫu một người cũng không”, bất chấp đó là Lời Chúa nói về những kẻ không biết Chúa, bức hiếp con dân Chúa, như đã được nói rõ trong Thi Thiên 14:4.

25 A-đam lại ăn ở với vợ mình. Nàng sinh được một con trai, đặt tên là Sết; vì nói rằng: Thiên Chúa đã cho tôi một đứa con khác, thế cho A-bên đã bị Ca-in giết. [Sết có nghĩa là thay thế hoặc bồi thường.]

Qua lời nói của Ê-va chúng ta biết rằng, bà đã ăn năn tội và biết kính sợ Chúa, biết ơn Chúa. Bà nhận biết đứa con trai bà sinh ra đó, là ơn phước của Thiên Chúa ban cho bà để an ủi bà về cái chết của A-bên. Chúng ta không có cách gì để biết rõ, từ khi A-bên chết cho đến khi Sết được sinh ra là bao lâu. Có thể là trong vòng một năm, vì chắc là Chúa không nỡ để cho A-đam và Ê-va phải đau buồn lâu dài. Sết có nghĩa là thay thế và cũng có nghĩa là bồi thường. Chúa ban cho A-đam và Ê-va một con trai khác thay thế cho A-bên; nhưng Chúa cũng dùng con trai ấy để bồi thường cho A-đam và Ê-va, vì Ngài đã không bảo vệ mạng sống của A-bên cho họ.

Chúa không bảo vệ mạng sống của A-bên vì Ngài có lý do của Ngài và sự đó nằm trong thẩm quyền của Ngài. Nhưng Ngài luôn an ủi, bù đắp cho con dân Ngài trước những mất mát, đau buồn của họ.

Mong rằng, các bậc cha mẹ là con dân Chúa bị mất con vì bất cứ lý do nào, sẽ học được ý nghĩa sâu nhiệm trong câu nói của Ê-va.

26 Sết cũng sinh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Tên Ê-nót có nghĩa là: “một người”, được dùng để nói chung về loài người, như trong Gióp 5:17: “Kìa, phước cho người mà Thiên Chúa quở trách! Vậy, chớ khinh sự răn dạy của Đấng Toàn Năng.”

Khi con trai của Sết được sinh ra thì sự thờ phượng Chúa một cách có nghi thức bắt đầu phát triển trong gia tộc của A-đam. Động từ “cầu khẩn” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ vừa có nghĩa công bố vừa có nghĩa kêu xin. Loài người công bố hay tuyên xưng danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và loài người kêu cầu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Chúng ta có thể thấy sự tương quan giữa tên Ê-nót và câu Thánh Kinh: “Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.”

Sự tuyên xưng danh Chúa là hình thức công nhận Thiên Chúa và xưng mình thuộc về Thiên Chúa. Sự kêu cầu danh Chúa là hình thức tin cậy vào sự cứu giúp của Thiên Chúa.

Ngày nay, khi chúng ta nói đến danh JESUS, thì chúng ta tuyên xưng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi, là Thiên Chúa của chúng ta! Chúng ta kêu cầu danh JESUS là chúng ta kêu cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi cứu giúp chúng ta. Bởi vì, JESUS là phiên âm của từ ngữ “Ἰησοῦς” (Iēsous) /i-ê-su/ (G2424) trong tiếng Hy-lạp. Và từ ngữ ấy có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi!

Nhu cầu hàng đầu của loài người là tuyên xưng Thiên Chúa và kêu cầu Thiên Chúa bằng danh của Ngài. Khi chưa biết Chúa, chúng ta có thể nói chung chung là: Tôi tin có Ông Trời. Xin Ông Trời cứu giúp tôi. Nhưng khi chúng ta đã biết Chúa, thì chúng ta phải tuyên xưng danh Ngài và kêu cầu danh Ngài.

Thiên Chúa có nhiều tước hiệu, như: Chúa, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa… nhưng tên do chính Ngài xưng nhận là “Ta Tự Hữu Hằng Hữu”. Và chúng ta cần tuyên xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi chúng ta qua sự tuyên xưng danh JESUS!

Kính mời quý con dân Chúa đọc và nghe các bài giảng về Thiên Chúa và danh xưng Thiên Chúa tại đây: https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=734

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/06/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.