Chú Giải Tít 01:01-16

3,993 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Chú Giải Tít 1:1-16
Sự Thiết Lập Thẩm Quyền Trong Hội Thánh Địa Phương
Cách Ứng Xử Với Những Kẻ Xấu Trong Hội Thánh

1 Phao-lô, tôi tớ của Thiên Chúa và sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, theo đức tin của những người được chọn của Thiên Chúa và sự tri thức về lẽ thật, là sự theo lòng tin kính

2 vào sự trông cậy về sự sống đời đời, mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ trước vô cùng.

3 Nhưng khi thời kỳ đến, Ngài đã bày tỏ Ngôi Lời của Ngài qua sự rao giảng, là sự đã giao phó cho ta theo mệnh lệnh Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta.

4 {Gửi cho} Tít, con thật {của ta} trong đức tin chung. Nguyện ân điển, sự thương xót, sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha và từ Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta, {ở cùng con!}

5 Vì lý do này mà ta đã để con ở lại Cơ-rết: Để con sắp đặt những việc chưa hoàn thành, và lập các trưởng lão trong mỗi thành phố, như ta đã truyền cho con.

6 Người nào cũng phải không chỗ trách được; chồng của một vợ; có con cái trung tín, không bị cáo là phóng đãng hoặc ngỗ nghịch.

7 Vì người giám mục như quản gia của Thiên Chúa thì phải không chỗ trách được; chẳng nên: tự đắc, dễ giận, say rượu, hay tranh cạnh, tham lợi;

8 nhưng hiếu khách, yêu những sự lành, biết tự kiềm chế, công bình, thánh sạch, tự chủ,

9 giữ vững Lời Thành Tín theo như đã được dạy, để có thể trong giáo lý lành mà khuyên bảo và quở trách những kẻ cãi trả.

10 Vì có nhiều người ngỗ nghịch, hay nói những lời hư không và phỉnh dỗ, nhất là trong những kẻ chịu cắt bì.

11 Những kẻ ấy cần phải bị khớp miệng. Họ vì lợi nhơ bẩn mà phá đổ cả nhà của người ta, dạy những điều không nên dạy.

12 Một người trong bọn họ, một tiên tri của họ, nói: Người Cơ-rết hay nói dối, {là} thú dữ, biếng nhác, tham ăn.

13 Lời chứng ấy là thật. Vì vậy mà con hãy quở trách họ cách nghiêm khắc, để cho họ được tốt lành trong đức tin.

14 Đừng nghe những chuyện nhảm của người Do-thái và các điều răn của loài người, {vì} chúng xoay khỏi lẽ thật.

15 Mọi sự chắc chắn {là} tinh sạch cho những người tinh sạch; nhưng chẳng có sự gì {là} tinh sạch cho những kẻ ô uế và chẳng tin, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng bị ô uế.

16 Họ xưng họ biết Thiên Chúa nhưng {trong} những việc làm thì họ chối bỏ {Ngài}, trở nên đáng ghét, không vâng phục, và không xứng đáng cho bất cứ việc lành nào.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjA4ODQ1MDJf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9056010-tit-1_1-16
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/4jkz4oka1bxdgi5/9056010_Tit_1_1-16.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Tít là người Hy-lạp, quê của ông có lẽ là thành An-ti-ốt (ngày nay thuộc miền nam Thổ-nhĩ-kỳ – Turkey). Ông vừa là một nhà truyền giáo vừa là giám mục của Hội Thánh tại Cơ-rết (Crete). Cơ-rết là hải đảo lớn nhất của Hy-lạp, ngày nay, dân số của đảo lên đến hơn 600.000 người. Khi còn trẻ, Tít đã học về thơ và triết lý Hy-lạp. Chúng ta không biết chắc Tít tin nhận Tin Lành vào lúc nào. Vào thời điểm Sứ Đồ Phi-e-rơ đến nhà Cọt-nây giảng Tin Lành, thì nhiều con dân Chúa quê ở đảo Chíp-rơ (nước Cộng Hoà Cyprus ngày nay) và thành Sy-ren (thành phố Shahat, Libya ngày nay) cũng đến An-ti-ốt, để giảng Tin Lành cho người Hy-lạp. Chúa đã ban ơn cho sự rao giảng của họ, kết quả có rất nhiều người Hy-lạp đã tin nhận Tin Lành, đến nỗi, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã biệt phái Ba-na-ba đến An-ti-ốt, để giúp gây dựng Hội Thánh non trẻ tại đó (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:20-22). Ba-na-ba đã đến thành Tạt-sơ, tìm Phao-lô và đem Phao-lô cùng đến An-ti-ốt với ông. Hai ông cùng ở lại An-ti-ốt suốt một năm, vừa rao giảng Tin Lành, vừa giảng dạy cho Hội Thánh tại đó, từ đầu mùa hè năm 41 cho đến cuối mùa xuân năm 42 (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:25-26). Cũng vào thời điểm đó, tại An-ti-ốt người ta bắt đầu gọi người tin Chúa là Cơ-đốc nhân, nghĩa là người tin Đấng Christ, học theo Đấng Christ, sống như Đấng Christ. Rất có thể Tít đã tin nhận Tin Lành trước khi Ba-na-ba và Phao-lô đến An-ti-ốt, nhưng cũng có thể là Tít đã tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Ba-na-ba và Phao-lô.

Chúng ta không biết Tít bắt đầu đồng hành với Phao-lô trong mục vụ từ khi nào. Các chi tiết trong Thánh Kinh và một số dữ liệu lịch sử của Hội Thánh cho chúng ta biết:

Vào mùa hè năm 49, khi Phao-lô và Ba-na-ba từ An-ti-ốt về lại Giê-ru-sa-lem, để trình bày với các sứ đồ về việc con dân Chúa người ngoại không cần phải chịu cắt bì, thì Phao-lô đã mang Tít theo như một nhân chứng, điển hình cho sự kiện Đức Chúa Trời chấp nhận người ngoại tin Chúa và hầu việc Ngài, mà họ không cần phải theo các nghi thức Do-thái Giáo. Vì Tít là người Hy-lạp, không chịu cắt bì, nhưng cùng hầu việc Chúa cách đắc lực với Phao-lô và Ba-na-ba trong mục vụ rao giảng Tin Lành, gây dựng các Hội Thánh địa phương (Công Vụ Các Sứ Đồ 15; Ga-la-ti 2:3).

Vào khoảng cuối năm 56, Phao-lô đã gửi Tít từ Ê-phê-sô đến với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, để giải quyết những nan đề tại đó (II Cô-rinh-tô 7:6, 13-14), và nhận tiền dâng hiến để tiếp trợ những người nghèo trong Chúa (II Cô-rinh-tô 8:6, 16, 23). Sau khi hoàn thành mục vụ tại Cô-rinh-tô thì Tít đã đến xứ Ma-xê-đoan để gặp Phao-lô, trong khi Phao-lô đang giảng Tin Lành tại đó và gặp nhiều nỗi khó khăn. Đức Chúa Trời đã dùng Tít để an ủi Phao-lô khi ông gặp những khó khăn trong cuộc chiến thuộc linh tại Ma-xê-đoan (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:9-10; II Cô-rinh-tô 7:6).

Vào mùa xuân năm 63, sau khi ra tù lần thứ nhất, Phao-lô đã đến đảo Cơ-rết cùng với Tít để giảng Tin Lành tại đó; và Phao-lô đã để Tít ở lại Cơ-rết, làm giám mục của Hội Thánh, giúp gây dựng các Hội Thánh địa phương tại Cơ-rết. Sau khi Phao-lô rời Cơ-rết thì ông đến thành Ni-cô-bô-li, và tại đó, ông viết thư cho Tít cùng với thư thứ nhất cho Ti-mô-thê, vào khoảng năm 65; trong thư, ông nhắn gọi Tít đến với ông tại Ni-cô-bô-li (Tít 3:12). Sau khi gặp Phao-lô tại Ni-cô-bô-li, có lẽ Tít đã cùng Phao-lô từ Ni-cô-bô-li về lại thành Rô-ma; và Tít đã ở bên cạnh Phao-lô một thời gian khi Phao-lô bị tù lần thứ nhì.

Vào khoảng mùa thu năm 67, khi Phao-lô viết thư thứ nhì cho Ti-mô-thê, thì Tít đã đến Đa-ma-ti (II Ti-mô-thê 4:10), có lẽ để giảng Tin Lành. Cuối cùng, Tít đã về lại Cơ-rết và qua đời tại đó.

Phao-lô gọi Tít là bạn cùng làm việc với ông, phụ tá của ông (II Cô-rinh-tô 8:23), và là con thật của ông trong đức tin (Tít 1:4).

Nội dung tổng quát của thư Tít là Phao-lô truyền cho Tít lo việc thiết lập các trưởng lão làm giám mục cho các Hội Thánh địa phương tại Cơ-rết, hướng dẫn Tít cách cư xử với tà giáo, với những kẻ xấu trong Hội Thánh, và cách dạy dỗ con dân Chúa.

Dù thư Tít cũng như thư I và II Ti-mô-thê được nhiều người xem là lời giảng dạy của Phao-lô dành cho những giám mục, người chăn, và người rao giảng Lời Chúa, nhưng trong thực tế, sự dạy dỗ của cả ba thư này đều có ích và gây dựng cho tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh. Nhờ vào ba thư này mà con dân Chúa biết thế nào là phẩm chất của các giám mục, người chăn, người rao giảng Lời Chúa, trưởng lão, và chấp sự trong Hội Thánh. Các phẩm chất đó không chỉ giới hạn riêng cho những người có chức vụ, mà là, những người có chức vụ phải có và thể hiện các phẩm chất đó, để con dân Chúa bắt chước theo họ.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học Tít đoạn 1.

1 Phao-lô, tôi tớ của Thiên Chúa và sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, theo đức tin của những người được chọn của Thiên Chúa và sự tri thức về lẽ thật, là sự theo lòng tin kính

2 vào sự trông cậy về sự sống đời đời, mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ trước vô cùng.

Khi chúng ta đối chiếu câu mở đầu của thư Tít với câu mở đầu của thư Rô-ma thì chúng ta sẽ thấy có một chi tiết thú vị. Đó là Tít 1:1-2 giải thích Rô-ma 1:1.

“Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa…” (Rô-ma 1:1).

Tít 1:1 giúp cho chúng ta hiểu các lẽ thật sau đây:

  • Tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ tức là tôi tớ của Thiên Chúa, vì Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người như Giăng 1: 1-14 đã công bố. Được Đức Chúa Jesus Christ cứu chuộc tức là được Thiên Chúa cứu chuộc (vì thế, Ngài được đặt tên là Jesus. Tên Jesus có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi). Phụng sự Đức Chúa Jesus Christ tức là phụng sự Thiên Chúa; sự phụng sự bao gồm sự thờ phượng và làm những việc Ngài phán dặn. Hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ tức là hiệp một với Thiên Chúa. Ở trong Đức Chúa Jesus Christ tức là ở trong Thiên Chúa.
  • Phao-lô được gọi làm sứ đồ tức là làm sứ đồ cho Đức Chúa Jesus Christ. Làm sứ đồ cho Đức Chúa Jesus Christ là thay cho Đức Chúa Jesus Christ làm những điều Đức Chúa Jesus Christ muốn làm, với đầy đủ thẩm quyền của Đức Chúa Jesus Christ.
  • Biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa tức là biệt riêng cho đức tin của những người được chọn của Thiên Chúa, biệt riêng cho sự tri thức về lẽ thật. Biệt riêng có nghĩa là được để dành cách đặc biệt cho một sự việc nào đó hoặc cho ai đó. Vì thế, biệt riêng cho đức tin của những người được chọn của Thiên Chúa là được Thiên Chúa chọn để gieo trồng Lời Hằng Sống của Ngài vào trong tâm thần (Ma-thi-ơ 13:1-23). Lời ấy khiến cho đức tin phát sinh, và đức tin dẫn đến sự tri thức về lẽ thật. Tri thức về lẽ thật là sự biết về Thiên Chúa, về chương trình cùng ý định của Ngài, do chính Ngài mạc khải trong tâm thần của những người được chọn.

Chúng ta thấy, trong Rô-ma 1:1 Phao-lô dùng cách gọi “Tin Lành của Thiên Chúa” và trong Tít 1:1 Phao-lô dùng cách gọi “những người được chọn của Thiên Chúa”, để nhấn mạnh đến sự hiệp một của Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh trong công cuộc cứu rỗi loài người và xây dựng Vương Quốc Trời.

Khi đức tin phát sinh, dẫn đến sự tri thức về lẽ thật, thì đương nhiên những người được chọn của Thiên Chúa sẽ có lòng tin kính Thiên Chúa, và có lòng tin kính về sự sống đời đời mà Đức Chúa Trời đã hứa từ trước vô cùng.

“Từ trước vô cùng” là một thành ngữ chỉ về khoảng thời gian ngược mãi về quá khứ không cùng, không tận. Tâm trí của chúng ta không thể nào đo lường sự vĩnh cửu, sự đời đời, sự từ trước vô cùng và sự mãi mãi về sau. Loài người chỉ mới được Thiên Chúa dựng nên cùng với thế giới vật chất khoảng 6.000 năm nay; cho nên, sự Đức Chúa Trời đã hứa sự sống đời đời “từ trước vô cùng” không phải là hứa với loài người, mà là hứa với chính Ngài.

Trước khi sáng thế, trước khi loài người được dựng nên, thì Đức Chúa Trời đã tự hứa với chính Ngài, rằng Ngài sẽ dựng nên loài người và ban cho loài người sự sống đời đời. Chúng ta nên nhớ, sự sống đời đời khác với sự thực hữu đời đời. Tất cả những gì Thiên Chúa đã dựng nên đều sẽ còn lại đời đời, vì Ngài là Đấng đời đời. Sự sống đời đời là sự được vui hưởng tình yêu của Thiên Chúa và sống bên Ngài cho đến mãi mãi. Ngược lại, sự chết đời đời là sự không được vui hưởng tình yêu của Thiên Chúa, bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, và cứ thực hữu đời đời trong hỏa ngục.

Đức Chúa Trời đã hứa ban sự sống đời đời cho loài người từ trước vô cùng; và vì Ngài không thể nói dối, vì nói dối là nghịch lại bản tính của Ngài, nên chắc chắn loài người sẽ nhận được sự sống đời đời. Cho dù loài người phạm tội, phải gánh lấy hậu quả của sự phạm tội là bị đời đời phân cách khỏi Thiên Chúa, thì Đức Chúa Trời cũng vẫn có phương cách cứu chuộc loài người ra khỏi hậu quả của tội lỗi, để loài người có thể nhận được sự sống đời đời mà Ngài đã hứa ban cho họ. Đức Chúa Trời hứa ban sự sống đời đời cho loài người, Đức Chúa Jesus Christ giúp cho loài người hiểu biết và đạt đến sự sống đời đời. Đức Thánh Linh giúp cho loài người có đủ năng lực để cứ ở lại trong sự sống đời đời.

Khi suy ngẫm đến mấy điều trên đây, chúng ta thấy tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người thật vô cùng to lớn, sự khôn sáng của Ngài là bất tận, năng lực của Ngài không có giới hạn. Chúng ta, những người được chọn của Thiên Chúa, đã và đang làm gì để đáp lại ân điển và tình yêu của Thiên Chúa, đã được ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời, được thể hiện bởi Đức Chúa Jesus Christ, và được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh?

3 Nhưng khi thời kỳ đến, Ngài đã bày tỏ Ngôi Lời của Ngài qua sự rao giảng, là sự đã giao phó cho ta theo mệnh lệnh Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta.

“Thời kỳ đến” là thời kỳ rao giảng Tin Lành cho muôn dân, muôn tiếng nói, rao giảng về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ cho mọi dân tộc. Trong thư gửi cho Hội Thánh tại Ga-la-ti, Phao-lô nói đến “kỳ hạn đã được trọn” để chỉ về kỳ hạn sự cứu rỗi nhân loại qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ đã đến, Thiên Chúa Ngôi Lời phải nhập thế làm người và chịu chết, để cứu chuộc nhân loại:

“Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, để chúng ta được nhận làm con nuôi.” (Ga-la-ti 4:4-5).

Đức Chúa Jesus phải được sinh ra trong dân I-sơ-ra-ên, vì chỉ dân I-sơ-ra-ên mới có luật pháp của Đức Chúa Trời. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chịu chết để cứu chuộc nhân loại, thì đến thời kỳ Tin Lành được rao giảng cho muôn dân, tức là rao giảng về sự chết chuộc tội của Ngài cho mọi dân tộc.

Chữ “Ngài” trong câu này là chỉ về Đức Chúa Trời đã được nói đến trong câu 2. “Ngôi Lời của Ngài” tức là Thiên Chúa nhập thế làm người mang tên Jesus và mang danh hiệu Christ. Đức Chúa Trời bày tỏ cho loài người về Ngôi Lời trong thân vị loài người là Đức Chúa Trời bày tỏ về Đức Chúa Jesus Christ, bằng sự rao giảng của những người được Ngài chọn và được Đức Chúa Jesus Christ ban cho chức vụ rao giảng Tin Lành. Phao-lô là một trong những người ấy. Ông nhận lãnh chức vụ theo mệnh lệnh của Thiên Chúa: Bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi sự ban cho chức vụ, thẩm quyền từ Đức Chúa Jesus Christ, và ông thi hành chức vụ bởi sự khôn sáng và năng lực của Thiên Chúa đến từ Đức Thánh Linh.

Phao-lô dùng cách nói: “Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu chúng ta” để nhấn mạnh đến sự hiệp một của Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh trong sự cứu chuộc loài người.

4 {Gửi cho} Tít, con thật {của ta} trong đức tin chung. Nguyện ân điển, sự thương xót, sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha và từ Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta, {ở cùng con!}

Phao-lô gọi Tít là con thật của ông, như ông đã gọi Ti-mô-thê (I Ti-mô-thê 1:2). Con thật là con ruột được sinh ra một cách hợp pháp, nghĩa là được sinh ra giữa vợ chồng có hôn thú. Dĩ nhiên, Tít cũng như Ti-mô-thê, không phải là con ruột của Phao-lô về phần xác thịt. Ông gọi họ là con thật của ông trong đức tin, và tại đây, ông thêm chữ “chung” để câu nói được rõ nghĩa hơn. Đức tin chung là đức tin của loài người vào trong Thánh Kinh về Thiên Chúa, về Tin Lành, và về thẩm quyền của Thánh Kinh. Phao-lô gọi Tít và Ti-mô-thê là con thật của ông trong đức tin, vì ông muốn nói đến mối quan hệ giữa ông và họ khắng khít như là mối quan hệ giữa một người cha với các đứa con ruột được sinh ra cách hợp pháp. Nhưng thực tế, ông và họ không phải là cha con về phương diện máu thịt, mà là ông xem họ như con ruột hợp pháp của ông về phương diện thiêng liêng, vì họ đáng tuổi con của ông, có cùng chung một đức tin với ông, và họ gần gũi mật thiết với ông, được ông dạy dỗ như cha dạy con. Đối lại, họ cũng đối xử với ông như những người con đối xử với cha thật của mình.

Lời chúc phước của Phao-lô dành cho Tít bao gồm ba điều: Ân điển, sự thương xót, và sự bình an đến từ Thiên Chúa Đức Cha và đến từ Thiên Chúa Ngôi Lời trong thân vị loài người.

Ân điển, sự thương xót, và sự bình an đến từ Thiên Chúa Đức Cha nghiêng về phần thuộc linh: Ân điển là những sự ban cho mà người nhận không xứng đáng để nhận. Đức Chúa Trời đã ban cho con dân của Ngài đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời (Ê-phê-sô 1:3). Đức Chúa Trời thương xót con dân của Ngài nên Ngài chậm giận trước sự bội nghịch của họ, ban thêm cho họ cơ hội để ăn năn (Giô-ên 2:13). Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài sự bình an khi Ngài tha thứ cho họ mọi tội lỗi mà họ xưng nhận trước Ngài, giữ gìn lòng và ý tưởng của họ trong Đấng Christ, và giữ cho tâm thần, linh hồn, cùng thân thể xác thịt của họ được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ (Ê-sai 1:18; I Giăng 1:9; Phi-líp 4:7; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Ân điển, sự thương xót, và sự bình an đến từ Đức Chúa Jesus Christ nghiêng về phần thuộc thể: Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ khiến cho sự yếu đuối trong thể xác của chúng ta được nên trọn vẹn (II Cô-rinh-tô 12:7-10). Đức Chúa Jesus Christ thương xót chúng ta và cảm thông với chúng ta những khi chúng ta bị cám dỗ, thử thách, mà chịu sự đau đớn về phần xác (Hê-bơ-rơ 2:16-18; 4:15-16). Sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta khiến cho chúng ta được vững lòng trong mọi cơn tai ương, hoạn nạn, cho dù thân thể của chúng ta có bị tù đày, tra tấn, bệnh tật (Giăng 14:27).

So sánh cách gọi: “Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta” trong câu này với cách gọi: “Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta” trong câu 3, chúng ta thấy Phao-lô đã hàm ý Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong Tít 2:13 Phao-lô đã trực tiếp gọi Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Vĩ Đại:

“chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,” (Tít 2:13).

Biết bao nhiêu câu Thánh Kinh đã gọi Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, thế mà vẫn có những kẻ mù thuộc linh tin theo tà giáo, chối bỏ lẽ thật, không công nhận: Đức Chúa Jesus Christ vừa là người vừa là Thiên Chúa. Mời quý ông bà anh chị em đọc bài “Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ Là Thiên Chúa” trên khu mạng www.timhieuthanhkinh.com [1].

5 Vì lý do này mà ta đã để con ở lại Cơ-rết: Để con sắp đặt những việc chưa hoàn thành, và lập các trưởng lão trong mỗi thành phố, như ta đã truyền cho con.

Sau khi Phao-lô và Tít cùng đến đảo Cơ-rết để rao giảng Tin Lành, có nhiều người tin nhận Tin Lành, thì Phao-lô tiếp tục hành trình truyền giáo của ông. Vì có nhiều người tin Chúa trong các thành phố của Cơ-rết, nhiều Hội Thánh địa phương được thành lập, nên Phao-lô để Tít ở lại Cơ-rết một thời gian, để lo việc thiết lập thẩm quyền trong các Hội Thánh địa phương. Thẩm quyền trong các Hội Thánh tại địa phương được giao cho người trưởng lão đứng đầu các trưởng lão, gọi là giám mục. Giám mục vừa là người cho chiên của Chúa ăn Lời Chúa, vừa làm gương tốt, vừa là người bảo vệ, khích lệ, quở trách, kỷ luật con dân Chúa, vừa là người điều hành các mục vụ trong Hội Thánh địa phương do mình quản nhiệm. Khi thông công với các Hội Thánh địa phương khác, người giám mục cũng sẵn sàng và sốt sắng chia sẻ Lời Chúa, làm chứng, khích lệ.

Cảm tạ Chúa! Chúng ta được sống trong thời buổi công nghệ thông tin điện tử, Hội Thánh khắp nơi có thể cùng thông công với nhau trên mạng. Không riêng gì các giám mục, trưởng lão, mà con dân Chúa khắp nơi đều có cơ hội và phương tiện để chia sẻ, làm chứng, tâm tình, khuyên bảo, khích lệ lẫn nhau. Đó là chúng ta được Chúa ban ơn cho chúng ta có thêm cơ hội, phương tiện để kết nhiều quả lành, gây dựng lẫn nhau. Tiếc thay, có những người đã thờ ơ và thậm chí chối bỏ ơn phước này. Họ phí thì giờ vào các trang mạng xã hội của thế gian hơn là tranh thủ thời gian, vào các trang mạng của Hội Thánh, để học hỏi Lời Chúa và thông công với anh chị em cùng Cha của mình, góp phần gây dựng lẫn nhau trong đức tin.

“Những việc chưa hoàn thành” bao gồm công việc dạy Lời Chúa cho những người mới tin, hướng dẫn họ cách thức nhóm hiệp thờ phượng Chúa, cách thức thông công với nhau, căn dặn họ về các tà giáo, khuyên họ sống thánh khiết theo Lời Chúa…

Danh từ “các trưởng lão” trong câu này hàm ý là các giám mục (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:17, 28). Việc thiết lập thẩm quyền trong một Hội Thánh địa phương mới được thành lập thuộc về bổn phận và trách nhiệm của người sứ đồ hoặc người rao giảng Tin Lành đã mang Tin Lành đến tại địa phương ấy. Chính Đức Thánh Linh sẽ soi dẫn cho người sứ đồ hoặc người rao giảng Tin Lành trong việc nhận biết ai là người được Đức Chúa Jesus Christ giao cho chức vụ giám mục trong Hội Thánh địa phương (Ê-phê-sô 4:11).

6 Người nào cũng phải không chỗ trách được; chồng của một vợ; có con cái trung tín, không bị cáo là phóng đãng hoặc ngỗ nghịch.

Mỗi giám mục đều phải có cùng một phẩm chất cao quý mà Đức Thánh Linh đã dùng Phao-lô để ghi lại trong thư I Ti-mô-thê [2] và Tít.

Không chỗ trách được: Không có nghĩa là người không bao giờ phạm lỗi, nhưng là người biết nhận lỗi và chân thành nói lời xin lỗi khi phạm lỗi. Người không chỗ trách được là người hết lòng sống theo Lời Chúa, không cố ý phạm tội.

Chồng của một vợ: Chồng của một vợ không có nghĩa là suốt đời chỉ có một vợ, không tái hôn sau khi vợ qua đời hay sau khi ly dị (trường hợp vợ phạm tội mà không ăn năn, bị dứt thông công). Chồng của một vợ chỉ có nghĩa đơn giản là không được cùng một lúc có nhiều vợ. Chồng của một vợ cũng không có nghĩa là người trưởng lão phải có vợ.

Có con cái trung tín, không bị cáo là phóng đãng hoặc ngỗ nghịch: Trung tín là giữ vững đức tin nơi Lời Chúa và sống đúng với đức tin. Phóng đãng là nếp sống trụy lạc trong tội lỗi. Ngỗ nghịch là hỗn láo và không vâng lời cha mẹ. Nếu trưởng lão nào có con cái không trung tín, nhưng phóng đãng và ngỗ nghịch, thì người ấy phải dứt thông công đứa con hư ấy. Nếu không, thì người ấy không thể tiếp tục làm trưởng lão trong Hội Thánh.

7 Vì người giám mục như quản gia của Thiên Chúa thì phải không chỗ trách được; chẳng nên: tự đắc, dễ giận, say rượu, hay tranh cạnh, tham lợi;

Người quản gia là người thay cho chủ, toàn quyền chăm sóc mọi việc trong nhà cho chủ.

Tự đắc: Tự đánh giá mình là hay, là giỏi, và chỉ muốn làm theo ý mình.

Dễ giận: Còn gọi là nóng tính; sẵn sàng cáu gắt, lớn tiếng khi không đúng ý mình.

Say rượu: Uống rượu nhiều quá mức cơ thể chịu đựng, khiến cho không còn tự kiềm chế được lý trí và thể xác.

Hay tranh cạnh: Không nhường nhịn người khác, không xem người khác là tôn trọng hơn mình; muốn áp đặt quan niệm, sở thích, ý muốn của mình lên người khác, buộc họ phải chiều theo ý mình; dựa trên quan điểm riêng của mình thay vì dựa trên Lời Chúa để phê bình người khác.

Tham lợi: Tham muốn bất cứ một điều gì đem lại lợi ích cho mình; nghĩa là vì sự lợi ích mà thỏa hiệp với những điều không đúng, hoặc vì lợi ích mà tự mình làm ra những sự không đúng với Lời Chúa. Tham muốn khác với ham muốn. Tham muốn là ham muốn một cách bất chính.

8 nhưng hiếu khách, yêu những sự lành, biết tự kiềm chế, công bình, thánh sạch, tự chủ,

Hiếu khách: Có lòng sốt sắng, tiếp đón, chăm sóc khách ghé lại nhà mình. Nhưng không có nghĩa là phải cung phụng những kẻ chỉ muốn lợi dụng lòng hiếu khách của mình.

Yêu những sự lành: Tìm kiếm những sự lành, vui thích trong những sự lành, sốt sắng làm những sự lành, thông công mật thiết với những người yêu những sự lành. Những sự lành là những sự không nghịch lại Lời Chúa, được Lời Chúa khích lệ, kêu gọi loài người tìm kiếm và làm ra.

Biết tự kiềm chế: Không để cho bất cứ điều gì làm cho mình mất bình tĩnh, mất tự chủ, không để cho cảm xúc lấn áp lý trí, không ghiền bất cứ thứ gì.

Công bình: Hoàn toàn vâng theo Lời Chúa mà hành xử trong mọi sự.

Thánh sạch: Không dính dáng đến thần tượng, mê tín dị đoan, không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, giữ gìn vệ sinh thân thể.

Tự chủ: Tự mình quản trị thân thể xác thịt, không chiều theo những ham muốn bất chính của nó. Không nghe theo lời dẫn dụ, cám dỗ phạm tội từ bất cứ ai.

9 giữ vững Lời Thành Tín theo như đã được dạy, để có thể trong giáo lý lành mà khuyên bảo và quở trách những kẻ cãi trả.

Giữ vững Lời Thành Tín: Đọc, suy ngẫm, tin và cẩn thận làm theo, đồng thời rao giảng cho nhiều người khác. Lời Thành Tín là lời không thay đổi, luôn ứng nghiệm, là Thánh Kinh, là Lời của Thiên Chúa.

Giáo lý lành: Những sự giảng dạy đúng theo Thánh Kinh, ra từ Thánh Kinh.

Khuyên bảo và quở trách những kẻ cãi trả: Đối với những kẻ cãi trả khi nghe rao giảng Lời Chúa, thì người giám mục có bổn phận phải dùng Lời Chúa để khuyên bảo họ. Sau khi khuyên bảo mà họ không nghe theo, thì dùng Lời Chúa mà quở trách họ. Nếu đã quở trách mà họ vẫn không nghe, thì phải dứt thông công họ.

10 Vì có nhiều người ngỗ nghịch, hay nói những lời hư không và phỉnh dỗ, nhất là trong những kẻ chịu cắt bì.

Từ câu 10 đến câu 16 Phao-lô hướng dẫn Tít cách ứng xử với những kẻ xấu trong Hội Thánh.

Trong Hội Thánh lúc nào và ở đâu cũng có những kẻ ngỗ nghịch, tức là những kẻ hỗn láo và không vâng lời. Những kẻ ấy hay nói những lời không có giá trị, vì nói theo sự hiểu biết sai trái của họ, nói theo những tiêu chuẩn của thế gian, nói theo những điều họ học được từ những kẻ rao giảng tà giáo, và nói theo những sự tà linh đặt để vào tâm trí của họ.

Vào thời của Phao-lô, những người I-sơ-ra-ên có nguồn gốc từ Do-thái Giáo đã buộc con dân Chúa người ngoại phải chịu cắt bì, phải giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước, phải kiêng các thức ăn bị xem là không tinh sạch thời Cựu Ước. Chúng ta nên nhớ: Do-thái Giáo là một tôn giáo chỉ thờ phượng Thiên Chúa theo hình thức, do loài người lập ra vào cuối thời Cựu Ước, bị Chúa quở trách qua Tiên Tri Ma-la-chi. Tương tự như vậy, trong thời Tân Ước, Cơ-đốc Giáo (Christianity) cũng là một hệ thống tôn giáo do loài người lập ra, chỉ thờ phượng Chúa theo hình thức. Cả hai: Do-thái Giáo và Cơ-đốc Giáo đều băng hoại bởi sự thay thế điều răn của Thiên Chúa bằng điều răn của loài người, là những điều nghịch lại Lời Chúa.

Phao-lô đang nói đến những người Cơ-rết ngỗ nghịch, nhưng ông cũng nói thêm là người theo Do-thái Giáo cũng ngỗ nghịch như vậy.

Những kẻ ngỗ nghịch rất giỏi trong việc phỉnh dỗ người khác đi vào con đường tà giáo, chống nghịch Chúa như họ.

11 Những kẻ ấy cần phải bị khớp miệng. Họ vì lợi nhơ bẩn mà phá đổ cả nhà của người ta, dạy những điều không nên dạy.

Động từ “khớp miệng” có nghĩa đen là dùng một vật gì đó để bịt miệng, không cho nói; nghĩa bóng là không cho phép nói. Cách hữu hiệu nhất để “khớp miệng” những kẻ ấy là tránh xa họ, tức là dứt thông công với họ, như Đức Thánh Linh đã truyền qua Phao-lô, trong Tít 3:10.

Lợi nhơ bẩn là lợi do các giáo hội ban thưởng cho họ khi họ phỉnh dỗ được nhiều người gia nhập giáo hội, hoặc tiền bạc, của cải con dân Chúa dâng hiến lên Chúa bị họ lạm dụng, khi họ gạt được những con dân Chúa thiếu hiểu biết. Những lời hư không và phỉnh dỗ của họ làm cho những người nghe theo họ bị sa vào tà giáo, dẫn đến cả nhà bị sai lạc lẽ thật.

Những điều không nên dạy là những điều không đúng với Thánh Kinh.

12 Một người trong bọn họ, một tiên tri của họ, nói: Người Cơ-rết hay nói dối, {là} thú dữ, biếng nhác, tham ăn.

Một người trong bọn họ: Một người trong dân Cơ-rết.

Một tiên tri của họ: Tiên tri cho tà thần. Dân Cơ-rết thờ tà thần sấm sét gọi là Giu-bi-tê (Jupiter), được tiêu biểu bằng Mộc tinh. Ba-na-ba đã có lần được dân chúng thành Lít-trơ tôn làm tà thần Giu-bi-tê (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:12).

Hay nói dối: Loài người sống trong tội thì không ai là không nói dối, nhưng có lẽ dân Cơ-rết là nổi tiếng nhất về sự nói dối.

Thú dữ: Bản tính hung dữ như các loài thú dữ, không biết thương xót, dùng sức mạnh để lấn át người khác, thu lợi cho mình.

Biếng nhác: Không siêng năng làm việc để tự nuôi sống bản thân và giúp ích người khác.

Tham ăn: Thích ăn uống quá độ.

13 Lời chứng ấy là thật. Vì vậy mà con hãy quở trách họ cách nghiêm khắc, để cho họ được tốt lành trong đức tin.

Qua thời gian tiếp xúc với dân Cơ-rết trong khi giảng Tin Lành cho họ, Phao-lô đã nhận thấy lời người Cơ-rết tự nói về họ là đúng. Những người Cơ-rết mới tin Chúa, nếu không chịu từ bỏ thói quen cũ, nếp sống cũ, thì sẽ mang những thói xấu vào trong Hội Thánh. Vì thế, Tít cần nghiêm khắc quở trách họ, để giúp họ sửa đổi mà trở nên tốt lành trong đức tin nơi Chúa. Tốt lành trong đức tin là tin và sống đúng theo Lời Chúa dạy.

Chúng ta thấy, có những trường hợp cần phải quở trách cách nghiêm khắc. Chữ “quở trách cách nghiêm khắc” có thể được dịch là quở trách nặng. Nghĩa đen của chữ “nghiêm khắc” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là: sắc bén như vết chém.

14 Đừng nghe những chuyện nhảm của người Do-thái và các điều răn của loài người, {vì} chúng xoay khỏi lẽ thật.

Những chuyện nhảm nhí của người Do-thái: Những khoe khoang về các gia tộc, chi phái, cùng các câu chuyện liên quan đến Thiên Chúa, các thiên sứ, sự sáng tạo… không đúng theo Thánh Kinh. Đó là những câu chuyện pha trộn các chi tiết trong Thánh Kinh với những huyền thoại của ngoại giáo, do Sa-tan gieo rắc. Đó là sở trường của Sa-tan từ xưa đến nay, nhằm lôi kéo con dân Chúa lìa xa lẽ thật, khiến con dân Chúa thờ phượng Chúa không bằng lẽ thật. Điển hình là sự thờ phượng Chúa qua hai ngày lễ: Christmas và Easter!

Các điều răn của loài người: Các điều răn được các giáo hội nhân danh Chúa để đặt ra, nhưng hoàn toàn nghịch lại Lời Chúa; điển hình là điều răn bỏ đi sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, điều răn thay thế ngày Sa-bát Thứ Bảy bằng ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, điều răn buộc con dân Chúa phải dâng 1/10 thu nhập cho giáo hội.

15 Mọi sự chắc chắn {là} tinh sạch cho những người tinh sạch; nhưng chẳng có sự gì {là} tinh sạch cho những kẻ ô uế và chẳng tin, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng bị ô uế.

Trong câu này, Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh đến việc những người theo Do-thái Giáo buộc con dân Chúa người ngoại phải kiêng cử các thức ăn bị kể là không tinh sạch trong thời Cựu Ước, và có những người theo Do-thái Giáo còn cho rằng, không nên kết hôn vì quan hệ tính dục là ô uế. Phao-lô đã có nói đến vấn đề này trong thư gửi cho Ti-mô-thê:

“Chúng cấm cưới gả, kiêng các thức ăn mà Đức Chúa Trời đã dựng nên cho những ai tin và biết lẽ thật nhận lấy với lời cảm tạ.” (I Ti-mô-thê 4:3).

Về thức ăn không tinh sạch: Họ không hiểu rằng, trong khải tượng Chúa ban cho Sứ Đồ Phi-e-rơ, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16, Chúa đã dạy cho Phi-e-rơ để ông truyền lại cho Hội Thánh các điều sau đây:

  • Đức Chúa Trời đã làm sạch mọi thứ không tinh sạch, từ loài vật cho đến loài người. Đức Chúa Trời ba lần lập lại cùng một lời phán với Phi-e-rơ: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy.”
  • Từ đó trở đi, người Do-thái không được coi khinh các dân tộc khác là ô uế, không tinh sạch vì cớ họ không chịu cắt bì, hoặc vì cớ họ ăn các thức ăn bị cho là không tinh sạch trong thời Cựu Ước.
  • Cũng từ đó không còn sự phân biệt các loài thú vật tinh sạch hoặc không tinh sạch. Các loài thú vật đều được dùng làm thực phẩm cho loài người như trước thời kỳ Cựu Ước.

Xin quý ông bà anh chị em đọc bài “Mạng Lệnh của Thiên Chúa về Thức Ăn của Loài Người” được đăng trên www.biengiao.timhieutinlanh.net để biết thêm chi tiết [3].

Về sự cấm cưới gả: Mệnh lệnh của Thiên Chúa ban cho loài người từ khi sáng thế về việc hãy sinh sản, làm cho đầy dẫy đất (Sáng Thế Ký 1:28) vẫn còn hiệu lực cho đến khi kết thúc Vương Quốc Ngàn Năm. Và quan hệ tính dục trong hôn nhân không phải là điều ô uế, vì đó là điều do Thiên Chúa thiết lập. Thậm chí, Đức Thánh Linh còn xem sự quan hệ tính dục của vợ chồng quan trọng hơn là sự chồng hay vợ biệt riêng mình ra để cầu nguyện:

“Các anh chị em đừng từ chối nhau, trừ khi cùng bằng lòng dành một thời gian chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện, rồi trở lại cùng nhau, để Sa-tan không cám dỗ các anh chị em khi các anh chị em thiếu kiềm chế.” (I Cô-rinh-tô 7:5).

Đã là vợ chồng thì không nhất thiết phải biệt riêng mình ra để cầu nguyện, mà nên hiệp một với nhau để cầu nguyện. Ngoại trừ trường hợp một trong hai người phạm tội chưa chịu ăn năn, thì người kia phải biệt riêng mình ra để cầu thay.

Sự cấm cưới gả chỉ khiến cho tội tà dâm càng phát triển. Đức Thánh Linh đã phán dạy con dân Chúa nên có vợ, có chồng, để tránh phạm tà dâm (I Cô-rinh-tô 7:2).

Phao-lô dùng cách nói “chắc chắn là tinh sạch” để đánh tan mọi lập luận cho rằng, thời Tân Ước vẫn có những thức ăn bị cho là không tinh sạch. Ngày nay, con dân Chúa có quyền chọn không ăn một số thức ăn vì bản thân họ không thích, nhưng không thể nói họ không ăn thức ăn đó vì Thánh Kinh gọi đó là thức ăn không tinh sạch.

Đối với những người ô uế, là những người ưa thích hình tượng, ưa thích những điều mê tín dị đoan như xem bói, đoán số mạng, chấm tử vi, chọn ngày tốt, thờ lạy thần tượng, nhất là thờ lạy “Thần Tôi”, không giữ ngày Sa-bát thánh của Chúa, làm cho ngày ấy bị ô uế (Ê-sai 56:2), không tin vào Lời Chúa, thì ngay cả quan hệ tính dục hợp pháp giữa vợ chồng cũng bị họ làm ra ô uế, và những thức ăn tinh sạch nhất, cũng trở thành ô uế khi vào trong thân thể của họ. Chẳng những thân thể họ ô uế, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng ô uế. Giống như một người bẩn thỉu mặc quần áo sạch vào thì quần áo sạch cũng trở thành bẩn thỉu, cầm ổ bánh sạch lên tay thì ổ bánh sạch cũng trở thành bẩn thỉu.

Khi một người bị ô uế vì tội lỗi thì người ấy bị ô uế toàn diện: từ tâm thần, linh hồn, cho đến xác thịt. Khi một người được rửa sạch tội bởi máu của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy được tinh sạch toàn diện: từ tâm thần, linh hồn, cho đến xác thịt. Người đã được tinh sạch bởi đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì cần tiếp tục giữ mình thánh sạch bởi Lời Chúa (Giăng 17:17), bằng cách đọc, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo.

16 Họ xưng họ biết Thiên Chúa nhưng {trong} những việc làm thì họ chối bỏ {Ngài}, trở nên đáng ghét, không vâng phục, và không xứng đáng cho bất cứ việc lành nào.

Từ thời của Phao-lô cho đến thời nay, trong Hội Thánh vẫn luôn có những kẻ xưng mình là con dân của Chúa, nhưng nếp sống của họ lại giống như nếp sống của những kẻ thù nghịch thập tự giá (Phi-líp 3:18). Những việc làm chối bỏ Chúa là bất cứ việc làm nào nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa, nghịch lại những sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Người xưng nhận mình biết Chúa mà lại làm ra những việc làm chối bỏ Chúa, thì đương nhiên trở thành những người đáng ghét, đáng gớm ghiếc, không vâng phục, không xứng đáng để tham dự bất cứ một việc gì ở trong Hội Thánh, kể cả tham dự thờ phượng Chúa. Nếu người ấy không ăn năn sau khi được khuyên dạy, thì Hội Thánh cần phải loại trừ ngay, để giữ gìn sự tinh sạch của Hội Thánh.

Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho mỗi chúng ta hiểu biết và ghi nhớ sự dạy dỗ trong Tít đoạn 1, để chúng ta nhận biết các phẩm chất phải có của các giám mục trong Hội Thánh, và theo gương họ. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ thêm ân điển cho chúng ta khi chúng ta thương và ghét theo sự yếu đuối của xác thịt, để chúng ta biết thương và ghét theo tiêu chuẩn của Chúa, mà dứt khoát loại trừ những người có tội mà không chịu ăn năn. Nguyện Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta giữ gìn chúng ta luôn trọn vẹn từ tâm thần, linh hồn, cho đến thân thể xác thịt, sẵn sàng cho sự hiện đến của Đấng Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/12/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Xin Vững Tin Tình Yêu Thiên Chúa”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-xin-vung-tin-tinh-yeu-thien-chua/

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-12_thanh-kinh-goi-duc-chua-jesus-christ-la-thien-chua/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-3_1-16/

[3] http://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=43

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.