Chú Giải Tít 03:01-15

4,864 views

Chú Giải Tít 3:1-15
Những Sự Dạy Dỗ cho Người Mới Tin Chúa (2)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Hãy nhắc họ vâng phục những người đứng đầu và những thẩm quyền, vâng lời cấp trên, sẵn sàng cho mỗi việc lành,

2 chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dịu dàng, tỏ ra hết sức nhu mì đối với mọi người.

3 Vì chúng ta cũng từng ngu dại, bội nghịch, bị lừa dối, phục vụ cho đủ thứ tham muốn và khoái lạc, sống trong sự độc ác, ganh tỵ, căm ghét, thù ghét lẫn nhau.

4 Nhưng khi lòng từ ái, tình yêu loài người của Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu chúng ta, đã được tỏ ra,

5 không phải bởi những việc làm công bình mà chúng ta đã làm, nhưng theo lòng thương xót của Ngài mà Ngài cứu chúng ta, bởi sự rửa của sự tái sinh và sự đổi mới của thánh linh,

6 {là} sự Ngài đã đổ ra trên chúng ta cách dư dật qua Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

7 để được xưng công bình bởi ân điển của Ngài, mà chúng ta trở nên những con kế tự theo sự trông cậy của sự sống đời đời.

8 Lời đáng tin này và những sự này, ta muốn con khẳng định, để những ai đã tin Đức Chúa Trời cẩn thận, chuyên tâm {về} những việc lành. Những sự ấy là tốt lành và có ích cho mọi người.

9 Nhưng hãy tránh những câu hỏi ngu dại, những gia phổ, những sự cãi lẫy và tranh cạnh về luật pháp, vì chúng không có ích và hư không.

10 Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa.

11 Hãy biết rằng, kẻ băng hoại và phạm tội như thế, thì tự lên án chính mình.

12 Khi ta sẽ sai A-tê-ma hoặc Ti-chi-cơ đến với con, thì hãy vội vã đến với ta tại thành Ni-cô-bô-li; vì ta đã định qua mùa đông tại đó.

13 Hãy gửi Luật Sư Xê-na và A-bô-lô đi trước, {hãy làm} cách hết lòng, để họ không bị thiếu gì.

14 Những người thuộc về chúng ta cũng hãy học tập chuyên tâm {về} những việc lành cho những sự cần dùng, để cho họ chẳng bị sự không kết quả.

15 Hết thảy những người ở cùng ta gửi lời chào con. Hãy chào những người yêu chúng ta trong đức tin. Nguyện ân điển {ở} với hết thảy các anh chị em!

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjE2NjE1Njdf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9056030-tit-3_1-15
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/z05nnvl4938gbc3/9056030_Tit_3_1-15.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Tít đoạn 3 tiếp nối với đoạn 2, vẫn là những lời Phao-lô khuyên dạy Tít về cách thức dạy dỗ con dân Chúa trong Hội Thánh, đặc biệt là những người mới tin Chúa. Các câu cuối là lời dặn riêng cho Tít và lời chào thăm, chúc phước.

1 Hãy nhắc họ vâng phục những người đứng đầu và những thẩm quyền, vâng lời cấp trên, sẵn sàng cho mỗi việc lành,

Người giám mục có bổn phận nhắc con dân Chúa vâng phục những người đứng đầu và thẩm quyền của họ.

Những người đứng đầu là danh từ được dùng để chỉ chung các bậc lãnh đạo trong mọi hình thức tổ chức, từ gia đình đến học đường, từ hãng xưởng đến chính quyền các cấp, và trong Hội Thánh là các giám mục.

Thẩm quyền là quyền được ban cho một người, một cơ quan, để người và cơ quan có chức vụ làm tròn chức vụ của họ. Mọi thẩm quyền đến từ Thiên Chúa, được loài người công nhận và giao phó cho nhau.

“Mọi người phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên, ai chống cự một quyền, tức là đối nghịch với mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối nghịch thì chuốc lấy án phạt vào mình.” (Rô-ma 13:1-2).

Những người đứng đầu luôn có thẩm quyền tương xứng với chức vụ của họ. Vâng phục những người đứng đầu tức là vâng phục quyền Thiên Chúa đã ban cho họ. Không vâng phục những người đứng đầu cũng chính là chống nghịch mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Sự con dân Chúa vâng phục những người đứng đầu và thẩm quyền đã ban cho họ, thể hiện qua sự làm theo lời nói của họ, là để sẵn sàng làm ra mỗi một việc lành, không phải để làm ra những việc nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa. Vì thế, khi người đứng đầu, cấp trên lạm dụng thẩm quyền, truyền cho con dân Chúa làm ra những việc không lành, không đúng với Lời Chúa, thì con dân Chúa không vâng theo.

Sẵn sàng cho mỗi việc lành là lúc nào cũng sẵn sàng để hành xử theo Lời Chúa trong mọi việc, bất kể là việc nhỏ hay việc lớn, việc riêng hay việc chung, việc dễ hay việc khó. Cuộc sống mỗi ngày của con dân Chúa là tập hợp những việc lành do con dân Chúa làm ra, từ việc ăn, việc uống cho đến bất cứ việc gì khác (I Cô-rinh-tô 10:31). Muốn sẵn sàng cho mỗi việc lành thì chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa đem ra khỏi tâm trí của mình những sự nhận thức theo đường lối của thế gian, những tiêu chuẩn đánh giá mọi sự theo thế gian, và xin Chúa thay vào đó là sự khôn sáng đến từ Chúa, để chúng ta biết đánh giá và phán đoán mọi sự theo những sự dạy dỗ từ Lời Chúa. Khi đối diện với mỗi một sự việc trong đời sống, chúng ta luôn tự hỏi mình:

  • Tôi đang dựa trên những tiêu chuẩn nào để đánh giá việc này, người này?
  • Việc này có nghịch lại lời Chúa hay không?
  • Nếu là việc không nghịch lại Lời Chúa thì việc này có ích lợi hay không? Có gây dựng hay không? Có làm tôn vinh Chúa hay không?
  • Việc này phải tiến hành như thế nào hoặc phải giải quyết như thế nào để đúng với Lời Chúa?
  • Có phải đây là thời điểm Chúa muốn tôi làm việc này hay không?
  • Những lời cáo tội người khác mà tôi đang nghe có chứng cớ rõ ràng mà tôi có thể kiểm chứng hay không? Nếu có chứng cớ thì tôi sẽ gặp người bị cáo tội vào lúc nào để nghe từ phía người ấy?
  • Tôi phải làm gì khi thấy anh chị em của mình phạm lỗi, phạm tội? Tôi phải làm gì khi thấy anh chị em của mình bị hiểu lầm, bị cáo oan?

Không sẵn sàng làm những việc lành đã được Chúa đem đến cho mình hoặc làm không trọn vẹn, không hết lòng, là có tội. Làm việc lành mà không theo ý Chúa, không đúng với Lời Chúa là có tội (hãy nhớ câu chuyện Ca-in và Vua Sau-lơ dâng của lễ, câu chuyện hai con trai của A-rôn dâng hương).

2 chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dịu dàng, tỏ ra hết sức nhu mì đối với mọi người.

Nói xấu là đem việc sai trái của một người ra nói với người khác với mục đích gièm chê, lên án người ấy, khác với sự đau lòng nói với nhau để cầu thay cho người ấy. Những đôi vợ chồng rất dễ đem chuyện xấu của người khác ra nói với nhau để gièm chê người có lỗi. Ngay cả khi chúng ta thuật lại việc người khác có lỗi với mình, với mục đích than phiền, thì cũng là phạm tội nói xấu, chưa tha thứ. Nói xấu mà không có chứng cớ thì phạm thêm tội vu khống. Ngoài ra, nói xấu cũng là nói những lời miệt thị người khác, mắng chửi người khác.

Tranh cạnh là dành phần hơn với nhau, muốn mình là người trội hơn người khác, nói những lời hoặc làm ra những hành động để dìm người khác xuống, nâng mình lên cao.

Dịu dàng là lời nói, thái độ mềm mại phát xuất từ lòng yêu thương và cảm thông. Nhu mì là lời nói, thái độ hạ mình, không khoe khoang, nhường nhịn, xem mọi người là tôn trọng hơn mình.

3 Vì chúng ta cũng từng ngu dại, bội nghịch, bị lừa dối, phục vụ cho đủ thứ tham muốn và khoái lạc, sống trong sự độc ác, ganh tỵ, căm ghét, thù ghét lẫn nhau.

Trước khi tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa, cho dù chúng ta có khôn khéo đến đâu theo tiêu chuẩn của thế gian, thì chúng ta cũng chỉ là những kẻ ngu dại, bội nghịch, bị lừa dối, phục vụ cho đủ thứ tham muốn và khoái lạc, sống trong sự độc ác, ganh tỵ, căm ghét, thù ghét lẫn nhau.

Ngu dại vì không nhận biết Thiên Chúa, không nhận biết tình yêu của Ngài, không nhận biết mình đang chống nghịch Thiên Chúa và đang ở trong sự hư mất đời đời. Ngu dại vì không nhận biết những sự yêu thương, công bình, thánh khiết đúng theo Lẽ Thật.

Bội nghịch vì không biết ơn, không biết tôn thờ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra mình, ban cho mình mọi nhu cầu. Bội nghịch vì vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Bị lừa dối là bị ma quỷ mạo làm thiên sứ sáng láng, qua các tà thần, qua các lãnh tụ tôn giáo, qua các lãnh tụ chính trị, qua các triết gia… dùng những tiêu chuẩn tin kính và đạo đức không đúng Lẽ Thật để lừa dối. Bị lừa dối còn là bị chính mình lừa dối mình cứ tiếp tục sống trong cuộc sống tội lỗi, vô nghĩa, nghịch lại lương tâm.

Phục vụ cho đủ thứ tham muốn và khoái lạc: Tham muốn là những ham muốn không đúng với Lời Chúa. Khoái lạc là sự vui vẻ, sung sướng. Hai từ tham muốn và khoái lạc được dùng chung với nhau, hàm ý sự vui vẻ, sung sướng ra từ sự tham muốn được thỏa mãn. Người không có Chúa thì chỉ biết sống sao cho thỏa những sự ham muốn, bất kể là chính đáng hay không chính đáng. Thực tế, người không có Chúa thì có nhiều ham muốn không chính đáng hơn là ham muốn chính đáng. Bởi vì tội lỗi ngày càng dẫn người ta đi sâu vào trong chỗ đánh mất nhân phẩm, nhân tính, chỉ còn biết sống sao cho thỏa những sự ham muốn của xác thịt và sự kiêu ngạo của linh hồn!

Hậu quả là người ta sống trong sự độc ác, đối xử độc ác với người khác và bị người khác đối xử độc ác trở lại. Người ta ganh tỵ lẫn nhau, dẫn đến sự căm ghét và thù ghét lẫn nhau. Căm ghét người khác khi người khác hơn mình và thù ghét người khác khi người khác triệt hạ mình.

4 Nhưng khi lòng từ ái, tình yêu loài người của Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu chúng ta, đã được tỏ ra,

5 không phải bởi những việc làm công bình mà chúng ta đã làm, nhưng theo lòng thương xót của Ngài mà Ngài cứu chúng ta, bởi sự rửa của sự tái sinh và sự đổi mới của thánh linh,

Lòng từ ái là lòng yêu thương và cư xử tốt. Thiên Chúa là tình yêu nên đương nhiên Ngài có lòng từ ái. Lòng từ ái của Thiên Chúa đối với loài người được Thánh Kinh gọi là: “Tình yêu loài người của Thiên Chúa”. Tình yêu loài người của Thiên Chúa khiến cho Thiên Chúa đặt loài người làm cao trọng hơn tất cả mọi loài thọ tạo, kể cả các thiên sứ. Các thiên sứ được Thiên Chúa dựng nên để phục vụ Ngài và phục vụ những người thuộc về Ngài. Loài người được thừa hưởng cơ nghiệp của Thiên Chúa, cùng Đức Chúa Jesus Christ cai trị cơ nghiệp ấy, và có quyền phán xét các thiên sứ (I Cô-rinh-tô 6:3). Kể cả khi loài người sa ngã, phạm tội, và bị hư mất, thì tình yêu loài người của Thiên Chúa cũng đã đem lại cho loài người sự cứu rỗi. Kể cả sau khi được cứu rỗi, loài người trở lại phạm tội vì yếu đuối, vì thiếu hiểu biết, thì tình yêu loài người của Thiên Chúa vẫn khiến cho loài người có cơ hội ăn năn, hối cải.

Thiên Chúa giải cứu loài người không phải vì loài người đã làm ra những sự tốt lành gì, đẹp ý Thiên Chúa. Thánh Kinh thường dùng từ ngữ “việc làm công bình” để gọi chung tất cả những việc làm nào là tốt lành theo ý của Thiên Chúa. Chính vì thế mà khi một người tin nhận Thiên Chúa thì Ngài xem người ấy là một người công bình, vì người thật lòng tin nhận Thiên Chúa thì luôn sống theo Lời Chúa, luôn làm ra những việc tốt lành đẹp ý Thiên Chúa. Không ai có thể làm ra một việc tốt lành nào, đẹp ý Thiên Chúa, cho đến khi người ấy tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Thiên Chúa yêu loài người không chỉ khi loài người vâng phục Ngài mà cả khi loài người chống nghịch Ngài, và Thánh Kinh gọi đó là sự thương xót của Thiên Chúa đối với loài người. Sự thương xót là sự yêu thương một đối tượng không xứng đáng để được yêu, là sự yêu kẻ thù nghịch và làm ơn cho kẻ thù nghịch. Thiên Chúa đã cứu loài người ra khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, ra khỏi hậu quả của tội lỗi đang khi loài người chống nghịch Ngài:

“Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta: Khi chúng ta còn là những người có tội, thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8).

Câu 5 nói rõ cách thức Thiên Chúa cứu rỗi loài người bao gồm hai phương diện và cũng là hai bước: sự rửa của sự tái sinh và sự đổi mới của thánh linh.

Sự rửa của sự tái sinh là sự làm cho sạch tội để được trở nên một người mới. Một người khi chống nghịch Thiên Chúa bởi sự vi phạm các điều răn của Ngài, thì người ấy thành ra ô uế và đang chết, tức là đang bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa và mọi ơn phước của Ngài. Tội lỗi có tính lây lan và nhanh chóng hủy diệt những gì tốt lành trong một người mà Thiên Chúa đã ban cho khi Ngài dựng nên người ấy. Thánh Kinh đã dùng chứng phong hủi, tức bệnh cùi, để tiêu biểu cho tội lỗi. Thiên Chúa dùng chính máu của Ngài, tức mạng sống của Ngài trong thân vị loài người, và Lời phán của Ngài, tức những sự dạy dỗ của Ngài, giáo lý của Ngài, để rửa một người sạch khỏi mọi tội lỗi, làm cho người ấy được sống lại, tức được kết nối trở lại với Thiên Chúa và ở trong mọi ơn phước của Ngài. Máu của Thiên Chúa rửa sạch trách nhiệm về tội lỗi, nghĩa là người phạm tội không còn phải chịu hình phạt về mọi tội lỗi của mình, không còn bị hư mất đời đời trong hỏa ngục, vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay cho người ấy hình phạt của tội lỗi, bằng cách Ngài chịu đổ máu, tức hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá. Lời phán của Ngài là tất cả những gì được Ngài phán dạy, là Lời của sự sống đời đời, giữ cho bất cứ ai tin và làm theo luôn được tinh sạch, luôn được sống động trong ân điển của Thiên Chúa.

“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (I Giăng 1:7).

“…Đức Chúa Jesus Christ, Chứng Nhân Thành Tín, con đầu lòng từ những kẻ chết, Đấng cầm quyền của các vua trên đất, {Đấng} yêu chúng ta và đã rửa sạch chúng ta khỏi những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài…” (Khải Huyền 1:5).

“Thì Si-môn Phi-e-rơ đáp lời Ngài: Lạy Chúa! Chúng tôi sẽ theo ai? Ngài có những lời của sự sống đời đời.” (Giăng 6:68).

“Bây giờ, các ngươi đã được trong sạch, bởi Lời mà Ta đã phán với các ngươi.” (Giăng 15:3).

Người tiếp nhận sự rửa sạch tội và sự tái sinh từ Thiên Chúa thì lập tức được Đức Thánh Linh là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự vào trong thân thể xác thịt của người ấy, đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa trong người ấy. Thánh linh của Thiên Chúa là sự sống, năng lực, và đủ mọi ơn từ Thiên Chúa, giúp đổi mới người đã được tái sinh, khiến người ấy giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24); giúp cho người ấy ngày càng hiểu biết Thiên Chúa và Lời của Thiên Chúa, là Thánh Kinh, càng hơn; giúp cho người ấy có sự khôn sáng trong khi ứng xử với mọi sự trong thế gian; giúp cho người ấy vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách, giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra, để đem người ấy vào thiên đàng.

“Ai tin vào Ta thì những dòng nước của sự sống sẽ chảy ra từ trong lòng của người ấy, như Thánh Kinh đã nói. Ngài phán điều này về Đấng Thần Linh mà những ai tin vào Ngài sẽ nhận lấy, vì {bấy giờ} chưa có thánh linh, bởi Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển.” (Giăng 7:38-39).

“Các anh chị em chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em đã có bởi Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).

“Hãy bởi Đức Thánh Linh, Đấng ngự trong chúng ta, giữ lấy điều tốt lành đã phó thác {cho con}.” (II Ti-mô-thê 1:14).

Chúng ta không cần phải làm ra những việc công đức gì để được Thiên Chúa cứu rỗi. Chúng ta chỉ cần tin vào Thánh Kinh:

  • Công nhận mình là người có tội, vì đã phạm các điều răn của Thiên Chúa.
  • Thật lòng ăn năn về sự phạm tội của mình.
  • Hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Thì lập tức chúng ta được Thiên Chúa cứu chúng ta, rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta, tái sinh chúng ta, tức là dựng chúng ta thành một con người mới, giống như Ngài trong sự công bình và thánh sạch chân thật (thay cho sự công bình và thánh sạch giả dối của thế gian). Rồi chính Thiên Chúa ngự vào trong thân thể xác thịt của chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, năng lực, và đủ mọi ân tứ của Ngài, để chúng ta sống đẹp ý Ngài.

Chúng ta được cứu rỗi bởi ân điển của Thiên Chúa, tức là sự thương xót của Ngài dành cho chúng ta, và bởi sự chúng ta tin vào lời phán của Ngài, chứ không phải chúng ta được cứu bởi bất cứ một việc lành nào do chúng ta làm ra (Ê-phê-sô 2:8-9). Mọi việc lành chúng ta làm ra trước khi chúng ta được cứu, kể cả sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, đều là áo nhớp trước Thiên Chúa (Ê-sai 64:6), vì trong chúng ta có bản tính tội di truyền từ tổ phụ của chúng ta là A-đam. Cho dù chúng ta có thể giữ trọn các điều răn của Thiên Chúa theo hình thức bên ngoài, thì trong tâm trí của chúng ta vẫn có sự ham thích tội. Chỉ có máu của Đức Chúa Jesus Christ và Lời Hằng Sống của Ngài mới có thể rửa sạch bản tính tội trong chúng ta, và giữ cho chúng ta luôn được thánh sạch.

Sau khi chúng ta được rửa sạch tội, được tái sinh, được ban cho thánh linh mà chúng ta cố ý quay về sống trong tội, tức là cố ý sống trong sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ không còn cơ hội được cứu rỗi lần nữa (Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:25-29).

6 {là} sự Ngài đã đổ ra trên chúng ta cách dư dật qua Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

7 để được xưng công bình bởi ân điển của Ngài, mà chúng ta trở nên những con kế tự theo sự trông cậy của sự sống đời đời.

Sự Ngài đổ ra trên chúng ta cách dư dật là sự Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi bởi lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta. Động từ “đổ ra” được dùng trong câu 6 có nghĩa đen là đổ tràn ra, có nghĩa bóng là phân phát cách rộng rãi, được kèm theo trạng từ “dư dật”, cho thấy sự Thiên Chúa cứu rỗi loài người là có dư cho những ai tin nhận. Sự cứu rỗi ấy chỉ được ban cho chúng ta cách dư dật qua Đức Chúa Jesus Christ. Ngoài Đức Chúa Jesus Christ không có sự cứu rỗi:

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Sự cứu rỗi ấy khiến cho chúng ta được xưng công bình, tức là được xem là sống đúng với các điều răn của Thiên Chúa, cho dù trong quá khứ chúng ta đã bội nghịch Ngài, và trong buổi đầu theo Chúa chúng ta vẫn có thể vì yếu đuối nhất thời, vì thiếu hiểu biết mà phạm tội, miễn là chúng ta thật lòng ăn năn và hoàn toàn tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Mục đích và kết quả sự Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta là để chúng ta được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài, sống đời đời trong tình yêu của Ngài. Cơ nghiệp của Đức Chúa Trời là tất cả những gì Thiên Chúa đã sáng tạo và sẽ được Ngài làm cho mới lại, cùng mọi ơn phước của Ngài. Sự sống đời đời là sự thân thể xác thịt được phục sinh hoặc được biến hóa thành một thân thể xác thịt vinh quang, mãi mãi sống trong tình yêu của Thiên Chúa, trong sự thông công mật thiết với Ngài.

8 Lời đáng tin này và những sự này, ta muốn con khẳng định, để những ai đã tin Đức Chúa Trời cẩn thận, chuyên tâm {về} những việc lành. Những sự ấy là tốt lành và có ích cho mọi người.

Lời đáng tin này là lời Phao-lô nói về sự cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho loài người. Những sự này là những sự Phao-lô truyền dạy. Phao-lô muốn Tít khẳng định những điều ông viết cho Tít trước Hội Thánh, để con dân Chúa cẩn thận và chuyên tâm về những việc lành.

Cẩn thận là giữ cho sự làm lành được đúng theo Lời Chúa, không theo ý riêng (Phi-líp 2:13). Chuyên tâm là hết lòng làm như làm cho Chúa (Cô-lô-se 3:23).

Những sự ấy là những điều mà Phao-lô muốn cho Tít khẳng định trước Hội Thánh.

9 Nhưng hãy tránh những câu hỏi ngu dại, những gia phổ, những sự cãi lẫy và tranh cạnh về luật pháp, vì chúng không có ích và hư không.

Tránh những câu hỏi ngu dại là không trả lời những câu hỏi ngu dại. Phao-lô cũng đã khuyên Ti-mô-thê cùng một lời (II Ti-mô-thê 2:23). Người giám mục không nên tốn thời gian tranh luận với những kẻ không thật lòng tin Chúa, kiêu ngạo, hiểu sai Lời Chúa mà cứ muốn tranh luận. Những câu hỏi của họ dựa trên sự suy luận sai trái của họ về Lời Chúa, vì họ đang sống trong tội, đang kiêu ngạo, cho nên, dù có giảng giải lẽ thật cho họ thì họ cũng vẫn không thể nào hiểu được. Ngay sự kiện họ không chấp nhận lời giảng dạy của người giám mục, là người đã được Chúa giao cho công việc giảng dạy Lời Chúa, đã nói lên sự kiêu ngạo của chính họ. Chỉ khi nào một người thật lòng hạ mình ăn năn, xưng tội trước Chúa, hết lòng sống theo Lời Chúa, vâng phục thẩm quyền Chúa đặt để trong Hội Thánh, thì người ấy mới có thể hiểu đúng Lời Chúa. Vì chính Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, ngự trong người ấy, khai mở tâm trí cho người ấy và dẫn người ấy vào mọi lẽ thật (Giăng 16:13), giúp người ấy hiểu rõ những lời giảng dạy của các giám mục, người chăn, người giảng dạy Lời Chúa.

Tránh nói đến những gia phổ là tránh tham dự vào những sự khoe khoang về gia phổ của những người Do-thái. Phao-lô cũng đã khuyên Ti-mô-thê như vậy (I Ti-mô-thê 1:4). Những người Do-thái thường có thói quen khoe khoang về chi phái, về gia tộc của họ. Tuy nhiên, trong Hội Thánh của Chúa không có sự phân biệt giữa dân này với dân kia; mỗi người đều là chi thể của cùng một thân thể.

Tránh những sự cãi lẫy và tranh cạnh về luật pháp là:

  • Không cho phép bất cứ ai buộc con dân Chúa phải vâng theo bất cứ một điều luật hình bóng hoặc điều luật về lễ nghi thờ phượng nào trong Cựu Ước. Tiêu biểu cho luật hình bóng là sự cắt bì, làm hình bóng về sự cắt bỏ bản tính tội. Tiêu biểu cho luật về lễ nghi thờ phượng là sự dâng 1/10 và dâng các của lễ trong Cựu Ước.
  • Nhắc nhở con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Ngày nay, có nhiều người xưng mình là con dân Chúa mà cãi lẫy và tranh cạnh, không chịu vâng giữ điều răn thứ tư, là điều răn buộc con dân Chúa phải tôn thánh ngày Sa-bát của Chúa, là ngày Thứ Bảy trong tuần lễ.

Tất cả những câu hỏi ngu dại, những lời khoe khoang về gia phổ, những sự cãi lẫy và tranh cạnh về luật pháp đều không có ích lợi gì, vì chúng chỉ là những lời hư không, chẳng có giá trị.

10 Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa.

11 Hãy biết rằng, kẻ băng hoại và phạm tội như thế, thì tự lên án chính mình.

Mệnh lệnh của Đức Thánh Linh, được truyền cho Hội Thánh qua Sứ Đồ Phao-lô rất là rõ ràng: Đối với những kẻ theo tà giáo, Hội Thánh chỉ cần hai lần khuyên bảo, nếu họ không nghe, thì Hội Thánh phải tránh xa họ.

Đức Thánh Linh gọi những kẻ ấy là “băng hoại” có nghĩa là bị sụp đổ, hư hỏng đức tin vì nghe theo tà giáo. Tà giáo là bất cứ sự gì được nhân danh Chúa rao giảng, nhưng không đúng với Lời Chúa. Kẻ theo tà giáo phạm tội chống nghịch Đức Thánh Linh, vì đã không nghe theo sự cáo trách của Đức Thánh Linh, không tiếp nhận sự giảng dạy chân thật của các giám mục, người chăn, và người giảng dạy Lời Chúa mà Chúa đã đặt ra trong Hội Thánh. Khi họ không nghe lời khuyên bảo của Hội Thánh thì họ đã tự lên án cho họ, chuốc lấy sự hư mất:

“Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:16).

Khi kẻ theo tà giáo đã bị dứt thông công thì con dân Chúa phải tránh xa, thậm chí không chào hỏi hay mời vào nhà, vì họ không mang theo giáo lý lành của Thiên Chúa:

“Bất cứ ai nghịch lại, chẳng ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa. Còn ai ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy có cả Đức Cha lẫn Đức Con. Nếu ai đến với các anh chị em mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ đón kẻ ấy vào nhà, và cũng đừng chào hỏi kẻ ấy. Vì người nào chào hỏi kẻ ấy, tức là dự vào những việc ác của kẻ ấy.” (II Giăng 1:9-11).

Việc ác của những kẻ theo tà giáo là tiếp tay Sa-tan lường gạt loài người bằng cách nhân danh Chúa rao truyền những điều không đúng với Lời Chúa.

12 Khi ta sẽ sai A-tê-ma hoặc Ti-chi-cơ đến với con, thì hãy vội vã đến với ta tại thành Ni-cô-bô-li; vì ta đã định qua mùa đông tại đó.

Chúng ta không biết gì về A-tê-ma, vì không có chỗ nào khác trong Thánh Kinh hay trong lịch sử của Hội Thánh nói về A-tê-ma. Có lẽ, A-tê-ma là một trong những người tin Chúa và theo Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo cuối cùng của ông.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì Ti-chi-cơ là người giúp Phao-lô chép thư Cô-lô-se, đang khi Phao-lô bị tù lần thứ nhất tại Rô-ma. Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4; Ê-phê-sô 6:21; và II Ti-mô-thê 4:12; và Tít 3:12 thì Ti-chi-cơ là một trong các người đồng hành với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo, từ khoảng năm 54 đến năm 64. Vào năm 67 và 68 khi Phao-lô bị chính quyền La-mã bắt giam lần thứ nhì thì Ti-chi-cơ lại đến Rô-ma, để giúp việc cho Phao-lô, cho đến khi Phao-lô bị xử chém vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm 68. Có thể Ti-chi-cơ là anh em với Trô-phim (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4). Suốt mười năm Ti-chi-cơ theo chân Phao-lô trong các chuyến truyền giáo cùng gánh chịu những gian nan, thử thách như Phao-lô đã mô tả trong II Cô-rinh-tô 11:23-27, và có mặt bên cạnh Phao-lô trong những ngày tháng cuối cùng của Phao-lô trên đất, Ti-chi-cơ thật xứng đáng là bạn đồng công phục vụ Chúa cách trung tín với Phao-lô.

Phao-lô muốn A-tê-ma hoặc Ti-chi-cơ thay thế Tít trong vai trò giám mục tại Cơ-rết, để Tít có thể tiếp tục đồng hành với ông trong hành trình truyền giáo cuối cùng của ông.

13 Hãy gửi Luật Sư Xê-na và A-bô-lô đi trước, {hãy làm} cách hết lòng, để họ không bị thiếu gì.

Danh từ “luật sư” được dùng trong câu này có thể chỉ về những thầy dạy luật người Do-thái trong Do-thái Giáo hoặc chỉ về những luật sư phụ trách các việc liên quan đến pháp luật cho các công dân La-mã. Chúng ta không biết gì hơn về Xê-na nhưng chắc chắn Xê-na không phải là một thầy dạy luật trong Do-thái Giáo, vì không có lý do gì Phao-lô lại dùng danh xưng ấy cho con dân Chúa trong Hội Thánh, cho dù trước đây Xê-na có mang chức vụ ấy trong Do-thái Giáo. Vì thế, có lẽ Xê-na là một luật sư phụ trách các việc liên quan đến luật pháp của La-mã, đã tin nhận Chúa và cùng đi truyền giáo với A-bô-lô.

A-bô-lô là một nhà truyền giáo đầy ơn được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-28.

Có lẽ A-bô-lô và Xê-na đang trên đường ghé lại Cơ-rết và Phao-lô muốn Tít đích thân lo việc chu cấp những sự cần thiết cho hành trình truyền giáo của họ, như quyên góp tiền bạc, vật dụng trong Hội Thánh để chu cấp cho họ. Làm cách hết lòng là làm như làm cho Chúa.

14 Những người thuộc về chúng ta cũng hãy học tập chuyên tâm {về} những việc lành cho những sự cần dùng, để cho họ chẳng bị sự không kết quả.

Những người thuộc về chúng ta: Những người thuộc về chức vụ sứ đồ và truyền giáo.

Chuyên tâm về những việc lành cho những sự cần dùng: Chuyên tâm làm những việc hợp pháp để kiếm sống, để chi tiêu cho mọi nhu cầu trong cuộc sống.

Phao-lô kêu gọi Tít lo việc tiếp trợ cho Xê-na và A-bô-lô nhưng ông cũng nhắc đến tinh thần tự làm việc kiếm sống của những người đi khắp đó đây để rao giảng Tin Lành. Nếu chỉ trông cậy vào sự tiếp trợ của các Hội Thánh địa phương thì sự hoạt động của họ sẽ bị giới hạn và không kết được nhiều quả. Người rao giảng Tin Lành đi đến đâu, kiếm sống tới đó và công bố Tin Lành. Sự tiếp trợ vật chất từ các Hội Thánh địa phương chỉ là phụ thuộc.

15 Hết thảy những người ở cùng ta gửi lời chào con. Hãy chào những người yêu chúng ta trong đức tin. Nguyện ân điển {ở} với hết thảy các anh chị em!

Những người ở cùng Phao-lô có lẽ là những người cùng ông và Tít đến Cơ-rết để giảng Tin Lành trước đó; trong khi Tít ở lại để thiết lập các giám mục tại Cơ-rết thì Phao-lô và họ tiếp tục lên đường truyền giáo.

Những người được Phao-lô gọi là “những người yêu chúng ta trong đức tin” là toàn thể con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cơ-rết. Ông gửi lời chào thăm họ và cầu xin ân điển của Thiên Chúa ở cùng họ.

Qua thư Tít, chúng ta học được thế nào là tư cách của người giám mục, học được cách thức dạy dỗ những người mới tin Chúa, và học được cách cư xử với những kẻ xấu trong Hội Thánh cùng những kẻ theo tà giáo.

Những người được Chúa giao cho chức vụ giám mục trong các Hội Thánh tại địa phương tự xét mình xem mình đã làm tròn bổn phận theo Lời Chúa hay chưa. Con dân Chúa trong Hội Thánh xem xét giám mục trong Hội Thánh địa phương của mình xem họ có sống và giảng dạy theo Lời Chúa hay không.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa Hội Thánh, soi dẫn từ giám mục đến người mới tin Chúa trong từng nếp sống của mỗi người. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

23/12/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Tình Yêu Chúa Cao Vời”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-tinh-yeu-chua-cao-voi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.