Chú Giải Xa-cha-ri 14:01-21

4,641 views

Chú Giải Xa-cha-ri 14:1-21
Ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu
Cuộc Chiến vào Cuối Kỳ Tận Thế

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzMzNzY1M183VW1zSA

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://od.lk/d/MV8xMTUyMDkzOTNf/903830_Xachari_14_1-21.mp3

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Xa-cha-ri 14:1-21

1 Này, ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đến, những phẩm vật của ngươi sẽ bị chia giữa ngươi.

2 Vì Ta sẽ gom nhóm các nước nghịch lại Giê-ru-sa-lem, và thành sẽ bị chiếm, những nhà sẽ bị cướp, những phụ nữ sẽ bị hãm, và phân nửa thành sẽ đi làm phu tù; nhưng số còn lại của dân sự sẽ không bị trừ bỏ khỏi thành.

3 Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài sẽ đi ra và Ngài sẽ đánh trận với các nước đó, như Ngài đã đánh trong ngày chiến trận.

4 Trong ngày đó, đôi chân của Ngài sẽ đứng trên Núi Ô-li-ve, là núi đối mặt Giê-ru-sa-lem về phía đông. Và Núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa từ đông sang tây, thành ra một trũng rất lớn. Phân nửa núi sẽ dời về phương bắc và phân nửa núi sẽ dời về phương nam.

5 Các ngươi sẽ trốn trong trũng các núi, vì trũng các núi sẽ trải đến Át-san. Các ngươi sẽ đi trốn như là đã trốn khỏi cơn động đất đang những ngày của Ô-xia, vua Giu-đa. Bấy giờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ta sẽ đến, hết thảy các thánh sẽ ở cùng ngươi.

6 Trong ngày đó sẽ xảy ra, ánh sáng không sáng cũng không tối.

7 Ấy sẽ là một ngày mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biết; chẳng phải ngày, chẳng phải đêm, nhưng xảy ra vào buổi chiều sẽ có ánh sáng.

8 Sẽ xảy ra trong ngày đó, nước sống sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem, phân nửa chảy về biển đông, phân nửa chảy về biển tây, trong mùa hạ và mùa đông đều có.

9 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ làm vua khắp đất; trong ngày đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ là có một, và danh Ngài cũng sẽ là có một.

10 Cả đất sẽ trở nên đồng bằng, từ Ghê-ba cho đến Rim-môn, về phía nam Giê-ru-sa-lem, và nó sẽ được nhấc lên và ở trong chỗ mình, từ cửa Bên-gia-min cho đến chỗ cửa thứ nhất, và đến cửa góc, và từ tháp Ha-na-nê-ên cho đến những nơi ép rượu của vua.

11 Người ta sẽ ở đó, sẽ chẳng có sự hủy phá nữa, nhưng Giê-ru-sa-lem sẽ được ở yên ổn.

12 Này sẽ là tai họa mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dùng để phạt mọi dân chinh chiến nghịch lại Giê-ru-sa-lem: Thịt của chúng nó sẽ mục nát ra đang khi chúng nó đứng trên những chân của chúng nó; và những mắt của chúng nó sẽ mục trong những ổ mắt; và những lưỡi của chúng nó sẽ mục trong miệng của chúng nó.

13 Trong ngày đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ gieo sự rối loạn lớn trong chúng nó; vì ai nấy sẽ nắm tay kẻ lân cận mình, và tay người này sẽ đưa lên nghịch lại tay người kia.

14 Giu-đa cũng sẽ chinh chiến tại Giê-ru-sa-lem, và những của cải của mọi nước chung quanh sẽ nhóm lại ở đó: vàng, bạc và những quần áo rất nhiều.

15 Cũng có ôn dịch cho những ngựa, la, lạc đà, lừa, và hết thảy thú vật trong những lều trại đó, đều bị ôn dịch như vậy.

16 Sẽ xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giê-ru-sa-lem, sẽ lên đó hàng năm để thờ lạy Vua, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, và giữ Lễ Lều Trại.

17 Trong những họ hàng trên đất, kẻ nào đã chẳng lên Giê-ru-sa-lem để thờ lạy Vua, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, thì sẽ không có mưa trên chúng nó.

18 Nếu họ hàng Ê-díp-tô không lên và không đến đó, thì mưa cũng không xuống trên chúng nó; và chúng nó sẽ bị ôn dịch này, là ôn dịch mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dùng phạt các nước không lên, để giữ Lễ Lều Trại.

19 Ấy sẽ là hình phạt của Ê-díp-tô và hình phạt của các nước chẳng lên giữ Lễ Lều Trại.

20 Trong ngày đó, sẽ có chạm chữ trên những lạc ngựa rằng: “Thánh Thay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!” Những nồi trong nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ giống như những bát trước bàn thờ.

21 Mọi nồi ở trong Giê-ru-sa-lem và trong Giu-đa sẽ là thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân; những kẻ dâng tế lễ sẽ đến, lấy nồi mà nấu; và trong ngày đó, sẽ không còn có người Ca-na-an trong nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân.

Cuộc Chiến Cuối Kỳ Tận Thế và Cuộc Chiến Cuối Cùng

Trước khi cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa của từng câu trong Xa-cha-ri 14, chúng ta cần tóm lược những điểm khác nhau về cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế sẽ xảy ra vào cuối của thời Đại Nạn, được tiên tri trong Xa-cha-ri 14 và Khải Huyền 19:11-21; với cuộc chiến cuối cùng sẽ xảy ra vào cuối của thời Vương Quốc Ngàn Năm, được tiên tri trong Khải Huyền 20:7-10. Bởi vì, gần đây, có mấy kẻ theo tà giáo phủ nhận giáo lý Một Thiên Chúa Ba Thân Vị, đã quỷ biện, cho rằng: Xa-cha-ri 14 là lời tiên tri về cuộc chiến cuối cùng sẽ xảy ra vào cuối thời Vương Quốc Ngàn Năm.

Họ phải “giải kinh” một cách tùy tiện và sai trật như vậy, là vì, nếu họ công nhận Xa-cha-ri 14 là lời tiên tri về cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế, thì họ phải công nhận, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được nói đến trong Xa-cha-ri 14, chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa được nói đến trong Khải Huyền 19:11-21.

Tuy nhiên, Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, không phải ai muốn tùy tiện giải thích như thế nào cũng được, mà Thánh Kinh phải được giải thích bằng chính Thánh Kinh. Trong suốt phần chú giải Xa-cha-ri 14 mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây, chúng tôi luôn tôn trọng nguyên tắc, dùng Thánh Kinh giải thích Thánh Kinh, để chứng minh: Xa-cha-ri 14 là lời tiên tri về cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế. Qua đó, chúng ta thấy rất rõ, Thánh Kinh luôn luôn dùng danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để gọi Ngôi Lời, tức là Thiên Chúa nhập thế làm người mang tên Jesus và mang danh Christ, mà Hội Thánh gọi là Đức Chúa Jesus Christ.

Cuộc chiến cuối cùng sau thời Vương Quốc Ngàn Năm chỉ được tiên tri có một lần duy nhất trong Khải Huyền 20:7-10, vì thế không khó để chúng ta liệt kê ra các đặc tính của cuộc chiến này:

7 Khi một ngàn năm đã mãn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục của nó.

8 Nó sẽ đi ra, lừa dối các quốc gia trong bốn góc đất – Gót và Ma-gót – để nhóm chúng lại cho chiến trận. Chúng đông như cát biển.

9 Chúng tràn ra khắp đất, bao vây quân trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Rồi, lửa từ Đức Chúa Trời ra từ trời thiêu nuốt chúng.

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

Dưới đây là các đặc tính của cuộc chiến cuối cùng:

  • Sa-tan được thả ra khỏi vực sâu và đích thân đi lừa dối các quốc gia trên khắp thế gian. Nói cách khác, Sa-tan sẽ gom nhóm những kẻ phản nghịch trong muôn dân trên đất, dấy loạn trong toàn thế gian; khác với sự kiện chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu “gom nhóm các nước nghịch lại Giê-ru-sa-lem”.

  • Số lượng những người theo Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa nhiều như cát biển. Đây là cách nói để diễn tả một số lượng đông đến nỗi khó có thể đếm. Những kẻ phản nghịch Thiên Chúa trong ngày cuối cùng của Vương Quốc Ngàn Năm sẽ nhiều đến nỗi chúng tràn ra khắp đất, chứ không phải chỉ tại Giê-ru-sa-lem. Nguyên ngữ trong tiếng Hy-lạp là: Chúng nó tràn ra khắp bề rộng của mặt đất!

  • Những kẻ phản nghịch Thiên Chúa tràn ra khắp đất, bao vây các quân trại của con dân Chúa và thành thánh Giê-ru-sa-lem. Khi Sa-tan bắt đầu sự dấy loạn, thì tất cả các thành phố trên đất trong Vương Quốc Ngàn Năm đều tổ chức các quân trại để phòng thủ sự tấn công của quân phiến loạn. Đây là sự tổng tấn công trên toàn thế gian vào trong chính quyền của Đức Chúa Jesus Christ, không phải chỉ là sự tập trung tại Giê-ru-sa-lem. Quân phiến loạn sẽ tràn ra khắp đất, bao vây tất cả các quân trại của con dân Chúa.

  • Lửa từ Đức Chúa Trời, sẽ ra từ trời thiêu đốt chúng. Dù số người theo Sa-tan phản nghịch nhiều như cát biển, tràn ra khắp đất, bao vây các quân trại của con dân Chúa, nhưng con dân Chúa không cần phải chiến cự, vì lửa từ trời sẽ rơi xuống để thiêu hủy tất cả những kẻ phản nghịch; còn Sa-tan thì bị ném vào hỏa ngục.

Liền sau cuộc chiến cuối cùng là sự phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:11-15). Liền sau sự phán xét chung cuộc là trời mới đất mới (Khải Huyền 21; 22). Trong trời mới đất mới không còn tội lỗi, không còn có chuyện loài người không vâng phục Thiên Chúa, như trong thời Vương Quốc Ngàn Năm. Chúng ta cần ghi nhớ: Trong thời Vương Quốc Ngàn Năm thì loài người vẫn có thể phạm tội; nhưng trong trời mới đất mới, trong Vương Quốc Đời Đời thì sẽ không còn có sự phạm tội. Vì thế không thể có sự không vâng phục Thiên Chúa sau cuộc chiến như được nói đến trong Xa-cha-ri 14:17-19. Chính điểm quan trọng ấy đã đặt toàn bộ lời tiên tri trong Xa-cha-ri 14 là tiên tri về cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế. Ngoài ra, quân phản loạn trong cuộc chiến cuối cùng hoàn toàn bị thiêu nuốt bởi lửa của Đức Chúa Trời, trong khi quân phản nghịch trong cuộc chiến được tiên tri trong Xa-cha-ri 14 thì: “Thịt của chúng nó sẽ mục nát ra đang khi chúng nó đứng trên những chân của chúng nó; và những mắt của chúng nó sẽ mục trong những ổ mắt; và những lưỡi của chúng nó sẽ mục trong miệng của chúng nó.” (Xa-cha-ri 14:12); và có ôn dịch xảy ra trong các bầy gia súc dùng làm phương tiện chuyên chở của chúng nó (Xa-cha-ri 14:15).

Trong cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế thì quân lực các nước không còn các phương tiện chiến tranh hiện đại là điều dễ hiểu, vì các tai họa kinh hoàng giáng xuống đất trong suốt bảy năm, cho nên, quân lực các nước phải dùng: ngựa, la, lạc đà, lừa… cho việc vận chuyển. Nhưng khó có thể tin rằng, sau một ngàn năm sống thanh bình thịnh trị dưới quyền cai trị của Đức Chúa Jesus Christ, sự hiểu biết Thiên Chúa trong thế gian như nuớc tràn ngập biển, không ai cần ai dạy cho mình biết về Thiên Chúa, mà loài người vẫn phải dùng ngựa, la, lạc đà, lừa… cho việc chiến tranh. Trái lại, chúng ta có thể tưởng tượng rằng, cuộc chiến cuối cùng xảy ra vào cuối của thời Vương Quốc Ngàn Năm phải là một cuộc chiến tận dụng toàn bộ mọi phương tiện khoa học kỹ thuật tối tân gấp hàng trăm lần những gì mà chúng ta biết được trong thế kỷ 21 này!

Ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

1 Này, ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đến, những phẩm vật của ngươi sẽ bị chia giữa ngươi.

2 Vì Ta sẽ gom nhóm các nước nghịch lại Giê-ru-sa-lem, và thành sẽ bị chiếm, những nhà sẽ bị cướp, những phụ nữ sẽ bị hãm, và phân nửa thành sẽ đi làm phu tù; nhưng số còn lại của dân sự sẽ không bị trừ bỏ khỏi thành.

Thánh Kinh không bao giờ dùng từ ngữ “ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” để chỉ về cuộc chiến cuối cùng sau thời Vương Quốc Ngàn Năm. Nhưng từ ngữ đó luôn luôn được dùng để chỉ về ngày Thiên Chúa dùng đế quốc Ba-bi-lôn hình phạt dân I-sơ-ra-ên vì sự phạm tội của họ vào khoảng 2.500 năm trước; và về ngày Thiên Chúa hình phạt các dân tộc chống nghịch dân I-sơ-ra-ên trong Kỳ Tận Thế: Ê-sai 2:12; A-mốt 5:18, 20; Giô-ên 2:1, 11.

Trong Tân Ước thì dùng từ ngữ “ngày của Chúa”, “ngày của Đức Chúa Jesus” và được chỉ định rõ là ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước thời Đại Nạn: I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2; II Cô-rinh-tô 1:14. Đặc biệt, Khải Huyền 6:17 gọi ngày Thiên Chúa mở đầu cho bảy năm đại nạn là: “Ngày lớn của cơn thịnh nộ Ngài”.

Vì thế, dựa vào văn mạch của Xa-cha-ri 14 mà chúng ta biết, từ ngữ “ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” được nói đến trong phân đoạn này là chỉ về cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế, xảy ra vào cuối của bảy năm đại nạn, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 19:11-21.

Khi ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đến trên dân I-sơ-ra-ên vào cuối của bảy năm đại nạn thì những người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành trong ba năm rưỡi đầu của thời Đại Nạn đã được Ngài đưa vào ẩn trong đồng vắng từ ba năm rưỡi trước đó, nhằm ngày AntiChrist vào ngồi trong Đền Thánh, xưng mình là Đức Chúa Trời (Khải Huyền 12:6). Xin tham khảo các bài giảng về Kỳ Tận Thế và Chú Giải Sách Khải Huyền [1].

Khi ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đến thì tại Giê-ru-sa-lem chỉ còn những người I-sơ-ra-ên đã đi theo AntiChrist hoặc không theo AntiChrist, mà vẫn trung tín với đức tin Do-thái Giáo, nhưng chưa tin nhận Tin Lành. Quân đội của AntiChrist và của các nước do chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu gom nhóm lại, không phải do Sa-tan chiêu dụ như trong cuộc chiến cuối cùng, sẽ đổ về bao vây Giê-ru-sa-lem, chiếm thành Giê-ru-sa-lem, cướp phá Giê-ru-sa-lem và bắt dân trong thành đi làm phu tù, nhưng Thiên Chúa sẽ bảo vệ những người trung tín với đức tin Do-thái Giáo. Đó là “số còn lại của dân sự sẽ không bị trừ bỏ khỏi thành”. Tài sản của dân cư thành Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ sẽ bị phân chia ngay trước mắt họ.

Chính những chi tiết trong hai câu mở đầu này cho chúng ta thấy Xa-cha-ri 14 không nói về cuộc chiến cuối cùng. Vì trong cuộc chiến cuối cùng, Sa-tan là kẻ gom nhóm dân các nước, không phải Thiên Chúa, và chúng nó không có cơ hội chiếm thành Giê-ru-sa-lem, cũng không có cơ hội bắt dân cư thành Giê-ru-sa-lem đi làm phu tù. Đang khi chúng nó bao vây quân trại của các thánh đồ và thành thánh, thì đã bị lửa của Đức Chúa Trời thiêu nuốt.

3 Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài sẽ đi ra và Ngài sẽ đánh trận với các nước đó, như Ngài đã đánh trong ngày chiến trận.

4 Trong ngày đó, đôi chân của Ngài sẽ đứng trên Núi Ô-li-ve, là núi đối mặt Giê-ru-sa-lem về phía đông. Và Núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa từ đông sang tây, thành ra một trũng rất lớn. Phân nửa núi sẽ dời về phương bắc và phân nửa núi sẽ dời về phương nam.

Trong cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế, chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thân chinh. Ngài sẽ giáng lâm trên đất và Ngài sẽ đối diện với những kẻ chống nghịch Ngài. Ngài chính là Ngôi Lời, là Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa như Khải Huyền 19:11-21 đã mô tả. Trong khi đó, trong cuộc chiến cuối cùng sau thời Vương Quốc Ngàn Năm thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không cần xuất trận, mà chỉ có lửa từ trời rơi xuống thiêu nuốt những kẻ phản loạn ở khắp nơi trên đất, chứ không riêng gì chung quanh thành Giê-ru-sa-lem.

Mệnh đề “như Ngài đã đánh trong ngày chiến trận” rõ ràng nói đến sự kiện trước đó Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã từng chiến trận. Ngài đã từng chiến trận với Pha-ra-ôn và quân lực của vương quốc Ê-díp-tô tại Biển Đỏ, để giải cứu dân sự của Ngài. Tiếp theo đó, Ngài đã luôn chiến trận cho dân I-sơ-ra-ên trong suốt thời Cựu Ước: Xuất Ê-díp-tô Ký 14:14; Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:30; 3:22; 20:4; Giô-suê 10:14, 42; 23:3; II Sử Ký 20:15; Nê-hê-mi 4:20.

Còn một lần nữa, vào cuối Kỳ Tận Thế, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ đánh trận cho dân I-sơ-ra-ên. Lần đánh trận này, Ngài sẽ hiện ra trong thân xác loài người, mọi loài xác thịt chống nghịch Ngài và bách hại con dân Ngài sẽ nhìn thấy Ngài và sẽ than khóc. Ngài sẽ giáng lâm trên Núi Ô-li-ve và núi sẽ bị xé ra làm hai, tạo thành một thung lũng lớn chạy từ đông sang tây. Một nửa Núi Ô-li-ve sẽ dời lên phía bắc, một nửa còn lại sẽ dời xuống phía nam. Điều lạ lùng là, không biết từ bao giờ, Núi Ô-li-ve đã có sẵn một đường nứt lớn, chạy từ đông sang tây, chỉ cần một cơn động đất, núi sẽ bị xé làm hai.

Đây cũng là chi tiết chỉ có thể xảy ra trong thời Đại Nạn là thời điểm sẽ có cơn động đất lớn chưa từng có trong lịch sử loài người (Khải Huyền 16:18). Chắc chắn cơn động đất lớn ấy sẽ nhằm vào ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Ngôi Lời giáng lâm vào cuối Kỳ Tận Thế, và Núi Ô-li-ve bị chẻ làm hai; còn mọi núi khác đều bị san bằng, mọi hải đảo bị chìm trong biển. Không thể nào có chuyện Núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra trong cuộc chiến cuối cùng, sau thời Vương Quốc Ngàn Năm.

5 Các ngươi sẽ trốn trong trũng các núi, vì trũng các núi sẽ trải đến Át-san. Các ngươi sẽ đi trốn như là đã trốn khỏi cơn động đất đang những ngày của Ô-xia, vua Giu-đa. Bấy giờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ta sẽ đến, hết thảy các thánh sẽ ở cùng ngươi.

Đây là lời giải thích của Tiên Tri Xa-cha-ri. Chữ “các ngươi” được dùng trong câu này là chỉ về những người I-sơ-ra-ên cư dân của thành Giê-ru-sa-lem, trung tín với Do-thái Giáo, vào cuối Kỳ Tận Thế. Họ sẽ theo thung lũng giữa các núi mà trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Át-san là một thung lũng lớn với con sông mang tên Át-san chảy trong thung lũng theo hướng đông tây [2]. Câu “hết thảy các thánh sẽ ở cùng ngươi” hàm ý lúc bấy giờ Hội Thánh của Chúa (đã được cất lên trước kỳ Đại Nạn và cùng giáng lâm trên Núi Ô-li-ve với Chúa) dự phần trong sự bảo vệ những người I-sơ-ra-ên trốn thoát khỏi Giê-ru-sa-lem. Đây là một sự kiện độc đáo: Tuyển dân thời Tân Ước bảo vệ tuyển dân thời Cựu Ước. Chúng ta cần ghi nhớ, giữa vòng dân I-sơ-ra-ên vẫn có những người I-sơ-ra-ên rất là tin kính với đức tin vào trong Thiên Chúa, y theo sự bày tỏ trong Cựu Ước. Họ thật lòng tin cậy Chúa và sống theo các điều răn của Ngài, nhưng vì sự trói buộc của truyền thống, mà họ không có cơ hội để nhận biết Tin Lành. Chúa sẽ bảo vệ họ và cho họ còn sống để bước vào Vương Quốc Ngàn Năm nhưng họ sẽ không được tham dự Tiệc Cưới Chiên Con sẽ mở ra trên đất. Ngụ ngôn về năm nữ đồng trinh thiếu khôn ngoan là chỉ về những người I-sơ-ra-ên này. Xin nghe bài giảng chú giải Ma-thi-ơ 25:1-13 [3].

6 Trong ngày đó sẽ xảy ra, ánh sáng không sáng cũng không tối.

7 Ấy sẽ là một ngày mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biết; chẳng phải ngày, chẳng phải đêm, nhưng xảy ra vào buổi chiều sẽ có ánh sáng.

Xa-cha-ri 14:6-7 là hai câu Thánh Kinh rất lạ. Trước hết, câu 6 mô tả ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là một ngày sẽ xảy ra hiện tượng ánh sáng không chói chang nhưng cũng không mờ tối. Tiếp theo câu 7 gọi đó là một ngày không phải ngày nhưng cũng không phải đêm. Dựa vào văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Chúa Jesus Christ sẽ cùng với Hội Thánh giáng lâm trên đỉnh Núi Ô-li-ve vào khoảng giữa trưa, nhưng vì một biến cố nào đó mà ánh sáng mặt trời không rực rỡ, mà lại bị giảm đi. Phải chăng, đó là vì khói bụi của tất cả các thành phố và núi trong thế gian bị san bằng bởi một cơn động đất lớn chưa từng có trong lịch sử? (Khải Huyền 16:17-21). Và như vậy, đến buổi chiều, khi khói bụi lắng đọng, thì người ta mới nhìn thấy lại ánh sáng của mặt trời.

8 Sẽ xảy ra trong ngày đó, nước sống sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem, phân nửa chảy về biển đông, phân nửa chảy về biển tây, trong mùa hạ và mùa đông đều có.

Chính trong ngày đó, một mạch nước phun trào từ Giê-ru-sa-lem và chảy về hai phía đông tây. Biển đông là biển ở về phía đông của Giê-ru-sa-lem, tức là Biển Chết. Biển tây tức là biển ở về phía tây của Giê-ru-sa-lem, tức là Địa Trung Hải. Câu “trong mùa hạ và mùa đông đều có” hàm ý dòng nước ấy sẽ tuôn chảy quanh năm. Mùa hạ tiêu biểu cho mùa ấm và mùa đông tiêu biểu cho mùa lạnh là hai mùa chính tại I-sơ-ra-ên. Danh từ “nước sống” được dùng trong câu này, không hàm ý nói đến “nước sự sống” mà chỉ là nói đến nước tuôn chảy, như được dùng trong các câu: Lê-vi Ký 14:6, 51-52; Giê-rê-mi 2:13. Tuy nhiên, chắc chắn là dòng nước tuôn chảy từ Giê-ru-sa-lem là biểu tượng của sự sống tuôn chảy từ ngai ơn phước của Đức Chúa Trời.

9 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ làm vua khắp đất; trong ngày đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ là có một, và danh Ngài cũng sẽ là có một.

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ làm vua khắp đất” chính là Ngôi Lời, mang danh “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”, sẽ chiến trận, tiêu diệt những kẻ chống nghịch Ngài, và sẽ cai trị trong Vương Quốc Ngàn Năm, như lời tiên tri trong Khải Huyền 19:11-16:

11 Rồi, tôi thấy trời mở ra, và này, có một con ngựa trắng. Đấng cưỡi nó được xưng là Thành Tín và Chân Thật. Trong sự công chính, Ngài sẽ phán xét và gây chiến.

12 Đôi mắt Ngài như ngọn lửa. Trên đầu Ngài có nhiều mão và có một danh được viết mà không ai biết, ngoại trừ chính Ngài.

13 Ngài được khoác áo đã nhúng trong máu và tên Ngài được xưng là “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.”

14 Các đạo binh trên trời, mặc áo vải mịn, trắng, và tinh sạch, đều cưỡi ngựa trắng, theo Ngài.

15 Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén và Ngài dùng nó để đánh hạ các quốc gia. Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt. Ngài sẽ giày đạp thùng ép nho làm rượu của cơn thịnh nộ dữ dội của Đức Chúa Trời Toàn Năng.

16 Trên áo và trên đùi Ngài có một danh được viết: “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa.”

Nếu Ngôi Lời mang danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” mà lại không phải là vua khắp đất, thì danh hiệu ấy còn có ý nghĩa gì? Vì thế, chúng ta thấy, Xa-cha-ri 14 là một trong những câu Thánh Kinh khẳng định Ngôi Lời chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Thiên Chúa, như Giăng 1:1 đã khẳng định.

10 Cả đất sẽ trở nên đồng bằng, từ Ghê-ba cho đến Rim-môn, về phía nam Giê-ru-sa-lem, và nó sẽ được nhấc lên và ở trong chỗ mình, từ cửa Bên-gia-min cho đến chỗ cửa thứ nhất, và đến cửa góc, và từ tháp Ha-na-nê-ên cho đến những nơi ép rượu của vua.

Từ ngữ “cả đất” được dùng ở đây là chỉ về lãnh thổ của I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, vì sự kiện mọi núi trên thế gian đều bị sụp đổ trong cơn động đất lớn, ngoại trừ Núi Ô-li-ve và Núi Si-ôn, cho nên, câu “cả đất sẽ trở nên đồng bằng” cũng có thể áp dụng cho toàn thế gian.

Thành Giê-ru-sa-lem được xây dựng trên Núi Si-ôn, và qua biến cố động đất ấy mà Núi Si-ôn lại được nâng lên cao hơn, thay vì bị san bằng như các núi khác trong thế gian. Câu “nó sẽ được nhấc lên và ở trong chỗ mình” là nói về thành Giê-ru-sa-lem.

Ghê-ba ở về phía bắc của I-sơ-ra-ên, thuộc về chi phái Bên-gia-min (Giô-suê 21:17). Rim-môn ở về phía nam của I-sơ-ra-ên, thuộc về chi phái Si-mê-ôn (Giô-suê 15:32). Trong hiện tại, vùng đất từ Ghê-ba đến Rim-môn là vùng đồi núi, nhưng trong ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì mọi núi bị san bằng và đất nước của I-sơ-ra-ên sẽ trở thành một vùng đồng bằng với thành Giê-ru-sa-lem được nâng cao trên đỉnh Núi Si-ôn.

Câu: “Từ cửa Bên-gia-min cho đến chỗ cửa thứ nhất, và đến cửa góc, và từ tháp Ha-na-nê-ên cho đến những nơi ép rượu của vua” là các cửa thành và các địa danh đánh dấu vùng đất trên Núi Si-ôn sẽ được nâng cao trong cơn động đất. Xin tham khảo các câu Thánh Kinh sau đây: Giê-rê-mi 31:38; II Các Vua 14:13; II Sử Ký 25:23; Nê-hê-mi 3:1, 3, 6, 13-15.

11 Người ta sẽ ở đó, sẽ chẳng có sự hủy phá nữa, nhưng Giê-ru-sa-lem sẽ được ở yên ổn.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, thành Giê-ru-sa-lem sẽ có người ở và sẽ bình an suốt thời Vương Quốc Ngàn Năm.

12 Này sẽ là tai họa mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dùng để phạt mọi dân chinh chiến nghịch lại Giê-ru-sa-lem: Thịt của chúng nó sẽ mục nát ra đang khi chúng nó đứng trên những chân của chúng nó; và những mắt của chúng nó sẽ mục trong những ổ mắt; và những lưỡi của chúng nó sẽ mục trong miệng của chúng nó.

Trên đây là lời tiên tri về cách thức mà Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời sẽ hình phạt quân lực của AntiChrist và các nước trên thế gian đem quân tấn công Giê-ru-sa-lem. Sự hình phạt này hoàn toàn khác với sự hình phạt bị lửa từ trời thiêu nuốt, dành cho những kẻ theo Sa-tan vào cuối thời Vương Quốc Ngàn Năm, là những kẻ sẽ tràn ra khắp đất, bao vây con dân Chúa và thành Giê-ru-sa-lem.

Khải Huyền 19:15 cho chúng ta biết lời phán ra từ miệng của Đức Chúa Jesus Christ sẽ tiêu diệt những kẻ chống nghịch Ngài trong cuộc chiến vào cuối kỳ Đại Nạn. Chính lời phán của Ngài sẽ khiến cho mọi kẻ thuộc về các quân lực nghịch lại Giê-ru-sa-lem sẽ bị: “Thịt của chúng nó sẽ mục nát ra đang khi chúng nó đứng trên những chân của chúng nó; và những mắt của chúng nó sẽ mục trong những ổ mắt; và những lưỡi của chúng nó sẽ mục trong miệng của chúng nó”.

13 Trong ngày đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ gieo sự rối loạn lớn trong chúng nó; vì ai nấy sẽ nắm tay kẻ lân cận mình, và tay người này sẽ đưa lên nghịch lại tay người kia.

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ đánh diệt những đạo quân nghịch lại Giê-ru-sa-lem, thì sẽ có sự rối loạn lớn giữa họ với nhau. Có lẽ phần lớn là vì các phương tiện truyền thông, liên lạc hiện đại bị hủy diệt trong các cơn tai họa; các vệ tinh nhân tạo bị đá trời hủy phá; hệ thống đường dây điện thoại bị cơn động đất lớn làm cho hư hại; sự quan sát bị giới hạn bởi khói bụi của cơn động đất… Vì thế, các đơn vị sẽ tấn công lẫn nhau vì tưởng lầm nhau là kẻ thù. Thậm chí, lính trong cùng một đơn vị cũng có thể tấn công lẫn nhau, như đã từng xảy ra giữa quân đội của dân Ma-đi-an và được ghi lại trong Các Quan Xét 7:22.

14 Giu-đa cũng sẽ chinh chiến tại Giê-ru-sa-lem, và những của cải của mọi nước chung quanh sẽ nhóm lại ở đó: vàng, bạc và những quần áo rất nhiều.

Quốc gia I-sơ-ra-ên vẫn có quân đội chống lại sự tấn công của AntiChrist và quân lực của các nước. Danh từ Giu-đa, tức Do-thái, được dùng để gọi chung cả dân I-sơ-ra-ên, chứ không chỉ riêng về chi phái Giu-đa. Quân lực của các nước trên đường tiến quân về Giê-ru-sa-lem, có thể đã cướp đoạt của cải từ dân chúng của các quốc gia mà họ đi qua. Chúng ta cần nhớ là, quân lực các nước kéo về Giê-ru-sa-lem, phần lớn sẽ thuộc về các vua ở phương đông, phối hợp với quân lực của AntiChrist từ các nước Châu Âu và Châu Phi. Tuy nhiên, những của cướp đó sẽ bị bỏ lại trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên và làm giàu cho I-sơ-ra-ên.

15 Cũng có ôn dịch cho những ngựa, la, lạc đà, lừa, và hết thảy thú vật trong những lều trại đó, đều bị ôn dịch như vậy.

Sự kiện quân lực các nước dùng những ngựa, la, lạc đà, lừa làm phương tiện vận chuyển quân nhu, dùng các thú vật làm quân lương trong cuộc chiến cuối Kỳ Tận Thế là điều dễ hiểu. Bởi vì, sau bảy năm đại nạn, mọi phương tiện sản xuất và bảo trì các loại khí cụ tân thời đều bị hủy diệt. Thậm chí, có thể không còn sản xuất được dầu hỏa. Thậm chí, vũ khí chiến đấu phần lớn sẽ dựa vào cung kiếm, gươm giáo như thời xưa. Chúa sẽ khiến ôn dịch xảy ra làm chết hết các súc vật trong các quân trại của những kẻ chống nghịch Giê-ru-sa-lem.

16 Sẽ xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giê-ru-sa-lem, sẽ lên đó hàng năm để thờ lạy Vua, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, và giữ Lễ Lều Trại.

Sau khi toàn bộ quân lực của AntiChrist và các nước trên thế giới bị tiêu diệt trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên, AntiChrist và Tiên Tri Giả bị ném vào hỏa ngục, Sa-tan bị nhốt lại trong vực sâu không đáy (Khải Huyền 19:17-21); thì dân chúng của các nước, là những người vốn không tiếp nhận con dấu của AntiChrist, nhưng tin nhận Tin Lành, sẽ đến thờ lạy Thiên Chúa tại thành Giê-ru-sa-lem vào mỗi năm. Họ sẽ về Giê-ru-sa-lem mỗi năm một lần trong dịp Lễ Lều Trại để thờ phượng Thiên Chúa và qua lễ ấy, mong chờ Vương Quốc Đời Đời trong cõi trời mới đất mới, là ngày mà lều của chính Đức Chúa Trời (tức nơi Ngài ngự) sẽ ở giữa vòng muôn dân trên đất (Khải Huyền 21:3).

Cũng chính vì sự kiện Lễ Lều Trại phải được giữ sau cuộc chiến, mà chúng ta biết rằng, đây là cuộc chiến sẽ xảy ra trước thời Vương Quốc Ngàn Năm. Bởi vì, sau cuộc chiến cuối cùng, vào cuối thời Vương Quốc Ngàn Năm, thì trời cũ đất cũ sẽ qua đi, trời mới đất mới sẽ xuất hiện. Trong cõi trời mới đất mới ấy, thành Giê-ru-sa-lem từ thiên đàng sẽ giáng xuống trên đất, Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở giữa loài người, và trong trời mới đất mới không còn giữ Lễ Lều Trại nữa, mà chỉ còn giữ những ngày Sa-bát Thứ Bảy và những buổi liên hoan trong những ngày trăng mới mà thôi (Ê-sai 66:22-23).

17 Trong những họ hàng trên đất, kẻ nào đã chẳng lên Giê-ru-sa-lem để thờ lạy Vua, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, thì sẽ không có mưa trên chúng nó.

18 Nếu họ hàng Ê-díp-tô không lên và không đến đó, thì mưa cũng không xuống trên chúng nó; và chúng nó sẽ bị ôn dịch này, là ôn dịch mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dùng phạt các nước không lên, để giữ Lễ Lều Trại.

19 Ấy sẽ là hình phạt của Ê-díp-tô và hình phạt của các nước chẳng lên giữ Lễ Lều Trại.

Nội dung của ba câu trên đây là một chứng cớ cho chúng ta biết, sau cuộc chiến là thời Vương Quốc Ngàn Năm. Vì chỉ trong thời Vương Quốc Ngàn Năm loài người mới còn có thể phạm tội không vâng lời Chúa, và mới có hình phạt, hạn hán, ôn dịch. Bởi vì các thế hệ được sinh ra sau đó trong suốt một ngàn năm, vẫn phải tự lựa chọn tin nhận Tin Lành hay sống theo ý riêng, dẫn đến sự cuối một ngàn năm, có rất nhiều kẻ sống theo ý riêng, nghe theo Sa-tan mà nổi loạn. Trong cõi trời mới đất mới không thể có sự ai đó sống trong vương quốc của Chúa mà lại không thờ phượng Chúa.

20 Trong ngày đó, sẽ có chạm chữ trên những lạc ngựa rằng: “Thánh Thay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!” Những nồi trong nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ giống như những bát trước bàn thờ.

21 Mọi nồi ở trong Giê-ru-sa-lem và trong Giu-đa sẽ là thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân; những kẻ dâng tế lễ sẽ đến, lấy nồi mà nấu; và trong ngày đó, sẽ không còn có người Ca-na-an trong nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân.

Từ ngữ “trong ngày đó” là chỉ về trong thời đại của Vương Quốc Ngàn Năm. Những con ngựa sẽ được đeo những chuông nhỏ, và trên những chuông nhỏ đó, sẽ có khắc câu: “Thánh Thay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!”

“Những nồi trong nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” là những nồi dùng nấu ăn trong cả lãnh thổ I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên là tuyển dân của Thiên Chúa. Lãnh thổ I-sơ-ra-ên là nhà của Thiên Chúa. “Những kẻ dâng tế lễ” là dân chúng từ các nước về Giê-ru-sa-lem để thờ phượng và dâng tế lễ lên Thiên Chúa.

Một chi tiết quan trọng là: Trong Vương Quốc Ngàn Năm sẽ không có mặt những người thuộc bảy chủng tộc của xứ Ca-na-an. Ca-na-an là cháu nội của Nô-ê và là tổ phụ của các dân tộc sống trong vùng đất Ca-na-an. Đến thời Thiên Chúa đem dân I-sơ-ra-ên vào đất Ca-na-an, thì tại đó chỉ còn bảy dân tộc:

“Khi Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã dẫn ngươi vào xứ mình sẽ nhận được, đuổi khỏi trước mặt ngươi nhiều dân tộc, là dân Hê-tít, dân Ghi-rê-ga-sít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít, tức bảy dân tộc lớn và mạnh hơn ngươi…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:1).

Thiên Chúa ra lệnh cho dân I-sơ-ra-ên phải tiêu diệt họ, nhưng dân I-sơ-ra-ên đã không hoàn thành mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Ngày nay, các nhà nhân chủng học không thống nhất về sự hiện diện của các dân tộc này tại Trung Đông. Một số dân hầu như không còn tồn tại, như dân Hê-tít. Điều chắc chắn là, một số trong các dân này bị lai chủng với dân I-sơ-ra-ên, và một số bị lai chủng với dân Ả-rập (tổ phụ của dân Ả-rập là Ích-ma-ên, con trai của Áp-ra-ham với nàng hầu A-ga). Số người thuần chủng của các dân tộc này nếu có, cũng không nhiều, và họ sống xen lẫn với dân I-sơ-ra-ên và dân Ả-rập.

Lời tiên tri trong Xa-cha-ri 14:21 cho chúng ta biết, các dân tộc ra từ Ca-na-an sẽ không có mặt trong Vương Quốc Ngàn Năm. Điều đó không có nghĩa là, dòng dõi của Ca-na-an sẽ bị hư mất đời đời. Bởi vì, nếu trong số các dân tộc ấy, nếu có người tin nhận Thiên Chúa, thì bản thân họ vẫn được cứu. Chỉ là, số người được cứu quá ít, không đủ để hình thành một dân tộc.

Kết Luận

Trong lịch sử gần 2.000 năm của Hội Thánh, chưa có một nhà giải kinh nào hiểu rằng Xa-cha-ri 14 là lời tiên tri về cuộc chiến cuối cùng, sau thời Vương Quốc Ngàn Năm. Bởi vì, chưa cần đến sự thần cảm của Đức Thánh Linh, chỉ bằng lý trí xác thịt, đọc và phân tích Thánh Kinh, thì một người đã nhận biết Xa-cha-ri 14 là lời tiên tri về cuộc chiến cuối thời Đại Nạn. Thế nhưng, trong thế kỷ 21 này, một hai nhà “giải kinh” thời đại người Việt, là những kẻ bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, bác bỏ thần tính và thân vị của Đức Thánh Linh, tự hào là họ được “thần khí” của Thiên Chúa, giúp cho họ hiểu, Xa-cha-ri 14 là lời tiên tri về cuộc chiến cuối cùng trên đất! Họ phải ngang ngược tuyên bố như vậy, là vì họ không thể chấp nhận: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Vua Khắp Đất trong Xa-cha-ri 14 chính là Ngôi Lời, Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa trong Khải Huyền 19. Thật đáng thương cho những kẻ đã biết đến Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa mà vì cứng lòng với sự “dốt nát và không vững chắc”, mà tự chuốc lấy sự hư mất khi giảng giải sai lạc Thánh Kinh (II Phi-e-rơ 3:16).

Huỳnh Christian Timothy
15/11/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] www.kytanthe.net

[2] Vị trí sông Át-san trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên:
https://www.google.com/maps/place/31%C2%B045%2737.9%22N+35%C2%B013%2759.3%22E/@31.7605274,35.2331389,15z/data=!3m1!4b1!4m2!3m1!1s0x0:0x0

[3] Xin nghe bài: “10768_Mat_067_DayToBatTrung – 10NuDongTrinh” tại đây:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/107_chugiaimathio

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.