Giải Đáp Thắc Mắc 06-2016

3,796 views


YouTube: https://youtu.be/HOY8r6jJKEs

Giải Đáp Thắc Mắc 06-2016

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Câu hỏi 1:

Thế gian họ còn có câu: “Người khôn biết tìm cơ hội trong khó khăn, người dại chỉ nhìn thấy khó khăn trong cơ hội.” Vậy, là con dân chân thật của Chúa khi gặp khó khăn đã để Chúa mình ở đâu? Nếu thật để Chúa mình trong lòng thì sao lại để khó khăn nhấn chìm mình đến nỗi đánh mất chính mình?

Câu trả lời:

Nếu là con dân chân thật của Chúa thì đương nhiên có đức tin trong Chúa và có đủ sự hiểu biết về Lời Chúa, để biết cảm tạ Chúa trong mọi sự và nương cậy nơi Chúa trong mọi sự. Thi Thiên 23 và những câu Thánh Kinh sau đây giúp cho con dân chân thật của Chúa luôn vui mừng và đứng vững trong mọi cảnh ngộ:

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng. Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:8-9).

“…Mặc dù xảy đến cho ta điều gì… Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!…” (Gióp 13:13, 15).

“Cho đến chừng các ngươi già cả, tóc bạc, Ta là Đấng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra và Ta sẽ gánh vác. Ta sẽ bồng ẵm và sẽ giải cứu các ngươi.” (Ê-sai 46:4).

“Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc chúng ta sẽ uống gì? Hoặc chúng ta sẽ mặc gì? Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, đã biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó. Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:31-33).

“…Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20).

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Rô-ma 8:35-39

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? Có phải sự hoạn nạn, hoặc sự khốn cùng, hoặc sự bách hại, hoặc sự đói khát, hoặc sự trần truồng, hoặc sự nguy hiểm, hoặc gươm giáo chăng?

36 Như có chép: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày. Chúng tôi bị xem như chiên để làm thịt. [Thi Thiên 44:22]

37 Trái lại, trong mọi sự đó, qua Đấng yêu chúng ta mà chúng ta hơn cả những người thắng trận.

38 Vì tôi tin chắc rằng: Chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến,

39 chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

“Hãy vui mừng mãi mãi! Hãy cầu nguyện không thôi! Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18).

Người để cho nghịch cảnh nhấn chìm mình không phải là con dân chân thật của Chúa. Họ là cỏ lùng, là kết quả của sự gieo giống của Ma Quỷ (Ma-thi-ơ 13). Họ là những người sống theo xác thịt, chạy theo những sự thuộc về thế gian, nên nghịch cảnh đến với họ là hậu quả của tội lỗi. Hậu quả của tội lỗi luôn đem lại sự hủy diệt cả thuộc thể lẫn thuộc linh.

Câu hỏi 2:

Sau khi Hội Thánh Được Chúa cất lên, đến kỳ bảy năm đại nạn và tiếp đến một nghìn năm bình an thì con dân Chúa ở đâu?

Câu trả lời:

Sau khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian thì Chúa đem Hội Thánh vào trong thiên đàng, ở trong thành Giê-ru-sa-lem trên trời với Ngài:

“Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với các ngươi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2-3).

Tiếp theo đó là Kỳ Tận Thế xảy ra trên đất trong khoảng thời gian bảy năm, còn gọi là Kỳ Đại Nạn hoặc bảy năm đại nạn. Khi đó, Hội Thánh từ trên thiên đàng sẽ chứng kiến sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng xuống trên toàn thế gian, bởi Đức Chúa Jesus Christ, vì quyền phán xét được giao cho Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 5:27). Rất có thể Hội Thánh cũng tham dự với Đấng Christ trong sự phán xét thế gian suốt Kỳ Đại Nạn, vì công việc phán xét thế gian và các thiên sứ phạm tội cũng được giao cho Hội Thánh:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các thánh đồ sẽ phán xét thế gian sao? Nếu như thế gian sẽ bị các anh chị em phán xét thì các anh chị em chẳng xứng đáng để phán xét những việc nhỏ hơn sao? Các anh chị em chẳng biết rằng, chúng ta sẽ phán xét các thiên sứ sao? Huống chi những việc đời này?” (I Cô-rinh-tô 6:2-3).

Chúng ta có thể cầu thay cho các thánh đồ và dân I-sơ-ra-ên trong Kỳ Đại Nạn.

Gần cuối của bảy năm đại nạn thì sự Hội Thánh được kết hiệp với Đức Chúa Jesus Christ sẽ diễn ra trên thiên đàng, gọi là lễ cưới của Chiên Con (Khải Huyền 19:7-9). Đây là sự kết hiệp mầu nhiệm giữa Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh. Sự mầu nhiệm này chúng ta chỉ có thể hiểu được trong chính ngày ấy, ngày lễ cưới của Chiên Con.

Theo sau lễ cưới của Chiên Con thì Hội Thánh sẽ cùng Đấng Christ giáng lâm trên đất để tiêu diệt những kẻ chống nghịch Ngài (Khải Huyền 19:11-21). Danh từ “các đạo binh trên trời” bao gồm các thiên sứ và Hội Thánh. Hội Thánh là những người lính giỏi của Đấng Christ.

Kế tiếp, là sự phán xét con dân Chúa như đã được tiên tri trong Ma-thi-ơ 25:31-46. Nên nhớ, lúc này tất cả những ai không tin Chúa đều đã bị diệt. Sa-tan đã bị nhốt vào vực sâu trong âm phủ, AntiChrist và Tiên Tri Giả đã bị ném vào hỏa ngục đang khi thân thể xác thịt còn sống (Khải Huyền 19:20-21; 20:1-5).

Theo sau sự phán xét như đã tiên tri trong Ma-thi-ơ 25:31-46 và Khải Huyền 20:4, là sự sống lại của các thánh đồ tử Đạo trong Kỳ Đại Nạn và các thánh đồ trước thời Tân Ước. Họ được ban cho quyền cai trị muôn dân trên đất trong Vương Quốc Ngàn Năm sẽ được khai mở sau đó. Đức Chúa Jesus Christ sẽ cai trị toàn vương quốc tại Giê-ru-sa-lem. Vua Đa-vít sẽ cai trị quốc gia I-sơ-ra-ên. Và có lẽ các thánh đồ thuộc dân tộc nào sẽ cai trị quốc gia của dân tộc ấy. Hội Thánh đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ chẳng những trong Vương Quốc Ngàn Năm mà còn trong các nơi trên trời:

“Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài…” (II Ti-mô-thê 2:12).

“…chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus…” (Ê-phê-sô 2:6).

Cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, Sa-tan sẽ được thả ra và nó sẽ chiêu dụ được rất nhiều người trên đất, bao vây thành Giê-ru-sa-lem, tấn công Đức Chúa Jesus Christ và các thánh đồ của Ngài. Nhưng lửa của Đức Chúa Trời sẽ thiêu đốt chúng và Sa-tan bị ném vào hỏa ngục (Khải Huyền 20:7-10).

Tiếp theo đó là sự hủy diệt trời cũ đất cũ như đã tiên tri trong II Phi-e-rơ 3:7-12 và Khải Huyền 20:11.

Trước khi trời mới đất mới được dựng nên thì cuộc phán xét chung cuộc được mở ra để phán xét tất cả những người không thuộc về Chúa, tức là những người không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời kể từ khi sáng thế cho đến ngày trời cũ đất cũ qua đi. Sự phán xét chung cuộc này được ghi trước trong Khải Huyền 20:11-15.

Cuối cùng, trời mới đất mới được dựng nên. Thành Giê-ru-sa-lem từ trên trời giáng xuống trên đất. Thiên Chúa và loài người cùng sống chung trên đất (Khải Huyền 21 – 22). Thành Giê-ru-sa-lem là nơi ở của Thiên Chúa và Hội Thánh. Muôn dân trên đất và các vua của họ được vào thành để chiêm ngưỡng và thờ lạy Thiên Chúa vào các ngày Sa-bát và các ngày trăng mới (Ê-sai 66:23).

Xin ghi nhớ: Hội Thánh là tất cả những ai tin nhận Chúa trong khoảng thời gian từ khi Hội Thánh được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần, theo sau sự thăng thiên của Đức Chúa Jesus Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2), cho đến khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian (có thể xảy ra bất kỳ lúc nào). Các thánh đồ trước thời Cựu Ước, trong thời Cựu Ước, trong thời Đại Nạn, trong thời Vương Quốc Ngàn Năm không thuộc về Hội Thánh.

Các thánh đồ trước thời Cựu Ước, trong thời Cựu Ước, và các thánh đồ bị giết trong thời Đại Nạn được đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trên đất nhưng Hội Thánh được đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ toàn cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, bao gồm các tầng trời và đất.

Các thánh đồ không bị giết trong thời Đại Nạn và không bị phán xét vì không có tình yêu thương (Ma-thi-ơ 25:31-46) sẽ là công dân của Vương Quốc Ngàn Năm. Các thánh đồ của Vương Quốc Ngàn Năm và con cháu của họ, nếu không phạm tội, sẽ là công dân của Vương Quốc Đời Đời.

Câu hỏi 3:

Ý nghĩa và việc áp dụng vào cuộc sống của câu Thánh Kinh trong sách Lu-ca 6:37

“Đừng phán xét ai, thì các ngươi khỏi bị phán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, thì ngươi sẽ được tha thứ.”

Theo con hiểu ý nghĩa của câu này là chúng ta không được phán xét hay lên án người thế gian vì chúng ta biết họ bị tội lỗi cai trị và làm ra những việc tội lỗi.

Việc của chúng ta là tha thứ, thương xót họ, nói về Tin Lành của Chúa và cầu thay cho họ.

Câu trả lời:

Từ ngữ “phán xét” (G2919) trong câu này có nghĩa là nói lên ý kiến của mình về một người nào đó, xác định rằng họ đúng hay sai. Bản Dịch Thánh Kinh Hiệu Đính 2012 dịch là “định tội”. Đây cũng là từ ngữ được dùng trong I Cô-rinh-tô 5:12-13:

“Vì có phải tôi cũng định tội những kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải các anh chị em định tội những người ở trong sao? Nhưng những kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ định tội họ. Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.”

Vì thế, chúng ta hiểu rằng, trong Hội Thánh, chúng ta phải định tội (phán xét) lẫn nhau, tức là nhận định anh chị em của mình đúng hay sai, so với Lời Chúa. Còn đối với người thế gian thì chúng ta không cần định tội họ.

Đang khi chúng ta còn là người có tội thì Thiên Chúa đã đối với chúng ta như thế nào? Lời Chúa dạy rõ:

“Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8).

“Và nếu ai nghe những lời của Ta mà không tin, thì Ta không phán xét kẻ đó; vì Ta đã đến, chẳng để phán xét thế gian, nhưng để cứu thế gian.” (Giăng 12:47).

“Các ngươi phán xét theo xác thịt. Ta không phán xét ai.” (Giăng 8:15).

Tuy nhiên, chúng ta có thể phán xét việc làm tội lỗi của người thế gian. Chúng ta cần phân biệt sự phán xét một việc làm nghịch lại luật pháp của Chúa khác với việc phán xét người làm ra việc ấy. Chúng ta không phán xét người phạm tội ăn cắp, tà dâm, giết người… nhưng chúng ta phán xét rằng: mọi sự ăn cắp, tà dâm, giết người… đều là tội lỗi, nghịch lại Thiên Chúa, và đáng chết. Ai phạm những sự ấy không được vào Vương Quốc Trời (Rô-ma 1:32; Ga-la-ti 5:19-21).

Câu hỏi 4 (a):

Trong trường hợp chính quyền họ không làm tốt công việc của họ để xảy ra hậu quả cho người dân thì chúng ta có được lên án chỉ trích họ hay không?

Chúng ta có được đi biểu tình để phản đối chính quyền hay không?

Nếu chúng ta làm những điều đó thì có phạm tội hay không?

Câu hỏi 4 (b):

Hiện tại, đa số con dân Chúa trong Hội Thánh sống tại Việt Nam, vẫn chịu sự cai trị của một chính quyền độc tài, tham lam, dối trá…. Gần đây nhất là hai sự kiện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, trong đó chắc sẽ có con dân Chúa. Đó là nạn hạn hán, xâm nhập mặn gây mất mùa diện rộng ở miền tây và nạn ô nhiễm môi sinh ở miền trung. Hai nạn này tác động không ít đến đời sống, thậm chí là vấn đề sống còn của người dân ở những khu vực này và cả nước. Đặc biệt là nạn biển bị nhiễm độc. Trực tiếp bị ảnh hưởng là ngư dân trong ngắn hạn, dài hạn sẽ đầu độc tất cả người dân vì không gia đình nào là không ăn mắm, muối.

Chúng ta là con dân Chúa, chúng ta bình an trước những đe dọa này. Chúng ta cũng không chống lại sự cai trị của chính quyền. Nhưng chúng ta không thể đồng lõa, im lặng với những tuyên truyền dối trá, bịp bợm, vô trách nhiệm… Chúng ta càng có trách nhiệm với tài nguyên mà Chúa ban cho chúng ta để quản trị. Vậy, con dân Chúa cần có những hành động, ứng xử gì để làm đẹp lòng Chúa, không vi phạm luật pháp con người?

Câu trả lời:

Trong Giăng 17:14-16, Đức Chúa Jesus Christ khẳng định chúng ta không thuộc về thế gian. Trong Giăng 18:36, Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định với Phi-lát vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian.

Chúng ta có bổn phận vâng phục chính quyền khi chính quyền làm đúng thiên chức Chúa giao phó cho chính quyền. Nhưng nếu chính quyền ra những luật lệ nghịch lại Lời Chúa thì chúng ta không tuân theo các luật lệ ấy. Lời Chúa dạy rõ:

“…Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

Trong trường hợp chính quyền làm ra những việc không tốt thì chúng ta có thể khiếu nại theo luật pháp. Nếu sự khiếu nại không được giải quyết thỏa đáng thì chúng ta có quyền lên tiếng công bố sự bất công của chính quyền qua các phương tiện truyền thông, để công luận áp lực chính quyền sửa sai. Chúng ta có thể thuê mướn luật sư không tin Chúa, chúng ta có thể nhờ các ký giả không tin Chúa lên tiếng cho chúng ta, vì họ phục vụ cho lợi ích của chúng ta. Nhưng chúng ta không nên tham dự biểu tình với những người không tin Chúa, vì trong sự biểu tình của họ có thể có những âm mưu khác, và có thể họ kêu cầu các thần linh mà họ thờ lạy.

Chúng ta cần ghi nhớ: Thuê mướn hay nhờ người không tin Chúa làm việc cho mình không phải là mang ách chung với kẻ chẳng tin. Làm việc lãnh lương cho các chủ không tin Chúa cũng không phải là mang ách chung với kẻ chẳng tin.

Mang ách chung với kẻ chẳng tin là:

  • Kết hôn với người không tin Chúa. Ngoại trừ trường hợp trước đó cả hai vợ chồng không tin Chúa, sau đó, có một người tin Chúa, và người không tin Chúa bằng lòng sống với người tin Chúa mà không bắt bớ đức tin của người tin Chúa.
  • Cùng hầu việc Chúa với người không tin Chúa. Thí dụ: cùng với người không tin Chúa đi phát sách chứng Đạo, mời họ ca hát trong buổi truyền giảng. Nhưng nếu chúng ta trả tiền mướn người chở chúng ta đi chứng Đạo hoặc lắp ráp hệ thống âm thanh cho buổi truyền giảng thì không phải là mang ách chung với kẻ chẳng tin.
  • Cùng tham dự các công tác từ thiện, cứu trợ với các tổ chức tôn giáo. Khi tham dự như vậy, chúng ta cùng họ phục vụ cho tổ chức tôn giáo của họ. Điều lố bịch hơn hết là tham dự các buổi cầu nguyện liên tôn (liên hiệp các tôn giáo để cầu nguyện).

Khiếu nại sự sai trái hay bất công của chính quyền đối với cá nhân là quyền hợp pháp của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cầu xin Chúa xem Chúa có muốn chúng ta khiếu nại hay không. Đức Thánh Linh sẽ tỏ ra cho chúng ta biết là nên khiếu nại hay không nên khiếu nại.

Riêng về những việc quốc gia đại sự như chính sách sai lầm của nhà nước hay việc tắc trách của nhà nước trước những nguy cơ lớn đối với quốc gia, thì chúng ta không cần phải lên tiếng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa thương xót cho dân tộc Việt Nam có được nhiều người tin nhận Chúa trước khi họ qua đời. Ngày của Chúa có thể đến bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể ra khỏi thế gian bất cứ lúc nào. Chúng ta hãy để thời gian và công sức làm trọn những điều Chúa đã giao phó. Việc thuộc thể của Việt Nam đã có rất nhiều người thuộc thể lo. Chúng ta là những người thuộc linh hãy lo cho những việc thuộc linh của Việt Nam.

Câu hỏi 5:

Câu chuyện trong Ma-thi-ơ 8:31. Tại sao Chúa Jesus lại cho các quỷ nhập vào đàn heo? Vì sao khi tà linh nhập vào đàn heo thì chúng nhẩy xuống biển? Khi lũ heo chết chìm thì tà linh đi đâu?

Câu trả lời:

Thánh Kinh không đưa ra câu trả lời cụ thể cho ba câu hỏi trên đây. Nhưng chúng ta có thể hiểu như sau:

Đức Chúa Jesus đáp lời cầu xin của các quỷ, cho chúng nhập vào đàn heo, là để cho người ta thấy rõ sức mạnh kinh khủng của tà linh, đồng thời thấy rõ sự khác biệt giữa loài người với loài vật. Hai người được dựng nên giống như Thiên Chúa có thể chịu đựng lâu dài sự bách hại của cả một bầy quỷ dữ, trong khi một đàn heo đông lại không thể chịu nổi, phát cuồng mà lao xuống biển. Một lý do khác là Chúa muốn cho người ta biết rằng, ma quỷ có thể nhập vào thú vật. Sau khi bầy heo chết thì có thể bầy quỷ dữ vẫn bị ràng buộc với xác chết của bầy heo mà ở lại dưới biển sâu. Đó là lệnh truyền của Chúa, đáp ứng lời cầu xin của chúng.

Câu hỏi 6:

Xin giải thích từng câu I Cô-rinh-tô 11:3-16. Câu 14: đàn bà tóc dài là lịch sự và như khăn trùm đầu. Nếu đã như khăn trùm đầu, thì cần gì trùm đầu khi cầu nguyện? Câu 7: Vì sao đàn bà là vinh hiển của đàn ông? Câu 10: Sao lại vì cớ các thiên sứ? Quyền phép mình nương cậy? Câu 16: Có phải rằng ta không nên cãi lẽ ở đoạn này chăng?

Câu trả lời:

Với thời gian có hạn, tôi không giải thích ý nghĩa từng câu I Cô-rinh-tô 11:3-16, cho đến khi tôi giảng chú giải về thư I Cô-rinh-tô. Tôi xin trả lời cách vắn tắt như sau:

  • Tóc dài như khăn trùm đầu là khăn trùm đầu để làm đẹp. Còn khăn trùm đầu trong khi cầu nguyện là dấu hiệu tỏ ra những người đàn bà thuận phục thẩm quyền Chúa đặt để trên họ. Chú ý: “dường như khăn trùm đầu” khác với “khăn trùm đầu”.
  • Đàn ông là sự vinh quang của Thiên Chúa vì đàn ông ra từ Thiên Chúa, phản ánh hình và tượng của Thiên Chúa. Đàn bà là sự vinh quang của đàn ông vì đàn bà ra từ đàn ông, phản ánh những sự tốt lành của người đàn ông.
  • Câu 10 đã được hiệu đính như sau: “Bởi đó, người đàn bà phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.” Vì Thiên Chúa đã đặt để Đấng Christ làm đầu Hội Thánh, đàn ông làm đầu đàn bà, các trưởng lão thay Chúa chăn dắt và cai trị Hội Thánh, cho nên, sự việc đàn bà trùm đầu để tỏ ra mình thuận phục chồng và các trưởng lão trong Hội Thánh, là điều phải lẽ. Trong khi Hội Thánh nhóm hiệp, dù chỉ là hai hay ba người, thì Chúa luôn hiện diện. Khi Chúa hiện diện thì có các thiên sứ theo Ngài cũng hiện diện. Nếu các thiên sứ nhìn thấy các bà không trùm đầu trong khi cầu nguyện và nói tiên tri giữa Hội Thánh thì đó là một việc công khai bội nghịch Lời Chúa, làm cho các thiên sứ khó chịu.
  • Phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền trên đầu tức là phải có khăn trùm đầu để tỏ ra các bà đang cầu nguyện và nói tiên tri dưới thẩm quyền của các nam trưởng lão trong Hội Thánh.
  • Câu 16 cho biết: Đàn bà được phép cầu nguyện và nói tiên tri giữa Hội Thánh nhưng phải trùm đầu. Đó là mệnh lệnh, không ai được bàn cãi. Tiếc thay, ngày nay nhiều người vẫn cứ bàn cãi, hoặc là các bà không chịu trùm đầu, hoặc là các ông không cho phép các bà nói Lời Chúa trong Hội Thánh.

Câu hỏi 7:

Con có một câu hỏi ạ. Đó là “Chúng ta là con dân Chúa, khi gặp mâu thuẫn (mâu thuẫn giữa hai người đều là con dân Chúa) thì chúng ta giải quyết như thế nào ạ?

Đây là ý kiến của con: Con đọc được trong một cuốn sách, họ có nói về cách giải quyết mâu thuẫn, có thể chia ra 5 loại phản ứng như sau:

  • Cố gắng giành phần thắng
  • Dừng lại
  • Đầu hàng
  • Thoả hiệp
  • Giải quyết mâu thuẫn

Sau khi đọc xong (trong sách họ viết chi tiết từng mục) thì con nghĩ thế này: Vấn đề thì luôn luôn có, nhưng quan trọng không phải là vấn đề gì mà là cách chúng ta ĐÓN NHẬN nó như thế nào và GIẢI QUYẾT nó làm sao.

Sau đó con nghe bài giảng của Bác trên youtube “Chớ lo phiền chi hết”. Theo ý kiến con thấy rằng “Có những lúc theo con mắt xác thịt là hoạ, nhưng chúng ta là con cái Chúa, mọi sự đều là phước. Bằng TÌNH YÊU THƯƠNG và SỰ CẢM THÔNG để ĐÓN NHẬN. Và bằng TÌNH YÊU THƯƠNG để giải quyết vấn đề.

Điều quan trọng hơn hết là cậy ơn Chúa để đón nhận và dâng trình lên Chúa để Chúa giúp chúng ta giải quyết. Không biết con nghĩ như vậy có đúng với lời Chúa dạy hay không? Và con mong Bác cậy ơn Chúa trả lời thắc mắc này của con ạ? Cũng như giúp con chỉ ra các câu Thánh Kinh ạ?

Câu trả lời:

Trong tuần này, trong khi trao đổi email với một con dân Chúa, tôi có viết một câu như sau: “Việc bất đồng ý kiến với nhau là chuyện thường. Nhưng nếu sự bất đồng ý kiến liên quan đến lẽ thật của Thánh Kinh thì không phải là chuyện thường.”

Khi việc bất đồng ý kiến liên quan đến lẽ thật của Thánh Kinh thì một bên có ý kiến đúng Thánh Kinh và một bên có ý kiến nghịch Thánh Kinh. Bên có ý kiến đúng Thánh Kinh phải dùng Lời Chúa để giúp cho anh chị em của mình thoát khỏi sự sai lầm. Đó không phải là cố gắng giành phần thắng, mà là hết sức dùng lẽ thật giúp anh chị em của mình. Đó không phải là dừng lại, vì dừng lại không giúp được anh chị em của mình. Đó không phải là đầu hàng, vì không thể nào chúng ta để cho lẽ thật của Lời Chúa bị suy nghĩ của xác thịt áp bức. Đó không phải là thỏa hiệp, vì chúng ta minh định điều gì đúng với Lời Chúa và điều gì sai nghịch Lời Chúa. Đó chính là giải quyết mâu thuẫn theo ý Chúa:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha, trong vòng các anh chị em nếu có ai lầm lạc, cách xa lẽ thật, mà có người làm cho người ấy trở lại, thì phải cho người biết rằng, người làm cho kẻ có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, sẽ cứu được một linh hồn khỏi sự chết và sẽ che lấp vô số tội lỗi.” (Gia-cơ 5:19-20).

Tuy nhiên, có nhiều khi sự lầm lẫn xảy ra là do hiểu sai Lời Chúa. Điển hình là hôm nay, tôi nhận được email của một người đã tự ý rời bỏ Hội Thánh, trích dẫn một số câu Thánh Kinh, đặt ra cho tôi một số câu hỏi có tính bắt bẻ, vì người ấy đã hiểu sai hoặc hiểu không hết ý của các câu Thánh Kinh ấy. Tôi xin nêu một câu như sau:

Người ấy viết: “I Giăng 1:9: Xưng tội với Chúa và xin lỗi trước Hội Thánh có phải là ý chính của câu này hay không? Hay là của câu nào? Đó có phải là chất thêm gánh nặng cho anh em hay không?”

Rõ ràng, người ấy không hiểu gì về sự con dân Chúa xưng tội cùng nhau trong Gia-cơ 5:16. Hay là người ấy cho rằng sự nhóm hiệp của các trưởng lão tại nhà của một người không phải là sự nhóm hiệp của Hội Thánh, và sự xưng tội cùng nhau như vậy không phải là sự xin lỗi trước Hội Thánh.

Đối với những người có lỗi, có tội mà không ăn năn, thì chúng ta đành phải theo Lời Chúa mà dứt thông công với họ, vì một người không chịu ăn năn thì không còn thuộc về Đấng Christ.

Tại sao khi chúng ta phạm lỗi hay phạm tội nghịch anh chị em của mình, chúng ta ăn năn và xin lỗi anh chị em mình trước Hội Thánh lại là việc mang thêm gánh nặng? Không phải đó là việc trút bỏ gánh nặng mặc cảm phạm tội mà chúng ta đang mang sao? Có ai thật lòng ăn năn, hối lỗi mà không muốn xin lỗi người bị mình xúc phạm, bị mình làm thiệt hại?

Câu hỏi 8:

Em chỉ hỏi khi nghe thấy bài giảng, có một số bài bác nói về tội lỗi của nước Mỹ. Trong bài Kỳ Tận Thế Theo Thánh Kinh có bài bác giảng trong Thánh Kinh không nói rõ nhưng rất có thể trong kỳ đại nạn Ô-ba-ma là kẻ chống nghịch Chúa. Vậy, bác có bị bắt bớ gì từ nhà cầm quyền nước Mỹ không ạ?

Câu trả lời:

Nước Mỹ là quốc gia tự do dân chủ đứng đầu trên thế giới. Dân chúng có quyền lên tiếng bình luận, phát biểu cảm nghĩ của mình về chính quyền và các viên chức trong chính quyền.

Tuy nhiên, nước Mỹ lại lạm dụng quyền tự do dân chủ để tôn cao những tội lỗi gớm ghiếc như: hợp pháp hóa việc phá thai, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tính… Nước Mỹ đã vượt qua điểm không thể quay lại, chỉ còn chờ đợi sự đoán phạt kinh khiếp của Thiên Chúa giáng xuống.

Câu hỏi 9:

Việc đăng lời cầu nguyện trên trang gia đình? Về ý nghĩa thì đây là một việc làm tốt đẹp theo Lời Chúa, bổn phận của mỗi chi thể trong thân thể là cầu thay cho nhau mỗi khi một chi thể khác gặp khó khăn, thử thách. Nhưng việc “đăng lời cầu nguyện” trên trang gia đình, là chỗ mà mọi người cũng đọc được lời cầu nguyện của mình, như một sự cầu nguyện “không kín nhiệm” như vậy có mâu thuẫn với các lời dạy của Chúa Jesus dành cho chúng ta không thưa chú?

“Khi các ngươi cầu nguyện, đừng như những kẻ giả hình; vì họ thích đứng cầu nguyện trong các nhà hội và tại các góc đường phố, để được người ta nhìn thấy. Thật vậy! Ta nói với các ngươi, họ đã được phần thưởng của họ. Nhưng ngươi, khi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng của ngươi, đóng cửa của ngươi lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, Đấng ở nơi kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.” (Ma-thi-ơ 6:5-6).

Câu trả lời:

Có hai hình thức cầu nguyện. Cầu nguyện cá nhân và cầu nguyện trước Hội Thánh. Khi chúng ta cầu nguyện cá nhân thì chúng ta một mình với Chúa nơi kín nhiệm. Khi chúng ta cầu nguyện trước Hội Thánh thì chúng ta phải cầu nguyện sao cho người khác có thể nghe và a-men với chúng ta. Việc đăng lời cầu nguyện trên trang Gia Đình là sự cầu nguyện trước Hội Thánh, đem lại an ủi, khích lệ, và gây dựng cho người khác, chứ không phải để được người khác khen mình như sự cầu nguyện cá nhân nơi công cộng của những kẻ giả hình:

I Cô-rinh-tô 14:13-17

13 Bởi đó, người nói một ngôn ngữ khác hãy cầu nguyện, để người ấy có thể thông giải.

14 Vì nếu tôi cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng sự hiểu biết của tôi thì không được kết quả.

15 Vậy thì sao? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng sự hiểu biết. Tôi sẽ hát bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ hát bằng sự hiểu biết.

16 Vì khi các anh chị em cầu phước bằng tâm thần, thì người thuộc hạng bình dân làm sao nói a-men với lời tạ ơn của các anh chị em? Bởi người ấy chẳng hiểu các anh chị em nói gì.

17 Thật! Các anh chị em nói lời cảm tạ cách tốt lành nhưng người khác chẳng được gây dựng.

Câu hỏi 10:

Con dân chân thật của Chúa thì không muốn phạm tội và luôn muốn tránh xa tội lỗi. Nhưng nhiều lúc chúng ta vô ý phạm tội hoặc phạm tội mà chúng ta không biết đó là tội. Có những tội vi phạm điều răn, luật pháp, sự thánh khiết của Chúa mà không liên quan, không ảnh hưởng đến thành viên khác của Hội Thánh và có những tội mà chúng ta làm ảnh hưởng đến thành viên khác trong Hội Thánh và ảnh hưởng đến Hội Thánh. Khi chúng ta biết là chúng ta phạm tội thì lập tức ăn năn tội với Chúa. Có phải là chúng ta đều phải xưng tội trước Hội Thánh không?

Chú vui lòng giải thích thêm về Tội và Lỗi. Cháu thấy nhiều lúc mọi người trên trang gia đình xưng tội nhưng cháu nghĩ đó chỉ là Lỗi, như gõ chữ sai, nghe không rõ/không biết nên nói sai…

Câu trả lời:

Vì mỗi người là một chi thể trong Hội Thánh, cho nên sự phạm tội của mỗi người đều ảnh hưởng đến toàn Hội Thánh. Dù vậy, không nhất thiết là mỗi khi chúng ta phạm tội thì phải xưng tội trước Hội Thánh. Nếu bất cứ ai phạm bất cứ tội gì cũng xưng nhận trước Hội Thánh thì chúng ta sẽ không có đủ thời gian cho việc ấy.

Tuy nhiên, những tội phạm trước Hội Thánh thì phải xưng tội trước Hội Thánh và xin lỗi trước Hội Thánh. Những tội phạm trong xã hội làm cho Hội Thánh mang tiếng xấu cũng cần được xưng nhận trước Hội Thánh. Những tội khiến cho chúng ta bị bệnh thì cần xưng nhận trước các trưởng lão.

Lỗi là những sai lầm không liên quan đến tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa. Tội là bất cứ điều gì nghịch lại Lời Chúa. Dĩ nhiên, gõ sai chữ, trích dẫn sai một câu Thánh Kinh, hiểu lầm hoặc hiểu sai một câu nói… đều là lỗi. Biết là lỗi mà không nhận lỗi, sửa lỗi thì sẽ mang tội ngoan cố. Tội ngoan cố (cố chấp) ngang bằng với tội thờ thần tượng (I Sa-mu-ên 15:23). Vì những người ngoan cố tôn thờ lòng tự ái của họ.

Câu hỏi 11:

Trong Sáng Thế Ký 30 có ghi lại câu chuyện như đoạn sau:

37 Kế đó, Gia-cốp lấy nhành bạch dương, nhành bồ đào và nhành bá-tiên tươi, lột vỏ để bày lằn da trắng ở trong ra.

38 Người để những nhành đã lột vỏ trong máng trước mặt con chiên, là nơi các thú đó đến uống; khi đến uống nước thì con chiên có giao hiệp nhau.

39 Các con chiên ngó thấy những nhành đó mà giao hiệp nhau thì sinh chiên con có sọc, có rằn và có đốm.

40 Gia-cốp để riêng chiên con ra, rồi để chiên cái trong bầy của La-ban trước mặt các con có sọc và có sắc đen; nhưng bầy mình thì riêng ra, không để gần bầy của La-ban.

41 Mỗi lần các con chiên mạnh mập giao hiệp, thì Gia-cốp để các nhành đó dưới mắt trong máng uống nước, để chúng nó đối nhành mà giao hiệp cùng nhau.

42 Nhưng khi nào con chiên gầy ốm, thì người không để nhành như vậy; thế thì, các chiên con gầy ốm để về phần La-ban, còn chiên con mạnh mập lại về phần Gia-cốp.

Cháu thắc mắc việc làm của Gia-cốp là sự hiểu biết, tính toán theo sự khôn ngoan của ông hay là điều ông được Chúa dạy dỗ, vì cháu không thấy sự phán dạy của Chúa cho Gia-cốp điều này.

Câu trả lời:

Chúng ta thật sự không biết Gia-cốp làm theo chỉ thị của Chúa hay ông làm theo suy nghĩ của ông. Khoa học cho chúng ta biết việc làm của Gia-cốp không đúng với sự hiểu biết của khoa học. Nhưng việc Đức Chúa Jesus hóa nước thành rượu cũng không đúng với sự hiểu biết của khoa học.

Nếu việc làm của Gia-cốp là theo chỉ thị của Chúa thì Chúa muốn ông thể hiện đức tin của ông bằng sự vâng lời Chúa (như trường hợp những người hầu bàn trong tiệc cưới tại Ca-na vâng lời Đức Chúa Jesus).

Nếu việc làm của Gia-cốp chỉ là theo suy nghĩ riêng tư của ông, thì ông đã tốn công vô ích, vì Chúa đã định ban phước cho ông, dù ông không làm vậy, Chúa vẫn cho bầy chiên sinh ra những chiên con có vằn. Tương tự như việc, cho dù mẹ ông và ông không đồng mưu gạt cha của ông là I-sác thì Chúa vẫn ban phước cho ông và chọn ông làm tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên.

Chúng ta cần học bài học này: Chỉ cần đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa. Mọi sự đã được Chúa sắm sẵn cho chúng ta và ban cho đúng kỳ. Chúng ta không cần phải lao tâm, mệt trí, suy nghĩ tìm cách thu đoạt bất cứ một điều gì.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/06/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.