Hội Thánh: 04 Chức Vụ Tiên Tri

6,722 views

Hội Thánh: 04 Chức Vụ Tiên Tri

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

“Tiên tri” là một danh từ Hán Việt. Tiên là trước. Tri là biết. Tiên tri là biết trước. Người tiên tri là người biết trước một việc sẽ xảy ra. Nói tiên tri là nói trước về một việc sẽ xảy ra. Trong các ngoại giáo và các tục mê tín dị đoan, đều có những người xưng là tiên tri và nói tiên tri theo nghĩa như vậy.

Từ ngữ “tiên tri” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là “nabiy’” /na-vi/ [1], trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “prophētēs” /pro-phế-tết/ [2]. Từ ngữ này, khi được dùng để nói đến các tiên tri Thời Cựu Ước hay chức vụ tiên tri trong Hội Thánh, thì có nghĩa là: “Phát ngôn viên của Đức Chúa Trời”, tức là người rao truyền ý muốn của Đức Chúa Trời cho người khác. Tiên tri của Chúa:

  • Rao và giảng Lời của Chúa. Rao là lập lại, giảng là giải thích. Tiên tri của Chúa rao giảng cho người chưa biết Chúa để họ biết Ngài và tin nhận Ngài. Tiên tri của Chúa rao giảng cho con dân Chúa để họ nhớ, hiểu và sống theo Lời Chúa, được vui mừng và được an ủi bởi Lời Chúa.

  • Trong sự rao và giảng Lời Chúa, bao gồm sự công bố những điều Chúa sẽ làm trong tương lai, mà phần lớn đã được ghi chép trong sách Khải Huyền. Hiện nay, tiên tri của Chúa nhấn mạnh đến sự Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và sự Chúa sẽ phán xét toàn thế gian trong Kỳ Đại Nạn.

  • Cáo trách con dân Chúa về sự phạm tội và kêu gọi con dân Chúa ăn năn tội.

Đối với các tiên tri trước thời Hội Thánh được thành lập, thì họ nhận sứ điệp qua lời phán trực tiếp từ Đức Chúa Trời để thông truyền. Các sứ điệp đó đã được ghi chép lại trong các sách tiên tri của Thánh Kinh.

Đối với các tiên tri trong Hội Thánh, sau khi sách cuối cùng của Thánh Kinh, là sách Khải Huyền, và cũng là sứ điệp tiên tri cuối cùng của Đức Chúa Trời được ghi chép, thì họ chỉ thông truyền những sứ điệp đã được Đức Chúa Trời mạc khải trong Thánh Kinh. Từ đó, chỉ có Thánh Kinh là nền tảng và thẩm quyền duy nhất cho đức tin và nếp sống Đạo của con dân Chúa. Từ đó, các tiên tri của Chúa chuyên về chức năng “rao giảng Lời của Chúa” và “công bố trước những điều Chúa sẽ làm trong tương lai” như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Từ đó, không còn cần thiết để Đức Chúa Trời phán trực tiếp một sứ điệp gì cho các tiên tri để họ thông truyền lại cho người khác. Những gì Đức Chúa Trời muốn cho toàn thể loài người biết, thì Ngài đã phán; và những lời phán ấy đã được ghi chép đầy đủ trong Thánh Kinh.

Chúng ta cần ghi nhớ lẽ thật này: Thiên Chúa Ngôi Con, là Lời của Đức Chúa Trời (Ngôi Lời), đã nhập thế làm người, trực tiếp phán truyền tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta biết: “Chẳng có ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Đấng Con Một, Đấng ở trong lòng của Đức Cha. Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa.” (Giăng 1:18). Nếu cho rằng, ngày hôm nay Đức Chúa Trời vẫn còn phán truyền những điều trước kia Ngài chưa phán truyền, thì có khác nào cho rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã không hoàn thành sự giãi bày về Thiên Chúa? Ngay cả khi Đức Thánh Linh giáng lâm và ở lại với Hội Thánh trong lòng những ai tin nhận Chúa, thì Ngài cũng chỉ nhắc cho con dân Chúa nhớ mọi điều Chúa đã phán, chứ Đức Thánh Linh cũng không phán truyền điều gì mới lạ:

“Ta đã nói những điều đó với các ngươi đang khi Ta còn ở cùng các ngươi. Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán với các ngươi.” (Giăng 14:25-26).

Trước khi thế hệ sứ đồ đầu tiên trong Hội Thánh qua đi, Đức Chúa Jesus Christ đã giãi bày cho Sứ Đồ Giăng tương lai của thế gian, của Vương Quốc Ngàn Năm, của Vương Quốc Đời Đời, và ra lệnh cho ông ghi chép lại trong sách Khải Huyền. Sách Khải Huyền, vì thế, là cuốn sách kết thúc Thánh Kinh, đồng thời kết thúc luôn sự Đức Chúa Trời phán truyền qua các tiên tri. Ngày nay, trong mối tương giao với con dân Chúa, Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn trò chuyện, phán dạy trực tiếp với con dân Chúa, nhưng mọi lời phán dạy đều nằm trong Thánh Kinh.

Khi chúng ta nghe thấy ai đó xưng nhận mình là tiên tri của Đức Chúa Trời và xưng rằng họ nhận được sứ điệp này, sứ điệp kia từ Đức Chúa Trời để thông truyền cho Hội Thánh, mà các sứ điệp đó lại là những điều không có trong Thánh Kinh, thì chúng ta biết ngay, đó là các tiên tri giả. Nhất là các sứ điệp kêu gọi con dân Chúa đóng góp tiền bạc để xây cất “nhà thờ”. Thánh Kinh không bao giờ dạy con dân Chúa xây cất “nhà thờ”; mà Thánh Kinh dạy rằng, con dân Chúa nhóm họp tại nhà riêng hoặc các nơi công cộng. Chúa dạy rằng, con dân Chúa có thể nhóm họp trong danh Chúa tại bất cứ nơi nào (Ma-thi-ơ 18:20).

Nói như vậy, không có nghĩa là cực đoan đến độ cho rằng, con dân Chúa không nên xây cất một nơi rộng rãi để nhóm họp thờ phượng Chúa và thông công với nhau. Khi có nhu cầu, sự xây cất nơi nhóm họp chung phải là sự đồng tình của con dân Chúa và trong khả năng đóng góp của mọi người, chứ không phải là đi vay nợ ngân hàng. Sự xây cất đó không nhằm mục đích phô trương danh tiếng, sự giàu có của Hội Thánh địa phương, không xa xỉ, phí phạm những sự ban cho của Chúa. Điển hình là: Trong một buôn làng hẻo lánh, nơi mà chỗ ở của con dân Chúa chỉ là những túp nhà sàn bé nhỏ, Hội Thánh góp công, góp của, mọi người cùng nhau xây dựng một chỗ nhóm họp rộng rãi là một điều hợp lý. Nơi một xóm làng miền nam, con dân Chúa đốn cây tràm, cây đước, chặt lá dừa nước, cùng nhau cất lên một mái nhà lá rộng rãi để làm chỗ nhóm họp là một điều hợp lý.

Có những người tội lỗi, không tin nhận Chúa, thờ lạy các tà thần nhưng vẫn được Chúa dùng cho một số mục đích của Ngài. Họ được Chúa gọi là đầy tớ của Ngài, như Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Đế Quốc Ba-bi-lôn (Giê-rê-mi 27:6); gọi là người chăn chiên của Ngài, người được xức dầu của Ngài, như Vua Si-ru của Đế Quốc Phe-rơ-sơ (Ê-sai 44:28; 45:1). Tuy nhiên, tiên tri trong Hội Thánh của Chúa phải là người thuộc về Hội Thánh của Chúa. Không thể nào Chúa lập nên chức vụ tiên tri trong Hội Thánh mà lại giao chức vụ ấy cho một người không tin Chúa hoặc một người đã tin Chúa mà vẫn sống trong tội. Vì thế, một tiên tri trong Hội Thánh của Chúa phải là một người đã được tái sinh và hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thể hiện rõ ràng bông trái của tâm thần: “tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22-23).

Chúa vẫn dùng tiên tri của Chúa trong Hội Thánh để cáo trách tội lỗi của một cá nhân hoặc của Hội Thánh. Nhưng cũng có trường hợp, nhiều người mạo dùng danh Chúa bêu rếu tội lỗi của người khác, hoặc của Hội Thánh vì mục đích cá nhân. Những người đó không phải là tiên tri của Chúa mà chỉ là sói đội lốt chiên, được Sa-tan cài vào Hội Thánh để phá hoại. Chúa gọi đó là “những kẻ tự xưng là người Do-thái nhưng không phải, mà là những kẻ thuộc hội của Sa-tan”, “những kẻ thuộc hội Sa-tan, xưng mình là người Do-thái mà không phải, chúng chỉ là những kẻ nói dối” (Khải Huyền 2:9; 3:9).

Ngày nay, trong các giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần lại dấy lên các phong trào sứ đồ và tiên tri. Tất cả những người tự xưng là sứ đồ hoặc tiên tri trong các phong trào đó, đều là giả mạo:

“Vì những kẻ như vậy là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ. Và chẳng lạ gì, vì chính Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng. Vậy nên, chẳng có gì là vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó cũng được giả dạng như những người giúp việc của sự công chính. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ là xứng với những việc làm của chúng nó.” (II Cô-rinh-tô 11:13-15).

Các chức vụ sứ đồ và tiên tri được Đức Chúa Trời thiết lập trong Hội Thánh, không phải là các phong trào do loài người dấy lên!

Khi xét về ý nghĩa của chức vụ tiên tri thì chúng ta thấy ngay, mỗi con dân Chúa đều làm công việc của một tiên tri, là: rao giảng Tin Lành, giải thích ý nghĩa của Thánh Kinh, công bố những điều Chúa sẽ làm trong tương lai, cáo trách tội lỗi và kêu gọi tội nhân ăn năn. Thật vậy, danh xưng Cơ-đốc nhân hàm ý chúng ta cũng được xức dầu để làm những việc Đấng Christ đã làm. Nghĩa là, chúng ta được Đức Chúa Trời đổ đầy thánh linh để làm những tiên tri, những thầy tế lễ, và những vua trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chức vụ tiên tri trong Hội Thánh là chức vụ Chúa ban cho một số người để họ chuyên tâm thi hành chức vụ đó.

Khác với chức vụ sứ đồ là chức vụ chỉ dành cho phái nam, chức vụ tiên tri được Chúa ban cho cả nam lẫn nữ. Thánh Kinh Cựu Ước đã ghi lại tên các nữ tiên tri:

  • Mi-ri-am, chị của A-rôn và Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:20).

  • Đê-bô-ra vừa làm tiên tri vừa làm quan xét (Các Quan Xét 4:4).

  • Vợ của Tiên Tri Ê-sai (Ê-sai 8:3), [3].

  • Hun-đa, vợ của Sa-lum, người giữ áo lễ (II Các Vua 22:14; II Sử Ký 34:22).

  • Nô-a-đia, một nữ tiên tri chống nghịch Nê-hê-mi (Nê-hê-mi 6:14).

Thánh Kinh Tân Ước cũng ghi lại tên nữ tiên tri An-ne (Lu-ca 2:36) và nói đến bốn con gái của Chấp Sự Phi-líp hay nói tiên tri (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:8-9).

Phụ nữ khi nói tiên tri thì phải trùm đầu:

“Nhưng đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà đầu không được trùm lại, thì làm nhục đầu mình. Vì như vậy cũng giống như nàng đã bị cạo đầu.” (I Cô-rinh-tô 11:5), [4].

Chúng ta cần phân biệt chức vụ tiên tri với các chức vụ cũng rao giảng Lời Chúa như chức vụ sứ đồ, chức vụ giảng Tin Lành, chức vụ chăn bầy và dạy Lời Chúa:

  • Chức vụ tiên tri không làm công việc thành lập Hội Thánh và chọn ra các trưởng lão để chăm sóc Hội Thánh như chức vụ sứ đồ.

  • Chức vụ tiên tri không chuyên về công việc rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa như chức vụ giảng Tin Lành.

  • Chức vụ tiên tri không làm công việc giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa như chức vụ chăn bầy.

Chức vụ tiên tri được Chúa dùng để gây dựng Hội Thánh trong sự nhóm họp thông công của Hội Thánh như Lời Chúa đã chép trong I Cô-rinh-tô 14:26-33.

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng!

27 Nếu có ai nói một ngôn ngữ khác thì hai hoặc nhiều lắm là ba người nói theo phiên, và có một người thông giải.

28 Nếu không có ai thông giải thì người ấy phải giữ im lặng trong Hội Thánh, mà tự nói với mình và với Đức Chúa Trời.

29 Còn các tiên tri, hai hay ba người nói, những người khác thì suy xét.

30 Nhưng, nếu có sự mạc khải cho một người đang ngồi, thì người trước phải giữ im lặng.

31 Bởi vì hết thảy các anh chị em có thể lần lượt nói tiên tri, để tất cả đều được học và tất cả đều được khích lệ.

32 Thần trí của các tiên tri vâng phục các tiên tri.

33 Vì Đức Chúa Trời chẳng phải Đức Chúa Trời của sự loạn lạc mà của sự hòa bình, như trong tất cả các Hội Thánh của các thánh đồ.

Trong các buổi nhóm họp của Hội Thánh, Đức Thánh Linh sẽ cảm động các tiên tri trong Hội Thánh nói ra những lời gây dựng cho Hội Thánh. Những lời đó bao gồm: lời an ủi Hội Thánh khi Hội Thánh gặp sự khó khăn, hoạn nạn; lời phô bày những sự mầu nhiệm trong Lời Chúa; lời cáo trách kẻ có tội và kêu gọi kẻ có tội ăn năn. Ngoài ra, cũng có thể nói trước về một sự kiện sẽ xảy ra như trường hợp Tiên Tri A-ga-bút báo trước:

  • Sẽ có sự đói kém trên khắp đất (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:28).

  • Sứ Đồ Phao-lô sẽ bị dân Do-thái bắt tại thành Giê-ru-sa-lem mà trao cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:10-11).

Người tiên tri phải nói theo lượng đức tin của mình (Rô-ma 12:6), có nghĩa là chỉ nhân danh Chúa nói ra điều mình tin chắc là Chúa cảm động mình nói [5].

Mục đích của chức vụ tiên tri là gây dựng, khích lệ và an ủi Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 14:3-4), để tất cả đều được học và tất cả đều được khích lệ (I Cô-rinh-tô 14:31).

Người tiên tri phải là người nhu mì và khiêm nhường như Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 11:29); không tự tôn mình lên cao hơn người khác; không đòi hỏi người khác phải biệt đãi mình, trái lại, xem người khác là tôn trọng hơn mình (Phi-líp 2:3); và biết tôn trọng và vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trong gia đình, trong xã hội, trong Hội Thánh (Rô-ma 13:1; Ê-phê-sô 5:21).

Chức vụ tiên tri trong Hội Thánh cũng như các chức vụ khác do Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh, sẽ còn lại trong Hội Thánh cho đến khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

17/08/2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H5030: “נביא” H5030, được chuyển ngữ quốc tế thành (nabiy’), phiên âm quốc tế là /nä·vē’/, phiên âm tiếng Việt là /na-vi/.

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G4396: “προφήτης” G4396, được chuyển ngữ quốc tế thành (prophētēs), phiên âm quốc tế là /pro-fā’-tās/, phiên âm tiếng Việt là /pro-phế-têt/.

[3] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch Ê-sai 8:3 như sau: “Đoạn, tôi đến nhà nữ tiên tri; người chịu thai và sanh một con trai. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng tôi rằng: Hãy đặt tên nó là Ma-he-Sa-la-Hát-Bát.” Trong khi nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của câu này hàm ý: Ê-sai ăn ở cùng nữ tiên tri, là vợ ông, và nàng chịu thai, sinh một con trai! Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 đã hiệu đính Ê-sai 8:3 như sau: “Kế đó, tôi đến với nữ tiên tri; người chịu thai và sinh một con trai. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với tôi rằng: Hãy đặt tên nó là Ma-he Sa-la Hát-Bát.”

[4] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “Nhưng phàm người đờn bà cầu nguyện hoặc giảng Đạo mà không trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình: thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy”; nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp là “nói tiên tri.” Dịch thành “giảng Đạo” là dịch diễn ý!

[5] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “tập nói theo lượng đức tin”, dư chữ “tập” làm cho người đọc hiểu lầm rằng, cần phải “tập nói” tiên tri!

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: