Hội Thánh: 06 Chức Vụ Chăn Bầy

6,156 views

Hội Thánh: 06 Chức Vụ Chăn Bầy

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

“Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: Thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.” (I Cô-rinh-tô 12:28).

“Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy…” (Ê-phê-sô 4:11).

Theo I Cô-rinh-tô 12:28 thì chức vụ thứ ba Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh, là chức vụ giảng dạy Lời Chúa. Còn Ê-phê-sô 4:11 thì nói rằng, có những người được Đức Chúa Jesus Christ cho “làm người chăn và người dạy”. Theo văn phạm thì mệnh đề “làm người chăn và người dạy”, là nói đến cùng một người nhưng làm hai công việc khác nhau: công việc chăn bầy và công việc dạy Đạo. Trong chương trước, chúng ta đã tìm hiểu về nhiệm vụ dạy Đạo cho người chưa biết Chúa, tức là nhiệm vụ rao giảng Tin Lành, và nhiệm vụ dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Trong chương này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về sự dạy Đạo của một người chăn bầy.

Khi chúng ta đọc lại câu chuyện Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi Sứ Đồ Phi-e-rơ cho chiên của Chúa ăn (Giăng 21:15-17), thì chúng ta hiểu rằng: Chúa giao cho Phi-e-rơ chức vụ chăn bầy, và nhiệm vụ của Phi-e-rơ là cho chiên của Chúa, tức là con dân của Chúa, ăn thức ăn thuộc linh. Cho con dân của Chúa ăn thức ăn thuộc linh tức là rao giảng Lời Chúa cho họ! Nói cách khác, Phi-e-rơ có nhiệm vụ dạy Lời của Chúa cho con dân của Chúa. Đây không phải chỉ là việc đứng lên công bố và giải thích Lời Chúa như một người giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa, hay một người dạy giáo lý trong Hội Thánh. Mà là người dạy tùy thuộc vào trình độ, nhu cầu, hoàn cảnh của người nghe để giải thích Lời Chúa và giúp cho người nghe áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Chúa gọi đó là “cho ăn đúng giờ” và đó là sự thi hành đúng nhiệm vụ được giao phó của những người đầy tớ khôn ngoan (Ma-thi-ơ 24:45). Người chăn luôn luôn là người dạy Đạo, nhưng người dạy Đạo không nhất thiết cũng là người chăn.

Người chăn không phải chỉ làm nhiệm vụ cho chiên ăn, mà còn phải bảo vệ và thi hành kỷ luật bầy chiên khi cần. Cả ba nhiệm vụ: cho ăn, bảo vệ, và thi hành kỷ luật đều được làm bởi lòng yêu thương quên mình. Nếu không, người chăn chỉ là một người chăn thuê!

Công việc của một sứ đồ, tiên tri, người giảng Tin Lành, hay người dạy Lời Chúa trong Hội Thánh chỉ cần sự hết lòng mà làm và sẵn lòng chịu khổ. Nhưng công việc chăn bầy đòi hỏi một người phải yêu Chúa trên tất cả mọi sự. Chỉ khi nào một người yêu Chúa trên tất cả mọi sự, thì người ấy mới có thể chăm sóc bầy chiên của Chúa như chính Chúa chăm sóc! Bầy chiên của Chúa là Hội Thánh, mà Chúa yêu Hội Thánh như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại vài câu Thánh Kinh dưới đây:

“Ta là Người Chăn Ngay Lành. Người Chăn Ngay Lành bỏ đi sự sống của mình vì bầy chiên.” (Giăng 10:11).

“…Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để thánh hóa, làm cho Hội tinh sạch, với sự rửa bởi nước trong lời phán, [Lời phán trong Ma-thi-ơ 28:19-20.] để trình ra cho chính Ngài Hội Thánh vinh quang, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được.” (Ê-phê-sô 5:25-27).

“…Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài…” (Khải Huyền 1:5-6).

Trước hết, chúng ta thấy chính Đức Chúa Jesus xác nhận Ngài là: Người Chăn Ngay Lành, vì bầy chiên của mình mà hy sinh mạng sống! Vì thế, trước khi giao bầy chiên của Chúa cho một người nào chăm sóc, Chúa đòi hỏi người ấy phải yêu Chúa hơn tất cả mọi sự. Chúng ta hãy trở lại với câu chuyện Chúa phán hỏi Phi-e-rơ, trước khi Ngài giao cho ông nhiệm vụ chăn dắt bầy chiên của Ngài:

Giăng 21:15-17

15 Khi họ đã ăn xong, Đức Chúa Jesus phán với Si-môn Phi-e-rơ: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta hơn những người này, những sự này chăng? Ông thưa với Ngài: Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài. Ngài phán rằng: Hãy chăn những chiên con của Ta.

16 Ngài lại phán với ông lần thứ nhì: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta chăng? Ông thưa rằng: Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài. Ngài phán rằng: Hãy cho những chiên của Ta ăn.

17 Ngài phán với ông lần thứ ba: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi thương mến Ta chăng? Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài phán với ông lần thứ ba: Ngươi thương mến Ta chăng? Ông thưa rằng: Lạy Chúa! Ngài biết hết mọi sự. Ngài biết rõ, tôi thương mến Ngài! Đức Chúa Jesus phán với ông: Hãy chăn những chiên của Ta.

Chúng ta thấy, Chúa đặt ra điều kiện một người cần phải có trước khi nhận lãnh chức vụ chăn dắt bầy chiên của Ngài. Trong câu 15, lần thứ nhất Chúa phán hỏi Phi-e-rơ rằng, “Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta hơn những người này, những sự này chăng?” Chữ yêu được dùng trong câu hỏi là động từ “ἀγαπάω”, /a-ga-pao/ trong nguyên ngữ Hy-lạp [1]. Động từ này nói đến sự yêu bằng tình yêu “ἀγάπη”, /a-ga-pê/ [2], là tình yêu như là tình yêu của Đức Chúa Cha đối với Đức Chúa Con (Giăng 17:26) và tình yêu của Đức Chúa Trời đối với thế gian (Giăng 3:16; Rô-ma 5:8). Vì thế, chúng ta không thể dựa trên cách dùng trong văn chương Hy-lạp hoặc sự định nghĩa của từ điển Hy-lạp mà định nghĩa từ ngữ này, khi nó được dùng trong Thánh Kinh. Đức Thánh Linh đã ban cho từ ngữ này một ý nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa thường dùng của nó.

Tình yêu Đức Chúa Jesus mong chờ nơi Phi-e-rơ, là tình yêu từ chính Thiên Chúa, tình yêu sẵn sàng hy sinh tất cả những gì cao quý nhất của mình cho người mình yêu! Như Đức Chúa Trời đã hy sinh Con Một của Ngài khi Ngài yêu thế gian, khiến cho Con Một của Ngài chết thay cho nhân loại! Như Đức Chúa Jesus Christ đã hy sinh chính địa vị Thiên Chúa của mình để trở nên con của loài người, và chịu chết nhục nhã, đau thương trên thập tự giá, khi Ngài vì yêu mà chuộc tội cho nhân loại! Như Sứ Đồ Phao-lô đã yêu Chúa đến nỗi, ông đã xem tất cả những gì ông thành đạt trong cuộc sống, đều không quý bằng sự được nhận biết Chúa. Những sự mà thế gian, và chính ông trước kia, cho là lời đã trở thành lỗ; vì hễ còn nắm giữ chúng, thì ông sẽ không thể đạt đến sự nhận biết Đấng Christ và tình yêu của Ngài cách đầy trọn, cũng không thể yêu Ngài cách đầy trọn:

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy.” (I Giăng 2:15).

Phao-lô, vừa là một sứ đồ vừa là một người chăn, đã viết lên những lời tha thiết sau đây:

Phi-líp 3:7-10

7 Nhưng những gì đối với tôi là có lợi thì tôi xem như sự lỗ, vì Đấng Christ.

8 Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ,

9 và được tìm thấy ở trong Ngài, không phải bởi có sự công chính của tôi, là sự ra từ luật pháp, nhưng sự công chính bởi tin nơi Đấng Christ, là sự công chính ra từ Đức Chúa Trời bởi đức tin;

10 để tôi được biết Ngài, quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công trong sự thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài.

Chính Đức Chúa Jesus đã dạy cho các môn đồ rằng:

“Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13).

Chúng ta có thể gọi, đó là tình yêu thiên thượng, tình yêu quên mình, tận hiến. Nếu chúng ta có thể vì yêu mà chết thay cho một người thì chúng ta cũng sẵn sàng hy sinh cho những người mà người chúng ta yêu đã yêu và đã chết thay!

Bên cạnh việc Chúa muốn Phi-e-rơ yêu Chúa bằng tình yêu quên mình, tận hiến, Chúa còn muốn Phi-e-rơ đặt Chúa đứng đầu trong tình yêu của Phi-e-rơ: “Ngươi yêu Ta hơn những người này, những sự này chăng?” Tức là, không phải chỉ yêu Chúa hơn các bạn của mình, mà còn là yêu Chúa hơn tất cả mọi sự trong thế gian! Chúng ta có thể hình dung ra, Chúa vừa hỏi Phi-e-rơ, vừa đưa tay ra chỉ một vòng về phía các bạn của ông, chiếc thuyền đánh cá, cái lưới chứa đầy 153 con cá lớn do chính ông mới vừa kéo lên bờ, và cả thế gian trước mắt Phi-e-rơ!

Muốn làm một người chăn chiên cho Chúa, thì phải yêu Chúa hơn là yêu những người khác và yêu Chúa hơn là yêu bất cứ sự gì trong thế gian. Chúng ta có thể chết cho danh dự của mình, chết cho lý tưởng, chết cho người khác, chết cho những gì mà chúng ta ưa thích… nhưng chúng ta phải yêu Chúa và sẵn sàng chết cho Ngài hơn là chúng ta yêu và sẵn sàng chết cho ai khác hay sự gì khác, thì chúng ta mới có thể nhận lãnh chức vụ chăn bầy của Ngài.

Phi-e-rơ đáp lời Chúa: “Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài.” Phi-e-rơ đã không dám thưa với Chúa là ông yêu Chúa bằng tình yêu quên mình, tận hiến! Ông chỉ dám thưa với Chúa là, Chúa biết ông yêu Chúa bằng tình yêu như tình yêu bạn bè. Ông dùng từ ngữ “φιλέω” /phi-lê-ô/ [3].

Trong câu 16, Chúa lập lại câu hỏi, nhưng lần này Chúa nhấn mạnh đến chữ yêu! Chúa không còn đòi hỏi Phi-e-rơ yêu Chúa hơn mọi người khác và hơn mọi sự trong cuộc đời. Chúa chỉ muốn là Phi-e-rơ yêu Chúa thay vì chỉ thương Chúa: “Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta chăng?” Tuy nhiên, Phi-e-rơ vẫn thưa với Chúa cùng một câu: “Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài.”

Chúa hỏi Phi-e-rơ lần thứ ba, và lần này Ngài dùng chữ “thương mến” của Phi-e-rơ: “Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi thương mến Ta chăng?” Phải chăng, Chúa dùng chữ “thương mến” Phi-e-rơ dùng với ngụ ý nhắc ông hãy xét lại lòng mình, mà đánh giá thật đúng tình cảm của ông dành cho Chúa? Đúng như lời Phi-e-rơ nói: “Lạy Chúa! Ngài biết hết mọi sự”, Chúa biết rất rõ về ông. Ngài biết ông yêu Chúa, nhưng có lẽ vì mặc cảm chối Chúa ba lần trong đêm Chúa bị bắt, cho nên, ông đã không dám nói là ông yêu Chúa! Thậm chí, ông cũng không dám nói thẳng là ông “thương” Chúa!

Chúa biết hết mọi sự, Chúa biết tình yêu của Phi-e-rơ dành cho Chúa, và Chúa là Đấng ban năng lực cho Phi-e-rơ để ông làm tròn bất cứ chức vụ nào Chúa giao cho ông. Vậy, tại sao Chúa không nói gọn một câu với Phi-e-rơ, đại khái là: “Hỡi Phi-e-rơ, hãy cho chiên Ta ăn, kể cả những chiên con của Ta”; mà Chúa lại hỏi là Phi-e-rơ có yêu Chúa hơn mọi sự hay không, trước khi Ngài giao chức vụ chăn bầy cho Phi-e-rơ? Bởi vì, Chúa muốn cho Phi-e-rơ và tất cả những người được Chúa giao cho nhiệm vụ chăn bầy của Ngài, phải ý thức rằng: Chức vụ chăn bầy chỉ có thể hoàn thành bởi tấm lòng yêu Chúa trên tất cả mọi sự!

Ngày nay, trong tất cả các giáo hội, người ta tùy tiện “đào tạo và phong chức” chăn bầy. Thậm chí, hiệu trưởng một trường Thần học của người Việt tại Mỹ, đã kêu gọi sinh viên: cứ ghi danh học đi rồi Chúa sẽ gọi vào chức vụ sau. Thông lệ là hễ ai tốt nghiệp trường Thánh Kinh hoặc trường Thần học thì được các giáo hội nhân danh Chúa mà “phong chức” chăn bầy! Điều kiện để đảm nhận chức vụ chăn bầy trong các giáo hội là phải tốt nghiệp trường Thánh Kinh hoặc trường Thần học. Một số giáo phái còn dựa vào bằng cấp để trả lương cho người chăn bầy!

Các giáo phái đã biến chức vụ chăn bầy thành công việc chăn thuê và thành một nghề phải qua các trường lớp huấn luyện trí thức cùng kỹ năng! Vì thế, không có gì lạ khi ở những thành phố có mức sống tiện nghi và thoải mái thì có rất nhiều “mục sư”. Thậm chí, một Hội Thánh ở thành phố lớn, giàu có về tiền dâng hiến, có thể có từ ba đến năm, bảy “mục sư”. Trong khi đó, Hội Thánh ở các thành phố nhỏ, nghèo về tiền dâng hiến, vì các thành viên là dân lao động, chỉ kiếm đủ ăn, thì không có người chăn! Chúa không sai những “mục sư” từ các Hội Thánh giàu có đi đến chăm sóc những bầy chiên nghèo của Chúa; hay thật ra, họ chỉ là những người chăn thuê, không phải là những người chăn yêu Chúa và bầy chiên của Chúa trên tất cả mọi sự?

Theo Thánh Kinh, người chăn chân thật của Chúa do chính Chúa kêu gọi và trang bị họ để làm nhiệm vụ chăn dắt bầy chiên của Ngài. Trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, kể từ khi phát sinh ra các giáo hội, thì các giáo hội đã làm băng hoại chức vụ người chăn bầy!

Cũng qua câu chuyện Chúa giao chức vụ chăn bầy cho Phi-e-rơ mà chúng ta biết rằng, người làm chức vụ chăn bầy có trách nhiệm với cả chiên con và chiên trưởng thành trong bầy chiên của Chúa. Chiên con và chiên trưởng thành vừa có nghĩa đen là trẻ con và người lớn trong Hội Thánh, vừa có nghĩa bóng là người non yếu trong đức tin và người tin Chúa đã trưởng thành trong đức tin. Việc non yếu và trưởng thành trong đức tin không liên quan đến tuổi tác hay thời gian đi theo Chúa, mà tùy thuộc vào tấm lòng yêu Chúa của một người.

Chúng ta thấy, Chúa lần lượt truyền cho Phi-e-rơ ba mệnh lệnh:

1. “Hãy chăn những chiên con của Ta.” Có nghĩa là: Hãy giảng dạy Lời Chúa cho những người mới trở thành môn đồ của Chúa, bao gồm trẻ con trong Hội Thánh.

2. “Hãy cho những chiên của Ta ăn.” Có nghĩa là: Hãy giảng dạy Lời Chúa cho mọi người trong Hội Thánh.

3. “Hãy chăn những chiên của Ta.” Có nghĩa là cai trị và dẫn dắt con dân Chúa trong Hội Thánh. Chữ “chăn” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh vừa có nghĩa chăm sóc, vừa có nghĩa cai trị và bảo vệ.

Tóm lại, chức vụ chăn bầy và dạy Đạo là chức vụ cai trị con dân Chúa và giảng dạy Lời Chúa cho con dân của Chúa trong Hội Thánh. Sự cai trị là thẩm quyền dẫn dắt con dân Chúa sống theo Lời Chúa; kỷ luật con dân Chúa khi họ có lỗi để họ sớm ăn năn, quay về với sự công chính trong Chúa. Sự giảng dạy là tùy thuộc vào khả năng, trình độ, hoàn cảnh của mỗi người mà giúp họ hiểu biết Lời Chúa và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Sự giảng dạy này không chỉ bằng lý thuyết qua lời nói mà còn là qua chính nếp sống của người giảng dạy: giảng như thế nào thì cũng sống như thế ấy.

Chức vụ chăn bầy và giảng dạy do chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho. Chức vụ này đòi hỏi người nhận chức phải là người yêu Chúa hơn tất cả mọi sự bằng tình yêu quên mình, tận hiến.

Người chăn bầy chân thật không đặt mình dưới các hệ thống huấn luyện và giáo quyền của các giáo hội, không nhận sự phong chức hay sự công nhận của các giáo hội. Người ấy trực tiếp nhận chức vụ và thẩm quyền từ Đức Chúa Jesus Christ, nhận bầy chiên và năng lực chăn bầy từ Đức Thánh Linh, để phục vụ Đức Chúa Trời và Hội Thánh của Ngài:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa vòng các anh chị em. Hãy chăm sóc chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng; chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng; chẳng phải như hành xử quyền cai trị cơ nghiệp nhưng để làm gương tốt cho bầy. Khi Đấng làm đầu những người chăn hiện ra, các anh chị em sẽ được mão vinh quang, chẳng hề tàn héo.” (I Phi-e-rơ 5:2-4).

Người chăn bầy chân thật luôn sẵn lòng vì bầy chiên mà hy sinh phương tiện sống và chính mạng sống của mình, theo gương của Đức Chúa Jesus Christ.

Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời không phải là những nhóm người trong các tổ chức giáo hội, dù trong các giáo hội có mặt những con dân chân thật của Chúa. Chính vì thế mà con dân chân thật của Chúa sinh hoạt trong các giáo hội, thường bị những người chăn thuê trong các giáo hội cho ăn những thức ăn thuộc linh không hoàn toàn đến từ Lời Chúa. Đó là những thức ăn thuộc linh pha trộn Lời Chúa với triết học, với văn hóa của thế gian, thậm chí với các sự mê tín dị đoan của các ngoại giáo.

Ngày nay, tư tưởng Thần học cho rằng “đồng tính luyến ái không phải là tội lỗi mà là một chứng bệnh”, đã lan truyền sâu rộng trong các giáo hội, đến nỗi, các giáo hội lớn đã phong chức chăn bầy và giám mục cho những người công khai sống đồng tính luyến ái! Ngày nay, tư tưởng Thần học cho rằng, Thánh Kinh không hoàn toàn là Lời của Đức Chúa Trời, cũng đã xâm nhập sâu rộng trong các giáo hội, đến nỗi họ phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và phủ nhận thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh. Ngày nay, tư tưởng thần học “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn, cho dù người được cứu vẫn sống trong tội lỗi”, đã làm sai lạc sự hiểu biết của hàng tỉ người về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và đưa dắt họ đi vào trong sự hư mất đời đời! Những kẻ chăn thuê trong các giáo hội đã nghiễm nhiên trở thành công cụ đắc lực của Sa-tan trong sự cắn nuốt bầy chiên của Chúa! Dĩ nhiên các giáo hội và những kẻ đó sẽ chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời; nhưng tất cả những ai nghe theo sự giảng dạy của họ cũng phải tự chịu trách nhiệm về chính mình, vì đã không dựa vào Lời Chúa để phân biệt và tránh xa các giáo sư giả, tiên tri giả theo mệnh lệnh của Chúa (Ma-thi-ơ 7:15-23). Những ai có cuốn Thánh Kinh trong tay sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình tin! Vì thế, con dân Chúa hãy đối chiếu tất cả mọi sự giảng dạy với Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11) và là thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống của người theo Chúa (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Nhận Diện Người Chăn

Như đã trình bày trên đây, người chăn bầy chân thật của Chúa không phải là người được các giáo hội huấn luyện, công nhận, phong chức, và trả lương. Hội Thánh của Chúa cũng không phải là những tổ chức nhóm họp trong các giáo hội. Hễ nơi nào có những người thật lòng tin nhận Chúa và sống theo Lời Chúa nhóm họp lại với nhau, thì đó là sự nhóm họp của Hội Thánh. Trong những buổi nhóm họp đó, Chúa sẽ dùng một hay nhiều người giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh. Đó là các trưởng lão trong Hội Thánh. Trong các trưởng lão đó, sẽ có người được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về các trưởng lão trong chương kế tiếp.

Nếu Hội Thánh hoàn toàn vâng phục Chúa, sống theo Lời Chúa, thì chính Đức Thánh Linh sẽ tỏ ra cho Hội Thánh biết, ai là người được Chúa ban cho chức vụ chăn bầy tại một Hội Thánh địa phương. Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-3 là trường hợp điển hình cho chúng ta biết, nếu Hội Thánh sống đẹp ý Chúa, thì sẽ nghe được sự phán dạy của Đức Thánh Linh về các chức vụ trong Hội Thánh. Riêng bản thân của người được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy, hoặc bất cứ chức vụ nào, cũng tự biết Chúa đã chọn mình, biệt riêng mình cho chức vụ. Người ấy có thể mạnh mẽ nói như Phao-lô rằng:

“Nhưng khi Đức Chúa Trời đẹp lòng, Ngài đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, gọi tôi bởi ân điển của Ngài…” (Ga-la-ti 1:15).

Người chăn bầy chân thật của Chúa là người mạnh mẽ nói với con dân Chúa như Phao-lô đã nói:

“Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!” (I Cô-rinh-tô 11:1).

“Những sự mà các anh chị em đã học, đã nhận, đã nghe, và đã thấy trong tôi thì hãy làm. Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng các anh chị em.” (Phi-líp 4:9).

Người nào không thể nói một cách thật lòng như hai câu nói trên đây của Phao-lô, thì người ấy không phải là một người chăn bầy chân thật đến từ Chúa.

Lời Nhắn Dành Riêng cho Những Người Chăn Trong Hội Thánh Việt Nam

Những người chăn chân thật của Chúa trong Hội Thánh Việt Nam, nên bỏ đi danh xưng trịch thượng “mục sư” [4] để cùng Đức Chúa Jesus Christ mang lấy danh xưng “Người Chăn Ngay Lành”, đúng với Thánh Kinh!

Kính mời quý bạn đọc xem video hai bài giảng với tựa đề: “Người Chăn và Bầy Chiên” [5], [6], và video bài giảng: “Sự Phán Xét Người Chăn” [7].

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

07/09/2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G25: “ἀγαπάω” G25, được chuyển ngữ quốc tế thành (agapaō), phiên âm quốc tế là /ä-gä-pä’-ō/, phiên âm tiếng Việt là /a-ga-pao/.

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G26: “ἀγάπη” G26, được chuyển ngữ quốc tế thành (agapē), phiên âm quốc tế là /ä-gä’-pā/, phiên âm tiếng Việt là /a-ga-pê/.

[3] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G5368: “φιλέω” G5368, được chuyển ngữ quốc tế thành (phileō), phiên âm quốc tế là /fē-le’-ō/, phiên âm tiếng Việt là /phi-lê-ô/.

[4] “Danh Xưng Mục Sư và Reverend”: https://timhieuthanhkinh.com/?p=71

[5] Phần 1: http://www.youtube.com/watch?v=Fe1kufZiZvg

[6] Phần 2: http://www.youtube.com/watch?v=7rU8o37PjJ4

[7] http://www.youtube.com/watch?v=uktrDXbPzVc

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: