Hội Thánh: 07 Chức Vụ Trưởng Lão

6,948 views

Hội Thánh: 07 Chức Vụ Trưởng Lão

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

Thánh Kinh Tân Ước có khi dùng các danh từ “trưởng lão”, “giám mục” và “người chăn” tương tự nhau, mặc dù mỗi từ ngữ có một nghĩa riêng.

Ê-phê-sô 4:11 cho biết chức vụ chăn bầy được Chúa ban cho một số người:

“Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy…”

Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28 cho biết trưởng lão tức là giám mục và có nhiệm vụ chăn Hội Thánh của Chúa:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.”


I Phi-e-rơ 5:1-3 cho biết trưởng lão là người chăn bầy:

“Tôi gửi lời khuyên này cho các trưởng lão trong các anh chị em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ và cũng có phần về sự vinh quang sẽ hiện ra. Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa vòng các anh chị em. Hãy chăm sóc chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng; chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng; chẳng phải như hành xử quyền cai trị cơ nghiệp nhưng để làm gương tốt cho bầy.”

Tít 1:6-7 cho biết trưởng lão tức là giám mục có nhiệm vụ quản lý Hội Thánh của Chúa:

“Người nào cũng phải không chỗ trách được; chồng của một vợ; có con cái trung tín, không bị cáo là phóng đãng hoặc ngỗ nghịch. Vì người giám mục như quản gia của Thiên Chúa thì phải không chỗ trách được; chẳng nên: tự đắc, dễ giận, say rượu, hay tranh cạnh, tham lợi…”

Trong chương này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và so sánh ý nghĩa của các từ ngữ: “trưởng lão”, “giám mục” và “người chăn”.

Trưởng Lão

Nguyên ngữ Hy-lạp là “πρεσβύτερος”, /prét-bú-tơ-ro/ [1] được dùng để gọi người lớn tuổi, đứng đầu trong gia đình, gia tộc, hoặc bộ tộc; khi được dùng trong Hội Thánh thì có nghĩa là người có nhiều kinh nghiệm trong đức tin, trong sự hiểu biết Lời Chúa.

Trong Thời Cựu Ước, trước khi được Đức Chúa Trời dẫn ra khỏi xứ Ai-cập, dân I-sơ-ra-ên sống theo chế độ bộ tộc, đứng đầu là các tộc trưởng. Các tộc trưởng là những người lớn tuổi, khôn sáng, có uy tín được chọn ra từ trong mỗi gia tộc, Thánh Kinh gọi họ là các trưởng lão (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:16).

Sau khi ra khỏi xứ Ai-cập, dân I-sơ-ra-ên có một hội đồng gọi là “Các Trưởng Lão của I-sơ-ra-ên” do chính Thiên Chúa truyền lệnh cho Môi-se thiết lập. Hội Đồng Các Trưởng Lão của I-sơ-ra-ên bao gồm bảy mươi người, giúp Môi-se trong việc cai trị dân I-sơ-ra-ên theo ý Chúa:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Hãy nhóm hiệp cho Ta bảy mươi người trong bậc trưởng lão I-sơ-ra-ên, tức là những kẻ ngươi biết là trưởng lão và cai quản dân sự; hãy dẫn các người ấy đến hội mạc, đứng tại đó với ngươi. Kế đó, Ta sẽ ngự xuống, nói chuyện tại đó với ngươi; Ta sẽ lấy Thần cảm ngươi mà ban cho những người đó, để họ chịu gánh nặng về dân sự với ngươi, và ngươi không phải gánh một mình.” (Dân Số Ký 11:16-17).

Trong Thời Tân Ước, Hội Đồng Các Trưởng Lão của dân I-sơ-ra-ên được gọi là “Tòa Công Luận”.

Sau khi Hội Thánh được thành lập, các sứ đồ chỉ định các trưởng lão để cai quản và chăm sóc con dân Chúa trong các Hội Thánh tại địa phương. Công Vụ Các Sứ Đồ 14:23 ghi lại việc Phao-lô và Ba-na-ba chỉ định các trưởng lão cho Hội Thánh tại các thành Lít-trơ, I-cô-ni và An-ti-ốt. Tít 1:5-9 ghi lại lời Phao-lô dặn dò Tít về việc chỉ định các trưởng lão trong Hội Thánh tại mỗi địa phương và đưa ra tiêu chuẩn về phẩm chất của một trưởng lão.

Chúng ta có thể hiểu rằng:

  • Các trưởng lão trong Hội Thánh do Đức Thánh Linh thần cảm các sứ đồ lập nên.

  • Những Hội Thánh địa phương nào không do sứ đồ thiết lập thì Đức Thánh Linh sẽ tỏ ra cho Hội Thánh biết ai là trưởng lão của Hội Thánh; theo như cách Đức Thánh Linh đã tỏ ra cho Hội Thánh tại An-ti-ốt về việc Ngài chọn Phao-lô và Ba-na-ba làm sứ đồ cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-3). Trường hợp điển hình về một Hội Thánh địa phương không do sứ đồ thiết lập là: Tại một địa phương chưa có Hội Thánh, có người nào đó hoặc gia đình nào đó tin Chúa qua các phương tiện truyền thông chẳng hạn. Sau đó, người ấy hoặc gia đình ấy đưa dắt thêm nhiều người khác đến với Chúa, thì Hội Thánh tại địa phương đó được thành lập.

Có thể nói, hễ người nào được ơn Chúa sai đi rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh Chúa tại một địa phương, thì người ấy sẽ được Đức Thánh Linh thần cảm để nhận biết và chỉ định các trưởng lão cho Hội Thánh tại địa phương ấy. Cũng có thể, trong thời gian đầu, lúc Hội Thánh địa phương mới hình thành, Chúa sẽ dùng chính người ấy làm trưởng lão để chăm sóc Hội Thánh. Ngoài ra, không một tổ chức giáo hội nào hay là ai khác có thẩm quyền đó.

Theo I Ti-mô-thê 5:17 thì nhiệm vụ chung của các trưởng lão là cai trị Hội Thánh của Chúa. Trong các trưởng lão, Chúa sẽ chọn ra những người chăn Hội Thánh, tức là “những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý”:

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý.”

Một Hội Thánh có nhiều hay ít trưởng lão, nhiều hay ít người chăn là tùy thuộc vào tấm lòng yêu kính Chúa của Hội Thánh.

Khi đối chiếu I Ti-mô-thê 5:17-18 với Ga-la-ti 6:6 thì chúng ta thấy Hội Thánh có bổn phận cung ứng nhu cầu vật chất cho những trưởng lão kiêm nhiệm vai trò người chăn:

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý. Vì Thánh Kinh nói: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Người làm công thì đáng được tiền công của mình. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4; Lê-vi Ký 19:13]” (I Ti-mô-thê 5:17-18).

“Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy. [Được dạy về cách sống theo Lời của Chúa.]” (Ga-la-ti 6:6).

Việc chia xẻ Chúa dạy ở đây không phải là việc trả lương, mà là việc Hội Thánh cùng nhau chia xẻ các ơn phước vật chất Chúa ban với người dạy Đạo cho mình, trong tinh thần anh chị em cùng một gia đình.

Ngoài việc quản trị và giảng dạy cho Hội Thánh, một số các trưởng lão cũng là những người được ơn chữa bệnh, cứu giúp, nhận thức tinh tế các thần, nói lời khôn sáng, nói lời trí thức, nói các nhánh ngôn ngữ hoặc thông giải nhiều ngôn ngữ (I Cô-rinh-tô 12:8-10, 28).

Giám Mục

Nguyên ngữ Hy-lạp là “ἐπίσκοπος”, /ê-pít-ko-pót/ [2] có nghĩa là người cai trị sự làm việc của những người khác, cùng nghĩa với chữ giám đốc hay giám thị trong tiếng Hán Việt. Khi được dùng trong Thánh Kinh thì ἐπίσκοπος có nghĩa là người cai trị sinh hoạt của Hội Thánh tại một địa phương. Trong tiếng Hán Việt: “giám” là trông chừng, xem xét; “mục” là chăn dắt; “giám mục” là người trông chừng, xem xét, và chăn dắt con dân của Chúa. Danh xưng giám mục dành cho những trưởng lão chuyên về công việc điều hành các sinh hoạt của Hội Thánh.

Người Chăn

Nguyên ngữ Hy-lạp là “ποιμήν”, /poi-men/ [3] có nghĩa là người chăn chiên, nghĩa rộng là người chăn dắt một bầy gia súc. Nghĩa bóng là người chăm sóc Hội Thánh của Chúa qua nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh, giữ cho tà giáo không xâm nhập Hội Thánh, và thi hành kỷ luật trong Hội Thánh. Danh xưng người chăn dành cho những trưởng lão chuyên về phương diện giảng dạy và ứng dụng Lời Chúa cho Hội Thánh.

Phẩm Chất của Trưởng Lão

Thánh Kinh (Tít 1:6-9 và I Ti-mô-thê 3:1-7) quy định phẩm chất của một trưởng lão, tức giám mục, tức người chăn, phải là không chỗ trách được và liệt kê một số chi tiết để con dân Chúa biết thế nào là không chỗ trách được:

Tít 1:6-9

6 Người nào cũng phải không chỗ trách được; chồng của một vợ; có con cái trung tín, không bị cáo là phóng đãng hoặc ngỗ nghịch.

7 Vì người giám mục như quản gia của Thiên Chúa thì phải không chỗ trách được; chẳng nên: tự đắc, dễ giận, say rượu, hay tranh cạnh, tham lợi;

8 nhưng hiếu khách, yêu những sự lành, biết tự kiềm chế, công chính, thánh sạch, tự chủ,

9 giữ vững Lời thành tín theo như đã được dạy, để có thể trong giáo lý lành mà khuyên bảo và quở trách những kẻ cãi trả.

I Ti-mô-thê 3:1-7

1 Lời này là thật: Nếu người nào mong muốn chức giám mục, thì người ấy ham muốn một việc lành.

2 Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng của một vợ, tỉnh táo, biết tự kiềm chế, có nề nếp, hiếu khách, khéo dạy dỗ,

3 không say rượu, không hung bạo, không tham lợi, nhưng dịu dàng, không tranh cạnh, không tham tiền.

4 Là người khéo canh giữ nhà riêng của mình, giữ con cái của mình trong sự vâng phục với trọn lòng tôn kính.

5 Vì nếu một người không biết canh giữ nhà riêng của mình, thì làm sao người ấy sẽ chăm sóc Hội Thánh của Thiên Chúa?

6 Không phải là người mới tin, kẻo người ấy tự kiêu mà rơi vào án phạt của Ma Quỷ.

7 Ngoài ra, người ấy phải có lời chứng tốt từ những người ngoại, kẻo người ấy rơi vào sự sỉ nhục và bẫy rập của Ma Quỷ.

1. Chồng của một vợ: Hội Thánh ban đầu sống trong bối cảnh của nền văn hóa công nhận sự đa thê. Chính Đức Chúa Trời cũng chấp nhận cho sự đa thê và ban hành các điều luật liên quan đến sự đa thê, vì phúc lợi của các góa phụ, các nữ tù binh, các nữ nô lệ… Tuy nhiên, trong Hội Thánh của Chúa, mọi người là anh chị em, có bổn phận yêu thương và chăm sóc lẫn nhau mà không cần có sự ràng buộc của tình vợ chồng. Vì thế, các trưởng lão trong Hội Thánh phải là chồng của một vợ để tôn cao ý nghĩa của hôn nhân từ khi sáng thế, như đã chép trong Sáng Thế Ký 2:24.

Mệnh đề “chồng của một vợ” không hàm ý trưởng lão phải là người có vợ; cũng không hàm ý trưởng lão không được ly dị, không được tái hôn; mà chỉ có nghĩa là, trưởng lão không thể cùng một lúc có nhiều vợ.

Một số giáo hội không cho phép người ly dị hoặc người tái hôn được làm trưởng lão, chấp sự, hoặc người giảng dạy Lời Chúa trong giáo hội của họ. Thánh Kinh không hề đặt ra những cấm lệnh này.

Việc ly dị và tái hôn của một người trước khi tin nhận Chúa có thể không đúng với Thánh Kinh và là tội lỗi. Nhưng nếu sau khi người ấy tin nhận Chúa và sống đúng theo Lời Chúa, thì mọi tội đã được tha. Không ai có thể đem quá khứ tội lỗi của một người trước khi người ấy đầu phục Chúa, để cho rằng người ấy không xứng đáng hầu việc Chúa qua các chức vụ trong Hội Thánh. Vả lại, các chức vụ trong Hội Thánh đều là do Chúa ban cho người được Chúa chọn!

Việc ly dị và tái hôn của một trưởng lão, nếu đúng với Thánh Kinh thì không ảnh hưởng gì đến chức vụ. Thí dụ: vợ ngoại tình, không ăn năn dẫn đến ly dị; vợ không tin Chúa đòi ly dị; tái hôn với một người thật lòng đầu phục Chúa.

2. Khéo canh giữ nhà riêng của mình, giữ con cái của mình trong sự vâng phục với trọn lòng tôn kính: Con cái phải tin Chúa và không buông tuồng, ngỗ nghịch: Trong trường hợp con cái ngỗ nghịch, không vâng phục, cứ sống trong tội thì phải dứt thông công theo Lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 18:15-18 và I Cô-rinh-tô 5:9-13.

3. Không tự đắc: Không cho rằng mình hay, mình giỏi hơn người khác, mà nhận biết rằng, những gì mình có thể làm được và có được là nhờ ơn Chúa.

4. Chậm giận: Dù có lý do chính đáng để giận và nên giận nhưng không để cho sự tức giận khiến cho mình phạm tội.

5. Không tranh cạnh, không hung bạo: Không cãi lẫy, không to tiếng, không hành hung để lấn áp người khác, giành phần thắng.

6. Dịu dàng: Lời nói, thái độ mềm mại phát xuất từ lòng yêu thương và cảm thông.

7. Không say rượu: Không có nghĩa là không được uống rượu mà chỉ là không được uống nhiều đến mức khiến cho bị say rượu.

8. Không tham lợi: Không có nghĩa là không thu lợi mà là luôn đặt danh Chúa và lợi ích của người khác lên hàng đầu. Nếu việc làm có lợi cho mình mà xúc phạm danh Chúa, hoặc gây cho người khác bị thiệt thòi, hoặc khiến cho người khác phạm tội thì không làm.

9. Hiếu khách: Yêu thương, giúp đỡ, tiếp rước người khác, đặc biệt là những người lỡ đường cần sự cứu giúp.

10. Yêu những sự lành: Làm bạn, giao tiếp với những người yêu kính Chúa và sống theo Lời Chúa; yêu những sự đẹp lòng Chúa.

11. Biết tự kiềm chế: Dè dặt, có chừng mực trong mọi sự.

12. Công chính: Luôn nương cậy nơi sự cứu rỗi của Chúa; khi phạm lỗi, lập tức ăn năn xưng tội. Không tây vị.

13. Thánh sạch: Không dính dấp đến hình tượng, mê tín dị đoan, tà giáo. Không nuôi dưỡng những ý nghĩ tội lỗi.

14. Tự chủ: Không để cho một sự ham muốn nào làm chủ mình.

15. Tỉnh táo: Bình tĩnh, sáng suốt, và quyết đoán trong mọi sự.

16. Nề nếp: Khoan thai, trật tự, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, đúng giờ.

17. Giữ vững Lời thành tín: Tức là luôn sống đúng theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Ngày nay, nhiều người mang chức vụ chăn bầy nhưng đang dạy cho con dân Chúa thờ phượng Chúa và rao giảng Tin Lành theo truyền thống của các giáo hội, thay vì theo Lời thành tín của Đức Chúa Trời.

18. Khéo dạy dỗ, trong giáo lý lành mà khuyên bảo và quở trách những kẻ cãi trả: Có sự hiểu biết Lời Chúa cách sâu nhiệm; biết cách hướng dẫn người khác áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống và biết cách đáp trả những sự bắt lý của những kẻ chống trả lẽ thật của Lời Chúa.

19. Không phải là người mới tin Chúa: Thánh Kinh không xác định một người tin Chúa trong bao lâu thì không còn là mới. Từ ngữ “mới” trong nguyên ngữ có nghĩa là “mới trồng”, như cây mới được trồng xuống đất, rễ chưa bám sâu và vững. Thiết nghĩ, một người đã đọc trọn Thánh Kinh và hiểu rõ các giáo lý căn bản của Thánh Kinh, trải qua vài lần thử thách trong đức tin, đã đưa dắt người khác đến với Chúa, thì đã qua thời kỳ “mới tin”.

20. Có lời chứng tốt từ những người ngoại: Dĩ nhiên, bình thường thì người ngoại khó mà nói tốt về người trong Chúa. Tuy nhiên, nếp sống công chính theo Thánh Kinh của người trong Chúa sẽ khiến cho người ngoại phải công nhận trái của Đức Thánh Linh trong đời sống của con dân Chúa.

Sự Kỷ Luật Trưởng Lão Phạm Tội

Thánh Kinh ghi lại biết bao nhiêu tấm gương của những người được ơn Chúa nhưng vẫn sa ngã, phạm tội. Từ Môi-se, Sau-lơ, Đa-vít, Sa-lô-môn, cho đến Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Phi-e-rơ! Cuộc sống của chúng ta trong Chúa, đang khi còn ở trong thân thể xác thịt này, là một cuộc chiến thuộc linh, mà nếu chúng ta không cẩn thận trang bị cho mình các thứ vũ khí của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:10-18) và tận dụng chúng, thì chúng ta sẽ thất bại.

Trưởng Lão vẫn có thể phạm tội và phạm tội cách nghiêm trọng. Có ba thứ cám dỗ đứng đầu, đó là: kiêu ngạo, tham lam, và tà dâm! Nếu không tỉnh thức, cậy ơn Chúa để giữ mình thì trưởng lão sẽ sa ngã, phạm tội. Khi trong Hội Thánh có trưởng lão phạm tội thì bất cứ ai cũng có thể lên tiếng cáo buộc, nhưng phải có chứng cớ rõ ràng. Người có lỗi phải bị quở trách công khai trước Hội Thánh, để làm gương:

“Đừng nhận lời cáo buộc một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng. Những kẻ phạm tội, con hãy quở trách họ trước mọi người, để những người khác cũng sợ.” (I Ti-mô-thê 5:19-20).

Trưởng lão phạm tội và thật lòng ăn năn sẽ được Chúa và Hội Thánh tha thứ; nhưng tùy theo sự phạm tội, có thể sẽ không còn ở trong chức vụ cai trị hoặc giảng dạy trong Hội Thánh.

Một Sự Ưa Muốn Tốt Lành

Sự ưa muốn làm trưởng lão giữ việc quản trị Hội Thánh là một sự ưa muốn tốt lành. Chính Đức Thánh Linh ban ân tứ quản trị cho một số người (I Cô-rinh-tô 12:28). Vì thế, hễ ai có ơn trong sự quản trị thì cũng nên có lòng ưa muốn làm trưởng lão trong Hội Thánh. Sự ưa muốn này không phải là để được Hội Thánh trọng vọng, tôn xưng bằng các chức danh… mà là sự ưa muốn tận sức mình, đem ân tứ Chúa ban ra để làm những điều tốt đẹp cho Hội Thánh của Chúa.

Trưởng Lão, Giám Mục, Người Chăn Trong Các Giáo Hội

Ngày nay, các giáo hội mang danh Chúa sử dụng các danh xưng “trưởng lão”, “giám mục” và “người chăn” như sau:

1. Trưởng lão: Một số giáo hội không có trưởng lão. Một số giáo hội quy định cho chức vụ trưởng lão công việc điều hành một hội chúng địa phương của giáo hội. Một số giáo hội phân chia trưởng lão thành hai chức năng: chức năng giảng dạy và chức năng điều hành. Nghĩa là, có những trưởng lão chuyên về việc giảng dạy và có những trưởng lão chuyên về việc điều hành.

2. Giám mục: Một số giáo hội không có giám mục. Một số giáo hội quy định cho chức vụ giám mục công việc cầm quyền trên các người chăn của các hội chúng địa phương trong cùng một thành phố. Lại có chức vụ tổng giám mục cầm quyền trên các giám mục trong một địa phận. Có giáo hội xem chức giám mục như là lãnh đạo cao nhất của giáo hội, tương đương với chức giáo hoàng, tổng hội trưởng, hoặc giáo hạt trưởng của các giáo hội khác. Có giáo hội phong chức giám mục cho những người ở trong ban điều hành cấp cao nhất của giáo hội.

3. Người chăn: Hầu hết các giáo hội đều phong chức chăn bầy (pastor) cho người chuyên về công việc giảng dạy Thánh Kinh trong một hội chúng địa phương. Các giáo hội Tin Lành của người Hoa và người Việt thì dùng danh xưng “mục sư”. Riêng một vài giáo hội Tin Lành của người Việt thì có thêm chức vụ “truyền đạo” hoặc “mục sư nhiệm chức” dành cho những người mới được giáo hội giao cho nhiệm vụ giảng dạy. Sau vài năm, các truyền đạo hoặc mục sư nhiệm chức sẽ được giáo hội khảo hạch để phong chức mục sư.

Kết Luận

Theo Thánh Kinh, trưởng lão là người có phẩm chất thánh thiện, gương mẫu trong Chúa, có trách nhiệm trong việc chăm sóc giảng dạy cho con dân Chúa hoặc điều hành các sinh hoạt trong Hội Thánh tại một địa phương.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ, đã gọi Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Chăn Chiên và Đấng Giám Mục của linh hồn của con dân Chúa:

“Vì các anh chị em vốn như những con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Đấng Giám Mục của linh hồn các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 2:25).

Vì thế, thẩm quyền và nhiệm vụ của trưởng lão chính là thẩm quyền và nhiệm vụ của Đức Chúa Jesus Christ đối với Hội Thánh.

Bên cạnh các trưởng lão với thẩm quyền giám mục và nhiệm vụ chăn bầy chỉ dành riêng cho phái nam, vẫn có các trưởng lão phụ nữ, là những người không giữ quyền cai trị trong Hội Thánh, không làm nhiệm vụ chăn dắt toàn Hội Thánh, nhưng được ơn Chúa để dạy dỗ và chăn dắt các phụ nữ:

“Những đàn bà lớn tuổi cũng vậy. Hãy nên thánh trong tư cách, đừng vu khống, đừng nô lệ cho sự uống quá nhiều rượu. Hãy làm người dạy những sự lành, để khuyên bảo những đàn bà trẻ tuổi: Hãy yêu chồng con của mình. Hãy biết tự kiềm chế, hiếu khách, trông nom việc nhà, tốt lành. Hãy vâng phục chồng mình để cho Lời của Đức Chúa Trời không bị phạm thượng.” (Tít 2:3-5).

Các trưởng lão phụ nữ đó, chính là những người được Chúa ban ơn cho trong việc cầu nguyện và nói tiên tri trong Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 11:5). Cũng có người được Chúa dùng để giãi bày Đạo Chúa cách kĩ càng cho những người nam được Chúa giao cho chức vụ giảng dạy; như Bê-rít-sin đã giãi bày cho A-bô-lô:

“Nhưng có một người Do-thái tên là A-bô-lô, được sinh ra tại thành A-léc-xan-tri, là một người khéo nói và giỏi về Thánh Kinh, đến thành Ê-phê-sô. Người này đã được dạy dỗ về đường lối của Chúa và nóng cháy trong tâm thần. Ông nói và dạy đúng những điều thuộc về Chúa, chỉ biết phép báp-tem của Giăng. Ông cũng bắt đầu nói cách dạn dĩ trong nhà hội. Khi A-qui-la và Bê-rít-sin nghe ông thì đem ông về với họ và giãi bày cho ông cách chính xác hơn về đường lối của Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-26).

Từ ngữ “giãi bày” trong câu 26 được dùng với hình thức số nhiều, cho biết, cả Bê-rít-sin và A-qui-la cùng “giãi bày” Đạo cho A-bô-lô. Từ ngữ “Đạo” trong nguyên ngữ là “đường lối”.

Điều quan trọng mà mỗi con dân Chúa cần ghi nhớ là, cho dù chúng ta không chính thức mang chức vụ trưởng lão trong Hội Thánh, nhưng nếu chúng ta cậy ơn Chúa, hết lòng chăm sóc, dẫn dắt, dạy bảo một ai đó trong Hội Thánh, thì chúng ta chính là trưởng lão của riêng người ấy.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

14/09/2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G4245 G4245, được chuyển ngữ quốc tế thành (presbyteros), phiên âm quốc tế là /pres-bü’-te-ros/, phiên âm tiếng Việt là /prét-bú-tơ-ro/.

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1985 G1985, được chuyển ngữ quốc tế thành (episkopos), phiên âm quốc tế là /e-pē’-sko-pos/, phiên âm tiếng Việt là /ê-pít-ko-pót/.

[3] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G4166 G4166, được chuyển ngữ quốc tế thành (poimēn), phiên âm quốc tế là /poi-mā’n/, phiên âm tiếng Việt là /poi-men/.

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: