Hội Thánh: 14 Lễ Tiệc Thánh

7,128 views

Hội Thánh: 14 Lễ Tiệc Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

Từ ngữ “Tiệc Thánh” không có trong Thánh Kinh. Hội Thánh của Chúa trong các dân tộc khác cũng không dùng từ ngữ “Tiệc Thánh” để gọi sự kiện: con dân Chúa cùng nhau ăn bánh không men và uống nước nho để nhớ đến Đức Chúa Jesus Christ. Trong tiếng Anh thì gọi là “Bữa Ăn Tối của Chúa” (The Lord’s Supper), dựa vào I Cô-rinh-tô 11:20:

“Vậy, khi các anh chị em nhóm hiệp tại một chỗ, chẳng phải để ăn bữa ăn tối của Chúa.” (I Cô-rinh-tô 11:20).

Hoặc “Sự Thông Công Thánh” (The Holy Communion), dựa vào chữ thông công (communion) trong I Cô-rinh-tô 10:16:

“Cái chén phước lành mà chúng ta xin Chúa ban phước, chẳng phải là thông với máu của Đấng Christ sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ, chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?” (I Cô-rinh-tô 10:16).

Chữ “thông” hoặc “thông công” được dịch từ chữ “κοινωνία” của tiếng Hy-lạp, G2842, phiên âm tiếng Việt là /koi-nô-ní-a/ [1]. Chữ này có nghĩa là: sự kết hợp và dự phần trong mọi sự với một ai đó.

Chữ “tiệc” trong tiếng Việt được dùng để chỉ về một bữa ăn có nhiều món ngon và có đông người dự. Khi chữ “tiệc” được kết hợp với chữ “thánh” thành “Tiệc Thánh” thì ý nghĩa của chữ “tiệc” đã biến thành: bữa ăn chung thiêng liêng. Vậy, “Tiệc Thánh” là bữa ăn chung thiêng liêng của Hội Thánh, để con dân Chúa cùng nhau nhớ đến Chúa.

Thánh Kinh nguyên ngữ tiếng Hy-lạp nói đến “Tiệc Thánh” bằng từ ngữ “sự bẻ bánh”:

“Họ đã siêng suốt vâng giữ giáo lý của các sứ đồ, sự thông công, sự bẻ bánh, và sự cầu nguyện.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42).

Một số nhà giải kinh cho rằng, từ ngữ “sự bẻ bánh” được dùng trong câu Thánh Kinh trên đây, là chỉ về sự ăn uống bình thường, tương đương với từ ngữ “ăn cơm” trong tiếng Việt. Đúng là trong văn hóa của người I-sơ-ra-ên, từ ngữ “sự bẻ bánh” có nghĩa là sự ăn một bữa ăn bình thường. Tuy nhiên, khi xét theo văn mạch, thì chúng ta thấy rõ, từ ngữ “sự bẻ bánh” được dùng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42 là chỉ về sự Hội Thánh cùng nhau ăn bánh không men và uống nước nho để nhớ đến Chúa, theo lời dạy của Ngài. Phân tích câu văn, chúng ta thấy:

Họ (khoảng ba ngàn người mới tin nhận Chúa):

  • siêng suốt vâng giữ giáo lý của các sứ đồ,
  • siêng suốt giữ sự thông công với nhau,
  • siêng suốt dự Tiệc Thánh,
  • siêng suốt cầu nguyện.

Rõ ràng, từ ngữ “sự bẻ bánh” được dùng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42 không có nghĩa là: “siêng suốt ăn cơm!”

Nguồn Gốc Lễ Tiệc Thánh

Lễ Tiệc Thánh do chính Đức Chúa Jesus Christ thiết lập trong đêm Ngài bị bắt, trong khi Ngài và các sứ đồ ăn bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua. Lúc ấy, nhằm vào buổi tối Thứ Tư, ngày 9 tháng 4, năm 27 theo Lịch Julian (nhằm ngày 14 tháng Nisan năm 3787, theo Lịch Do-thái) [2], [3]. Những câu Thánh Kinh dưới đây, cho chúng ta biết thời điểm Chúa thiết lập Lễ Tiệc Thánh:

Ma-thi-ơ 26:26-29

26 Khi họ đang ăn, Đức Chúa Jesus lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra, đưa cho các môn đồ, phán rằng: Hãy lấy và ăn! Này là thân thể Ta!

27 Ngài lại lấy chén, tạ ơn, rồi đưa cho họ, phán rằng: Hết thảy các ngươi hãy uống đi!

28 Vì đây là máu của Ta, của giao ước mới, đổ ra cho nhiều người về sự tha thứ những tội lỗi.

29 Ta phán với các ngươi, từ nay về sau, Ta không uống từ trái nho này nữa, cho đến ngày mà Ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong vương quốc của Cha Ta.

Mác 14:22-25

22 Khi đang ăn, Đức Chúa Jesus lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra trao cho các môn đồ, mà phán rằng: Hãy lấy, này là thân thể Ta.

23 Ngài lại cầm chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đồ, và ai nấy đều uống.

24 Ngài phán rằng: Này là máu của Ta, máu của sự giao ước đổ ra cho nhiều người.

25 Quả thật, Ta nói với các ngươi, Ta không uống từ trái nho này nữa, cho đến ngày Ta sẽ uống từ trái nho mới trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

“Kế đó, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Này là thân thể Ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều này để nhớ đến Ta. Bữa ăn tối đã xong, Ngài cũng làm như vậy với chén, phán rằng: Chén này là giao ước mới trong máu Ta, vì các ngươi mà đổ ra.” (Lu-ca 22:19-20).

“Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi cũng đã trao cho các anh chị em. Ấy là Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã lấy bánh và đã tạ ơn. Ngài đã bẻ ra và phán rằng: Các ngươi hãy nhận! Các ngươi hãy ăn! Đây là thân thể của Ta, vì các ngươi mà vỡ ra. Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối, Ngài lấy chén và phán: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; các ngươi hãy làm điều này mỗi khi các ngươi uống, để nhớ đến Ta.” (I Cô-rinh-tô 11:23-25).

Mục Đích của Lễ Tiệc Thánh

Lễ Tiệc Thánh do chính Đức Chúa Jesus Christ thiết lập với một mục đích rõ ràng: “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta” (Lu-ca 22:19; I Cô-rinh-tô 11:24). Qua lời phán của Chúa về sự bánh không men là thân thể của Chúa và nước nho là máu của Chúa, mà chúng ta hiểu rằng: Tiệc Thánh là cơ hội giúp cho con dân Chúa nhớ đến sự hy sinh của Chúa, là sự hy sinh đem lại sự tha tội và sự làm cho sạch tội cho những ai tin nhận Ngài. Chính vì thế mà Sứ Đồ Phao-lô đã khuyên Hội Thánh:

“Nên mỗi lần các anh chị em ăn bánh này và các anh chị em uống chén này, các anh chị em hãy rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” (I Cô-rinh-tô 11:26).

Như vậy, mục đích của Lễ Tiệc Thánh là để con dân Chúa nhớ đến sự hy sinh của Chúa trên thập tự giá và thể hiện sự nhớ đó ra thành hành động rao truyền sự chết của Ngài. Rao truyền sự chết của Chúa không phải chỉ nói rằng, Chúa đã bị đóng đinh và bị chết trên thập tự giá, mà còn là nói lên mục đích và ý nghĩa của sự chết của Chúa:

  • Tấm bánh không men bị bẻ ra, chia cho nhiều người, tiêu biểu cho thân thể vô tội của Chúa đã bị vỡ ra để làm sinh tế chuộc tội cho nhiều người. Tội lỗi phải bị hình phạt và Đức Chúa Trời đã hình phạt tội lỗi của toàn thể nhân loại trên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ. Người tiếp nhận mảnh bánh không men và ăn là người công khai tuyên xưng, người ấy đã tiếp nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
  • Chén nước nho được trao cho nhiều người uống, tiêu biểu cho máu vô tội của Chúa đã đổ ra để rửa sạch tội cho nhân loại, đồng thời cam kết quyền làm con của Đức Chúa Trời được ban cho những ai tin nhận sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Người tiếp nhận chén nước nho và uống là người công khai tuyên xưng, người ấy thật sự ăn năn tội, tiếp nhận sự thánh hóa bởi máu của Đức Chúa Jesus Christ, và tiếp nhận địa vị làm con của Đức Chúa Trời.

Ai Không Được Dự Tiệc Thánh?

Một số giáo hội không cho phép những người chưa được báp-tem bằng nước dự Tiệc Thánh. Vì lý do đó, trẻ con trong các giáo hội đó cũng không được dự Tiệc Thánh. Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét Lời của Chúa thì chúng ta thấy Lời Chúa dạy rằng:

“Nhưng Đức Chúa Jesus phán: Hãy để yên những con trẻ, đừng ngăn cấm chúng nó đến với Ta! Vì Vương Quốc Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Ma-thi-ơ 19:14).

“Nhưng Đức Chúa Jesus thấy vậy, thì không vui mà phán với họ: Hãy để yên những con trẻ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng nó! Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mác 10:14).

“Nhưng Đức Chúa Jesus gọi họ và phán: Hãy để yên những con trẻ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng nó; vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Lu-ca 18:16).

Nếu chính Đức Chúa Jesus đã quở trách những người ngăn cản trẻ con đến cùng Chúa thì ai dám ngăn cản không cho trẻ con nhớ đến Chúa qua sự dự Tiệc Thánh? Chúng ta cần dạy cho trẻ con trong Hội Thánh biết ý nghĩa của Tiệc Thánh và để cho chúng tự do dự Tiệc Thánh.

Đối với người lớn thì chỉ cần họ xưng nhận đức tin nơi Chúa, dù chưa kịp chịu báp-tem, thì họ cũng có quyền dự Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh đặt ra điều kiện, một người phải chịu báp-tem rồi mới được dự Tiệc Thánh.

Thực tế, chỉ có những ai không tin nhận sự chuộc tội của Chúa hoặc những ai đã tin nhận rồi mà vẫn đang sống trong tội hay trong lòng đang hướng về sự phạm tội, thì mới không nên dự Tiệc Thánh. Vì những người như thế mà dự Tiệc Thánh, thì sẽ bị Chúa hình phạt:

I Cô-rinh-tô 11:27-32

27 Vậy, ai ăn bánh này hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân thể và máu của Chúa.

28 Nhưng mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh ấy và uống chén ấy.

29 Vì người nào ăn và uống cách không xứng đáng, không phân biệt thân thể của Chúa, thì người ấy ăn và uống sự hình phạt cho mình.

30 Bởi cớ đó, trong các anh chị em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!

31 Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét.

32 Nhưng bởi những sự phán xét của Chúa mà chúng ta bị sửa phạt, để chúng ta không bị định tội với thế gian.

Lễ Nghi Tiệc Thánh

Thánh Kinh không quy định bao lâu thì con dân Chúa dự Tiệc Thánh một lần. Nhưng bởi mục đích của Tiệc Thánh mà chúng ta có thể dự Tiệc Thánh bất kỳ lúc nào. Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 2:46 thì Hội Thánh ban đầu dự Tiệc Thánh mỗi ngày. Ngày nay, chúng ta cũng có thể dự Tiệc Thánh mỗi ngày để nhớ đến Chúa!

Cũng theo Thánh Kinh, trong Hội Thánh lúc ban đầu, Tiệc Thánh được kết hợp với bữa ăn tối. I Cô-rinh-tô 11:20-22 cho chúng ta biết như vậy:

“Vậy, khi các anh chị em nhóm hiệp tại một chỗ, chẳng phải để ăn bữa ăn tối của Chúa. Vì trong sự ăn, mỗi người ăn trước người khác bữa ăn tối cho mình. Nên người thì thật chịu đói, còn kẻ thì say sưa. Sao vậy? Các anh chị em chẳng có nhà để ăn và uống sao? Hay là các anh chị em khinh bỉ Hội Thánh của Đức Chúa Trời, làm cho những người không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói gì với các anh chị em? Có nên khen các anh chị em trong việc này? Tôi chẳng khen đâu.”

Dựa trên ý nghĩa và mục đích của Tiệc Thánh, con dân Chúa có thể dự Tiệc Thánh một cách tiêu biểu, bằng cách chia nhau một mẩu bánh không men và một ly nước nho.

Thánh Kinh không quy định nghi thức đặc biệt nào cho Tiệc Thánh, ngoài việc: lấy bánh không men, tạ ơn rồi bẻ ra, phát cho nhau ăn; lấy chén nước nho, tạ ơn, rồi trao cho nhau uống.

Ngày nay, chúng ta có thể nhồi bột không pha men, cán mỏng, đem hấp hoặc nướng để làm bánh không men cho Tiệc Thánh. Chúng ta dùng nước nho là chất nước được ép từ trái nho, chưa lên men, chứ không dùng rượu nho. Các loại nước nho nguyên chất đóng sẵn trong chai hay hộp đều có thể dùng cho Tiệc Thánh.

Sự kiện dùng rượu nho cho Tiệc Thánh và ngay cả dùng rượu nho trong bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua là không đúng với Thánh Kinh. Vì rượu nho là nước nho lên men. Ngay trong ngày Lễ Vượt Qua, người I-sơ-ra-ên đã phải đem hết các thứ men ra khỏi nhà để suốt bảy ngày Lễ Bánh Không Men, không có chất men trong nhà (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:18-19). Trong Thánh Kinh, men tiêu biểu cho sức bành trướng mạnh mẽ (Ma-thi-ơ 13:33), mà cũng tiêu biểu cho tội lỗi (Ma-thi-ơ 16:6-12; Mác 8:15; Lu-ca 12:1; I Cô-rinh-tô 5:8).

Thánh Kinh cũng không quy định phải là người có chức vụ trong Hội Thánh mới được cử hành Tiệc Thánh. Mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6); mà một trong các công việc của thầy tế lễ là dâng của lễ và thi hành các nghi thức thờ phượng Chúa. Vì thế, bất cứ con dân Chúa nào cũng có quyền đứng ra cử hành Lễ Tiệc Thánh. Mỗi Hội Thánh địa phương nên để cho các con dân Chúa, nam cũng như nữ, được lần lượt cử hành Lễ Tiệc Thánh; để ai nấy được dự phần trong việc thực thi chức vụ thầy tế lễ trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Phụ nữ thì phải có khăn trùm đầu trong khi cầu nguyện và rao giảng, như quy định của Thánh Kinh (I Cô-rinh-tô 11:5).

Nghi thức Lễ Tiệc Thánh được đề nghị như sau:

1. Hội Thánh cùng tôn vinh Chúa một bài thánh ca về ơn cứu chuộc của Ngài.

2. Người cử hành lễ đọc Thánh Kinh trong I Cô-rinh-tô 11:23-32 để nhắc lại ý nghĩa và mục đích của Lễ Tiệc Thánh.

3. Cả Hội Thánh dành khoảng một phút để tra xét lòng mình, xưng tội với Chúa (I Cô-rinh-tô 11:28).

4. Người cử hành lễ (đã rửa tay trước đó) cầm bánh, dâng lời cầu nguyện ngắn, cảm tạ tình yêu của Đức Chúa Cha, đã ban cho thế gian Con Một của Ngài. Sau đó, bẻ bánh, trao cho các anh chị em trong Hội Thánh. Có thể bẻ bánh vào trong một cái đĩa và truyền tay cho mọi người, để ai nấy có thể nhận bánh từ đĩa. Khi mọi người đã có bánh trên tay thì người cử hành lễ lên tiếng mời mọi người cùng ăn bánh.

5. Tiếp theo, người cử hành lễ nâng ly nước nho, dâng lời cầu nguyện ngắn, cảm tạ ân điển của Đức Chúa Con, đã chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Sau đó, rót nước nho ra các ly nhỏ, truyền đi cho các anh chị em trong Hội Thánh. Sau khi ai nấy đã có nước nho trên tay, thì người cử hành lễ lên tiếng mời mọi người cùng uống nước nho.

6. Người cử hành lễ dâng lời cầu nguyện ngắn, cảm tạ Đức Thánh Linh về sự thông công và năng lực Ngài ban cho Hội Thánh, để Hội Thánh rao truyền sự chết của Đức Chúa Jesus Christ, cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ đến.

7. Hội Thánh hát một bài thánh ca tôn vinh Chúa.

Trong trường hợp con dân Chúa chỉ có một mình, thì vẫn có thể tự mình cử hành Lễ Tiệc Thánh. Con dân Chúa cũng có thể cùng nhau dự Tiệc Thánh qua điện thoại, qua Internet. Nên nhớ, mục đích chính của Lễ Tiệc Thánh là để con dân Chúa cùng nhau nhớ đến Chúa, nhớ đến sự hy sinh chuộc tội của Ngài, nhớ đến lời hứa về giao ước mới của Đức Chúa Trời qua sự ăn bánh không men và uống nước nho. Vì thế, ai cũng có quyền nhớ đến Chúa qua sự dự Tiệc Thánh trong mọi nơi, mọi lúc.

Các Giáo Lý về Tiệc Thánh Không Có Trong Thánh Kinh

Lời của Chúa trong Thánh Kinh đã dạy cho chúng ta biết: Tiệc Thánh là nghi lễ giúp cho con dân Chúa nhớ đến Chúa. Thánh Kinh không hề dạy rằng có sự huyền nhiệm gì trong sự dự Tiệc Thánh hay trong bánh không men và nước nho.

Khi Chúa phán về bánh không men và nước nho rằng: “Này là thân thể Ta!” và “Này là máu Ta!” thì cũng tương tự như khi Chúa phán: “Ta là cửa của chiên!” hay “Ta là gốc nho!” Nếu cửa chuồng chiên và gốc nho không biến thành Chúa thì bánh không men và nước nho cũng không biến thành thịt và máu của Chúa. Lời phán của Chúa về bánh không men và nước nho chỉ nhằm giúp cho con dân Chúa: qua hình ảnh bánh không men bị bẻ ra và chất nước nho đỏ như máu, hiểu được sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá và giao ước mới mà Ngài dùng chính máu của Ngài để cam kết cho những ai tin nhận Ngài, sẽ được hưởng địa vị làm con của Đức Chúa Trời.

Con dân Chúa cần ghi nhớ rằng:

  • Bánh không men chẳng hề biến thành thịt của Chúa và nước nho chẳng hề biến thành máu của Chúa. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy như vậy. Người Công Giáo dùng rượu nho thay vì nước nho, làm khám thờ để tôn thờ bánh không men và rượu nho như tôn thờ thân thể và máu của Chúa, cũng là một hình thức thờ thần tượng.
  • Không có sự hiện diện của Chúa trong bánh không men và nước nho (hay rượu nho).
  • Tiệc Thánh không thêm sức thuộc thể hay thuộc linh cho người dự tiệc; cũng không có công năng tha tội hoặc chữa lành tật bệnh.

Kết Luận

Lời Chúa dạy cho con dân Chúa là: “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta!” Chứ Ngài không truyền cho các trưởng lão, các chấp sự, các người chăn… rằng: “Hãy làm điều này để Hội Thánh nhớ đến Ta!” Vì thế, quyền cử hành Lễ Tiệc Thánh là chung cho mọi con dân Chúa, chứ không thuộc riêng về một người có chức vụ trong Hội Thánh.

Con dân Chúa khắp nơi cần phải quay về với lẽ thật của Lời Chúa, tự do cùng nhau cử hành Lễ Tiệc Thánh bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu, để nhớ Chúa và thờ phượng Chúa. Đừng nghe theo các sự giảng dạy không có trong Thánh Kinh của các giáo hội.

Người dự Tiệc Thánh là người công khai tuyên xưng đức tin của mình trong Chúa trước Hội Thánh. Vì thế, nếu người nào vẫn đang sống trong tội hoặc trong lòng vẫn còn hướng về sự phạm tội mà dự Tiệc Thánh, thì người ấy phạm tội gian trá và xúc phạm đến sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ hình phạt người như vậy.

Nguyện mỗi con dân Chúa luôn sống xứng đáng với tình yêu, ân điển và sự thông công từ Thiên Chúa, đã ban cho Hội Thánh của Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

02/11/2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G2842

[2] https://timhieuthanhkinh.com/?p=38

[3] https://timhieuthanhkinh.com/?p=67

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: